Nguyễn Xuân Khánh
Tiểu thuyết
Phần 2
Hành trình vào hỗn mang
Ngày… tháng…
Nghe tin tôi khỏi bệnh, Lân đến thăm. Tôi vui mừng bám lấy Lân để hàn huyên, kể lể, tâm sự, cứ như thể xa cách hàng năm. Lân nhận xét:
– Đúng thời gian anh ốm, Tám cũng đi đâu mất. Tôi đến nhà mấy lần, chỉ thấy đóng cửa im ỉm. Chẳng có lẽ…
– Có lẽ gì nữa. Thật huyền hoặc, nhưng tôi tin chắc Tám cũng vừa trải qua một cuộc du hành. Anh ấy đi tìm tôi trong giấc mơ, và đã gặp tôi trong xứ Vui. Anh ấy đến để hỗ trợ tôi, giúp đỡ tôi. Điều đó đúng với tính cách của Tám.
– Sao lại giúp đỡ?
Câu hỏi đột nhiên làm làm giấc mơ dĩ vãng lại tái hiện trong óc tôi rõ mồn một.
– Đáng lẽ người ta cũng đưa tôi đi mổ não, thay một bộ phận não bằng bộ phận não khỉ. Tôi ngồi trong căn buồng trắng suốt ngày ôm đầu lo lắng. Chính lúc ấy, anh Tám trở về với tôi. Khi bị thẩm vấn lần cuối để xác định xem đã thay đổi tư tưởng chưa, Tám trở nên ngớ ngẩn. Người ta dùng hết mọi biện pháp khoa học (như điện não đồ, soi đáy mắt, test tâm lý, test ngôn ngữ, tìm phản ứng trong tình trạng stress…) để kiểm tra bộ não thực sự của Tám ra sao. Cuối cùng, người ta đã đày Tám lên rừng; họ nghĩ rằng máu huyết của cái thân xác khỉ kia đã biến đổi anh thành giống Người – khỉ thực sự. Song họ đã lầm. Tám đã đánh lừa được họ; đầu óc anh vẫn tỉnh táo. Và chính nhờ vào cái chân, cái tay khỉ ấy, Tám đã có thể nhẩy chuyền trên những cây cao, tìm về nhà giam cứu tôi. Tám đã cõng tôi trên lưng, leo cây, trở về rừng. Anh đã chỉ cho tôi biết con suối sương mù, con suối chảy mấp mé giữa bờ sống và bờ chết. Tôi đã lội ngược theo con suối ấy, tìm đường trở về cõi nhân gian.
– Thật huyền hoặc. Nhưng …
– Nhưng sao?
– Nhưng rất trùng khớp.
– Trùng khớp cái gì?
– Tám cũng vừa mới trở về.
– Sao anh chẳng mời Tám đến chơi tôi? Tôi muốn gặp anh ấy quá. Tiếc rằng tôi chưa khoẻ hẳn để đến nhà anh ấy.
Lân rầu rĩ tiếp:
– Anh ấy trở về với chiếc ba lô bộ đội sờn rách trên vai. Song, anh ấy chẳng đến đây được nữa.
– Sao?
– Tám đã mất trí.
Tôi kêu to:
– Trời ơi!
– Suốt ngày Tám chỉ leo cây. Phải chăng trong cơn điên, Tám lặp lại công việc của một con khỉ? Chẳng có lẽ. Bởi vì, trước kia trong bộ đội đặc công, Tám chuyên làm công tác trinh sát từ trên cây cao. Tám leo trèo rất giỏi.
Ngày… tháng…
Nhắm mắt, bóng Tám hiện ra. Mở mắt, bóng Tám vẫn hiện ra.
Hình ảnh ấy là một phẫn nộ, một tố cáo, hay một cuộc tra hỏi không nguôi?
