Vòng tròn ma thuật (kỳ 6)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

Đợt thẩm vấn thứ hai

“Khi sự tồn tại của nhà thờ bị đe doạ thì nó sẽ từ bỏ đức hạnh. Lấy thống nhất làm mục đích, nó sử dụng mọi phương tiện, kể cả những thủ đoạn xảo quyệt, dối trá, phản bội, đàn áp và giết chóc. Tất cả đều vì lợi ích của cộng đồng, cá nhân phải hi sinh cho lợi ích của cộng đồng.”

Dietrich von Nieheim, Giám mục vùng Verden (De schismate libri III, năm 1411)

1.

Trích từ nhật ký của Rubashov. Ngày thứ năm kể từ khi bị bắt.

“… Ngay trước giờ phán xử cuối cùng, chân lý tối thượng luôn bị coi là một điều lầm lẫn. Kẻ được coi là đúng ở phút cuối thì trước đó lại bị coi là sai và có hại.

Nhưng ai là người đúng? Chỉ sau này mới biết. Còn hiện nay hắn phải hành động dựa trên niềm tin của chính mình và bán linh hồn cho quỉ sứ với hi vọng sẽ được lịch sử tha thứ.

Người ta nói rằng Ông hoàng là cuốn sách gối đầu giường của Anh Cả. Ông ta làm thế là đúng: Chưa có cuốn sách nào viết về đạo đức chính trị hay hơn cuốn sách này. Chúng ta là những người đầu tiên đã thay đạo đức quân tử của nền tự do thế kỷ XIX bằng đạo đức cách mạng của thế kỷ XX. Dĩ nhiên là chúng ta đúng: làm cách mạng mà còn bám vào luật lệ thì thua là cái chắc. Trong những giai đoạn yên ắng thì có thể hành động một cách tương đối trung thực, còn tại những bước ngoặt của lịch sử thì chỉ có thể sử dụng một nguyên tắc duy nhất, có từ xa xưa, đấy là: mục đích biện minh cho phương tiện. Chúng ta đã sử dụng thuyết của Machiavelli, các chế độ độc tài phản cách mạng khác chỉ bắt chước mà thôi. Chúng ta là những người theo Machiavelli vì cuộc đấu tranh cho sự công bằng trên toàn thế giới, đấy chính là sự vĩ đại của chúng ta; còn bọn chúng thì lại vì quyền lợi quốc gia ích kỷ của chúng và đấy chính là sự lạc hậu của chúng. Đấy chính là lý do vì sao lịch sử sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ lên án chúng…

Nhưng hôm nay chúng ta phải dựa vào niềm tin để suy nghĩ và hành động. Vì chúng ta đã vất bỏ tất cả các qui uớc và nguyên tắc của luật chơi nên chúng ta buộc phải tuân theo qui tắc xuất phát từ lý trí.

Chúng ta buộc phải tìm cho ra hậu quả chung cuộc của từng ý tưởng của chúng ta và hành động cho phù hợp. Chúng ta đang lái một con tàu không có gia trọng vì vậy mỗi một khúc quanh đều là vấn đề sinh tử.

Mới đây ông B., một nhà nông học hàng đầu cùng với ba mươi cộng sự đã bị bắn chỉ vì cho rằng phân đạm thì tốt hơn phân ka–li trong khi Anh Cả ủng hộ ý kiến ngược lại, vì vậy B. và các cộng sự bị thanh trừng như những phần tử phá hoại. Trong một nền nông nghiệp đã được quốc hữu hoá, vấn đề sử dụng phân đạm hay phân ka–li có vai trò đặc biệt quan trọng: nó có thể đóng vai quyết định trong cuộc chiến tranh tương lai. Nếu Anh Cả đúng thì lịch sử sẽ tha thứ cho Anh và việc giết hại ba mươi mốt người kia chỉ là chuyện vặt. Nhưng nếu Anh sai…

Vấn đề chỉ là về mặt khách quan thì ai đúng. Những người tuân theo luật chơi cũ lại có suy nghĩ khác: liệu B. có thực sự tin như thế khi ông ta đề nghị sử dụng phân đạm hay không? Nếu ông ta không tin thì, theo họ, ông ta đáng bị bắn ngay cả nếu sau này chứng minh được rằng phân đạm tốt hơn. Nhưng nếu ông ta hoàn toàn tin tưởng như thế thì ông ta phải được tha và được phép tiếp tục cổ động cho việc sử dụng phân đạm dù đất nước có vì thế mà bị tan hoang thì cũng phải chịu…

Dĩ nhiên như thế là nhảm nhí. Đối với chúng ta thì niềm tin của một cá nhân chẳng có ý nghĩa gì. Người sai sẽ phải trả giá còn người đúng thì được tha thứ. Đấy là qui luật của niềm tin mang tính lịch sử và đấy cũng là qui luật của chúng ta.

