Lại bàn về “Thấu cảm”

“THẤU CẢM”?
TÔI KHÔNG PHẢN ĐỐI, NHƯNG MÀ…

FB Khac Hoa La

1.Tôi không phản đối việc sử dụng chữ “thấu cảm”. Mà có muốn phản đối cũng không được! Ai cũng có quyền sáng tạo từ ngữ. Nhưng cũng như mọi loại kí hiệu khác, từ ngữ có bình diện qui ước của nó. Một từ được sáng tạo ra, nếu vượt qua những qui ước chung của cộng đồng sử dụng và được sử dụng rộng rãi, nó sẽ sống, bằng không, nó sẽ bị vùi xác trong nghĩa địa ngôn từ. Cho nên, xin nhắc lại, “thấu cảm”, “siêu cảm”, “liên cảm”, “xuyên cảm”, hay “thủng cảm” gì đó, muốn nói thế nào, dùng chữ nào cũng được, tôi không phản đối.
Nhưng tôi xin can “hội những người yêu chữ mới” chớ vội biến “thấu cảm” thành một thuật ngữ khoa học! Bởi vì, lắng nghe những người sử dụng thuật ngữ này giải thích, tôi thấy họ chưa có quan niệm gì mới, thuật ngữ ấy chẳng có nội dung gì lạ ngoài nội dung và quan niệm đã được khái quát trong một thuật ngữ khác, quen thuộc hơn: “đồng cảm” (xin đọc “stt” trên fb của GS Trần Đình Sử và nhà thơ Hoang Hung). Một thuật ngữ khoa học bao giờ cũng có hàm nghĩa chặt chẽ. Đưa ra một thuật mới mà không có nội dung mới, tôi e dễ làm rối loạn ngôn ngữ khoa học.