Bóng dáng ấy, có đêm đứng giơ tay lên trời, và rì rầm kêu gọi:
Poóc xi nô ma ni
Anh đứng giữa đêm đen, đầu ngật ngưỡng lắc lư, bơ vơ như một nhà tiên tri, chuộc lỗi cho thế gian. Hình ảnh ấy có vẻ ma quái, nhưng vơi nhẹ lòng người.
Thật hay mơ? Dù là một giấc mơ thì cũng là một niềm an ủi. Bởi vì, chưa thấy một con đường, nhưng ít ra cũng thấy một con người gánh chịu. Bởi vì chưa thấy một Thích Ca, nhưng đã thấy một Bồ Tát, đã thấy một luân hồi đội đá phù sinh.
Ngày… tháng…
– Anh Tám! Anh đang nói gì với tôi vậy? Hãy nói to thêm chút nữa cho tôi nghe rõ.
– Anh nói rằng: Tất cả đều phụ thuộc vào duyên.
– Duyên là gì?
Tôi hỏi to, nhưng bóng Tám lại biến đi.
Ngày… tháng…
– Anh Tám! Sao anh lại ngồi thẫn thờ tư lự?
– Anh Tám! Sao anh không nói? Hãy đối thoại với tôi đi.
– Anh Tám! Sao tôi hỏi, anh cứ lặng im? ừ, mà có thể tôi đã hiểu. Trời ơi! Hồn ma mà cũng mệt mỏi. Cả đến Tiên, Phật chắc lúc này cũng có thể rã rời.
Ngày… tháng…
– Hồ Ly ơi! Hồ Ly ơi! Mi ơi!
Ta gọi tên em như một tiếng nhạc mà cứ ngỡ gọi tên một loài hoa thơm ngát. Giờ này em ở đâu? Ta chợt rùng mình khi nghe tiếng em thất thanh.
– Hoàng ơi! Hoàng ơi!
Ta chợt nhìn thấy em đầm đìa nước mắt, rẫy rụa trong lâu đài đá hoa, cái đẹp diễm kiều bị chôn trong một nấm mồ nhung lụa.
Hồ Ly ơi! Cái đẹp của ta ơi! Nước mắt của ta ơi! Họ đã giết mất em rồi chăng? Ta vẫn thấy bàn tay mềm mại của em chới với. Ta không tin, dù một kẻ sát nhân gớm ghiếc đến thế nào cũng chẳng dám giơ dao đâm vào trái tim ngọc ngà của em.
Anh van em đấy. Hãy hiện hình ra đi. Để anh lại cầm tay em, cô Hồ Ly xinh đẹp của anh, đem trả lại cho Tây Hồ, trả lại cho mặt nước sương mù. Và để em lại ban cho anh một chiếc hôn thầm vơi nhẹ.
Nàng hiện ra như một đám mây xa vời, như một ảo ảnh. Người đi trong sa mạc, dù tìm thấy một ảo ảnh, cũng vẫn có niềm an ủi. Bởi vì còn ảo ảnh, chân ta còn bước. Ta chỉ sợ đến lúc, trên thế gian này, ảo ảnh rồi cũng tắt.
Ngày… tháng…
Vợ tôi hỏi:
– Anh Hoàng! Sao đêm đêm anh vẫn thở dài? Anh rì rầm với ai trong giấc ngủ? Anh tỉnh lại rồi hay vẫn nằm mơ? Anh khỏi bệnh hay còn điên dại?
Tôi không trả lời. Và vợ tôi khóc:
– Hay anh hãy còn giận em?
Tôi ôm lấy đôi vai gầy guộc rung rung của nàng. Và trong tay người đàn bà, tôi chợt quên đi vũ trụ.
Ngày… tháng…
Tôi đã đứng dậy nổi một mình, đã đi được quanh quẩn trong nhà ngoài sân.
Sức khoẻ tôi dần dần bình phục. Và bóng dáng của Tám cũng dần dần thưa thớt, ít hiện về.
Ngày… tháng…
Tôi đã bình phục hẳn.
Giấc mơ dài mà tôi vừa trải qua cũng chìm dần vào ký ức. Chỉ còn dư đọng lại trong tôi lúc này một cảm giác buồn buồn vô hình, vô ảnh.
