Về cuốn Từ điển Việt ngữ phổ thông của BS Lê Văn Thu và DS Nguyễn Hiền (kỳ 3)

Nguyễn Huệ Chi

5-2 Về hình thức trình bày, cụ thể là lời văn giải nghĩa, đọc cuốn sách đang có trên tay ta thấm thía công phu của hai tác giả bỏ vào ròng rã 12 năm. Nhiều mục từ tìm được để bổ sung đã rất quý mà ngôn từ diễn đạt gọn ghẽ, bình dị, lắm khi còn thêm chút dí dỏm. Người soạn không cốt làm văn nhưng câu văn tự đến theo yêu cầu của ngữ nghĩa. Mục từ ăn lỡ, các ông giảng: “ăn giặm thêm giữa các bữa ăn chính (nghỉ tay để ăn lỡ các bác thợ ơi)” (tr.9, cột 1). Mục từ bôi mép, giảng: “nói đùa là được ăn ít quá, không bõ dính mép” (tr.57, cột 1). Mục bắt rễ xâu chuỗi, giảng: “len lỏi vào thành phần bần cố nông (bắt rễ) để tìm thêm nhiều phần tử tích cực khác (xâu chuỗi) phục vụ cho phong trào [CCRĐ]” (tr.33, cột 2). Mục sẩy trôn, giảng: “vô ý đánh rắm mà không nhịn lại kịp” (tr.853, cột 2); …

Tuy là vậy, cũng như phần nội dung trên kia đã nêu, những “tồn tại” ở phần này cũng không phải ít, lại là những thiếu sót trong một chừng mực nào có bắt ta liên tưởng đến quan điểm phương pháp luận của người biên soạn, do chúng tập trung ở các quy tắc bất thành văn mà nhà từ điển ít khi dám coi nhẹ. 64 ví dụ dẫn ra đây (vẫn giới hạn trong vần B, có phụ thêm một số ở vần A) nhóm lại trong 6 quy tắc cốt lõi, chưa được tuân thủ đồng bộ, gây ấn tượng cộm nhất:

5-2-1 Quy tắc trốn chủ ngữ

Hai tác giả rất nhớ và sử dụng hình thức trốn chủ ngữ ở hầu hết các mục từ, nhưng thỉnh thoảng vẫn có khi quên.

– Ví dụ 1, ấy chết: “tht (thán từ) 1. từ dùng để xin lỗi (Ấy chết xin ông thứ lỗi cho sự vô ý của tôi) 2. Trách móc (Ấy chết, việc gì mà ông phải to tiếng thế!)” (tr.14, cột 1). Bỏ chữ “từ”, nếu muốn rõ hơn thì thay bằng “tổ hợp”.

– Ví dụ 2, ấy thế mà: “tht; từ dùng để chỉ điều xảy ra ngược lại một cách ngạc nhiên (tưởng rằng tiệm ăn đó đã đóng cửa vì ế, ấy thế mà nó lại phất như diều gặp gió)” (tr.14, cột 2) Thay chữ “từ” và câu văn cũng nên đảo lại: “tổ hợp đặt ở mệnh đề sau của câu dùng để chỉ sự ngạc nhiên trước điều xảy ra ngược với dự đoán”.

– Ví dụ 3, bác: “dt; … 3. từ để nói về người nào đó đã lớn tuổi (bác tài xế); 4. từ để hai người bạn đã lớn tuổi gọi nhau dưới hình thức thay cho con mình (mời bác qua tôi đánh chén chiều nay nhé!)” (tr.17, cột 2). Nghĩa 3: bỏ “từ để nói về”: “cách gọi người nào đó đã tương đối lớn tuổi”. Nghĩa 4 viết gọn: “cách những người bạn lớn tuổi gọi nhau”.

– Ví dụ 4, bìm bịp: “dt; (động) loài chim giống như quạ, thường sống quanh các bụi cỏ, và phát ra tiếng kêu “bìm bịp”, danh pháp Centropus sinensis Stephen (loại lớn) và C. benghalensis Gmelin (loại nhỏ), cả hai loài đều có thân mình dài, đầu tròn múp, mỏ to nhọn, mắt tròn, đuôi dài hơn cánh, bộ lông bìm bịp có màu đen huyền, trừ hai cánh có màu nâu đỏ” (tr.47, cột 2). Bỏ “bìm bịp có” (trốn hẳn chữ “bìm bịp”).

5-2-2 Quy tắc lời văn không được sai ngữ pháp và rườm, thừa thiếu hoặc lặp chữ.

– Ví dụ 1, bốc bải: “đt; lấy bừa bằng tay cho xong việc mặc dù có đũa hay đồ gắp (ý nói không cầu kỳ, kiểu cách)” (tr.56, cột 2). Phải thêm “thức ăn” vào sau “lấy bừa”.

– Ví dụ 2, bình cũ rượu mới: “thn; (bóng) hình thức cũ, nội dung mới, giới văn học nghệ thuật đương đại dùng các khuôn mẫu có sẵn từ thời xa xưa để lại để trước tác các tác phẩm hay nghệ phẩm của họ, để các tác phẩm hay nghệ phẩm ấy tuy mang tính chất mới, phù hợp với xu hướng đương thời nhưng vẫn không mất đi nền nếp cũ” (tr.48, cột 2). Câu rườm và trùng lặp, vượt ngoài quy tắc viết từ điển. Gợi ý câu chỉnh lý: “hình thức cũ, nội dung mới, ám chỉ một giai đoạn giao thời, hình thức chưa theo kịp nội dung, người làm văn nghệ vẫn sử dụng các khuôn mẫu có sẵn để gửi vào đó nội dung tư tưởng của thời đại mới”.

