Triển lãm Ly Hoàng Ly

Banner-web

Nghệ sĩ: Ly Hoàng Ly

Ngày triển lãm: Khai mạc lúc 19 giờ ngày 10 tháng Tám – 17 tháng Chín 2017

Địa điểm: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory

15 Nguyễn Ư Dĩ, P. Thảo Điền, Q.2, TP.HCM

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory hân hạnh giới thiệu triển lãm cá nhân đầu tiên, cũng là lần trình hiện mang tính bao quát nhất về thực hành của Ly Hoàng Ly, nằm trong khuôn khổ dự án vẫn đang tiếp diễn của cô, mang tựa ‘0395A.ĐC’. Bộ tác phẩm collage cả về chất liệu và tư tưởng này trưng bày những tìm tòi, chất vấn chưa hồi kết của nghệ sĩ về bản trường ca di-nhập cư của loài người, đồng thời suy tư về bản chất của việc ghi nhớ, tư liệu hoá và lưu hành lịch sử.

Được cộng đồng nghệ thuật địa phương và quốc tế coi trọng như một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất thuộc thế hệ cùng trang lứa, Ly Hoàng Ly liên tục cơi mở những gì được cho là ‘truyền thống’ và ‘thể nghiệm’. Kho tàng tác phẩm đa dạng của cô mang thơ ca và trình diễn, văn bản và điêu khắc, âm thanh và nghệ thuật công cộng, v.v… lại với nhau. Từ năm 2011 đến 2015, Ly chuyển đến Mỹ để tiếp tục cao học – một bước đi quan trọng đã thay đổi mối quan hệ của cô với nghệ thuật, định hướng lại phương pháp tiếp cận và thực hành của cô, đồng thời góp phần kiến tạo phông nền ý niệm cho triển lãm lần này. 

Giữa không gian trưng bày, sừng sững một cấu trúc mang tinh thần tượng đài, với thiết kế tối giản và chủ ý đậm chất thơ. Được cấu thành từ 12 khối thép có thiết kế tinh vi, tổng trọng lượng 21 tấn, điêu khắc mở đường cho ta bước vào ‘những thế giới lưng chừng’ của ‘0395A.ĐC’, kết nối ta với quá khứ và hiện tại, với cái được ghi nhớ và cái bị lãng quên, với điều ta tỏ tường và điều ta chưa biết. Các bề mặt toả sáng của khối thép phản chiếu hình ảnh và âm thanh từ những tác phẩm cấu thành có phương tiện vật liệu khác: ở đây, hai sắp đặt đa chất liệu báo hiệu nguy cơ đánh mất kết nối với lịch sử của chính chúng ta; ở kia, chuỗi điêu khắc kèm chùm tranh dẫn dụ đến sức mạnh của sự trùng hiện và sự hồi tưởng.

Xuyên suốt triển lãm, một số yếu tố thị giác đặc biệt – chẳng hạn như hình ảnh con thuyền, ngôi nhà và nước – được điệp lại (làm rõ); phóng lớn (nâng tầm quan trọng), rồi thu nhỏ (hạ tầm); trong khi các yếu tố khác – như tên người, địa danh và quốc gia – lại được đặt ở những vị trí khuất tầm mắt (làm mờ) hay hoàn toàn bị che phủ (ẩn giấu đi). Tính chất đứt gãy, thậm chí có phần bạo lực, của các cặp hành vi phóng lớn/thu nhỏ, cường điệu/giảm nhẹ, gạch bỏ/chú trọng, hình dung thứ chưa-được-thấy/giải-thị-hiện [de-visualizing] thứ không-thể-nhìn-thấy, trở thành cơ chế giúp ta định vị và di chuyển trong ‘0395A.ĐC’. Ly Hoàng Ly tháo gỡ mối ràng của các yếu tố thị giác, ẩn mờ những gì không-được-biết, sau đó lại lật tỏ chính những che, trốn của mình. Sắc bén bình luận cách thức mà lịch sử được ghi nhớ và lưu hành, cô tháo dỡ nó, lộn trái nó, buộc nó đối diện chính mình.