Từ khi ốm dậy, tôi không ngó đến cái chuồng lợn mà mấy tháng trước, ngày nào tôi cũng túc trực say mê. Tôi cũng chẳng buồn nhắc đến tên những con lợn Bò, lợn Lang, lợn Ỉn … những con vật đã cùng tôi tham dự vào một chuyến phiêu lưu.
Hay là sự thoát chết, sự sống lại đã biến tôi trở thành nhút nhát, trở thành kẻ sợ hãi đến cả những kỷ niệm.
Ngày… tháng…
Thằng Linh ở trường đại học về. Mỗi tuần lễ thằng bé về nhà một lần. Có mặt nó, căn nhà bỗng sôi nổi hẳn lên. Lại thấy tiếng đàn, tiếng hát. Lại rộ tiếng cười. Lại thấy sự sống nhộn nhịp đánh thức cái mơ màng của căn nhà dưỡng bệnh.
Từ khi tôi khỏi bệnh, hai cha con tôi chưa nói chuyện với nhau hôm nào. Có thể thằng bé tránh nói chuyện với bố; nó không muốn có một xung đột tư tưởng giữa hai cha con, trong khi tôi còn chưa khoẻ hẳn. Tôi phải chủ động gợi chuyện trước. Hai cha con ngồi bên bàn nước trà. Tôi hút điếu thuốc lào rồi hỏi:
– Tháng vừa qua, bố ốm, gia đình ra sao?
– Chẳng có gì lạ bố ạ.
– Cậu lại né tránh rồi. Xin nói, tớ đã khoẻ hẳn rồi. Cậu cứ nói thật. Chẳng ngại gì sức khoẻ của bố.
– Bố muốn hỏi con về đàn lợn chứ gì? Bố vẫn chưa hết cơn say mê nuôi lợn ư?
Tôi cũng nói đùa theo:
– Cơn bão, trước khi tan, cũng còn dư lại vài cơn gió giật, nữa là cơn lợn… Hãy còn một chút dư âm đấy Linh ạ.
Linh cúi đầu nói nhỏ:
– Con giải tán cả đàn. Bố ốm, gia đình túng bấn. Mấy con lợn ỉn chưa hết lớn, phải bán cho người ta nuôi tiếp. Còn con lợn Bò, hôm nọ con phải giết thịt, bán lấy tiền trả nợ và bồi dưỡng cho bố.
Tôi thở dài:
– Hoá ra công cốc. Tiền lãi chăn lợn chỉ đủ để nuôi tôi ốm. Mẹ con cậu phải khổ sở vì tôi.
– Biết làm sao khác được. Bố nghĩ ngợi mà làm gì. Chỉ cốt bố khoẻ hẳn.
– Rồi thì ra sao nhỉ? Hôm qua tao thấy mẹ con mày thì thầm tính toán tiền nong. Nghe lõm bõm, chỉ riêng cái khoản mua giấy bút cho anh em mày đã lên tới trên trăm đồng.
– Mớ rau muống hôm nay còn giá ba đồng. Cái gì cũng đắt… Chính vì vậy nên…
Tôi ngẩng đầu nghe Linh, nhưng con tôi cứ ngập ngừng mãi. Tôi bảo:
– Anh định ý kiến gì? Cứ nói.
Vẻ mặt con tôi trở nên nghiêm trang:
– Chính vì vậy nên, con quyết định đi mổ lợn.
– Anh làm đồ tể?
– Vâng, đồ tể.
