Đừng kể tên tôi (kỳ 3)

Truyện ký của Phan Thúy Hà

15.

Chiến dịch Kon Tum 1972.

Đêm 12 tháng 1. Tiểu đoàn 9 vây cao điểm 1015.

Trên cao điểm địch đóng một đại đội do Phan Mạnh Hùng làm chỉ huy.

Sau khi bị bắt tên Hùng khai là dân gốc Bắc. Năm một chín năm tư hắn bảy tuổi, theo anh em vào Nam rồi gia nhập quân lực Việt Nam Cộng hòa. Mẹ hắn vẫn bán quán nước ở phố Hàng Bạc, Hà Nội. Hắn không muốn mẹ biết tin về mình.

Địch đóng ở cao điểm này đã lâu. Hàng rào có hai lớp. Hầm hố chắc chắn. Tiểu đoàn tôi chia ba mũi. Nổ súng một ngày vẫn chưa chiếm được lô cốt nào. Chúng tôi vây được địch nhưng chỉ cầm cự ở ngoài đồn. Địch ở trong thả sức nổ súng. Lợi dụng tiếng súng thưa lại nhích thêm vài ba mét. Cầm cự suốt đêm đó.

Thông tin hữu tuyến đứt dây, vô tuyến không có tín hiệu, sáng hôm sau tôi phải chạy đi đưa công văn đến phía đông đồn địch. Tiểu đoàn trưởng là ông Phạm Văn Thành nói với tôi: “Đồng chí về phía đại đội 10 nói là lệnh của tiểu đoàn dùng D.K bắn bảy quả để mở cửa và phải khẩn trương để cho anh em phát triển chiếm trận địa càng sớm càng tốt”.

Đại đội 10 do anh Hòa chỉ huy. Sáng ngày 10 đại đội 10 đánh đại đội biệt kích ở cao điểm 982 và đã làm chủ được trận địa.

Từ chỉ huy đoàn đến hướng đại đội 10 khoảng hai cây số đường chim bay nhưng phải đi mất bốn cây số mới tới. Tôi đi cùng anh Thắm.

Chúng tôi phải lần qua tổ tiền tiêu của địch nằm trên trục đường đi lại ở giữa rừng rậm khe suối. Máy bay nhả bom bi và rocket liên tục. Trên người tôi chỉ có một khẩu AK, hai quả lựu đạn.

Tôi bảo anh Thắm: tai thật thính, mắt thật tinh, đi không được tạo ra tiếng động, bám sát tôi, nếu gặp địch phải nổ súng ngay và nghe theo lệnh của tôi.

Ba tiếng đồng hồ chúng tôi mới gặp được anh Hòa. Anh nói: “Đồng chí về báo tiểu đoàn chi viện thêm quân, đại đội 10 đã thương vong một nửa”.

Tôi và anh Thắm quay ra, bám theo hai người lính vận tải đang cáng thương binh.

Một tiểu đội địch từ đường 14 đi lên. Chúng vừa đi tuần vừa đi chi viện cho cao điểm.

Hai người vận tải đặt cáng thương binh bên cạnh gốc cây, cho anh thương binh nằm nghỉ tại đấy, quay lại cùng nổ súng với tôi và anh Thắm.

Họ chỉ có một khẩu súng. Về nguyên tắc người nào cũng phải mang súng. Tôi bảo, bốn người ba khẩu súng cũng chơi, ta sẽ diệt địch lấy súng.

Chúng tôi bám theo địch. Hai bên cầm cự hơn tiếng đồng hồ. Tôi vừa nổ súng vừa hô xung phong. Bốn tên địch gục tại chỗ, những tên còn lại bỏ chạy. Trận đánh gọn gàng, đơn giản. Tôi sau đó được bằng khen.

Ngày 16 tháng 1.

Tôi cùng ông Thành và một tiểu đội trinh sát đi kiểm tra trận địa. Bố trí xong bộ phận chốt giữ, khoảng tám giờ sáng pháo của địch bắn tới tấp vào trận địa. Địch điều một tiểu đoàn bộ binh đến hòng lấy lại cao điểm ngày hôm qua bị thất bại. Đạn cay, đạn hóa học bắn liên tục. Chúng tôi bị chảy nước mắt, nước mũi, hoa mắt, đầu óc ngây ngất.

Ba cái bi đông không còn giọt nước nào. Khăn mặt ông Thành tìm không thấy. Tôi đái vào chiếc khăn của mình, xé đôi, chia cho ông một nửa úp vào mặt để giảm bớt nồng độ chất độc.

Về đến sở chỉ huy thì cũng là lúc bộ binh địch tràn đến bao vây trận địa khi chúng tôi vừa đi khỏi. Trong trận địa lúc đó chỉ có hai mươi người và một vô tuyến. Máy bay bỏ bom bi, bom phát quang, napalm. Anh em báo về con số bị thương năm, chết năm còn lại mười.

Ba giờ chiều địch ngừng bom pháo, bộ binh tiến lên chiếm. Mười người còn lại bắn trả xối xả. Địch không chiếm được mét trận địa nào.