Lịch sử dạy ta rằng dối trá nhiều khi lại có ích đối với nó hơn là sự thật, vì con người là một thực thể yếu đuối và cần phải được đưa qua sa mạc suốt bốn mươi năm trước mỗi bước phát triển của nó . Nó phải được dẫn dụ qua sa mạc bằng cả roi vọt lẫn những lời hứa hẹn, bằng những cả doạ dẫm và an ủi mù mờ để nó không dừng lại quá sớm và tiếp tục thờ phụng con bê vàng.

Chúng ta đã nghiên cứu lịch sử kỹ lưỡng hơn tất cả kẻ thù của chúng ta. Chúng ta kiên định hơn chúng. Chúng ta biết rằng đức hạnh chẳng có giá trị gì đối với lịch sử, còn tội ác thì không bao giờ bị trừng phạt, nhưng bất kỳ sai lầm nào cũng để lại hậu quả và sẽ báo thù đến tận đời thứ bảy. Vì vậy chúng ta tập trung mọi nỗ lực để ngăn chặn sai lầm và tiêu diệt mầm mống của nó ngay từ trong trứng nước. Chưa bao giờ một nhóm ít người như thế lại nắm được quyền lực to lớn đến như thế đối với tương lai của nhân loại. Mỗi một tư tưởng sai lầm mà chúng ta theo sẽ biến thành tội ác chống lại các thế hệ tương lai. Vì vậy chúng ta phải trừng phạt các tư tưởng sai lầm như trừng phạt tội ác: giết. Chúng ta bị coi là những kẻ điên rồ bởi vì chúng ta luôn suy nghĩ thấu đáo kết quả chung cuộc của từng ý tưởng và hành động phù hợp với kết luận đó. Chúng ta bị đem ra so sánh với toà án pháp đình vì, giống như họ, chúng ta luôn cảm thấy gánh nặng trách nhiệm cứu rỗi thế giới này. Giống như các quan toà của toà án giáo hội, chúng ta triệt hạ không chỉ mầm mống cái ác trong việc làm mà còn triệt hạ cả mầm mống cái ác trong ý nghĩ nữa. Chúng ta không chấp nhận bất kỳ lĩnh vực riêng tư nào, kể cả những suy tư còn trong hộp sọ. Chúng ta buộc phải đưa tất cả mọi việc đến kết quả cuối cùng. Đầu óc của chúng ta căng thẳng đến nỗi bất kì một sự va chạm nào cũng có thể gây ra đoản mạch chết người. Đấy là lý do vì sao chúng ta phải giết lẫn nhau.

Tôi là một người trong số họ. Tôi đã suy nghĩ và hành động theo đúng qui luật, tôi đã giết những người mà tôi yêu quí và đã trao quyền lực cho những kẻ mà tôi không ưa. Lịch sử đã giao cho tôi nhiệm vụ như thế, tôi đã đánh mất niềm tin mà lịch sử đã giao cho tôi, nếu đúng thì tôi chẳng việc gì phải ân hận, còn nếu sai thì tôi sẽ phải trả giá.

Nhưng làm sao hiện tại có thể biết cái gì sẽ được coi là đúng trong tương lai? Chúng ta đang làm công việc của các nhà tiên tri nhưng lại không được trời ban cho những tài năng thiên phú của họ. Chúng ta đã dùng tư duy thay thế cho trí tưởng tượng, nhưng mặc dù có chung một điểm xuất phát, chúng ta lại đi đến những kết luận khác nhau. Chứng minh của người này phủ nhận chứng minh của người kia, và cuối cùng chúng ta buộc phải trở lại với niềm tin, một niềm tin không cần chứng minh sự đúng đắn của chính mình. Đấy là thời điểm

quyết định. Chúng ta đã vất hết gia trọng đi rồi, chỉ còn lại một cái neo duy nhất, đấy là niềm tin vào chính mình. Hình học là biểu hiện rõ nhất của lý trí, nhưng các tiên đề của Euclid thì phải chấp nhận mà không thể chứng minh. Nghi ngờ nó thì toàn bộ lâu đài hình học sẽ sụp đổ.

Anh Cả có một niềm tin vững chắc, cuồng nhiệt và không gì có thể lay chuyển được. Anh có một cái mỏ neo vững chắc hơn tất cả những người khác. Cái của tôi đã bị mòn vẹt rồi…

Sự thật là: Tôi đã không còn tin vào sự đúng đắn của mình nữa. Tôi thua là vì như thế.

