Trong cái cũi người

Truyện Lê Công Tư


Đoạn đường từ Pleiku lên Kon Tum khá giống con đường dẫn lên đỉnh trời, liên tục có những bầu trời bị bỏ rơi lại sau lưng và những bầu trời mới liên tục xuất hiện với những khoang trời rộng, cho dù anh biết chúng vẫn chỉ là một bầu trời. Nó đã từng có trước khi anh sinh ra, đã từng thấy khi còn nhỏ và nó sẽ vẫn còn đó khi anh đã chui xuống mồ. Cho đến khi chẳng còn bầu trời lạ nào xuất hiện nữa thì trước mắt anh hiện ra một thành phố nhỏ nằm gọn giữa lòng một thung lũng với những đám khói trời. Một dòng sông mềm như một dải lụa ôm ngang thành phố. Xa xa chắn ngang đường chân trời là những dãy núi xanh mờ.

Nơi anh ở gần ngôi Nhà thờ Gỗ. Buổi sáng người lớn đi làm, trẻ con đi học. Chỉ còn một mình anh với những dải nắng im, chẳng biết làm gì. Anh đi bộ ra bờ sông Đakbla, gọi cà phê uống, rồi nhìn ngó bâng quơ. Nhìn bản đồ, anh nhận ra con sông này giống như một đứa trẻ ham chơi xa. Thay vì đổ về hướng Đông để ra biển cho gần, nó lại chảy qua Lào, hút sâu vào nội địa, mải mê, nhọc nhằn với những ghềnh thác cùng những cánh rừng sâu trước khi tìm đường ra biển xanh. Nhìn dòng sông mất hút về những dãy núi ở phía Tây. Bên kia là xứ Lào, mơ hồ, bí mật và gần gũi.

Nhìn chán con sông cùng những dãy núi, anh chui đầu vào các nhà thờ nhìn Chúa Jesus cùng mấy ông Thánh, mấy dì phước cùng mấy đứa trẻ con đang cầu nguyện. Khi thấy chẳng còn gì để nhìn, anh bâng quơ nhìn mấy cọng cỏ. Sau khi chán tất cả mọi thứ, anh chui đầu vào nhà ngục Kon Tum.

Nằm bên bờ sông nơi có hai nấm mồ tập thể cùng với hàng trăm tấm ảnh trắng đen của những người tù chính trị bị phát vãng đến chốn này vào những năm 1930. Giờ đây tất cả những khuôn mặt của bọn họ tựa như những hoài niệm cuối cùng gợi lại trần gian trước khi tan theo những ngọn khói trời.

Gần một tuần lễ, ngày nào cũng thế, anh cứ thơ thẩn ở các nhà thờ như một con chiên ngoan đạo. Cho đến khi tất cả đã trở nên chán ngắt, anh lại thơ thẩn trong nhà ngục như một kẻ tội đồ, nói chuyện với những oan hồn mà như thể trong mắt của họ vẫn còn nguyên những mùa mưa rừng, đủ để anh nghe ra mơ hồ giữa mưa nắng trần gian là những niềm oan khuất.

***

Chiều nào cũng vậy, khi mặt trời xuống gần tới chân những dãy núi xa, nắng chiều vẫn còn heo hắt trên sông, đó là lúc Chúa Jesus rời khỏi cây thập giá ở ngôi nhà thờ cao nhất. Ngài đi bộ ra bờ sông, ngồi dưới bóng cây như thể chờ đợi một ai đó, và chỉ một lúc sau là một người mặc áo tù xuất hiện từ sau những lùm bụi, đến ngồi cạnh Chúa Jesus như một người bạn đã quen từ lâu. Cả hai ngồi lặng im nhìn dòng sông lặng lờ trôi giữa hai bờ hoàng hôn như thể nó đang đắm mình vào cái tĩnh lặng cuối ngày. Những cánh đồng bắp cùng những bãi bờ ở hai bên sông như thể cũng tìm được sự nghỉ ngơi giữa cái êm ả của một buổi chiền tà. Nhìn bâng quơ cảnh một buổi chiều đang chầm chậm xuống, cái vương quốc thế gian không phải lúc nào cũng xuất hiện một cách thanh bình, êm ả như thế này, Chúa nói với người bạn tù:

– Chỉ cần được sống thôi để được nhìn ngó một buổi chiều như thế này đã là một ơn phước rồi, bất kể cuộc sống đó ra sao. Tôi chỉ thực sự nhận ra điều này khi bị người ta đóng đinh trên cây thập giá.