– Có khi viết ngắn vẫn bị thừa hoặc lặp chữ, nên tuy ngắn mà không thoát rườm. Ví dụ 3, bóng rổ: “dt; môn thể thao dùng tay đánh quả bóng vào rổ của đối phương, bên nào để quả bóng lọt vào lưới của mình nhiều thì bị thua” (tr.53, cột 2). Gọi là bóng rổ nhưng chữ “rổ” soi sáng cho “bóng” chưa giải thích. Một chữ sai (đánh: bóng rổ là ném chứ không đánh), hai chữ gây nhầm lẫn (rổlưới), và một chữ thừa (một chữ quả dưới). Nên sửa: “môn thể thao dùng tay ném quả bóng vào rổ đối phương là một vòng đai sắt đường kính gấp đôi quả bóng, có lưới hình ống bao xung quanh; bên nào để bóng lọt vào rổ của mình nhiều hơn thì bị thua”.

– Ví dụ 4, ẩn sĩ: “người trí thức học cao hiểu rộng nhưng không xuất sử làm quan” (tr.13, cột 1). Câu sai ngữ pháp vì dùng sai chữ xuất xử (không phải “xuất sử”). Xuất xử không phải là ra làm quan, mà “lúc ra làm quan lúc về ở ẩn”.

5-2-3 Quy tắc không lặp lại lời giải nghĩa hai lần ở những từ đồng nghĩa.

– Ví dụ 1, hai từ ềnh, ình được coi là từ đồng nghĩa, vì tra “ềnh” có đề: ck (chữ khác) “ình”. Giảng: “tt; tư thế nằm dài ra mà không đẹp mắt (nằm ềnh ra)” (tr.271, cột 2). Đến ình, lẽ ra chỉ cần nhắc: xem ềnh, là xong, nhưng vẫn có lời giảng: “tt (ck ềnh); tư thế nằm dài và đưa bụng ra (nằm ình ra)” (tr.369, cột 2). Thay vào 4 chữ “mà không đẹp mắt”, là 4 chữ khác: “và đưa bụng ra”. Vậy là vừa trùng lặp vừa có thêm bớt.

– Ví dụ 2, hai từ bỏng phỏng vốn chỉ là một từ, biến âm do cách đọc vùng miền; gặp từ này sách đều chú xem từ kia. Đến bỏng rạphỏng rạ cũng là cùng một từ hai cách đọc, nhưng lại có hai lời giảng, đều dài, giảng sau dài hơn giảng trước. Bỏng rạ: “dt; còn gọi là bệnh trái rạ hay thủy đậu, là loại bệnh do vi-rút gây ra khiến da phồng từng bọng nước nhỏ” (tr.53, cột 2). Phỏng rạ: “dt; bệnh lây do nhiễm siêu vi khuẩn varicella zoster, với việc nổi các mọng nước nhỏ trên da, nếu không điều trị kịp thời có thể gây các biến chứng nguy hiểm” (tr.761, cột 2).

– Ví dụ 3, trong sách có 2 mục từ bá láp, đặt cách xa nhau, và cũng kèm 2 lời giải. Bá láp 1: “tt; nhảm nhí tầm phào” (tr.15, cột 2). Bá láp 2: “trt; tầm bậy tầm bạ” (tr.16, cột 1).

Với cả 3 ví dụ vừa kể, nẩy sinh thắc mắc: có phải vì cẩu thả hay lý do gì mà không bỏ bớt một mục từ và dồn hai câu giảng thành một?

5-2-4 Quy tắc giải thích từ cận nghĩa không được làm mờ nghĩa, chồng nghĩa.

– Ví dụ 1, bán thuộc địa thuộc địa. So sánh nội dung hai câu không thấy khác nhiều lắm: Bán th.đ. (tr.22, cột 1): “dt (chính trị); nước bị ngoại bang thống trị và thâu lợi trong nhiều lĩnh vực quan trọng” / Th.đ. (tr.1007, cột 1): “dt; nước hoặc một phần lãnh thổ của một nước bị nước khác chiếm và cai trị (Anh quốc đã trao trả nền độc lập cho nhiều thuộc địa rất sớm)”. Thậm chí, đem hai mục từ hoán đổi cho nhau, trong tâm trí bạn đọc cũng không gây xáo trộn bao nhiêu. Chứng tỏ quy tắc giải thích từ cận nghĩa áp dụng vào sách còn lỏng lẻo, chưa chú ý đúng mức yêu cầu gia tăng nét nghĩa khu biệt trong từ cận nghĩa, bằng bổ sung ngữ nghĩa và cả phương cách diễn đạt. Giữa hai mục từ đang xét, thuộc địa ít phức tạp hơn, xin viết lại từ bán thuộc địa: “Thể chế cai trị không toàn phần của một nước áp đặt lên toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ của nước lệ thuộc, vẫn cho phép giữ nguyên chính quyền bản xứ, nhưng đưa thêm các quan chức cùng cấp bậc của nước cai trị, danh nghĩa là “sứ quan”, đến cùng coi giữ, nhằm gây ảnh hưởng chính trị và thu một phần nguồn lợi kinh tế”.

