Bằng hữu đến với ra mắt sách “40 năm thơ Việt hải ngoại” (32): Cung Tích Biền

Nguyễn Đức Tùng

Tôi đọc Cung Tích Biền từ ngày nhỏ, rải rác đâu đó, khi một truyện ngắn trong sách, khi trên báo. Ấn tượng cuối cùng của tôi về ông trước năm 1975 là truyện dài Những luống hoa cải vàng đăng nhiều kỳ trên Đời của Chu Tử, say mê. Đó là câu chuyện về chiến tranh và hòa bình, về giấc mơ hạnh phúc làng quê. Xây dựng nhân vật là yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật Cung Tích Biền. Chủ đề của truyện dàn trải rộng nhưng thường xoay quanh các thời điểm lịch sử. Trên cái nền ấy, tính cách nhân vật của ông, yêu và ghét, được bộc lộ. Truyện là sự mô tả tuyệt đẹp về một thiên nhiên Việt Nam đáng yêu, là hoài niệm quê nhà, sự phản kháng đối với nghịch cảnh, sự tố cáo đầy tính văn chương đối với các tội ác và các ảo tưởng mê lầm về cách mạng và chiến tranh. Tôi hy vọng có thời gian sẽ viết kỹ về Cung Tích Biền.

Tôi cũng có dịp may riêng gặp tác giả khi anh và phu nhân đến dự Ra mắt sách 40 năm thơ Việt hải ngoại ở Cali tháng 9, 2017 vừa qua. Té ra chị Mai là người cùng quê của tôi, cũng là chỗ quen thân của hai chị tôi. Hai anh chị thật trẻ trung, tươi tắn, hồn hậu. Các cuộc gặp sau Ra mắt, giữa những người khác như nhà thơ Hoàng Hưng, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, luật sư Lưu Văn Đạt, các nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Hà Nguyên Du, Khế Iêm, Nguyễn Hàn Chung, Trần Yên Hòa, Vương Ngọc Minh, Trịnh Y Thư… và bạn bè, thật vui, chân tình ấm áp.

NĐT

cung tich bien va chi mai cung que

Vợ chồng Cung Tích Biền (bên trái)

Bí Ẩn Ba Nô

Dạo ấy, từ trung đoàn 10 Thiết giáp, tôi được một giấy phép mấy ngày nghỉ thường niên, lý do về thăm nhà. Tôi chưa có gia đình. Cha mẹ tôi chẳng còn. Bà con quê nhà chạy nạn khắp nơi. Xem như không nhà, không quê.

Rảnh rỗi, tôi lang thang đó đây, rồi ở lại chợ Diêm đến hơn một tháng. Vì một người điên. Người điên quyến rũ. Lúc trở lại đơn vị tôi đã là viên sĩ quan đào ngũ. Bù lại, tôi học được ở người điên này một bài học – mà trong xã hội thường hằng, một người gọi rằng không điên, khó thể hành xử một cách minh triết như vậy. Cái sự vụ có tính nhất thời, gay cấn. Thậm là gay cấn, vì chính Kẻ Điên này đồng hóa phút ban phát ân huệ, bằng một cuộc tiêu dênh thân mạng riêng mình.

*

Chợ Diêm thơ mộng, có một vị trí thiên nhiên khá đặc biệt. Cổng chợ nhìn ngay ra quan lộ Bắc Nam, ở phía tây. Cuối chợ, về hướng đông, là bến nước của sông Trường. Ghe thuyền tấp nập. Trường giang chảy song song với bờ biển, có nơi chỉ cách biển chừng hơn nghìn mét. Từ bến Trường giang chợ Diêm có thể xuống con đò dọc ra đến phố cổ Hội An. Thuở ấy, sáu bảy mươi năm trước, đò dọc là phương tiện đường sông, đưa khách cùng sản vật nhiều ngày lênh đênh trên sông nước hữu tình. Đò qua bến Tây Giang, Tiên Đỏa, Chợ Được, Ngã nước rộng Trà Nhiêu, hai bờ những rừng dương cát vàng, khí thiêng mơ màng. Có thể đêm mịt mùng mưa, có thể trăng dát vàng mặt nước, nhiều cuộc chung chạ nam nữ thường xảy ra. Có thôn nữ chỉ đi một chuyến đò dọc là bụng phình lên. Con tinh trùng bắt đầu có lỗ mũi miệng môi. Mẹ gạn hỏi: “Lấy ai mà mang bầu?”. Cô gái bẽn lẽn thưa: “Chỉ vì trăng nước mà to bụng mẹ ôi”. Người dân gian đã có câu ca dao khuyên van: “Trồng trầu thả lộn dây tiêu/ con đi đò dọc mẹ liều con hư”.

