Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 18)

Inrasara

NGUYỄN HOÀNG NAM

Quê ở Biên Hoà. Thuộc thế hệ ăn độn, vượt biên. Sống ở Mỹ từ năm 1980.

Năm 1994, trong ban chủ trương và sáng lập Tạp chí Thơ. Đã làm nhiều nghề.

Thơ và bài viết đã đăng trên nhiều báo và tạp chí Việt ngữ và Anh ngữ ở Mỹ. Viết kịch bản phim Oan Hồn (2005) và Chuyện Tình Xa Xứ (2008).

Tuyển thơ

Trâm anh

Baggage y2k

Một bàn chưn

Niết bàn hành

Gia tài

Nắng Chia Nửa Bãi Chiều Rồi

Trả tiền

TỪ CHỐI LIẾM HẠT TRO QUÁ KHỨ,

NGUYỄN HOÀNG NAM LÀM ĐƯỢC GÌ CHO THƠ?

Năm 1996, loạt bài thơ graphic của vài tác giả tiền vệ xuất hiện lần đầu trên tạp chí Thơ như một bước đột phá quan trọng. “TV Ký” của Khế Iêm xài đúng ba âm đính kèm chỉ định cách sử dụng. Nguyễn Đăng Thường dùng nguyên “Bưu ảnh của người Anh ở Mỹ” có ba dòng chữ OK/SPEDISCI/QUALITA, là nhãn hiệu nhà in in tạm trên bưu thiếp, rồi dấu niêm phong. Một phong kín ý nghĩa như chính bản thân tấm bưu thiếp bị niêm phong. Phần sáng tạo tháo gút mở ý nghĩa bài thơ chủ yếu nằm ở “chú thích”. Nhà thơ mời độc giả tham dự để làm đầy ý nghĩa bài thơ, từ đó nhiều ý nghĩa khác nhau phát sinh qua tâm thức, trải nghiệm riêng tư của người tiếp nhận. Ở “Những ngày vô cảm” của Nguyễn Hoàng Nam, một bàn cờ tướng lạ lẫm gồm toàn con tốt áp đảo mỗi quân mã lui lại trấn giữ một quân lu mờ không ra hình thù nằm án ngữ tại vị trí quân tướng. Chớ nghĩ đây là một vị tướng hay ngôi sao bị vây bủa trong thế mạt vận, mà là cá nhân với cá tính và cuộc sống riêng tư bị áp đảo bởi số đông trong cuộc sống hiện đại; ở thế mất hoàn toàn cá tính đó có thể là bản thân ta hoặc cũng có thể lắm chính ta góp phần mình làm thành số đông áp chế cá nhân khác. Bàn cờ gợi mở những liên tưởng đặc thù về cuộc sống con người thời đại. Vậy thôi, bài thơ đã tạo cảm xúc đặc biệt nơi ta, nếu cứ muốn thơ ca phải xúc động lòng người!(1)

Đây là các bài thơ graphic hay.

Đáng nói hơn, nó khả năng khởi động làm cuộc thay đổi cách viết và cách đọc thơ. Bởi ngay cả khi nó dở, nó cũng dở trên lối đi khác lạ. Khác lạ với dòng chảy của thơ Việt đương thời. Là điều cần thiết. Nhìn từ góc độ này, quan niệm của Nguyễn Hoàng Nam về quyền làm thơ dở, đã tạo bước chuyển đầy ý nghĩa trong tiến trình thơ Việt:

Đối với thi sĩ, quyền tự do tối thượng là quyền làm thơ dở. Có nó mới vượt qua được cái khớp của tên tuổi, của lập trường, của tuyên ngôn, của áp lực từ độc giả trông đợi cái đã quen. Có nó mới vượt qua được chính mình, và vượt qua nhiều lần(2)

Nguyễn Hoàng Nam đùa nghịch lịch sử để vượt qua các ám ảnh của lịch sử. Nhất là ám ảnh về bóng ma quá khứ đang ám hiện tại.

bệnh chiến tranh dày vò sâu xương tủy

nắng thời bình không xuyên nổi nắp hầm

kinh nghiệm giết nhau có đéo gì là dinh hạnh

mà lải nhải quààài thời năm mươi sáu mươi sáu mươi bẩy mươi

tôi quạt con đạm tiên một tràng ak nát mặt

những đời sau không cần biết tới mày

“Baggage y2k”

Chỉ khi nào vượt bỏ đại tự sự như thế, ta mới từ bỏ nỗi ăn bám kéo dài thành quả của lịch sử, ngay cả đó là lịch sử do chính ta lập nên và diễn ngôn. Qua đó, ta mới hi vọng làm ra và làm thêm cái mới, cái khác.

chiến tranh đả chết.

sao thời bình chưa tới

lửa đả tắt.

