KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết

Đặng Văn Sinh

PHẦN BA

Chương 13

1

Làng Cùa được huyện Nam Thành chọn làm đơn vị điểm xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Chủ tịch Bùi Quốc Tầm cho cán bộ xã đi hết lượt các gia đình vận động bà con viết đơn. Phần lớn các chủ ruộng đều không thích làm ăn tập thể, nhất là những người từng trải thường tỏ thái độ lừng chừng làm cho trưởng ban vận động Tào Văn Hỗ tức Hỗ Chột lo sốt vó, chỉ sợ không hoàn thành chỉ tiêu chín mươi tám phần trăm đã đăng ký với huyện. Những đối tượng hăng hái nhất trong cuộc ăn chung đổ lộn này chính là các gia đình trước đây vốn là địa chủ cường hào đã bị mất điền sản thời Cải cách, đang sống vật vờ cạnh bãi tha ma đồng Chó Đá. Kẻ chống đối gay gắt nhất là Trịnh Doãng.

Doãng là con ông cả Duệch. Ông Duệch có ba con trai. Doạng và Doan tính hạnh hiền lương, làm ăn cơ chỉ, duy có Doãng, anh thứ hai là trái tính trái nết. Doãng tuổi Ất Hợi, năm lên bảy bị bệnh đậu mùa, toàn thân phủ lớp mụn to bằng hạt đậu nành, mọng nước như phỏng dạ. Những mụn ấy vỡ, nước vàng chảy ra bốc mùi khăn khẳn không chịu được. Người Doãng quắt như con mèo hen, miệng he hé chẳng khác gì cá mắc cạn hớp không khí. Ông lang Ích thăm bệnh xong, lắc đầu:

– Tôi chịu. Ông bà sắp chiếu, chẻ lạt đi là vừa.

Ông Duệch thương con không nỡ. Thôi thì còn nước còn tát. Nghĩ vậy, ông bảo Doạng chạy ra xóm Trại Cá gọi bà phó Lễ vào xem có cứu được không. Bà phó Lễ là lang vườn kiêm nghề đỡ đẻ. Thuốc của bà toàn nước thải với bùa chú thêm ít rễ cây đốt thành tro trộn lẫn cho con bệnh uống. Doãng uống thứ nước đục lờ lờ lẫn cả tàn nhang có mùi oi khói như con đồng lên cơn khát. Ông Duệch nhìn con lắc đầu:

– Cơ sự này hỏng rồi.

Bà phó Lễ mắng:

– Phỉ phui cái mồm nhà ông! Mệnh thằng bé này lớn lắm. Nó là tướng nhà giời bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian để hầu hạ Chúa Bà ở miếu Cô Hồn nên chưa thể đi được.

Quả nhiên đến chập tối Trịnh Doãng tỉnh lại. Ông Cả Duệch bắt vợ thổi một nồi xôi dành dành và thịt con gà trống hoa mang ra miếu làm lễ tạ. Doãng khỏi bệnh nhưng mặt hắn rỗ như tổ ong trông rất khó coi. Lớn lên Doãng không thích học mà chỉ khoái ra đồng Chó Đá lùa bắt chim cút và chia phe chơi trò đánh nhau. Có lần hắn bị bọn trẻ con xóm Cầu Đá dìm xuống ngòi Mác gần chết vì đêm hôm trước mò ra đồng Gà bẹp mấy chục chiếc đó tép của chúng. Dạy học ở làng Cùa bấy giờ là ông Đồ Sách. Ông này vừa tham ăn vừa dữ đòn. Đứa nào mới nhập môn cũng bị nện ba roi thật đau để nhớ câu “Tiên học lễ hậu học văn”. Doãng là đứa ngỗ nghịch lại lười nhất hạng, hễ vào lớp là ngủ gà ngủ vịt mơ màng đến lũ tôm cá ngoài đồng nên hay bị thầy nọc ra sập sai gã trưởng tràng quật roi mây vào mông. Doãng tức lắm, lựa hôm Đồ Sách đi vắng, lẻn vào nhà vạch chim đái vào ống bút với nghiên mực. Đồ Sách mắt bị lông quặm, nhìn không rõ, chỉ thấy mùi khai khai liền chấm tay vào nghiên đưa lên ngửi, biết ngay thủ phạm là ai liền đến nhà ông cả Duệch. Ông Cả sượng mặt vì thằng con mấy dạy, trói hai tay Doãng treo lên xà nhà nện mười lăm hèo mây rồi lấy muối xát vào. Những vết lằn ngang dọc rớm máu nổi lên vừa đau vừa xót nhưng Doãng gan lì, trơ như đá, không khóc cũng chẳng van xin. Ông bố chịu phép phải tha. Doãng oằn người, cắn răng nén chịu, cúi đầu chắp tay vái Đồ Sách.

– Con cám ơn thày.

Từ đó Doãng bỏ học chuyên đi thả ống lươn.

Năm Giáp Ngọ bà Cả đi chợ sớm bị ma rủi chết đuối ở ngòi Mác. Ba năm sau, ông Duệch cũng qua đời vì chứng kinh giật. Bố vừa nằm xuống, cỏ chưa kịp xanh mộ, Doãng đã đòi chia gia tài. Lúc ấy Doạng đã có vợ, ăn riêng nhưng ba anh em vẫn ở chung một nhà. Doạng bàn với Doan cắt cho Doãng phần đất sát đường có ngôi nhà ngang hai gian lợp lá gồi nhưng hắn không nghe. Hắn yêu cầu mọi thứ phải chia ba, anh nào không thích có thể bán cho người khác. Gay nhất là ngôi nhà chính. Doãng tranh gian giữa. Hắn lấy cót thưng lại hai bên rồi ngủ ngay trên sập gụ trước bàn thờ tổ tiên. Chị dâu không chịu được thói ngỗ ngược của ông em chồng, nói mấy câu bị hắn vả cho một cái hộc máu mồm. Ông xóm trưởng kiêm uỷ viên Nông hội sang dàn xếp, Doãng cầm con dao mác vót nan đứng giữa cửa, mặt hằm hằm, cặp môi cá ngão trề ra:

– Kẻ nào muốn mất mạng thì vào đây?