Một buổi chiều, ngồi đâu đó ở một quán nước Chợ Diêm, chợ vắng, bạn có thể nghe tiếng sóng biển ì ầm che khuất cả tiếng sông Trường. Và xa kia về hướng tây là con đường sắt xuyên Việt, con tàu hỏa chậm chạp, kéo lê tiếng còi, hòa vào núi với núi xanh lơ.

Người Miền Trung chúng tôi, vì điều kiện đất đai khô cằn, vườn thiếu cây trái, sông ít phù sa màu mỡ, “mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn” nên mỗi con người dù trí tuệ thông mẫn, cái xác phàm vẫn thấp bé, nhom gầy. Thấy nơi đây một người cao to vạm vỡ như người đàn ông miệt Long Xuyên Châu Đốc là rất hiếm.

*

Nhưng thuở ấy, tôi đã thấy, ở chợ Diêm, một người đàn ông cao lớn khác thường. Anh ta ở truồng. Truồng đúng nghĩa. Cu dái bày rõ dưới ánh mặt trời như tóc tai mặt mũi. Với anh ta, mọi thứ bề mặt một con người được bình đẳng phô bày. Mọi thứ trên một thân người đều được như nhau sưởi ấm, như nhau lạnh lẽo; cùng chia nhau cái lõa lồ.

Lúc này anh ta đứng dưới bóng một cây dương trên dải cát ven đường. Người đen đẫm, ngực nở, vai u. Trông như cái tượng đồng đen. Tượng này chừng như do trời dựng, có máu chuyển luân trong người. Khác với tượng nghệ thuật của các nhà điêu khắc chúng ta, là luôn thiếu máu tuy áo quần đấy đủ, lại thêm râu trên cằm.

Thấy lạ, tôi hỏi một người bạn ngồi cùng bàn:

– Đất đai nào nứt ra cái thằng người quá khổ kia?

– Người chợ Diêm.

– Tên họ gì không?

– Ba Nô.

– Điên hà?

– Rằng điên e không đúng. Mà rằng không điên thì sai. Một thằng có học.

– Trần truồng mãi ư?

– Thường trực. Nằng không nón. Mưa chẳng áo mưa. Không biết rét lạnh là gì. Thân cây còn có tàn lá che. Anh này trơ trụi. Mà lâu nay không hề thấy đau ốm gì.

Tuổi trẻ chúng tôi dạo này, vì những u uẩn, những biến cố ngược đời, đêm trong đồn lũy đi về ma trơi, trong tiếng nổ thừa mứa những tín hiệu tử thần, nên nghe ra cũng có đứa tính khí bất thường. Có đứa điên. Nhưng chắc là chưa có đứa nào ở truồng một cách khinh khoái, chất ngất tự nhiên, coi trời đất bằng nắm cỏ, như Ba Nô.

Dạo này tôi nghe nói bên Mỹ có mấy cô gái cởi truồng để chống đối chính phủ, vì chiến tranh Việt Nam. Nhưng các cô bày một bầy bướm chỉ hai màu trắng đen, ngẫu hứng có điều kiện, vì Nixon. Ba Nô nơi này có thể trong một nội dung rộng tỏa hơn. Hắn chơi truồng để hầu chuyện với Cõi Trời đã ban phát cho Mẹ già một bào thai dị dạng.

Ơ kìa, Ba Nô đi lại từ phía mặt trời sắp xuống núi. Nắng yếu vàng. Rừng bóng khu đồi dương đã nhạt nhòa.Tất cả tạo ra một thế giới mơ hoặc, và cái người to lớn truồng trụi kia, trở nên bí ẩn trong tôi. Nó không chắc sẽ không đổ vỡ, vì sự bất toàn, khi một xã hội quanh đây danh xưng là vẹn toàn.

