Sách mới: Những ngày cuối tuần – Tiểu thuyết của Bernhard Schlink

Thế Dũng

SỰ HÓA GIẢI TẠM THỜCỦA TRÍ TUỆ ĐỨC ĐỐI VỚI CHỦ NGHĨA KHỦNG BỐ

 (Tùy bút nhân đọc Những ngày cuối tuần, tiểu thuyết của Bernhard Schlink, Edition VIPEN xuất bản năm 2014)

 

mail.google.com1. Khi sử liệu trở thành nhân vật tiểu thuyết

Năm 2008, tiểu thuyết về số phận của những kẻ khủng bố bí mật  của Bernhard Schlink, một tiểu thuyết gia  ăn  khách lại đã gây ra nhiều tranh  luận. Bản chất những  xung đột nội tâm chất chứa trong thiên tiểu thuyết này là cuộc tranh cãi căng thẳng tại Đức về việc ân xá cho các tên khủng bố của nhóm tội phạm RAF vốn đã  đạt tới đỉnh điểm vào năm 2007. Trong khi Brigitte Mohnhaupt*được trả tự do hưởng án treo vào tháng Ba thì đến tháng  Sáu năm 2007, Tổng thống CHLB Đức đã bác đơn xin ân xá của Chritian Klar*.

Theo Bách khoa toàn thư mở thì RAF là một tổ chức khủng bố bí mật thuộc phe cực tả được thành lập vào ngày 14 tháng 05 năm 1970. Trong Tuyên ngôn của mình, nhóm RAF đã tự nhận họ là một lực lượng du kích cộng sản. RAF muốn theo gương của những người kháng chiến Nam Mỹ, đặc biệt là của Tupamaros tại Uruguay. Họ (RAF) muốn  lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang bí mật như là”du kích trong thành phố” để chống lại “chế độ” nhà nước tư bản đang cai trị và Chủ nghĩa Đế quốc Mỹ, qua đó tăng thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh giải phóng trên thế giới. Đến tháng Tư năm 1998, năm mà các cơ quan điều tra của CHLB Đức đã thừa nhận quả thật RAF đã tự tuyên bố giải thể thì nó đã phát triển tới thế hệ thứ Ba. Ngày 20 tháng 04 năm 1998,  RAF đã  công bố việc tự giải thể trong một tuyên bố 8 trang. Trong đó có đoạn: “Trước đây gần 28 năm, vào ngày 14 tháng 05 năm 1970, RAF thành hình từ một vụ giải phóng. Chúng tôi chấm dứt dự án này ngày hôm nay. Du kích thành phố dưới hình thức RAF giờ đây đã trở thành lịch sử”. 

Kết cuộc những vụ khủng bố và bắt con tin của RAF đã làm cho 34 yếu nhân bị giết và nhiều người bị thương. Hai mươi thành viên của RAF cũng đã bỏ mạng như là một sự trả giá. (vi.wikipedia.org/wiki/phaihongquan)

Thế rồi một trong số những kẻ sát nhân và bè bạn của hắn  đã đã trở thành những nhân vật tiểu thuyết. Thật hiếm ai theo sát thời cuộc được như luật sư kiêm tiểu thuyết gia Bernhard Schlink; nhất là trong khi ông vẫn không ngừng nhận diện quá khứ RAF và lịch sử trí tuệ Đức với kỳ vọng thấu suốt cả những biến cố đương thời lẫn những thân phận xưa cũ. Khi sử liệu đã trở thành các nhân vật tiểu thuyết có nghĩa là người đọc nên cảm nhận Những ngày cuối tuần bằng một cảm quan lịch sử.

2. Sự toan tính thực dụng của người chị ruột

Tiểu thuyết bắt đầu bằng cuộc hội ngộ trong ngày Thứ Sáu, ngày tự do đầu tiên của cựu tù nhân thuộc thế hệ đầu tiên của RAF và ngưng lại vào buổi chiều  Chủ nhật.