Tiểu đoàn 9 bám trụ tại đây một tuần với mười hai trận đánh. Một trăm quân được bổ sung quá ít so với con số thiệt mạng.

Tin từ sư đoàn: Ta đã làm chủ được vòng ngoài của địch, bảo vệ được trục đường 14, canh giữ được trên hai mươi cây số và tiếp tục phát triển.

Chúng tôi rút quân và tiến về phía bắc thị xã Kon Tum.

Ngày 23 tháng 1.

Cao điểm 601 đường 14. Vùng này toàn cây le và cây tre lắm gai đi rất vướng. Chặt cây thì phát tiếng động đành dẫm lên gai mà đi.

Cách đồn địch chừng trăm mét chúng tôi bị lộ. Bị lộ nhưng hai mũi bộ binh đến mười giờ đêm cũng đã tiếp cận đến hàng rào thứ nhất. Điểm này địch có năm lớp hàng rào. Chúng tôi dùng loa kêu gọi. “Địch vận” vì chiến dịch mở ra nửa tháng, quân hao tổn nhiều, số quân bổ sung chẳng thấm vào đâu.

Tiếng loa vừa cất lên thì hỏa lực của địch bắn ra như mưa.

Ngày 28 tháng 1.

Tiếp tục đánh căn cứ xưởng cưa. Xưởng cưa là một căn cứ nằm trên quả đồi phía tây đường 14.

Qua một đêm lần mò chúng tôi mới tới nơi để đặt sở chỉ huy tiểu đoàn.

Sáu giờ sáng, đại đội 10 cũng vượt suối tới trận địa. Địch phát hiện ra, tập trung hỏa lực, súng to, súng nhỏ bắn liên hồi. Đại đội 10 phải nằm lại phần nhiều ở bờ suối.

Đại đội 11 bị lạc. Tôi được lệnh phải đi tìm.

Một mình tôi đi giữa rừng cây le, bom vẫn dội, đứng trên cao điểm nhìn xuống thấy như một biển nước màu vàng. Tôi vừa chạy vừa xác định phương hướng.

Dẫn đại đội 11 về vị trí xong tôi lại lần mò về nơi chỉ huy của tiểu đoàn. Lúc này có lẽ đã một, hai giờ sáng. Pháo sáng liên tục. Máy bay thả đèn dù. Bom pháo làm tre đổ ngổn ngang. Tôi vấp ngã, tre cắt ngang cổ chân tôi, máu chảy nhiều. Trên tay tôi còn phải cầm bộ phận quy lát của AK để chạy. Khi ngã thân người tôi đổ dồn về phía trước nên bị quy lát đâm thủng lòng bàn tay phải. Tôi ngồi dậy. Xé thân áo băng cả chân và tay.

Gần sáng tôi về được đến nơi. Mọi người lo lắng nhìn bàn tay bàn chân tôi máu lem nhem. Tôi rất đau nhưng tỏ ra như không có chuyện gì.

“Đời lính là vậy”. Tôi buột miệng.

Tôi ngỡ ngàng, mình đã thốt ra những từ đó. Những từ cửa miệng quen thuộc ai cũng nói. Vậy mà với tôi khi lần đầu tiên nói ra, thấy ngạc nhiên và xốn xang. Phải chăng tôi tôi đã gan lỳ, tôi đã lớn lao hơn.

Địch bắn không ngừng nghỉ nhưng anh em đại đội 10 vẫn đào được hầm chiến đấu. Mọi người nằm đào. Chỉ có anh Hòa đào được tới đầu gối còn nữa đào được khoảng hai mươi phân và dồn đất lên đầu để làm bệ bắn.

Đến một giờ chiều địch mở cuộc tấn công ra chỗ đại đội 10.

Ba giờ chiều đại đội 10 bị xóa sổ.

Anh Hòa đại đội trưởng chết gục ngay tại hầm đang đào. Nửa người trên nằm sấp trên miệng hầm, nửa còn lại bị địch rút chốt an toàn quả lựu đạn đeo ở thắt lưng nên phần mông và ngang thắt lưng bị lựu đạn nổ tung bay mất. Tôi sờ vào ngực anh vẫn còn nóng. Người tôi như bốc lửa. Tôi chỉ huy anh em như một cán bộ tiểu đoàn.

Tôi bố trí cho đại đội 11 thay cho đại đội 10. Bảo anh em vận tải gom xác liệt sĩ vào một nơi. Xong phần việc của mình, tôi đi tiếp về hướng tiểu đoàn bộ. Vừa rời khỏi trận địa nghe tiếng rên rỉ trong bụi rậm. Xác định là người của ta rồi. Tôi bò vào. Là anh Dư lính 2W cùng ngày nhập ngũ với tôi và một đồng chí bộ binh. Hai anh bị thương lúc chiều và trốn vào bụi cây. Tôi dìu hai anh về tiểu đoàn.