Có người biết chuyện vội chạy xuống xã báo Trưởng công an. Trương Đình Tái đem ba bốn dân quân đến nơi nhưng cũng phải mất gần một giờ mới giải toả được sự căng thẳng và chỉ chút xíu nữa là đổ máu.

Vua cũng thua thằng liều. Cuối cùng anh em Doạng, Doan phải chấp nhận phương án chia ba. Chia buổi sáng, chiều Doãng gọi người bán tài sản của mình.

Doạng hốt quá sợ cơ nghiệp mấy đời của cha ông chắt bóp mới được thế này bỗng chốc sang tay người khác liền bàn với Doan vay giật mỗi nơi một ít gom đủ số tiền, tất nhiên là cao hơn so với giá nhà đất hiện thời, đưa cho thằng em đầu bò. Mấy hôm sau, Doãng tìm mua được miếng đất của ông Vệ Tuân ở xóm Cầu Đá. Ông này thua xóc đĩa phải gán nợ đi ở nhờ. Khu đất rộng hơn hai sào có túp nhà Ba gian lợp rạ. Từ đấy anh em Doạng Doãng không thèm nhìn mặt nhau.

Không biết Doãng học thả ống lươn ở đâu vì làng Cùa đến lúc ấy mới chỉ có công nghệ kéo lưới, quăng chài, đánh giậm, móc cua, bắt ếch và đơm đó. Móc cua là nghề hạ đẳng lại rẻ như bèo, hai xu một giỏ, không bõ những đấng nam nhi bẩn tay. Thả lưới là khó nhất không phải ai cũng kiếm ăn được trên sông Lăng. Đánh giậm, chạy dủi tốn sức, cuối buổi cá tép thường ươn, khó bán. Đặt đó lại phải thức canh đêm, nhãng đi một tí là bọn xóm Trại Cá rình khoắng sạch. Cuối cùng chỉ thả ống lươn là sống được, thậm chí sống phong lưu nếu biết giữ độc quyền không để bí quyết rơi vào tay người khác.

Làm ống lươn không khó. Nguyên liệu chính là một đoạn nứa ngộ đường kính cỡ bắp chân, đầu mặt trổ vài lỗ thông khí, đầu rỗng dùi hai lỗ đối nhau, lắp hom rồi xuyên qua thanh tre bằng ngón tay vót nhọn là thành cái bẫy bắt loài bò sát chuyên lẩn dưới bùn khá hiệu quả. Thứ mồi hấp dẫn nhất là ốc vặn đập dập trộn với giun đất gói lá khoai ngứa, bên ngoài chọc thủng vài chỗ để mùi tanh dẫn dụ khứu giác lươn. Bí mật nghề nghiệp của Doãng là ở công đoạn chọn vị trí cắm ống. Lươn ưa cư trú ở những ao tù nhiều bùn. Làng Cùa thuộc vùng chiêm trũng, mười hộ thì có đến bảy tám vật đất làm nhà, thành ra chỗ nào cũng có ao chuôm thùng vũng, rất thuận lợi cho Doãng hành nghề. Thường thì ban ngày hắn la cà khắp nơi, có khi lẩn vào những chỗ ngóc ngách rậm rạp quan sát bằng con mắt dày dạn kinh nghiệm. Ai không biết tưởng hắn mải chơi, vô tích sự, không chịu làm ăn. Mặc kệ, Doãng không thèm chấp. Chập tối, sau khi đã chuẩn bị đồ nghề đầy đủ, hắn khoác chùm ống lên vai đến những xó xỉnh ban ngày đã nhắm được. Thao tác của Doãng rất gọn, có khi chưa đầy ba phút đã cắm xong một ống. Những hôm tối trời, giáp mặt không nhìn thấy nhau, Doãng cứ bước phăm phăm, khỏi cần đèn đóm. Hắn thoắt ẩn thoắt hiện như ma. Đàn bà con gái rất sợ gặp Trịnh Doãng ban đêm. Hắn là hiện thân của mọi sự rủi ro. Có lần hắn vừa lỉnh kỉnh bê ống lươn đến đầu cầu Đá bắc qua ngòi Mác gặp ngay anh chàng Phó bí thư đoàn đang bóp vú cô phân đoàn trưởng xóm Đình. Thấy bộ dạng Doãng, cô Mầm vốn nổi tiếng lẳng lơ tưởng là thằng Trọc([1])hiện hình, hoảng quá rơi tõm xuống nước. Anh Phó bí thư cực chẳng đã phải nhảy xuống cứu.

Thả hết ống, Doãng về nhà ngủ. Cuối canh tư, thức dậy trong lúc cả làng còn đang ngon giấc, hắn rảo một vòng quanh các ao, thu hết những chiếc ống đã thả hồi đêm. Trời sáng, Doãng lần lượt tháo hom dốc những con lươn béo múp, vàng ươm ra chiếc rổ sề. Hắn chọn toàn con to thả vào nồi hông, chờ cô Mít đến mang ra chợ Rồng bán. Có hôm Doãng đổ ra được ba con rắn đầu bẹp nhẵn bóng, mình ngắn, màu đen sẫm sống lưng gồ lên trông rất quái dị. Ông Lang Chẫu đến xem một lúc rồi bảo:

– Của này độc hơn cả rắn cạp nia, vô phúc bị nó cắn, sau nửa canh giờ là chỉ có đóng ván.

Doãng sợ chết khiếp, từ đấy không dám thọc tay vào ống như trước nữa.

Sau khi chia gia tài, Doãng được ba sào ruộng đồng Gà. Chân ruộng này thuộc loại tốt nhất làng, năm hai vụ làm chơi ăn thật nhưng phải cái mùa khô thường ít nước. Đến vụ cày cấy, Doãng một mình xoay trần ra làm, không thèm nhờ ai. Giai thoại hay được bà con nhắc đến là có lần hắn tát nước với… cọc. Vùng Ba Tổng có lệ tát nước gầu dai mỗi bên một người thành cặp. Có tàu tát cao, người ta đóng đến ba bốn cặp. Thích nhất là tát nước đêm trăng. Từng đôi, kẻ bên này, người bên kia đong đưa theo nhịp. Từng gầu nước lẫn ánh trăng sóng sánh, chao theo một đường vòng cung rồi bất ngờ bãi tung toé trên mặt ruộng, loang ra một màu trắng bạc. Rất nhiều những đôi nam nữ nên vợ nên chồng từ những đêm trăng tát nước huyền ảo như vậy.

