Dạ Ngân với hai mảng đời sống xã hội trong Nước nguồn xuôi mãi

Mai Quỳnh

clip_image002

(Nhân đọc tập truyện ngắn Nước nguồn xuôi mãi của Dạ Ngân – NXB Phụ Nữ, 2008)

“Đọc lại đi!”, một tiếng nói từ xa thúc giục. Tôi đọc lại. May mắn! Nước nguồn xuôi mãi đã không phụ công tôi.

Hai mươi truyện ngắn vẫn in đậm phong cách Dạ Ngân gieo vào lòng người nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Những nỗi niềm trong lúc bất chợt Dạ Ngân muốn gửi gắm nhanh tới bạn đọc cũng đa chiều như chính cuộc sống. Những cuộc tình thủy chung, day dứt đợi chờ bên những mối tình thực dụng, chớp nhoáng. Không gian gia đình ấm êm đặt bên cạnh cảnh nhà xung đột, rối ren. Nét thảnh thơi của sự tự nguyện hy sinh bên nỗi ẩn ức bắt buộc tuân theo nền nếp lỗi thời. Những mất mát thầm lặng. Những người hùng không tên… Hiện lên trước mắt chúng ta vẫn là khung cảnh mênh mông sông nước Miền Tây cùng những con người quen thuộc: bà má, anh Hai, chị Ba, cô Tư mạnh mẽ, bộc trực, cam chịu. Đi xa hơn, Dạ Ngân đã đưa cây viết tới những nơi đô hội với bệnh viện, khoang tàu, góc phố, quán xá. Và, có thể là lần đầu tiên chị chạm tới Hà Nội. Thế giới nhân vật phong phú thêm: bác sĩ, nhà giáo, học trò, văn nghệ sĩ, người nội trợ, người mua bán dạo… của Miền Bắc, của riêng thủ đô thông qua lời ăn tiếng nói, cử chỉ giao tiếp đặc trưng của mảnh đất “chẳng thơm cũng thể hoa nhài…”.

Không chỉ là những nỗi niềm, tập truyện hàm chứa những cảnh báo nhẹ nhàng về giá trị đạo đức bị mai một, về cám dỗ vật chất che khuất yếu tố tinh thần, về hậu quả thói hư tật xấu ở đời. Nhưng, theo tôi, một thông điệp được nhắc đến nhiều trong những câu chuyện này là lằn ranh không dễ san lấp giữa hai phía thời hậu chiến, một lằn ranh vô lý nhưng nghiệt ngã vẫn đang chia rẽ mọi người. Một tồn tại mang tính xã hội học đáng quan tâm.

Chúng ta bắt đầu với mảng đời sống xã hội quen thuộc của Dạ Ngân.

Cậu Hai trong Thời gian vĩ đại là con đẻ của Thời đại mới trước đây chưa hề có. Gói ghém câu chuyện trong một cuộc viếng thăm ngắn ngủi, Dạ Ngân đã dựng lên trước mắt chúng ta chân dung một anh chàng đẹp mã mà cực kỳ bỉ ổi, một trong nhiều tên Sở Khanh trơ tráo mà “cái đầu”, như cái cậu Hai hãnh tiến này tự hào, chỉ được dùng cho một công việc duy nhất là đọc thuê viết mướn; đôi chân làm anh chạy cờ và thân hình đẹp trai là để lợi dụng thân xác của những ngưởi đàn bà nhẹ dạ cả tin. Thời gian đã bóc trần nhân cách thấp hèn của loại người như anh ta ra, để “giờ đây chỉ còn cái mã đẹp, thuần một cái mã đẹp” mà thôi.

