Văn hải ngoại sau 1975 (kỳ 39): Hồ Trường An qua Trần Vũ

Troyes, Cơn Mưa Sáng

Trần Vũ

Đến với Hồ Trường An một sáng tháng 3-1989

clip_image001Buổi sáng, khi tôi thức giấc, cơn mưa sáng đang hắt dội vào buồng, qua khung cửa khép hờ, những giọt nước lạnh tắm bắn vào mặt. Tôi lướt tay lên vùng gối ẩm thao thức với góc trần nhà còn khô ráo. Thao thức? Đúng hơn là những xao động vui tươi của một ngày mới chờ chuyến đi xa.

Hai mươi năm trước, lui vào quá khứ, một sáng Sàigòn tinh mơ say giấc, có đứa trẻ nhỏ theo gia đình về chơi Long An. Chút kỷ niệm ấu thơ của vài ngày Tết ngắn ngủi không ngờ lấm lem vì vũng sình tôi giẫm phải. Lớp sình nhơ, nhơm nhớp không nước rửa, dính bệt gót chân tôi suốt quãng đường từ ven ruộng về đến rạp hát Ziên-Hồng nơi phố chính. Cái cảm giác ngứa ngáy khó chịu, bẩn nhầy nhụa của đất bùn non ai ngờ sẽ bám tôi dai dẳng như bầy muỗi mòng vo ve suốt đêm tỉnh lẻ. Làm sao đứa trẻ thành thị quen giường đệm, tivi, máy lạnh, nước đá, đèn điện và những quán kem Lê Lợi ngọt ngào là tôi lúc đó chịu nổi tấm phản gỗ cấn lưng với ánh đèn dầu tù mù soi trên nền đất không lát gạch. Đêm Long An nóng bức, tôi mất ngủ vì lạ chỗ, vì hầm hơi, thèm một cánh quạt trần rưới mát…

Tôi sẽ không bao giờ còn dịp trở lại Long An, nhưng tiếp tục lớn lên trong thế giới người Bắc di cư mà tôi được uốn nắn. Cùng trong tăng trưởng của sách vở tôi ngụp lặn mê mãi với Đinh Tiến Luyện, Nguyễn Thanh Trịnh, Từ Kế Tường… Lớn hơn một chút say mê Cô Hippie Lạc Loài của Nhã Ca, Lá Tương Tư của Mường Mán, Phượng Vỹ của Duyên Anh… nhưng truyện quê Nam thì tôi không bao giờ đụng tới. Tôi lãnh đạm với Nửa Đêm Trảng Sụp của Bình Nguyên Lộc, thờ ơ với Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam mà phương ngữ U Minh vô cùng khó hiểu. Một đôi lần cầm nhầm Chú Tư Cầu của Lê Xuyên, Nặng Bầu Ân Oán của Hồ Biểu Chánh, tôi cũng mày mò tẩn mẩn đọc nhưng lần nào y lần ấy không quá mười trang là tôi vất bỏ. Truyện quê Nam trong đầu tôi đến kỳ cục. Nhân vật sao ai cũng thẳng ruột ngựa với ngôn ngữ thiếu ý nhị, nhiều lúc đến sống sượng. Cách hành văn miền Nam đối với tôi lúc đó không được văn hoa, không nâng cao gọt dũa và cách điệu như bút pháp quen thuộc của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam… và gần hơn là Mai Thảo, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Hoàng…

