Phỏng vấn Nhà Nghiên cứu phê bình Đoàn Cầm Thi nhân dịp ra mắt cuốn “Đọc tôi bên bến lạ” (NXB Hội Nhà Văn & Nhã Nam, 2016)

Hà Thuỷ Nguyên thực hiện

Tran Dan và Thi & Thuan

1. Vì sao cuốn sách phê bình đầu tay của chị đã chọn “Cái Tôi” làm chủ đề? Đó là định hướng của chị ngay từ khi bắt đầu công việc phê bình hay chỉ từ khi tập họp các bài đã viết để in thành sách?

Đây không phải là cuốn phê bình đầu tay của tôi. Trước đó, tôi đã xuất bản nhiều công trình, ví dụ Écrire le Vietnam contemporain. Guerre, corps, littérature (NXB Presses de l’Université Paris Sorbonne, 2010), hay Au-rez-de chaussée du paradis. Récits vietnamiens 1991-2003 (NXB Philippe Picquier, 2005), hay Poétique de la mobilité (NXB Rodopi, Amsterdam 2000). Nói chính xác thì công việc nghiên cứu của tôi diễn ra bằng tiếng Pháp và đây là lần đầu tiên một cuốn sách phê bình của tôi in ở Việt Nam.

Còn chủ đề « Tôi », thì đó là một cái duyên dài, bắt đầu từ luận án tiến sĩ của tôi ở ĐH Paris 7 về tự truyện của George Sand, bảo vệ năm 1997.

2.    Như chị đã phân tích ở phần đầu của cuốn sách, cái “Tôi” đã từng bị gián đoạn cuộc hành trình, và chỉ bắt đầu lại sau thời Đổi Mới. Vậy có thể coi từ giai đoạn Đổi Mới đến nay là một quá trình Phục Hưng của cái “Tôi”?

Đúng thế, cái Tôi đang trở thành tìm kiếm lớn của văn học Việt Nam. Có phục nhưng cũng có hưng, bởi cái Tôi thể hiện trong các tác phẩm ngày hôm nay khác với cái Tôi của Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách, 1925), Những ngày thơ ấu (1937) của Nguyên Hồng, Cỏ dại của Tô Hoài (1944) rất nhiều. Bạn thử đọc Song Song (2008) của Vũ Đình Giang mà xem. Các nhân vật của Vũ Đình Giang đều không có căn cước, chỉ tồn tại dưới các mã số : G.g, H, Kan. Dường như họ nghi ngờ ngay cả sự tồn tại của chính mình : “Bởi tôi thuộc về những vùng tăm tối”, như lời tuyên bố của nhân vật G.g. Cái Tôi của Vũ Đình Giang không đấu tranh chống sự kìm kẹp của gia đình và xã hội. Thế giới của Song Song trừu tượng và duy mỹ. Có lẽ cái Tôi trong nghĩa “chủ thể sáng tạo” mới là quan tâm chính của tác giả. Vì vậy, G.g vừa là Giang vừa không là Giang. Hay nói đúng hơn, G.g là hình hài nghệ thuật, là cách điệu, là ảo ảnh, của Giang ?

Tuy nhiên, gián đoạn là so với văn học miền Bắc thôi. Chứ văn học miền Nam những năm chiến tranh có những gặp gỡ và khám phá vô cùng sôi động. Có lẽ những ấn bản trước 1975 đã tạo nên cơ sở vững chắc cho nhà văn hậu chiến.

Mặt khác, bên cạnh các tác phẩm nổi bật của thế hệ Đổi Mới, phải kể đến những mạch ngầm của văn học miền Bắc trong thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa độc tôn. Tôi thường nghĩ đến Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt. Tác phẩm của họ gần đây mới được khám phá, và cũng chỉ là một phần của tảng băng chìm. Nhưng ngay từ những năm 1960-1970, Trần Dần đã có những thí nghiệm bất ngờ về cái Tôi trong thơ và văn xuôi. Những ngã tư và những cột đèn được xây dựng trong một cấu trúc lạ: hai cuốn nhật ký lồng vào nhau để những cái Tôi mặc sức tung hoành. Trần Dần cho nhân vật mơ có “một nghìn căn cước”. Anh ta tự tách làm ba trong nhật ký của mình : “Song tôi im lặng. Sọ tôi cũng im lặng. Cái bóng tôi trong gương cũng im lặng”. Đoạn văn sau là một sáng tạo ngoạn mục “lý lịch” của nhân vật : “Tôi đi lại trong buồng, mỗi lần đi qua gương, lại nhìn mặt tôi, một cái. Mỗi lần đi qua gương, tôi lại chửi, một câu. Tôi thằng sắp chết. Tôi thằng nhọ, thằng dằn di. Tôi thằng bị phạt, phải làm kiểm điểm. Tôi thằng câu nhái. Tôi thằng iêu ảnh truồng. Tôi thằng nghiện trinh thám. Tôi đứng lại trước gương, tôi nhìn vào mặt, thằng trong gương. Trước mặt tôi, là thằng vợ bỏ. Thằng một nghìn căn cước”. Trần Dần cũng cho nhân vật, trong muôn vàn tuyệt vọng, một giấc mơ hóa thân vô cùng hài hước: “Tôi đi lại trong buồng, tự nhủ kiếp sau, có lộn về Hà Nội, tôi sẽ làm cán bộ, để iêu quí, toàn bộ nhân loại…”.