Anh em vận tải đưa liệt sĩ của đại đội 10 về để ngay trong hầm chỉ huy tiểu đoàn. Nửa đêm tôi đi ra xem có khuôn mặt nào quen không. Tôi thèm thuốc. Tôi sờ vào ngực áo và túi quần các liệt sĩ. Trong túi áo một liệt sĩ có cái ví. Trong ví có ảnh cô bạn gái và một nhúm thuốc lá. Tôi trả bức ảnh lại vị trí cũ, moi hết ra các sợi thuốc. Tôi thầm thì với anh: Anh ơi anh chết rồi không hút thuốc được nữa. Tôi thèm quá cho tôi xin anh nhé. Tôi ngồi ngay đó quấn điếu thuốc hút một hơi dài.

Đại đội 12 hỏa lực biết đại đội 10 bị xóa sổ, các xạ thủ 12 ly 7, cối 82, Đ.K.Z đồng loạt nổ súng. Địch trong đồn chống đỡ không quá được một tiếng đồng hồ nháo nhác tháo chạy. Đại đội 11 xông lên.

Địch đang giữ một đoàn người dân. Lợi dụng lúc này địch trà trộn với người dân chạy vào hướng thị xã Kon Tum. Tiểu đoàn xung phong cả ba mặt đường. Quân ta quân địch kéo dài hàng cây số. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho tôi đuổi theo đại đội 11 báo họ chặn đoàn người lại. Phát triển được hai cây số lại gặp ngay đồn địch nằm cạnh đường. Địch trong đồn bắn ra chặn đường. Sợ bắn nhầm vào người dân tiểu đoàn lệnh anh em rẽ phải hội ý chớp nhoáng. Hai đại đội tiếp cận, bao vây đồn địch. Sư đoàn 320 chia nhiều hướng đánh vào thị xã Kon Tum. Tiểu đoàn 9 chúng tôi phải bám trụ và tiến công hướng bắc. Đánh vào đến đồi tròn thì kiệt sức.

Số quân tiểu đoàn giờ chỉ bằng một đại đội. Sư đoàn không còn người bổ sung. Chuyển sang đánh chiến thuật vây lấn. Căn cứ này toàn lính Park Chung Hee. Chúng tôi vây chặt vòng ngoài. Địch không vào được không ra được. Hai tháng cầm cự bắn tỉa. Đến tháng thứ ba trung đoàn 66 vào thay. Qua một đêm trung đoàn 66 làm chủ được trận địa. Tiểu đoàn 9 hành quân khẩn cấp về Gia Lai.

Hành quân được mấy ngày gặp trận mưa rào mát mẻ. Bốn tháng rồi chưa một ngày được nghỉ, được ngủ. Ai cũng thèm ngủ. Chân bước mà mắt ríu lại. Nhiều anh em vừa đi vừa ngủ. Đường trơn trượt. Ngã đoành đoạch hết người nọ tới người kia.

Đi qua một bệnh viện của sư đoàn tôi gặp anh Thọ. Bom cắt mất bàn tay trái, anh phải nằm viện dài ngày. Được gặp người làng mình trong hoàn cảnh này ngậm ngùi chảy nước mắt. Tôi nắm chặt bàn tay còn lại của anh: Nếu được ra Bắc anh nhắn với mẹ và em gái em là em vẫn khỏe, đang chiến đấu và chưa biết khi nào về.

16.

Sau chiến dịch Kon Tum tôi được đi học trường Quân chính B3. Cả tiểu đoàn chỉ có bốn người được lựa chọn đi học. Bốn người “có tác phong nhanh, nhận thức nhanh và tháo vát”.

Từ đơn vị chúng tôi hỏi thăm đường về trường. Mùa mưa hai bên đường có nhiều thứ để ăn. Măng tươi non rất nhiều. Đi ba ngày thì chúng tôi tìm được đến trường.

Trường Quân chính 3 đóng trên đất Campuchia. Nhiều người gọi là trường sĩ quan cầu lầy vì ở nơi này rừng toàn lầy lội. Từ trường đến các đơn vị bạn phải đi cầu khỉ. Nước phèn đỏ quạch. Không rửa, không lội được.

Học viên đợt chúng tôi đến cả tháng phải ăn sắn trừ bữa. Thế nên còn có tên gọi là sĩ quan lá sắn.

Tôi vào lớp C3, tức là lớp đào tạo trung đội trưởng. Trong lớp tôi trẻ tuổi nhất, và cũng nhỏ bé nhất.

Bảy ngày đến đây cả bảy ngày tôi phải đi gùi đạn, gùi sắn, chưa được ăn bữa cơm nào, chỗ ở cũng là chui xuống hầm, quần áo vẫn rách nát. Thiếu thốn không khác gì ngoài tiền tuyến.

– Em về đơn vị đây. – Tôi nói với một người anh cùng quê là giáo viên của trường.

– Sao vậy?

– Em tưởng đi học sung sướng chứ khổ thế này thà ở ngoài chiến trường đánh còn có ích hơn.

Anh hẹn tối mang võng sang chỗ anh rồi trò chuyện tâm sự.

