Người đeo lục lạc (kỳ 4)

Truyện của Võ Bá Cường

 

Chương 6: Cuộc thiên di lên cực Bắc

Thế là Nguyễn Hữu Đang ngồi chờ chực cuộc ngược đường lên cực Bắc như đồng bào Mông thực hiện những chuyến di cư của Bộ tộc mình về cao nguyên đá. Ông Đang đi theo đoàn tù trong điều kiện vô cùng khó khăn. Phương tiện không có mà phải chuyển 3.000 tù nhân với 500 cán bộ. Họ đi bộ với con đường dài 400km. Trong 3.000 tù nhân có không ít những tên gián điệp, biệt kích đầu sỏ phản cách mạng và những tên lưu manh chuyên nghiệp mà nhà tri thức, nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang cũng bị ném chung vào đó.

Trước hôm lên đường, đêm đêm già Đang không được ngủ yên bởi những cơn ho như xé phổi. Cơn sốt lần thứ mấy trong một ngày ông không nhớ nữa. Suốt đêm ông lơ mơ sống trong mộng mị. Một anh y sĩ xuống thăm vừa để bàn tay lên trán ông già vội giật phắt lại bởi nóng cao quá. Anh ta vội chạy ra cửa gọi mấy người tù cõng ông lên trạm xá trong cơn mê sảng. Anh ta có vẻ lo ngại dặn mấy người trực trạm có gì gọi anh ta ngay. Anh nói khi tay vừa rút mũi tiêm ra khỏi bắp thịt nhăn nheo của ông già. Cô y tá trực trạm vốn ít lời, tay gập đi gập lại chiếc chăn chiên đỏ thủng nhiều chỗ đắp lên ngực người ốm, miệng lẩm bẩm. Hình như cô đang ước lượng chặng đường di chuyển của tù nhân và của chính cô ta nữa qua bao đèo cao, lũng sâu, trên vai ai nấy chất đầy đồ đạc như chú lạc đà qua sa mạc. Con mắt cô ta cũng trũng sâu nhìn trừng trừng vào già Đang buông câu “Thế này đi sao được?”. Rồi lại cất tiếng thở dài.

Đôi mắt già Đang khẽ mở ra, cái nhìn vẻ như không còn tinh thần, song thi thoảng lại chớp lóe lên long lanh những giọt lệ bên khóe mắt. Bầu trời vừa bắt đầu sang đông vẻ u ám. Trên đỉnh Núi Chinh, Núi Voi nằm che chở cho Ngòi Lao thác nước réo ầm ầm như những làn mây trắng xốp. Bầu trời như thấp xuống, u u âm âm. Sáng nay vừa có tý nắng lùa vào phòng giờ đã mất hết. Bóng tối núi rừng lùa vào con mắt thâm thẫm của mọi người.

Cô y tá hỏi: Ông thấy trong người thế nào? Ông già mở mắt chỉ trả lời vẻn vẹn:

-Đỡ rồi ạ! Thưa cán bộ.

Chỉ một mũi tiêm hạ sốt, chiều ấy người ta lại “ném” ông trở lại chỗ hàng ngày người tù “NH” vẫn hưởng thụ. Ông ngồi vào đúng chỗ cái thân phận của mình, mắt dán vào lối ra vào cái vệt sáng mờ mờ hắt qua chấn song, ông yên lặng nín thở. Anh em bạn hữu quây quần lấy ông tưởng người vừa đi qua cõi chết trở về. Một người tù tóc lơ thơ trên chỏm như túm mạ vừa nhổ, má có chòm lông đen và dài, hắn có biệt danh “Lông một chòm’ nói:

-Thì ra cái chỗ nằm Nguyễn Hữu Đang không chịu nhường cho ai? Vẫn là ông ấy đấy! Trời không đến nỗi bắt đi, ông giáo dạy học hồi chưa lập nước.

Ông Đang lặng lẽ khẽ nằm nghiêng người xuống và không nói gì, không oán trách không nhắc đến ai, chỉ thi thoảng cất tiếng ho. Mặt ông tái nhợt và da trông tím ngắt. Thi thoảng người ta bắt gặp nụ cười nhạt thếch trên đôi môi ấy.

Nguyễn Hữu Đang vẫn nằm bất động theo cái dáng nghiêng ghé để theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. “Chòm lông” khe khẽ kể lại cho anh em trong phòng nghe:

-Ngày hôm kia lúc ở trên đồi xuống, trời lạnh lắm, đã gần 5 giờ chiều, sương sa phủ khắp núi rừng, khi đi đến ven hồ. Bác Đang dừng lại, nhìn đám dừa nước mọc chen nhau giữa làn nước trong. Bác chỉ tay nói:

-Cậu nào khỏe, lội xuống vớ đám cỏ dừa đi, nước hồ trong mới nuôi cá được. Đôi lúc cánh tù ta cùng sà xuống lấy nón vục uống đấy. Không ai chịu xuống cả, ông già lao xuống vơ hết dừa nước cộn vào thành đống trên bờ. Vừa lúc ấy ông quản đến quát:

-Ai cho ông lội xuống hồ? Tìm đường trốn hở? Bên kia hồ là rừng rậm. Tôi biết mà! Ông gớm thật!

-“Thưa cán bộ, không thể để đám dừa nước mọc trên mặt hồ được. Nó vừa làm mất đi vẻ đẹp của mặt nước vừa làm bẩn hồ. Loài cỏ lan tràn rất nhanh, nếu không xử lý nó kịp thời nó sẽ lấn át hết mặt nước. Con cá thiếu nguồn nước, thiếu không khí để thở cũng như con người, sẽ dẫn đến cái chết…’

Bác lội bùn lúc cơn sốt chưa tan, về nhà đêm ấy bắt đầu ho và dẫn đến tình trạng hôm nay.

“Chòm lông” nói xong, với con mắt điềm tĩnh, lặng câm ngồi xuống cạch ông.

-Ông đưa tay tôi xem. Người ấy bảo. Ông Đang vừa đưa tay vừa cười vừa nói khẽ:

-Ông cứ yên tâm tôi khỏe rồi mà. Mai lại đi ra đồng, hay xuống suối vần đá với ông đấy. Câu nói vui của ông Đang làm “Chòm lông” nở nụ cười:

-Trông ông cũng có khá lên thật. Tiếng thở nghe đều đều, mạch cũng thấy mạnh hơn trước.

Con người ta kể cũng lạ. Lúc sắp chết bỗng một thứ sinh lực kỳ lạ nào đó trong người trỗi dậy làm sống lại. Ông Đang hỏi:

-Bao giờ đi hở “Chòm lông”?

