Lưu manh hóa và bản năng sợ hãi

FB Tho Nguyen

Khi một cán bộ phạm tội, người ta gọi anh ta là „Đảng viên biến chất thoái hóa“. Sai hoàn toàn! Bản chất tham lam, đểu giả của con người đó đã được phát huy cao độ mà không hề biến chất. Trong một thể chế mà chỉ thành viên một đảng phái mới được lãnh đạo xã hội thì những kẻ có bản chất tham lam và đểu giả sẽ tìm mọi cách leo cao, chui sâu để thỏa lòng tham. Khi có điều kiện, bản chất tham lam đó sẽ bộc lộ và gây hại cho xã hội.

Trong con người luôn chứa đựng lòng tham, chỉ khác nhau là cái ngưỡng ở nguời này thấp, rất thấp và ở người khác cao hoặc rất cao.

Môi trường mà con người đang sống sẽ cho phép cái xấu đó thoát ra khỏi cái chai thủy tinh „Aladin“ như thế nào chính là một yếu tố quyết định. Xã hội văn minh có kiểm soát quyền lực tìm mọi cách khóa kín mọi nút chai để con quỷ không thoát ra được.

Nơi nào tạo cơ hội cho con người vào đó để làm mưa làm gió thì nơi đó sẽ đầy rẫy những kẻ cơ hội, đểu giả chui vào. Người tốt ở trong đó cũng không ít, nhưng họ luôn bị những kẻ xảo trá mưu mô kia đè bẹp. Đó là lẽ thường tình.

Kẻ xấu khi leo được lên cao, thường không thích người tốt ở quanh mình, không phải vì chúng không ưa hay sợ người tốt, mà vì chúng thích dùng những kẻ xấu, cùng bị nhúng chàm để dễ sai bảo, dễ khống chế.

Đây là vòng xoáy đưa cái đểu, cái ác leo thang, là cỗ máy „lưu manh hóa“.

Mạng xã hôi nhan nhản tin về các quan chức hư hỏng, từ các bà hiệu truởng, các anh giám đốc bệnh viện, đến cô phó chủ tịch quận v.v. Nhìn gương mặt họ, tôi có thể hình dung ra những tuổi thơ tốt đẹp trong những gia đình truyền thống Việt Nam, thậm chí đến những giọng nói nhầm lẫn giũa N, L mà mọi nguời chỉ trích nhưng tôi lại thấy rất dễ thương. Dễ thương vì nó là chứng chỉ của sự mộc mạc, của một nguồn gốc lam lũ.

Nhưng khi đã bị lưu manh hóa, kể cả những con người có nguồn gốc lam lũ, mộc mạc vẫn có thể dùng quyền lực của mình để làm những việc xa lạ với đạo làm người: gọi cấp dưới đến trông xe cho mình, bắt người phê phán mình phải xin lỗi, bắt toàn bộ giáo viên dưới quyền mình phải làm chứng là mình không đi xe vào sân truờng, ra lệnh cho báo chí không được đưa tin về mình v.v.

Cỗ máy lưu manh hóa này sẽ không tự dừng lại như một số người vẫn tự chậc lưỡi hy vọng. Nó sẽ chỉ bị chặn đứng khi xã hội lên tiếng, khi có một đám đông phản đối. Nhưng đây chính lại là nhược điểm chết người của con người.

Nếu tham lam là một bản năng phát triển, thì sợ hãi tuy cũng là một bản năng, nhưng là bản năng sinh tồn. Nhờ biết sợ thú dữ, thiên tai, sợ lửa, sợ nuớc mà con người đã tồn tại hàng trăm ngàn năm qua. Vì vậy nên cái nguỡng của nó thấp hơn cái ngưỡng của tham lam rất nhiều. Sự sợ hãi làm cho con người nhỏ bé, có lúc thành thấp hèn. Con người luôn nghĩ là mình tránh voi chả xấu mặt. Tuy nhìn những kẻ dám đuổi voi bảo vệ bộ lạc là người anh hùng, nhưng ít ai dám theo họ, thậm chí để họ chết đơn độc.

Bọn lưu manh biết rõ bản năng đó của con người nên chúng luôn dùng nỗi sợ để kiểm soát xã hội, đâu cũng vậy trên đời này.

Người văn minh luôn tâm niệm: những gì mình nghĩ, chắc cả xã hội đều nghĩ vậy, sợ gì!

Thế là thành đám đông kìm hãm bọn lưu manh, bảo vệ các giá trị văn minh.

Trong xã hội lạc hậu ai cũng nghĩ: dại gì mà lên tiếng, cả bọn họ đều im lặng kia mà!

Trong thực tế ai cũng bức xúc, nhưng vì sự khôn lỏi đó nên tất cả đều chấp nhận sống với bức xúc.

Kẻ thông minh hơn thì biện luận đủ kiểu để thấy mình không hèn, để chứng minh là bọn lưu manh kia xứng đáng ngồi trên cổ mình.

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1787381207946611

Comments are closed.