Sau 24 năm tù, Jörg – một kẻ thuộc tổ chức khủng bố bí mật thuộc phe cực tả (RAF – tiếng Đức: Rote Armee Fraktion; tiếng Việt: Phái Hồng quân) từ những năm 70 của thế kỷ trước được thả trước hạn nhờ lệnh ân xá của Tổng thống CHLB Đức.

Nữ bác sĩ Christiane, chị gái hắn đã đón và đưa hắn về nhà bạn gái của bà là Margarete tại một thái ấp đổ nát ở Brandenburg. Tại đó họ muốn cùng nhau đón Những ngày cuối tuần với một vài người bạn thời trẻ. Phóng viên Henner tới từ New York, ngày xưa đã từng có phút mềm lòng trước dục vọng chốc lát của Christiane. Cô giáo Ilse một thời âm thầm ngưỡng mộ Jörg nay đang muốn trở thành văn sĩ chuyên viết sách về những người hùng RAF. Mong gặp lại Jörg còn có doanh nhân Ulrich đi cùng vợ Ingebor và cô con gái Dorle và bà giám mục Karin đi cùng ông chồng Erberhard lịch lãm.Bên cạnh Jörg, còn có Andreas là luật sư và là người giám hộ pháp lý của hắn. Sự sắp xếp gặp gỡ  của chị gái Joerg là một kế hoạch nhiều dụng ý nhằm đưa hắn vào những khoảnh khắc bản lề để hắn có thể bước sang quãng đời mới một cách êm ấm và tự do.

Nhờ óc thực dụng của Christiane, quá khứ  mỗi người đồng đội cũ tưởng chừng đã biệt tăm  nay có dịp ngồi chung một bàn ăn bỗng dưng sống lại. Sự thật tưởng đã bị chôn vùi bất chợt phục sinh bởi những đấu khẩu, những lưu ảnh kỷ niệm, những giễu nhạo cay độc chân thật và những tranh luận khi thì nghiệt ngã thẳng thừng lúc thì độ lượng quanh co. Sự căng thẳng càng gia tăng khi Marko Hahn xuất hiện với mong muốn Jörg tiếp tục đứng lên làm gương để tiếp tục tranh đấu chống lại chế độ. Rõ ràng là quá khứ vẫn dằn vặt ương ngạnh và chưa muốn nhắm mắt xuôi tay. Giờ đây, không ai trong số những bạn cũ của Jörg có thể quay lưng với dĩ vãng  cũng như tháo chạy khỏi giấc mơ của cuộc đời mình. Họ đều biết là Jörg đã bắn chết bốn người. Hắn đã phải tự vấn: tại sao thế giới cũng không vì thế mà tốt đẹp hơn. Bản thân hắn đã quên đi nhiều thứ và đã không hề tỏ ra xót thương gì các nạn nhân. Tự thừa nhận mình là kẻ sai lầm và thất bại, Jörg chỉ đau đáu để tìm ra ai là người đã chỉ điểm cho cảnh sát liên bang tóm hắn vào tù… Tuy nhiên, hắn không thể ngờ được chính chị gái hắn là người đã chỉ điểm. Chị hắn chấp nhận là kẻ phản bội vì không muốn em trai ruột của mình bị hạ sát. Thà cho hắn vào tù để bảo toàn mạng sống còn hơn là để hắn mất mạng trong khi tự do làm kẻ khủng bố để thay đổi thế giới. Tuy ở ngoài trí tưởng tượng của đứa em trai nhưng sự toan tính thực dụng của người chị ruột cũng rất ư thiết thực theo cách của đàn bà, của người mẹ.