*

Ba Nô băng qua quãng đường chiều, về phía quán. Người ta bảo rằng không biết bao lần Ba Nô suýt bị xe chạy vun vút trên con đường xuyên Việt cán chết. Nhưng Ba Nô không thể chết. Mà xe thường bị lật nhào. Tài xế luôn bị lúng túng, trật tay lái, vì phải tránh cái thằng người trước mũi xe, lừng lững như một bóng ma. Hắn chừng không thèm nghe tiếng còi xe, chẳng mảy may tránh né, như đang welcome thần chết. Cho nên mỗi lần xe qua chợ Diêm tài xế đều giảm tốc độ. “Để nhường đường cho thằng người duy nhất từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau đang phơi chim dưới bóng trời.” [Hồi ấy Việt nam chưa mất Nam Quan, nơi Nguyễn Trãi từ biệt cha trở về cùng Lê Lợi].

Nó kìa. Cái dương vật trần trụi to bự như một quả chuối già đưa qua đánh lại. Nó lại rất hình tượng chuối, vì không thẳng chìa ra như khi hành lạc, mà cong khum vào bộ dái. Cứng, mới cong được. Đây có thể là biểu hiện cái khí dương nơi một người đàn ông còn mạnh mẽ, nhưng không bị giựt dây, kích dục thường tình.

Nhìn Ba Nô, người bạn nói với tôi:

– Ba Nô hằng ngày đi qua các cửa hàng, đứng giữa một bầy gái, nó vẫn thế. Hình như dâm lực trong cõi này, cái khí Nữ, dù âm ma tới cỡ nào cũng không gợi dục được hắn.

Một khuôn mặt hình chữ điền. Râu tóc rậm, bù xù. Hai trái tai to. Một đôi mắt nhìn có ngây ngây, tạo ám ảnh, nhưng không tỏ dấu đờ đẫn của người mất trí. Ba Nô đứng ở bậc cửa, chằm chằm nhìn tôi. Cô chủ quán bước ra nói với Ba Nô:

– Một người quen với tôi. Đừng nhìn người ta như thế.

Ba Nô cười, vẻ lặng lẽ hiếm thấy. Người bạn nói nhỏ: “Ba Nô rất kiệm lời. Một nhà tu hành chưa chắc là không chịu nói như thế”.

Ngạc nhiên đầu tiên của tôi khi nghe kể cái cách Ba Nô với đàn bà. Bây giờ là thái độ phe nữ đối lại Ba Nô. Cô chủ quán khá xinh đẹp, hãy còn trẻ, không tỏ ra ngượng ngùng. Cõi trần trụi này, chừng như đã hằng quen với cô. Cô nhìn Ba Nô cái nhìn thánh thiện. Trong mắt cô phảng phất một niềm chịu phục, chen lẫn chút thương cảm. Giọng đối thoại của cô với Ba Nô khá thân ái, như một sự gia ân cho một số phận cần thiết được gia ân.

Sau này, tôi hiểu thêm rằng cả đàn bà con gái chợ Diêm đều cư xử với Ba Nô như cô chủ quán, xem sự có mặt của anh là một lẽ thường thân thiết. Ngày ngày anh tòn teng trái chuối qua các gian hàng, bãi chợ, xuống bến, vào quán ngồi. Có khi Ba Nô tới trước cổng trường xem học sinh giờ tan học. Bọn học trò túa ra như bầy chim, nhìn Ba Nô chúng hân hoan. Như gặp một trò giải trí vừa thơ ngây vừa lạ mắt, sau những giờ khắc ngồi nghiêm chỉnh trong lớp học. Ba Nô là một liều thuốc chủng ngừa, mở toang cái khối bí ẩn trong mỗi thằng người bé con mang dương vật, trước bọn yêu quái mặt người còn non tơ mang âm hộ.

Có lần một mụ sồn sồn chọc ghẹo:

– Ba Nô, ngay thẳng đơ cái ngữ ấy ra tao xem nào.

Ba Nô mắng lại nghiêm chỉnh:

– Khi nào là chồng của mụ ta ngay đơ.

– A… cái anh này đâu có điên.

*

Ba Nô đứng ở bậc cửa. Chừng như đói bụng. Cô chủ quán lấy hai ổ bánh mì to bự bỏ vào cái bao ni lông, thêm một chai nước ngọt, đưa cho Ba Nô. Cô nói:

– Xuống bến. Ăn bánh mì. Còn tám bao xi măng vác hết lên bến nghe.

– Hừ.

– Tối về đấy ngủ trước hiên này. Đừng ngủ trên cành cây các ông lính ổng bắn bỏ mạng nghe.