Thương lấy chị tôi là tiếng gọi tha thiết cộng đồng hãy vứt bỏ những định kiến, những sĩ diện hão để thương lấy thân phận một người đàn bà góa bụa, một vợ liệt sĩ, một người hùng không tên gan lì bám chặt đất đai. Chị Ba ấy có cha đi tập kết lấy vợ ngoài Bắc không về, mồ côi mẹ từ trong cuộc chiến. Suốt cả cuộc chiến cam go, chưa khi nào chị buông xuôi ruộng rãy. Đến cái việc hệ trong nhất của cuộc đời là lấy chồng thì cũng lấy một anh bộ đội Miền chỉ để khỏi bỏ rơi em út, vườn tược. Rồi anh bộ đội có “đôi mắt xếch ấy” hy sinh khi thằng con trai mới 6 tháng tuổi và đúng vào cái đận mà “chị vào tuổi ba mươi mốt bước qua ba mươi ba bước lại”. Hòa bình, trong ba anh em thì anh Hai ở lại trên thành phố với vợ con nhà cửa khang trang, vui thú với trang trại trồng lan, còn chị Ba thì “chỉ ủ dột vài tháng rồi quýnh lên vì công việc khôi phục cảnh cũ, hì hục như bị đất đai níu kéo đêm ngày… giữ cửa nhà hương hỏa, lo gả chồng, thu xếp cơ nghiệp cho cô em út. Nết làm nết ở của chị khiến mọi người chào thua. Nhưng thật trớ trêu, “chị càng tiếng tăm càng cô độc, càng nổi bật càng thui thủi, đố ai dám xông vào đi bước nữa với chị”. Mà xót thương thay, “xung quanh nào có ai, bởi cánh đàn ông trang lứa đã bị chiến tranh đưa lên bàn thờ hết rồi”! Thằng con thiếu cha sinh tật bỏ nhà đi hoang, chị Ba càng lật đật hơn, cóc cáy hơn. Khi đã quá đuối sức, chị gan góc tự cứu lấy tuổi thọ bằng cách gắn bó với một “người giúp việc”, một người đàn ông đã có vợ con, cũng mong tìm cho thằng con một người cha đỡ đầu. Thế là dư luận bùng lên, là lời ong tiếng ve, ngay cả cô em, người chịu ơn chị ngàn lần, trong buổi tối chị và cháu ra thăm ấy, cũng đang tính cật vấn gắt gay và vứt bỏ ‘thần tượng” của đời mình đi. Nhưng đúng lúc đó, đúng lúc thằng con trai ruột đổ đốn nơi phố chợ thì “người đàn ông của chị” xuất hiện. Kiệm lời, tự nhiên, đàng hoàng nhận làm cây cổ thụ vững vàng chở che, người ấy cùng chị nâng đứa con hư đốn lên, xốc nách đưa nó về nhà. Dạ Ngân hình dung hai con người lúc đó như “đang chia nhau cây thánh giá cuối đời”. Chi tiết kết truyện đắt giá tôn lên vẻ đẹp của sự sẻ chia!

Cũng kể chuyện về thân phận những người đàn bà bị thua thiệt sau chiến tranh, nhưng trong Gặp ở giáp nước Hôm ấy trời đẹp lắm, ba nhân vật nữ của Dạ Ngân lại không dám bứt phá khỏi số phận. Tư Tầm, Năm Gấm, trong Gặp ở giáp nước, hai vợ liệt sĩ ở vậy nuôi con được một người đàn ông cứu mạng khỏi tay thủy thần. Người ấy cũng sống cảnh gà trống nuôi con đơn côi, bần hàn nhưng vô cùng tốt bụng và tháo vát. Cả hai, không nói ra, cùng thầm thương người ấy. Rồi Năm Gấm, được người ta ngỏ lời. Nhưng Năm Gấm vì sợ bạn giận hờn mà đau đớn cự tuyệt. Còn Tư Tầm thì cái mầm non mong ước đời sống lứa đôi vừa nhú lên, cũng vì bạn mà vứt bỏ nó đi. Không ai trong hai người nỡ là người đầu tiên tách bạn. “Họ phải sống với nhau, chỉ với nhau thôi như một định mệnh, như một liều thuốc đã cùng uống trong mấy chục năm qua”. Thuốc đã quen rồi, ngưng uống là bệnh. Chỉ có người này được quyền thay thế người đàn ông của người kia trong tâm tưởng!