-Đi đâu? “Chòm lông” mặt tâng hẩng, chẳng hiểu ông Đang nói gì? Ông Đang biết mình lỡ lời không nói nữa. Từ lúc ấy người tù già trong lòng lại thấy buồn thảm hơn trước. Bởi ở trong này họ sợ chữ “đi” lắm, nó có nhiều nghĩa. Có cuộc đi không bao giờ trở lại…Nhưng cuộc sống trong buồng giam đã dạy mọi người phải im lặng, không được tò mò, không được mách lẻo. Phải biết quên mọi thứ, phải biết kìm nén sự đòi hỏi, kìm nén đam mê và thủ tiêu mọi ý nghĩ trong con người. Nghĩa là mình chỉ là cái bóng, cái bóng mờ mờ trên bờ tường nhà tù. Nếu trái với những điều cấm kị ấy sẽ dẫn mình vào buồng kỉ luật một tuần lễ, hay một tháng, hoặc lâu hơn nữa.

“Chòm lông” cứ còng lưng xuống miệng lẩm bẩm, bước chân chậm rãi quanh ông Đang nói lên điều gì đó. Tiếng nói ấy từ trong lương tâm thằng tù lưu manh chuyên nghiệp dân Hà Nội mà ra, vì sau mấy năm nó được gần ông Đang, chiêm ngưỡng ông, nghe ông nói, xem việc ông làm, và đôi lúc ông nhón cho nó tý muối mặn trong cái lọ con nắp chặt để dành được. Sự tin tưởng vào lẽ phải của “Chòm lông” qua ông Đang đã làm cho hắn đứng lại không bị xô xuống vực, chứ mấy lần hắn định đập đầu vào đá mà chết, hay có lần ngấm ngầm định phá hoại nhà giam. Rồi lần nữa, “Chòm lông” phản đối việc đi lao động, định tập hợp số người làm bạo loạn ngoài rừng. Lúc đó ông Đang vẫn tiếp tục hô hào anh em vần những hòn đá giữa ruộng to bằng cái thúng vào một góc để lấy đất cầy cấy. Thằng lưu manh ấy đã đến gây sự với ông. Ông lẳng lặng làm việc, không tranh lời, không báo cáo với thầy quản. Tối ấy khi ngồi ăn, thằng lưu manh lại lê la đến chỗ ông nhằm gây sự, ông Đang bốc tý mắm ruốc cho vào bát nó, điềm tĩnh nói:”Ăn đi” nên điềm tĩnh suy xét việc đời, đừng gây rối!.Gây rối là việc của kẻ vũ phu. Ở đâu cũng có tổ chức, nhà tù cũng có luật lệ của nó. Người ta bảo anh đi cuốc cỏ trồng lúa chính là làm lấy gạo ăn, tự làm lấy miếng mà đút vào mồm mình sao lại tìm cách phá phách? Phá không được họ đeo gông vào cổ, đi vào nhà kỷ luật. Hỏi được gì? Anh chẳng qua là người bắn cung chưa biết “thuật”, thuật của nó là biết “giương”, biết “kìm”, lúc “chùng”, lúc “căng”, động tĩnh tương hòa. Tôi thấy anh như người trượt dốc trong đêm tối, đến gần cái vực sâu mà không biết. Nhà tù con nhiều chỗ trống giành cho những kẻ đạo tặc. Đó là việc không thể tránh được.

Ông Đang nói với “Chòm lông’ liền chập, như cha nói với con, thầy giảng cho trò, kẻ đạo tặc lưu manh cũng có chất “người” đấy chứ? Nó lẳng lặng tiếp thu những ngày sau đó, bớt hung hăng, rồi ngoan như một con lừa. Thoắt có mấy hôm nay “con lừa” đã trở thành người tù già quẩn quanh lo toan khi ông Đang ốm.

Số tù được coi là cải tạo tốt, loại thường phạm được tổ chức đi trước. Họ xếp thành hàng thành lối, chia nhau thành nhóm, tổ, có thầy quản trông nom nghiêm ngặt. Đồ đạc chăn màn, dụng cụ cá nhân, xoong chảo, nồi niêu. Tất cả được chất lên vai người tù. Cuộc hành quân này nom vào đôi chân trần của mỗi phạm nhân khỏe hay yếu khi vượt dốc. Vì thế những anh tù khôn ngoan đã sớm lo cho mình đôi giầy vải, hoặc đôi dép cao su đã được chêm lại quai một cách quyết liệt.

Họ câm lặng rời khỏi vườn cam nhà anh Bổ, nhà ông Dục ở dốc Mo, rồi núi Chinh, Cầu Lầy đều được người tù gửi lại cái nhìn biết bao kỷ niệm, có anh còn cố ngoái nhìn lại cái nhà “lô” trong nắng hàng ngày người tù ở đó trông coi ruộng ngô hoặc đồi dưa leo vào kỳ thu hoạch. Có anh gửi ánh mắt rầu rĩ nhìn đám mộ tù chôn ở chân đồi chết bom trưa 11/6/1965. Hai mươi ba mạng người chứ có ít đâu? Những thằng bị thương may sống sót cũng nhập bọn đi cực Bắc. Nhưng họ đến đâu, địa phương nào cái địa chỉ ấy thì mù tịt. Ai mà biết được?

Ba nghìn năm trăm người nếu xếp theo hàng đôi cũng dài tới mấy trăm mét. Họ truyền tai nhau rằng cánh tù nguy hiểm được đi trên một chiếc xe GMC của Pháp đã cũ và mười con ngựa của đoàn Cửu Long Giang – Bộ Tư lệnh Công an Võ trang nhân dân.

Một thằng tù to như ông hộ pháp bảo. Chúng ta khổ đôi chân nhưng được tự do con mắt nhìn rừng, nhìn gái, nhìn chim, nhìn cây, đón gió, lúc nào khỏe thì đi đau thì nghỉ. Rồi hắn đọc to:

“Nghe gió rừng tưởng khúc tiến quân ca

Nghe âm vang cuồn cuộn thác sông Đà

Tưởng dục dã tiếng kèn ta xông trận”.

Còn bọn “NH” (Nguyễn Hữu Đang) mới là thằng tù. Chúng được nhốt trong cái xe cũ nát, không khí cũng phải chia nhau mà thở, còn ánh mắt thì cụp xuống trước mũi súng của thày quản, đôi chân họ được nghỉ nhưng bị lấy đi bao nhiêu thứ tự do của con người.

-Thằng hộ pháp ơi! Mày nói gì tao nghe mùi mẫn thế, ngon như củ khoai nóng muốn cho vào miệng lúc đói.

Họ xê dịch trên quốc lộ 2 phía trên Tuyên Quang, nhưng đâu có đi vào ban ngày để ngắm cảnh vật như thằng Hộ pháp tưởng tượng. Họ đi trong đêm làm bạn với bóng tối của núi non. Đoàn người như rắn lượn giữa hai vạt cây rừng, nhấp nhô đồi núi. Từng tốp một là những thầy quản con mắt đăm đăm, tay lăm lăm khẩu súng. Họ là những con hổ rừng Tây Bắc dũng cảm và lanh lợi. Đố anh nào dám ho he gây chuyện. Thầy quản di chuyển lên xuống đôn đốc đoàn quân, họ dồn người tù khít lại với nhau, không thể nhúc nhích được chuyện gì. Cách đi lại của cán bộ áp tải đoàn tù họ làm rất khoa học, bên trái bên phải đều có cán bộ. Khi lên dốc ông Đại úy đội trưởng đội trinh sát thường lao lên trước. Cả đoàn quân rầm rộ kéo theo. Họ đi như một sư đoàn hành quân, có cả mấy trăm ông cảnh sát hùng dũng ưu tú và ngoan cường. Tất cả đoàn người ấy đều được mang mũ ấm vì mùa đông đã đến.

