Dân tộc trẻ con

FB Thi Đào Tiến

Tám mươi năm về trước, mục kích cuộc tiến hóa mau lẹ của nhiều dân tộc đương thời, thi sỹ Tản Đà đã phải than thở:

Dân hai lăm triệu ai người lớn

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Gần đây, cô giáo Trần Thị Lam cũng than thở tương tự:

Đất nước mình ngộ quá phải không anh

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn.

Dưới đây là một câu chuyện nhỏ mà từ đó tôi suy ra được một trong những lý do vì sao “Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.

Chung cư tôi có một câu lạc bộ (CLB) bóng chuyền hơi của người cao tuổi. Như chúng ta đều biết, bóng chuyền hơi cho người cao tuổi khác rất nhiều bóng chuyền da: Vỏ bóng bằng cao su, nhẹ và mềm hơn bóng da nhiều, đánh nhẹ vào cũng nảy tưng tưng. Lưới thì thấp hơn. Luật chơi cũng nhẹ hơn bóng da nhiều (ví dụ, chạm bóng bất cứ bộ phận nào trên cơ thể đều được)… Đúng là bóng cho người già.

Tuy nhiên vì ban đầu ít người chơi nên chúng tôi chấp nhận cho cả các cháu thanh niên vào chơi (chính thức trong CLB hoặc không trong CLB đều được). Thực ra thanh niên mà chơi bóng chuyền hơi của người cao tuổi thì chẳng khác gì người lớn chơi bóng trẻ con. Họ đập, bỏ nhỏ sát lưới hay cuối góc sân thật quá dễ dàng. Nhiều bác còn bị họ đập những quả cường độ mạnh trúng mặt, rất nguy hiểm. Tuy nhiên khi có ý kiến rằng không nên chơi chung với thanh niên thì hầu hết không đồng tình, nhất là ban chủ nhiệm CLB. Lý do chính là thỉnh thoảng còn đi “thi đấu giao hữu” (chơi cho vui thôi, chẳng phải tranh lèo giật giải gì) với mấy đội láng giềng, nếu không có thanh niên thì sao chơi lại?!

Thế là từ mục tiêu ban đầu – chơi để rèn luyện sức khỏe – trở thành mục tiêu thi đấu ăn thua. Đến nỗi những hôm ra sân đông, hầu hết các bậc huynh phụ chỉ đứng xem, nhường cho các cháu thanh niên luyện tập để còn thi đấu! Nhiều cháu chẳng biết ý, chơi từ đầu đến cuối, chả nhường ai. Mà nếu các cô bác chơi cùng thì trái bóng vẫn bị các cháu giành gần hết, chỉ thỉnh thoảng được quả bóng lạc.

Tôi đã nhiều lần nêu ý kiến, rằng các cháu nên thành lập riêng đội bóng của mình (bóng da), chứ chơi với cô bác chẳng những cô bác khó chơi mà chính các cháu cũng không được rèn luyện đúng luật và đúng kỹ thuật. Chơi mãi thế nó hỏng người đi.

Thế nhưng ý kiến của tôi bị coi là “dở hơi”. Người ta đa số nghĩ theo chiều hướng “thực dụng”: có lực lượng trẻ thi đấu, đem về thành tích, tốt quá còn gì. Không ai nghĩ được thành tích ấy thực ra là thành tích rởm và cũng chả để làm gì.

Nghĩ rộng ra, việc giành các giải cao trong các kỳ thi toán quốc tế của Việt Nam cũng thế thôi. Đội của nước người ta là đội nghiệp dư, do các hiệp hội dân sự lập nên, đi thi cho vui, có tiền tài trợ thì đi, không có thì thôi. Trong khi đó đội của ta được chọn từ những phần tử ưu tú nhất, nhà nước chi tiền để luyện tập, luyện hết năm này qua năm khác, đúng như kiểu nuôi gà chọi. Giải to nhưng chắc gì đã vẻ vang? Mà quan trọng hơn, cuối cùng thì những cái giải này giải quyết được vấn đề gì cho đất nước? Những học sinh giỏi toán, ngoài giải những bài toán “hóc búa” chả biết làm gì. Nhân tài cho đất nước vẫn như lá mùa thu.

Rút cục mỗi năm toàn dân đều được tự sướng vào mỗi thời điểm công bố thành tích của học sinh Việt Nam tham gia kỳ thi giỏi toán quốc tế (có khi cả vật lý, hóa học, sinh học,… nữa), vì năm nào cũng đầy những giải cao ngất ngưởng. Để rồi cũng mỗi năm hàng nghìn dân Việt ùn ùn kéo nhau ra nước ngoài làm cu-li, làm nô lệ tình dục. Kể cả sang Lào, sang Miên.

Trở lại ý thơ Tản Đà, cũng vẫn cụ Tản Đà, lại có câu:

Kể năm sinh nay đã bốn nghìn dư

Bước tiến hóa lư đừ sau mọi kẻ.

Lư đừ sau mọi kẻ, đi xin thiên hạ từng đồng tiền bát gạo, nhưng chẳng mấy ai lấy làm lo, làm nhục; ngược lại, với mấy thành tích vớ vẩn thì cứ phổng mũi lên. Dân tộc này trẻ con cho đến bao giờ?

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=751510331699326&id=100005210986642

Comments are closed.