5-2-5 Quy tắc không dùng phương ngữ trong câu văn giải nghĩa.

Phương ngữ là từ địa phương, phải được giải thích trong từ điển mới thông nghĩa. Nay làm ngược lại, dùng phương ngữ giải nghĩa mục từ. Dẫn 7 ví dụ.

– Ví dụ 1, ba dẻm: “tt; tầm phào, tầm ruồng, chuyện không đâu vào đâu (chuyện ba dẻm)” (tr.15, cột 1) [“tầm ruồng” = hư thân, mất nết, bậy bạ].

– Ví dụ 2, bay bướm: “1. Trông se sua, lạ và đẹp (nét chữ bay bướm)…” (tr.30, cột 1) [“se sua” = làm dáng].

– Ví dụ 3, bợt: “dt; bờ sông (anh ngồi côi bợt câu cá)” (tr.61, cột 1) [“côi bợt” = cô đơn trên bờ].

– Ví dụ 4, bùn sình: “bùn lẫn chất thải rất dơ” (tr.63, cột 1) [“dơ” = bẩn].

– Ví dụ 5, quặc: “đt; máng lên, móc vào (quặc chiếc mũ lên móc)” (tr.782, cột 1) [“máng” = treo, móc]

– Ví dụ 6, làm một mách: “đt; chửi mắng, xài xể một chặp” (tr.429, cột 2) [“xài xể” = rầy la, mắng nhiếc]

– Ví dụ 7, bòn bon: “dt (thực); loài cây cao có lá kép lẻ, quả hình tròn với năm múi, có cơm ngọt, mọc thành chùm trên một cuống dài (trái bòn bon)” (tr.52, cột 2) [“cơm” = cùi thịt]

Câu hỏi chung: một từ điển ngữ nghĩa phổ thông có nên bắt độc giả phải tra tìm nghĩa phương ngữ trước khi tra đến mục từ cần tra cứu?

5-2-6 Quy tắc viết đúng chính tả trong câu văn giải nghĩa.

Trên mục 3 đã nêu ưu điểm của phần mục từ viết không sai chính tả sx / dgir / chtr, giới hạn ở khảo sát 6 vần S, X, D, GI, R, CH, TR. Đến đây, tiếp tục áp dụng khảo sát chính tả sx / dgir / chtr vào lời văn giải nghĩa dành cho một vần B (có liên hệ đến vần A) thì rất không ngờ, kết quả không lạc quan như trước. Xin dẫn 45 chỗ sai với chính mục từ (m.t.) trong sách (đúng ra 49, nhưng một chỗ đã phân tích ở ví dụ 4, mục 522 nên không nhắc lại, ba chỗ nữa tồn tại cả hai cách viết đúng và sai (“ăn dở” và ăn rở / “bập bừng” bập bùng / “giầm” (chèo) và dầm chèo), nên loại ra không xét).

– Ví dụ 1, áo nậu: “áo bằng vải đỏ… thường dành cho người cầm cờ hay đánh trống mặc trong các dịp rước sách cổ truyền” (tr.5, cột 2) [m.t. tr.827: rước xách]

– Ví dụ 2, áo xổ gấu: áo tang để gấu còn xổ sợi vải” (tr.5, cột 2) [m.t. tr.871: sổ gấu; sổ sợi vải]

– Ví dụ 3, ấm sứt vòi: “cái ấm bị gãy mất vòi, ý chế diễu cậu ấm con quan hư hỏng…” (tr.12, cột 1) [m.t. tr.108: chế giễu]

– Ví dụ 4, ẩn lánh: “chạy trốn đến một nơi xa để ở nhằm dấu tung tích” (tr.13, cột 1) [m.t. tr.298: giấu]

– Ví dụ 5, ấp úng: “nói không nên lời vì chưa tìm ra câu trả lời đúng hoặc vì muốn che dấu điều gì” (tr.13, cột 1) [m.t. tr.106: che giấu]

– Ví dụ 6, ba gai: “ngang bướng hay gây gỗ” (tr.15, cột 2) [m.t. tr.280: gây gổ]

– Ví dụ 7, bả lả: “chớt nhã, không nghiêm trang” (tr.17, cột 1) [m.t. tr.126: chớt nhả]

– Ví dụ 8, bãi bồi: “bãi được tạo nên do đất trôi theo giòng sông hay do cát biển tụ lại” (tr.20, cột 1) [m.t. tr.190: dòng chảy]

– Ví dụ 9, bại lộ: “bị lộ, bị phát hiện mặc dù cố giấu diếm” (tr.20, cột 1) [m.t. tr.298: giấu giếm]

– Ví dụ 10, bại sản: “cơ nghiệp tài sản mất cả (tán gia bại sản)” (tr.20, cột 1) [m.t. tr.906: táng gia bại sản]

– Ví dụ 11, bản đồ: “bản vẽ hình thế, đường của một địa phương…” (tr.23, cột 1) [m.t. tr.267: đường sá]

– Ví dụ 12, băng, nghĩa 2: “nhóm du thử du thực…” (tr.31, cột 1) [m.t. tr.193: du thủ du thực. Huình Tịnh Của Tục ngữ cổ ngữ gia ngôn: “du thủ du thực” nghĩa là ăn chơi luông tuồng]

