Ngô Quốc Phương
Tháng Bảy đầy ắp sự kiện, cái sau xuất hiện, tranh chấp sự chú ý của công luận với cái trước, nhưng khó có thể vượt được nhau.
Mà đình đám là vụ Bộ trưởng, cựu Bộ trưởng Bộ 4T bị hay tưởng là bị vào lò, với ông Bộ trưởng họ Trương bây giờ lại hình như là chuyển ngang ngang hay ‘nghiêng nghiêng’ sang Ban Tuyên giáo Trung ương đảng, về lại cái ghế Phó Trưởng Ban, khiến bao nhiêu người đặt dấu hỏi điều gì xảy ra đây sau khi vụ AVG được báo chí đưa lên ồn ào, hoành tráng như pháo Tết, hay là lò tắt, hay là pháo xịt?
Tuần cuối tháng Bảy là các trận ngập lụt, nối cả sang tháng Tám. Tháng mà người ta có thể sẽ lại thấy chăng trung tâm dư luận trở lại với các đặc khu hành chính, kinh tế Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn và vụ dự luật ba đặc khu mà Quốc hội, Chính phủ và Ban lãnh đạo Đảng, Nhà nước dường như chịu áp lực lớn và cảm nhận được tính nhạy cảm sau khi người dân cả nước xuống đường ‘bỏ phiếu bằng chân’ và bộc lộ chính kiến một cách chưa từng thấy cả về cách thức, thái độ lẫn số lượng, đã phải ‘lui bước’, tìm kế ‘hoãn binh’.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tái xuất trên cả hai phương diện, ông kể lại vụ Quốc hội đảo ngược quan điểm, từ 50-50 nhất trí và không nhất trí cho mở rộng Hà Nội với sáp nhập một số địa phương, bộ phận ở địa phương giáp ranh, trong đó lớn nhất là tỉnh Hà Tây vào đó, và cho thấy Quốc hội hoãn và Chính phủ có thời gian giải trình tài tình thế nào đó, mà sau đó thì việc sáp nhập, mở rộng được thông qua, chỉ với lèo tèo vài lá phiếu chống, không đủ trên đầu ngón tay!
Dường như ông muốn nhắc ai đó lùi một bước và tiến trăm bước? Đợi nguội dư luận, điều chỉnh dư luận, trận địa và mở đợt tấn công, hay phản công mới, với cài cắm cẩn thận khắp nơi, sẽ chắc thắng? Dù sao Quốc hội vẫn còn là của Đảng mà, phải không?
Có nhà nghiên cứu chính sách từ trong nước nói họ sẽ thông qua thôi, khó cưỡng lại lắm, trong khi một nhà nghiên cứu kinh tế từ Mỹ thì bảo, hãy vào xem các websites quảng cáo địa ốc của họ, họ chia hết rồi đấy, có cần chờ luật thông qua đâu. Một nhà tư vấn chính sách khác trong lúc ấy vẫn hy vọng và hoan nghênh Thủ tướng sẽ lắng nghe nhân dân và các giới… Chưa rõ sự việc sẽ thế nào, ra sao…
Hướng thứ hai GS Thuyêt đề cập là về vấn đề thi cử, trong tổng thể bài toán giáo dục ở Việt Nam đang làm bao nhiêu người ngao ngán, chán chường. Hết hai trong một, rồi hô biến tách ra, rồi lại ghép lại, rồi lại làm khác, rồi lại, rồi lại?
Đề tài giáo dục còn nóng lắm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ‘vào cuộc’ lên tiếng, dường như ai đó đã thống nhất lập trường và chỉ đạo để có việc bàn tròn vấn ý tham khảo chuyên gia, từ cựu Phó Chủ tịch nước cho tới nhiều nhà phản biện có mặt, lên tiếng, kể cả Ủy ban liên quan của Quốc hội, để rồi Bộ trưởng cũng ‘tiếp thu’, ‘nhận trách nhiệm’ nhưng chắc là trách nhiệm chính trị. Có người bảo ai ngồi vào đó cũng vậy thôi, nhưng người khác thì lại nói, chưa chắc, toàn bộ hệ thống, không chỉ giáo dục, nếu giống cái vô tuyến tàng hình từ thời trắng đen, cái máy tính điện toán từ 20 năm trước, chọc ngoáy sửa chỗ này, hư chỗ nọ, tốn tiền, tốn thời gian, tốn công sức thì ‘dẹp m… nó đi cho rồi, thay cái khác!’, có người lại hỏi tiếp thế thay cái khác là thay thế nào, cách nào? Vân vân và vân vân.
