Mai Anh Tuấn
Dường như ở ông, Phạm Xuân Nguyên, luôn có những trạng thái đối nghịch, tuy không đến mức khó hiểu nhưng chưa chắc đã dễ dàng nắm bắt.
Người ta có thể mất vài giây sau lần gặp đầu tiên để nói rằng ông thật trẻ trung, năng hoạt, xôm trò, tinh anh, hồn nhiên, những tính cách tuyệt đối không gây hại gì mà chỉ làm người đối diện cảm thấy yêu thêm, vui lây, khoái hơn. Người ta cũng không chần chừ gì để khen ông lắm tài, tài ăn nói, tài dịch thuật, tài giao thiệp kết bạn, tài xuất hiện trên báo chí truyền thông, tài rong chơi khắp chốn mà ngay cả đầu xanh tuổi trẻ cũng khó lòng bì kịp. Người ta còn thể tất cho ông mọi điều, khi ông thất hẹn, thất thố, lỡ lời, lắm lời, khi mọi cuộc bung xung lẫn nghiêm ngắn của văn chương đều có tiếng của ông, khi lí ra ông chọn mặt gửi vàng thì lại cả nể nhận thêm đồng thau, khi cần dứt khoát viết hẳn một đòn dài hơi, công phu đích đáng thì ông vui vẻ tham góp một chút gọi là. Nhưng rút cuộc, sau chừng ấy cảm nhận, dường như, không dám quyết tất cả mọi người mà ít nhất là tôi, thấy khuyết thiếu những quan sát thật cụ thể, kĩ càng về ông.
Khá nhiều lần Phạm Xuân Nguyên đọc chơi mà thực ra rất tâm đắc bài Tự cao của Nguyễn Công Trứ: “Trời đất cho ta một cái tài/Giắt lưng dành để tháng ngày chơi…”. Khẩu khí ngắn gọn, thiên về tự khẳng định bản thân của Nguyễn Công Trứ tuy hơi chói tai với những ai xoàng xĩnh nhưng lại cực kỳ hấp dẫn, thậm chí trở thành nguyên tắc ứng xử với những ai không chỉ có tài mà còn ý thức được về tài, ỷ tài, nhân đó hoàn tất dăm ba việc “trong tầm tay” đặng không hổ thẹn trước trời đất. Cố nhiên, Phạm Xuân Nguyên dù cả gan đến mấy cũng chẳng dám tự so tài với bậc tiền bối đồng hương, người mà nhìn ở chiều kích nào cũng hấp dẫn và hiện đại đến độ ngỡ ngàng, nhưng riêng khoản văn chương chữ nghĩa, có lẽ họ Phạm biết mình hưởng lộc đôi phần nên thành ý cung kính muốn noi theo cổ nhân tinh thần sống luống sao ghê gớm: “Ai say ai tỉnh ai thua được/Ta mặc ta mà ai mặc ai”(1). Mê Nguyễn Công Trứ, Phạm Xuân Nguyên cũng thường mượn lời Tản Đà, nhất là Tản Đà của giang hồ ăn chơi: “Trời sinh ra bác Tản Đà/Quê hương thời có cửa nhà thời không/Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông/Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt li”. Nhiều người thoáng nghe đã vội nghĩ ông mượn thơ xưa để thảng thốt cho mình…
Đã đành chuyện đồng khí tương cầu chỉ người trong cuộc mới thấu nhưng tôi đoan chắc, khi tỏ lòng ngưỡng vọng các bậc nhà nho là hiện thân của tài và tình, của tự kiêu mà không ít ngậm ngùi, của cười xòa mặc kệ sự đời mà chẳng nỡ thờ ơ, của cao vọng nghiệp lớn nhưng biết lượng sức mình rời xa danh lợi, Phạm Xuân Nguyên hẳn đã phác cho mình một mẫu hình thích hợp, trước để trú thân, sau nữa là để chính mình có thể trở thành nó nếu nhân duyên rộng lượng. Vẫn theo hình dung của tôi, kiểu nhà nho tài tử không hẳn đã tàn khép sau chung cục thất bại của Nho giáo trước sự lấn lướt của văn hóa phương Tây đầu thế kỉ XX, trái lại, nó vẫn lên men trong những biến thể khác nhau ngay cả khi phải chịu điều tiếng nhẫn nhịn, cam phận hòa tan “bản sắc” cho qua cơn dâu bể. Thời thế hôm nay, lạ thay, lại kích thích sự hồi quang của nhà nho tài tử, không chỉ vì xã hội đã bớt ngặt nghèo hơn với các cá tính mạnh, đã biết tôn trọng rồi đâu đó là dung dưỡng các bậc chân tài văn chương có chỉ số hạnh kiểm vừa phải, mà sâu xa còn bởi, chính trong sự lừng khừng của văn đàn, không ra hồng cũng chẳng chuyên, không hẳn tiết tháo trượng phu cũng chẳng xem thường nghĩa khí, không dám tự do nhưng chẳng bao giờ quy củ, không đổi mới đến cùng nhưng lúc nào cũng tỏ ra cấp tiến, nên người ta thực sự dễ xiêu lòng trước những cá nhân thực tài đến với văn chương không vì gì khác ngoài chính nó, ngoài niềm vui thú với văn nhân và văn cách. Phạm Xuân Nguyên trước sau đi theo kiểu ứng xử đó và ông cũng chẳng mưu cầu nào lớn hơn ngoài chuyện được nhẹ nhõm, ngao du trần đời và được đọc, viết về chữ nghĩa.