Mặt trời vừa làm sáng những cành lá non và chiếu ánh sáng xuống vạt cỏ tất cả mọi người được dừng lại, chân người tù nào cũng sưng húp và tứa máu, lúc ấy núi rừng có lên tiếng gọi “chạy trốn” cũng chẳng lê được đôi chân đi nữa vì đã kiệt sức sau một ngày đêm leo núi. Hậu cần thì lo lấy nước, thổi cơm để tránh máy bay và mỗi phân trại lại lo tổ chức che tạm, trải tạm cái gì lên mặt lá rừng vừa nằm xuống tiếng ngáy của thằng hộ pháp đã vang lên như tiếng bò rống. Lúc ấy ai cũng nghĩ phải tranh thủ ngủ lại lấy sức. Họ cởi giày dép vất lung tung ra chỗ nằm, có người tù mặt nhăn nhó thun thút kêu đau đớn, khẽ lấy tay bóp chỗ tụ máu.

Thời gian họ đi trong 3 tháng với đoạn đường 400km.

Từ Vĩnh Tuy lên Bắc Quang-Hà Giang 120km. Quãng đường ấy có 80km đường vận chuyển gỗ, còn 40 cây số là núi cao vực thẳm, xe ôtô không lăn được bánh nên cánh Nguyễn Hữu Đang cũng phải cuốc bộ leo núi.

Có một đêm thật kinh khủng, khi đoàn tù gặp phải vực thẳm bất ngờ. Cái vực thẳm sâu hun hút như miệng phễu muốn hút người xuống. Họ vừa vượt dốc qua một sườn đá dốc thẳng đứng, ba lô người trước chạm đầu người sau, người ta chỉ nghe thấy hơi thở gấp của những con người khốn khổ kiệt sức. Họ bình tĩnh và im lặng. Lên được đỉnh dốc, đoàn tù tự nhiên chùn lại như con giun chân ai vừa giẫm lên. Không còn hàng lối gì hết, họ xô đẩy nhau, vì trước đó là cái vực sâu tút hút nhìn xuống tối tăm mặt mũi, trước mắt ai cũng thấy lưng ngọn núi cao sừng sững xanh ngắt nó chắn mất lối đi. Khi qua được vực lại phải đu người qua vách đá dựng mới tiếp tục đi được. Đứng trên đỉnh núi cao mới thấy được những lượn núi nhấp nhô nghiêng đổ về các hướng khác nhau. Những đỉnh núi nhọn hoắt chứa đầy những chuyện bi thương của đồng bào các dân tộc Tây Bắc trong cuộc kiếm tìm cuộc sống. Để giành được những vạt ngô củ khoai tranh với thú rừng có khi họ đổi cả mạng sống của mình. Giờ đây trước mặt già Đang và đoàn tù là mấy mộ địa của người dân bản xứ đã nói lên điều đó.

Thằng hộ pháp bảo: “Đã đến nước này chỉ có lao đầu mà xuống, dẫu có chết cũng chẳng sao? Đời đã là thằng tù rồi. Có lo gì?”. Nói rồi nó lại bảo: “Bọn sơn tràng đi được thì ta cũng đi được, trên vai dù có đồ hành, bọn sơn tràng cũng phải vác gỗ chứ có đi không đâu?” Nó nói tếu thế. Không ngờ đấy lại là lời khích lệ tù nhân.

-Hãy bước xuống từng bậc đá. Bám chặt lấy cây, lấy dây đu người xuống. Giá bây giờ có cái thang ở đây thì phải? “Chòm lông” nói vậy khi ông ta hấc hấc cái mặt nhìn ông Đang. Tự nhiên ông ta nói thêm: “Ngồi xe với ông Đang mãi cũng thấy chán, bây giờ được leo núi đá sướng hơn”.

Thằng hộ pháp đốp luôn:

-Thôi “Chòm lông” ơi! Mày được ngồi xe mấy trăm cây số, nếu cứ cuốc bộ như bọn này, có lẽ chúng tao phải lấy xẻng đào huyệt chộn “chòm lông” ở dốc bên kia rồi!

Chúng nó cãi lộn nhau nhưng vui, rồi chẳng ai bảo ai họ đều đu mình xuống vực tưởng như những người cổ đại xưa trong truyền thuyết hoang đường đi tìm miền đất thánh. Nhưng ở đây họ đang đi đến nhà tù mới, kiên cố nguy hiểm hơn với cuộc sống con người. Họ không chen nhau, xô đẩy nhau, tranh nhau, vì kỷ luật hành quân rất chặt chẽ, chỉ có im lặng cúi đầu vâng lệnh.

Một sự ngẫu nhiên khi tới lòng vực họ gặp được hang nước trong vắt. Hang nước ấy sạch trong khó mà tả bằng lời. Lạnh thế mà mọi người đều vục mặt xuống lấy hai bàn tay vã lên mặt. Hình như nước trong hang đá làm họ khỏe lên, vui lên khi đu lên dốc.

Dân cố thổ cũng truyền lại những chuyện quanh vực không đến nỗi ngoa ngoắt, nhưng mọi người đều nghĩ đến nếu ai sơ xuất trượt chân xuống chỉ có “toi mạng”. Ông Đang cố tìm lại dấu vết người xưa trên vách đá, nhưng tuyệt nhiên không thấy. Chỉ có những dấu riù vạc cây và chữ ký loằng ngoằng bằng sơn đỏ của người thợ sơn tràng khi qua.

Sang vực, mọi người bắt gặp một cách đồng cỏ hơi hẹp, thấp thoáng có ngôi nhà đồng bào Thái, hay người Dao, quanh nhà là vườn cây ăn quả và bóng con ngựa chạy. Ông Đang ước ao trong cảnh thanh bình này nếu một ai giàu có tâm hồn thi ca, ít ra ở đây cũng có một bài thơ khác gì “Tây Tiến”. Có ai nhìn sâu được vào trong tâm hồn mà biết ông nghĩ điều đó. Lòng ông khó mà bình thản biết mình đang mặc áo tù, cái án tù mù tịt cao su biết bao giờ mới thoát ra được. Biển có rộng, trời có cao, đất có sâu, nhưng lòng người mới vô biên hơn cả. Nhìn vào đâu cũng tràn ngập ánh sáng của thiên nhiên, nhưng nhìn vào lòng người thì bí hiểm, đáng sợ.