Có thể nói chủ nghĩa hậu hiện đại cho đến những năm 2000 mới chính thức được khai sinh ở Việt Nam, nhưng từ thập kỷ 1960, trong câm lặng, Trần Dần đã ươm những cái mầm cho tương lai.

3.    Tiêu chí nào để chị chọn lựa các đại diện của nền văn học Việt Nam sau Đổi Mới đến nay để đưa vào sách?

Tôi không chọn tác giả mà chọn văn bản. Cuốn sách này quan tâm đến những tác phẩm văn xuôi khảo sát cái Tôi quyết liệt nhất. Đương nhiên, lựa chọn nào cũng mang tính chủ quan và khó lòng đầy đủ. Nhưng như đã viết trong Lời Tựa, tôi coi công trình này là một lời mở hơn là một tổng kết.

4.    Theo chị, từng chặng đường của cái “Tôi” ở Việt Nam sau Đổi Mới chịu ảnh hưởng như thế nào của văn học thế giới? Sự ảnh hưởng này có cấp độ như thế nào?

Có những tác phẩm ảnh hưởng trực tiếp, như Thiên sứ (1988) của Phạm Thị Hoài, mang âm vang của Cái trống, tiểu thuyết của Günter Grass, mà chính tác giả thừa nhận. Cũng có thể nghe thấy những tiếng vọng của Kafka mà Phạm Thị Hoài là một trong những người dịch và giới thiệu đầu tiên ở Việt Nam. Còn ChinatownT mất tích của Thuận mang những dấu ấn nhất định của tiểu thuyết Pháp đương đại.

Có những tác phẩm ành hưởng gián tiếp. Đôi lần tôi tự hỏi trước khi viết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh đã đọc những gì ở bên ngoài ? Nhưng rồi lại tự bảo : điều đó cũng không quan trọng lắm. Không ai viết từ con số không. Người ta chỉ viết sau khi đọc rất nhiều.

Nhưng đây là điểm có lẽ thú vị nhất trong những thử nghiệm gần đây về cái Tôi : đã xuất hiện trong văn học Việt ảnh hưởng của những thể loại nghệ thuật phi ngôn ngữ. Tiểu thuyết Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên làm tôi liên tưởng đến hội họa và đồ họa thế giới. Ngựa Thép có cấu trúc theo kiểu “bộ ba” như trong một số tác phẩm của Bosch hay Bacon, với 3 câu chuyện độc lập, chỉ liên quan với nhau qua hình ảnh những con ngựa, như một mô-típ chính. Và những con ngựa đó không có vai trò gì khác ngoài đánh thức cảm xúc mỹ học trong tâm hồn người đọc. Dường như với Phan Hồn Nhiên và một số nhà văn cùng thời với cô, tôi lại nghĩ đến Vũ Đình Giang, tiểu thuyết là là nơi tác giả cùng độc giả hướng đến cái đẹp, hơn là công cụ để bày tỏ quan điểm hay phản ánh thực tại. Ngay cái tựa « Ngựa thép » gợi cho ta một đường nét (vóc dáng uyển chuyển hài hòa của loài ngựa), màu sắc hay cảm giác (những mảng màu trong hội họa hay chất liệu hợp kim trong điêu khắc), và trên hết một ước mơ nghệ thuật (cô đơn, khát vọng, tự do). Rõ ràng ảnh hưởng phi ngôn nhữ này đã mang lại nhiều độc đáo và mới mẻ cho tìm kiếm văn chương của Phan Hồn Nhiên

Nhưng phải mở ngoặc để nói rằng hai chữ “ảnh hưởng” ở đây nên hiểu theo nghĩa rộng và tích cực. Ảnh hưởng không có nghĩa là bắt chước, mà là tiếp thu những cái hay của bên ngoài để sáng tạo. Đọc những tác phẩm kể trên, không ai có thể phủ nhận phần khai phá của các tác giả Việt. Tương tự, Nguyễn Du chỉ viết Truyện Kiều sau khi đọc Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng “phóng tác” đã vượt rất xa “nguyên tác”.