Tư Tím trong Hôm ấy trời đẹp lắm đã từng ôm mặt tức tưởi với người mình yêu: “Em biết anh thương em lắm nhưng mà em là vợ bộ đội còn anh thì…”. Tư Tím không đến được với người mình thương, một người đã từng bị bắt đi quân dịch mà rơi vào phía bên kia, nên đành nhắm mắt đưa chân lấy một người làm công mà mình không yêu rồi an phận với cảnh nghèo. Cũng vì, chị không dám một mình vượt qua chiến tuyến, cái chiến tuyến vô hình, vô lý nhưng vô cùng nghiệt ngã mà xã hội đã dựng lên.

Cái chiến tuyến vô nghĩa và vô hình ấy, cái lằn ranh giữa hai phía còn tồn tại ngay cả nơi những người “có học”, những văn nghệ sĩ trong Chỗ ngồi ưa thích. Bốn người bọn họ, một phía này ba phía kia, đều không hẳn là những con người cực đoan, mù quáng. Họ có thể lý giải hiện tượng xã hội theo quan điểm lịch sử. Họ đã cùng ngồi với nhau ở một chỗ ngồi ưa thích bàn luận thế sự văn chương, họ thương yêu nhau thật lòng. Nhưng chẳng bao lâu, họ âm thầm lặng lẽ chia tay, mỗi người một ngả. Bởi họ đã sống trong chiến tranh và đã sống trong “cuộc biển dâu dằng dặc khôn lường” của thời hậu chiến. Mà “kết thúc được cái thời có tên hậu chiến ấy còn nhiêu khê hơn kết thúc cuộc chiến”.

Cái ban công trống là tấn bi kịch có ngọn nguồn từ bên trong và kéo dài mãi sau chiến tranh. Cái chết bất đắc kỳ tử của chị Biên đem theo xuống mồ câu hỏi không lời giải đáp: chị bị người chồng xô đẩy, chị sa sẩy lỡ chân hay chị tự vẫn? Dạ Ngân không dẫn dắt câu chuyện theo hướng hình sự. Người đọc chú ý tới cái ban công trống, nói khác đi là cái hố ngăn cách sâu thăm thẳm giữa chị và anh Hoành, chồng chị, mà rồi trước sau gì thì thể nào cũng phải có một người bị nó hút xuống đáy. Cuộc hôn nhân vội vàng giữa trận chiến, mục đích sống hoàn toàn dị biệt trong và sau chiến tranh đã tách mỗi người đi một con đường. Mâu thuẫn thổi bùng lên khi ông Trung tá Sư phó Chính trị về hưu. Về hưu sau 53 năm chỉ biết tuân lệnh và ra lệnh trong quân ngũ, ông không chuẩn bị một phương án nào cho bước ngoặt này nên ông đành bị động theo sự dẫn dắt của vợ, một người đã có “máu con buôn” khi chưa lấy ông. Mặt trái của cơ chế thị trường – ta hay nói thế – đã tác động làm tan nát cái gia đình đáng ra là rất yên ổn và hạnh phúc ấy. Chỉ còn lại khuôn mặt thiểu não của một trong những người anh hùng thuở nào trên chiến trận. Sống, vì lẽ nào đó tự đánh mất mình sẽ là mất tất cả!