Nom ông có vẻ bình thản đấy nhưng lòng ông đang đội lên nhưng cơn sóng lớn. Người ta đứng trước cái mới, trước ngã ba đường thường ngập ngừng suy xét. Đi làm cách mạng, dấn thân vào đấy, cũng như đi qua một cánh cửa tử. Nếu ai cũng sợ chết dễ mấy người làm nên chí lớn. Từ cậu bé làng Vũ Công, làng Tý Bồi ham mê đá bóng, trở thành người trong tổ truyền bá Quốc ngữ, trở thành người hoạt động trên mặt trận Bình dân 1926. Rồi tham gia hội Văn hóa Cứu Quốc, trở thành người đại biểu trong Hội nghị Quốc dân Tân Trào, được bầu làm Thứ trưởng Tuyên truyền. Và được Đảng – Bác Hồ tin tưởng giao cho làm Trưởng ban ngày lễ Độc Lập 2/9/1945. Cuối cùng ai đã quy tội ông trở thành tên “chống Đảng”. Một ai đó đã biến ông thành con người khác bước vào thế giới người tù. Cuộc sống không lúc nào được yên ổn.

Vừa dò dẫm già Đang vừa suy nghĩ. Khi vòng qua hết quãng đèo dốc 40km hiểm trở ông đã theo đoàn tù “NH” ra tới Quốc lộ 2. Lần thứ hai ông đã được ưu tiên dồn lên cái xe cũ rích gào như máy xát qua tỉnh lỵ Hà Giang. Qua thành phố miền rừng, cách tù không được nghỉ chân, lại đi vào ban đêm khó ai phát hiện. Ông chỉ kịp nhìn những ngọn núi cao cót vót và nghe thấy tiếng hí đoàn ngựa Cửu Long Giang gõ móng ngược đường lên phía Cổng Trời. Tất cả dồn vào chung một xã Xuân Giang, huyện Bắc Giang. Trại Yên Hòa ở Bản Phiệt, Trại Yên Thọ ở bản Tác cách nhau 10 km.

Tác giả xin nói thêm một chút để bạn đọc hiểu thêm về vùng đất nơi đóng trại.

Tôi ngồi ăn bát cháo Ấu Tẩu để hỏi thêm về trại Quyết Tiến giữa đêm khuya ở cái phố Cụt tỉnh lị Hà Giang với ông Đại Tá họ “Ma” tên “Phàn”. Tôi nhìn bà mẹ múc cháo Ấu Tẩu, măc áo Xường xám, cái vạt áo đẹp như vành lược gỗ cụ thời xa xưa chải đầu nom ngoan mắt. Cô gái đưa bát cháo cho tôi khác gì một sơn nữ bán bánh cuốn ở con đường ngang từ nhà nghĩ Công đoàn Hà Giang đi ra, mắt cô cứ hau háu nhìn mọi người, dỏng tai nghe thơ Nguyễn Bính, tay cô múc bột ngoăn ngoắt thoa mặt khuôn căng trên mặt nồi nước sôi ùng ục, mấy lần do “thơ” nên “hồn xiêu phách lạc” đổ cả bột ra bếp. Tôi đòi Ma Thanh Phàn cho một chén rượu giữa vùng đá lạnh, dù không được như rượu Rom của ông Ca ngày trước từng đuổi ngựa cho vua Mèo Vương Chí Xình, cũng phải ngon như rượu của thím ba Nà Hang.

Ma Thanh Phàn bảo: “Thì sáng mai em đưa bác lên Cổng Trời uống rượu, bác nghỉ ăn trưa ở Quản Bạ em “chiều” ở Quản Bạ, hoặc ở Yên Minh thì em chiều ở Yên Minh, tối mai nhất thiết mời nhà văn ngủ tại nhà vua Mèo. Sẽ ăn một bữa con Mèo, uống rượu Mèo, ăn trái lê Mèo, do cô gái Mèo trẩy về”

Rồi đột ngột Phàn đọc mấy câu thơ tôi viết vào năm 2001:

“Quất ngọn roi ngang trời Yên Minh

Tiếng ngựa hí gọi cỏ non Đồng Văn

Ta hỏi đâu dốc Thẩm Mã

Lỏng cương cho ngựa ăn”

Phàn cười : “Bác cũng quá lắm, ngang tàng lắm. Chẳng khác lão Ca đuổi ngựa mấy, khi đuổi ngựa đã về được dinh nhà họ Vương ở Sà Phìn còn gọi là đất Xạc Đồng Văn, thế nào cũng bù khú chén chú chén anh với cánh mã phu, có cả bàn đèn thuốc phiện rải ra khắp sân đá đất Xạc. Lão ca ăn ngủ với mụ Tèo mê Tây đồn Yên Minh rồi mở quán cơm giữa cánh đồng tranh trên dốc Pác Xum về Làng Đán. Quán mụ Tèo chơ vơ bên dốc ngập cỏ tranh, trông sang bên kia là những ổ cướp nương náu, trên rặng núi Bát Đại Sơn. Có lạ lẫm gì đâu mà bác cứ mê mẩn ra thế. Bác chỉ khác lão Ca, lên đây không gặp được mụ Tèo và không có đường dây thuốc phiện riêng như lão để hốt bạc”

Thế là tôi đã mò được ra con đường cụ Đang đi qua dốc Pác Xum. Đến làng Đán thế nào cũng quyết tâm vào trại Quyết Tiến nơi ông Đang ở.

Trại Quyết Tiến từ một trại cải huấn, cải tạo giữ những phần tử chống đối cách mạng và những phần tử khác gây nguy hiểm cho xã hội. Được sự phân công của Bộ, 17 chiến sĩ do Lương Sừng dẫn đầu. Sau nhiều ngày trèo đèo lội suối đi qua những cách rừng già không có tên và có tên, không một mái nhà một làng bản một tiếng gà gáy. Ngày 12/6/1959, 17 chiến sĩ đến được địa điểm hạ trại tại vùng đất bằng phẳng nằm trên cao nguyên đá Đồng Văn, xung quanh có nhiều dãy núi cao bao bọc. Đó là xã Quyết Tiến, huyện Quảng Bạ tỉnh Hà Giang. Địa điểm này hiểm trở, rừng rậm rạp, sương mù quanh năm bao phủ và giá buốt. Có ngày nhiệt độ xuống -2oC. Ở đấy chỉ có một con đường xuống Hà Giang và qua Cổng Trời lên Yên Minh. Ngày xưa vó ngựa Nguyên Mông cũng dừng lại vùng đất hiểm trở này vì những vách đá lởm chỏm như răng ngựa sẵn sàng hất những con chiến mã xuống vực.