sao còn quỳ liếm từng hạt tro

“Không quỳ liếm hạt tro”. Đã có nhiều chuyên gia liếm hạt tro, quá nhiều nữa là đằng khác. Nguyễn Hoàng Nam nói không! Hãy để quá khứ được là quá khứ. Không biến chúng thành gánh nặng đè lên tâm hồn và thân xác bạn, những kẻ sáng tạo. “Baggage” được đánh số theo vài thế hệ, và mỗi đoạn là giọng của một người khác. “Baggage” như một thứ gánh nặng đeo bám các thế hệ người Việt. Đoạn cuối “Baggage y2k” là của cô giáo Việt kiều nói tiếng Việt, người của thế hệ mới. Nguyễn Hoàng Nam thuộc thế hệ một rưỡi, cây cầu bắc giữa hai thế hệ. Có thể hiểu già, biết trẻ; hiểu Việt, biết Mỹ. Thế hệ độn giữa chiến tranh và hậu chiến, giằng co cũ mới, vui nhiều nhưng khổ lụy cũng lắm. Nhưng đó chính là thế hệ khả năng hóa giải và hòa giải mọi mâu thuẫn và xung đột.

Nếu bạn biết khởi đầu.

Hãy đặt truyền thống ở dưới nịt chứ không trên lưng, bắt chước lối nói của John Barth. Đó là cách thanh toán với quá khứ, sòng phẳng. Trên nền tảng đó, ta mới hi vọng trút bỏ sau lưng bao ám ảnh tệ hại của những tên tuổi nghệ thuật lớn, trong nước và thế giới, các trào lưu hay trường phái, các tuyên ngôn và các cuộc cách mạng,… Để cuối cùng ta vượt bỏ điều khó vượt bỏ nhất: tác phẩm người đọc chờ đợi. Nhưng, vượt bỏ thế nào, đó là câu hỏi lớn? Chả ngán! Nguyễn Hoàng Nam quyết công phá vào chính tầm mong đợi, những tầm mong đợi horizon of expectations của người đọc. Trước hết, anh bỡn cợt thói quen thơ đang rất được ưu ái là mĩ học lãng mạn.

“Nắng chia nửa bãi chiều rồi”

cái lo

nó lãng mạn thôi

nhẹ nhàng

cái lười

nó cố lấn

cái dâm

cái dâm

nó bự gấp trăm cái lười

(không thấy trong sách “học làm người

bắc thang lên hỏi ông trời ổng cũng chịu thua)

yêu rồi mà

khỏi phân bua

nửa đêm vui vẻ chạy đi mua condoms

Thường thì tên một bài thơ có thể thay đổi mà không/ ít ảnh hưởng tới nội dung thơ. Ở đây ngược lại, nó làm một với bài thơ, không thể khác. Đọc tên “Nắng chia nửa bãi chiều rồi”, người đọc không thể không liên tưởng đến “Ngậm ngùi” của Huy Cận. Nhà thơ buộc độc giả luôn đọc thơ mình trong thế đối chiếu với văn bản của Huy Cận mà họ biết trước đó. Xưa, lãng mạn là thay mực xanh bằng mực tím viết vào sổ lưu bút học trò, là nón lá nghiêng che hay là hầu quạt ru nhau ngủ giấc ngon. Lãng mạn của thời hậu hiện đại đã rất khác. Tình cảm ủy mị, ướt át từng có mặt ở thơ của nhà thơ Tiền chiến hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, em có thể chiều chàng bằng nửa đêm tung chăn chạy ra phố mua về cái condoms. Tha thiết lắm chứ! Bằng thi ảnh mới và cách xử lí nghệ thuật mới, Nguyễn Hoàng Nam tước bỏ cơ sở mĩ học của bài thơ gốc. Bên cạnh, anh cởi lớp áo lót cảm thức cũ cuối cùng bằng cấu trúc nghịch âm ở dòng bát câu thơ cuối, qua đó lục bát truyền thống đánh rơi nốt sự nhịp nhàng, êm mượt như nó vốn có(3).

Đây là bài thơ hậu hiện đại hay!

Nhưng Nguyễn Hoàng Nam có theo đóm ăn tàn chính hạt tro của mình không? Câu trả lời là, không! Anh vượt bỏ chính mình, và vượt nhiều lần.

Từ bỏ hạt tro thơ mậu dịch quốc doanh, thơ lãng mạn hậu thời, thơ tự do siêu thực hậu thời hay hiện sinh với bao tên tuổi to đùng tưởng không thể vượt qua, anh đi tìm vùng đất mới. Hầu như cứ vài ba bài là anh thay đổi cách viết. Nguyễn Hoàng Nam thơ graphic rồi thơ hình họa kết hợp với con âm để tạo hiệu quả thơ không thuần qua mắt đọc mà còn cả qua tai nghe (“Xem múa lân”, “Táo xọn”); rồi Nguyễn Hoàng Nam thơ “phân thân” kì tuyệt nữa. Ở “Trả tiền”, không có chủ thể mà chỉ có mỗi bàn tay với cả chuỗi hành động khách quan chuyển động qua từng cảm xúc của một sự việc cụ thể. “Một bàn chưn” giải tán cơ thể thành các bộ phận độc lập, để nó tự tách ra khỏi con người toàn thể để làm cuộc phiêu lưu riêng lẻ. Đó là các nỗ lực làm mới thơ, loại thơ chưa có tiền lệ. Nhưng khi cần, Nguyễn Hoàng Nam vẫn khả năng gây xúc động, những xúc động rất cổ điển.