Nhưng với Doãng thì khác. Hắn ghét cay ghét đắng lối vần công và mọi kiểu chung chạ. Năm ấy hạn nặng. Như trên đã nói, đồng Gà thuộc diện cao, nước từ ngòi Mác chảy vào ít, các chủ ruộng phải thương lượng với nhau tát theo giờ. Doãng nhận vào lúc nửa đêm, chắc là vì không muốn thiên hạ biết cung cách làm ăn quái gở của mình. Đợi cho mọi người về hết Doãng mới lấy hai chiếc cọc tre đóng bên kia tàu tát. Sau khi buộc cố định dây thừng vào cọc, hắn thả gầu rồi vung tay chao nước. Khốn nỗi, cọc tre hoàn toàn vô cảm, không có khẳ năng điều khiển linh động như bàn tay người, thành ra, gầu vừa lên nửa chừng đã dốc miệng hết sạch nước. Nhùng nhằng mãi không ăn thua, Doãng tức mình ném cả cọc lẫn gầu xuống ngòi rồi nằm ngửa ngắm sao. Đêm ấy thưa sao. Trời sáng mờ mờ. Gió đông nam phe phẩy khiến Doãng thiu thiu. Chợt có tiếng cười từ xa. Doãng giật mình lập tức bật dậy vớ ngay cán cuốc. Hắn vốn là tay bạo gan nhưng giữa đồng không mông quạnh cũng thấy rờn rợn. Từ lâu, người ta đồn cánh đồng này thường có Mẹ Hét([2]) hiện hình thành thiếu nữ tóc trắng trêu những bà đi chợ sớm. Có lẽ mụ ta thật. Doãng nắm chắc cán cuốc từ từ quay lại… Không phải ma mà là một người con gái bằng xương bằng thịt đang đến rất gần. Hắn mê ngủ chăng? Bởi vì người con gái đó chính là Nhụ. Bố Nhụ là ông Trản, làm nghề quăng chài, nát rượu, một lần uống say quá, vác chài ra đầm Ma ngã xuống nước chết để lại cho vợ ba cô con gái. Con bà Trản cô nào cũng béo phục phịch, hay lam hay làm và mắn đẻ. Cô chị và cô út đã lấy chồng, có con, riêng Nhụ ưa nhìn nhất lại chưa cùng ai. Nhìn thấy Nhụ, Doãng sững người. Hắn có tật nói lắp, mãi mới hỏi được một câu hoàn toàn vô nghĩa:

– Cô… cô là… người… người… hay… ma?

Cô gái cười, giọng ỡm ờ:

– Là ma đến tát nước hộ người đây. Cái gầu có tội gì mà quẳng nó xuống ngòi. Nào, lội xuống vớt lên đây tát cho.

– Thật chứ? – Doãng có vẻ không tin lại hỏi một câu rất thừa.

– Ai nói dối làm gì. Mau lên kẻo trời sáng, người ta bắt gặp.

Khỏi phải nói, đêm ấy Doãng cảm động đến mức nào. Hai người mải tát quên hẳn thời gian đến lúc vợ chồng nhà Nguyễn Đình Phán xách gầu ra đòi sòng mới biết nước đã tràn bờ. Mấy hôm sau, lúc làm đồng về, gặp Nhụ ở gốc đa Doãng khẽ chạm vào tay cô ta hỏi:

– Nhụ có bằng lòng về ở với tôi không?

Cô gái tỏ ra khá bạo dạn:

– Thích thì nhờ người mang trầu cau sang nói với mẹ người ta.

Hắn nhờ bà Cõn làm mối thật. Ba tháng sau thì cưới. Đám cưới của vợ chồng hắn theo lối đời sống mới, chỉ ăn trầu uống nước nhưng già nửa làng Cùa đến dự. Lũ trẻ con đứa nào cũng được một cặp kẹo vừng. Riêng họ Trịnh nhà hắn không thấy ai kể cả anh em Doạng, Doan.

Cưới nhau được một năm Nhụ đẻ sinh đôi hai thằng con trai, đưa tổng số cặp sinh đôi ở làng Cùa từ năm Canh Ngọ(1930) đến lúc ấy là ba mươi bẩy. Doãng thích lắm, đặt tên là Dọng, Dõng. Hai thằng giống nhau như hai giọt nước, người ngoài không thể phân biệt được thằng nào là anh, thằng nào là em.

Còn bé mà chúng nghịch hơn cả quỷ sứ. Trong nhà có thứ gì dễ vỡ đều phải treo cao, sểnh một chút là các ông nhóc moi ra, nghịch chán chê rồi đập. Khi đã choai choai, Dọng và Dõng toàn gọi nhau bằng mày tao, không đứa nào chịu đứa nào. Nhiều hôm hai anh em đánh nhau chảy cả máu mồm máu mũi. Có lần hai thằng bảo nhau rút rơm nướng khoai. Lửa cháy to quá bén sang cả nhà bếp. Doãng tức quá, bắt nằm sấp vụt mỗi đứa năm roi quắn mông, nhưng chỉ được mấy ngày lại chứng nào tật ấy.

Dọng và Dõng khá đẹp trai, nói năng lưu loát chứ không ngọng líu ngọng ló như bố. Điều giống bố duy nhất là chúng lười học và thói bán giời không văn tự. Dân làng Cùa vốn ghét thói ba hoa thường bảo nhau giỏ nhà ai quai nhà ấy.

Cuối năm năm tám, làng Cùa rộ lên phong trào hợp tác hoá. Doãng dứt khoát không viết đơn mặc dù cán bộ xã đã nhiều lần vận động. Hắn lý sự:

– Vào hợp tác xã nông nghiệp là tự nguyện. Chủ trương của đảng, chính phủ như vậy. Ai không muốn thì thôi, vì sao các ông cán bộ lại ép bà con?