Nhìn người bạn gầy ốm xanh xao, tóc như muốn rụng gần hết vì những trận sốt rừng, thật khó có thể tưởng tượng ra đây là con Đức Chúa Trời, dễ khiến cho người ta có cái cảm tưởng là sự cứu chuộc đã xảy ra cách đây hơn 2000 năm nay nhập thế trở lại chốn này với tất cả những buồn bã vốn có, người tù hỏi Chúa:

-Hình như thầy nghi ngờ sự cứu chuộc của mình rồi sao?

Chúa im lặng chẳng nói năng gì như thể ngài muốn nhìn lại cái chặng đường lao nhọc mà người đã đi qua rồi nói:

-Tôi có biết hai cha con nhà nọ, ăn xong tối ngày chơi số đề. Họ mê cái trò xổ số đến độ phải thế chấp cả nhà cửa, ruộng vườn, nợ nần ngập đầu để đeo đuổi theo mấy con số. Cuối cùng đứa con treo cổ tự tử vì tuyệt vọng. Một tuần sau hắn xuất hiện trong giấc mơ của người cha khuyên cha nên đánh con số mà nó tin rằng sẽ trúng. Người cha bán tiếp của cải. Vẫn trật. Mười ngày sau, đứa con lại xuất hiện trong giấc mộng của người cha và mách cho ông một con số khác, lần này cũng không trúng. Đến lần mách bảo thứ ba thì người cha trúng số thật. Ba ngày sau, đứa con hiện ra trong giấc mơ với một khuôn mặt đầy máu.

Người cha thảng thốt hỏi: Sao mặt mày lại đầy máu thế kia?

Đứa con trả lời:

-Có hàng ngàn cô hồn tranh nhau một con số ở trong cái lồng cầu. Con phải giành giựt đánh nhau với bọn đó để được một con số cho cha.

Kể xong câu chuyện, Chúa nói:

-Dẫu sao cái chết của thằng con cũng có một chút ơn ích gì cho cha nó bởi máu của nó cũng mua được một cái gì. Còn máu của tôi đổ xuống đất này đã mua được cái gì đâu. Chỉ có một lần có một người anh em đã bán tôi để lấy mấy nén bạc. Số tiền đó chắc cũng đủ để được một đêm vui phải không anh? Cái lần đó vậy mà hay bởi dẫu sao tôi cũng thấy mình có ích cho một ai đó. Sao tôi cứ nhớ hoài cái lần ở trong một ngôi làng của người da đỏ ở Nam Mỹ. Một cái nơi đầy bụi đỏ, nghèo nàn với lũ trẻ con nheo nhóc. Người ngợm, trâu bò, gà vịt, súc vật sống lẫn lộn với nhau, những tàu lá chuối khô trong nắng. Những buổi trưa từ nhà thờ nhìn ra chỉ thấy một cánh đồng khô hạn cùng với những lùm bụi gai. Trưa nào cũng thế, có một dì phước ngồi chơi đàn một mình giữa một giáo đuờng vắng im với tường vách đầy bụi đỏ. Bên ngoài có tiếng chim sẻ ríu rít trên những tàng cây loang nắng. Thỉnh thoảng có một cơn gió khô từ hoang mạc thổi về. Hình như cha của tôi ở trên trời cũng ngại ghé chân đến chốn này. Sự vắng mặt của người chỉ khiến cho tiếng đàn của người nữ tu nọ mất hút đâu đó trong cái nắng trưa rồi tan vào bụi đỏ. Một buổi chiều, có người phụ nữ bế trên tay một thằng bé ốm nhom. Nhìn thằng nhỏ, tôi ứa nước mắt, cái tác phẩm này của cha tôi sao buồn bã quá. Tôi chưa hết buồn thì người mẹ phân trần:

-Thầy nghĩ coi, ban đầu người của thầy đến nói là tụi tôi hãy đọc Thánh kinh đi, trong đó có tin mừng lẫn ơn phước. Nghe lời họ, tụi tôi mừng rỡ cắm cúi đọc. Đến sáng hôm sau, tụi tôi thấy cuốn Thánh kinh thì ở trong tay tụi tôi, còn đất đai của tụi tôi thì thuộc về người của thầy. Tụi tui chẳng còn biết làm gì để sống ở chốn này.