Tôi đột nhiên im lặng. Con tôi nhìn tôi thăm dò. Nó có vẻ lo lắng nhưng quyết tâm thuyết phục tôi:
– Con sẽ đi theo chú Hợi làm thêm buổi sáng. Cứ giết mỗi con lợn xong cũng được hai chục bạc. Con đã thử tay nghề lần đầu. Con đã tự tay chọc tiết con Lợn Bò hung dữ, nặng trên một tạ…
Tôi vẫn yên lặng. Trước kia, tôi phản đối đề nghị ấy của Linh; bây giờ tôi cũng không bằng lòng. Song nói thế nào với con tôi nhỉ? Mỗi thế hệ có cách nghĩ, cách giải quyết riêng của mình. Thằng Linh vẫn kiên quyết trình bầy:
– Cả thế giới, bao nhiêu là đồ tể…
Tôi lắc đầu:
– Đừng dùng số lượng để áp đặt với bố…
– Thế giới hiện đại hoang dã, mà cha vẫn khư khư…
– Con tôi cuồng nhiệt quá. Con nên nhớ rằng, một ông thày tu cuồng nhiệt sẽ dễ dàng biến thành kẻ sát nhân. Bước nhảy đó rất gần.
– Biện luận mà làm gì hở cha. Bởi vì thực tiễn đang cần một giải đáp. Mà cha lại không có lời giải đáp…
Tôi lại cúi đầu im lặng. Con tôi đã hiểu cái thâm cùng của vấn đề.
Giải đáp ư? Thực ra, cái bóng mờ gày guộc của Tám, đầu lắc lư, tay dang rộng, vẫn chỉ là một tra hỏi khôn nguôi.
Nhưng, cái khác là ở chỗ nào nhỉ? Có lẽ ở chỗ: một đằng thì tìm về cội nguồn, còn một đằng thì khát khao cụ thể. Biết nói với con tôi bây giờ ra sao? Dù sao, những ý nghĩ của tôi vẫn chỉ là những tia sáng mong manh yếu ớt.
Con tôi cầm cây ghi ta. Tiếng đàn không lời. Tiếng đàn nói về những vì sao, những cánh chim, những phẫn nộ và ý chí không biết mệt mỏi. Tiếng đàn cuồng nhiệt rủ ta cùng tham dự. Tham dự một vũ hội cùng những với bước nhảy, những lắc lư làm ta hoa mắt; với những nhún nhẩy làm ta ngất ngây, với những tiếng cười phá, tiếng hò la làm rung rinh Ngân Hà. Tiếng đàn của Lý Bạch, hay tiếng trống rung của một bộ lạc châu Phi.
Tôi tần ngần:
“Vũ trụ chẳng có đường mòn. Thế kỷ hiện đại hiếm những con đường thẳng. Chỉ thấy những nẻo đường ngoắt ngéo.”
Ngày… tháng…
Tôi đi tìm Tám. Tôi dạo bước khắp phố phường Hà Nội. Chân tôi đếm vỉa hè; đầu tôi ngẩng lên nhìn các lùm cây.
Hôm kia, người ta bảo có một người điên, mặc quần áo bộ đội, lưng đeo ba lô, suốt ngày leo cây ở vùng chợ Bưởi. Tôi đến chợ Bưởi, dân chợ bảo rằng đó là anh bộ đội đặc công đã đứng tuổi, chỉ đi tìm những cây cao mà leo trèo. Hình như anh ta đang tìm kiếm một cái gì đó. Khi leo lên ngọn cây, bao giờ anh cũng khum tay, giả làm ống nhòm nhìn ra xa tít. Anh ta hiền lành. Những bà mẹ quê đi chợ rất thương anh, thường mua quà cho anh ăn. Tôi băn khoăn: “Biết tìm anh ở đâu bây giờ?”
Một bà cụ già khôn ngoan bảo:
– Hãy tìm đến những nơi có cây cao. Anh ta ưa sống trên những cây đại thụ. Tối qua, anh ngủ trên trạc ba cây đa làng Bưởi.
