Phần hồn & phần xác bài thơ Tình già(*)
Phan An Sa
Tám năm trước đây – vào năm 2009 – nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân phát hiện: bài báo Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ của Phan Khôi – trong bài có đăng kèm bài thơ Tình già – lần đầu tiên được đăng trên Tập văn mùa xuân của báo Đông Tây số Tết Nhâm Thân 1932, ở Hà Nội. Cũng bài báo này và bài thơ này, nhưng bản đăng ở báo Phụ nữ tân văn số 122 ngày 10/3/1932 trong Sài Gòn, muộn hơn khoảng một tháng, lại bị Sở kiểm duyệt yêu cầu đục bỏ mất trên một trăm từ, cụ thể là bỏ hết những đoạn nào, từ nào nhắc đến bài Dân quạ đình công của Phan Khôi gắn với phong trào xin xâu, kháng thuế ở Trung Kỳ đầu năm Mậu Thân 1908 – một phong trào tự phát, bất bạo động nổi lên tại Quảng Nam, rồi như sóng trào, nhanh chóng lan ra khắp mười hai tỉnh miền Trung, bị thực dân Pháp và Nam triều đàn áp dã man – theo đó, các chiến sĩ Duy tân, gồm cả tác giả bài thơ, bị bắt, bị tù đày.
Quan điểm của ông Lại Nguyên Ân là, đã công nhận thời điểm công bố bài thơ Tình già là sự kiện mở đầu phong trào Thơ Mới tiếng Việt, thì phải xác định thời điểm bài thơ được công bố lần đầu tiên trên Tập văn mùa xuân của báo Đông Tây ở Hà Nội, như đã dẫn ra trên đây. Năm đó, ngày mồng 1 Tết Nhâm Thân nhằm ngày 6/2/1932, vậy nên bài Tình già được công bố lần đầu tiên ít nhất là một tuần trước đó(1). Chúng tôi đồng tình với quan điểm của ông Lại Nguyên Ân, vì nó là sự thật lịch sử. Trong việc ghi chép lịch sử, sự nhầm lẫn có thể xảy ra, vì vậy đính chính lại cho chính xác là việc nên làm và cần phải làm.
Nói về phần xác và phần hồn của bài thơ Tình già là nói về yêu cầu phải bảo tồn nó nguyên vẹn từ việc ghi nhận thời điểm công bố lần đầu tiên, đến việc bảo tồn cả hình thức lẫn nội dung của bài thơ. Vì vậy, trước hết chúng tôi ủng hộ quan điểm của ông Lại Nguyên Ân về ngày công bố bài thơ lần đầu tiên. Sau nữa, theo sự chỉ dẫn nói trên của ông Lại Nguyên Ân, chúng tôi sử dụng bản đăng lần đầu tiên, là nguyên bản của Phan Khôi, chưa có bàn tay của Sở kiểm duyệt thò vào cắt xén, đục bỏ. Chắc chắn đây là nguyên bản chính xác nhất, trung thực nhất của Phan Khôi, cũng có nghĩa là văn bản đáng tin cậy nhất.
*
Trong bài báo nói trên, Phan Khôi kể lại lần ông gặp Phạm Quỳnh tại Sài Gòn, ông Phạm khen mấy bài Trúc chi từ của ông làm lúc gặp lại người bạn cũ là ông Nguyễn Bá Trác ở ngoại quốc trở về. Ông Phạm nói mình đã kịp dịch mấy bài đó ra tiếng Pháp rồi, và khuyên Phan Khôi nên lấy lại cái thái độ ngâm thơ hồi trước, ý là nên làm thêm những bài thơ chữ Hán như thế nữa.
Lời khuyên của ông Phạm, Phan Khôi chỉ làm thinh mà nghe, không vội tỏ ra là mình đã lãnh giáo. Một người quyết đoán như Phan Khôi mà tỏ ra dè dặt như vậy là bởi vì cả mười năm sau khi viết mấy bài Trúc chi từ, ông không có bài thơ nào nữa hết. Không có, không phải tại ông không muốn làm hay không thèm làm, mà tại ông làm không được!
Trước đây, mỗi khi có hứng, ông toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của ông nó lúng túng, chẳng khác nào cái thân ông lúng túng. Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu ông rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà huyện Thanh Quan đè ngang ngực ông, làm cho ông thở không ra. Bực một nỗi, cái ý nào mình muốn nói, lại đã nói ra được, thì đọc đi đọc lại, nghe như họ đã nói hết rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Thì ra mình cứ loanh quanh trong lòng bàn tay của họ mãi, thật là dễ tức!
