Trực giác hay lương tri của một bậc thầy

Nguyễn Thị Thanh Xuân

Hẹn nhau tháng Tám là bản thảo sau cùng của Gabriel García Márquez, đã hình thành một cách khó khăn trong thời kỳ trí nhớ của nhà văn bị suy tàn.

Ông đã dặn các con: “Cuốn này không ổn. Phải huỷ nó đi”. Các con ông thú nhận: “Chúng tôi không huỷ mà để qua một bên, hy vọng thời gian sẽ quyết định xem phải làm gì” (Lời tựa, tr. 5, 6).

Mười năm sau ngày Márquez mất, các con ông đã đọc lại và “phát hiện ra là bản thảo chứa đựng nhiều giá trị tuyệt vời”. Họ cho in, biết đó là “một hành động phản bội”, nhưng lại đẩy quả bóng về phía độc giả: “Nếu họ thích thì có lẽ Gabo sẽ tha thứ cho chúng tôi”.

Chúng ta có thích nó không?

Vẫn là một Márquez vô cùng tinh tế trong quan sát. Những chi tiết trong cử chỉ, sinh hoạt, nổi lên mồn một, mà lạ thay, ông vẫn không bị lẫn vào cách kể của các nhà hiện thực truyền thống. Nhưng nếu các tác phẩm trước, Márquez chạm sâu vào mạch ngầm của đời sống xã hội, để lại những dư vang trầm thống khó phai, thì cuốn sách này thu lại trong một tình huống cá nhân, câu chuyện đầy tính thị dân thông tục.

Trong tiết tấu nhanh của câu chuyện, mọi cái lặp đi lặp lại một cách đáng ngạc nhiên. Là do cái không khí của đảo chăng? Hay là do năng lượng tình cảm của người mẹ nằm dưới mộ? Márquez dừng lại khá đột ngột.

Vẫn nhớ cái phong vị trào lộng huyền hoặc mà bát ngát của bút pháp Márquez xưa.

Nhớ có lần Hương Châu con gái mình nói là “Có lẽ Việt Nam nên viết theo kiểu Márquez thì mới nói hết được những vấn đề của dân tộc”.

Lại nhớ về ước nguyện của Franz Kafka. Hơn ai hết, những nhà văn viết bằng tâm cảm, họ đều có khả năng tự ý thức rất lớn và lường được hết hệ quả từ trang viết của mình.

Trong cái nhập nhoạng của trí nhớ, Márquez vẫn tinh tường, như Má mình lúc sinh thời, quên nhiều thứ, nhưng không mụ mẫm mà nhạy cảm với tương giao.

Bản dịch của Thiên Nga có nhiều chỗ vội.

This entry was posted in Trên kệ sách and tagged . Bookmark the permalink.