Quả là ông thích nói chữ, chơi chữ, thích họa văn, họa người theo lối ứng khẩu của dân gian. Ở điểm mà óc hài hước và sắc sảo thường phải nổi bật này, Phạm Xuân Nguyên không khác ông đồ xứ Nghệ. Nhưng khi cần thẳng thắn tranh luận, lên tiếng bảo vệ lẽ phải, ông trở nên xông xáo, quyết liệt rất đúng khí chất kẻ sĩ hiện đại. Nhìn vào cái cách ông làm bạn văn chương với những thân danh từng chịu nhiều món quà số phận, viết về họ không chỉ một mà nhiều bài; nhìn lại tinh thần sớm đối thoại, hợp lưu của ông với văn học hải ngoại; nhìn thêm cử chỉ tôn trọng, ghi nhận của ông với văn học miền Nam trước 1975, tôi cho rằng ông còn là người không bận tâm đến thị phi ác ý, miễn sao có thể tìm biết và khẳng định giá trị văn chương tiếng Việt một cách rộng nhất. Thành thử, nếu không có Phạm Xuân Nguyên thì hẳn nhiên, nhiều hội ngộ văn nhân sẽ kém vui, song sẽ còn thấy lúng túng, khó xử vì chẳng mấy ai nhanh nhập tư thế chuyện trò văn chương đúng kiểu Việt nội địa như ông, nghiêm túc, cởi mở, hòa hợp hòa giải mọi thứ mà cũng lan man hết mức. Ông còn hơn người ở điểm không học hàm học vị nên chẳng gây cảm giác quan phương hay hàn lâm nửa mùa, mà chủ yếu và sâu lắng hơn là cảm giác tin cậy, cận nhân tình.
Vì thế, đọc ông không khó hiểu. Bởi lối viết phê bình của ông, theo tôi, là sự nối dài của lối phê bình phong cách tác giả. Đọc ông cũng không bắt gặp những trúc trắc ý tưởng, những phát hiện khác thường, những đề đạt riêng khác. Ông nhiều thông tin và do chỗ, có lẽ, ở ngoài đời được tiếp xúc nhiều nhà văn, nên ông có những thông tin mang tính tư liệu theo kiểu “điểm chơi”, “thông báo chơi” cho mọi người thích thú. Phê bình của ông còn pha tự sự, kể chuyện rất linh hoạt và dí dỏm. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả là trong hai tuyển phê bình của ông, Nhà văn như Thị Nở (2014) và Khát vọng thành thực (2017), ông ít khi nhắc hay vận dụng một lí thuyết phương Tây nào, cho dù ông đã là dịch giả của nhiều tác phẩm, tiểu luận, công trình nước ngoài quan trọng, từ M. Kundera (Sự bất tử; Bản nguyên; Chậm rãi), Jorge Amado (Hải trình ven bờ), đến J.F. Lyotard (Hoàn cảnh hậu hiện đại), G. Bataille (Văn học và Cái ác)…Tôi không nghĩ ông ngại lí thuyết mà hẳn vì ông muốn nó thẩm thấu trong cách nghĩ, diễn đạt ngắn gọn, giản dị của mình. Một lí thuyết thời thượng là hậu hiện đại mà giờ đây ai cũng liến thoắng được, thật như trò đùa, nếu muốn có phát ngôn trọng lượng, lại trích dẫn từ sách dịch của ông! Trong khi ông, khác với nhiều người, đặc biệt là một số nhà nghiên cứu trẻ luôn xúng xính, nhanh nhảu chua đủ tên lí thuyết như thể đọc thông biết tuốt, lại tỏ ra chừng mực và hạn hữu lắm mới bàn về nó. Nói vậy để thấy ông không chỉ nỗ lực chống lại tình thế đơn ngữ của thế hệ sinh cuối thập niên 1950 cùng mình, mà còn nhắc nhở lớp hậu sinh kiên tâm nhưng phải luôn tỉnh táo trước những ngã rẽ tri thức rất đa dạng của đời sống nghiên cứu. Tôi cứ hình dung ông dịch, giới thiệu nhiều tiểu luận cốt để ai thích thì đọc, nghi ngờ thì đối thoại, đồng điệu thì trích dẫn, còn sự thể ấy với ông, rút cuộc cũng là cuộc chơi và bỏ mặc đằng sau lời tán thưởng hay quy kết, ông thõng tay chuẩn bị nối tiếp một cuộc rong chơi sách vở phía trước.