3. Những an ủi thấm đẫm dục tình của một nữ tính hồn nhiên

Trong bữa tiệc mừng sự trở về của kẻ sát nhân, mỗi người bạn cũ đều đã hỏi han cật vấn, hứa hẹn giúp đỡ, an ủi lôi kéo kẻ Jörg theo cách riêng của mình. Dorle, cô nữ sinh – con gái của doanh nhân Ulrich, một thiếu  nữ thích lên giường với những người nổi tiếng đã tuyệt vọng vì thất bại cùng da thịt khát khao trong vụ quyến rũ Jörg: “Trong hành lang, cô gái đứng trần truồng và Jörg thì mặc áo ngủ màu trắng. Cô gái hét lên: “Đồ thỏ đế. Làm tình là đấu tranh, không phải khẩu hiệu của bọn anh là thế à? Đấu tranh là làm tình? Anh ngắm ngực tôi mãi làm gì nếu không dám thử? Anh không phải là đàn ông. Anh là trò đùa. Có lẽ lúc làm khủng bố anh cũng là một trò đùa, và người ta đã nhốt anh lại để anh thôi nhìn chằm chặp vào ngực đàn bà. Anh là kẻ nhìn trộm. Là một trò đùa và là một kẻ nhìn trộm”. Cô dồn hết sự cự tuyệt, khinh bỉ, ghê tởm vào lời nói. Nhưng nghe giọng cô tuyệt vọng nhiều hơn là ghê tởm và rồi cô bắt đầu khóc.

“Tôi không nhìn ngực cô. Tôi không muốn gì ở cô cả. Hãy để tôi yên, xin cô, hãy để tôi được yên”. (Tr. 45 – NNCT)

Cảnh tượng này có vẻ khó hiểu, nực cười, đã câm lặng diễn ra trong sân khấu đời sống của tiểu thuyết gia đình. Tuyên ngôn làm tình là đấu tranh – làm tình là chiến đấu xuất hiện từ cuộc cách mạng tình dục của thanh niên Đức, Pháp và Châu Âu từ những năm 1968. Đó cũng chính là thời điểm xuất hiện thế hệ 68, thế hệ đầu tiên của tổ chức khủng bố  RAF. Trong khi Marko Hahn chỉ thấy Dorle là một đứa dâm đãng và lấy cùi chỏ huých vào người Andreas “Jörg làm sao thế nhỉ? Sao cậu ấy lại đẩy cô ta ra khỏi giường? Cậu ta muốn trở thành một người Hồi giáo và tử vì đạo hay sao? Chiến đấu và cầu nguyện trên trần thế và lên thiên đường mới chơi gái, vô vàn gái trinh à?” Anh ta lắc đầu “Cậu ấy chưa bao giờ…”.  (Tr. 47 – NNCT)

Hơi thở của nhân tính ở cảnh huống này  chính là sự đa thanh thế tục của ngòi bút Bernhard Schlink. Phải chăng sự xâm nhập vào giường ngủ của Jörg vào tối Thứ Sáu của Dorle cũng chính là sự  ân xá bằng dục tình của tuổi trẻ quên lãng hồn nhiên với kẻ khủng bố nổi tiếng? Sang tới ngày Thứ Bảy, kịch tính của bữa  tiệc chào đón kẻ sát nhân  đã lên tới cao trào khi Bernhard Schlink  cho người con trai thất lạc vì bị bỏ rơi từ nhiều  chục năm ròng xuất hiện để luận tội bố đẻ mình cùng với cả thế hệ Đức quốc xã trước đó. Sự tính sổ quyết liệt của thế hệ con cháu đối với thế hệ sát nhân tiền bối thật kinh khủng:

“Bố không nhớ nữa à? Không nhớ là bố hay người khác bắn chết ông ấy à? Anh ta tiếp tục cười” cuối cùng thì bố không biết và những lão già kia cũng không biết là họ đã đánh chết, bắn chết và xả hơi ga đến chết những người Do Thái”.