– Hừ.

Tôi hỏi người bạn:

– Bộ là chim sao ngủ trên cây?

Người bạn cười ngây, trả lời:

– Hà, Ba Nô không ngủ đất ngủ giường. Đêm là ngủ trên cành cây đa trong miếu Lớn.

– Có khi nào té nhào xuống đất chí mạng chưa.

– Chưa bao giờ. Ba Nô này xác điên mà mang hồn thánh.

Cô chủ quán góp chuyện:

– Ngủ gọn trên cành đẹp lắm anh à. Chừng như kiếp trước Ba Nô là loài có cánh.

– Hừ.

Ba Nô hừ một tiếng gọn. Rồi cầm bịch thức ăn bước ra. Cô chủ quán lại dặn dò:

– Vác lên bỏ chỗ cửa tiệm con Sương rồi đi tay trần xuống bến vác tiếp chớ không phải vác đi vác về tới khuya chưa xong đâu nghe Ba Nô. Bữa ni không có ai ngồi canh chừng nhắc nhở anh đâu.

– Hừ.

Tôi ngạc nhiên hỏi cô chủ quán:

– Sao vác lên vác về tới khuya chưa xong tám bao xi măng?

Cô giải thích:

– À, Ba Nô này “triết gia” lắm. Không có người canh chừng, nhắc nhở thì anh ta vác hết tám bao lên kho vựa, xong, lại đứng tần ngần. Trong đầu anh ta hình như lưỡng lự không biết người ta nhờ mình vác từ bến lên kho hay là từ kho xuống bến. Vậy là anh lẩm nhẩm một hồi rồi khom lưng vác tám bao trở lại bến. Vác lại bến, lưỡng lự, rồi lại vác lên kho. Kho rồi bến. Bến rồi kho. Có hôm khuya lắc lơ, ngần ấy cái thứ người ta nhờ khuân vác từ sớm mai vẫn dở dang nửa ở kho nửa còn dưới bến. Vác kiểu ấy có khi ba năm trời vẫn nửa bến nửa kho.

*

Một hôm Ba Nô rủ tôi về ngủ cây.

Cây đa vĩ đại, tuổi có hơn vài trăm năm.Vừa bao la vừa u ám. Cành nhánh phủ tứ bề như một cánh rừng nhỏ. Đêm tôi ngủ với Ba Nô là một đêm trăng mười bốn. Trời cuối đông, lúc trăng rỡ, lúc chìm trong mây tối thẩm. Gió trong cây rì rầm. Cùng ngủ với Ba Nô có rất nhiều chim, tiếng kêu chiêm chiếp, có nhiều kiến, quạ, mối, chuột, và có thể nhiều rắn.

Xác to lớn, nhưng Ba Nô lên cây nhanh như một con khỉ. Tôi trầy trật mãi. Ba Nô trợ giúp bằng cách dùng một cánh tay đẩy tôi lên. Anh dìu tôi sang một nhánh đa to lớn, chu vi người ôm không xuể. Tôi choáng váng với độ cao. Buồn nôn. Ba Nô bảo:

– Cứ nghĩ là ông trời đang ở dưới gót chân. Mây trăng ở chỗ thắt lưng. Mặt đất cỏ cây rùa rắn mối kiến, vạn vật thấp tè đang trên đầu của mình. Mặt đất có trang trí những sâu bọ mả mồ ở trên cao kia kìa. Nghĩ làm vậy, cho là vậy, thì chẳng bao giờ sợ ngợp sợ té.

Tôi nói:

– Hóa thân, phân mảnh mới nghĩ ra được.

Ba Nô hoạt họa:

– Làm một con thỏ sợ rừng thì nghĩ ra được.

*

Miễu Lớn ánh đèn lạp ẩn hiện bên dưới. Có tiếng chuông boong boong. Trong khoảng bộng trống của thân cây to lớn có tiếng tiếng thì thầm. Ba Nô giảng giải: “Bọn quạ đang nhóm họp bàn chuyện bí mật trong ruột cây đa đó. Rồi chúng sẽ tung ra những trận đánh lớn cho mà coi.

Lại đột ngột hỏi tôi:

– Này thằng khách chợ Diêm, nghe nói mày Đại úy quân lực?

– Đúng vậy.

– Đánh giặc dữ hà?