– Ví dụ 13, bánh sơ cua (tr.25, cột 2) [m.t. tr.1255: xơ cua]

– Ví dụ 14, bặm trợn: “thích gây gỗ, thô lỗ cục cằn…” (tr.31, cột 1) [m.t. tr.280: gây gổ]

– Ví dụ 15, bắt, nghĩa 3: “buộc phải làm (bắt tay lên)…” (tr.32, cột 2) [m.t. tr.304: giơ tay]

– Ví dụ 16, bẩn, nghĩa 1: “dơ dáy, nhơ nhớp, dính bụi bậm…” (tr.34, cột 2) [m.t. tr.62: bụi bặm]

– Ví dụ 17, bẫng: “(bước) hụt, không tới (bước bẫng chân xuýt ngã)” (tr.35, cột 1) [m.t. tr.886: suýt ngã]

– Ví dụ 18, bập bùng, nghĩa 2: “(lửa cháy) mạnh và bốc cao lên từng chập” (tr.35, cột 1) [m.t. tr.1151: từng chặp]

– Ví dụ 19, bất trị: “… không còn dậy dỗ được nữa…” (tr.37, cột 1) [m.t. tr.175: dạy dỗ]

– Ví dụ 20, bẽ mặt: “ngượng ngùng, xấu hổ trước mọi người vì bị người khác xỉ nhục hay lật tẩy” (tr.39, cột 1) [m.t. tr.856: sỉ nhục]

– Ví dụ 21, bết, nghĩa 1: “dính quá nhiều (giầy bết bùn)” (tr.42, cột 1) [m.t. tr.295: giày]

– Ví dụ 22, bêu: “bày ra trước mắt mọi người để chế diễu…” (tr.42, cột 2) [m.t. tr.108: chế giễu]

– Ví dụ 23, bí quẫn: “không biểt xoay sở thế nào để thoát ra hoàn cảnh cùng cực hiện nay được” (tr.43, cột 1) [m.t. tr.1250: xoay xở]

– Ví dụ 24, biết tẩy: “biết rõ chuyện hay ý đồ mà người ta cố dấu giếm…” (tr.46, cột 1) [m.t. tr.298: giấu giếm]

– Ví dụ 25, biểu quyết: “đồng ý hay bác bỏ một đề nghị bằng cách tay…” (tr.47, cột 1) [m.t. tr.304: giơ tay]

– Ví dụ 26, bĩnh: “xón phân ra tã…” (tr.49, cột 2) [m.t. tr.865: són cứt/ són đái]

– Ví dụ 27, bó rọ: “bị gò bó, không xoay sở thoải mái được” (tr.50, cột 1) [m.t. tr.1250: xoay xở]

– Ví dụ 28, bóc trần: “lột cởi hết ra, phơi bày hết những điều che dấu…” (tr.51, cột 2) [m.t. tr.106: che giấu]

– Ví dụ 29, bom na-pan: “… bom gây cháy dữ dội bằng săng đặc” (tr.52, cột 1) [m.t. tr.1234: xăng đặc]

– Ví dụ 30, bóp cò: “dùng ngón tay chỏ bấm vào cò súng để bắn” (tr.54, cột 1) [m.t. tr.614: ngón tay trỏ/ngón trỏ]

– Ví dụ 31, bồ sứt cạp: “chê người phụ nữ to béo xồ sề” (tr.55, cột 2) [m.t. tr.871: sồ sề]

– Ví dụ 32, bổ xấp bổ ngửa (tr.56, cột 1) [m.t. tr.56: bổ xấp bổ ngửa/tr.850: sấp ngửa]

– Ví dụ 33, bồn bồn: “… lá có hình dáng giống xả…” (tr.58, cột 2) [m.t. tr.831: sả/lá sả]

– Ví dụ 34, bơ sữa bổ từ trên xuống, cuốc sẻng bổ từ dưới lên (tr.59, cột 2) [m.t. tr.1241: xẻng]

– Ví dụ 35, xờ (tr.60, cột 1) [m.t.: không có / viết đúng là bơ sờ]

– Ví dụ 36, bờm, nghĩa 2: “xổ sữa, mập béo” (tr.60, cột 2) [m.t. tr.871: sổ sữa]

– Ví dụ 37, bớn: “rác rưởi (đường đầy bùn)” (tr.61, cột 1) [m.t. tr.267: đường sá]

– Ví dụ 38, bụi đời: “lang thang bương chải để tự kiếm sống” (tr.62, cột 2) [m.t. tr.67: bươn chải]

– Ví dụ 39, bủm: “tiếng phát ra do đánh dắm…” (tr.62, cột 2) [m.t. tr.211: đánh rắm]

– Ví dụ 40, buôn nước bọt: “(như buôn hàng xách, nhưng với ý chế diễu)…” (tr.64, cột 1) [m.t. tr.108: chế giễu]

– Ví dụ 41, bưng bít: “bịt kín, giấu diếm kín” (tr.66, cột 2) [m.t. tr.298: giấu giếm]

– Ví dụ 42, bưng kín miệng bình: “giấu diếm một việc gì bằng cách không nói ra cho ai biết” (tr.66, cột 2) [m.t. tr.298: giấu giếm]

– Ví dụ 43, bưng mặt: “úp mặt vào hai bàn tay để che dấu việc khóc lóc” (tr.66, cột 2) [m.t. tr.106: che giấu]

– Ví dụ 44, bưng miệng, nghĩa 2: “đặt một bàn tay lên miệng để che dấu nụ cười chế nhạo” (tr. 66, cột 2) [m.t. tr.106: che giấu]

– Ví dụ 45, bứt đầu bứt tai: “… (bứt đầu bứt tai mãi về chuyện đã để xổng mất món hàng bở)” (tr.67, cột 2) [m.t. tr.874: sổng].