Chủ nhiệm Hỗ coi Trịnh Doãng là dân đầu mấu, khó cải tạo tư tưởng liền tuyên bố:

-Những đối tượng chống lại chủ trương hợp tác hoá, ban quản trị sẽ trả ruộng ở đồng Chó Đá.

Đồng chó Đá là địa giới giữa hai xã Đoàn Kết và Phong Trạch, sát ngay bãi tha ma, bỏ hoang đã nhiều năm, đất gan gà cằn cỗi có cấy mà chẳng có gặt. Hồi Cải cách xã đã dồn hơn hai chục hộ địa chủ, cường hào phản động ra ở, nhiều người không chịu được phải bỏ làng đi nơi khác làm ăn, giờ chuyển các hộ cá thể đến đây khác gì bắt đi đày. Doãng nuốt nước bọt đánh ực, nghiến răng, cắm phập lưỡi mác xuống bờ ruộng gầm lên:

– Ruộng này là của cha ông họ Trịnh để lại chứ không phải của vớ được hồi Cải cách nhá. Kẻ nào dám động vào một hòn đất là ăn đòn.

Không hiểu ban quản trị sợ Doãng hay là họ không thèm chấp thằng khùng mà các hộ cá thể khác đã tự nguyện chuyển đến vùng đất mới, riêng mấy sào ruộng của Doãng vẫn ngang nhiên ngự tại khu đồng Gà như cái gai trước mắt trêu ngươi các nhà chức trách. Nhưng Doãng sức mấy thi gan được với tập thể. Hợp tác xã chi công điểm đào đắp hệ thống mương máng thuỷ lợi dẫn nước vào đồng. Hắn là dân tự do chẳng thuộc tổ chức đoàn thể nào bị cấm vận ngay từ vụ đầu tiên. Chả lẽ cứ nằm đấy chờ nước trời mà trời lại đang đại hạn. Ruộng của vợ chồng hắn đã nứt chân chim, lúa héo đến nơi. Nóng ruột quá, nửa đêm thức dậy Doãng lẻn ra đồng. Hắn đang hì hục tháo nước máng thì cánh cờ đỏ tuần tra tóm được. Nói mãi Doãng không nghe, tay Đội trưởng sấn vào giằng cuốc đắp lại bờ bị hắn tống cho một quả vào quai hàm. Phải vất vả lắm họ mới kéo được tay thả ống lươn về trụ sở hợp tác xã. Chuyện ấy Doãng bị giải lên huyện công an làm khách của dám muỗi Anophèle([3]) mấy đêm. Chẳng biết ở cơ quan bảo vệ pháp luật người ta nói với hắn những gì mà sau hôm được thả, dân xóm Trại Cá thấy vợ chồng hắn lên Ban quản trị xin đổi ruộng.

Vợ chồng Doãng xoay trần ra với mấy sào ruộng xấu. Hắn sang cồn Vành cắt cây tầm bóp về làm phân xanh còn Nhụ quẩy đôi quang sảo khắp vùng Ba Tổng nhặt phân trâu bón ruộng. Không có hạt đạm nào mà lúa của hắn tốt bời bời, năng suất gấp mấy lần hợp tác xã. Khổ nhất là hồi chưa mua được trâu, Doãng phải nai lưng kéo cày. Hai vợ chồng hắn, người đi trước kẻ bước sau, nhũng nhẵng mấy ngày mới làm xong đất. Ý chí quyết tâm làm giàu của hắn thật đáng nể. Trong có mấy năm, hắn vừa xây được nhà ngói ba gian bằng gạch chín, tậu được con nghé, lại bổ sung dân số cho làng Cùa hai suất đinh làm chủ nhiệm Tào Văn Hỗ tức điên, bèn triệu tập ban quản trị họp khẩn cấp chuyên bàn về lĩnh vực ao, hồ, đầm ngòi. Sau hai ngày tranh luận khá căng thẳng, cuối cùng Ban chủ nhiệm cũng ra được nghị quyết tóm tắt như sau: Các diện tích mặt nước trong làng và ngoài đồng đều thuộc sở hữu tập thể, cấm mọi hình thức đánh bắt cá. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ. Thông báo trên được gã Tuyển què trong đội cờ đỏ kẻ chữ sơn lên bảng tin cổng làng và trước trụ sở hợp tác xã. Ngoài ra, mỗi ao chuôm, thùng, vũng còn được cắm biển gỗ viết sơn đỏ dòng chữ ngắn gọn: Cấm mọi hình thức đánh bắt cá.

Xã viên kháo nhau, phen này Doãng hết đường làm ăn. Những kẻ ghen ăn tức ở thì nhìn ngôi nhà ngói đỏ của hắn nhếch mép cười nhạt. Thế nhưng, biển cắm hôm trước, sáng hôm sau vợ Doãng vẫn có lươn mang lên chợ Rồng bán. Chủ nhiệm Hỗ cáu lắm, gọi trưởng ban cờ đỏ ra lệnh:

– Đêm nay cậu cho anh em đi kiểm tra một lượt các ao trong làng, nếu gặp tay Doãng, không nói lôi thôi, cứ điệu cổ về đây, tội vạ đâu tôi chịu.

Phải đến tối thứ ba cánh cờ đỏ mới tóm được Doãng trong lúc hắn đang lúi húi gài ống ở cầu ao nhà Thường Rỗ. Chẳng nói chẳng rằng, thằng Cửu và thằng Hiệp quàng ngay dây thừng vào cổ Doãng trói nghiến lại, giong về trụ sở. Hắn vừa chửi vừa la:

– Ới làng nước ơi ! Chúng nó trói người.

Doãng bị vứt nằm queo ở nhà kho suốt một đêm. Bên ngoài có hai dân quân cầm súng đứng gác. Mới bẩy giờ sáng, chủ nhiệm Hỗ, Chủ tịch Bùi Quốc Tầm, Trưởng công an Trương Đình Tái và Đội trưởng cờ đỏ Tiệp đã về tề tựu đông đủ. Anh nào cũng hí hửng ra mặt. Một lúc sau Xã đội trưởng Cung Văn Luỹ dẫn Doãng vào trụ sở. Chủ nhiệm Hỗ nghiêm giọng hỏi:

– Anh có biết vì sao bị bắt không?