Tối, tôi sang bên chỗ anh.

– Em đừng nghĩ về tuyến trước nhanh tiến hơn hay ở đây đi học là khổ.

– Em chẳng nghĩ gì nhanh tiến chậm tiến. Em chỉ mong hết chiến dịch để về. Đi lâu quá rồi.

– Anh đây này, đi từ năm sáu hai, hơn mười năm rồi chưa về nhà.

Vào đây đánh nhau vài năm, người ta tổ chức trường này thì anh là thế hệ học viên đầu tiên. Học xong anh ở lại làm cán bộ khung.

Nói cho em biết điều này, ở đây có cái hay là tránh được bom đạn.

Công việc là đi làm nương làm rẫy, tăng gia sản xuất, vài ngày lại đi học quân sự, học chính trị, tiếp thu thêm các đường lối chính trị, các vấn đề lịch sử.

Em nghe anh, cứ ở lại trường được ngày nào hay ngày đó. Tránh được bom đạn ngày nào hay ngày đó. Bao nhiêu người đang tìm cách để lùi dần ra tuyến sau mà không được. Mình được đi học lại muốn về cầm súng.

Em ạ, chiến tranh ác liệt nhưng ta có cách ta vẫn giữ được mình.

Nghe anh phân tích đầu óc tôi sáng tỏ ra đôi chút. Có đôi câu muốn nói lại nhưng nghĩ mình bậc em tốt nhất lẳng lặng mà nghe. Ví dụ như tôi muốn hỏi anh: Thế những người đang giữ chốt trong kia là sao anh? Bọn em nói với câu chốt là chét, lên chốt là lên chỗ chết. Em đã bao nhiêu phen tưởng chết ở trong chốt rồi.

– Giờ em thiếu gì để anh giúp? – Anh cắt ngang suy nghĩ tôi.

– Em giờ cái gì cũng thiếu. Bút giấy cũng không có. Bụng khi nào cũng đói.

Một tháng sau anh chuyển lên trên dạy. Chúng tôi không còn gặp nhau. Sau này về quê tôi biết anh đã nghỉ hưu, cấp bậc cao.

17.

Trận đánh thứ bốn mươi ba.

Tiểu đoàn đã nổ súng từ năm giờ sáng, mũi chúng tôi chịu trách nhiệm mở cửa. Tôi hô tất cả ra khỏi hầm, chạy thẳng vào đồn địch.

Ra trường tôi về làm trung đội trưởng trung đội mũi nhọn phải ra chốt tuyến đầu.

Tôi vừa đánh vừa quan sát anh em.

Anh Huỳnh và Quý đang giữ khẩu súng M79 là hỏa lực của trung đội. Sao giờ này hai người vẫn đang loay hoay trong hầm. Tôi chạy vào hầm.

– Báo cáo, đồng chí Quý bị thương.

– Bị ở đâu?

– Bị ở đầu.

Nhìn lướt qua khuôn mặt Quý chỉ thấy có một vết máu khô giống như con ruồi đậu trên trán. Thanh niên khỏe mạnh bị thế nhằm nhò gì. Tôi cầm cổ áo Quý lôi ngay lên khỏi hầm.

– Tính trốn hả. Anh em chết hàng loạt trên rồi kìa.

Quý vẫn chần chừ.

Tôi táng một bạt tai. Đạp tiếp vào đít.

– Xung phong mau để yểm trợ anh em.

Quý buộc phải lao ra.

Chiếm được chốt chúng tôi về hầm nghỉ. Lúc này tôi mới biết đúng là Quý bị một mảnh đạn M79 nổ trước cửa hầm găm vào trán. Mảnh đạn găm lại máu không chảy ra được nên tôi đã phớt lờ.

Quý được cho ra tuyến sau. Lên viện tiểu đoàn rồi viện sư đoàn. Mảnh đạn xuyên qua xương xốp vào xương cứng. Nghe nói phải đục sâu một phân vẫn chưa lấy ra được.

Tôi day dứt, ân hận.

Đơn vị tiếp tục phát triển về phía trước, lao vào các chiến dịch lớn, tôi không còn biết tin gì về Quý.

Thông tin về Quý tôi nắm được khi đó là ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, nhập ngũ năm 1972.

Sau năm 1976 trở về quê tôi luôn nghĩ đến việc đi tìm người đồng đội cũ xem vết thương sau đó thế nào, cuộc sống hiện tại ra sao. Và nói với người ta lời xin lỗi.

Khoảng cách chừng hai trăm cây số vậy mà cũng khó khăn. Cứ lần lữa năm này qua năm khác rồi hàng chục năm vẫn chưa làm được. Hàng chục năm trong lòng tôi nặng nề chuyện cũ.

Qua người nọ người kia tôi liên lạc được với hai cậu cùng đại đội ở Cẩm Xuyên. Bằng tuổi nhau nhưng vì tôi là đại đội trưởng nên tới giờ họ vẫn gọi tôi là anh. Tôi nhờ họ sang bên Kỳ Anh tìm thông tin về Quý.