Nói xong người đàn bà thẫn thờ bế đứa nhỏ đi mất, còn tôi thì ngồi lại với cái đầu ráo hoảnh, trống trơn nhìn ra cánh đồng nắng. Tôi mơ hồ thấy khuôn mặt của cha tôi khét lẹt, khô khốc như sa mạc. Còn con người thì chưa bao giờ hiểu ra đúng đắn một điều gì, cái khả năng duy nhất mà họ có là hiểu sai, kể cả đó là điều giản dị nhất.

– Rồi thầy nói với người đàn bà đó ra làm sao?

– Tôi không nói gì cả, chỉ cảm thấy cây thập giá đang mang trên lưng nặng thêm một chút nữa. Có lẽ phải sống cả ngàn năm ở trên đó mới thấm thía cái phù phiếm của tất cả mọi giá trị. Kể cả sự cứu chuộc. Hình như lý lịch của tôi đã bị lãng quên. Tôi sinh ra trong chuồng trại của súc vật. Tôi còn nhớ mãi mùi thơm của rơm rạ nơi đó cùng những đôi mắt của lũ thú hiền. Tôi sống được là nhờ hơi ấm của mấy người anh em này. Mùa đông đó lạnh quá, chẳng có củi đun. Mẹ của tôi gần như đã kiệt sức vì sự săn lùng của con người. Khi sinh tôi ra, trông bà chỉ khá hơn một xác chết. Sau đó cuộc sống đưa đẩy tôi đến nhiều nơi. Tôi vẫn nhớ những chuồng trại nghèo nàn đó với tấm lòng biết ơn. Tôi còn nhớ mãi một ngôi nhà thờ xây toàn bằng đá ở gần Di Linh, trông khá nặng nề nhưng tôi vẫn thích nó vì nó nằm giữa lòng một thị trấn bình yên. Những giáo dân thì hầu hết là nông dân thất học, tối ngày lo trồng trà, cà phê và chăn nuôi. Cuộc sống trôi qua khá đơn điệu, lặng lẽ. Thời gian ở chốn này vì thế trôi qua rất chậm. Có nhiều buổi trưa im. Thời gian mơ hồ như thể ngừng trôi trong vắng im của trưa nắng. Tôi nhận ra được diện mạo của cha mình bất động, vĩnh hằng, phi thời gian, phi bản chất.

Có một lần, vị cha sở ở nơi đó mở một cuộc quyên tiền để xây lại cái cổng đá đã nghiêng xiêu, sắp đổ. Sau đó sáng Chủ nhật nào sau buổi lễ, cha sở cũng đọc danh sách những người đóng tiền, chẳng biết vô tình hay cố ý, lúc nào cha cũng đọc những người đóng nhiều tiền trước. Điều đó vô tình khiến buồn lòng một ông cụ. Ông lão nghèo quá nên đóng góp chẳng bao nhiêu, nên lúc nào cũng nằm ở cuối danh sách. Sao tôi cứ nhớ hoài cái hình hài nhỏ bé đó, như muốn nhỏ thêm chút nữa trước cái giọng đọc sang sảng của cha sở. Như thể nghèo cũng có lỗi trước Thượng đế anh ạ. Hình ảnh một cụ già nhỏ bé, gầy ốm ngày nào cũng úp mặt vào bức tường đá bên ngoài nhà thờ cầu nguyện khiến tôi cảm động. Cha của tôi ở trên trời cũng thế. Hình như bằng một mối hiệp thông lẫn cảm thông sâu sắc nào đó đã khiến ông cụ nhận ra Chúa ở trong bức tường đá chứ không nhất thiết là chỉ ở trên bệ thờ.

Cuối cùng thì cánh cổng cũng được xây lên, đẹp hơn trước. Tuy nhiên mỗi lúc nhìn vào cánh cổng, tôi lại thấy nỗi buồn của ông cụ treo lơ lửng nơi đó. Từ đó tôi chẳng bao giờ đi qua cánh cổng đó. Bên cạnh cổng, có một cái lỗ nhỏ của mấy con chó thường hay chui vào sân nhà thờ để chạy chơi. Tôi đi vào nhà thờ bằng lối này. Hai tháng sau, có một người tài xế lái xe trong lúc say rượu đã tông đổ trụ cổng, lối đi vào lại trống trơn, thoáng đãng đến độ có nhiều buổi chiều, những đám mây trắng cũng lững thững đi qua chốn này.