Doãng trừng mắt nhìn hết lượt các vị chức sắc sừng sộ:

– Các ông bắt người vô cớ là phạm luật. Tôi sẽ đi kiện.

– Đề nghị anh nói cho nghiêm chỉnh. – Bùi Quốc Tầm cao giọng răn đe. – Vậy anh có biết hợp tác xã cấm mọi hình thức đánh bắt cá không?

– Biết! – Doãng nói cộc lốc.

-Tại sao vẫn cố tình vi phạm?

Doãng nhe răng cười rất đểu:

– Tôi không bắt trộm cá của tập thể mà là bắt lươn. Thưa các ông cán bộ, lươn không nằm trong danh mục cấm.

– Anh… anh láo… còn già mồm cãi hả? – Chủ tịch xã đuối lý, không ngờ bị vố đau như thế nhưng vẫn cố nói liều đề vớt vát sĩ diện – Lươn cũng là… cá, thuộc tài sản hợp tác xã.

– Này các ông! – Doãng lại hếch cặp môi cá ngão chĩa về phía ban lãnh đạo xã – Các ông ra văn bản cấm mọi hình thức đánh bắt cá mà lại cho người rình trói thằng thả ống lươn, thế có phải là phường lừa đảo không? Được, tôi sẽ theo vụ này lên tỉnh, tỉnh không giải quyết sẽ vác đơn lên trung ương.

Sau chuyện ấy, Chủ tịch Bùi Quốc Tầm và chủ nhiệm Tào Văn Hỗ có vẻ ngại đụng chạm với Doãng. Thấy chính quyền lờ đi, hắn mặc sức tung hoành, đồng thời nghiên cứu nâng cao kỹ thuật bắt lươn lên hàng công nghệ. Có lần Doãng còn được đích thân Hỗ Chột đặt hàng một trăm ba mươi con. Chuyện có vẻ khó tin nhưng đó hoàn toàn là sự thật. Một thời làng Cùa nổi tiếng khắp hàng tỉnh về làm thuỷ lợi nội đồng, được ông Trần Quảng, lúc ấy đã là Chủ tịch tỉnh dẫn một đoàn cán bộ năm mươi tám người về tham quan mô hình làm ăn tiên tiến. Ông Chủ tịch vốn thích món lươn om củ chuối, vậy là Doãng được triệu đến. Chế biến các món ăn từ lươn là sở trường của hắn. Người hắn thì nhếch nhác, bẩn thỉu nhưng các thứ đặc sản do hắn nấu ngon không chê được. Trước khi về ông Chủ tịch bắt tay khen và đưa cho Doãng tấm danh thiếp, dặn lúc nào lên tỉnh ghé vào nhà chơi. Vì thế hắn trở nên nổi tiếng. Cánh cán bộ xã cũng có ý gờm dù hắn chỉ là anh nông dân cá thể mà đáng lẽ ra mọi người phải hết sức cảnh giác.

Trịnh Doãng gọi bà Khúc Thị Hài bằng cô vì mẹ hắn trước đây làm con nuôi họ Khúc. Năm Cải cách vào lúc mẹ con bà Hài bị xã Nhân Ái bên kia sông đuổi về làng Cùa dân xóm Trại Cá tránh như tránh hủi thì Doãng hạ hơn ba chục cây tre ở vườn vác cho anh em Lê Văn Khải làm nhà. Thỉnh thoảng hắn lại xách mấy con lươn cho bà Hài:

– Cô kiếm mấy củ chuối tây mài ra nấu ăn tạm.

Bà Hài chép miệng bảo:

– Anh cứ cho luôn thế này làm cô khó nghĩ quá.

Doãng bảo:

– Ngày nào cháu cũng kiếm được, biếu gia đình mấy con có đáng là bao, cô đừng cả nghĩ.

Hắn biết, nhà bà Hài đang đói, nhiều bữa chỉ ăn rau má luộc chấm muối vì không được chia ruộng, trong khi ấy, đội Lạc và Bùi Quốc Tầm lại cấm con cháu địa chủ, phú nông thả vịt và cất vó bè. Hồi ấy ông cả Duệch còn sống, thấy con trai hay qua lại nhà bà Hài liền mắng:

– Mày cứ thậm thụt với hai thằng ấy, Đội Lạc mà biết thì toi đời con ạ.

Doãng cười nhạt:

– Tôi trên răng dưới cát tút, chẳng liên quan gì đến chính quyền, sợ quái gì đứa nào.

– Mày chỉ nói càn, không khéo liên luỵ đến cả tao nữa.

– Thầy là đồ hèn. – Doãng nhếch mép bảo – Nhà bà Hài với mình là đâu mà hôm ở ngoài đình thày xui lão Cau đấu bác Vận. Đúng là một phường nói điêu.

Ông Duệch trợn mắt, há mồm, nhưng bị nghẹn mãi mới thốt ra được câu:

– Thằng… mất dạy!

Những năm sau này, ngoài việc thả ống lươn, thỉnh thoảng Doãng còn ra sông Lăng đánh cá với Nghiên. Hai anh chàng xấp xỉ tuổi nhau, một anh mới thoát nạn mù chữ, một anh tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp nhưng thân nhau như anh em. Sau khi Khải đi học đại học Nông nghiệp, mẹ con bà Hài được chia ruộng ở đồng Chó Đá. Doãng hay sang kéo cày cho Lê Văn Nghiên. Cày chìa vôi trượt trên đất rắn, hai gã trai dù là đang độ sung sức cũng phải mất sáu buổi mới xong. Vai Doãng trợt mấy mảnh da, sưng vù, còn Nghiên, hai bàn tay phồng rộp nước vỡ ra, xót hơn xát ớt.

Khác với các gia đình cựu địa chủ trong làng, Nghiên làm đơn ngay đợt đầu khi có chủ trương thành lập hợp tác xã nông nghiệp để chứng tỏ mình là người chấp hành chính sách của đảng và chính phủ, nhưng Bùi Quốc Tầm tuyên bố một câu xanh rờn làm anh chưng hửng:

– Chỉ những bà con bần nông có tư tưởng tiến bộ mới đủ điều kiện gia nhập hợp tác xã. Đây là giai cấp nông dân tập thể, sau này sẽ xây dựng nông thôn thành những nông trang lớn xã hội chủ nghĩa theo mô hình tiên tiến của Liên Xô và Trung Quốc. Các đối tượng khác trước mắt chưa xét đến. Anh mang đơn về đi.