Vì vậy, nghiên cứu về ảnh hưởng trong văn học, không có nghĩa là chụp mũ chê bai để thực ra là che giấu một thái độ mặc cảm. Ngược lại, nên tìm hiểu xem nhà văn Việt đã phá đổ thần tượng như thế nào. Đây là Thuận viết trong “Lời phi lộ” cho T mất tích: “Dù sao thì hắn cũng không bảo hắn vẫn yêu tôi như trước, hắn không thể ngừng yêu tôi, hắn sẽ yêu tôi cho tới khi chết. « Người tình » tôi đọc đi đọc lại, nhưng cái câu kết thúc này chưa bao giờ tôi dám nhìn lần thứ hai. Cái câu kết thúc này, không cần Duras thì văn chương Việt cũng đẫm nước mắt rồi”.

5.    Chị có theo dõi các nhà văn 8X và 9X hiện nay không? Chị thấy cái “Tôi” biểu hiện trong văn của học như thế nào?

Tôi có theo dõi và luôn kỳ vọng ở thế hệ trẻ. Hiện nay thì chưa thấy gì nổi bật lắm ở các nhà văn 8X và 9X, nhưng điều đó không có nghĩa là không có những tác phẩm đang nảy mầm trong bóng tối.

6.    Nếu cứ đi tiếp hành trình của cái “Tôi”, chị dự đoán cái “Tôi” ấy sẽ phát triển đến đâu?

Tôi không phải là thầy bói, nên không có những dự đoán cụ thể. Tôi chỉ nghĩ cái Tôi sẽ tiếp tục là chủ đề lớn của văn học tương lai.

7.    Cái “Tôi” của nhà văn, nhà thơ rất dễ nhận thấy, nhưng cái “Tôi” của nhà phê bình sẽ nằm ở đâu?

Nhà phê bình cũng cần có cái Tôi. Chỉ có điều, mỗi nhà phê bình quan niệm về cái Tôi của mình một cách khác nhau. Nhiều người cho đó là cái Tôi cầm cân nảy mực. Với tôi, nhà phê bình phải có cái Tôi sáng tạo. Cái Tôi đó mang tính chuyên môn nhất và cá nhân nhất, độc đáo nhất. Đôi khi cực đoan nhất, tức là đi đến tận cùng luận đề và logique của mình. Vì không thích sự nửa vời, nên cái Tôi đó thường cuốn hết sinh lực của tôi.

Thực ra có 2 loại phê bình. Cách thứ nhất đóng đinh tác phẩm vào những định kiến : Trần Dần thì “chống đối” nên xếp vào nhóm “văn học chống đối”, Nguyễn Bình Phương thì “ma tà khó hiểu” nên xếp vào nhóm “văn học huyền ảo”. Sau đó thêm mắm thêm muối tây tàu một tí, thành ra bài phê bình. Cách đọc này chỉ làm nghèo nàn tác phẩm, vì nó quên rằng Trần Dần không chỉ tham gia Nhân Văn Giai Phẩm, mà trên hết là một nhà văn cách tân quyết liệt, bạo liệt. Bạn thử đọc đoạn văn này của Sổ bụi mà xem : “Họ hôm nay chơi tôi 1 lít đắng. 7 kilô cay. 10 mặt trời rù. 100 hành tinh chết. tôi không trả thù lại họ 1 câu thơ?” Tương tự, văn chương của Nguyễn Bình Phương không chỉ “ma tà” mà mô tả hiện thực của ngày hôm nay một cách trần trụi và cộc cằn, và đặc biệt đầy chất thơ.

Cách phê bình thứ hai, ngược lại, quên đi các định kiến và chỉ đọc văn bản. Trong văn bản và liên văn bản. Bắt đầu bằng con chữ để vượt lên con chữ. Cách đọc này công phu hơn và mạo hiểm hơn, nhưng nó làm giàu thêm cho tác phẩm bằng cách mở ra những cánh cửa mới. “Cánh cửa” hay “cửa số” nói theo kiểu “càng nhiều cửa sổ càng sang” của Nguyễn Bảo Sinh cũng vui.

Cách đây hơn mười năm, Nguyễn Thanh Sơn có một cuốn phê bình rất mới, với một cái tựa thật ấn tượng : “Phê bình văn học của tôi”. Như vậy là Nguyễn Thanh Sơn đã trả lời cho câu hỏi của bạn rồi đấy.

8. Theo chủ quan, chị thấy cuốn “Đọc “Tôi” bên bến lạ” có những nét gì mới/khác các tác phẩm phê bình đã xuất hiện trước nó?

Tôi có nhiều cái may. Được theo học ngành mình yêu thích là văn chương Pháp từ khi còn rất trẻ. Được đào tạo một cách bài bản, nếu không nói là khoa cử và hàn lâm, ở một nơi danh tiếng là khoa văn học Pháp của Đại học Paris 7. Xin được mở ngoặc để thêm là khoa đã được thành lập sau 1968 với các đại diện của trường phái Phê Bình Mới, để đối đầu với nhóm Phê Bình Cũ của Đại học Sorbonne. Trong gần 10 năm, chúng tôi được học nhiều lý thuyết tiếp cận văn bản : thi pháp học, cấu trúc học, phân tâm học, xã hội học, ngôn ngữ học, vân vân.