2.

Một ngày sau cuộc hỏi cung Rubashov lần thứ nhất, điều tra viên Ivanov cùng với người đồng nghiệp là Gletkin ngồi lại trong căng tin sau bữa ăn trưa. Ivanov cảm thấy rất mệt, anh đặt cái chân giả lên chiếc ghế bên cạnh và cởi cúc áo cổ ra. Anh rót vào ly mỗi người một ít rượu rẻ tiền vừa mua trong căng tin vừa yên lặng ngắm nhìn Gletkin – hắn ngồi ngay ngắn trên ghế, quần áo là thẳng nếp, bao súng lục vẫn đeo bên hông mặc dù cũng mệt không khác gì Rubashov. Gletkin dốc cạn ly, vết sẹo to tướng trên cái đầu cạo trọc hơi ửng lên. Phòng ăn vắng ngắt, phía xa chỉ có ba sĩ quan nữa, hai người đang chơi cờ còn người thứ ba thì đứng xem.

“Rubashov sao rồi?”, Gletkin hỏi. “Chưa có tiến triển gì”, Ivanov đáp. “Nhưng anh ta vẫn suy luận một cách rất lô gích. Như vậy thì trước sau gì anh ta cũng sẽ đầu .” “Tôi không tin”, Gletkin nói.

“Nhất định”, Ivanov nói. “Khi anh ta suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện thì anh ta sẽ đầu hàng. Điều quan trọng bây giờ là để cho anh ta yên và đừng đụng đến anh ta. Tôi đã bảo mang đến cho anh ta giấy, bút và thuốc lá; những thứ này có ích cho quá trình tư duy lắm đấy.”

“Tôi cho làm thế là sai”, Gletkin bảo.

“Anh không ưa anh ta”, Ivanov nói. “Mấy hôm trước anh ta đã làm anh bực mình chứ gì?”

Gletkin nhớ lại cảnh Rubashov ngồi trên giường và xỏ đôi tất rách, đi giày.

“Vấn đề không phải như thế”, hắn nói. “Cá nhân anh ta không phải là vấn đề. Tôi nghĩ biện pháp anh đang áp dụng là sai. Sẽ chẳng có tác dụng gì đâu.”

“Rubashov sẽ không đầu hàng vì sợ đâu, chỉ lý lẽ mới có thể đánh gục được anh ta mà thôi”, Ivanov đáp. “Biện pháp cứng rắn sẽ chẳng có ích gì. Anh ta thuộc loại người càng bị áp lực thì lại càng ngoan cố hơn.”

“Đấy chỉ chuyện nói cho vui thôi”, Gletkin đáp. “Nói rằng có người có thể chịu bất kỳ sự đầy đoạ nào là không đúng. Tôi chưa gặp người nào như thế cả. Kinh nghiệm cho thấy rằng khả năng kháng cự của hệ thần kinh là có giới hạn, đấy là qui luật tự nhiên.”

“Tốt nhất là đừng có bị rơi vào tay anh”, Ivanov nói, miệng nở một nụ cười gượng gạo. “Nhưng chính cuộc sống của anh đã bác bỏ lý thuyết ấy rồi còn gì”, vừa nói Ivanov vừa liếc nhìn cái sẹo to tướng trên đầu Gletkin.

Câu chuyện cái sẹo của Gletkin thì nhiều người biết. Chuyện đó xảy ra trong thời kỳ Nội chiến. Gletkin bị quân

địch bắt được, chúng gắn một ngọn nến đang cháy lên cái đầu cạo trọc của hắn để buộc hắn phải khai. Mấy giờ sau đồng đội của hắn chiếm được khu vực đó, lúc đó hắn đã bất tỉnh rồi. Ngọn nến đã đã cháy hết, nhưng Gletkin không khai nửa lời.

Gletkin bình thản ngước nhìn Ivanov.

“Đấy cũng chỉ là nói thế thôi”, hắn bảo. “Tôi không khai vì đã bị ngất. Nếu tôi còn tỉnh thêm một vài phút nữa thì nhất định tôi đã khai rồi. Vấn đề là thể chất con người nó như thế.”

Gletkin chậm rãi uống cạn ly rượu và nói thêm: “Khi tỉnh lại tôi tin rằng mình đã khai hết. Nhưng hai chiến sĩ cùng được giải cứu với tôi lại nói là không. Thế là tôi được gắn huân chương. Tất cả chỉ là ở thể chất của con người, mọi thứ khác chỉ là những chuyện thêu dệt thêm mà thôi.”