Quyết Tiến là vùng đất hiểm độc, có thể dùng vào việc binh đảm bảo an toàn tuyệt đối và giữ được bí mật dưới mọi con mắt. Kẻ thù khó phát hiện và không bao giờ chúng nghĩ tới…Đây là khu vực đặc biệt với cái biệt danh A75 và ngày 21/7/1959 chi bộ trại Quyết Tiến đã thành lập với 5 đồng chí đảng viên. Họ lãnh đạo tù nhân ngả cây, phát cỏ, dựng lán, đập đá xếp thành tường nhà và chình những ụ đất để tránh rét. Núi non mênh mông chỉ có ánh đuốc và ngọn lửa đèn dầu le lói, đỏ như mắt hổ. Những bức tường đá hào đá đã khoanh tròn, quy mô trại đủ giam giữ 500 tù nhân nguy hiểm và từ 1965-1972 họ phải quản lý thêm những đối tượng đặc biệt điển hình vụ Nhân văn giai phẩm, bọn bạo động Ba làng, bọn cưỡng ép dân vào Nam ở Cẩm Thủy – Bãi Sậy. Tổ chức lưu vong Quốc dân Đảng Nguyễn Thanh Trì, Nguyễn Quang Trại, Phạm Viết Khanh, tổ chức quốc gia liên minh chống Cộng, tổ chức Quốc dân Đảng ở Nam Định, tổ chức thanh niên công giáo chống cộng ở Thái Bình, tổ chức liên minh mặt trận Tân Việt ở Hà Tây, điển hình là Nguyễn Thanh Trì, Lê Thế Cao, Nguyễn Ngọc Lê, rồi liên xã chống cộng do Nguyễn Trung Tính đứng đầu.

Thời đó sự giam giữ với các đối tượng phức tạp là thế. Già Đang nhập trại cầm cố vào thời điểm chẳng hay ho gì. Hèn nào khi chiếc xe chở tù vừa dừng bánh, cánh tù nhân đặc biệt “NH” vừa nhảy từ sàn xe xuống. Ông giám thị tiếp đón họ ở cái bãi cỏ gần làng Đán với một câu nói người tù hãi rợn đến chân tóc: “Tôi nói để các anh biết, đã lên đến đây, dù có án hay không có án thì cũng không ra khỏi đây được và cứ yên chí đã lên đây thì chết ở đây”.

Câu này tôi được nghe đích thân người tù Kiều Duy Vĩnh kể lại, cái trưa nắng 40oC ngày 8/6/2007. Nói xong ông Vĩnh còn nhìn sang tôi (VBC) với giọng điệu âu sầu rằng: “Nếu không kịp có Hội nghị Pari (1973) thì có lẽ tôi và anh Đang cũng chết ở đó”.

Ông Vĩnh kể giọng điệu người giám thị lạnh lùng ông bước đi theo dọc đoàn tù “Nguy hiểm” từ trên xuống dưới với đôi mắt thật nghiêm như ngọn đèn pha nhìn xoáy vào từng người muốn ra uy và đánh gục tư tưởng bọn phản loạn khi chúng mày mới đặt chân xuống thánh địa dưới tay ông.

Quyền uy của ông dồn vào bước đi, dồn vào giọng nói, ngầm bảo mọi người “ Bọn mày là cái thá gì mà nói đến tư tưởng này, tư tưởng kia! Liệu có tồn tại ở đây được hai mùa đông?” Trong lúc đó ông Đang và tôi vẫn khóa chung tay, rét run cầm cập, người như muốn khụy xuống, rét buốt tận sống lưng, tưởng như cái lạnh cóng đang gặm từng ống xương.

Câu nói của ông giám thị nhanh chóng được chuyền từ người này sang người khác, nó lan tràn nhanh chóng như một vết dầu loang chảy vào trong những bộ óc sợ sệt của tù nhân hằn lên vệt đen sẫm tựa vết chàm đổ.

Kiều Duy Vĩnh thấy mặt ông Đang vẫn điềm nhiên. Lạ thật! Tựa như ông có một thứ dũng khí riêng, tin tưởng vào cái gì vững chắc, khó lung lạc được. Câu nói của ngài giám thị chỉ để cho ông cảnh giác và đề phòng…

Ở giữa núi rừng thâm u sơn cùng thủy tận, con người nếu không suy xét một cách thấu đáo, không tôn thờ lối sống có văn hóa để tôn trọng nhân cách con người khác thì anh ta dễ trỗi dậy phần bản năng, nếu không trăm phần trăm là “thú vật” thì cũng dễ pha trộn, vì sự thuần chất con người của anh ta đã đánh mất.

Ông Kiều Duy Vĩnh kể tiếp:

Ông Đang vừa ngẩng mặt lên bắt gặp một gương mặt quá quen thuộc trong đoàn người áp tải. Đó là ông Vệ.

Ông Vệ hỏi:

-Anh giờ ở đây à? Có cần sự giúp đỡ gì không?

-Không cần gì cả.

-Sau đó ông Vệ nói với ông giám thị vừa ra oai lúc nãy

-“Đây là trường hợp anh cần quan tâm giúp đỡ…”

Chính vì thế sau này ông Đang không phải đi làm việc nặng, chỉ phục vụ trong bếp ăn, như nhặt rau, rửa ấm chén, lau quét dọn nhà cửa… Tối hôm đó ông Đang kể với ông Vĩnh: “Ông Vệ trước ở đội tuyên truyền xung phong do ông Đang xây dựng. Sau này được chuyển về Công an và sang Cục Lao Cải làm việc. Ai biết giờ ông đã là Cục phó cục Lao Cải. Ông chỉ nói thế không bàn thêm về ông Vệ nữa. Đêm ấy ông Đang có hỏi Kiều Duy Vĩnh: “Anh có biết Căng Bắc Mê nó nằm ở đoạn nào không? Chỗ ấy năm xưa nhà văn Nguyên Hồng cũng ngồi tù một dạo, tù Pháp mà”. Cụ Nguyễn Công Chuẩn quê Thái Bình là một danh sĩ (1885-1956) cũng tù với cụ Trần Huy Liệu, Nguyễn Danh Đới, Phan Tư Nghĩa và ông Xuân Thủy ở Căng Bắc Mê. Trong tù cụ Chuẩn đã dạy các ông về Hán học và sau này cùng các ông đi vào con đường hoạt động cách mạng. Ông Vĩnh bảo:

-Nghe đâu nó nằm trên đường đi Bảo Lạc – Bảo Lâm phía sang Cao Bằng nếu lấy Hà Giang làm trung tâm, đi lên huyện Bắc Mê tới 60 km, cũng xấp xỉ con đường lên dốc Bắc Xum cánh ta đang ở.

Pháp đặt Căng Bắc Mê ở đó có cái xã tên là Đường Âm, nghe rợn người. Con đường như dẫn người ta xuống âm phủ. Ngày xưa không gọi là đường đi Bắc Mê mà gọi là Đường Âm. Cánh các ông nhà văn đều không biết từ Nà Hang Tuyên Quang có con đường chiến lược quân sự đi Bắc Mê, từ Bắc Mê đi Yên Minh rồi lên Mèo Vạc, phía tay phải sông Nho Quế. Trèo qua Mã Pí Lèng vào Đồng Văn. Đây là con đường duy nhất trong kháng chiến, dốc đèo hiểm trở. Đường đi như vào nước Thục chỉ có hổ gầm, trăn gió và cáo cầy muỗi vắt làm bạn. Nếu con đường Hà Giang Cổng Trời bị mất, bộ đội ta có thể tập hậu con đường ấy để chiếm được cao nguyên đá Hà Giang.