Tôi rất ấn tượng với một khóa học về phương pháp thống kê. Ví dụ, chúng tôi đã tổng kết rằng trong tiểu thuyết Pháp, câu văn dài nhất thuộc về Proust và ngắn nhất thuộc về Duras. Flaubert và Balzac đứng chênh vênh ở giữa. Hơn thế nữa, Duras thường thích những từ rất ngắn, chỉ 1 và 2 âm, hãn hữu mới 3 âm. Chúng tôi cũng thử nghiên cứu cấu trúc câu của Duras như người ta làm với thơ, tức là khảo sát về âm nhạc, vần, điệu. Cách Duras lật ngược vị trí của chủ ngữ và động từ cũng được coi là một trong những đặc sản của bà. Chúng tôi cũng thử tính xem những từ nào thường được Balzac sử dụng và kết quả thật bất ngờ : một trong những từ đó là “mélancolie” (có nghĩa là “buồn vấn vương”, “u hoài”), khám phá này khẳng định tính phức tạp của Tấn trò đời, thường được coi là mô tả hiện thực một cách chính xác, trong sáng. Đương nhiên, những kết quả thống kê này cần được bổ xung bằng các phương pháp tiếp cận khác, nhưng cách đọc như vậy thật thú vị. Cuối khóa học, giáo sư đề nghị chúng tôi bắt chước văn phong các thần tượng của mình. Duras và Proust được nhái nhiều nhất và thành công nhất. Những kinh nghiệm này đã giúp tôi rất nhiều khi dịch Nỗi đau của Duras ra tiếng Việt.

Chúng tôi cũng được nghiên cứu các trường phái, tác phẩm và tác giả một cách rộng nhất, trước khi đi vào chuyên môn, để có một cái nhìn sâu và đa diện về vấn đề của mình. Khi làm luận án tiến sĩ, tôi chọn tự truyện của George Sand, nhưng trong hành trang của mình, tôi đã có Proust, Flaubert, Balzac, Rimbaud, Baudelaire, Robbe-Grillet,…

Một cái may nữa : sau khi học xong, tôi được sống và hành nghề với cái mình đã chọn. Vì thế, phê bình với tôi hôm nay, là một đam mê và một chuyên môn. Nói một cách giản dị và để trở lại với câu hỏi bạn đặt ở trên về cái Tôi của nhà phê bình, thì ở trong vị trí này tôi được là tôi. Nó là cái Tôi của tôi trong xã hội, trong công việc kiếm sống hàng ngày và trong tâm tưởng. Với nó, tôi không phải phân thân như “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Một cái may nữa, từ khi chuyển sang văn học Việt Nam, tôi quan tâm đến các tác phẩm Việt ở 3 vị trí: nghiên cứu, giảng dạy và dịch thuật. Trong cuốn sách này, nhiều tác phẩm và tác giả được tôi tiếp cận trong tư thế đó. Chẳng hạn, tôi vừa dịch, vừa lên lớp, vừa viết phê bình, tham gia hội thảo, về các tác phẩm của Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Vệt Hà, Thuận, Đỗ Kh, Phan Hồn Nhiên, Trần Dần, Trần Vũ,… Các tác giả khác như Phong Điệp, Phan Thị Vàng Anh, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp,… đều nằm trong chương trình cho sinh viên từ năm thứ 3 đến sau đại học. Học Viện Inalco nơi tôi làm việc, lại một lần nữa mở ra cho tôi những cánh cửa bất ngờ. Là mô hình duy nhất trên toàn cầu, Inalco được quan niệm như một labo khổng lồ nghiên cứu 96 ngôn ngữ và văn minh thế giới. Các văn chương thường xuyên gặp gỡ và cọ sát, làm động lực cho những tìm kiếm, tranh luận và hân hoan mới.

Và đây là một cái may cuối cùng. Sang đây ngót nghét 30 năm, tôi vẫn giữ một thứ tiếng Việt trong sáng và thường xuyên được trao đổi với những người cầm bút Việt, trong nước cũng như hải ngoại.

Đó là những khởi điểm và hành trình của cuốn sách. Còn kết quả như thế nào ? câu trả lời xin giành cho độc giả. Tôi không thể vừa là quan tòa vừa là bị cáo. Hay nói vui theo mùa Euro, tôi không muốn vừa đá bóng vừa thổi còi.

Ảnh: Đoàn Cầm Thi với Trần Dần (bên trái) và Thuận (bên phải)

Comments are closed.