Trăng về Nhìn từ phía khác, hai câu chuyện trong thời chiến, một ở Cứ, một ở trong lòng địch. Trong Trăng về, Dạ Ngân soi cây nến văn chương của mình vào một góc khuất thật nhỏ nhoi, khung cảnh sinh hoạt của một phân tổ “tuyên huấn” gồm ba nam hai nữ giữa mênh mông bưng biền. Cái góc khuất ấy phát sáng trước mắt chúng ta vì một sự hy sinh tức tưởi của Nguyệt, cô gái có đôi chân trần thon thả dưới ánh trăng đêm. Đôi chân đầy gợi cảm nát vụn vì vướng phải một quả mìn quân ta gài lại chưa kịp gỡ đi (hoặc không còn ai để gỡ!). Cô hy sinh khi đang tìm cách che chắn một chỗ tắm kín đáo cho hai người con gái, để không ai có thể tò mò nhìn lén những nơi thiêng liêng khác, ngoài đôi chân trần buộc phải lộ ra. Cô đột ngột ra đi bỏ lại đồng đội, bỏ lại anh họa sĩ vẫn thường đội lục bình vượt qua đồn bót địch tới thăm cô. Một hình ảnh tương phản xót đau: đôi chân thon tròn trắng ngần dưới ánh trăng đêm và đôi chân nát vụn bê bết máu trên một đoạn đường mòn ngập nước. Ánh hào quang của chiến thắng lẫy lừng có soi thấu những hy sinh thầm lặng của Nguyệt?

Cái môtip “giữa đường gặp chuyện bất bằng chẳng tha” trong Nhìn từ phía khác là môtip cũ. Nhưng Dạ Ngân đã làm cho chúng ta chấp nhận được hành vi của Thuận, người thương phế binh “phía địch”, chấp nhận tình yêu của người con gái “phía ta” với người đó, chấp nhận sự chia ly giữa họ, chấp nhận toàn bộ câu chuyện vì nó hợp lô gích. Điểm nhấn của câu chuyện đầy bi thương, tiếc nuối này, chính là con tim nhân ái của Thảo, nữ tình báo viên. Cái lý trí phục tùng Tổ chức đã không làm con tim Thảo khô héo. Đọc xong, tôi tin rằng sẽ không ai chê trách Thảo; cô đáng được nể trọng. Trong con tim của mỗi người, dù ở phía nào trước đây, nên chăng, cần dành một khoảng cho sự thấu hiểu.

Bà mẹ của “một gia đình đỏ chói” như cách nói của Dạ Ngân trong Tiền của má là một bà mẹ hạnh phúc. Bởi vì cái gia đình đỏ chói đó sau chiến tranh không có ai quyền cao chức trọng, không giàu sang nhưng cuộc sống còn rất nhiều gian nan của người nảy lại luôn là niềm an ủi hay là giấc mơ của người kia. Họ hiếu thảo, họ thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau, họ giữ gìn, nâng niu các giá trị tinh thần. Nên bà yên tâm quyết định vĩnh viễn rời xa họ.

Truyện ngắn Nước nguồn xuôi mãi có đổi tên thành “Nước mắt chảy xuôi” thì cũng không ai bắt bẻ được. Những công việc vặt, những lo toan của ba người đàn bà thuộc ba thế hệ quanh một đứa trẻ mới sinh trong một buổi sáng mà khái quát được cả cuộc đời vì con, vì cháu của bà ngoại, cái nghề “lấy đêm làm ngày, moi tim moi óc ra mà quanh năm chẳng thấy thiên hạ biếu xén gì trơn” của mẹ và cái tính ‘vô tâm’ chỉ nghĩ đến con mình của cô con gái. Chốt lại bằng một hình ảnh tượng trưng đắt giá: bà ngoại, con gái, cháu ngoại “như đang đứng trong cùng một đội hình, người nầy chỉ thấy cái ót của người kia và phía trước là thời gian và những nỗi lo muôn đời”. Đứng trong đội hình hàng một ấy, mỗi người tự quên mình, chỉ nhìn xuôi theo một chiều, chăm chút uốn nắn cho người phía trước sao cho thẳng hàng. Cái nền nếp thuần Việt ấy sao đẹp đẽ thế.

