Kinh nghiệm sa mạc trong văn chương

Vũ Thành Sơn


Into the Wild là một phim của Sean Penn thực hiện năm 2007, kể về cuộc phiêu lưu có thật của một thanh niên Mỹ 22 tuổi, Christopher Mc Candless, dựa trên kết quả điều tra và sau đó xuất bản thành sách của Jon Krakauer. Sau khi tốt nghiệp đại học, Christopher Mc Candless không theo đuổi sự nghiệp mà quyết định từ bỏ đời sống xa hoa của đô thị để sống cô độc giữa thiên nhiên hoang dã. Giống như Henry David Thoreau, thần tượng sống cách mình trước đó một thế kỷ, lý do đào thoát xã hội của Christopher Mc Candless là không còn tìm thấy hạnh phúc trong xã hội tiêu thụ Mỹ với lối sống chỉ lấy sự tích lũy vật chất và tiện nghi không giới hạn làm mục đích tối thượng. Khi tiện ích cá nhân được tôn thờ thì mối liên hệ giữa con người với con người cũng trở nên băng hoại. Christopher Mc Candless quyết định đoạn tuyệt với xã hội loài người triệt để bằng cách cắt đứt quan hệ gia đình, không cho biết địa chỉ để liên lạc; đốt bỏ hết giấy tờ tùy thân; thay đổi tên họ (Christopher Mc Candless từ nay trở thành Alexander Supertramp); đem toàn bộ tiền tiết kiệm hiến tặng cho tổ chức từ thiện. Thời gian đầu anh ta đi đến Arizona, California, Dakota, Colorado…, làm những công việc lặt vặt để kiếm tiền. Sau đó, Christopher Mc Candless đi sâu vào hoang mạc Alaska không một bóng người, nương náu trong một chiếc xe buýt bỏ hoang, sinh sống bằng rễ cây, khoai tây, những con thú nhỏ… và cuối cùng đã thiệt mạng vì ăn nhầm một loại khoai tây độc. Hành động của Christopher Mc Candless không phải đơn giản chỉ là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm nhất thời mà đó là một cuộc hành hương tâm linh thực sự, một sự thoát ly ra khỏi giới hạn tù túng của cái thường ngày, một sự lột xác đúng nghĩa để tìm kiếm tự do và giá trị đích thực của cuộc đời, được trả giá bằng chính sinh mệnh của Christopher Mc Candless. Vì vậy, tuy chuyến đi kết thúc chỉ sau ba tháng ngắn ngủi nhưng nó đã để lại một dư âm bi tráng, có ý nghĩa thức tỉnh cho cả thời đại.

Tuy nhiên, Christopher Mc Candless không phải là người đầu tiên dấn thân vào hoang mạc tìm chân trời giải thoát cho cuộc đời chật hẹp của mình. Trước đó, từ thế kỷ thứ 4, đã có các đan sĩ, những người chọn sa mạc làm nơi ẩn cư tu tập. Gobi, Sinai, Hoggar, Sahara, Akatama đã từng in dấu chân của họ… Tiếng gọi của sa mạc hoang vu từ đó trở nên bền bỉ và chưa bao giờ tắt lịm trong lịch sử tìm kiếm ánh sáng minh triết của loài người. Trong một thời đại mà các thần linh và ý niệm đã chết, chỉ còn lại mỗi sự thống trị của nền văn minh vật chất, sự kiêu ngạo của trí thông minh và thành tựu, tiếng gọi ấy đang bị lãng quên. “Tôi thù ghét thời đại tôi”, Saint-Exupéry đã viết như thế trước khi đi vào cõi chết.

Ngày nay trong khi chúng ta đang chen chúc, rượt đuổi nhau trong những đô thị chật chội, ồn ào thì chỉ còn những hành giả, những đan sĩ, những nghệ sĩ đích thực còn khả năng nghe thấy tiếng gọi trầm thống của sa mạc và lên đường. Họ là những định mệnh khác thường, phi thường, giữa một nhân loại đau khổ, hoang mang, tuyệt vọng.