Cẩm Xuyên sang Kỳ Anh tưởng gần vậy mà cũng hết năm này tới năm kia tôi gọi đến cả hai đều trả lời vẫn chưa tìm được. Chuyện tôi nhờ cả hai đều ghi nhớ. Ghi nhớ vậy thôi chứ chưa ai một lần bỏ buổi ra đồng để làm việc đó cho tôi.

Người bạn ở Cẩm Mỹ thả trâu ở ngoài rừng bị lạc mất trâu. Con trâu đi lạc sang bên đất Kỳ Anh. Bạn sang đất Kỳ Anh dắt trâu về tiện thể thực hiện trách nhiệm thủ trưởng cũ giao.

Ông Quý vẫn còn sống, ở trên Kỳ Thượng.

Vậy là yên tâm đi thăm rồi. Tôi sốt ruột gọi cho hai người ở Cẩm Xuyên sắp xếp thời gian rồi cùng đi. Từ khi tôi giục giã cho tới khi đi được thời gian cũng phải tới hai năm. Lần nào cũng có lý do để trì hoãn.

Không chần chừ được nữa tôi quyết định lên đường.

Tôi đến đầu ngõ gặp một đứa đang gồng gánh ra đồng gặt lúa, một đứa ở cách đó chục cây số đang đi làm cá. Lệnh phải đi. Lúa không gặt hôm nay thì để mai. Cậu ta phải nhờ người đi gặt giúp bởi nếu không làm kịp sợ trâu bò phá.

Ba thằng lên xe máy vào Kỳ Anh.

Đến ngã ba đường 12 dừng lại hỏi thăm đường về Kỳ Thượng. Cô gái đi đường bảo các bác cứ theo em. Cô giới thiệu mình là cô giáo nên tôi hỏi có biết ông Quý là thương binh không cô lắc đầu. Đến xã Kỳ Thượng cô chào chúng tôi đi về hướng khác.

Kỳ Thượng 1 hay Kỳ Thượng 2. Kỳ Thượng nào cũng có người tên Quý. Người ta trả lời rồi đi tiếp.

Ba anh em đứng bên đường chờ. Một thanh niên chở ông già ngồi sau cầm nạng đoán chắc là thương binh. Giờ hỏi thăm là trúng rồi.

Ông già chỉ cho chúng tôi đi về Kỳ Thượng 1 có ông Quý thương binh loại 2 bị chấn thương sọ não. Ngôi nhà họ ở tít trong khu rừng giáp với Quảng Bình.

Chúng tôi tìm được đến nơi. Người con trai bảo các bác chờ rồi đi chở cha về.

Ngôi nhà cũ tạm bợ. Chúng tôi tìm xem có bức ảnh của thằng Quý hồi trẻ treo trên tường không nhưng không có. Nằm trên giường là người vợ của Quý nghe nói bà bị bệnh đã nhiều năm.

Ông Quý không nhận ra ba chúng tôi là ai.

Không nhận ra là ai nhưng bạn chiến đấu gặp nhau thì cứ phải nhậu đã. Con trai ông mang về một rổ trứng vịt lộn và một thùng bia.

Trải chiếu ra ngồi uống bia ôn chuyện chiến trường. Kể đến trận đánh thứ tư thứ năm gì đó ông Quý mới nhớ ra được tôi là ai. Đang ông ông tôi tôi Quý đột ngột đổi xưng hô em và anh, em và thủ trưởng.

Quý nói, em thì lại ân hận vì anh em chết bị thương gần nửa rồi mà mình vẫn ôm cây M79 yểm trợ ở trong hầm.

Lần đầu tiên sau hơn bốn mươi năm anh em mới được ngồi với nhau chuyện không sao dứt được. Tới ba giờ sáng rủ nhau ra khe tắm. Cách nhà Quý nửa cây số có một con suối chảy từ trong Quảng Bình ra. Thằng dọi đèn pin thằng cầm đèn hoa kỳ ra suối cởi hết áo quần đằm mình giữa khe tưởng mình vẫn là thằng lính năm nào được dịp ra suối lấy nước tranh thủ nhúng ướt áo quần rũ sạch bùn đỏ cả tháng lăn lê hầm hào ở Kon Tum. Chúng tôi hét, chúng tôi cười, chúng tôi bảo mình là những thằng điên. Hai bờ khe là bãi đá hệt như bãi đá ngày xưa tôi ngồi kỳ cọ bộ quần áo của đồng đội đã hy sinh. Cười cười mà vẫn không ngăn được hàng nước mắt.

18.

Mùa mưa không đánh lớn. Tập trung bám chốt cho vững và kết hợp đánh nhỏ lẻ.

Bảy giờ tối ngày 6 tháng 6 năm 1974 tôi được gọi lên ban chỉ huy đại đội nhận nhiệm vụ sáng ngày mai trung đội phải có mặt tại đoạn đường 5B phục kích đánh địch đi chi viện.

