Số phận không định trước, tự truyện của Nguyễn Khắc Phê

(Rút từ facebook của Khiêm Nhu Sách)

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương (số cũ), con trai của ông Phủ doãn Thừa Thiên – Nguyễn Khắc Niêm (nạn nhân cải cách ruộng đất và và Xô Viết Nghệ Tĩnh) đã kể câu chuyện của mình trong cuốn tự truyện SỐ PHẬN KHÔNG ĐỊNH TRƯỚC bằng ngôn ngữ dung dị, chân thành và day dứt.

Cuốn tự truyện này, mang đến cho độc giả một cái nhìn khách quan hơn về (thân phận) tầng lớp vua quan nhà Nguyễn cũng như những câu chuyện đánh đấm trong văn đàn, hay vụ đình bản Tạp chí Sông Hương vang bóng một thời.

Nguyễn Khắc Phê cũng giải bày hết mọi tâm tư cũng như cả những uẩn khúc trong cõi lòng mình. “Sau này, tôi mới hiểu lúc đó tất cả các cơ quan, trường học… đang phải noi gương người bạn lớn Trung Quốc, mở đợt học tập đấu tranh cải tạo tư tưởng chuẩn bị cho cuộc “phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất”. Tròn 60 năm qua rồi, tôi chẳng còn nhớ cuộc “đấu” thầy giáo diễn biến ra sao và cái thằng Phê đội viên Thiếu nhi Tháng Tám có nhảy lên “chứng tỏ lập trường” không; chỉ nhớ người bị “đấu” là thầy Phan Văn Đanh, với đôi kính cận và vóc dáng to bậm luôn như ngơ ngác trước sự đời. Cũng về sau, tôi mới biết thầy là Phật tử, bạn khá thân với anh Dương của tôi, khi hai người đang học ở Huế. Gần đây, lục lại đống giấy tờ, sổ sách cũ – trong đó hồ sơ có tuổi thọ cao nhất là cuốn Học bạ trường Cấp II Hương Sơn năm 1952 và 1953 (lớp 6 và 7) với loại giấy nâu không thể-nâu-hơn-nữa, bỗng thấy lại chữ ký của thầy Đanh với lời phê: “Giỏi linh hoạt nhưng không nên nhại thầy.”
Trong Tự truyện SPKĐT, tác giả không né tránh những “vụ án văn nghệ” đình đám như Chuyện kể năm 2000, kỷ luật Dương Thu Hương, chuyện phê phán Nguyễn Huy Thiệp, Trần Vàng Sao… và “Văn đoàn độc lập”. Khi nhắc đến Nguyễn Khoa Điềm, tác giả dẫn một đoạn trong bản thảo Lạc quan buồn của Trịnh Đình Khôi viết rằng: “Điềm lúc làm Bộ trưởng Văn hoá Thông tin đã cho “xay bột” nhiều tác phẩm của đồng nghiệp, trong đó có cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phê, rồi chủ trương vụ đốt sách Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục… Tuy vậy, là “người trong cuộc” và tôn trọng sự thật, tác giả đã viết:
“…Tôi không thanh minh hộ…” Gần đây, cũng tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9, tôi gặp lại Trịnh Đình Khôi khi anh đưa tặng một số bạn bè bản thảo cuốn hồi ký Lạc quan buồn dày hơn 600 trang, “không nhà xuất bản nào chịu in”, mặc dù tác giả ghi rõ chức vụ quan trọng từng giữ trong nhiều năm là “Chuyên viên chính Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương” và trong cuốn sách có rất nhiều chuyện chứng tỏ Trịnh Đình Khôi đã được mấy thế hệ các vị Trưởng Ban, cả các vị ở Ban Bí thư nữa, tin cậy và trọng thị. Cuốn sách kể lại vô khối “vụ” mổ xẻ, cấm đoán các tác phẩm văn học, sân khấu và điện ảnh suốt mấy chục năm qua – trong đó, cuốn tiểu thuyết Mười ngày và cả Mười năm của tôi là một “đương sự”. Trong hầu hết các “vụ” kể trên, Trịnh Đình Khôi là người được mời viết thẩm định và anh thường không quy kết chính trị nặng nề, không ủng hộ cách xử lý thô bạo, chỉ phân tích về nghệ thuật, nên, nói theo ngôn ngữ dân gian hiện đại, thì anh được nhiều nhà văn nhận xét rằng: “Trịnh Đình Khôi là cán bộ Ban Tư tưởng nhưng mà… chơi được!”. Các “vụ” việc anh kể lại, phần nhiều kèm theo bản chụp nguyên văn ý kiến của mình cũng như của cấp trên, nên tạo được sự tin cậy của người đọc hôm nay. Riêng về cách đánh giá nghệ thuật, có khi anh chê khá nặng lời với cả những tác phẩm nổi tiếng như Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Chuyện khen chê về nghệ thuật thì vô cùng, khó bắt bẻ và có thể đây là cách anh giữ chỗ đứng an toàn trong một tình thế khó khăn. Thì “người ta” đang muốn cấm tác phẩm đó, nếu không vu cáo nó “phản động”, cũng phải chê nó dở, để tiệm cận với sự chỉ đạo và cấp trên không “nóng mặt” chứ!
* sách có nhiều tư liệu ảnh quý.
Xin trân trọng giới thiệu.
Sách có bán tại #Hội)_Sách_Tháng_Ba gian hàng #Thái_Hà_Books.