Thơ phải là hiện thân của chân, thiện, mỹ. Thơ là để tả cảnh, để tự tình, mà cái tình, cái cảnh ấy quý cốt ở cái chân. Lối thơ cũ của ta bị câu thúc quá, mà đã bị câu thúc, thì nó mất cái chân đi. Thơ cũ của ta có một cái đáng bỉ, là bài nào cũng như bài nào, cứ rủ nhau khen hay thì nó là hay, chứ nếu lột tận xương ra mà xem, thì chẳng biết cái hay ở đâu.
Bởi vậy, ông toan bày ra một lối thơ mới. Chưa thể đặt tên cho lối thơ đó, nhưng có thể nói cái cốt ý của lối thơ đó, là đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết.
Lần này, để làm chứng cho cái lối thơ mới mình toan bày ra đó, Phan Khôi trình ra giữa làng thơ bài Tình già ông mới làm vài tháng trước đó.
Về bài thơ này, ông thanh minh với độc giả, rằng chẳng phải ông hiếu sự, mà chỉ vì ông hết chỗ trong vòng lãnh địa của thơ cũ, ông phải đi kiếm đất mới, mà miếng đất ông mới kiếm được đó chẳng biết có ở được không, nên mới đem ra trình chánh giữa làng thơ. Ông không nhận mình là người đầu tiên làm việc này, bởi hơn mười năm trước ở Hà Nội cũng đã có một thanh niên làm việc ấy mà bị thất bại. Ông cầm chắc việc đề xướng lần này của ông cũng sẽ thất bại, nhưng ông tin rằng sau này có người sẽ làm như ông mà thành công!
Thật đáng mừng cho tác giả Tình già, vì chẳng những không thất bại, mà ông còn thu được thành công to lớn, bền vững ngoài mong đợi. Và cũng thật đáng mừng cho thi đàn Việt Nam đã được Tình già mở toang cánh cửa đóng im ỉm cả ngàn năm nay, mở ra chân trời mới sáng sủa và không bờ bến cho sự sáng tạo thơ. Nền văn học Việt Nam ghi nhận thời điểm Tình già trình làng là một thời điểm lịch sử, tại thời điểm đó Thơ Mới được khai sinh, và tác giả của Tình già là người khai mở một thời đại mới của nền thi ca Việt Nam! Giữa đêm trường của thi đàn cũ, sự phát sáng của Tình già đã tạo nên một lằn ranh, mà bên này là những ngày tháng cuối cùng của sự ngự trị tuyệt đối hàng ngàn năm của lối thơ cũ đầy những niêm luật gò bó; còn bên kia, là chân trời bừng sáng của sự sáng tạo thơ trong tương lai dành cho những tâm hồn thi sĩ. Từ sau thời điểm Tình già ra đời, thi đàn Việt Nam lần lượt xuất hiện những gương mặt thơ sống mãi cùng thời gian với những tên tuổi lẫy lừng Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên…
Đến nay, Tình già đã thật già rồi, đã lên đại lão tám mươi lăm rồi, nhưng người đời cứ phải nhắc đến, không phải vì Tình già là một tuyệt phẩm, mà vì nó chiếm giữ một vị thế có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam.
Giá trị của một bài thơ nằm ở nội dung và hình thức của nó, ở đây chúng tôi gọi là phần hồn và phần xác của bài thơ. Tình già là minh chứng rõ ràng nhất về sự thống nhất giữa phần hồn và phần xác một bài thơ. Một bài thơ đích thực, không chấp nhận Hồn Trương Ba da Hàng Thịt. Ở Tình già, phần hồn đã là mới, mà hơn thế, phần xác còn mới hơn.
Cái mới của phần hồn bài Tình già là lần đầu tiên bài thơ công khai miêu tả tình yêu tự do nam nữ, không bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến, thậm chí vượt cả ra ngoài luật pháp, vượt cả ra ngoài đạo nghĩa vợ chồng. Tác giả bài thơ không cổ xúy cho những bước nhảy “vượt rào” đó, mà chỉ công khai nó, nói thật tiếng nói tình cảm của không ít người nam và người nữ, của không ít người chồng và người vợ, mà trong trường hợp này cả hai bên đều đã biết dừng lại để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Đó chính là đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết, như tác giả bài thơ đã tuyên ngôn.