Ferdinand nhìn bố mình đầy vẻ khinh miệt: “Ông không còn nhớ sao? Từ bao giờ vậy? Ông quên mất từ khi nào thế? Hay là tự ép mình quên đi? Hay là lệnh ân xá như một cú đánh vào đầu và thế là bùm quên hết! Hay là ông làm xong vụ nào thì quên luôn? Hay là các vị nốc nhiều đến mức giết người trong màn sương của men rượu? Tôi biết tất cả những đứa con của người phụ nữ đó, của người cảnh sát, của ông giám đốc ngân hàng và của ông chủ tịch hiệp hội. Họ muốn biết ông đã nghĩ gì và con trai của ông chủ tịch muốn biết là ông, các ông đã làm gì, ai trong số các ông đã giết chết bố anh ta. Ông có hiểu không nhỉ?

Sự khinh miệt của con trai làm Jörg chết lặng. Hắn nhìn anh, mắt mở to, mồm há một nửa, không nghĩ, không nói được gì.

Ông cũng không có khả năng cảm nhận sự thật và nỗi đau như những lão quốc xã kia. Ông không hơn gì chúng cả. Ông giết những người không làm hại gì đến ông, sau đó lại không hiểu được vì sao mình lại giết họ. Các ông phẫn nộ vì thế  hệ cha mẹ mình-thế hệ sát nhân; nhưng thế hệ các ông cũng y như vậy. Lẽ ra ông phải biết được là làm con cái của kẻ sát nhân là như thế nào, và ông đã trở thành một ông bố sát nhân, ông bố sát nhân của tôi. Thế đấy, theo như cách ông nhìn nhận và tuyên bố thì ông không hề hối tiếc gì về việc mình đã làm cả. Ông chỉ tiếc là mọi chuyện đã đổ bể, ông đã bị tóm và phải vào tù. Ông không tiếc cho ai khác, ông chỉ tiếc cho bản thân mình.” Thật kinh khủng, Henner nghĩ. Đứa con trai đứng lên án bố mình trước tòa. Đứa con có lý, ông bố phạm tội. Đứa con tranh luận ông bố bất chấp. Đứa con không để lộ nỗi đau và ông bố không để lộ sự bất lực. (Tr. 151-152 – NNCT)

Tất cả bạn bè của Jörg dường như đều bàng hoàng đau đớn và á khẩu trước cơn phẫn nộ bùng nổ từ sự khinh bỉ và nỗi căm hờn của đứa con trai đối với người bố. Không ai có thể biện hộ cho Jörg. Và Ferdinand đã kiềm chế được để không bật khóc khi anh không muốn nói bố mình là một tên khốn nạn. Thế rồi, sau cuộc quyến rũ Joerg bất thành vào tối Thứ Sáu, tới đêm Thứ Bảy, cô bé Dorle lại là người tự nguyện an ủi người con của ông bố sát nhân. Khi “cô nhớ lại cảnh Jörg ngồi trơ trơ trên ghế lúc cô ôm lấy hắn, và cười nhẹ. Cha nào con nấy. Nhưng rồi, Ferdinand vẫn khoác tay ôm lấy cô.”

Và họ đã đứng ngồi bên nhau trong cơn mưa dữ dội giữa khu vườn tăm tối để lắng nghe sự di truyền những tội lỗi từ  kiếp trước trong từng giọt máu đương thời. Và dường như vì thế sự tính sổ quyết liệt của người con trai với ông bố sát nhân cũng đã tạm thời được hóa giải bằng những an ủi thấm đẫm dục tình của một nữ tính hồn nhiên?