– Không dữ dằn gì. Bên này nã qua bên kia phải nện lại. Bình thường mà. Bên này bắn thủng một thằng người, bên kia vùi một thân mạng. Chuyện bình thường mà.

– Hiếp dâm dữ?

– Ta không đủ đạo đức làm chuyện đó.

Ba Nô mơ màng:

– Mẹ tao bị hiếp đẻ ra tao.

Tôi bàng hoàng hỏi:

– Ôi, cơ sự thế nào?

Ba Nô nổi nóng:

– Thằng đại úy quân lực hỏi tầm bậy. Hồi hiếp nhau tam bành chí chóe trời nghiêng đất ngửa, tao chỉ là một vô danh trong đám tinh trùng bậy bạ. Làm sao tao biết gì.

Ba Nô thở dài, như nói với trăng mười bốn đang trong đám mây đen trên kia:

– Tao vừa lớn mẹ tao tiêu. Bọn người cùng thời nói tao con hoang. Biết vậy thôi. Lại nói ông cố nội tao giỏi phù phép bắt quỷ trừ ma. Bọn quỷ ma hợp nhất trả thù. Hiện hồn hiếp mẹ. Ma bên Tả, quỷ bên Hữu, đè hiếp một phận người nhỏ nhoi.

Có một con rắn màu lục bò qua chỗ chúng tôi ngồi. Thân rắn chìm trong màu lá. Ba Nô nói không sao đâu, có tao ngồi đây bọn rắn đi chỗ khác chơi.

Ba Nô bất ngờ tổng kết cuộc trò chuyện:

– Nghĩ cho cùng tao có mặt trên cõi đời này là Tao Có. Vậy thôi. Ôi, mẹ không bị đè ra đâm cây thịt vào người, mà giả dụ mẹ được âu âu yếm yếm nịu nâng trong cung cấm thì cũng là thụ thai, cũng là tao. Bọn âm binh muốn có một thằng người thì thằng người đó phải có. Tao Có.

*

Ngồi một hồi trên cành cây to lớn hàn huyên thì phải cơn mưa. Ba Nô đẩy tôi vào phía trong, túm hai chân tôi như túm một đứa bé, đút vào một khoảng tối giữa ruột cây, kèm lời giải:

– Phòng ngủ của Đại úy quân lực. Đây là cái bộng rỗng. Phải chui hai chân vào trước. Đầu mặt quay ra chỗ trống thoáng.

Một khoảng trống tối om. Chừng lớn hơn ruột một chiếc quan tài. Bọn dơi, sóc, rắn mối nghe mưa đã nhanh lẹ vào trước rồi. Mùi gỗ mục, lá ấm, mùi thời gian quái dị cô đặc. Tôi thoáng nghe có mùi thuốc súng. Hỏi vọng ra:

– Ba Nô trong này có vũ khí hà?

Ba Nô hét lớn trong tiếng mưa lẫn tiếng rít của gió:

– Thuốc súng, thuốc mìn đấy. Cho bọn muỗi mòng chuột dơi rắn chúng nể mặt tí chút chớ. Tỷ như mày xông thuốc muỗi hay xoa dầu thơm vậy.

– Mưa dữ quá.

– Đó là việc của gió mưa. Trong bộng cây của mày bọn vạn vật đó ghiền mùi hằng đêm, như người ta ghiền thuốc phiện rồi. Ngửi được mùi thuốc đạn thuốc mìn, chúng ngủ ngon. Không quấy phá gì đại úy quân lực đâu. Ngáy khò đi. Chim chóc, rắn cóc, người, dơi chuột, phần đứa nào đứa đó lo.

*

Một bữa tôi được Ba Nô mời cơm.

Địa điểm: dưới gốc cây đa.

Tôi đến điểm hẹn đã thấy Ba Nô chỉnh tề hơn. Có cái bao bọc con cu.

Tôi cười, nói thân mật:

– Chà bữa này có bận chiếc xì líp tiếp khách hả?

– Cha quận trưởng quận này căm tao lắm.

– Hà cớ chi mà quan quyền căm?

– À há, mỗi lần anh ta dắt cô vợ trẻ đi chơi phố là y như rằng cô nàng không nhìn phố chợ mà cứ nhìn con chim thanh bình của tao.

– Đã sao.