Lúc này là chín giờ đêm, từ ban chỉ huy về trung đội tôi chốt hơn một cây số. Đường rừng rậm, không đèn không đuốc, trời tối thui. Về đến nơi, anh em người đang gác người đang thức. Tôi gọi tất cả dậy chuẩn bị chiến đấu. Mười một giờ đêm xuất kích.

Ngoài tôi ra không ai biết hướng đi. Tôi cũng mới chỉ biết qua sơ đồ, ghi nhanh trong trí nhớ. Chưa ai đặt chân đến vùng đất này. Mưa nắng thất thường tình hình địch thay đổi nên địa điểm chúng tôi cũng di chuyển liên tục. Tôi đi trước, theo sau mười tám anh em. Vượt qua hai ngọn đồi, hai khe suối. Đến đúng địa điểm là ba giờ sáng. Anh em đào hầm, lắp đế cối. Tôi cùng ba tiểu đội trưởng quan sát địa hình, lên phương án đánh địch cho từng tiểu đội và từng người. Nhắc anh em không được ngủ. Phải đặt tai, mắt vào các hướng. Lúc này chắc đã hơn năm giờ sáng. Kiểm tra tiểu đội hỏa lực xong tôi ôm súng dựa vào gốc cây to ngủ thiếp đi.

Đôi tai lính nhắc tôi tỉnh dậy rất nhanh sau đó. Trời đã sáng. Vừa mở mắt đã thấy choáng. Trận địa quá trống. Anh em ẩn nấp sau lùm cây mua cây dại che được phần đầu thì nhoài ra ngoài phần chân. Đồn địch cách nơi chúng tôi chưa tới nửa cây số. Chỉ cần ngồi xổm là địch phát hiện ra và đội hình bị xơi gọn ngay tức thì. Tôi mất bình tĩnh nhưng không để lộ ra ngoài cho anh em biết.

Chín giờ trưa anh nuôi cũng đem cơm đến được tới nơi. Tôi nhận cơm từ anh nuôi. Trên người một khẩu AK, ba băng đạn 120 viên, bốn quả lựu đạn, dao găm, bình nước và toàn bộ số cơm của anh em. Tôi trườn đi mang cơm cho từng người. Phát hiện ra tiếng xe ô tô. Tôi trườn lại chỗ anh Hường tiểu đội trưởng đang ngáy ầm ĩ. Chờ địch lâu quá anh đã ngủ say, tôi phải lay mãi anh mới tỉnh.

Chiếc xe CMC dừng lại, toàn bộ lính trên xe nhảy xuống, đi thẳng tới trước mặt đội hình chúng tôi đã bố trí. Đúng như kế hoạch. Tiếng súng tôi phát hỏa. Tôi hô xung phong và kêu gọi địch đầu hàng.

Trận đánh xong rồi mà anh em ai cũng như mất thăng bằng. Giải tù binh và rời khỏi trận địa ngay. Đi khuất vào rừng một lúc mới trói tù binh và nghỉ. Nhận nhiệm vụ bất ngờ từ đêm qua, cơm trưa anh nuôi mang đến chưa kịp ăn. Anh em không ai bị thương, đạn tốn ít, bắt được địch làm tù binh. Tôi được ca ngợi là người chỉ huy trung đội giỏi của năm.

Ba ngày hôm sau tôi giẫm phải quả mìn địch cài sẵn lúc trước. Cỏ tranh cây cối đã mọc che nên không phát hiện ra. Đây là lần thứ ba bị thương nặng. Phải vào viện nằm ba tháng. Ra viện, bước đi chưa vững đã phải nhận nhiệm vụ lên chốt. Chân tập tễnh leo núi đá dốc khó chịu vô cùng.

Cao điểm ngày nắng ấm đêm thì rét buốt. Quần áo mỗi người được một bộ dài tay rách tả tơi. Không chăn không màn.

Ngồi trên chốt căng thẳng, bứt rứt. Ăn không được ngủ không yên. Thần kinh căng như dây đàn. Cơm anh nuôi đưa cơm lên mỗi người chỉ ăn được một bát. Dưới chân đồi địch bộ binh. Trên đầu pháo mười lăm phút lại nã. Bom bỏ không theo quy luật nào.

Cơm thừa, tôi bảo anh em mang đi phơi để dành ăn vào lần sau. Phơi trong bóng râm chứ không dám phơi lộ liễu ngoài trời nắng. Đêm đến một đàn chuột tới ăn phần cơm. Tôi làm bẫy bắt được chục con chuột to. Hỏi anh em có ăn thịt chuột không. Đã từng nghe thịt chuột ăn được nên ai cũng muốn thử.

Những con chuột được thui lên, làm thịt, chặt miếng rán mỡ. Mỡ tôi xin được từ anh nuôi đại đội. Anh em hào hứng ngồi chờ thưởng thức.

Sáng sớm mai tôi đi ra kiểm tra vọng gác. Gió thổi vào vọng gác thứ hai. Bình và Trị đang đứng chốt nói: Bọn em thấy thối mùi thịt người. Tôi dừng lại. Đúng là mùi thối rất quen.