– Thế còn ông cụ?

– Mười năm sau, có một lần về thăm cha tôi trên trời, tôi thấy ông cụ đang gặt lúa trên một cánh đồng trời. Trên mặt ông cụ chan hòa nắng.

Đôi mắt nhìn ra xa xăm một chút. Chúa nói tiếp:

– Sự vinh hiển của ánh sáng lẫn tin mừng đã được vinh danh theo một đường lối khác. Những con sâu cái kiến đã không có được một chỗ đứng dưới làn ánh sáng đục mờ đó, đã khiến cho cuộc hành trình của con người trong đó có tôi và cha tôi ở trên trời, trong lúc băng qua trần gian này trở nên lầy lội, chúng ta đi qua những cánh đồng của bùn nhão.

-Thầy ở trên đó có lạnh không?

-Anh thấy đó, tất cả những cây thập giá đều ở trên cao nhất, trên đó gió nhiều, dù vậy vẫn dễ chịu hơn là nằm giữa trái tim người. Tôi nhận ra điều này khi ẩn cư giữa những cây thập giá làm bằng vàng, bằng bạc đeo nơi cổ con người. Ở đó, tôi đọc ra được ý nghĩ của nhân loại. Cha tôi ở trên trời đã khéo biết bao khi tạo ra cái hộp sọ dày kín như bưng để không ai có thể đọc ra những gì đang diễn ra trong đó, bởi nếu có thể nhìn thấy những ý nghĩ trong đầu của con người thì đó chỉ có thể là một nhà thương điên.

Nhìn người bạn tù xanh mướt, Chúa Jesus động lòng hỏi:

– Cuộc sống ở trong đó ra sao?

– Khi đi làm cách mạng tụi tôi cũng đã dự trù cho mình một chỗ ở trong tù rồi nên không có gì nghiêm trọng lắm.

– Thế ăn uống ra sao, có đầy đủ không?

– Chỉ có sự mất tự do là đầy đủ nhất, còn lại là thiếu thốn trăm bề. Những bữa cơm ăn với mắm pha giòi, những trận sốt rét, nhục hình… Nói chung là những gì có thể làm nên một địa ngục. Thế còn thầy ở trên cao đó thầy ăn gì?

-Sương mù, đêm tối, gió cùng những giấc mơ sũng nước.

-Ở trên đó cũng mệt mỏi thế sao?

-Không mệt mỏi sao được khi thấy mình vẫn còn sống trong cái cũi người. Tôi đã vác hết những lầm lỗi của con người để đi qua cánh đồng đời. Cánh đồng đó trơn trượt quá. Từ dạo đó đến nay sao vẫn chưa thấy một mùa Giáng sinh nào mở ra trên môi mắt nhân loại.

Từ một khối óc đã mụ dần đi vì nhọc nhằn, đói khát, người tù mơ hồ nghe ra giữa nắng gió một nỗi đắng cay, đày đọa.

– Thầy muốn gì ở nơi tôi mà ngày nào thầy cũng rủ tôi ra đây?

– Tôi muốn gặp anh chỉ để nói lời xin lỗi. Bởi có thể vì người ta muốn tôi đến chốn này mà anh mới lâm vào cảnh tù tội. Nếu không, có thể giờ này anh đang chơi đùa cùng với vợ con, đang chè chén với bạn bè, đang thu hoạch vụ mùa, đang dẫn đứa nhỏ nhất ra chợ mua cho nó chiếc áo. Bởi đó chính là cái ước nguyện của một kẻ thác mình trên cây thánh giá.

Mặt sông bắt đầu ngã màu tím thẫm, Chúa cùng với người tù ngồi im nhìn bóng tối loang dần trên mặt nước. Trông hiu hắt, chia chung một nỗi buồn. Nỗi buồn của môt kẻ mất nước và nỗi buồn của một người mơ hồ có cảm tưởng hình như chưa có được một chỗ nào trên thế gian này xứng đáng để dựng ở đó một cây thánh giá.

Dalat 2/12/2017

Comments are closed.