Hai tản văn của Trần Mộng Tú

Qua Suối Đến Trường

Cây cầu qua suối đã tháo mất rồi, cây cầu mục nát cây cầu sẽ rơi, người ta tháo đi không thay cầu mới, con suối thản nhiên dòng nước cứ trôi.

Em lội qua suối tới trường còn trong mù sương, miền núi mùa đông hai bàn chân run, em lên mười hai hay em lên sáu, em là bình minh hay em là hơi sương.

Dậy sớm đi em dậy trước gà gáy, con đường đến trường con đường còn tối nhìn hoài không ra, nghe tiếng nước biết là con suối, mình dắt tay nhau trường còn thật xa.

Bà nội trên lưng cõng cháu nhỏ, tay dắt theo một cháu lớn hơn. Ba bà cháu mang nhau qua suối, trường học trường đời ướt sũng nguồn cơn.

Mẹ cũng đi qua suối này ra chợ, cha cũng quần cao nhúng chân xuống đây cha đi thật sớm trước khi em dậy, khi cha trở về con suối không hay.

Tất cả dân làng ngày ngày lội suối, hai bàn chân da có nhăn nheo, hình như có ai cúi xuống, soi gương mặt buồn vào dòng suối thân yêu.

Ở thành phố xa người ta không lội suối, những đôi dày đẹp không làm da chân nhăn nheo, người ta di chuyển bằng những chiếc xe giá nghe đâu tiền tỷ, em cúi người uống ngụm nước suối trong veo.

(*) Các em nhỏ phải lội qua con suối mỗi ngày để tới trường. Hình: Báo Tuổi Trẻ

Ba chú học trò như ba viên sỏi, nước suối giá lạnh cặp sách trên lưng, viên sỏi lăn theo từng vòng nước cuộn, thả trên mặt nước chiếc bóng rưng rưng.

Ngày tháng lớn dần liệu em còn nhớ đã có một thời em được qua cầu, đã có một thời cây cầu tàn lụi, con suối tuổi thơ róc rách trong em.

Cây cầu tháo đi bao giờ bắc lại, hỏi ông không biết, hỏi bà nói chờ. Các ông bà ngồi trong nhà ấm áp làm sao biết được buốt giá tuổi thơ.

Chờ đến khi nào cây cầu mới bắc, thôi em đành để chân cho suối trôi xuôi.

Này em con suối đầu tiên đó, sẽ đưa em vào dòng sông đời, sông sẽ đưa em thẳng ra ngoài biển, biển mênh mông không bến không bờ.

Em ơi nhớ nhé đừng ra biển, ta chẳng muốn em thành con cá bơ vơ.

(*) Hòa Bình, Suối Cái, xã Lỗ Sơn hàng trăm em từ Tiểu Học đến Trung Học phải lội suối mỗi ngày tới trường từ 6 giờ sáng. Cây cầu mục nát kéo xuống không biết khi nào mới có cầu mới.(Bản tin Người-Việt 12.28.2016)

Anh ạ, hôm nay đất trời vẫn còn rất mới, lịch trên tường còn thơm mùi giấy, gió ở đây vẫn trốn trong cây, nóc nhà trắng xóa như trong tranh vẽ. Buổi sáng em ra đường, gặp ông già cũ bán hoa ở ngã tư, râu tóc ông cũng trắng xóa như trong tranh vẽ, tay ông cầm chùm hoa đỏ, từng bông hồng gói trong giấy bóng nhỏ, ông mời khách qua đường. Chẳng ai nhìn thấy hoa, chỉ thấy một ông già, những chiếc xe đi qua, chẳng chiếc nào ngừng lại đón nhận một đóa hoa.

Ông già đứng đó tự bao giờ, ngã tư quen đi vào cổng chợ, có hôm em gặp ông, thấy như mình gặp bạn, có hôm em không gặp, thấy nhớ hai bàn tay cũ kỹ và những bông hoa màu đỏ. Đồng tiền trong túi em cũng nhớ những ngón tay thô.

Ông nói với mọi người, lời chúc mừng năm mới. Ông thì rất cũ kỹ, cái nón và bộ râu, bàn tay và vai áo tất cả đều cũ nhàu, nhưng nụ cười của ông mới như ngày tháng mới.

Anh ạ, với em ông già đó lúc nào cũng mới, ông luôn luôn làm ấm một ngã tư, ông tặng nụ cười cho những người ngồi trong xe đang giận dữ hay đang buồn phiền, có những chiếc xe chỉ dừng lại để chờ đèn, nhưng vẫn nhận được nụ cười không tính toán.

Hình- Images of Homeless

Đôi khi em bâng khuâng tự hỏi, tối nay ông ngủ ở đâu, hoa bán không hết ông sẽ cất ở chỗ nào, hay ông có ôm hoa cùng ngủ dưới một gầm cầu.

Gió ơi đừng thổi nữa, tuyết ơi đừng nhuộm trắng râu ông.

Những chiếc xe cứ đi qua, ngày tháng cứ đi qua, mùa xuân rồi mùa hạ mùa thu cứ đi qua, đông về trắng phố, trắng nóc nhà. Thành phố có khi thay đổi, con đường đôi khi bỗng mất một hàng cây, đôi khi một cao ốc được dựng lên. Mọi việc chung quanh ông xoay tròn, đổi mới, ông già vẫn cũ kỹ và vẫn hay đứng đó, ngã tư này như thuộc của riêng ông.

Con phố ơi, đừng bỏ ta đi.

Anh ạ, em biết ở một góc khuất lấp nào đó, dưới gầm cầu, hay dưới chân xa lộ, ông già cũng có một chỗ riêng cho mình, em cũng đoán ông không hay dọn nhà, dù là nhà của một “kẻ không nhà” vì đã lâu lắm rồi ông chỉ đứng ở một ngã tư này và ông bán những bông hoa đỏ, tặng thêm những nụ cười. Ông rất cũ và nụ cười rất mới.

Anh ơi! Chiếc xe nào đi qua, chiếc xe nào dừng lại, bàn tay nào đưa ra, nhận bông hồng trao lại. Hoa rất mới và đồng tiền rất cũ.

Ngã tư ơi, có lệ rưng rưng!

tmt

Tháng 1/5/2017

Comments are closed.