Trong vô thức, có lẽ vũng bùn nhơ giẫm phải lúc nhỏ, đêm mất ngủ ở Long An hầm bức đã ảnh hưởng tôi khá nhiều trong việc chọn sách tiêu khiển. Tôi đinh ninh mình biết rõ thế giới của nông dân miền Nam. Cái thế giới tầm thường thu gọn ở cây cầu khỉ chênh vênh trần trụi, thu gọn vào ít đồ vật sơ sài bầy biện trong nhà, những sáng đồng ruộng trơ trẽn ngập sình lầy và những đêm về tối buồn điên dại vì thiếu ánh đèn màu. Cái thế giới đồng chua nước mặn đó đem vào tiểu thuyết làm sao hấp dẫn bằng Sàigòn — trong ngoài tiểu thuyết đủ trò vui. Nên nhanh chóng, đương nhiên, tôi bỏ rơi truyện quê Nam để bắt tình với văn chương thành phố. Tôi còn ngoại tình nhiều hơn nữa khi chỉ tìm đọc toàn truyện dịch. Về Miền Đất Hứa do Thế Uyên dịch từ Exodus, Bố Già do Ngọc Thứ Lang dịch từ Le Parrain, Chiến Hữu do Vũ Kim Thư dịch từ Camarades, rồi Kiều Giang, Cuốn Theo Chiều Gió, Chùm Nho Phẫn Nộ, Đỉnh Gió Hú, Quần Đảo Ngục Tù, Kim Các Tự cùng bộ truyện Pearl Buck Đất Lành, Gió Đông Gió Tây, Đường Về Trùng Khánh qua bản dịch của Trùng Dương… Bên cạnh những đại tác phẩm quốc tế, văn xuôi Việt Nam nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Không kháng cự, tôi thả buông cho mình bị cuốn vào phong trào tiểu thuyết dịch được hâm mộ và ưa chuộng khi ấy. Những năm sau cùng của cuộc chiến, số phần của văn chương đồng quê miền Nam cũng hẩm hiu như chính số phần của nông dân, ruộng vườn miền Nam trước tan hoang của chiến tranh.

Kỷ Tỵ là Tết xa quê. Tôi mua bó đào ở China Town rồi lấy keo xịt tóc xịt khắp các cành cho những nụ đào chớm bung cánh đừng nở rộ, đừng rụng rơi để những nhành đào vươn mãi các nụ hàm tiếu cho không gian Tết thêm lâu. Tháng Giêng là Tết đông đá. Tháng Hai là Tết trôi qua lạnh cóng và tháng Ba sau Tết ướt đầm cơn mưa thủy tinh. Các cành đào khô lại nhưng vẫn giữ dáng dấp của mùa xuân. Trong sâu thức tôi biết mình muốn giữ kỷ niệm Tết tuổi thơ đứng với bố mẹ trước sân nhà như trong tấm hình cũ còn ngập pháo đỏ với lá cờ vàng treo ở hàng hiên. Tôi muốn giữ mãi chậu quất vĩ đại với các chậu cúc mầu, cùng những chậu thược dược tím và gốc thủy tiên trắng muốt đừng biến mất. Vì tất cả đã biến đi như sách báo miền Nam bị tịch thu rồi chỉ còn lác đác những bản đánh máy bỏ dấu tay bày bán bên cạnh dưa muối với bánh chưng bên này. Trước giao thừa tôi mua thật nhiều báo Tết để những dòng chữ viết bằng tiếng Mẹ đem tôi về quê. Sau bao biến cố tang thương cậu bé đọc sách trong mình tôi vẫn sống sót, nhưng kinh ngạc xiết bao khi mạch văn miền Nam vụt chuyển mình vẫy vùng, tưng bừng sức sống. Truyện ngắn miền Nam cuồn cuộn, lồng lộng lấn át mọi khuynh hướng. Văn chương Miệt Vườn trở nên một trào lưu. Mỗi trang sách thơm kinh giới, ngai ngái tía tô, nồng rau dấp cá… Tết Kỷ Tỵ khi ấy hãy còn là thập niên của truyện quê Nam. Mở bất cứ một trang báo nào lúc đó đều bắt gặp hương vị đồng quê, đầy ăm ắp tình tự của dòng Cửu Long mượt mà. Chúng âm vang trên chữ làm nên sức thu hút của văn phong miền Nam trong dòng văn chương mới. Chúng không sống sượng như ấn tượng xấu ở vũng sình non tôi giẫm phải ngày xưa, vì cây đèn dầu của Đêm Chong Đèn bỗng nhiên bừng sáng. Một sớm chiều tôi ngã sấp vào Ao Cá Sấu của Ngô Nguyên Dũng, những Em Vịt Vàng Nhỏ Của Tôi Ơi của Kiệt Tấn, những Bóng Đêm Cuối Cùng của Phan Thị Trọng Tuyến… Tôi không còn lãnh đạm, thờ ơ nhưng đã biết xúc động vì Đôi Guốc Của Bà Út của Nguyễn Đức Lập, Rêu Phong Mấy Lớp của Võ Kỳ Điền. Còn nhiều nữa, những Hồ Trường An, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Lê Hồng Hưng… những người viết đã chở chuyên vào văn chương chất Ngát Hương Mật Ong ngọt lịm, đem theo mùi Lúa Tiêu Ruộng Biền chín rụng vàng khối âm ba đằm thắm của tình quê. Tôi chịu cảm hóa dần để rồi khám phá ra những chân trời đặc sắc, sắc thái địa phương của quê hương trong truyện miền Nam. Quả tình truyện miền Nam rất mầu mỡ, giàu tình cảm lẫn âm điệu. Nguyễn Văn Ba đã hò ca dao, đã “kéo” vè trong truyện, còn Hồ Trường An thổi vào tinh thần Phật giáo đơn sơ. Nhưng so với tất cả, có lẽ Hồ Trường An là tay chèo chống khỏe nhất của chiếc ghe tam bản chở mang văn chương đồng ruộng miền Tây. Hồ Trường An, cái thế giới sung mãn của thể văn Nam bộ hay cơn mưa sáng ướt át vừa hắt dội vào tâm hồn tôi khi thức giấc.