4. Tội lỗi có thể được sự ân xá để quên đi?

Tuy vậy, vào ngày Chủ nhật, ngày cuối cùng của cuộc gặp gỡ cuối tuần khi nhóm bạn cũ vừa mới ngồi vào bàn ăn sáng thì Jörg đã rời ghế đứng dậy và bắt đầu nói:

Tôi biết chúng ta đã phạm sai lầm. Chúng ta đã bắt đầu một cuộc đấu tranh mà chúng ta không thể giành thắng lợi. Lẽ ra chúng ta không nên đấu tranh như vậy. Lẽ ra chúng ta nên đấu tranh theo cách khác chứ không phải cách đó. Chúng ta phải đấu tranh. Cha mẹ chúng ta đã thích nghi và đàn áp cuộc phản kháng. Chúng ta không được lặp lại điều đó. Chúng ta không được phép đứng nhìn trẻ em Việt Nam bị bom Napal đốt cháy, trẻ em Châu Phi bị chết đói, trẻ em Đức bị bẻ gục trong trại… Không được đứng nhìn nhà nước này trưng ra cái bản mặt quyền lực ngày một trâng tráo, đàn áp những người bất đồng chính kiến, những người rắc rối, vô dụng. Không được đứng nhìn những đồng chí của chúng ta cách ly, đánh đập, bịt miệng trước cả khi họ bị tuyên án hay thậm chí trước khi ra trước tòa. Tôi biết chúng ta đã dùng sai vũ lực. Nhưng đấu tranh chống một nhà nước vũ lực thì phải dùng đến vũ lực“.

Những bạn cũ của hắn, hiểu rằng Jörg đã kiên quyết đòi chị hắn phải mời cả nhà chính trị Marko Hahn, kẻ đã nhanh chóng tuôn ra những bài diễn văn rồ dại về việc cộng tác với những kẻ khủng bố theo đạo Hồi và muốn Jörg trở lại vị trí tiên phong của cuộc cách mạng. Và bất chấp mọi khẩn khoản thúc giục Jörg vẫn không hề ăn năn hối lỗi về những tội ác của mình. Vốn đã từng là các cảm tình viên của RAF, họ thừa biết rằng dù Jörg có tự tin bao nhiêu thì những điều hắn đang cân nhắc từng ý từng lời để diễn thuyết hùng hồn cũng đã là những ý tưởng “người ta đã nói cách đây ba mươi năm”. Họ hiểu là hắn muốn đáp trả người con trai, kẻ đã xuất hiện và tấn công hắn quyết liệt bất ngờ trong bữa tiệc chào mừng ngày về của ông bố.

Tôi chỉ muốn nói thêm một điều nữa thôi. Tôi biết mình đã phạm sai lầm. Tôi không mong đợi các bạn tán thành những điều tôi đã làm, hay thậm chí cho rằng nhà nước và xã hội nên đối xử công bằng hơn với chúng ta. Tôi chỉ muốn có được sự tôn trọng cho một người đã hy sinh mọi thứ vì một điều tốt đẹp, lớn lao và đã phải trả giá vì những sai lầm của anh ta. Người không bán rẻ, không cầu xin, không nhận lại cho mình một cái gì. Tôi chưa từng thỏa hiệp với phía bên kia, chưa từng xin được hưởng đặc ân, chưa từng cầu cạnh gì trong tù. Tôi chỉ viết đơn xin ân xá rồi được người ta chấp thuận. Hôm qua chúng ta đã nói chuyện này rồi. Tôi không còn nhớ được tất cả mọi chuyện. Tôi đã quên việc này, việc kia. Nhưng tôi đã trả giá cho mọi chuyện rồi. Đấy, đấy là những điều tôi muốn nói với mọi người.