Nhưng cái nền nếp đại loại như vậy, “cái thứ tôn ty trật tự” truyền thống ấy, cái lý lẽ “đàn bà phải phục vụ nhà chồng” lại là cái bóng cho những kẻ ích kỷ núp vào trục lợi là cái cớ làm khổ người khác trong Nàng ở đâu ra. Chúng ta chép miệng ngán ngẩm cho hoàn cảnh tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa của nhân vật chính trong câu chuyện. Vì những nếp nhà cũ mèm, vì thói quen dung tục, vì sự vô tâm và cả nhẫn tâm của người đời mà chị phải mang theo trong mình “những cơn ẩn ức già trong người đàn bà trẻ”, giết dần giết mòn mong ước, sức lực và hạnh phúc của chị. Câu hỏi của đứa con riêng đã bứt chị ra khỏi cái khoảng không chật hẹp ấy: “Mẹ có hạnh phúc không?”, nếu nói theo cách cực đoan là tiếng chuông cảnh tỉnh rằng, cần tỉnh táo với những thói quen gọi là “nền nếp gia phong”, cần quý trọng tự do cá nhân hơn nữa, có vậy hạnh phúc thực sự mới đến với con người.

Phong cách sử dụng thủ pháp tương phản của Dạ Ngân một lần nữa lại thành công trong Phòng chờ. Đó là một bức tranh chỉ gồm sáu, bảy ký họa rời rạc ghép nối vào nhau. Bệnh viện hiện đại và căn chòi ọp ẹp đơn sơ bên ngoài bức tường kiên cố. Vợ chồng Giám đốc bệnh viện và vợ chồng người con gái nghèo làm nghề thu tiền, don dẹp khu vệ sinh. Bà mẹ liệt sĩ, đứa cháu thảo hiền và chín người con vô tâm, đùn đẩy trách nhiệm. Cầu nối là người kể chuyện, một nhân vật phụ và những chi tiết về tấm lòng những người cùng khổ thương nhau…

Nhiều truyện ngắn ở đây của Dạ Ngân là những mảng hình tượng đơn lẻ; nhưng lại nhất quán về tính cách cho cuốn tiểu thuyết Gia đình bé mọn nổi tiếng sau này. Người duy nhất chẳng hạn. Tình yêu muộn màng giữa Liêm và Duệ trong Người duy nhất cũng phải trải qua đợi chờ nhiều năm tháng như Đính và Mỹ Tiệp trong Gia đình bé mọn. Vì bên cạnh tình yêu còn có trách nhiệm, còn người vợ cũ (người chồng cũ), còn những bà mẹ và những đứa con riêng; nói cách khác là còn “lịch sử” và “hiện tại”, không thể nhẫn tâm bỏ qua. Mà “lịch sử và hiện tại là tương lai của mỗi chúng ta” như lời Liêm nói với Duệ. Còn gì trong câu chuyện đó nữa? Tình dục phải có “sự hờn tủi đau xót thương yêu” mới đốt cháy được nhau. Nếu không, nó chỉ còn là quan hệ xác thịt đơn thuần! Bài học không có gì mới nhưng người đọc vẫn bị cuốn hút theo cách kể chuyện có duyên.

***

Tạm xa Miền Tây Nam Bộ, đến với mảng đời sống xã hội Miền Bắc, trong “mười lăm năm làm cư dân thủ đô lận đận vui buồn”, Dạ Ngân gửi gắm nhanh nỗi niềm của mình trong bảy câu chuyện. Ngòi bút Dạ Ngân mới chạm vào đôi nét cảnh và người của Hà Nôi ngày nay, mà cũng mới ở bề nổi. Nhưng những điều gặt hái được trong số đó lại rất đáng ghi nhận. Người Hà Nội nhận ra trong truyện Dạ Ngân những khung cảnh, hình bóng con người, nếp sống, lời ăn tiếng nói, tâm lý, tình cảm gần gũi với họ. Bút pháp chắt lọc, sâu sắc, tinh tế, Dạ Ngân dường như đã thấm vào văn mình ít nhiều chút tinh hoa của mảnh đất Tràng An.