——————-

Dư luận về Số phận không định trước

Số phận không định trước không chỉ là câu chuyện của nhà văn Nguyễn Khắc Phê, mà còn là số phận éo le của nhiều người khác nữa trong đại gia đình ruột thịt của anh, có đến 17 người… Nói là “Số phận không định trước” nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù bất ngờ, buồn đau, bi đát đến mấy, anh và các thành viên trong gia đình đại quan triều Nguyễn cũng đã “cắn răng” chấp nhận đối diện, sống với nó để vượt qua chướng ngại…
Nhiều điều thú vị lần đầu được tác giả “công bố”: chuyện về ông bố, Nguyễn Khắc Niêm, từ nho sĩ “thần đồng” ở làng Gôi Vị, Hương Sơn, Hà Tĩnh trở thành đại quan triều Nguyễn, nổi tiếng với “Tứ tôn châm”, rồi là nạn nhân của “Cải cách”…, chuyện về người mẹ, người Mự không biết chữ mà thuộc gần hết Truyện Kiều; chuyện chưa kể hết về anh chị em, chuyện anh Phê, thủa nhỏ, từ Hương Sơn, Hà Tĩnh trốn ra Hà Nội “Kiếm sống và kiếm chữ”, chuyện “Những trang viết đầu tay”, tiểu thuyết đầu tay, người tình đầu… tay… Hấp dẫn hơn nữa là những chuyện “đánh”, “đấm” trong văn đàn, chuyện bị ngành chức năng “huýt còi” khi ra tiểu thuyết Mười ngày và cả mười năm, (NXB Thanh niên, 1997), chuyện “đóng cửa” Tạp chí Sông Hương (Huế) vì in bài thơ Người đàn ông 43 tuổi của Trần Vàng Sao và bức vẽ… của họa sĩ Bửu Chỉ với “trò chơi” trí tuệ “Đặt tên cho tranh”, khi Nguyễn Khắc Phê là Tổng biên tập tạp chí ấy (1990-1991)… Nỗi đau, sự sợ hãi của người cầm bút Việt Nam ta thật khó tả xiết. Tuy nhiên hai vụ “tai tiếng” kể trên lại có… hậu vui vẻ…
(Nhà báo Bùi Ngọc Quỳnh – Báo Tuổi trẻ, ngày 22/12/2016)