Mới chỉ vần B và một phần nhỏ vần A đã bề bộn đến tưởng như… đụng đâu gặp đấy. Thật khó lòng giải thích khi nhìn vào bảng danh mục đối sánh, cũng vẫn 45 từ ngữ sai chính tả ở lời văn giải nghĩa, ở vị trí mục từ lại tuyệt đối không sai. Sự “tréo ngoe” đập vào mắt ngay giữa hai phần liên quan khăng khít trong cùng một cuốn sách, một bên là nhân một bên là quả không thể tách rời, khiến người đọc sách cơ hồ “mất định hướng”, vừa mừng rỡ bắt gặp được “cái đúng” ở bên này đã phải sững sờ không tin vào mắt mình khi lật sang bên kia lập tức hiện ngay “cái không đúng”. Tôi đã vất vả kiếm tìm một phương án giải đáp khả dĩ hợp lý, đến nay mới tìm ra. Tìm ra mà vẫn nửa yên tâm nửa… cứ còn thấp thỏm. Phải chăng hai nhà biên khảo khởi công soạn cuốn sách với tinh thần “làm khoa học” nghiêm túc, nên từ công đoạn xác lập mục từ, cần giải quyết chính tả cho khối lượng mục từ dễ sai nhất, các ông đã để tâm tham khảo cách viết của các bộ từ điển trước mình, trong đó gần gũi thời điểm chấp bút là Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, xa hơn ít nữa thì Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ(21). Hai ông rất thành ý tiếp thu hai sách đó và nhiều từ điển khác nữa nên tỷ lệ mục từ sai sót hạn chế đến tối thiểu. Nhưng rồi đến công đoạn giải nghĩa mục từ, do phải tranh thủ làm thêm ngoài công việc chuyên môn, các ông bắt tay vào viết soạn bất kể ngày đêm theo thôi thúc của cảm hứng, cứ thế “thả lỏng dây cương” viết theo quán tính viết tiếng Việt hàng ngày, đâm ra chính tả đúng sai chẳng còn cái “thắng/phanh” nào hãm lại… Chỉ hai câu thơ của một trong hai người đặt vào trích dẫn cũng đã mách bảo với chúng ta nguồn gốc “nội tại” của hiện tượng sai chính tả dày đặc nói đây, quyết không phải là do tham khảo những sách từ điển không đáng tin cậy mà dẫn đến hậu quả: “Dẫu cho hai ngả phân ly / Còn duyên còn nợ tháng năm” (tr.142) [xá gì / sá gì].

***

Kinh nghiệm cho biết, không có cuốn sách từ điển nào biên soạn một lần mà toàn bích cả. Đối với những công trình từ điển ngôn ngữ học của một dân tộc đang mở rộng địa bàn cư trú ra thế giới thì yêu cầu phát triển tự thân của chính đối tượng sẽ sớm vượt lên thành tựu mà những sách đó ghi dấu ở từng thời điểm nhất định. Thành quả của Từ điển Việt ngữ phổ thông, rồi đây qua cọ xát với đông đảo độc giả và giám định của các nhà ngôn ngữ học, sẽ được công luận xếp đúng thứ hạng trên bậc thang giá trị. Còn những sai sót? Một mặt, nghĩ cho cùng vẫn là khó tránh, không thể tránh. Mặt khác, nhìn theo hướng tích cực, cũng là lý do mở một cơ hội mới để cùng hướng đến tương lai. Chính vì còn sai và sót, hai tác giả thế nào cũng sớm bắt tay tra soát, sửa chữa – như một phương ngữ miền Nam đang có mặt trong từ điển: “nong lòng” mà sửa. Sao cho trong vòng dăm bảy năm tới, lại sẽ có tiếp một bản in khác, mãn ý hơn. Những gì còn sai sẽ được loại bỏ, còn sót sẽ đưa vào. Đặc biệt, những mục từ mới sinh thành trên bước đường người Việt giao lưu khắp năm châu bốn biển, thế nào mà chẳng có, sẽ được lượm lặt, thâu nạp. Mới đầu là phương ngữ của một vùng miền nhỏ hẹp, trải qua nhiều giao tiếp, sàng lọc, sớm muộn chúng sẽ phổ biến, đến tay các cộng đồng nói tiếng Việt ở khắp mọi phương, từ hải ngoại truyền về hải nội, góp thêm vốn liếng vào kho tiếng Việt của hôm nay và ngày mai. Phải có chúng và dùng chúng như một thứ của ăn của để thường xuyên thì người Việt mới tiếp tục hiện hữusống còn (“Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn” – Phạm Quỳnh).

Hull, MA, USA, hoàn thành lần đầu 23.10.2023; chỉnh lý trọn vẹn ngày 30-12-2024

N.H.C.

(1) Sách in tại Đài Loan vào giữa năm 2023.