Doãng biết tin chạy đến bảo:

– Cậu có học mà dốt bỏ mẹ. Hợp tác xã nghe nói thì hay nhưng thực ra là một thứ cha chung không ai khóc, đừng dại mà dính vào, sau này đói rã họng.

Lê Văn Nghiên xua tay:

– Anh toàn nói giọng phản động. Lão Tầm nghe thấy chưa biết chừng lại được mời sang huyện công an mấy ngày.

– Tớ chỉ nói đúng sự thật chứ có nói điêu đâu mà lo. Nếu chúng nó chèn ép quá tớ sẽ sang tỉnh gặp ông Trần Quảng.

– Anh tưởng lũ dân đen như cánh mình gặp các cán bộ đầu tỉnh dễ lắm đấy.

Doãng móc túi chìa cho Nghiên tấm danh thiếp của Chủ tịch tỉnh:

– Có cái này đứa nào dám không cho vào.

– Rồi anh xem, chỉ sợ đến lúc ấy lại thất vọng.

2

Bà Hài mong ngày mong đêm nhưng xem ra việc tìm con dâu không dễ, chẳng phải vì Lê Văn Nghiên kén chọn mà cái chính là gái làng không cô nào muốn về nâng khăn sửa túi cho một anh chàng có bố bị xử tử trong Cải cách vì tội hoạt động Quốc dân đảng. Hơn nữa, bản thân Nghiên lại thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản, không được kết nạp Đoàn. Trịnh Doãng bảo:

– Tôi định giới thiệu cho cậu cô Chắt ở làng Đậu Khê con ông Phó lý Bền, hơi đen một tí nhưng hay làm, tính tình dễ chịu.

– Ấy! bác đừng làm thế. Tôi chưa có ý định lấy vợ

– Cậu cứ chần chừ là hỏng – Doãng chúm môi nhọn lại như môi con chồn hoa thổi phù một cái rồi bảo – Hăm sáu hăm bảy rồi còn gì?

Lê Văn Nghiên nhìn bộ dạng cổ quái của Doãng bất giác cười. Mấy hôm sau, vào dịp làm cỏ lúa ở đồng Chó Đá, Nghiên hỏi Doãng:

– Nghe nói trước đây bác hay kéo nhị?

Câu hỏi gãi đúng chỗ ngứa vì Doãng vốn thích món chầu văn, liền phán liến thoắng:

– Chẳng những biết kéo nhị mà tớ còn gảy được đàn bầu. Hồi cuối năm năm ba, chúng tớ lập chiếu chèo, cô Sót vợ tay Lê Bản say như điếu đổ, mặc dù mặt tớ …

– Thế thì tốt rồi. -Nghiên bảo – Giờ đang vụ nông nhàn tôi có ý định lập một đội kèn hiếu.

– Tức là thổi kèn đám ma chứ gì? – Doãng trợn mắt, há mồm mãi mới hỏi được.

– Phải, từ ngày ông Phó Sùng mất, ông Quản Thống đi Đông Ngàn ở với con, vùng Ba Tổng không còn phường kèn nên các đám ma nhạt nhẽo, kém phần ai oán. Ngoài tôi và bác ra ta phải chọn thêm một tay trống nữa.

– Việc ấy khó gì. – Doãng bật ngón tay đến tách một cái, quả nhiên có ngay nhân tài xuất hiện – Thằng Phán con ông cửu Mẫn, tớ chỉ cần hô một tiếng là xong.

– Như thế mới chỉ được một nửa công việc. – Nghiên lắc đầu làm Doãng ngớ ra – Vấn đề còn lại là phải xin phép chính quyền xã. Việc này tôi lo nhất vì thế nào lão Tầm và lão Hỗ Chột cũng phá.

– Việc đếch gì phải xin phép đứa nào. – Doãng văng tục – Chúng mình toàn dân cá thể, đoàn viên không, đảng viên không, chẳng lẽ nó lại cấm được mình?

– Về lý thì chưa chắc đã dám cấm công khai nhưng nếu thấy ngứa mắt, nay họ gọi xuống xã giáo dục mai tịch thu đồ nghề thì còn làm ăn gì được. – Nghiên bảo Trịnh Doãng – Việc này tôi xuất đầu lộ diện là hỏng, bác phải kiếm lạng chè với gói thuốc xuống nói với ông Tầm.

Doãng giãy nảy:

– Tôi chả dại, cứ nhìn thấy bản mặt nó là muốn đấm vỡ quai hàm. Căm nhất là cái lần nó ra lệnh bọn thằng Cửu trói giam tôi một đêm trong nhà kho.

Nghiên bảo:

– Thù dai làm gì. Cứ nhún mình một tý, lấy được cái giấy có chữ ký với con dấu cho phép hành nghề là phần thắng về ta.

– Nhỡ chúng nó bàn nhau nhất định không ký thì sao ?

– Bác có cái carte-visite([4]) của ông Trần Quảng cho kia mà.

– Ờ nhỉ, thế mà mình không nhớ ra.

* *

*

Nhìn thấy Trịnh Doãng với lá đơn chữ viết loằng ngoằng như gà bới trên tay, Bùi Quốc Tầm ghét lắm bảo:

– Các anh chỉ vẽ chuyện để chén xôi thịt của thiên hạ. Kèn trống đám ma là thứ mê tín dị đoan, những thứ hủ tục ấy người ta đang dẹp đi không được lại bới ra. Xã không duyệt đâu, thôi về đi.

Doãng nổi tiếng làng Cùa là dân đầu bò, đuổi hắn không phải là chuyện dễ, hắn đã quyết tâm làm cái gì là làm bằng được. Nghe ông Chủ tịch nói xong, Doãng vặn ngay:

– Ông bảo là mê tín dị đoan, vậy tại sao năm ngoái cụ tiên Nhũ mất, vợ chồng ông sang tận kẻ Bòng đón phường kèn về tế suốt một đêm?