… Bao chuyện văn, chuyện đời, có cả những mối tình thoảng qua, sự gặp gỡ hạnh phúc chấm dứt thời kỳ độc thân, chuyện vượt đạn bom đi học ở Trường Viết văn trẻ, những trang viết nóng hổi sự sống, đặt ra những vấn đề gay cấn khác được đề cập đến trong cuốn sách này. Là lời tự kể của chính tác giả, có thêm nhiều – rất nhiều tư liệu từ những trang nhật ký, những bức thư, những bài báo, những văn bản hành chính, những kiến nghị, những ý kiến của bao đồng nghiệp và những bức ảnh minh họa đã làm cho tác phẩm rất chân thực và sinh động. Mỗi mỗi cuốn sách được nói tới, mỗi vấn đề được nêu ra, tác giả soi chiếu dưới nhiều cái nhìn khác nhau, được thuật lại bằng một giọng văn điềm tĩnh, dung dị và dí dỏm… Đó chính là những yếu tố quan trọng làm nên thành công của tác phẩm. Số phận không định trước. Không phải là sách lịch sử mà nhiều sự kiện chân thật giàu chất lịch sử, không phải nghiên cứu lý luận mà đặt ra nhiều vấn đề đậm chất đối thoại có tính phản biện sâu sắc, không phải là một sáng tạo nghệ thuật văn chương nhưng có nhiều chi tiết chọn lọc, nhiều đoạn văn chứa đựng những suy nghĩ sâu sắc, giàu giá trị biểu cảm cuốn hút lòng người. Đằng sau những trang sách này, ta thấy rõ hơn cốt cách Nguyễn Khắc Phê – một công dân gương mẫu, một nhà văn dù không định trước được số phận của mình, nhưng biết vượt lên mọi cảnh ngộ, đứng thẳng làm người, đã sống và viết như một người chiến sĩ dũng cảm biết đặt Tổ quốc lên trên hết, luôn bảo vệ và đấu tranh cho lẽ phải, sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sinh động giàu chất nhân văn. Dòng đời dữ dội vẫn chảy, nhà văn vẫn luôn vượt lên tình thế, luôn vượt lên chính mình để khẳng định cốt cách, phẩm giá và vai trò của người nghệ sỹ. Đó chính là cốt cách của những nhà văn đích thực…

(Nhà văn Nguyễn Thế Quang – Tạp chí Sông Hương, số 4/2017)

… Đọc một lèo hết gần 500 trang mà không biết mệt. Tuổi này càng đọc càng hưng phấn là sự lạ. Có lẽ cuốn sách đã gợi thức trong mình nhiều chuyện. Tuy viết lách sau Nguyễn Khắc Phê nhưng mình vẫn cùng thời với ông, nên có cùng nhiều kỉ niệm với ông- có đủ hỉ nộ ái ố.
Cuốn sách này không chỉ là câu chuyện của Nguyễn Khắc Phê mà còn chuyện của cả gia đình ông, thế hệ ông… Cùng với Tô Nhuận Vĩ, Nguyễn Khắc Phê đã dựng nên Tạp chí Sông Hương khét tiếng một thời…
(Nhà văn Nguyễn Quang Lập – trích từ facebook)

… Là nhà văn luôn quan tâm đến thời cuộc, Nguyễn Khắc Phê đã in hẳn một tuyển tập văn chính luận Nhà văn và Thời cuộc. Viết tự truyện đã đành chủ yếu là chuyện riêng cuộc đời, nhưng tác giả đã luôn luôn gắn cái riêng vào cái chung để tự truyện của mình phản ánh được những vấn đề thời đại…
Ví như qua chương “Bố tôi: Nho sĩ, đại quan, nhân sĩ”, Nguyễn Khắc Phê góp phần giúp bạn đọc có cách đánh giá đúng hơn về tầng lớp vua quan triều Nguyễn, về mối quan hệ giữa chính quyền cách mạng và trí thức.
(…) Số phận của Nguyễn Khắc Phê đã không theo lá số tử vi được lập theo ngày tháng năm sinh. Bạn bè có người “đổi tên” ông là Nguyễn Khắc… Khổ. Bởi cậu ấm con vị Đại quan triều Nguyễn đã khốn khổ từ lúc mới lọt lòng mẹ; đã nếm trải biết bao nhiêu là giông gió cuộc đời như nạn đói năm 1945. Trong cơn “bão” cải cách ruộng đất Nguyễn Khắc Phê phải bỏ quê chạy thoát thân, rồi chiến tranh ác liệt, chủ nghĩa lý lịch, “nạn nhân” khi dấn thân đổi mới văn học nghệ thuật.v.v…

(Nhà báo Thanh Tùng – Báo Đà Nẵng, ngày 18/12/2016)

Sức hấp dẫn của tác phẩm Nguyễn Khắc Phê nói chung, tự truyện Số phận không định trước nói riêng, là sự chân thành, giản dị, sâu lắng, tinh tế, không kể đến sức chứa khổng lồ của những sự kiện, những số phận… Một điều cũng thú vị là trước nhiều vấn đề, trước nhiều biến cố của dân tộc hoặc trong gia đình tác giả, Nguyễn Khắc Phê đã đưa ra những cách nhìn nhận khác nhau (nói theo ngôn ngữ các nhà phê bình là “điểm nhìn đa chiều”) và dành quyền “phán xét” cho bạn đọc và… thời gian!

(Nhà giáo Nga Vũ – Báo Người lao động, 1/2017)

Comments are closed.