Ông Đang thủng thẳng.

-Hôm ở Tân Lập Phú Thọ độ tháng 10 mới chớm rét, ròng rã mấy tháng trời lội bộ mới tới Cổng Trời. Trời là khởi thủy của loài người, cha mẹ là gốc của con người. Thế nên khi mệt nhọc khó khăn, mấy ai không kêu trời. Khi đau xót thương cảm mấy ai không kêu cha mẹ.

Tưởng gần trời thì mở mày mở mặt. Ai dè nhận được lời đe “Đã đến đây thì chết ở đây” mà rét vẫn còn cắt da cắt thịt. Giờ chúng ta đều như con lợn rừng chúi múi xuống đất mà nghe lời thầy quản. Chui được vào đây như lao vào cái hõm núi, nó như cái hom giỏ ở quê mình cá vào được nhưng không ra được. Chiều nay tôi trông thấy một cây đào phai nở ở đầu dốc thấp thoáng lóe lên màu đỏ tươi của cái khăn cô gái Mèo đội. Nhìn hoa đào nhớ Tết, nhớ quê lắm. Không biết Tết này mộ thầy tôi có ai ra chăm nom, rồi về nhà thờ cắm cho cụ một nén nhang. Ông chép miệng “Mình bất hiếu quá!”. Ông quờ tay về phía sau gãi lưng. Ông nói:

Nằm đây! Tôi nhớ loáng thoáng mấy địa danh vùng này. Phố Cáo Mèo Vạc, Sín Chải, Xà Phình, Lũng Tó, Lũng Cú. Những cái tên của rừng hoang vắng xa xôi. Thế mà những năm 1960-1965 các bố Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Hoàng Trung Thông, đã mò lên với rừng hàng tháng, hàng năm. Còn bố Nguyên Ngọc, Nguyễn Tài Tuệ lên đây 1954 đã gặp cô gái Mèo Thào Mỷ, cô đi dịch tiếng Mông cho bộ đội, sau Thào Mỷ làm phó chủ tịch huyện Đồng Văn. Còn cụ Thanh Tịnh khi trèo đá Mèo Vạc 1948 cùng thời với Trần Đăng Ninh. Người ta truyền hai câu thơ của Thanh Tịnh khi trèo lên đỉnh dốc Cổng Trời, ông ngắm nhìn xuống Quảng Bạ

Lên dốc Cổng Trời ngắm Quảng Bạ

Tưởng như cưỡi gió ngắm trần gian

Hai câu thơ trên nhà thơ làm vào năm 1948 hay năm nào? Ai còn nhớ nữa? Các bố nhà văn gớm thật, có đi nhiều thế, thuộc từng cái dốc từng chỏm núi mới xét được việc đời, việc người thấu đáo. Trách gì người ta “ghét” là phải, ghét vì biết nhiều thứ nên không ai đánh lừa được. Ngòi bút của các nhà văn luôn nói lên điều “chân thật” Thế mà giờ đây phải im hơi lặng tiếng không ai dám nói, dám viết. Như M.Góocki đã nói “Văn hóa giáo dục mới có thể chữa bệnh lâu dài cho nước Nga” Các bố nhà mình giờ không biết không nói thì làm sao chữa được bệnh cho nước Nam ta.

Cánh ông Nguyễn Tuân, Tô Hoài cũng đã chống ba toong leo lên được dốc Vằn Chải leo lên tận nhà Thống giám Vàng Vản Li ngắm rừng trúc bao quanh ngôi nhà đó. Có thế ông Tô Hoài mới là cha đẻ ra “Vợ chồng A Phủ”.

Ông Đang vặn người kêu răng rắc, nói tiếp chậm rãi.

-Nhân mấy ông nói chuyện bốc phét, tôi xin góp vui một chuyện trai gái cho đỡ nhớ nhà. Khi còn ở Hà Nội, lúc ngồi uống cà phê với mấy bố, nghe các thầy tán chuyện đi Hà Giang ai cũng thích nghe chuyện mụ Síu người Hà Đông, sau lấy viên quản đồn Đồng Văn. Rồi chiến tranh Nhật – Pháp mụ chạy sang Vân Nam. Sau hai mẹ con trở về Phó Bảng, mụ gả con gái mình cho Vương Chí Sình, làm vợ ba ông vua Mèo. Lẽ đấy nhưng là cả đấy. Rồi đến cô Chúng Thị Phà người Tày quê ở Tòng Bá Vị Xuyên – Quản Bạ lãnh đạo đội nữ công nhân tu bổ đoạn đường dốc Pác Xum. Họ bảo cô ấy đẹp đến nõn nà, khối anh khốn khổ vì đôi mắt ấy, đôi mắt biết nói mà. Mắt như có lửa giữa vùng đá lạnh. Không biết hôm đi qua dốc Pác Sum từ cây số 24 đến cây số 34. Dốc kéo dài 10 km cô gái Tày nõn nà đứng cuốc đường phá đá mấy mươi năm dầm mưa dãi nắng. Hôm ấy có anh tù nào được cải thiện con mắt tý không? Rồi ông buông câu lấp lửng “Người ấy mà cho đi làm đường chỉ có phí cuộc đời”. Mọi người đang nhao nhao lên, thì tiếng chân thầy quản đi tới. Mọi tiếng nói hơi thở đều được ngưng tụ lại trong vách đá, thi thoảng có tiếng ho của già Đang và tiếng thở gấp của người đang lên cơn sốt. Người tù biết im lặng. Mới hôm qua đến đây mọi người đã được những người tù cũ kể về thầy quản này rất mẫn cán. Bố anh ta là một tay đánh dậm “xục” ở nhà quê rất thiện nghệ. Mẹ thầy chuyên nghề đun riu lội đầm cả đời. Thầy là dân ở trại “Trai ở trại, gái hàng cơm”. “Gớm” lắm, hai con người có cuộc sống lao ải đã đúc lên anh ta bằng xương bằng thịt. Thượng đế cho thầy sức khỏe tuyệt vời nhưng không cho thày biết chữ. Thày đi bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ rồi trở thành thày quản lúc nào không rõ. Nghe đâu giờ thày đã biết đọc biết viết. Tên thày là “Sói” thày ký chữ “Sói’ như giun bò dưới đất.

Thày có bộ ria mép trông đến dữ tợn, nhất là đôi mắt “Sói’. Nếu ai có làm điều gì sai trái với nội quy trong trại được thày bắt gặp, khi thấy miệng thày cười, cái trán hẹp nhăn lại, làm gương mặt thày dúm dó, tàn nhẫn thì chỉ có “toi đời”. Thày quản làm việc như một cái máy, chỉ biết có phục tùng cấp trên, ít thấy thày hỏi lại điều này điều nọ, nghĩa là chỉ biết vâng lời. Vô phúc anh tù mới không hiểu mô tê về thày mà “phạm phải” điều không “vâng lời thày” thì những điều khó kể ra đây sẽ tràn vào phòng giam.