Bác sĩ Lê Văn Thu sinh năm 1945, tại huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam, đậu Bác sĩ Y khoa SG 1973. Vượt biển sang Hoa Kỳ từ 1980, tiếp tục hành nghề y từ 1984, điều hành Hội Văn hóa Lạc Việt Tacoma từ cuối thập niên 1980. Hiện cư trú tại TP Tacoma, Hoa Kỳ.

Dược sĩ Nguyễn Hiền sinh năm 1951 tại Huế, tốt nghiệp ĐH Dược khoa SG 1973. Vượt biển sang Hà Lan năm 1980, lấy tiếp bằng Dược sĩ ở Hà Lan 1987, tiếp tục hành nghề dược đồng thời làm báo, viết truyện ngắn. Hiện cư trú tại tỉnh Utrecht, Hà Lan.

(2) Người viết được tặng sách vào cuối tháng Chín năm 2023, lúc sách vừa xuất bản được hơn một tháng. Bài viết hoàn thành sau một tháng, đã gửi bản chép tay đến hai tác giả nhưng đến nay sau hơn một năm hai tháng chúng tôi mới đăng công khai trên báo chí. Nhân đây xin chân thành cảm ơn hai tác giả, đặc biệt xin cảm ơn BS Trần Văn Tích là người đầu tiên nối kết mối quan hệ giữa hai vị soạn sách với tôi, để có được bài này.

(3) Cuốn sách được biên soạn trong rất nhiều năm, ban đầu chỉ mới là Tập I của một bộ Từ điển tiếng Việt phổ thông khổ lớn gồm ba vần A, B, C, do Hoàng Phê, Trưởng phòng Ngôn ngữ học thuộc Viện Văn học chủ biên, NXB Khoa học xã hội in vào năm 1975. Về sau bổ sung dần và in đi in lại nhiều lần, đến năm 2003 là lần in thứ 9 bởi NXB Đà Nẵng, cũng là lần in hoàn thiện nhất khi GS Hoàng Phê còn sống.

(4) Xin xem: Trần Văn Tích: Từ điển tiếng Việt. Tạp chí Văn học mới (in tại California, Hoa Kỳ, phát hành hai tháng một số, ở nhiều nước từ Mỹ đến Canda, Paris, Germany), số 27 (năm thứ VI); tháng 10.2023; tr.26-38.

(5) Cá nhân tôi, ngay khi viết bài này vẫn đinh ninh từ dây rợ xác đáng hơn dây dợ, vì thành tố “dợ” là phần láy không có nghĩa, trong khi “rợ” cũng như “nhợ” nghĩa là dây. Nhưng khảo sát từ điển Taberd (1838), Huình Tịnh Của (1895), Génibrel (1898), đều có dây nhợ mà không có dây rợ. Đến Khai trí Tiến đức (1931), Lê Văn Đức (1970), không có cả dây nhợdây rợ. Đến Hoàng Phê (2003) không có dây nhợdây rợ mà có dây dợ. Hoàng Phê đã chọn từ theo tỷ lệ trên sách vở báo chí dựa vào 3 triệu 30 nghìn phiếu điều tra suốt thế kỷ XX, mà không có dây rợ. Bởi vậy đành phải gạt bỏ định kiến cũ trong tiềm thức của mình, chấp nhận dây dợ.

(6) Do đếm một lần nên có thể có sai số nhưng chắc không nhiều.