“Cái hèn của người cầm bút” (1988) thuộc số bài viết đầu tiên của Phạm Xuân Nguyên(2). Không khí đổi mới của năm tháng đó hẳn cho phép ông nói rất đúng cái bệnh “sợ hãi, nơm nớp cho số phận mình”, “tự bắt mình bẻ cong ngòi bút” đang trầm trọng trong văn giới đương thời. Giờ đây, sau khi đọc hầu hết những gì ông viết, nhất là một số bài tranh luận/phê bình gây chú ý (Núi xanh núi vàng; Hội chứng Babylone; Much Ado About Nothing; Phê bình văn học hiện nay: cái thiếu và cái yếu; Giải thưởng không thành giải thưởng…), tôi nghĩ, chẳng cần đến phút nới lỏng của thời thế, ông vẫn phát biểu thẳng thắn và mạnh mẽ, vượt qua “cái hèn” lẩn khuất đâu đó trong mỗi người, và cũng để minh chứng rằng càng co vào an toàn, yên trí với phận vị xuôi chiều, lảng tránh sự thật thì người cầm bút càng trở nên nhạt nhẽo, nếu không muốn nói là cạn kiệt ý tưởng sáng tạo. Chính bởi năng lực theo dõi tình hình văn học và dám bộc lộ quan điểm riêng trước nhiều vấn đề, hiện tượng mới, phức tạp mà Phạm Xuân Nguyên vừa được tiếng là ngự sử văn đàn vừa bị gán vào hình ảnh hoạt náo viên làng văn nghệ! Tuy thế, chỉ cần đọc lại cuốn sách mà ông biên soạn (Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, 2001), tôi nghĩ ông có con mắt xanh khi chọn những gì xứng đáng và đặc biệt, cố gắng bảo đảm sự xuất hiện của các giá trị ấy không bị o bế hay méo mó đi.
“Mình tự làm hèn mình”, từ xưa đến nay, là điều mà các nhà nho tài tử rất tối kỵ. Ẩn sâu dưới những tuyên ngôn ngất ngưởng, những nếm trải lạc thú trần thế, kiểu con người này bao giờ cũng cứng cỏi, khí khái lạ lùng. Nhìn Phạm Xuân Nguyên trong dạng hình nhà nho tài tử tái sinh, ngay cả khi trừ đi tất cả lớp sơn biến màu để thích ứng với xã hội hiện đại, cơ hồ ông vẫn vừa vặn khuôn “tài mệnh tương đố” lắm lúc không thể san nhường cho ai. Phàm đã thế, mượn tiếng “hề” trong các bài phú mà cánh “tài tử đa cùng” thường sở đắc, tôi thành thực tấm tắc trước những trải nghiệm trong văn chương lẫn đời sống của ông. Văn chương vẫn là chốn trổ tài, còn đời sống vốn ngắn ngủi và muộn phiền, hà tất phải ngậm ngùi cho phải lẽ?!
—————————–
1 Một bình luận ngắn của Phạm Xuân Nguyên về bài thơ này, xem thêm: “Cái tài giắt lưng” đăng trên Tuổi Trẻ, số Tết Tân Mão 2011, bản điện tử tại: http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/a278825/cai-tai-giat-lung.html
2 Xem bản đăng lại trên trang điện tử của tạp chí Sông Hương tại đây.
Nguồn: http://www.tienphong.vn/van-nghe/nguyen-mau-pham-xuan-nguyen-1167696.tpo