– Tay quận trưởng này cũng điệu nghệ. Hôm qua bảo lính mang tới cho tao năm cái xì líp. Nhân danh chính phủ thông cảm cho tao ở dỗng nhưng tối thiểu phải bao bọc của quý lại. Không là sẽ tống tao vào tù vì tội công xúc tu sỉ.

– Vậy cũng được Ba Nô hà. Phơi nắng hoài, cu phai màu.

Ba Nô móc trong hốc cây, chỗ cội rễ chằn chịt bốn cái xì líp, nói chậm rãi, giọng ấm áp lạ thường:

– Tao chỉ bận một ngày thôi, vì thương cái cảnh ở truồng trước chú mày, một đại úy thân thiện. Sáng mai tao sẽ đội cái xì líp lên đầu, tới cửa quận trả lại. Tao sẽ đi khỏi cái xứ sở mất quyền lựa chọn này.

– Ba Nô sẽ tới những đâu?

– Tao tới cái thế giới truồng.

*

Đang trò chuyện, bất giác Ba Nô nhìn ra dòng sông Trường, cách đó không xa. Sông man mác trôi những bèo xanh. Bảo tôi:

– Ngồi chờ đó tao đi lấy thức ăn.

Chạy ra bờ sông. Nhảy ùm. Trời lạnh cắt da. Như con rái cá bơi ra giữa dòng, Ba Nô hụp lặn một hồi chỗ đám bèo những rác rưởi, rồi mang về một con gà chết trôi. Nghe có mùi. Cần cổ gà rụng trụi lông.

– Con gà này bự chảng. Lai rai tha hồ. Đại úy quân lực đi mua rượu. Tao nướng xào, cháo, gỏi, luộc… một nhát là xong.

– Thúi quá mà.

– Bỏ mùi ra ngoài. Không thơm chẳng thúi.

*

Trời ôi Ba Nô nổ.

Ba Nô nổ rồi,

Giữa chỗ đá banh.

Có tiếng ồn ào phía bãi chợ.

Tôi ngồi ở cái quán lần đầu tiên tôi đến chợ Diêm.

Ngày mai tôi trở về đơn vị.

Cơn mưa lúc trời rưng rưng sáng bỏ lại trên cồn dương những lằn sóng cát, do nước băng băng chảy. Bầu trời ê ẩm đục. Con tàu sắt chạy bên kia lớp sương mù.

Tôi ngồi đợi Ba Nô. Lòng buồn nghĩ Ba Nô có là người điên?

Ba Nô có là một Lộng Giả?

Đời tôi lưu lạc từ bé. Có cái số quen lung. Thường gần gũi rất nhiều người mà kẻ đời cho rằng điên. Tôi được Bùi Giáng cho ăn một chén chè ngọt trong có một con mắm nục; tôi ăn thấy ngon; ông tiên họ Bùi giảng giải: “Thằng nhà thơ với thằng nhà văn khó trộn lẫn, một bên kinh, một bên truyện; chén chè ngọt của ta là hiện hồn thằng viết văn mà ưa mần thơ, thằng mần thơ mà cà rỡn dài dòng kiểu làm văn. Cử nhân Vĩnh Th. thường trực ăn cứt thỏ. Một thời tôi cùng ăn cứt thỏ phơi khô. Ngon đáo để. Hình như có trộn thêm bột mì, mùi hương. Nhưng Vĩnh Th. quyết bảo trì lập trường: “Gia vị thêm bất cứ gì, miễn giữ được mùi cứt. Chính thống là cứt. Cô Hồng đẹp ghê người, ngây dại đứng dọc hàng kẽm gai quân viễn chinh. Cô bị bề hội đồng. Đẻ con khi trắng Mỹ khi đen châu Phi. Đẻ. Cô đem cái mầm tươi rựng máu bỏ trong bụi rậm. Lại về đứng dọc hàng kẽm, mìn. Tiếp tục cái dây oan khiên vô hình mà thụ thai có thật.

Mỗi linh hồn, một làn khói điên.