Tôi lần theo lối cỏ tranh ngã rạp, cách hào mười mét nhìn thấy rất nhiều phân chuột. Và cạnh đấy là năm xác chết trơ ra đầu lâu và hình thù những ngón tay ngón chân. Dấu chuột moi còn rất mới.

Hôm bàn giao chốt đơn vị bạn có nói cách đây hai tuần họ nổ súng diệt một tiểu đội địch đi tuần tra. Xác địch phơi đấy, đơn vị sợ thối chỉ lấp sơ sài. Những con chuột đã sục tìm.

Lính mới gặp cảnh vậy thấy ghê. Vài người nôn ọe. Ở rừng, đánh chục trận trở lên thì quen hết.

19.

Đơn vị chuyển đến một khu vực bí mật, gần đường 14. Đang đào hầm trú ẩn thì nghe cán bộ nói hôm nay là ngày ba mươi tết. Cán bộ biết vì họ được mặt trận bổ sung cho cuốn lịch tay. Lính thì không biết gì ngày tháng. Khu vực này không có dân, không giao liên, chỉ có địch và bom đạn.

Đào xong hầm trú ẩn anh em đào thêm hầm nửa chìm nửa nổi làm hội trường đón tết.

Chiếc bàn là những cây gỗ nhỏ ghép lại. Một cành cây to nhiều cành để gắn hoa. Ảnh thờ Bác Hồ là trang đầu cuốn lịch. Que củi khô đốt lên làm hương. Nước lã làm rượu. Một đĩa muối đặt bên cạnh là tượng trưng thức ăn.

Tiết mục hái hoa dân chủ.

Tôi mở mảnh giấy ra. Đồng chí Ngọc và đồng chí Điển phải cười đủ 36 điệu cười đàn ông.

Hai người bắt tay nhau và cười.

Ha ha hi hi hô hô hê hê hơ hơ… Mới được sáu điệu mà anh em đã cười nghiêng ngả. Phấn khích, chúng tôi cười không dừng được. Chủ tọa không đếm được bao nhiêu là điệu nữa.

Bỗng khuôn mặt chủ tọa nghiêm lại. Không được cười nữa. Ha ha ha hô hô hô hahahahahahahahhaha… Tôi không thể nào nào nín được nữa hôhôhôhôhooo…. Ai đó bịt mồm tôi lại. Đuốc tắt. Báo động máy bay địch.

Mười phút trôi qua… Tiếp tục anh em. Đồng chí nãy cười tới điệu thứ mấy rồi rồi nhỉ.

Lặng im.

Rồi tiếng khóc. Tiếng khóc nhớ phút giây đón giao thừa ở nhà với mẹ. Tiếng khóc vì nhớ những người bạn đã chết.

Đứa nào khóc tao kỷ luật. Chẳng ai để ý lời chủ tọa nữa.

Thế là xong cái tết thứ tư ở núi rừng Tây Nguyên.

20.

Sư đoàn 320 truy kích và đánh chặn địch rút chạy khỏi Tây Nguyên về Tuy Hòa theo đường 7.

Mìn nổ sập cầu. Địch không qua được buộc phải lùi lại. Người dân di tản không còn đường đi buộc phải quay về. Nhưng địch không lùi lại và dân cũng không quay về. Đoàn xe hàng năm hàng bảy dồn ứ lại. Dòng người hỗn loạn. Những chiếc xe trúng bạn bốc cháy. Xác người nằm dưới xác xe. Tiếng trẻ thơ khóc lạc gia đình. Tiếng gào thét tuyệt vọng.

Dân kéo nhau từng toán chạy vào rừng tìm hướng về đồng bằng. Chạy thoát Việt cộng. Ở lại Việt cộng hãm hại rồi cũng chết. Việt cộng là con thú ác. Việt cộng sẽ mổ bụng moi gan. Người dân đã được tuyên truyền như vậy.

Chạy thoát Việt cộng. Chạy ra đường bảy chạy về đồng bằng, chạy về cửa sông chạy ra cửa biển. Chạy đi tìm cửa sống.

Số người chết không thể tính được. Chết đói chết khát chết vì đạn lạc vì chết trúng bom.

Xác người phơi nắng. Xác người bị xe tăng nghiền nát bốc mùi. Người dân khát nước không biết hoặc không dám đi xuống suối tìm nước vì sợ lạc. Người Ê đê đưa nước ra đổi vàng. Một bù nước đổi một chỉ vàng.

Một em bé lấm lem bùn đất. Còn bi đông nước tôi đưa cho em. Tôi phải chạy theo đà phát triển của chiến dịch.

Vượt qua Phú Bổn cầu Gãi vào ban đêm. Cả tuần đói khát mệt lử gặp nước ai cũng mừng. Gục mặt xuống mặt nước. Lấy mũ cối múc lên tu ừng ực. Nhanh tay đóng đầy những bi đông.