Từ thơ tự do:

hôm nào mày tới tao chơi

mang theo bộ mặt thật nào cũng được

… hôm nào mày tới tao chơi

mang theo gương mặt cũ nào cũng được

mày cứ tới tao chơi

như một người bạn

như một người bạn quên tên

dù tất cả đều tê dại

dù có tới cũng chẳng để làm gì

dù biết không có ai ở nhà

dù tụi mình đã chết từ lâu

(“Niết bàn hành”)

Cho đến thơ văn xuôi:

ờ người thi sĩ năm xưa, ai rảnh đâu mà nhớ tới anh, bạn bè đã về an phận trong nhà thương điên, những đóa hoa ném xuống huyệt đã thành cỏ dại, những con dòi đã bị quạ đớp sạch, lũ quạ đã bay trở vào vòm trời đen ngòm, hôm nay anh đứng một mình trong nghĩa địa đọc lại bài thơ trên mộ bia lấp xấp cỏ và sình

(“Niết bàn hành”)

Đây là tâm sự thật của một tài năng thật sự. Một tài năng không cần các cử chỉ và dáng điệu để tuyên bố khệnh khạng, to tát.

Tôi đã chọn thơ để chia sẻ những kinh nghiệm của tôi, mà qua đó phản ảnh phần nào đời sống của thế hệ tôi, một thế hệ có câu chuyện để kể, nhiều điều để nói, chỉ cần lên tiếng một cách bình thường thôi đã là mới, đã là đầy thích thú so với những gì còn cố kéo dài từ thế hệ trước. Nhu cầu kể khiến tôi chuộng nội dung hơn hình thức, và sử dụng ngôn ngữ của thường ngày. Thơ là phương tiện hữu hiệu nhất và ít tốn kém nhất. Một cây bút, một tờ giấy, và nhiều nhất là vài mươi hàng chữ.

Tôi là một người làm, như người ta làm những công việc khác, thơ.

Làm thơ, chứ không phải làm nhà thơ(4).

Nguyễn Hoàng Nam sử dụng ngôn ngữ thường nhật, phương ngôn hay cách phát âm địa phương, để kể chuyện đương thời của con người cùng thời. Để giải thiêng hay giải hoặc. Muốn đạt hiệu quả tối đa của sự giải, không gì hơn sử dụng chất bỡn cợt của giọng, giọng ngọng, nhịu, nhái của con trẻ để nói về vấn đề to lớn.

kác em đừnkg lo

kô bảo đảm là

sử viêẹt dzễ lám mà

kác em khhỏi tốn dzấy vẽ dzồng vẽ dzắn

khhỏi tốn nuoớc miếng hô khảu hịu

khhỏi baận chtrí ngày này naăm đó ônkg nọ ônkg kia…

(“Baggage y2k”)

Anh sẵn sàng đặt một từ bị cho là “tục tĩu” nhất vào trong một hoàn cảnh trang trọng nhất của đời người mà đùa cợt vào chính cái nghiêm trọng để qua đó, giải tán sự đạo mạo đầy giả tạo của sự thể kéo dài không biết đâu là cùng. “Những giây phút cuối cùng của con cặc tôi/ cũng khá cảm động” (“Gia tài”). Chỉ có Nguyễn Hoàng Nam mới làm được chuyện đó. Và làm từ khá sớm. Trước và độc đáo hơn rất nhiều nhà thơ tự nhận hậu hiện đại cứ ném cơ man từ cứt đái, cặc lồn vào thơ một cách vô tội vạ.

Chối từ liếm hạt tro quá khứ, Nguyễn Hoàng Nam đã làm được gì cho thơ? Nhiều, khá nhiều. Dù anh chưa in tập thơ riêng. Chối từ áp lực từ độc giả trông đợi cái quen thuộc, thơ Nguyễn Hoàng Nam hướng đến bộ phận độc giả mới và khác, độc giả tiềm năng. Hơn mười năm qua. Và không phải nó đã không tìm thấy được độc giả của mình.

Sài Gòn, 27-1-2009

_______________________________

(1) Ba bài thơ đăng trên Tạp chí Thơ, số Mùa Thu 1996. Xem thêm lời bình của Phan Tấn Hải: “Thơ chụp bắt”, Tạp chí Thơ, số Mùa Xuân 1997.

(2) Nguyễn Hoàng Nam, “Cuộc đời mới lạ như bài thơ dở”, Tạp chí Thơ,

(3) Nguyễn Hoàng Nam, Tạp chí Thơ, Hoa Kì, số 7, Mùa Thu 1996. Xem thêm lời bình của Nguyễn Ngọc Tuấn: “Mỗi kì một bài thơ: Nắng chia nửa bãi chiều rồi”, Tạp chí Việt, số 2, 1998.

(4) Nguyễn Hoàng Nam, “Tiểu sử”, 26 nhà thơ Việt nam đương đại, NXB Tân Thư, Hoa Kì, tr. 173.

Comments are closed.