Trong cốt truyện thấm đẫm không khí bi kịch gia đình của Những ngày cuối tuần, Bernhard Schlink đã khéo léo lồng vào sự kiện khủng bố Tòa tháp đôi vào ngày 11 tháng 09 ở nước Mỹ và bài diễn văn của ngài Tổng thống CHLB Đức về việc ký lệnh ân xá cho nhân vật của mình. “Tôi đã xem xét từng trường hợp – giới truyền thông đã đưa tin về việc này và cũng đã gặp từng người một. Cả ba đã khép lại quá khứ của mình. Khép lại một quá khứ trong khi cuộc đời chỉ gồm quá khứ đó và tù tội không phải dễ dàng, cả ba cũng thấy không dễ dàng. Hôm qua, có một người trong bọn họ đưa ra một tuyên bố báo chí mà chúng ta đọc được hôm nay. Trong đó tôi đọc thấy được nỗ lực khép lại quá khứ và đồng thời vẫn muốn giữ nó lại trong tiểu sử của bản thân người đó. Tôi lấy làm tiếc cho thông cáo này. Nhưng tôi hiểu rằng một người quỹ thời gian không còn nhiều, muốn cuộc đời  có một ý nghĩa nào đó, sẽ cố gắng một cách vô vọng, đầy mâu thuẫn như vậy, cũng như anh ta từng dằn vặt giữa việc xin được ân xá và ương ngạnh phản đối đến cùng.” (Tr. 202 – NNCT)

Nghe diễn văn của Tổng thống, bạn bè của Jörg biết thừa là ông  đang nói đến cái thông cáo báo chí chứa chất sự ngoan cố của hắn. Thật ra, không ai biết Jörg đã bị ung thư. Và hắn đã thú nhận với chị gái mình. “Ung thư tuyến tiền liệt. Em không lên được nữa, đi tiểu không tự chủ được. Em nên kể chuyện đó cho một phụ nữ nghe chăng?”. Và hắn đã nói với Marko Hahn khi biết rằng y vẫn cho công bố cái thông cáo báo chí sặc mùi tuyên chiến của hắn – kẻ vừa được hưởng sự ân xá của nhà nước. “Tôi không trách cứ gì cậu cả, Marko ạ, cậu không gieo vào đầu tôi những ý nghĩ đó, tự tôi tưởng vậy thôi. Trong đơn xin ân xá tôi vẫn bày tỏ quan điểm. Trong cuộc nói chuyện với tổng thống… Lúc đó tôi vừa mới nhận được kết quả chẩn đoán di căn, ông ấy bảo, chuyện đó chỉ ông ấy và tôi biết thôi, lúc đó thì tôi buột miệng. Lý ra thì tôi phải bị bắn chết từ hai mươi lăm năm trước kia.”

Christina vẫn đứng bên cạnh, đặt tay lên vai hắn. “Hồi đó chị đã chỉ điểm em để ngăn không cho chuyện đó xảy ra. Chị lo lắng cho em quá không chịu nổi. Lúc đó chị nghĩ mình nuôi dậy em mình lớn lên không phải để cảnh sát bắn chết nó. Để bản thân em một ngày nào đó sẽ thấy vui mửng vì mình vẫn còn đang sống. Giờ em không thấy vui, chị rất xin lỗi em. Xin lỗi em vì mọi chuyện, vì chị phản bội em và sẽ vẫn làm thế, vì em bị ung thư và không muốn sống nữa và vì những ngày cuối tuần này thật là nặng nề.” Chị khóc… Vai chị rung lên – mọi sự thật kinh khủng, không lối thoát. Hắn áp đầu vào tay chị.  (Tr. 206 – NNCT)

Và dường như mọi gánh nặng tội lỗi mà chủ nghĩa khủng bố Đức đã di truyền từ thế hệ này sang thế thế hệ khác đã và đang được hóa giải để cuộc sống chung của dân tộc Đức không còn bị thất bại vì những tội lỗi. Tội lỗi có thể được ân xá để quên đi thay vì bị kết tội để trừng phạt. Đó chính là một luận đề trong tiểu thuyết đồng thời cũng là một hóa giải bất thành trong đời sống?

5. Có thật là chủ nghĩa khủng bố ở Đức đã cáo chung?

Với những đồng đội một thời trong Những ngày cuối tuần, Jörg là một nhân vật vừa có sức hút vừa có sức đẩy. Với họ, cái thời “oanh liệt” của RAF đã quá xa xăm nếu không nói là đã bị rũ bỏ, bị quên lãng và dường như nó đã chỉ còn là một ký ức ung thư. Bởi, khi gặp lại hầu hết họ đều đã thuộc về lớp người đang thành đạt ở độ tuổi trên dưới sáu mươi, hầu hết đã hài lòng hòa nhập với đời sống tư sản mà hồi trẻ họ đã từng căm ghét.