Đây, căn hộ còn lại của gia chủ một ngôi nhà kiểu biệt thự tây bên gốc si bề thế chìm trong vẻ chật hẹp già cỗi của khu phố cổ: “Những bức tường mốc như da mồi, chiếc quạt trần sống sót từ đầu thế kỷ đen xỉn đi và cái sàn gỗ xam xám tàn tạ. Thời gian lệch bệch theo nó và ở đây, cái căn hộ từng ngự trị niềm kiêu hãnh này cũng đang ở bên kia sườn dốc… Chiếc tủ buýp-phê chạm xà cừ, trên nóc tủ, bình cúc thu tái màu vì đã sang hạ tuần, trên cao, vị viên chức hành chính thời thuộc địa trong ảnh nhoẻn cười… Mái tóc ốp sát điển hình, khuôn mặt điềm tĩnh, mắt mày cởi mở, có nói gì thì ông vẫn là người của thế hệ thông thạo, những người vẫn còn xuất hiện lác đác như lá mùa thu quanh Hồ Gươm vào những ngày đẹp trời…”. Ngần ấy dòng là đủ để gợi lại cả một thời. (Ngọn nến phập phồng). Còn đây, “địa điểm cà phê Trung Nguyên ở quãng đường nầy cũng bày biện nhiều đồ gỗ để gây cho khách cảm giác cao nguyên. Mưa mịt mùng rầu rĩ, thứ mưa cuối đông dầm dề dai nhách làm cho phố phường xao xác và bẩn thỉu như cả Hà Nội là một đại công trường dang dở” (Tách cà phê số 8). Có nhiều đoạn văn miêu tả đẹp như thế. Và đây, con người Hà Nội, một người con gái chỉ “để khâm phục, để nâng niu, để tôn thờ chứ không phải để làm một người tình”: “Mái tóc chân phương để dài nói rằng nó sinh ra là vì gương mặt thanh thanh ấy không chấp nhận thể nghiệm hay thay đổi, cái cổ cao cao cho thấy nhu cầu tinh thần giản dị trong trắng của người sở hữu nó, đôi vai gầy gầy nhạy cảm thường trực nhu cầu chở che nương tựa và dưới nữa là bộ ngực nền nã, kín đáo…”. (Người thương mến). Một người đàn bà khác, thời thượng hơn: “ Nàng ngồi một mình, đương nhiên, gương mặt thơ thẩn với làn da đẹp đặc trưng của gái Hà Nội, mái tóc xoăn bồng đổ dài như một giấc mơ trên bờ vai mảnh dẻ và chắc chắn là cô đơn. Măng-tô-san chất liệu dạ thịnh hành, đi với nó là chiếc mũ bê-rê cùng màu ca cao sữa…Nàng ngồi tréo ngoảy, tư thế của quý bà, bên dưới, làn váy nhung đen lòa xòa gợi cảm trên đôi bốt da không khóa, nếu có khóa, nó sẽ làm cho nàng có vẻ cưa sừng làm nghé và sẽ bớt bí ẩn đi. (Tách cà phê số 8).