Sĩ Liêm và anh cả tôi – Lưu Uyên Khôi – đến sớm hơn giờ hẹn. Bên ngoài cơn mưa sáng vẫn âm thầm xao xác. Tết Kỷ Tỵ còn chút dư hương trên những lùm mai Tây Forsythia. Vẫn biết mai Tây là mai hàng rào, không là hoàng mai hay tứ quý của quê nhà nhưng sắc vàng tươi của cánh hoa dài, chen giữa đài hoa một nhụy xanh với cành thẳng vút vẫn làm chúng tôi nhớ đất mẹ. Ngọn đồi trước nhà vàng rực khi Liêm đỗ xe. Tết Kỷ Tỵ các lưu dân thuyền nhân hãy còn bị cắt đứt với quê nhà, vẫn còn chắt chiu từng đồng mua thuốc Tây, vải, thuốc lá, sữa bột đóng thùng gửi về cho gia đình bán kiếm sống. Mỗi Tết đến là một buồn bã, là tính nhẫm đã rời gia đình bao lâu. Sĩ Liêm còn có gia đình nhà văn Sĩ Trung, còn tôi với anh Khôi không thân bằng quyến thuộc, tôi vừa sống 5 năm trong cô nhi viện hiu quạnh, tiếng chim hải âu quang quác trên những ghềnh đá lạnh tanh còn vang dội trong trí nhớ. Không biết chừng nào chúng tôi mới nhìn thấy lại nơi chôn nhau. Nga-Sô chưa tan rã, Đông Âu còn Cộng sản, quê nhà xa lắc lơ như vì sao hôm đã biến mất ngoài khuôn kiếng.

Sĩ Liêm khép cửa, xoa tay vì lạnh, thổi vào hai lòng bàn tay hơi ấm, rồi rót cà phê vào tách, đùa:

— Ê, phải hồi hôm cha cho tui uống trà Thái-Đức của bộ đội đi đánh bên Miên? Nguyên đêm thức-đái không chợp được con ngươi!