(7) a. Trong cả 6 vần S, X, D, R, CH, TR có 160 mục, tạm xếp vào hai loại phương ngữ từ cổ, rất ít gặp hoặc chưa bao giờ gặp ở đâu, không có từ viết chuẩn để so sánh, nên không thể xem là viết sai chính tả: “sồng sềnh”, “xắc xói”, “xăn xéo”, “xăng bồng”, “xăng văng”, “xăng việc”, “xăng xít”, “xằng xịu”, “xắp xanh”, “xắp thời”, “xâm việt”, “xâm xoàng”, “xấm xuất”, “xân xẩn”, “xấn vấn”, “xẩn bẩn”, “xẩn vẩn”, “xấp xải”, “xập lết”, “xập xám”, “xập xỏa”, xấu xỉnh”, “xẩu mình”, “xây bồ bồ”, “xây chầu”, “xây chừng”, “xây dùng”, “xây-lũ-cố”, “xây mâm trầu”, “xây trầu”, “xé pho”, “xé tét”, “xé tẹt”, “xẽo”, “xềm xệp”, “xến”, “xển”, “xển lưng”, “xện”, “xếnh xáng”, “xếp tó”, “xếu xáo”, “xếu xệu”, “xều”, “xệu xạo”, “xi kên”, “xi mên”, “xí xái”, “xì dách”, “xì đùng”, “xì thẩu”, “xì xằng”, “xì xò”, “xì xục”, “xỉ lãnh”, “xỉ lô”, “xỉ luân”, “xỉ thống”, “xìa bỉu”, “xích hầu”, “xích lỵ”, xích phê”, “xích thân” “xích trục”, “xiêm lo”, “xiên xáo”, “xiển cứu”, “xiển u”, “xim”, “xính xái”, “xịp”, “xíu bè”, “xìu xìu ển ển”, “xỉu xỉu”, “xo lo”, “xo xe”, “xò ke”, “xò trân”, “xò xè”, “xỏ lụi”, “xỏ mé”, “xõ”, “xọ”, “xoa mị”, “xoác”, “xoải”, “xoạng”, “xoi xoi”, “xom”, “xon xón”, “xon xỏn”, “xong cảy”, “xong xạy”, “xong xóng”, “xong xỏng”, “xốc xả”, “xốc xổ”, “xốc xốc”, “xổn xảng”, “xộp xạp”, “xơ vơ xính vính”, “xơ vơ xửng vửng”, xở việc”, “xở xuất”, “xơm”, xờm”, “xờm xợp”, “xởm”, “xơn”, “xớn”, “xởn”, xởn đầu”, “xợt”, “xu não”, “xu phong”, “xu trục”, “xú xí”, “xủ”, “xủ phụ”, “xủ tiết”, “xủ quẻ”, “xũ”, “xụ xợp”, “xuẩn bát”, “xuẩn tài”, “xuẩn vật”, xuất mộc”, “xuất nhân”, “xuất phẩm”, “xuất sản”, “xuất sở”, “xuất tiến”, “xúc hứng”, “xúc ngôn”, “xúc mục”, “xúc ngôn”, “xúc tất”, “xuê”, “xuê xang”, “xủi xủi”, “xủn”, “xung phạm”, “xung quyết”, “xuộc”, “xuôi câu”, “xuôi cò”, “xuôi rót”, “xuống nái”, “xuyên tư”, “xuyên tỵ”, “xuyên xà”, “xuyết âm”, “xuýt nợ”, “xứ đế”, “xử vị”, “xưng bao”, “xưng cử”, “xứng xái”, “xừng”, “xười”. b. Lại có 27 từ sai chính tả được trình ra theo cách mở ngoặc viết thêm từ chuẩn chính tả ngay bên cạnh (từ chuẩn chính tả cũng có mặt đầy đủ trong sách dưới dạng mục từ). Có thể hiểu không phải tác giả viết sai, trái lại hai ông xem như đây là những phương ngữ mình bắt gặp đó đây và thu nạp vào sách: “chèm nhèm” (kèm nhèm), “diệu võ dương oai” (diễu võ dương oai), “rào rạu” (rào giậu), “rấn thân” (dấn thân), “rẫy chết” (giẫy chết), “ròn rã” (giòn giã), “rong rỏng” (dong dỏng), “sốc nổi” (xốc nổi), “sẻng” (xẻng), “siển cận” (thiển cận), “xiếu mai” (phiếu mai), “xiếu mẫu” (phiếu mẫu), “xổ gấu” (sổ gấu), “chờ trực” (chờ chực), “trành hanh” (đành hanh), “tría lia” (tía lia), “xăm xoi” (săm soi), “xắm nắm” (sắm nắm), “xếch xác” (xệch xạc), “xốn xác” (xớn xác), “xớ lợ” (thớ lợ), “xờ” (trờ), “xở rối” (gỡ rối), “xúc siểm” (xúc xiểm), “xục xạo” (sục sạo), “xục xịch” (xộc xệch), “xuýt xoát” (suýt soát). c. Ngoài ra còn có từ “xổ xố” và “xổ xố lô tô” ở trang 1253 cũng không thể kết luận viết sai, vì cũng ngay trong mấy dòng giải thích hai mục từ này các tác giả viết “quay số”, “bốc số”, “xổ số” và tất cả những chữ “số” khác đều viết đúng là “số”.

(8), (9) Trong bài Ngôn ngữ bình dân của Sài Gòn và người miền Nam của Kỳ Thanh trên Nghiên Cứu Lịch Sử (hải ngoại, báo mạng) ngày 24.4.2023, có câu: “Diễn hành, diễn binh = diễu hành, diễu binh (chữ ‘diễu’ bây giờ dùng không chính xác, thật ra là “diễn” mới đúng)”. Chúng tôi đã khảo sát một số trang báo hải ngoại, cả báo mạng và báo giấy, thì nhận ra hai chữ “diễn hành” và “diễn binh” chỉ tồn tại ở các báo tiếng Việt tại Mỹ như Người Việt, Calitoday… Báo tiếng Việt thuộc các nước ngoài Mỹ đều viết “diễu hành” và “diễu binh”. Ngay một trang như VOA tiếng Việt có viết “diễn hành”, “diễn binh” nhưng lại cũng viết cả “diễu hành”, “diễu binh”. Vài ví dụ: VOA ngày 17.4.2023 viết (đầu đề): Diễn hành Hoa anh đào ở thủ đô Mỹ; ngày 13.2.2024 viết (đầu đề): Diễn hành Tết Giáp Thìn ở Little Saigon;… Nhưng cũng báo ấy, ngày 22.11.2012 lại viết (đầu đề): Cuộc diễu hành ngày Lễ Tạ Ơn ở New Yor; và trong bài Lễ Lao động 2021 (6.9.2021) cũng viết: “công nhân Thành phố New York đã nghỉ không lương và diễu hành”; bài gần đây (21.3.2024) tiếp tục viết (đầu đề): Bộ trưởng Thể thao Pháp: với lệnh cấm diễu hành tại Olympics… Về từ “diễu binh” ngày 18.8.2018 VOA viết (đầu đề): Vì sao Trump không thể diễn binh như mong muốn? Nhưng trước đó ngày 14.7.2017 lại viết (đầu đề): Diễu binh Mỹ có thể tốn hơn 90 triệu đôla; ngày 8.2.2018 cũng viết (đầu đề): Triều Tiên diễu binh trước ngày khai mạc Thế vận hội; và gần đây nhất ngày 21.12.2024 vẫn viết (đầu đề): Mỹ bỏ kế hoạch diễu binh tốn kém. V.v.