Tầm nói hớ bị bẽ mặt đành giở bài hoãn binh:

– Thôi được, để tôi họp bàn với tập thể đảng uỷ và thường trực ủy ban xem họ có nhất trí không đã.

Doãng vuốt mớ tóc húi kiểu móng lừa, hếch cái mũi đầy trứng cá đỏ như cà chua chín bảo:

– Nói thật với các ông, lập đội kèn là nguyện vọng của bà con làng Cùa, nếu đảng uỷ, ủy ban và hợp tác xã không duyệt tôi sẽ lên tỉnh gặp ông Chủ tịch.

Tầm trố mắt nhìn cái miệng cá ngão của Trịnh Doãng không tin ở tai mình:

– Cái thứ nông dân cá thể mở miệng là chống lại chủ trương chính sách như anh sẽ có lúc người ta tống vào nhà đá, Chủ tịch nào thèm gặp.

Doãng thọc tay vào túi áo lấy ra tấm carte đặt trước mặt Bùi Quốc Tầm nhìn anh ta bằng nửa con mắt:

– Xem kỹ đi, có phải danh thiếp của ông Trần Quảng không?

Về danh nghĩa, Trịnh Doãng làm Đội trưởng kèn đám ma nhưng thực chất Lê Văn Nghiên là người chỉ huy. Mấy hôm đầu, Lê Văn Nghiên rủ Trịnh Doãng và Nguyễn Đình Phán mang đồ nghề ra đình Cả tập. Doãng xấu mã mà đa tài. Hắn thổi kèn điệu Lâm khốc ai oán đến nỗi mấy bà đồng bóng xóm Đình khóc rưng rức nghĩ là làng Cùa vừa mới có người về nơi chín suối. Nguyễn Đình Phán mang một cặp trống cơm và hai trống nhỡ đến hoà tấu bằng những ngón gia truyền khiến Lê Văn Nghiên nổi hứng cò cử chiếc nhị réo rắt làm cho mấy cô gái chưa chồng ngứa ngáy không chịu được, rủ nhau ra đầu đình thập thò.

Kỹ thuật cá nhân nói chung đã khá thành thạo, vấn đề cần làm là phải hoà tấu sao cho các nhạc cụ ăn khớp nhau để khi vào đám khỏi xảy ra tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nghe tiếng kèn đám ma từ đình làng vọng ra chủ nhiệm Hỗ tức lắm. Anh ta đem mấy dân quân khoác súng đến bảo Lê Văn Nghiên:

– Không được thổi kèn ở đây. Yêu cầu các anh mang đi nơi khác

Trịnh Doãng đang phồng mồm thổi chiếc kèn loe, nghe chướng tai vặc lại:

– Xã đã đồng ý cho chúng tôi lập đội kèn hiếu các ông còn hạch sách gì nữa?

Hỗ sừng sộ:

– Thổi kèn trong làng làm mất an ninh trật tự và phá giấc ngủ của bà con xã viên. Các anh không chấp hành nội quy hợp tác xã tôi sẽ ra lệnh tịch thu đồ nghề.

Doãng nóng mắt định gây sự, Lê Văn Nghiên bấm tay nói nhỏ:

– Thôi về, tối mai ta mang chiếu ra đồng Chó Đá chẳng kẻ nào đuổi được.

Tối hôm sau, ba anh em xách kèn trống ra nghĩa địa thật. Doãng thuộc loại ba trợn trên không sợ giời, dưới không sợ đất. Phán là con thầy cúng, ma quỷ nhác thấy đã phải tránh xa. Nghiên được học hành chút ít, không mê tín dị đoan. Họ ngồi trên gò đống, phía dưới là những âm hồn, giữa đêm hôm khuya khoắt say sưa hoà tấu mấy bản tang khúc quen thuộc trong tâm trạng vô cùng hứng khởi. Đêm thanh vắng, gió đông nam thổi nhẹ, đưa tiếng kèn thổi khúc Hành vân về làng lúc gần lúc xa, lúc khoan lúc nhặt nghe vừa du dương vừa ai oán như là một thứ bùa ngải đầy ma lực làm xao xuyến khối cô nàng đa tình.

Lê Văn Nghiên còn kiêm thêm nhiệm vụ soạn điếu văn nếu tang chủ yêu cầu. Điếu văn anh ta viết cho ông Bẩy Hựu ở xóm Cầu Đá chết vì chứng xơ gan cổ trướng lâm ly thống thiết khiến bà con hàng xóm ai cũng thương cảm. Mấy chị trung niên chẳng có họ hàng gì cũng oà khóc như vừa bị chồng đánh oan, còn lũ trẻ con gào rống lên, có thằng khóc dữ quá đái cả ra quần.

Doãng không đặt giá nhất định cho mỗi đám tang nhưng nói chung, các tang chủ đều biết điều trả thù lao không đến nỗi quá bèo bọt. Họ biết tầm quan trọng của phường kèn, vì đã mấy năm nay, giờ mới có được tiếng kèn nhị diễn tấu đúng âm luật ngũ cung, nhất là nghệ thuật đánh trống có một không hai trong vùng Ba Tổng của Nguyễn Đình Phán.