Dưới sức nặng hàng ngàn năm của lễ giáo phong kiến, một người đàn ông, một người chồng bốn mươi lăm tuổi, một vợ bảy con vừa trai vừa gái – như tác giả – mà cất lên được một tiếng nói như thế về thứ tình cảm có thật của người đời nhưng lại phải giấu giấu giếm giếm, thật không phải dễ. Sức công phá của phần hồn bài thơ đã góp phần không nhỏ, cùng với phần xác phá cách thơ cũ của nó, làm sụp đổ thành trì thơ cũ, chính là ở chỗ đó.
Phần xác là cái vỏ để gói phần hồn. Tình già phải cần đến một phần xác trải rộng thênh thênh không vướng bờ vướng đập như thế để gói trọn một phần hồn mạnh mẽ và không chút giấu giếm như thế. Hãy chiêm ngắm bài thơ để chứng giám cả phần xác lẫn phần hồn của nó:
TÌNH GIÀ(2)
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
– “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
– “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thủy chung”
………………………………………………………………….
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi!
Để thể hiện trung thực phần xác của bài thơ, chúng tôi phải thu về cỡ chữ mười hai – thay vì mười bốn – để không phải xuống dòng khi chưa hết câu thơ, tránh làm suy suyển hình hài nguyên bản của bài thơ công bố lần đầu tiên cách nay tám mươi lăm năm.
Phần xác của Tình già sở hữu năm đặc điểm nổi bật:
– Thứ nhất, bài thơ chỉ có mười câu dài ngắn khác nhau, chảy xuôi tự nhiên từ trên xuống dưới để kể về một câu chuyện tình ngang trái từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc của hai mươi bốn năm về trước. Đó đích thị là một dòng chảy tự nhiên, xuôi từ trên xuống dưới, như nước chảy về chỗ trũng, tuyệt đối không bị vướng bận bởi bất cứ vật cản nào, cũng không lộ ra dấu vết gia công nào của tác giả.
– Thứ hai, bài thơ chỉ có mười câu, tám câu có vần, mà vần lúc thì rơi vào giữa câu, lúc thì rơi vào cuối câu, rất tự do, không bắt buộc. Câu một xưa và mưa. Câu hai mờ và thở. Câu ba nặng và đặng. Câu bốn sau và nhau. Câu năm chớ và nỡ. Câu sáu nấy và vậy. Câu bảy sau và nhau. Câu mười thôi và rồi. Điều quan trọng nhất là các vần này không buộc phải tuân theo bất cứ quy luật nào, câu chuyện như vậy, tác giả cứ như vậy mà kể, đến chỗ nó phải có vần thì nó vần, thế thôi. Theo Phan Khôi, điều quan trọng nhất của thơ là vần, còn ngoài ra không cần bất cứ niêm luật nào khác. Vần, là yêu cầu tối thiểu và duy nhất mà Phan Khôi đưa ra cho lối thơ mới, chín mươi chín phần trăm còn lại là khoảng trời mênh mông để nhà thơ thỏa sức sáng tạo. Sáng tạo một lối thơ mới theo cách như thế, thì ta có thể mượn thuật ngữ toán học để nói rằng Phan Khôi đã dùng đến phép tối giản! Tối giản những niêm, những luật, những vận bó buộc của thơ cũ, là đồng nghĩa với tối đa hóa tự do sáng tạo trong thơ mới!
Tình già đóng vai trò là một bài thơ mẫu của lối thơ mới: cụ thể là với Phan Khôi và với bài này, thì việc gieo vần rơi vào giữa câu và cuối câu; nhưng với các tác giả khác thì tùy, không bó buộc, cứ miễn có vần là được, chỉ cần có vần thì đó là thơ mới. Sự giải phóng trong sáng tác, hiểu theo nghĩa như thế, là không còn có giới hạn!
– Thứ ba, câu thơ dài nhất có 16 từ, câu thơ ngắn nhất có 11 từ. Tính về số từ của mỗi câu thơ, thì có ba câu 16 từ, hai câu 15 từ, hai câu 14 từ, một câu 13 từ, một câu 12 từ, một câu 11 từ. Đúng là cả ngàn năm nay, ở Việt Nam chưa thấy một bài thơ nào có số câu, số từ kỳ lạ đến như thế.