(10) Người viết bài này cũng là một thành viên Ban văn học Cổ cận đại Viện Văn học từ ngày 5.1.1961 nên có may mắn được chứng kiến việc làm phiếu tra cứu của Nhóm từ điển Hoàng Phê.

(11) Trần Văn Tích. Từ điển tiếng Việt. Bđd, tr. 35 – 37.

(12) Xin xem: https://tuancongthuphong.blogspot.com/2020/07/sai-sot-trong-tu-ien-chinh-ta-tieng.html (Kỳ 1)

https://tuancongthuphong.blogspot.com/2020/07/sai-sot-trong-tu-ien-chinh-ta-tieng_18.html (Kỳ 2)

https://tuancongthuphong.blogspot.com/2020/07/sai-sot-trong-tu-ien-chinh-ta-tieng_19.html (kỳ 3)

(13) Có lẽ chữ phổ thông vốn là “bồ quân”, tên gọi một loại quả vỏ màu nâu, nhỏ như quả mơ, khi chín chuyển sang đen, ăn ngọt pha vị chát.

(14) Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, Sài Gòn, 1896.

(15) Không tính thành ngữ mới, trong kho thành ngữ cổ Hán ngữ Trung Quốc chỉ mới tìm thấy câu 算盡錙銖Toán tận tri thù chỉ người keo kiệt, tính toán đến từng đồng xu cắc bạc (trithù là hai đơn vị đo lường cực nhỏ thời xưa).

(16) Trong sách Từ điển Truyện Kiều in lần thứ hai, l986, tr.40, có chú thích về mục từ bài bây (từ câu thơ “Lão kia có giở bài bây”), cho rằng từ này ảnh hưởng Mon Khmer. Cụ thể viết: “Từ gốc Khơme pai là cẩu thả, plây là hư hỏng, bài bây do đó có nghĩa là xấu xa”. Đây thực ra là chú thích thêm của GS Phan Ngọc trong lần in 1986 (lần in đầu do NXB Khoa học Xã hội, 1974). Chúng tôi có hơi băn khoăn đây chưa chắc đã ảnh hưởng từ ngôn ngữ Mon Khmer mà rất có thể là một trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng cứ xin dẫn ra để bạn đọc tham khảo (Xin cảm ơn học giả Đỗ Quý Toàn đã mách cho chú dẫn này).

(17) Chúng tôi hiện không có cuốn từ điển của Nguyễn Lân trong tay nhưng lại tìm thấy định nghĩa từ “bàn độc” của tác giả trên mạng. Xem: https://chunom.net/Tu-dien/Tu-ban-doc-co-y-nghia-gi-2853.html. Một nhận xét nhỏ về định nghĩa này: ông Nguyễn Lân đã rất cố gắng tìm chứng cứ từ thành ngữ và sách vở để soi sáng kiến giải của mình, nhưng rất tiếc ông dẫn thành ngữ lại hơi tùy tiện, chẳng hạn, ông viết: “Bàn độc = 1. Bàn nhà nho ngồi đọc sách (cũ): Chó nhảy bàn độc (tng)”. Không ai hiểu mối liên hệ giữa “bàn nhà nho ngồi đọc sách” và “chó nhảy bàn độc” ở đây là thế nào.

(18) Bản in Từ điển Việt – Bồ – La 1651 không in số trang mà in số cột, mỗi trang gồm 2 cột.

(19) Theo PGSTS Hoàng Dũng, có đọc kỹ mới thấy cách trình bày lời diễn giải trong cuốn Từ điển Việt – Bồ – La của Alexandre de Rhodes khá lộn xộn, không hẳn đã theo một trật tự khoa học như chúng tôi nghĩ.

(20) Nguyên câu của An Chi là: “Vậy đây là bàn đọc chứ không phải “bàn độc” vẫn biết rằng đọc chẳng qua cũng chỉ là một biến thể ngữ âm của độc, có nghĩa là xướng lên thành tiếng thành lời những điều đã được viết sẵn, in sẵn. Và bàn đọc chính là bàn tụng (hiện nay nhiều người vẫn còn dùng hai tiếng này), tức là cái bàn mà người ta đặt trước đầu quan tài, trên đó có bày hoa quả, trà rượu, lư hương, chân đèn… áp đầu quan tài có khung treo hình Phật, nơi nhà sư (hoặc thầy cúng) đặt lễ khí để gõ mõ tụng kinh mà cầu siêu cho người chết. Trong quá trình chuyển nghĩa của từ tổ đang xét, nghĩa gốc của nó lu mờ dần và mất đi. Bàn đọc đã được hiểu thành bàn cúng nói chung rồi với nghĩa này nó lại chuyển nghĩa thêm một lần nữa để chỉ cái bàn thờ (cái bàn cúng không nhất thiết là bàn thờ). Đây chính là nghĩa hiện hành được cho trong từ điển”. (https://dongtac.hncity.org/spip.php?article5146)

(21) Bộ sách này lấy Từ điển chính tả của Lê Ngọc Trụ làm căn cứ, nhưng thật tình cũng chưa giải quyết chính tả một cách triệt để.

This entry was posted in Nghiên cứu Phê bình and tagged . Bookmark the permalink.