Một Hà Nội đã pha tạp đi nhiều trong những câu chuyện, những trạng huống và tính cách: thói “ngồi lê đôi mách” khi vô công rồi nghề nơi công sở, thói tị hiềm, thói châm chọc cho hả dạ, những cơn ghen tuông điên cuồng bùng nổ… đã làm tan vỡ một cuộc thu xếp vô cùng nhân đạo cho một hoàn cảnh bi thương, đã giáng một đòn trí tử vào tâm hồn ngây thơ của một đứa trẻ ngoan hiền trong Ngọn nến phập phồng; một cơn ghen tuông vô lý và cay độc khác đã đẩy đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết, trắng trong phải đi biệt xứ trong Cùng trời cuối đất. Song vẫn còn đây, tình người, còn rất nhiều “người với người sống để yêu nhau”. Người bác sĩ trẻ đầy lương tâm trong Người bệnh định kỳ kiên trì, vô tư kết hợp thuốc và liệu pháp tâm lý đã chữa lành căn bệnh “tự kỷ’ cho một cô gái, trả lại cô niềm yêu đời. Tình yêu hồn nhiên, bình đẳng, tôn trọng nhau của đôi vợ chồng nghèo bật từ quê ra Hà Nội kiếm sống, vợ mua tóc dạo, chồng róc mía thuê trong Tóc dài mấy lạng, tình yêu trong sáng của đôi bạn trẻ khuyết tật trong Khoang tàu chật quá. Còn nữa, trong cái xô bồ của những cuộc ngoại tình vẫn sáng lên bền vững một trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm mẹ; một sự bao dung trong Người thương mến. Sự đa dạng trong diễn giải tính cách nhân vật đưa ngòi bút Dạ Ngân đến gần bạn đọc. Chúng ta hy vọng, những viên đá quý khai thác được trong những năm tháng sống cùng cư dân Hà Nội sẽ giúp Dạ Ngân tạo dựng một bức tranh đầy đặn về mảng đời sống xã hội mới này trong cuốn sách, mà nghe đâu, chị đang thai nghén.

Truyện ngắn Dạ Ngân liền mạch dễ đọc, dễ hiểu, không có ẩn ý gì, tất cả đều phơi bày rõ ràng trên trang giấy. Cách kể chuyện hiện tại đan chen rất nhiều ký ức, dung lượng vừa phải mà chứa đựng nhiều thông tin, thủ pháp tương phản phổ biến, câu chữ hàm súc, nhiều chi tiết thú vị, truyện ngắn Dạ Ngân buộc người đọc trở đi trở lại trang viết nhiều lần. Tôi tâm đắc với nhận xét của Nhà nghiên cứu phê bình văn học Trần Thiện Đạo (Paris) về đặc điểm văn chương của Dạ Ngân. Ông viết: “thuật kể chuyện truyền thống [của Dạ Ngân] vọt ra từ ruột ganmáu huyết, không hoa hòe, không kiểu cách, không cầu kỳ, có thể bảo là cổ điển đó mới là thành tố bất phân với nội dung…” *

Nhưng cũng xin phép mở một ngoặc đơn. Không hiểu sao, đọc nhiều lần, lần nào cái câu “đốp chát” của nhân vật nữ với cô Cẩm Nhung trong Tách cà phê số 8 cũng không vào được đầu tôi. Nó gay gắt quá, tầm thường quá. Giá như tìm được một câu nói khác thâm thúy hơn, “Hà Nội” hơn. Và cái tình tiết “gã Giám đốc ngã ngựa” bị công an bắt ngay tại Ga Sài Gòn trong Khoang tàu chật quá, theo tôi là “thật thà” quá, không cần rạch ròi đến thế. Cứ để anh ta ra khỏi ga bình thường (Trời có mắt mà!); cứ để lửng lơ câu chuyện thì cái chất lãng mạn của đôi vợ chồng trẻ khuyết tật kia càng lưu trong trí nhớ bạn đọc nhiều hơn. Dù sao, đó cũng chỉ là đôi ba hạt sạn.

Tôi tin rằng, với vốn sống phong phú, với lao động cần mẫn và tâm huyết say mê, với phong cách chân thành, khiêm nhường, gần gũi bạn đọc, Dạ Ngân còn tiến xa trên con đường văn chương cao quý.

(2011)

*Trần Thiện Đạo, “Gia đình bé mọn – lời tự thú chân thật”, Lao động cuối tuần số 14 ngày 12/11/2006. Có thể truy cập tại: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/gia-dinh-be-mon-loi-tu-thu-chan-that-1973707.html

Comments are closed.