Đêm nay phiên thày trực. Bước chân thày cũng nặng nề. Ngọn roi trong tay thày luôn bắt nhịp vào bàn tay trái của mình đánh nhịp cho bước đi, như muốn nói: “Tôi không khoan nhượng cho bất cứ trường hợp nào”, cũng như chiều hôm qua thày nói với ông Đang “Người cán bộ nhà nước chỉ biết làm việc thật nghiêm cho nhà nước, như ông quan tòa bao giờ cũng sáng suốt và biết xử đúng tội cho kẻ phạm tội. Bọn anh đã phạm tội trọn đời, trọn kiếp cũng là đồ vất đi mà thôi! Ai còn nhặt hòn than ấy bỏ vào túi mình làm gì? Nhớ lấy!”. Nằm nghĩ ông Đang tự nhiên co rút người lại, như con tôm bị ai bỏ vào nồi nước nóng.

Sáng hôm sau, thày quản gọi ông Đang lên, con dao cán dài thày cầm lăm lăm. Mắt thày quàu quạu rồi thầy chỉ vào những cánh đào Quí Châu, bị chính tay thày đốn phạt một cách phũ phàng, bắt anh tù vác về trước cửa, cánh hoa đào tan tác trước thảm cỏ xanh như máu người vừa bị đánh đập văng ra.

Thày nghiến răng lạnh lùng bảo:

-Cây đào đêm qua anh nhắc đến đấy. Nó không thể sống được nữa vì nó làm hỏng tư tưởng người tù. Anh phạm tội vào đây lại nói chuyện rượu chè, trai gái, hoa lá, để kích động tù nhân nhớ nhà phá trại hay sao? Bất thần đầu thày hất ra phía bờ tường đá:- Anh nom kia kìa! Bờ tường đá ấy đã chứng kiến cái chết của một mạng người chống lại nội quy. Ông Đang đánh mắt nhìn ra thấy một vệt máu văng từ trên xuống, dưới là cái áo tù có số đẫm máu. Tất cả đã khô đen quánh lại thành một màu nâu thâm thẫm.

Ông được thày quản dạy cho một bài như thế và âm thầm lầm lũi bước vào phòng giam.

Già nằm vật xuống sàn đá lạnh. Thật là cuộc gặp mặt lạnh lùng, vô cảm như đá không được nói, không tranh cãi được, giờ trước mắt già là vệt máu, một cái áo tù và những cánh hoa đào tan tác tứa ra như máu.

Thì ra thày đã rình mò nghe chuyện ông Đang kể với cánh tù nhân đêm qua, chả thế mà gương mặt thày sáng nay khắc khổ, tư lự, cái nhìn của thày thì soi mói muốn đào xới xem người tù làm gì, nghĩ gì…Đêm hôm qua thày đã biết Nguyễn Hữu Đang là người như thế nào? Có điều thày tự hỏi: “Sao con người này biết nhiều thế, nó có nhắc đến Đường Âm, Bắc Mê, Phố Cáo, nhắc đến cả dinh nhà họ Vương, mà thày ở đây đã bao năm chưa một lần nghe thấy, chưa lần đặt chân đến”.

Chiều đó ông Đang xuống bếp nhặt rau, và ra giếng đa múc nước rửa, cái giếng nông choẹt múc độ hai gầu đã hết phải chờ giọt những nước khẽ nhỏ long tong trong khe đá. Ông tranh thủ hỏi chuyện về người tù xấu số kia là ai? Và họ chết thế nào? Ông được người tù làm bếp nhanh chóng đặt đòn gánh lên vai, mặt cúi xuống, vội nói lí nhí mấy câu:

-“Anh ta đập đầu vào tường đá, chưa chết hẳn, lại được thày quản làm việc nhân nghĩa mới đi hẳn. Một người có giáo dục đấy, anh ta không chịu nổi sự xúc phạm”…

Trại Quyết Tiến nằm bên kia dốc Pác Sum gần tới Cổng Trời Quảng Bạ. Một con đường được bám vào sườn núi đá dựng đứng được người cố thổ của cao nguyên đá mở ra từ lâu. Nó như huyết quản con người, nối liền Đồng Văn Hà Giang. Đây là con đường độc nhất vô nhị như đường Sạn Đạo vào nước Thục thời chiến quốc. Mất nó dĩ nhiên không ai lên được Vương quốc Mèo Vạc. Con đường đó rộng độ hai mét như dây chão dài lùng nhùng quấn quanh đồi núi lởm chởm đá tai mèo, cánh mã phu vận tải hàng từ dinh họ Vương xuôi Hà Giang hay từ Hà Giang ngược lên cao nguyên đá đều sợ con đường đá chênh vênh mà chú ngựa thồ gõ móng. Đúng là :”Non xanh gõ hòn đá xanh”.