Đó là Arthur Rimbaud, Giuseppe Ungaretti, Georgia O’Keeffe, John C. Van Dyke, Paul Klee, D.W. Lawrence, Albert Camus, Saint-Exupéry, J.M.G. Le Clézio, Nadine Gordimer,… những người, bằng tác phẩm hoặc bằng chính cuộc đời của mình, đã hiến dâng hết cho sa mạc; đã khước từ tài sản, căn cước, tên gọi; khước từ gia đình, quốc gia, dân tộc, xã hội, truyền thống, lịch sử và tất cả những gì ràng buộc mình với thế gian; khước từ văn minh, kỹ thuật, tiến bộ… để sống đời chiêm niệm trong cô độc, trong sự hợp nhất với Thượng Đế, với con người tự do, chân thật của mình từng bị đánh mất. Đi vào sa mạc không chỉ có ý nghĩa cụ thể là đi vào hoang địa mênh mông cát nóng cháy bỏng, giá lạnh, thiếu thốn, đói, khát, tịch liêu, tuyệt tích bóng dáng con người của một thế giới “bên cạnh”, mà còn là hành trình đi vào nội tâm, vào không gian bên trong sâu thẳm của chính mình, nuôi dưỡng “tia chớp, có lúc nó rọi sáng, có lúc nó chẻ đôi chúng ta” (René Char) để thực hiện một cuộc tự chuyển hóa, một sự tựu thành, để rồi từ ngay giữa lòng hoang mạc cô liêu vắng bặt sự sống đó mà một con người hoàn toàn mới mẻ sẽ chào đời trong ánh sáng, hy vọng và suối nguồn hạnh phúc.

Có nơi chốn nào khác ở trần gian này hào phóng ban phát ân huệ cho những tâm hồn khánh tận hơn sa mạc? Có nơi chốn nào tráng lệ, giàu có và bao dung hơn sa mạc?

Đến đây một câu hỏi nghiêm trọng cần phải được trả lời là: Sa mạc ngày nay có còn hiện hữu với chúng ta? Và còn mang ý nghĩa thâm sâu gì nữa trong đời sống chúng ta? Nếu có những sa mạc cát, đá hoang vu bên dưới bầu trời này, “khi bãi cát dài suốt linh hồn” (thơ Nguyễn Đạt) thì đồng thời cũng có những sa mạc hiện diện bên trong mỗi một con người.

Đó là sa mạc của xác thân khi nó già nua, bệnh tật hoặc khi gánh chịu một tai nạn. Đó là sa mạc trong quan hệ với tha nhân: thương yêu, dục vọng, chiếm hữu, phản bội, thù hận… Kinh nghiệm sa mạc cũng được trải qua trong tính cách hữu hạn của thân phận con người. Đây mới chính là sa mạc mà mỗi một người đều phải đối diện trong hiện hữu của mình trong từng giây phút, không thể trốn tránh hay che đậy bằng giá trị vật chất hay sự chìm đắm trong thú vui, dục vọng. Nó đòi hỏi mình phải dũng cảm gánh vác để được sống kiếp du mục trong đời sống này. Trong ý nghĩa đó, sa mạc không còn là một mục đích mà là một thức tỉnh, một khởi điểm đi tới, một hành trình trở về chính mình.

Albert Camus đã nói như sau về sa mạc:

“Nhưng có thể đạt đến một mức sáng suốt nào đó, con người cảm thấy trái tim mình khép lại và, không phản kháng không cầu xin, quay lưng lại với những gì trước đó vẫn được coi là đời sống, tôi muốn nói sự bận rộn. Nếu Rimbaud kết thúc ở Abyssinie mà không viết được một dòng nào thì điều đó không phải là do cái ý thích phiêu lưu, cũng không phải là sự chối bỏ thân phận nhà văn. Mà bởi vì “nó như vậy bởi vì nó như vậy” và ở một chừng mực nào đó của ý thức, chúng ta buộc phải chấp nhận những gì mà chúng ta đã từng nỗ lực để cố không hiểu chúng, tùy theo xu hướng của mỗi người. Chúng ta cảm thấy rõ ràng vấn đề ở đây là phải gánh vác lấy một không gian sa mạc nào đó. Nhưng cái sa mạc đặc thù như vậy chỉ có thể cảm nhận được bởi những con người có năng lực sống ở đó mà không bao giờ lừa dối cơn khát của chính mình. Chính lúc đó, chỉ lúc đó, sa mạc mới tràn trề nguồn suối hạnh phúc mạnh mẽ.”[*]

