Nỗi buồn kháng cự

krasznahorkai-laszlo-est

Laszlo Krasznahorkai

(Melancholy of Resistance, chưa dịch ra tiếng Việt) của nhà văn Hunggari Laszlo Krasznahorkai

Trần Tiễn Cao Đăng

Một thành phố nhỏ tầm thường xoàng xĩnh ở Hungari đột nhiên bị náo động bởi sự xuất hiện của một đoàn xiếc kỳ lạ mang theo “một kỳ quan độc nhất vô nhị”: con cá voi to nhất người ta từng thấy nằm trên cái bệ khổng lồ. Và rồi biến cố tưởng như vô thưởng vô phạt này rốt cuộc lại kéo theo một loạt biến cố càng lúc càng bất ngờ, phi thực và bạo liệt, dẫn đến sự nổi loạn toàn diện của cư dân thành phố, mà động lực là âm mưu thâm hiểm của một người đàn bà vốn dĩ bình thường nay chợt nảy ra tham vọng muốn trở thành kẻ có quyền lực cao nhất, song hành với sự đớn hèn và hám lợi của hầu hết những con người vây quanh mụ ta. Nổi bật trên nền đó cuộc đấu tranh ngoan cường không cân sức của một vài con người hiếm hoi cuối cùng còn giữ nguyên phẩm chất con người, chống lại sự tha hóa chung của cả cộng đồng dù phải trả giá bằng sinh mạng mình. Nỗi buồn kháng cự (tạm dịch nhan đề) là một kiệt tác về sự tha hóa – sự sẵn sàng tha hóa, tiềm năng tha hóa, khuynh hướng tự nhiên tiến đến chỗ tha hóa – của nhân loại, bài ca bi tráng về thất bại không tránh khỏi của tính người đích thực, sự “kháng cự” của tính người đó trước sự tha hóa tràn ngập kia. Tuy nhiên, dù màu sắc/âm hưởng chung của cuốn sách là đen, u ám, song, một cách có vẻ nghịch lý, khi gấp sách lại, chúng ta vẫn không khỏi cảm thấy tiếp tục tin ở con người, bởi vì, dù chỉ có một người duy nhất như Valushka mà thôi, thì vẫn còn chỗ để hy vọng ở loài người. Sức mạnh ngôn từ của cuốn sách thật khôn cưỡng. Một cuốn sách thực sự kiệt xuất. Đã có người hỏi tôi: tôi tìm cái gì ở một cuốn sách. Nói cách khác, cuốn sách nào là cuốn sách tối hậu tôi tìm kiếm? Trả lời: cuốn sách nào chạm đến mọi cấp độ của bản thể tôi, trí óc, tâm hồn, tiềm thức, tất cả, ở mức độ mạnh nhất. Nỗi buồn kháng cự là một cuốn như thế. Nó như một dòng lũ nham thạch phún xuất ra từ nhà văn, một dòng lũ mãnh liệt, tự nhiên, trong đó không có sự phân biệt giữa đâu là những gì thuộc một trí tuệ cao nhất và những gì thuộc một tâm hồn lớn nhất. Tác giả một cuốn sách như thế là một trí tuệ lớn trong một nỗi đau lớn, và so với kích thước của trí tuệ cũng như nỗi đau đó thì mọi bận tâm về hình thức trở thành tuyệt đối thứ yếu, song chính vì đó là trí tuệ lớn nên nó có khả năng làm chủ cao độ tất cả những cái thuộc hàng thứ yếu ấy, cũng như một vận động viên phải có khả năng làm chủ từng bước chạy một của mình, bắt từng bước chạy một – được thực hiện đến độ hoàn hảo nhất có thể – phục vụ cho mục đích tối hậu là cái quãng đường lớn mà anh ta phải vượt qua. Correction của Thomas Bernhard, The gospel according to Jesus Christ của José Saramago, Too loud a solitude của Bohumil Hrabal, Anh em nhà Karamazov của Dostoyevski là một số trong những cuốn sách như thế. Đọc xong những cuốn như vậy, tôi không còn có thể là tôi như trước, về mọi phương diện. So với chúng, những Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino hay Life, a user’s manual của George Perec chỉ là những cuốn sách hạng nhì. Chúng làm tôi khâm phục, rất khâm phục, về mặt trí tuệ; đúng. Nhưng, đọc chúng, tâm hồn tôi từ đầu đến cuối không nóng lên. Tôi cần những cuốn ấy ở một số lúc. Nhưng luôn luôn thì không.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.