Anh Tám ơi! Hà nội có biết bao cây cao. Lúc này, anh đậu ở cây nào? Trong giấc mơ, anh đi tìm tôi cứu giúp. Lúc tôi tỉnh, sao chẳng thấy anh về? Tôi đã tìm anh trong vườn Bách Thảo, nhưng chỉ thấy những vòm đại thụ sì sào. Lại đến cả Văn Miếu tìm anh trên những ngọn muỗm già, nhưng chỉ thấy những tán lá xanh câm lặng. Chân tôi bước quanh Hồ Gươm, chợt thấy mình ngớ ngẩn, bởi vì ở đây chỉ nhiều giống thướt tha, những cây Liễu yểu điệu buông tơ, những cây Phượng đỏm dáng thấp tè soài mình soi bóng. Tôi biết anh sẽ không thèm đặt chân leo những cây này. Tại sao anh phải tìm đến những cây cao, bởi vì trên đó anh có thể nhìn rất xa, có thể phát hiện ra những điều anh thấy. Có phải thế không anh?
Tôi đến vườn hoa Pasteur vì nghĩ anh có thể leo trên ngọn những cây cọ châu Phi thẳng tắp. Đến nơi, bọn trẻ cho tôi biết, anh đang leo trèo trên những ngọn cây sao đen hùng vĩ cao vút trời Lò Đúc.
Tôi mừng vui hối hả đến nơi.
Người lớn, trẻ con xúm đông, đầu ngẩng nhìn anh ở trên ngọn cây cao chót vót. Người ta giải thích, anh bộ đội đặc công điên rồ đang tìm giặc Mỹ.
Tôi như muốn khóc. Chỉ có riêng tôi đã biết rằng họ đã khoét óc anh, đã cướp mất của anh một bộ óc diệu kỳ, và chỉ để lại cho anh một hình hài vượn khỉ. Trên đời này chẳng có ai biết điều đó, ngoài tôi.
Tôi gọi to:
– Anh Tám ơi! Anh Tám ơi!
Anh Tám chẳng nghe thấy tiếng tôi, bởi vì tay anh còn khum khum, mắt anh còn tập trung tìm kiếm. Chiếc kính thần anh còn giữ hay không? Phải chăng anh đang truy lùng? Phải chăng anh đang phát hiện những con lợn Bò quỉ quyệt? Chúng đông hay ít? Chúng ở đâu? Anh còn thấy chúng ẩn náu trong những túp lều rách nát, hay chúng đã chễm chệ ở những lâu đài tráng lệ?
Tôi lại kêu to:
– Anh Tám ơi! Anh Tám ơi!
Có lẽ anh đã nghe thấy tiếng gọi; nhưng anh khoát tay ra hiệu “im đi”. Có lẽ anh đã tìm ra được một điều gì. Anh hô to:
– Đồng bào chú ý!
Rồi anh rướn đầu lên để nhìn cho rõ. Sau đó, anh lại hô to:
– Bọn chúng đã đến. Đồng bào nằm xuống!
Một người nói vào tai tôi:
– Anh ấy đã phát hiện ra giặc.
Nhưng tai tôi ù đi, bởi vì anh hô xung phong, rồi anh vung tay làm động tác ném lựu đạn. Sau đó, anh nhảy ào lên phía trước…
Mọi người đều thét lên thất thanh, nhìn bóng Tám đang bơi trong không gian.
Anh Tám đã ngã xoài trên mặt đường, hai tay giang rộng. Tôi xô lại, quì xuống, ôm lấy anh.
– Tám ơi! Tám ơi!
Tám im lìm, máu trào bên mép. Nước mắt ròng ròng, tôi lay gọi:
– Tám ơi! Tỉnh lại đi … Hoàng đây … Hoàng đến với anh đây… có nghe thấy không?
Đôi mắt Tám cố hé ra. Đôi mắt ấy đã nhận ra tôi. Miệng Tám lẩm bẩm một điều gì rất nhỏ. Người xung quanh chẳng ai hiểu cả. Nhưng riêng tôi, chỉ nhìn những chuyển động của môi anh, tôi hiểu Tám muốn trăng trối cái điều đã bao lâu làm trái tim anh thao thức, phập phồng, khắc khoải:
Poóc xi nô ma ni!
Poóc xi nô ma ni!
Poóc xi nô ma ni!
1981-1982, Hà Nội