Tuy nhiên dù quá khứ khó chết và không thể sống lại thì nó vẫn là một bóng ma. Có một thời tổ chức khủng bố RAF đã từng gắn bó vô cùng mật thiết với chính quyền CHDC Đức. Cho nên bút lực Bernhard Schlink thật đáng khâm phục. Tôi đã đọc Người đọc, đã xem phim Người đọc. Tôi đã thể hiện sự ngưỡng mộ của mình bằng tiểu luận Bernhard Schlink – một người đọc kiệt xuất.

Quả thật, trên văn đàn Đức đương đại hiếm có một nhà văn nào có một  sức thấu thị lớn đủ để  đối diện vào nỗi đau mang tầm quốc hận trong chủ đề tội ác được truyền kiếp từ thế hệ này sang thế hệ kia của dân tộc Đức. Với Những ngày cuối tuần, ông là kẻ đã đọc ra nỗi đau rất Đức của chính mình cùng với bi kịch của những người  cùng thời khi ông đối diện không chỉ với chủ nghĩa khủng bố ở Đức. Không phải ngẫu nhiên mà ông để cho cô giáo Ilse đau đáu với từng trang bản thảo viết về các sắc thái tâm linh khác nhau của những kẻ khủng bố RAF trong mối liên tưởng bi thương tới những nạn nhân nhảy khỏi tòa tháp đôi trong ngày 11.09.2001 ở Mỹ để cô có cơ hội ngẫm nghĩ về chủ nghĩa khủng bố Đức trong cái nhìn toàn cầu. Không phải ngẫu nhiên mà tinh thần chính luận trong lời phát biểu của Tổng thống CHLB Đức đã được Bernhard Schlink đanh thép miêu tả: “Ông nói đến chủ nghĩa khủng bố ở Đức trong những năm từ bảy mươi đến chín mươi, về những kẻ thủ ác đến các nạn nhân, về các thách thức và việc gìn giữ nhà nước pháp quyền tự do, về nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm Con người. Nghĩa vụ này khiến nhà nước phải đương đầu mạnh mẽ với những kẻ tấn công nhà nước và công dân của nó. Nghĩa vụ này cũng làm nhà nước đủ mạnh mẽ để giữ chừng mực khi bảo vệ trật tự của mình, và khi không còn nguy hiểm nào nữa, sẽ chấm dứt cuộc chiến đấu. Mục đích tối hậu luôn là thỏa mãn yêu cầu và hòa giải. Hiện có ba tên khủng bố đang ngồi tù. Ông đã ân xá cho cả ba. Ông muốn đưa ra một tín hiệu là chủ nghĩa khủng bố Đức và những căng thẳng rạn nứt trong lòng xã hội mà nó đi kèm giờ đã cáo chung. Trước mắt chúng ta giờ đây là những lời đe dọa mới, kể cả những đe dọa khủng bố chúng ta muốn đương đầu bằng cách thỏa mãn yêu sách và hòa giải.” (Tr. 201-202 – NNCT)

Ngòi bút sắc sảo của ông đã làm chủ được nhiều trạng huống tâm lý phức tạp, dẫn dắt câu chuyện theo dòng sống đương đại nhưng vẫn âm thầm kết nối nó với gốc rễ mật thiết của một quá khứ u tối đớn đau bằng một nghệ thuật chữ nghĩa cô đọng, mạch lạc; vừa kìm nén tinh tế vừa bùng nổ kịp thời; khi thì chính luận đanh thép lúc lại tự sự trữ tình làm cho độc giả dần dà thấu hiểu và thấm thía thông điệp mà ông muốn trình bầy trong những òa vỡ đột biến của nhận thức đồng thời với những xúc động xa xót của đời thường.