Sĩ Liêm chân chất bình dị, hay đùa giỡn, đưa một ngón tay lên vẽ vòng tròn quầng thâm quanh mắt. Từ lúc quen nhau, Liêm chỉ rình rập cơ hội xỏ tôi là “tên bồ đội”, vì tôi viết truyện Đồng Cỏ Miên đăng trên Làng Văn năm trước, kể chuyện một đám học sinh miền Nam bị bắt đi nghĩa vụ bên Kampuchia tìm cách đào ngũ, nhưng tất cả đều chết hết. Tôi còn nhớ đã viết “Đất Thái, tệ hơn một lối thoát cay đắng.” Vì đã nhớ đến những bạn trung học của mình ít may mắn, không tiền vượt biên, đã chết dấm dúi ở một xó rừng nào khi tính vượt tuyến sang Thái Lan.

— Ê cha, mình đi Hồ Trường An chưa? 7 giờ rồi!

Sĩ Liêm nhắc, cả ba đã hẹn gặp Hồ Trường An sau Tết. Liêm là cháu ruột gọi Hồ Trường An bằng cậu. Người bạn văn nghệ đầu tiên của tôi là một người Nam dễ vui, dễ sống. Liêm đứng ra làm “môi giới” cho tôi với anh Khôi đến gần với thế giới của Phấn Bướm. Khi ấy Hồ Trường An nổi như cồn với hai truyện dài Hợp Lưu và Phấn Bướm. Rồi các tập Lúa Tiêu Ruộng Biền, Ngát Hương Mật Ong liên tiếp xuất bản. Gặp Hồ Trường An là gặp thế giới Miệt Vườn lạ lùng, nhưng chúng tôi muốn gặp.

— Ê, khóa cửa! Sĩ Liêm nhắc.

Lúc đóng cửa vặn hai vòng khóa, tôi cảm giác mình đang đóng tủ sách đô thị để về quê.

Quốc lộ 104 nối qua xa lộ A5 xuyên qua các thị trấn cổ để đến thành Troyes hãy còn mù sương. Con đường hừng đông sáng mờ, vắng tênh, đây đó những vũng tuyết đang tan chảy thành những lạch nước. Các đống rơm rạ sùm sụp như những ông địa mập khoát áo choàng. Liêm lái xe chậm vì bận “ứng khẩu” làm chung bài thơ với anh Khôi, dành tặng Hồ Trường An. Cả hai mộng thi sĩ nên ưa thơ, tôi chỉ làm được có cái tựa “Troyes, Cơn mưa sáng.” Đi một quãng, mưa nặng hạt, những giọt nước trời rơi lộp bộp như điệu nhạc của thinh không.

Trường An Cổ Nguyệt Đường

clip_image003

Cánh cửa căn chung cư lầu một mở ra. Nhưng người đàn ông đứng ở ngưỡng cửa đón bọn tôi không phải là Lăng trong truyện dài Hợp Lưu. Không phải nhân vật nam được tượng hình vào độ tuổi sung mãn với thân hình lực lưỡng, đồi dào sinh lực trong vui thú của tình yêu lẫn tình dục. Cũng không phải nhân vật chính trong Trường Hợp Của Nhường. Người đàn ông đang dang tay kéo bọn tôi vào nhà, không mấy rám nắng hay phong trần như trong bức ảnh chân dung chụp nghệ thuật mà Mai Thảo chọn đăng kèm truyện ngắn Buổi Tối trên Văn tục bản số 12 tháng 6 năm 1983. Ở nhân dáng người đàn ông, tác giả của truyện ngắn Bèo Bọt đăng trên Văn Học năm 1986, vẽ dân dã xuề xòa nhiều hơn là nét thoát tục được phô diễn và miêu tả ở nhân vật cậu Ba Chí Thành.

Sáng ấy, hình như tôi có hơi thất vọng một phút ở ngưỡng cửa nhà Hồ Trường An, vì không đối chiếu được nhân vật với tác giả. Hồ Trường An dĩ nhiên không biết và không bận tâm cho phút “băn khoăn tiểu thuyết” đó. Ông vui vẻ vỗ vai Sĩ Liêm, bắt tay anh Khôi và kéo tôi vào nhà. Bốn cái ly được “xào” mau chóng trên mặt bàn. Lúc dung tích rượu Suze vàng óng dâng đầy ly, ngửng lên bắt gặp hình ảnh Hồ Trường An bình thản rót rượu, tôi nhận ra mình đã lẫn lộn giữa con người, tiểu thuyết với đời sống thật. Thế giới của hư cấu phải khác với hiện thực.