Gánh kèn hiếu lần đầu tiên được người hàng tổng thỉnh đó là ông Tăng Văn Trọng Phó chủ tịch xã Thanh Bình. Bà mẹ ông ta bẩy mươi ba tuổi vừa quy tiên. Tang chủ cử người sang đón anh em Trịnh Doãng từ chiều hôm trước để kịp lúc bảy giờ tối phát tang. Lê Văn Nghiên được nhờ soạn điếu văn. Ông Tăng Văn Trọng do tang ma bối rối, chỉ viết nguệch ngoạc ra quyển vở học trò vài nét đại khái về thân thế, sự nghiệp của thân mẫu, còn những chi tiết cụ thể giao cho cô con gái tên là Hảo nói với anh thợ kèn. Hảo mười chín, học hết lớp sáu rồi ở nhà làm hợp tác xã, thuộc loại đẹp gái ở làng Báng. Hai năm nay, có đến gần chục đám khá giả nhờ người mai mối nhưng ông Trọng chưa ưng ai mà có ý chờ Thạc, con trai ông Bí thư huyện uỷ đang học lớp trung cấp nông lâm. Thạc mê Hảo đến mức cuồng si, những dịp nghỉ hè, ngày nào cũng đạp xe sang kẻ Báng. Ông Trọng trong ban thường vụ, phụ trách nội chính, có sở trường vận động quần chúng, nói chuyện thời sự hấp dẫn, đám thanh niên rất phục, xem như một mẫu cán bộ tuyên huấn điển hình của thời đại. Những dịp ông đăng đàn giảng nghị quyết đình làng chật cứng nam nữ đoàn viên và các đối tượng cảm tình để nghe về hai nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đến phần quan trọng nhất là Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩaQuyền làm chủ tập thể, ông diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ khúc chiết đầy hào khí cách mạng rồi trích dẫn hàng loạt những câu nói nổi tiếng của các tác giả Marxist kinh điển không sai một chữ, làm cử toạ phục lăn, nghĩ rằng chẳng mấy chốc ông sẽ trở thành nhà lý luận. Thế nhưng ông Phó chủ tịch cũng là kẻ cơ hội, trong bụng đầy những toan tính vị kỷ. Tìm cách gả được Hảo cho Thạc tức là đã khai thông con đường lên huyện. Cao hơn thì chưa nói nhưng ít nhất đồng chí Bí thư cũng phải xếp ông ta một chân chánh văn phòng hoặc trưởng ban khoa giáo. Phải có những cương vị như thế mới phát triển được tài năng. Làm cái anh Phó chủ tịch quèn lại phải dưới trướng một gã vô học, chuyên nghề thiến lợn mà lại khệnh khạng hệt Chánh Đàm ngày trước làm sao mà chịu được. Ông ta mà lên huyện thì chỉ trong vòng sáu tháng, cái chức Chủ tịch của tay Kiểm đi tong. Cho nên vị Phó chủ tịch không nhận lời bất cứ đám nào vùng Ba Tổng. Con Hảo đã có nơi có chốn. Thằng nào động vào tức là mó dái ngựa. Hãy coi chừng đấy các chú trống choai ạ.

Bài điếu văn Lê Văn Nghiên chấp bút hầu như không phải sửa được viết bằng thứ chữ tròn vành rõ nét đẹp như vẽ không giống bất cứ loại chữ bình dân học vụ nào với lời lẽ chân thành, tình cảm thống thiết, cô Hảo đọc qua một lần mà cứ ngẩn ngơ cả người. Lựa lúc vắng khách, Hảo giả bộ xuống nhà lấy thêm trầu vỏ hỏi Nghiên :

– Anh học đến lớp mấy mà viết điếu văn hay thế?

Nghiên thoáng nhìn Hảo, hai luồng mắt giao nhau, như có dòng điện chạy qua làm anh thợ kèn lúng túng:

– À, học bình dân ấy mà.

Hảo đong đưa cặp mắt đen láy như cười:

– Anh chỉ nói đùa. Em không tin.

Nghiên nheo mắt thì thầm:

– Cô không tin cũng không sao nhưng đấy là hương hồn cụ bà hiện về phù họ cho tôi viết…

Hảo còn định nấn ná thêm lúc nữa thì ông Trọng bất ngờ xuất hiện lừ mắt bảo con gái:

– Lên nhà, anh Thạc về đấy!

Bản Lâm khốc và khúc Lưu thuỷ của bộ ba kèn, nhị, trống nghe như dàn hoà tấu của các loại nhạc cụ dân tộc trong một đêm hội chèo. Đã lâu lắm kẻ Báng mới có được buổi tế kèn trang trọng như thế. Dân làng chen nhau vòng trong vòng ngoài như đi xem hội. Ông chủ nhà nở mày nở mặt cứ nghĩ thiên hạ nể mình, phục mình và cả sợ mình nữa nên có nghĩa vụ đến chia buồn cùng tang quyến.

Đưa đám xong, lúc trở về, ba chàng thợ kèn vẫn lững thững bước sau linh xa, thỉnh thoảng lại tấu khúc Đò đưa tiễn hồn người quá cố. Bản này vốn được phát triển từ một làn điệu chèo đã lược đi phần lớn những nốt nhấn nháy và đảo nhịp nghe khá bi thương, có chỗ phảng phất như giọng điệu trong bài Thập ân. Một số người đã rẽ vào các ngõ, nhưng nghe tiếng trống cứ chần chừ chưa muốn bước. Cô Hảo mặc áo xô khăn trắng, dây chuối bện thắt lưng, mái tóc dày đen như sừng xoã chấm khoeo, giả bộ đau buồn, thương bà, đận đà đi sau cánh thợ kèn, thỉnh thoảng hờ vài tiếng nhưng mắt lại đánh đáo về phía Lê Văn Nghiên. Anh ta cũng chẳng phải vô tình mặc dù vẫn giả tảng không biết gì, ra sức thổi kèn. Trịnh Doãng đúng là một tay thợ kèn đám ma bẩm sinh. Hắn thể hiện kỹ năng nghề nghiệp bằng một phong thái rất nghệ sỹ, nhất là khi bắt đầu đưa tang. Lúc ấy, đầu Doãng hơi cúi, mồm cá ngão ngậm dăm kèn hơi phùng ra, mấy ngón tay nhịp nhàng lúc bịt lúc mở trên hàng lỗ, thỉnh thoảng đảo qua đảo lại hoặc ngoáy một vòng, hệt như anh chàng hề mồi phát loa báo tin quan tân khoa sắp vinh quy bái tổ. Đặc biệt lúc vào việc, Doãng nói đâu ra đấy chẳng khác gì ông chủ đòn đám ma, chỉ mỗi tội mặt hắn hơi khó coi nên ít khi tranh thủ được cảm tình của đám chị em.

(Xem tiếp kỳ sau)

Chú thích:

(1): Một loại ma trong trí tưởng tượng của người dân vùng Ba Tổng

(2): Một loại ma đàn bà trong trí tưởng tượng của người dân vùng Ba Tổng

(3): Tiếng Pháp là muỗi truyền bệnh sốt rét

(4): Danh thiếp


Comments are closed.