Với những phát biểu của vị Tổng thống hư cấu,  Bernhard Schlink đâu muốn những người cùng thời chỉ đối diện với chủ nghĩa khủng bố ở Đức. Đứng trước những lời đe dọa mới, độc giả của ông có quyền nghi hoặc: Có thật là chủ nghĩa khủng bố ở Đức đã cáo chung?

6. Sự hóa giải tạm thời của trí tuệ Đức đối với chủ nghĩa khủng bố

Kẻ giết người đã trở thành khách quý trong Những ngày cuối tuần như thế nào?

Những ngày cuối tuần hay là ba ngày phiêu du vào tâm sử của những kẻ khủng bố ?

Những ngày cuối tuần  chủ nghĩa khủng bố như là khối ung thư  thế kỷ?

Những ngày cuối tuần và những tên tội phạm đứng trong mưa?

Tại sao đứa con trai đã trở thành nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật vào đầu thể kỷ 21, trong Những ngày cuối tuần lại kết tội ông bố sát nhân thuộc thế hệ 68 của mình cũng ác độc và tàn nhẫn không khác gì những lão già Đức Quốc Xã thủa trước?

Bởi Bernhard Schlink là một nhà văn Đức  phức tạp và sắc sảo nhất mà tôi được đọc. Cho nên, đó là những câu hỏi có sức dựng đứng tâm trí những độc giả am hiểu lịch sử phát triển của RAF. Đặc biệt, với những ai đang hoang mang trước những thách đố mới của chủ nghĩa khủng bố  trên phạm vi toàn cầu thì sự tự vấn lại càng dễ tạo thành những vực xoáy lương tri. Những ngày cuối tuần hay là sự hóa giải tạm thời của trí tuệ Đức đối với chủ nghĩa khủng bố? Nghi vấn ấy  mang lại một hàm lượng chính luận đậm đà làm cho Những ngày cuối tuần** có giá trị giải trí cao cấp khi các ý tưởng đã trở thành trò chơi lý thú bởi nghệ thuật tiểu thuyết.

                                                Hà Nội – Luang Prabang – Berlin 03.- 04.2014

*Danh tính của hai kẻ khủng bố nổi tiếng thuộc thế hệ thứ nhất của RAF. Nhân vật Joerg trong tiểu thuyết rất giống với số phận của nguyên mẫu Chritian Klar. Điều khác là trong thực tế thì Tổng thống CHLB Đức đã bác đơn xin ân xá của Chritian Klar. (Chú thích của TD)

 

 Thế Dũng gửi Văn Việt

………………………………..

**Tiểu thuyết Edition VIPEN xuất bản và phát hành tại Đức và EU vào trung tuần tháng 05 năm 2014 theo hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giữa NXB Diogenes & Buchverlag VIPEN

Nguyên bản tiếng Đức: Das Wochenende. Tác giả: Bernhard Schlink.

Người dịch: Thế Dũng & Thiên Trường. Biên tập: Ban biên dịch VIPEN.

Thiết kế bìa: Họa sĩ Trần Vũ Uyên. Trình bày sách: Trần Vũ.

ISBN: 978-3-945257-08-1. Bìa 4 màu, sách dày 250 trang.

Giá bán 14,90 Euro/1 cuốn.

Bạn đọc tại Đức và EU có thể chuyển tiền vào tài khoản của VIPEN và thông báo địa chỉ cá nhân tới email: the.dung@vipen & peter.knost@berlin.de, sách sẽ được chuyển tới tận tay bạn theo đường bưu điện.

Tài khoản của Edition VIPEN:

Konto-Nr.: 6603222106 – BLZ: 100 50 000 – Bank: Berliner Sparkasse

Ngoài ra  độc giả có thể mua sách qua www.amzone.de

 

 

Text Box: Tiểu thuyết

Text Box: BERNHARD SCHLINK

 

 

 

Comments are closed.