Cái khoảng cách 10km từ chân dốc Pắc Sum vào làng Đán đến cây số 34 lối rẽ vào trại Quyết Tiến dựng 4 điểm chốt. Chốt 24, chốt 27, chốt 30, chốt 34. Mỗi chốt là một tay súng trinh sát thiện xạ luôn ngồi xổm trong cái chòi cao, dán mắt xuống đường. Anh trinh sát người Kinh, người Tày, người Thái rất khôn ngoan, đã biết chặt nứa, rải ra mặt đường chỗ nào cắm chốt dài độ 100m. Ban đêm cây nứa nỏ sáng trắng, và lá nứa khô rải khắp mặt đường, chỉ cần con chuột chạy qua cũng tạo ra tiếng kêu đánh thức cả núi rừng. Thằng tù muốn về Hà Giang ư? Không đi đường đó hỏi đi đường nào? Hay bay lên trời? “Dơ tay với được trời” hay lao xuống vực, nếu men theo mép đường rơi xuống vực mạng người sẽ đi vào “Đường Âm” đấy! Dù có qua được chốt thứ nhất, còn chốt thứ 2, chốt thứ 3, chốt thứ 4 ở trước mặt, nên anh tù chẳng dại gì mà trốn khỏi làng Đán. Mà trốn cũng không nổi. Chốt 24 nằm ở địa bàn xã Minh Tân. Hồi chiến tranh biên giới pháo địch đã nã vào đất xã Minh Tân và đất Xạc nhà bà ba Vương Chí Xình. Đạn pháo phá tường nhà Xình, vàng được làm thành thỏi giấu trong tường nhà không biết bao nhiêu mà kể. Tường đổ, vàng tung tóe người ta tưởng đấy là những thỏi đồng, cầm lấy ném nhau chơi, mãi sau này mới biết. Đó là vàng nhà Vương Chí Xình. Chốt 27 có cửa hàng mua bán của huyện, những súc vải xanh sĩ lâm, vải láng, áo chàm, đồng hồ, đèn pin Trung Quốc. Thôi thì lỉnh kỉnh đủ thứ, chả thiếu gì, chỉ thiếu “tiền”. Mấy ông trinh sát thấy hàng quán rẻ ê hề, cố tiết kiệm mua lấy nửa lạng mì chính trong cái lọ và ít đá lửa gửi về xuôi cho mẹ. Hàng tuần ngựa từ Hà Giang chở muối lên rồi chở mận, chở đào mèo, măng rừng, mộc nhĩ, nấm hương từ núi đá nhà họ Vương xuống Hà Giang. Mấy tay trinh sát tha hồ mà ngắm gái, rồi mua dứa ăn trừ bữa. Dứa xếp thành từng đống, thằng nào ăn được bao nhiêu thì ăn chứ sao? Cô cửa hàng cứ đếm cuống mà tính tiền, có tay láu cá ăn quả rồi ném cuống xuống bìa rừng, chỉ để lại mấy cuống, đánh lừa ánh mắt ranh mãnh lúng liếng của cô mậu dịch. Đôi lúc các cô biết thừa đi nhưng chỉ cười trừ cho vui chứ biết làm sao với mấy ông mãnh giữa núi rừng heo hút đều trong cái cảnh xa nhà xa quê cả. Nhất là khi vớ được chai mật ong Bắc Hà, mùa hoa thuốc phiện cánh mã phu thi nhau mút mật. Đêm đó trạm 27 xôm ra trò. Anh coi tù ở chốt, nghe tiếng hú tiếng chạm cốc, ghé vào tợp một hớp cho đỡ buồn tẻ. Có lần ở chốt 27. Ban đêm mặt đường có tiếng kêu rộp roạp, rộp roạt. Theo bản năng anh trinh sát không quên xiết đủ một băng A-K dọc chốt, tiếng súng nổ chúa chát, dòn khô, bớt vẻ hoang lạnh của núi rừng. Sau băng đạn kéo dài núi rừng như thức dậy, con chim vỗ cánh, con hoẵng táp tiếng gọi mẹ vu vơ. Sáng ra lò dò xuống chốt, trước mắt anh trinh sát nhìn thấy chú lợn rừng lông lá đen thuỗm, mắt trợn trừng nhìn lên chốt như oán trách vu vơ. Con vật lông móc kềnh càng, to cao, có tới hàng tạ, anh ta cười lại dơ súng siết cò chỉ thiên cho sướng, rồi tìm cách báo về cửa hàng hợp tác xã cho người ra kiêng lợn. Bữa đó thì rượu men lá nấu ngô nương, được múc trong những chiếc vầu tre, cạp vào miệng nín một hơi và đốt thịt lợn rừng lên mà nhai cho hả. Mấy anh đi đường gặp may tạt vào cửa hàng cũng vui đến chết mệt. Ăn xong lên núi, anh trinh sát nhìn cái nền nhà cắm chốt đã bị gió nhà trời cuốn mất lúc chiều quăng xuống lũng sâu chỉ còn trơ cái nền chình đất đỏ chon chót. Dưới chân núi, cây số 30 có 400 con bò của trại thường ngày gặm cỏ. Đấy cũng là trạm chung chuyển lương thực thực phẩm vào làng Đán. Hàng ngày tiếng máy xát từ đấy bay ra, nghe tiếng máy, ngửi mùi cám thơm tù nhân biết có gạo Yên Minh vừa chuyển về tối qua. Thế nào cũng kiếm được bữa phổng bụng. Cái trạm chung chuyển ấy cũng có nhiều chuyện linh tinh linh tang ra phết, vì đã có hàng hóa là sẽ có sự trao đổi, mua bán kể cả thuốc phiện. Những việc ấy, người ta biết giấu “nhẹm”, chỉ có mấy cây sa mộc đứng đó, là nhân chứng một thời. Tù nhân đập đá xếp thành tường như người Mèo, người Lô Lố. Có chỗ móc đất dưới hõm núi Chình tường dày hàng mét để tránh nóng tránh rét mà chỉ có tường đất mới làm đỡ cơn lạnh của gió núi, trên lợp đá xẻ xanh ngắt. Tù nhân bắc nước bằng cây vầu từ núi cao vào trạm chung chuyển hứng trong cái chảo gang lớn. Nó là cái bể di động, nay kê cao ở chỗ này, mai hứng ở chỗ kia, đâu có nước, cái chảo gang có mặt. Tất cả cán bộ, tù nhân, đời sống hàng ngày đều nom vào cái chảo to tướng ở đầu bếp. Có đêm mưa chú lợn rừng qua đấy lấy mõm hất máng, hoặc tũn một đống phân vào máng, nước không chảy được. Cái chảo nước khô tom, vàng khè nhăn răng làm bao con mắt nhìn nó đầy thất vọng.

Đêm mùa đông cánh tù nhân còn để thùng phân cháy rừng rực dưới gầm sàn chống rét, nằm trên cháy cả chiếu mà vẫn không hết lạnh.

Nguyễn Hữu Đang vẫn nằm sâu trong núi và hóng hót chuyện ở các trạm chốt, trạm chung chuyển mà hàng tuần người tù mang vào kể ở bếp ăn nơi già ngồi nhặt rau, làm không khí trong bếp cũng chộn rộn hẳn lên.

“Muỗi Pắc Sum, hùm làng Đán, dốc Cản Tỉ, Phỉ Đồng Văn”. Ông Đang bảo: “Nghe hoang vắng xa xôi quá”. Ông nhớ cái hôm vào trại Quyết Tiến qua cây số 34 rẽ vào độ 1km, con mắt ông bắt gặp cái biển đỏ, treo ngang hai cột xi măng mốc thếch, với cái tên “Công trường 75A Hà Nội”. Ông già nghĩ đây chắc là công trường để cải tạo lao động. Dù sao nó cũng dễ thở hơn Hỏa Lò. Cái biển treo gợi cảm cho sự sống, nom đến hiền lành dễ thương. Hai chữ “Công trường” làm ông nghĩ đến “Công trường Điện Biên” nông trường chè Lai Châu, nông trường chăn bò của Hồ Giáo. Đây là chỗ làm ăn nuôi sống con người. Con người và cây lá xung quanh đến hòn đất cũng hết sức thân thiện. Cái biển ấy ông chỉ trông thấy một lần duy nhất lúc vào trại Quyết Tiến. Từ quốc lộ rẽ vào độ một cây đường núi có những cây sa mộc đứng như vẫy gọi đoàn người. Ông ngồi trong cái xe tải lắc lư, nhìn loáng thoáng những vạt ngô của người Kinh, người Nùng. Sau này ông biết có độ 500 hộ dân, với diện tích 50 ha, bằng phẳng có núi non bao bọc. Núi Cá Chép nằm tay phải, cái thung lũng nhỏ hẹp ấy ai biết đâu lại là “Làng Đán” mà ở dưới xuôi ngày xưa ông đã nghe tiếng “hùm làng Đán”.

V.B.C.

(Xem tiếp kỳ sau)

Comments are closed.