– Thứ tư, một bài thơ chỉ có mười câu, nhưng tác giả phải dùng đến ba mươi dấu câu các loại. Cụ thể:
11 dấu phẩy [,]
2 dấu chấm phẩy [;]
2 dấu chấm câu [.], mà hai dấu chấm câu này không chấm ở cuối câu thơ như thường thấy mà đều chấm ở giữa câu của hai câu thơ chín và mười.
1 dấu hai chấm [:]
7 dấu chấm than [!], trong đó có 3 dấu không chấm ở cuối câu thơ như thường thấy, mà chấm ở giữa câu của câu năm và câu mười.
2 dấu hỏi [?]
2 dấu ngoặc kép [“ ”]
2 dấu gạch ngang đầu câu nói (-)
1 dấu chấm lửng […] chiếm trọn cả một dòng để thể hiện hai mươi bốn năm đã trôi qua.
Thông thường, với một bài thơ, các nhà thơ dùng đến dấu phẩy [,], dấu chấm câu [.], cùng lắm là dấu chấm than [!]. Có lẽ vì sẽ phải nắm giữ sứ mệnh là phát đại pháo đầu tiên bắn thủng thành trì thơ cũ, nên Tình già phải tự vũ trang cho mình nhiều dấu câu đến như vậy, trong đó có những loại dấu câu rất lạ, không mấy khi gặp trong một bài thơ, như dấu hai chấm [:], dấu chấm phẩy [;], dấu ngoặc kép [“ ”], dấu gạch ngang đầu câu nói (-). Chi li hơn thì mỗi câu thơ trong bài phải gánh trên mình nó ít là hai dấu câu (câu 1, 4, 6, 7, 8), nhiều thì phải đến ba (câu 2, 9, 10), nhiều nhất là đến năm (câu 3, 5). Một câu chuyện tình sâu nặng đến như vậy, trắc trở đến như vậy, bặt tin nhau đến hai mươi bốn năm, để bây giờ gặp lại, thì kể ra được đã là khó, kể ra được rồi thì nó ngúc ngoắc, nó ngục ngoặc cũng là điều dễ hiểu. Đó mới là Tình già, đó mới là Phan Khôi, đó mới là bài Thơ Mới đầu tiên của thi đàn Việt Nam, nó chưa cần phải là một tuyệt phẩm, nhưng nó nhất thiết phải là một phát đại bác! Chỉ như thế là đủ! Và như thế là: không chỉ đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, mà ngay cả cái cách tả ra cũng rất thật nữa, rất tự nhiên nữa, thật và tự nhiên như không có cách gì thật và tự nhiên hơn, để đạt đến cái chân – chữ Chân viết hoa!
– Thứ năm, bài thơ sử dụng nhiều phương ngữ và cách nói của người xứ Quảng, làm nên sự đặc sắc không thể trộn lẫn. Như: cái đầu (hai cái đầu xanh…; đôi cái đầu đều bạc…); đà (… mà lấy nhau hẳn đà không đặng…); chi (chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau); chớ (Hay! Nói mới bạc làm sao chớ!…); lung (… Nếu chẳng quen lung…). Nên nhớ rằng, đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vận, thì tất phải dùng những câu nói đời thường có tính tự sự, càng thô ráp, càng tự nhiên, càng là khẩu ngữ thì càng hiệu quả. Tình già đã làm thật tốt điều đó. Trong trường hợp này kỵ nhất là việc gọt giũa, tô màu, làm dáng một cách thô kệch cho câu thơ.
Năm đặc điểm trên đây làm nên phần xác và hình hài của Tình già. Phần xác của bài thơ nặng tính tự sự và Phan Khôi đã rất có chủ ý trong cách sử dụng các loại dấu câu và số lượng vượt trội của chúng trong một bài thơ ngắn chỉ có mười câu của mình? Từ góc nhìn của Thơ Mới, có thể khẳng định rằng: cái có sức công phá dẫn đến làm sụp đổ thành trì thơ cũ, mở đường cho Thơ Mới bước lên đài vinh quang, là phần xác của bài thơ, chứ không phải phần hồn, mặc dù phần hồn cũng được coi là rất mới.