Tôi triền miên trập trùng lui tới, đống giẻ rách bấn loạn. Không hiểu ai là điên? Điên thật? Thật điên? Có khi nào điên, không điên, trộn lẫn, gộp chung nhau như bánh mì kẹp thịt? Chè mắm cái? Thuở lên mười, đã nghe cha kể lại Hương Trừu đi bắt quỷ, diệt ma. Gò Cây Bứa sau làng, có một nghĩa địa chung giữ hai họ hiềm khích nhau. Bọn ma chết lâu năm, xương tàn cốt rụi dưới sỏi bụi bên kia thế giới, không chịu nằm yên, thân thiện mồ mả với mả mồ. Mả lạng này muốn tru diệt mộ chí kia. Quan tài rã mục kia muốn bôi xấu hài cốt đen thành than này. Đêm khuya khoắt hồn ma Hai-Họ rượt chém đâm đánh nhau kịch liệt. Âm binh hò reo kinh động. Gò cây Bứa sáng lòa đom đóm. Những cục lửa phốt pho vọt từng không, sáng xé trời, rồi đâm sầm chết lịm trong đêm ma. Sáng ra thấy máu đen đặc phủ trên mả mồ. Dân làng sợ chết khiếp, phải van lạy, nhờ Hương Trừu diệt quỷ trừ ma, lập lại sự thống nhất giữa hai Đàng: Trong-Ngoài.

Trong những giấc mơ bồng bềnh quái kiệt, chuyện trăm năm hãy còn sáng ửng trong hồn linh tôi lợn cợn bánh canh. Tôi nhận ra Hương Trừu mặc áo đỏ, thắt lưng đai vàng, đội nón cái nón chũm, chân đi dép mo cau, chẻ ra từng sợi kết đan trên hai bàn chân, tay cầm cây đao múa may, miệng đọc phù chú, lệnh cho bọn ma trơi oan khuất phải biết yêu thương cái đám cỏ khâu xanh rì trên xác cốt. Mặt Hương Trừu đỏ gay vì phải uống nửa lít rượu lấy cái lâng lâng trước khi ra phép trừ tà, bắt quỷ.

Nhưng lạ một điều. Càng bắt được quỷ, diệt được ma, để thống nhất xóm làng thì chính người dân làng lại xa lánh Hương Trừu, xem ông ta là ma là quỷ. Coi là gã Điên. Cũng có bọn người sùng kính gọi Hương Trừu là Thánh. Đã thế thì cho hắn Thánh luôn, chẳng nên làm người. Nhưng cái loại Nhởn-Nhơ-Sử-Lịch mà nhân thế chưa nhận chân là Ma, Thánh, Quỷ, Thần, ắt là gì? Là một cái Dấu Hỏi của Hôm Nay gởi về Tương Lai giải mã.

Cái thời hỗn mang, lúc bình minh của quê nhà tôi, quả là nở sinh bao huyền thoại. Nó thiêu rụi trong tôi bao nỗi niềm. Lịch sử một xóm làng cũng là lịch sử một xứ sở, một giống nòi. Những phân tử chẳng thể hủy lìa trong toàn bộ. Tôi hình thành từ một phôi điên? Ba Nô? Bao la thánh nhân anh hùng, trùng trùng văn nhân thi sĩ đi ra từ một tinh trùng điên?

Ôi, Ba Nô thân yêu của tôi đã cháy.

Một phần nghìn giây sau tiếng nổ, Ba Nô bay lên trời. Ba Nô thành những mảnh. Máu thịt tung tóe một vùng rộng, trong sân vận động, trước một cổng trường mà hôm qua bọn học trò đã học bài sử ký.

Hình như huyên náo. Như mọi người chạy vội về phía bến bờ máu.

*

Hôm nay ngày Chủ nhật. Chợ Diêm buổi sáng khá đông đúc. Các nhà hàng quán ăn đầy chật thực khách. Bọn lính hành quân về. Bọn lính các đồn trại lân cận tới. Công chức, sĩ quan thường vào các quán sang trọng. Xe cộ đậu dài dọc lề đường.

Hôm nay Quận trưởng, người bắt buộc Ba Nô phải bận xì líp, đi ăn sáng cùng vợ con. Xe jeep của quận trưởng đậu bên kia đường, trước quán. Người hạ sĩ tài xế ngồi lại trong xe. Quận trưởng bảo hạ sĩ:

– Em vào ăn điểm tâm luôn.

Hạ sĩ thưa:

– Dạ sáng chủ nhật nguy hiểm lắm. Cho em ngồi canh chừng xe Thiếu tá.

– Không sao đâu. Vào đi.

*

Ba Nô được lệnh vác một khối thuốc nổ TNT đút dưới lườn xe thiếu tá quận trưởng.