Quan niệm đó được kết tinh trong hình ảnh của Jeanine trong truyện ngắn Người đàn bà ngoi tình của chính Albert Camus. Giống như nhiều cuộc đời phụ nữ khác, Jeanine lấy chồng, một thương gia buôn bán vải, rồi bị ràng buộc trong bổn phận nội trợ của một người vợ, thỉnh thoảng thay chồng trông coi sổ sách hay cửa hàng… Cuộc đời bình dị, không nứt rạn và êm ái như giấc mộng kéo dài trong hai mươi lăm năm ấy của Jeanine bỗng nhiên một hôm thức tỉnh. Trong một chuyến đi cùng chồng lên vùng cao nguyên tìm kiếm khách hàng là những thương lái Ả Rập, đi qua sa mạc cát đá khô cằn và gió lạnh, trên chuyến xe cũ kỹ, cọc cạch giữa những con người ù lì, không quen biết, Jeannine ngồi bên cạnh chồng và bỗng dưng thấy người đàn ông ấy xa lạ như thể mới lần đầu gặp gỡ: trán hẹp, bàn tay ngắn, mắt lồi, nụ cười cộc lốc, tham lam. Một hiện diện tưởng chừng như đã quá quen thuộc bất ngờ trở nên xa cách đến khó hiểu. Từ một cảm xúc khởi đi đó, nhìn lại cuộc hôn nhân, nàng chợt nhận ra đời sống trong hai mươi lăm năm qua của mình thật là vô vị: sau những rung động tình yêu ban đầu, cuộc sống chung không con cái với người chồng bây giờ chỉ còn biết chí thú kiếm tiền đã trở nên một gánh nặng buồn tẻ; đời sống gia đình, bổn phận, trách nhiệm làm mất dần đi những thú vui cho dù nho nhỏ “Mùa hè, bãi biển, những cuộc dạo chơi, ngay cả bầu trời cũng đã xa xôi”. Tâm trạng của nàng trong chuyến đi miễn cưỡng này càng thêm trĩu nặng khi phải sống giữa những người Ả Rập ác cảm, lầm lì, kiêu ngạo; thức ăn không quen, ngôn ngữ không biết, nhịp sống chậm chạp, mệt mỏi và lạc lõng trong một khách sạn bụi bặm, lạnh giá. Rồi một lần để trút bỏ cảm giác ngột ngạt, tù túng, trong lúc chồng còn ngủ, nàng rời bỏ khách sạn lẻn tìm đến sân thượng của một pháo đài. Trước mặt nàng chỉ là một sa mạc mênh mông, lạnh lẽo và những chòm sao đêm di chuyển trong sự im lặng thành kính, bao la như không gian. Sức mạnh huyền bí của sa mạc đã mê hoặc Jeanine và ngay lập tức lúc đó những nút thắt bởi năm tháng, thói quen và sự buồn tẻ trong trái tim nàng được nới lỏng dần. Nàng nghe thấy tiếng gọi từ trong sâu thẳm linh hồn mình, cái tiếng gọi “mà nàng có thể nghe thấy hoặc không nghe thấy tùy ý nhưng không bao giờ nàng hiểu được ý nghĩa của nó, nếu nàng không đáp lại tiếng gọi ấy ngay trong lúc đó”. Nàng không hiểu và cũng không thể giải thích mà chỉ biết rằng chính vùng đất cằn khô, mênh mông trước mặt kia mới chính là vương quốc, là miền đất hứa của mình từ muôn đời.

Với cái tựa đặt cho truyện ngắn này, Albert Camus hàm ý ngoại tình ở đây là sự phụ rẫy đời sống này để dan díu với một miền đất hứa khác. Người đàn bà ngay lúc đi cùng với chồng mà mơ tưởng đến một quê nhà nơi hoang mạc đã là một hành động ngoại tình. Nhưng sau cùng Jeanine có thực sự đi theo tiếng gọi của con tim? Trong truyện, Jeanine đã quay trở về khách sạn, nằm bên cạnh người chồng của mình. Hành động đó như là một biểu tượng khẳng định cho thái độ lựa chọn sống kiếp lưu đày ở cuộc đời tù túng này. Đó quả là một lựa chọn nguy hiểm nhưng với Albert Camus, đó mới là con đường giải thoát mang đến hạnh phúc đích thực. Bởi vì suy cho cùng, hành trình đi vào sa mạc cũng đồng thời là hành trình phản tư và trở về, trở về với chính mình. Đi đến cũng có nghĩa là đi về.