Về nguyên tắc, tất cả những lần đăng lại bài thơ, bắt buộc phải tôn trọng cái phần xác ấy, cái hình hài ấy, không được xâm phạm dù chỉ là một dấu phẩy [,]. Bảo tồn nguyên vẹn phần xác và hình hài của bài thơ là nguyên tắc phải tuân thủ.
*
Nhưng tình hình đã không được như mong muốn! Tám mươi lăm năm qua, Tình già được tôn vinh, nhưng mỗi lần đăng lại để tôn vinh, thì người ta thêm một lần tàn phá nó, đến nỗi nó không còn là nó nữa, không còn Tình già nguyên bản như lúc mới sinh ra nữa. Đã có rất nhiều cách tàn phá phần xác và hình hài của Tình già, nhưng ở đây chúng tôi chỉ trình ra với độc giả hai cách mà chúng tôi cho là rất tùy tiện.
Thật ra, chúng tôi cũng hiểu rằng không ai chủ tâm tàn phá một bài thơ mình yêu thích và chiếm giữ vị trí lịch sử có một không hai như Tình già, nhưng sự vô tâm và dễ dãi đã gây ra một thực trạng đáng được báo động.
Không có điều kiện sưu tầm các bộ sưu tập chính thức, chúng tôi đành tạm sử dụng một số dị bản nhặt nhạnh trên mạng Internet, cũng đủ thấy tình trạng đã đến mức không thể không quan tâm.
Đây là dị bản thứ nhất của Tình già được giới thiệu với các độc giả thời nay, chúng tôi xin lấy làm ví dụ:
Tình già(3)
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
dưới ngọn đèn mờ trong gian nhà nhỏ
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
Ôi đời ta, tình thương nhau thì vẫn nặng
Mà lấy nhau hẳn là không đặng
để đến nỗi tình trước, phụ sau
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau
Hay! Mới bạc làm sao chớ
Buông nhau làm sao cho lỡ!
Thương được chừng nào hay chừng nấy
chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy
Ta là nhân ngãi đâu phải vợ chồng
Mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau. Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi cái đầu đều bạc
nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được
ôn chuyện cũ mà thôi
Liếc đưa nhau đi rồi
Con mắt còn có đuôi
Về mặt văn bản học, bài thơ trên mắc phải hàng loạt vi phạm nghiêm trọng. Nguyên bản bài thơ chỉ có mười câu, thì ở đây người ta ngắt các câu ra và xuống dòng theo ý chủ quan của mình, thành mười chín câu. Tất cả các dấu câu bị bỏ đi vô tội vạ hoặc sử dụng tùy tiện, bạ đâu dùng đấy. Các phương ngữ và cách nói của người xứ Quảng bị bỏ đi, thay vào đó là những từ ngữ sáo rỗng, thậm chí vô nghĩa. Câu năm: đà thành là (Mà lấy nhau hẳn là không đặng). Câu chín: nỡ thành lỡ (Buông nhau làm sao cho lỡ). Câu tám bỏ hẳn chữ nói (Hay! [Nói] mới bạc làm sao chớ), câu mười hai và câu mười sáu bỏ hẳn chữ có (Ta là nhân ngãi đâu [có] phải vợ chồng… và Nếu chẳng quen lung đố [có] nhìn ra được), là những tiếng rất đắt trong khẩu ngữ của người xứ Quảng. Câu bốn thì viết sai chữ đôi thành chữ đời (Ôi đời ta…) khiến câu thơ trở nên vô duyên.
Cuối cùng, nhờ thêm sự trợ giúp của máy tính bằng một cú nhấp chuột, người ta dựng nên một sản phẩm lấy sự-cân-đối-ngược làm chủ đạo, thế là có ngay một Tình già trồng cây chuối.
Dị bản thứ hai:
TÌNH GIÀ(4)
Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ trong gian nhà nhỏ,
Hai mái đầu xanh kề nhau than thở:
– “Ôi đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng,
mà lấy nhau hẳn là không đặng,
Để đến nỗi tình trước phụ tình sau,
chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”.
– “Hay nói mới bạc làm sao chớ!
Buông nhau làm sao cho nỡ!
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, mà tính việc thủy chung».
…………………..
Hai mươi bốn năm sau,
Tình cờ đất khách gặp nhau.
Đôi mái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi.