Vị Suze hơi đắng, nhẫn nhẫn nhưng ngọt êm sau khi uống. Ở nụ cười thoải mái của tác giả Tạp Chủng, tôi nhận ra từ từ một chút trai tráng dồi dào của Lăng trong truyện dài Hợp Lưu, một ít đặc biệt của Nhường, một ít thanh thản tiềm tàng ẩn hiện nơi cậu Ba Chí Thành và có lẫn cả một ít bình dân tự nhiên của những “bà già trầu” ở ngã ba Trung-Lương. Nguyễn Viết Quang là cái tổng thể của tất cả những nhân vật của Hồ Trường An. Mỗi nhân vật được miêu tả, phảng phất một nét sống, góp một tính chất gộp lại thành con người thật bằng xương thịt của tác giả.

— Thằng Liêm nó là cháu nên nó kêu tui bằng cậu, còn Khôi, Vũ nên kêu tui bằng anh đi cho tiện, thân mật mà nghe trẻ nữa!

Thân mật và trẻ trung nên câu chuyện nổ như pháo rang. Trong bốn bức vách của căn phòng đơn sơ, treo nhiều tranh ảnh Phật, Hồ Trường An tiếp đón bọn trẻ không với tư cách của một nhà văn có tên tuổi, nhưng như một người bạn. Câu chuyện vang vang âm Bắc trầm của anh Khôi, tiếng cười hào sảng men Suze của Hồ Trường An, giọng Nam trẻ trung yêu đời của Sĩ Liêm và dĩ nhiên, cả cách phát âm nửa Nam, nửa Bắc, ¾ Sàigòn của tôi cũng trộn lại vang rân trong Cổ Nguyệt Đường, là tên Hồ Trường An gọi gia trang của anh. Tôi nói với anh An về hai truyện ngắn Hai Khuôn Mặt và Bèo Bọt đăng trên Văn Học các số tháng 7 và 8-1986. Chính hai truyện này đã đem đến cho tôi cái nhìn mới về truyện quê Nam. Hai Khuôn Mặt, có thể nói là một trong những truyện ngắn cao tay ấn nhất của Hồ Trường An, “lồng khung” được triết lý Bất Nhị của nhà Phật. Ba nhân vật chính, Tố Nga, người đàn ông áo xám và mụ già điên trần truồng hung ác, thật ra chỉ là một mình tâm thức Tố Nga. Nhưng khi vào truyện, kỹ thuật biến hóa nhân vật của Hồ Trường An khiến người đọc cảm tưởng có ba người trong cuộc khác nhau. Một mà hai, hai mà ba, ba mà một. Và thành công nhất là đoạn kết, khi Tố Nga nằm mộng chiêm bao đi vào thế giới siêu hình, được miêu tả như cõi Niết bàn, nơi con người tìm thấy chân lý của cuộc đời. Ở truyện Bèo Bọt ngược lại Hồ Trường An không tìm sự phức tạp trong kỹ thuật dàn dựng câu chuyện. Chỉ là những bến đậu, những khúc sông thương hồ được ráp nối, tình tự hóa, xoay quanh hai vợ chồng ông Nhưn Giáp băn khoăn kiếm một chỗ “trụ”, để sau cùng nhận ra quê hương ở tâm như lời Phật dạy. Lúc tôi thắc mắc hỏi anh An, tại sao sau lần được Phật cứu sống, sau khi đã uống nguyên lọ xạ chồn hương để phá thai – đã nhận ra cặp mắt từ ái của đấng Đại Bi – mà Tố Nga vẫn tiếp tục “lao thân vào hố sâu trụy lạc, mất hết niềm tin, tâm hồn đầy bi quan…”, anh An cười thích thú trả lời:

— Chớ Vũ không thấy mấy mụ tú bà nạ dòng hồi xưa ăn chay niệm Phật lễ chùa hà rầm đó sao? Con người ta mà, rời ra khỏi bàn thờ, buông cuốn kinh xuống là xác phàm hoàn xác phàm, dục vọng y như cũ…!