Với The Pickup (2001) của Nadine Gordimer, sa mạc là một nơi chốn để thực tập đối diện với cái chết của chính mình. Julie Summers, nhân vật chính, một cô gái Nam Phi da trắng, xuất thân từ một gia đình giàu có, trẻ đẹp với một sự nghiệp đáng mơ ước. Một lần xe của Julie bị hỏng trên đường, được anh thợ máy Abdu sửa chữa. Từ quen biết họ đi đến yêu nhau và khi đó Julie mới biết Abdu là một người Trung Đông nhập cư bất hợp pháp như hàng trăm ngàn người nhập cư bất hợp pháp khác sống ở Nam Phi đến từ các nước Trung Đông, Châu Phi. Giữa Julie và Abdu, ngoài một sự hòa hợp hài lòng trong quan hệ tình dục, giữa họ là một hố sâu cách biệt về học thức, lối sống, quan niệm về đời sống và xã hội. Trong lúc Julie chán ghét lối sống thực dụng, thiếu vắng đạo đức của xã hội chung quanh thì Abdu tìm mọi cách hợp pháp hóa tình trạng của mình để được xã hội đó chấp nhận. Để lấy nhau, họ phải vượt qua những cách biệt to lớn đó. Một đám cưới khá vội vã; có thể vì tình dục nhưng sâu xa hơn, có thể vì Julie thật sự muốn rời bỏ mảnh đất Nam Phi bị xâu xé, chia rẽ bởi một lịch sử đầy bạo lực. Tên tuổi thật của Abdu đến lúc đó mới được tiết lộ: Ibrahim ibn Musa. Julie bắt đầu một cuộc đời mới ở quê chồng, sống chung mái nhà với người mẹ chồng đức hạnh và sùng đạo; nàng dạy tiếng Anh, đảm đang công việc nội trợ của một cô dâu ngoan hiền, học kinh Coran… trong lúc Ibrahim lên thủ đô, tiếp tục cuộc săn lùng một tấm vé cho giấc mơ phương Tây của mình. Đối với Ibrahim, phương Tây với những chiếc xe hơi, điện thoại di động, phim ảnh, nhà chọc trời mới thực sự là thiên đường, là cứu cánh và lối thoát cho cuộc sống đói nghèo, lạc hậu của mình. Ibrahim không hiểu, hay chính xác hơn, không thể hiểu nổi vì sao vợ mình lại sống hạnh phúc được với cái làng quê xác xơ đó, vì sao nàng lại si mê, ngây ngất với sa mạc đến như vậy; bởi đơn giản vì Ibrahim không thể hiểu nổi một lẽ: đối với Julie chỉ có ở sa mạc đó, nàng mới chiêm nghiệm về một đời sống đích thực, mới tìm thấy con người chân thật và cội rễ của mình trong một cuộc lột xác triệt để về tinh thần.

Hết Canada rồi đến Thụy Điển lần lượt từ chối cấp nhập cảnh cho Ibrahim. Cuối cùng, sau một năm chạy vạy xin xỏ, Ibrahim cũng được cấp hai visa vào Mỹ. Ibrahim sung sướng tột độ, tưởng tượng ra viễn cảnh mình và vợ sẽ đến sống ở California, sẽ tìm việc trong ngành công nghệ thông tin hoặc sẽ nhờ cha kế của Julie xin cho vào làm trong sòng bạc… Ibrahim báo tin mừng cho vợ. Nhưng thật bất ngờ, Julie từ chối đi theo một cách thẳng thừng. Nàng quyết định ở lại với gia đình nhà chồng; nàng nói với Ibrahim là đã tìm thấy một quê nhà cho mình nhưng đó không phải là Mỹ mà là ở đây, ở chính cái làng quê nghèo đói của Ibrahim.

Jeanine, Julie hay Lalla (trong tiểu thuyết Sa mạc của J.M.G. Le Clézio) là những tên gọi khác nhau của một tìm kiếm quê hương đích thực cho những tâm hồn lưu lạc ở chốn trần gian này. Họ như những ngôi sao không bao giờ tắt, bay theo những đường bay phi thường bên ngoài quỹ đạo và mãi mãi cháy sáng trong đêm trường nhân loại.

“A! Nhanh lên, nhanh lên một chút, ở ngoài xa, bên kia đêm tối, là những phần thưởng tương lai, vĩnh hằng… liệu chúng ta có bỏ lỡ chúng?” (Arthur Rimbaud, Mt mùa địa ngc).

Viết trong Mùa Giáng Sinh 2017


[*] Albert Camus, Le Désert trong Noces, 1970, le Livre de Poche, tr 72

Comments are closed.