Dị bản này có đến hai mươi câu thơ và cái sai cũng tương tự với dị bản thứ nhất, câu thơ trong nguyên bản bị ngắt ra và xuống dòng vô lối. Các loại dấu câu trong nguyên bản cũng bị lược bỏ đi nhiều. Phương ngữ và cách nói của người xứ Quảng bị thay đổi tùy tiện: câu bốn và câu mười ba, chữ cái thành mái (Hai mái đầu xanh kề nhau than thở) và (Đôi mái đầu đều bạc). Câu mười ba bỏ chữ có rất tùy tiện (Ta là nhân ngãi, đâu [có] phải vợ chồng, mà tính việc thủy chung). Câu bảy thêm chữ tình làm hỏng câu thơ (Để đến nỗi tình trước phụ tình sau).
*
Việc kêu gọi bảo tồn Tình già lúc này đã là muộn nhưng còn hơn không, là việc mà những người yêu thơ, tôn trọng lịch sử, có trách nhiệm với nền thơ nước nhà, cần phải làm. Chúng tôi lên tiếng về điều đó và kêu gọi người đời, trong khi thưởng thức cái mới và sức công phá có tính lịch sử của Tình già, thì hãy trả Tình già về với nguyên bản của nó: bài thơ mười câu; mỗi câu ít là 11 từ, nhiều là 16 từ; tám câu có vần; ba mươi dấu câu các loại cùng các phương ngữ, khẩu ngữ xứ Quảng!
Tám mươi lăm năm nay Tình già đã là bảo vật, nhìn về tương lai, rồi sẽ đến lúc Tình già trở thành di sản văn hóa, có vị trí lịch sử như vị trí lịch sử của di sản văn hóa Hịch tướng sĩ hay Bình Ngô đại cáo trong văn học Việt Nam. Đã là di sản văn hóa thì phải khai thác, phát huy giá trị và bảo tồn di sản đó theo Luật Di sản./.
Linh Đàm, 2014 – 2017
P.A.S.
_______________________
Chú thích:
(*). Bài này khởi viết đầu năm 2014, dự định tham luận trong Hội thảo khoa học Phan Khôi – Những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa dân tộc do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức tại thành phố Tam Kỳ ngày 6 tháng 10 năm 2014. Nhưng viết mấy lần đều không được, chỉ mươi dòng là tắc tị, không có cách nào triển khai được ý tưởng đã hình thành trong đầu. Trở đi trở lại mấy lần đều hỏng, đành bỏ dở để làm các việc khác. Tôi kịp nhận ra rằng: cái làm mình tắc tị chính là sự thiếu kiến thức, thiếu chuyên môn của nghề lý luận – phê bình văn học, mà mình là con số không, nên đã thôi hẳn. Nhưng sang năm 2017, sực nhớ là đã tròn 85 năm Tình già ra đời, nên vẫn ngoan cố buộc mình phải viết bằng xong, không xong thì thật là vô lý?! Chính nhờ không còn đường lui, mà rồi cũng viết được, chỉ phải cái nhọc nhằn quá và không còn dám yêu cầu phải đạt chất lượng của người có chuyên môn nghiên cứu, chỉ dừng lại ở mức một người đọc phổ thông viết về nỗi bức xúc của mình. Thế mà cũng phải đến giữa mùa Thu năm nay mới gọi là hòm hòm, rồi sửa đi sửa lại, rồi xin thêm ý kiến một số nhà chuyên môn, mới gọi là tạm yên lòng. Thì cũng vừa kịp đến dịp tưởng nhớ ngày sinh lần thứ 130 của tác giả bài thơ, ngày 6 tháng 10!
(1). Lại Nguyên Ân, Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1932, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, 2010; Phần Chú thích (*) ở trang 181.
(2). Phan Khôi, Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ (nguyên bản đầy đủ), đăng trên Tập văn mùa Xuân của báo Đông Tây, Tết Nhâm Thân, 1932, Hà Nội. [Bài thơ Tình già nguyên bản của Phan Khôi đăng kèm trong bài báo nói trên]. Dẫn theo Lại Nguyên Ân, Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1932, Nhà xuất bản Tri Thức, Hà Nội, 2010.
(3). http:// MaxReading.com: Văn học trong nước; Các nhà thơ Việt Nam thế kỷ 20; Nhà thơ Phan Khôi. Nhà xuất bản Giáo dục, 2005. [2/11/2009].
(4). http://yume.vn/buicongthuan/article [18/1/2012].