Có người thì chốt lại, bắt được ‘mấy thằng’ làm bậy, và dây của nó, thì cứ xử đã, hậu xét và xử công khai nhé, bất cứ ai dính vào, chỉ đạo, chạy tiền, bao che cover up… Cũng là một phản ứng xã hội dễ hiểu thôi!
Các vụ xử các ông Tướng, Tá hai ngành đầy quyền lực mà nhìn mặt của họ, nhiều vị có thể lăn quay ra ngất vì họ đạo mạo quá, uy quyền quá, hét ra lửa quá, thế mà…
Lại có những chi tiết mới xuất hiện ở đâu đó so sánh sao xử anh Út Trọc với anh Vũ Nhôm khác nhau thế nhỉ, bên nặng hơn, bên nhẹ hơn là thế nào, rồi không chỉ hai anh ấy với nhau, họ so luôn là xử mấy tay ấy (bên án tham nhũng, làm trái này nọ với quan lại và lực lượng vũ trang) sao lại nhẹ hơn xử giới bất đồng chính kiến và hoạt động xã hội dân sự, tự do hóa, dân chủ hóa và nhân quyền nhỉ. Họ bảo, hãy so sánh bản án xử Vũ Nhôm với Út Trọc, động chạm biết bao nhiêu, phá hại biết bao nhiêu kia với vụ xử và các bản án, chẳng hạn tuyên với cô Mẹ Nấm, chị Trần Thị Nga, những bà mẹ đơn thân đều có hai con nhỏ và hoàn cảnh khó khăn ở nhà…
Trong lúc ấy, thì từ trong ngục tù, ông Trần Huỳnh Duy Thức, người tù được cho là lương tâm của chế độ, gửi tiếp ra thông điệp, khiến bao nhiêu người dù tán thành hay không với những ý tưởng của ông, đều thừa nhận một người tài, trí, có thể rất có lợi cho đất nước có thể đã bị lãng phí, cho nhập kho một người mà có ý kiến coi đó là Nelson Mandela của Việt Nam, thật là sai lầm lớn – họ bảo.
Nhưng có người bảo, vì ông ấy là Nelson Mandela, là cái gai như thế, thì mọi người sẽ chú ý hơn tới những sai trái, vấn đề của chế độ mà theo đó sẽ không ngủ quên.
Trong lúc những dòng này được viết ra, thì các sự kiện tiếp tục chuyển động, mà quan ngại nhất là chuyện ngập lụt ở nhiều nơi, lo sợ những cái đê chịu đầy áp lực sẽ bục vỡ bất cứ lúc nào, chưa kể những vết nứt địa chất ở thủy điện vĩ đại nọ đầy đe dọa, những ngôi nhà dân kia đã bị sụp đổ, cuốn đi…
Ngoài Biển Đông, cuộc đối đầu của Trung Quốc và các thế lực khác lúc công khai, lúc ngấm ngầm vẫn chưa dứt, ASEAN với bầu cử ở Campuchia cùng thắng lợi của Thủ tướng Hunsen, có người nói ‘lại Hun Sen!!!’ dường như báo hiệu Khối này còn lâu mới trưởng thành, đầy đủ, khi các thành viên có khoảng cách với tiến bộ, văn minh và phát triển của nhân loại đến thế.
Trong lúc ấy, Thương Chiến Mỹ – Trung tiếp diễn, thắng thua chưa đi vào hồi kết và chưa rõ ‘Ruồi Muỗi’ có hề hấn gì không và ra sao khi ‘Trâu Bò’ vào trận, có tiếng cười nói ‘Tập Đại ca gay rồi’, trong khi có tiếng khác lại nói, ‘Trump khá thật, cứ đánh bỏ mẹ nó đi, là mình sướng rồi’.
Ngoài kia trời London xanh lại sau một trận mưa, nhưng lại nhớ trời Hà Nội, Hà Tây và nhiều nơi khác, đừng mưa nữa cho dân tôi khỏi bị vỡ đê, chạy lụt, mất nhà, mất cửa, mất trâu bò lợn gà, em bé không bị đuối nước, người già không bị chìm sâu, và dịch bệnh, đói rách đừng có hoành hành, đừng có đến nhà nhé, nếu còn cái nhà, hay cái túp lều.
Trời thương dân tôi, xin hãy lắng nghe!
Ngày đầu tháng 8/2018, Kent-London, Anh Quốc