Hồ Trường An cười ha hả, giảng giải cho cả ba nghe về kinh Phật, giữa Đạo và Đời… Tôi cãi: Đường hay Pháo đài nghe hay hơn, anh An nhăn: “Bậy nè, cái đó là bên Công Giáo, của linh mục Nguyễn Ngọc Lan.” Anh thao thao về cái Hằng, cái Không, cái Sắc, tôi thêm: Nhan Sắc của Dương Nghiễm Mậu nữa, anh lại nhăn: Bậy nè! Theo anh, đạo Phật là chìa khóa mở tất cả những vấn đề của nhân sinh. Thuyết pháp một lúc coi bộ lớp trẻ “hậu sinh khả ố” không mấy thiết tha với Luân hồi, Hồ Trường An khéo léo đưa câu chuyện trở lại lĩnh vực văn chương.

Bàn đến truyện ngắn Hồ Trường An, cả ba chúng tôi đều đồng ý là hơi nhiều nhân vật phụ. Những vai phụ này thường hay xuất hiện ào ạt ở đầu truyện rồi đột ngột biến mất ở một thời điểm nào đó, khiến người đọc bỡ ngỡ, vai chánh cũng “mờ” đi. Liêm nói với Hồ Trường An là “…Cậu tả chân kỹ quá, nhiều lúc con đọc cậu tả cái khăn bàn muốn rách!” Hồ Trường An nghe vậy phản đối: “Bộ mấy người đọc thấy rách thiệt hả? Tui ưa tả chân và miêu tả tỉ mỉ nhưng đâu có tả đến rách cái màn cửa dữ thần vậy!” Bên ngoài, trận mưa sáng đã lắng dịu, chỉ còn những hạt nước mỏng hiu hắt. Trong ánh sáng xám mờ của một ngày mưa sương, anh An trả lời tất cả những câu hỏi “chuyên môn” của bọn tôi không chút dấu nghề. Theo lời anh khuyên, khi viết nên thật tự nhiên, style mình sao viết vậy, đừng lập dị, đừng cao xa và cũng đừng công thức. Do đó không có một dàn bài nào nhất định cho truyện ngắn, tùy trường hợp –khung cảnh–ý tưởng–không khí– lúc sáng tác mà chọn nhân vật hay tìm kết, đặt tựa truyện trước hay sau. Sĩ Liêm chen: “Cậu đi bài quyền Thiếu Lâm kiểu này chết cha môn sinh, thành ra tung chưởng kiểu nào cũng đặng!” Anh An lắc đầu: “Từ từ rồi mọi người sẽ kiếm ra con đường riêng của mình, truyện dài Lúa Tiêu Ruộng Biền của tui biên xong trong vòng có hai tuần, không sửa chữa mà cũng chẳng gò. Tác phẩm là trời cho, đến là nó đến, có giục cũng không đặng, mà không giục cũng vãi!” Khi Sĩ Liêm hỏi ông cậu về cách đặt tựa sao cho sang…, Hồ Trường An khuyên nên kiếm trong thơ, nhạc và ca dao.