Tác phẩm điêu khắc ngoại cỡ, trên tinh thần nghệ thuật công cộng đầu tiên của Ly Hoàng Ly, mang tựa ‘thuyền nhà thuyền’, cũng sẽ được ra mắt tại triển lãm. Trong tương lai, nghệ sĩ mong mỏi tác phẩm sẽ tìm được địa điểm ‘định cư’ lâu dài, tại một không gian công cộng ở Việt Nam.

Ly Hoàng Ly (sinh năm 1975 tại Hà Nội, hiện sinh sống tại TP. HCM) được biết đến bởi cộng đồng nghệ thuật trong nước và quốc tế như một trong những nghệ sỹ nổi bật nhất của thế hệ nghệ sỹ địa phương đồng trang lứa.  Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. HCM (năm 1998), cô được trao tặng học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ (năm 2011) và hoàn thành bằng Thạc sỹ tại Học viện Mỹ thuật Chicago (SAIC, Mỹ) năm 2013 và thực tập một năm tại Joan Flasch Artists’ Book Collection, SAIC. Tiếp cận nghệ thuật qua lăng kính liên kết đa ngành và đa phương pháp, qua thực hành của mình, Ly Hoàng Ly đặt ra những chất vấn về thân phận con người nói chung: về bản chất biến thiên của căn tính và lịch sử, về tính thích ứng và khả năng chấp nhận, và những vấn đề chung như sự chia rẽ và tính đoàn kết, thích ứng và chấp nhận. Ly Hoàng Ly đã triển lãm rộng rãi trong và ngoài nước. Một số triển lãm tiêu biểu: ‘Căn tính đối kháng với Toàn cầu hoá’ (Gallery Quốc gia, Bangkok, Thái Lan; Bảo tàng Đại học Mỹ thuật, Chiang Mai, Thái Lan; và Bảo tàng Dahlem, Berlin, Đức, 2004), ‘Transpop: Korea Vietnam Remix’ (Trung tâm Nghệ thuật Arko, Seoul, Hàn Quốc; Trung tâm Nghệ thuật Yerba Buena, San Francisco, Mỹ; và Sàn Art, TP. HCM, 2007), ‘Kết nối: Nghệ thuật Việt Nam’ (ifa Gallery, Berlin & Stuttgart, Đức, 2009), ‘Con người với Không gian’ (Richard Gray Gallery, Chicago, Mỹ, 2012), ‘Phẳng Chung thuỷ’ – cộng tác với giáo sư toán Ngô Bảo Châu (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Hà Nội; Thư viện sách nghệ sĩ Joan Flasch, SAIC, Chicago; và North Branch Projects, Chicago, Mỹ, 2014). Năm 2016, tác phẩm của cô có mặt tại hai trong số các triển lãm quan trọng nhất của năm tại Việt Nam: ‘Mở cửa – Mỹ thuật 30 năm thời kỳ Đổi mới (1986-2016)’ và ‘Vietnam Eye: Nghệ thuật đương đại Việt Nam’ (Hà Nội, Việt Nam).

Bill Nguyễn là một nghệ sĩ kiêm giám tuyển quan tâm đến việc nghiên cứu và phát triển một hình thức và không gian thực hành khác, mang tính địa phương cho công việc giám tuyển tại Việt Nam Hiện đang là Trợ lý Giám tuyển tại The Factory, Bill cũng là người đồng sáng lập và đồng giám tuyển của không gian nghệ thuật Manzi (Hà Nội), và là giám tuyển khách mời của Nhà Sàn Collective (Hà Nội). Một số dự án chọn lọc gần đây: Những chân trời có người bay 3, nhiều nghệ sĩ, Nhà Sàn Collective, Hà Nội (2016); Into Thin Air, nhiều nghệ sĩ, Manzi, Hà Nội (2016). Bill là cựu thành viên của khoá workshop cho giám tuyển trẻ thuộc Berlin Biennial lần thứ 8, và chương trình CuratorsLAB do Viện Goethe Đông Nam Á khởi xướng.

Comments are closed.