2. Tôi cũng không phản đối, thậm chí nhiệt liệt ủng hộ, việc giáo dục “đồng cảm”, hay “thấu cảm” gì đó cho học trò qua môn văn học trong nhà trường. Bởi vì chưa bao giờ bạo lực, cái ác và sự vô cảm lên ngôi, thống trị đời sống tinh thần của người Việt Nam dữ dằn như hiện nay.
Nhưng tôi cũng xin can không nên cao hứng biến việc giáo dục “đồng cảm”/“thấu cảm” thành cái “đích” cần “hướng tới” của thày và trò trong việc dạy – học môn văn. Có mấy lí do để tôi đưa ra lời can như vậy:
– Thứ nhất, định hướng ấy làm khó cho văn học và cho người dạy-học văn. Từ thế kỉ XVI, có một xu hướng mới xuất hiện trong văn học. Xu hướng này phát triển mạnh mẽ ở thế kỉ XIX và từ nửa sau thế kỉ XX thì trở thành một trào lưu rầm rộ. Người ta gọi đó là “siêu văn học”, “siêu văn xuôi”, “siêu trần thuật”, “siêu tiểu thuyết”. Loại văn học này viết về “văn”, về “tiểu thuyết”, “về “trần thuật” . Nó phơi bày bản chất kí hiệu học của “cái viết” và cơ chế trò chơi của sáng tác văn chương. Sự ra đời của nó khiến loại văn học diễn trò “sụt sùi”, “thấu cảm” giống như thật hóa thành đồ cổ. Quan niệm về tính nhân đạo và cách thể hiện tinh thần nhân văn trong văn học đã thay đổi tận gốc. Văn học thành sàn diễn, phê bình thành khoa học, loại ông giáo đứng trên bục giảng như diễn viên lên sân khấu vừa dạy học vừa khóc than “nàng Kiều, than ôi nàng Kiều” hóa thành “người muôn năm cũ”. Chọn loại văn học nào, phải đào tạo thày giáo ra sao để hướng tới dạy “thấu cảm” trong văn học đây?
– Thứ hai, tôi tán thành quan điểm được thể hiện trong công trình “Phản đối đồng cảm” (“Against Empathy”) của Paul Bloom, Giáo sư tâm lí học và khoa học tri nhận Đại học Yale, Mĩ. Theo ông, “đồng cảm” (hay “thấu cảm” như các vị thích dùng chữ ấy để dịch chữ “empathy”) là tình cảm sơ đẳng của con người. Chưa nói gì tới tinh tinh, khỉ, vượn, ngay cả chó mèo cũng có sự “đồng cảm”. P. Bloom cho rằng, hiểu theo nghĩa truyền thống, “đồng cảm” có mặt “sáng”, nhưng cũng có mặt “tối”. Người ta dễ mủi lòng trước cái riêng, cái cụ thể và số phận cá nhân, nhưng lại thường dửng dưng trước cái chung, cái trừu tượng và số phận cộng đồng. Ta sẵn sàng mở hầu bao giúp mẹ góa, con côi, hay kẻ nghèo khó, cơ nhỡ ngồi bên đường mà ta nhìn thấy. Nhưng liệu mấy ai mủi lòng thực sự trước những số liệu thống kê ngày nào cũng thấy phơi ra trên mặt báo về tỉ lệ “cận nghèo”, “nghèo”, “dưới nghèo”, “tái nghèo” ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái… Ta dễ đồng cảm với người thân, đồng tông, đồng tộc, đồng chủng. Nhưng ở đời, “khác máu tanh lòng”, sự cảm thông, trắc ẩn, bao dung khó đến được với người dưng, dị chủng, dị tộc. D. Trump thắng cử, trở thành Tổng thống chẳng phải vì khi tranh cử ông giương cao khẩu hiệu “thấu cảm” với những người Mĩ da trắng đó sao? Ông thề sẽ mang công ăn việc làm về cho người Mĩ, làm cho nước Mĩ vĩ đại. Ông thể hiện sự “thấu cảm” của mình với dân Mĩ bằng cách nào? Xây hàng rào dọc biên giới Mexico, rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, tuyên bố các nước trên thế giới muốn làm ăn với Mĩ thì phải trả tiền. Sự “thấu cảm” kiểu Trump đang cản trở tiến trình toàn cầu hóa, mở đường cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan trên phạm vi toàn thế giới. Chỉ riêng nước Pháp không đi theo con đường ấy! Tổng thống Pháp thắng cử vì không giương khẩu hiệu “thấu cảm” như thế.
Chả lẽ loại tình cảm sơ đẳng, có nhiều mặt tối như vậy có thể trở thành cái đích để định hướng việc dạy – học văn trong nhà trường chăng?
– Thứ ba, và đây là lí do quan trọng nhất, so với “thấu cảm”, việc dạy – học văn ở Việt Nam cần hướng tới những cái đích căn cốt hơn, cấp bách hơn.
Ai cũng biết chủ nghĩa cộng sản lấy “lợi” làm mục đích của hành động cách mạng: “… Chế độ xưa/ Ta mau phá sạch tan tành/ Toàn nô lệ vùng đứng lên đi/ Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa/ BAO NHIÊU LỢI QUYỀN ẮT QUA TAY MÌNH”. Ngay trong việc dạy học, hay trồng cây ngày Tết, lãnh tụ ta cũng lấy “lợi ích” để hô hào”: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây. Vì lợi ích 100 năm trồng người”. Chủ nghĩa “vị lợi” là động lực thực sự tham gia dẫn dắt tiến trình hình thành cái được gọi là “con người mới xã hội chủ nghĩa”. Nhìn vào xã hội ta hiện nay sẽ thấy cái lợi phối hợp với chủ nghĩa toàn trị, độc tôn chân lí, đồng phục tư tưởng đã hủy hoại tận gốc hai nền tảng quan trọng nhất làm nên nhân cách cá nhân của con người: TÌNH CẢM và LÍ TRÍ. Nó khiến con người, nhất là đám “đầy tớ của dân”, trở nên mụ mị, vừa tàn ác như quỷ dữ, vừa ngô nghê như trẻ con. Cứ mượn câu thơ trong bài “Mậu thìn cảm tác” củaTản Đà để nói về người Việt, nước Việt bây giờ, hẳn sẽ chẳng sai chút nào: “Dân chín mươi triệu ai người lớn?/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”.
Trẻ con dĩ nhiên cũng có khả năng “thấu cảm”. Nhưng sự “đồng cảm” ở người lớn khác về chất so với sự “thấu cảm” của trẻ con, vì chỉ người lớn mới biết thừa nhận sự tồn tại của “người khác” và các tư tưởng khác. Phải là người đã trưởng thành mới biết đối thoại để tìm sự đồng thuận, chứ không hành xử theo kiểu hễ trái ý là bắt bỏ tù. Ngoài tình cảm, muốn thành người lớn phải có lí trí. Chả thế mà mấy mươi năm trước Phan Châu Trinh chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí”! Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà tuy không phản đối “thấu cảm”, nhưng P. Bloom kêu gọi hướng tới sự “thấu cảm tinh thần”, “thấu cảm tri nhận”.
Cho nên, tôi trộm nghĩ, góp phần làm cho “dân Việt” thành “NGƯỜI LỚN CÓ LÍ TRÍ”, biết tôn trọng người khác và sự khác biệt mới là cái đích quan trọng nhất cần hướng tới của việc dạy – học văn học trong nhà trường Việt Nam hiện nay./

Nguồn:

clip_image001

“THẤU CẢM”? TÔI KHÔNG PHẢN ĐỐI, NHƯNG MÀ…

Lã Nguyên 1.Tôi không phản đối việc sử dụng chữ “thấu cảm”. Mà có muốn phản đối cũng không được! Ai cũng có quyền sáng tạo từ ngữ. Nhưng cũng như mọi loại kí hiệu khác, từ ngữ có bình diện qui ước …

LANGUYENSP.WORDPRESS.COM

https://www.facebook.com/khachoa.la/posts/1153988091369316

Comments are closed.