— Mấy người thấy Nguyễn Văn Ba không? Đặt tựa toàn là ca dao mà thành công hay hết sức. Làm Mai, Lãnh Nợ, Gác Cu, Cầm Chầu…. Dì Hai con, (anh quay sang Liêm, ý muốn nói về Nguyễn Thị Thụy Vũ) lấy tựa Nhang Tàn Thắp Khuya cho truyện dài của mình qua hai câu: “Em buồn có chốn thở than/Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya…”

Người đàn ông từ trong bếp bước ra với bốn đĩa phá lấu, nem thái, kim chi và tôm khô củ kiệu không phải là Hồ Trường An. Cũng không phải Bernard – người bạn thổ dân của anh – đã bắt ghế ra đàm đạo chung với cả bọn từ đầu cuộc rượu. Người đàn ông lạ mặt thản nhiên ngồi xuống chỗ của Hồ Trường An, khui bia và rượu chát hồng cho tất cả mọi người. Người đàn ông đó cũng có nụ cười vui ít khi tắt và cũng lột trần truồng ngôn ngữ khi nói chuyện như Nguyễn Viết Quang, nhưng không phải Nguyễn Viết Quang. Đào Huy Đán vừa uống rượu vừa thuật lại những bài thực hiện phỏng vấn gần đây của anh trên Làng Văn. Những chuyện vui bí mật giữa anh với văn nghệ sĩ trong giao tình qua thư từ, điện thoại và tác phẩm của họ. Theo Đào Huy Đán, ở ngoài đời Võ Phiến rất lành, không zí zỏm, không đùa bỡn như trong tùy bút của ông. Vẫn theo Đào Huy Đán, Nguyễn Tấn Hưng của Một Thuở Làm Trùm tếu lắm. Mai Kim Ngọc chuyên trị về tâm thần trong tiểu thuyết, Ngô Nguyễn Dũng rất thư sinh và Cao Bình Minh chịu chơi, cởi mở phóng khoáng như con trai. Anh tôi hỏi thăm về Ngô Nguyên Dũng, anh Khôi thích truyện Soi Vùng Ký Ức, thích chữ L uốn éo của cô đầm Đức tên Lisa và tâm trạng nội tâm của người sinh viên Việt phòng bên. Tôi thì ưa Chốn Tâm Tình Ẩn Nấu và Nhật Ký Cuối Năm. Không hiểu sao chúng tôi gần Ngô Nguyên Dũng, có lẽ vì cùng môi trường sinh viên học sinh Sàigòn nên dễ chia sẻ sáng tác. Sĩ Liêm thì mê mẩn Ngón Tay Đeo Nhẫn và Mùa Xuân Sau Lưng của Cao Bình Minh. Tôi cũng ưa Cao Bình Minh, văn của cô dạn dĩ, tự nhiên và không làm điệu. Cao Bình Minh cho nhân vật yêu hết mình bất chấp vòng bụng size Extra Large của người tình! Sĩ Liêm sau khi thú nhận chọn Cao Bình Minh làm người tình trong văn chương, thắc mắc hỏi Đào Huy Đán:

— Sao bức hình Cao Bình Minh đăng trong bài phỏng vấn coi Việt Nam hiền hậu duyên dáng quá mà tấm hình trong Trăng Đất Khách thấy bụi, ngồ ngộ?!

— Cái đó ai mà biết! Nhưng coi cũng đặng chớ!