Ba Nô không nằm trong một tổ chức nào. Nhưng tổ chức chủ tâm dùng Ba Nô, một người mà ai cũng cho là thằng điên thì chắc ăn. Đương nhiên tổ chức theo dõi, nghiên cứu kỹ lưỡng khá năng Ba Nô có thể hoàn toàn thi hành được nhiệm vụ.

Khối nổ có đồng hồ cài giờ. Ba Nô canh chừng lúc quận trưởng cùng vợ con trở lại xe, tùy nghi định giờ nổ.

Ba Nô choàng ngoài một cái poncho màu ô liu, loại áo mưa nhà binh. Thường ngày Ba Nô ở truồng, có khi đội cả xì líp lên đầu, hôm nay trời nắng đẹp mà Ba Nô mang áo mưa cũng là chuyện bình thường, trước con mắt mọi người.

Che được khối thuốc nổ kín đáo trong người Ba Nô đi qua chợ. Anh mỉm cười chào mọi người. Anh trở về cái quán quen thuộc có tôi đang ngồi đợi. Ba Nô ngồi xuống. Nói:

– Đại úy, hôm nay Ta giã từ ngươi.

Trùng hợp, hôm nay là ngày cuối tôi sẽ rời chợ Diêm, nên nghĩ Ba Nô lịch sự biết chào tạm biệt. Tôi bảo:

– Ba Nô uống gì gọi.

Ba Nô nắm chặt bàn tay tôi. Nói:

– Ta không uống. Chào. Ta đi đây. À… mà mọi người cũng đi.

Tôi nắm bàn tay Ba Nô. Hôm nay anh có khác. Nghĩ vậy. Đôi mắt Ba Nô thoáng buồn. Một cái buồn của lửa.

– Mai tôi về nam. Ba Nô mạnh khỏe.

Ba Nô không chúc lại mà nói:

– Đại úy quân lực, nhà ngươi là một thằng thân ái. Một đứa nhân văn. Này, hãy cố gắng Đứng Ngoài.

Ba Nô bước ra.

*

Ba Nô đi dọc con đường tới chỗ chiếc xe jeep của quận trưởng. Đứng quan sát. Sau cái vô-lăng này là hạ sĩ tài xế ngồi. Bên cạnh là thiếu tá ngồi. Băng sau là vợ và con. Ngồi chen bên trái là anh trung sĩ truyền tin, chuyên liên lạc máy về trực ở trung tâm hành quân. Toàn là những con người. Toàn là máu còn tươi vui.

Cái máy truyền tin nối với một cây ăng-ten cong vòng ra phía trước mui xe. Trên lườn xe jeep, chỗ đặt chân là một lớp bao cát, mục đích là chặn ảnh hưởng khi xe vướng phải mìn trên đường chạy. Nơi ghế ngồi phía sau, có một con búp bê, một cái khăn choàng mùa lạnh của phụ nữ, một chai rượu tây.

“Đút khối chất nổ TNT cực mạnh vào xe của quận trưởng. Cũng gọn thôi”.

Ba Nô thò tay vào áo mưa sờ khối thuốc nổ. Nhưng kìm lại. Giữ nó bên người, bước đi khỏi chiếc xe. Anh nhìn vào quán. Chừng như quận trưởng đã ăn xong, chờ vợ con. Ông ta ngậm một cái ống vố thư thả nhả khói. Đứa trẻ rất xinh ngồi bên mẹ. Hình như bà mẹ đút hộ cho đứa bé ăn nhanh hơn. Bà rất đẹp. Một trời xanh mở rộng.

Nắng rất tươi. Hôm nay Chủ nhật. Bọn học trò nghỉ học. Sân vận động là một khoảng rộng, trống. Sức nổ ít tai hại cho ai. Sân vận động quận lỵ đầy cỏ xanh. Ba Nô đi ra giữa bãi cỏ. Ngồi xuống. An tâm vì chung quanh quạnh vắng.

Xưa kia Thượng tọa Thích Quảng Đức ngồi tọa thiền giữa phố thị Sài Gòn, mình vận áo nâu sòng, tay chắp trước ngực niệm kinh, trước phút tự thiêu chống độc tài. Thân thể của Ngài cháy rụi. Chỉ quả tim còn nguyên tươi. Hôm nay Ba Nô ngồi xuống cũng như tọa thiền, khoác ngoài cái áo poncho Mỹ, để che kín bên trong một khối nổ “mác” China.

Ba Nô nổ.

Comments are closed.