Buổi sáng mai ra nhìn chỗ mình đêm qua uống nước xác chết ngập tràn xác chết mắc lại bờ kè. Đi tiếp đến đến con kênh 37 gần dốc Mồng Mồng xác chết cũng nổi đầy như vậy.

Hôm qua chúng tôi quyết định thả 20 tù binh bắt sống từ trận đánh chặn binh đoàn 45 buổi chiều hôm trước. Bảo họ cởi bỏ quân phục, vứt súng rồi đi về hướng Buôn Mê Thuột.

– Xin cứu giúp vợ tôi.

Người đàn ông nhìn anh Huỳnh cầu khẩn. Anh Huỳnh y tá đại đội theo sát bên tôi. Vai anh đeo cái xắc có hình chữ thập.

Người đàn ông đang dìu người đàn bà. Họ không còn sức để chạy nữa. Người đàn bà đã lả đi bên người đàn ông, quần chị ướt sũng.

Họ cùng đưa người phụ nữ vào bìa rừng, tách khỏi đám đông. Chị bị vỡ ối, băng huyết. Chị đã cố chạy theo chồng.

Cô ấy bị sẩy rồi. Anh Huỳnh nói.

Anh tiêm thuốc cầm máu. Tiến hành từng bước giữ mạng sống cho người mẹ.

Người chồng trút bỏ bộ quần áo và rút khẩu súng đang trong người ném ra xa.

Hai người hôm qua còn chĩa súng vào mặt giờ ngồi với nhau trong tình cảnh này. Người vợ chưa hồi sức anh Huỳnh vẫn chưa thể bỏ đi. Anh đã bị lùi xa đơn vị một quãng dài.

Chúng mày đã nói với nhau chuyện gì khi đó?

Tối hôm sau đang ngồi ăn cơm anh Tiến hỏi. Đơn vị chúng tôi lúc này đang trú lại tại một cánh rừng chờ lệnh.

Anh Huỳnh chưa kịp trả lời. Đạn trên trời bắn tung tóe xuống trúng giữa mâm cơm. Anh Tiến bị đứt cánh tay đang cầm đũa.

21.

Đêm đầu tiên đến Tuy Hòa. Chúng tôi ngủ ở nhà dân. Đó là gia đình có người con gái đang đi bộ đội ở địa phương. Yên tâm rồi, gia đình cách mạng. Chúng tôi nói với nhau.

Đêm xuống tôi mở đài National cho cả nhà nghe. Ông già nghe đài Hà Nội đang đưa tin chiến dịch. Phấn khích quá ông đứng dậy nói to. Đúng, nói thế là đúng.

Nửa đêm đang ngủ say tôi nghe nhột. Mở mắt ra thấy bà mẹ đang cầm cây đèn hoa kỳ. Bà nắn tay chân từng người. Tôi mở mắt ra, giật mình. Má, má làm gì thế. Bà cũng giật mình. Má nghe họ tuyên truyền rằng bảy thằng bộ đội cộng sản leo lên một cành đu đủ không gãy nên má đi xem chân cẳng bộ đội thế nào, có đúng như thế không.

“Bảy thằng bộ đội cộng sản trèo lên cành đu đủ không gãy” – câu đó chúng tôi từng nghe nhưng cứ nghĩ là chuyện tếu anh em lượm đâu về kể cho vui. Đêm nay nghe bà mẹ Tuy Hòa nói tôi mới biết là có thật.

Đến chiều hôm sau chúng tôi ra cửa biển tắm thì có một đàn con nít và các bé gái tầm cỡ mười mười ba mười bốn tuổi chạy theo. Chúng tôi ngượng không tắm được. Tôi nắm tay một cô bé, hỏi chạy đi theo làm gì. Cô bé nói rằng, đi xem đuôi bộ đội cộng sản, bộ đội cộng sản có lông và đuôi giống khỉ.

Bấy giờ chúng tôi mới biết người dân ở trong này được tuyên truyền những thông tin rất đáng sợ về bộ đội ngoài Bắc vào. Nhiều người không dám nhìn thẳng mặt bộ đội. Họ cúi đầu và dạ thưa mỗi khi bộ đội hỏi câu gì.

Tiểu đoàn giao nhiệm vụ chúng tôi vây một ngôi làng. Các trung đội chốt chặt tại các ngã ba, ngã tư. Địch vào làng nếu không lẩn trốn được đều cất súng và lấy đồ của dân mặc.

Người dân nấu cơm và chuẩn bị nhiều đồ ăn ngon cho bộ đội. Đi qua cánh đồng thấy hai chị gánh nặng đi theo. Các chị gánh bánh cuốn mang cho bộ đội ăn bữa chiều.

Buổi tối có cơm gạo trắng, vịt nấu măng. Nhà góp gạo nhà góp thức ăn. Có nhà mang rượu bia đến. Thủ trưởng nhắc nhở anh em, trong hoàn cảnh như thế này, tốt nhất chúng ta cứ phải đề phòng. Bia, rượu dọn ra chúng tôi không dám uống vì sợ địch cải trang thành người dân bỏ thuốc độc.

P.T.H.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.