Buổi sáng ở Troyes vơi dần với những chai rượu hồng và món phá lấu. Và như bất cứ cuộc rượu nào giữa những người đàn ông, câu chuyện lan man dừng chân một thoáng ở đề tài tình dục. Đào Huy Đán nói với chúng tôi rằng anh phát hiện khuynh hướng văn chương ly kỳ “lưỡng tính” trong truyện Ngô Nguyên Dũng. Anh nêu ra truyện ngắn Đêm Như Bàn Tay Dịu Dàng để dẫn chứng. Tôi bổ túc thêm với truyện Đến Năm Thứ 19 đăng trên Văn Học số Xuân Kỷ Tỵ. Điều này hợp… với lời khai “thành khẩn” của Ngô Nguyên Dũng trong phỏng vấn ở Làng Văn số 40: “Rất thẳng thắn, tôi không muốn tách rời tình yêu và tình dục. Tôi có đầu óc rất phóng khoáng về tình cảm. Tôi chấp nhận tất cả những biểu lộ của nó, từ tâm hay từ xúc giác.” Ở Cao Bình Minh, ngòi viết nữ nghịch ngợm và bạo dạn – chuyên trị những quan hệ sinh lý ngoại hôn – cũng ẩn hiện đồng tính trong truyện ngắn Bóng Mây đăng trên Làng Văn số 32. Tuy nhiên nếu đem so với truyện dài Hợp Lưu của Hồ Trường An trước khi Võ Phiến kiểm duyệt, từ Ngô Nguyên Dũng đến Cao Bình Minh, xuyên qua Diệu Tần trong Mùa Xuân Hố Thẳm và Hái Thận của Nguyễn Xuân Quang, không mấy ai sung mãn sinh lý trong văn xuôi cho bằng! Đào Huy Đán không đồng ý với ba tụi tôi ở điểm này, anh nói Kiệt Tấn trong Thương Nàng Bấy Nhiêu cũng ngang ngửa Hồ Trường An chứ không chơi. Chúng tôi còn mổ xẻ lung tung, những Kim Bình Mai, những Người Tình của Lady Chartteley và nhật ký Anais Nin đều được Đào Huy Đán bình giảng trên bàn ăn. Nhưng rồi thấy đề tài câu chuyện không mấy trong sáng trước bàn thờ Phật với xâu chuỗi quý mà bác sĩ Huỳnh Hữu Cửu, tác giả Sông Mỹ-Sông Việt, thỉnh từ Tây-Trúc bên Ấn Độ về tặng Hồ Trường An, Sĩ Liêm lảng sang đề mục khác.

— Chuỗi ngộ quá hén? Lúc nãy con tưởng kết bằng chùm ruột phơi khô!

— Nói tầm bậy! Tội chết!

Đào Huy Đán ngồi chơi một lúc rồi cáo từ, trả lại ngôi nhà cho Nguyễn Viết Quang làm chỗ “gối đầu”, chỗ “trụ”. Buổi chiều đó tôi chứng kiến hiện tượng Bất Nhị phô diễn qua Hồ Trường An. Anh biến hóa thần kỳ theo đề tài câu chuyện. Nguyễn Viết Quang là tên thật, Hồ Trường An là bút danh, còn Đào Huy Đán là bút hiệu khi điểm sách. Một mà hai, hai mà ba, ba mà một…

Bữa cơm tối có bún cà-ri với mắm tôm chua, anh An nhắc những Giai Thoại Hồng, kể về Một Chặng Đường của anh với Vũ Thành An và Nguyễn Đức Sơn. Nhớ mãi những kỷ niệm thời Son Phấn Làng Văn với hai chị Thụy Vũ, Túy Hồng… Trời Troyes ngã về chiều trên mái ngói cũ của căn chung cư đường Renoir. Hồ Trường An tiễn chúng tôi xuống lầu, những thùng sách chất từ trong phòng ngủ của anh ra đến hành lang. Sách gói ghém tâm tư của những người cầm bút. Anh An đưa ra xe, chờ Sĩ Liêm nổ máy rồi mới trở lên. Cùng với vạt gió cuối ngày, Hồ Trường An vẫy tay: “Thôi hé…”

Sau năm 1954 những nhà văn Bắc di cư sớm lãng quên thể truyện đồng quê, nên thể văn nông thôn tiền chiến miền Bắc chết hẳn sau Tô Hoài, chỉ còn nông thôn XHCN… Khiến tuổi trẻ có cha mẹ sinh quán Bắc-Việt không tài nào hình dung nổi miền quê nội hay quê ngoại ở phương xa. Lớp thiếu niên lớn lên bên đây, ngược lại, chúng có cả một trời quê Nam trong tiểu thuyết vì đã có Nguyễn Đức Lập, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Văn Ba và nhất là Hồ Trường An.

TV, tháng 3-1989

Bản giấy in lần đầu trên nguyệt san Làng Văn sau Tết Kỷ Tỵ

Comments are closed.