Ivanov nâng ly lên. Anh đã uống quá nhiều rồi.

“Anh đã phát minh ra cái lý thuyết thể chất này từ bao giờ vậy? Nói cho ngay, những năm đầu có được áp dụng các biện pháp cứng rắn đâu. Thời đó chúng ta còn ảo tưởng lắm. Bỏ các biện pháp trừng phạt, trại cải tạo thì có vườn hoa. Thật là cực kỳ nhảm nhí.”

“Tôi không tin”, Gletkin nói. “Anh là một người ích kỷ. Một trăm năm nữa mọi chuyện sẽ diễn ra đúng như thế. Nhưng trước hết phải tiêu diệt kẻ thù đã. Càng nhanh càng tốt. Ảo tưởng là khi nghĩ rằng thời đó đã đến rồi. Thời gian đầu, khi mới được điều về đây tôi cũng có ảo tưởng như thế. Tất cả chúng ta, thực ra là toàn bộ bộ máy đều đã nghĩ như thế. Chúng ta muốn khắp nơi đều có đầy hoa lá ngay lập tức. Thế là sai. Sau một trăm năm nữa chúng ta mới có thể dùng lý lẽ để cảm hoá được những kẻ vi phạm pháp luật. Còn hiện nay chúng ta vẫn phải áp dụng các biện pháp tra tấn, phải đè bẹp kẻ thù cả về tinh thần lẫn thể xác, nếu cần.”

“Liệu hắn có say không?”, Ivanov tự hỏi. Nhưng vẻ mặt bình tĩnh và đôi mắt không biểu hiện một chút tình cảm nào của hắn chứng tỏ rằng hắn chưa say. Ivanov mỉm cười và lơ đãng hỏi:

“Nói tóm lại, tôi là người ích kỷ còn anh là nhà luân lý học, đúng không?”

Gletkin không trả lời. Hắn ngồi thẳng người trên ghế, quân phục là cứng, dây thắt lưng to bản có khẩu súng lục lủng lẳng sực mùi da mới thuộc.

“Mấy năm trước”, Gletkin nói, sau một hồi im lặng, “một tay nông dân được đưa đến chỗ tôi để thẩm vấn. Chuyện đó xảy ra ở dưới tỉnh, khi chúng ta vẫn còn tin vào lý thuyết vườn hoa, như anh nói đó. Tất cả các cuộc hỏi cung đều diễn ra trong tinh thần hữu hảo. Tay nông dân này đã đem chôn giấu tất cả thóc lúa hắn vừa thua hoạch được, đấy là giai đoạn đầu của quá trình hợp tác hoá. Tôi làm theo đúng hướng dẫn. Tôi giảng giải cho anh ta rằng chúng ta cần lương thực để nuôi dân thành thị đang ngày càng gia tăng và để xuất khẩu, để xây dựng nền công nghiệp và đề nghị anh ta chỉ chỗ giấu thóc. Khi mới bước vào thì cổ anh ta rụt lại vì tin là sẽ bị đánh. Tôi biết rõ loại người như thế, bản thân tôi cũng xuất thân từ nông dân mà. Thấy tôi không những không nện cho anh ta một trận mà lại nói chuyện một cách thân mật và gọi anh ta là “công dân” thì anh ta lập tức cho rằng tôi bị loạn thần kinh. Tôi đọc được điều đó trong mắt anh ta. Tôi nói chuyện với anh ta khoảng nửa tiếng đồng hồ. Còn anh ta thì nín thinh, thỉnh thoảng lại đưa ngón tay lên ngoáy mũi hay ngoáy tai. Tôi tiếp tục giảng giải mặc dù nhận ra rằng anh ta coi đây là chuyện đùa, không thèm nghe nữa. Lý luận không thể lọt được vào tai những người như anh ta. Hàng thế kỷ giam hãm trong chế độ gia trưởng đã làm cho họ điếc đặc hết rồi. Tôi tuân theo đúng hướng dẫn, lúc đó tôi không thể nào nghĩ rằng còn có những biện pháp khác… Lúc đó tôi phải xử lý từ hai mươi đến ba mươi trường hợp mỗi ngày. Các đồng chí khác cũng thế. Cách mạng đang lâm nguy vì những thằng nông dân như thế. Công nhân không có gì ăn; cả tỉnh, cả huyện tan hoang vì nạn đói; không vay được tiền để xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, kẻ thù thì sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Hơn hai triệu đồng tiền vàng bị giấu ở các xó xỉnh khác nhau, một nửa số lương thực vừa thu hoạch cũng bị họ đem chôn xuống đất. Trong khi chúng ta gọi họ là các công dân thì họ lại coi chúng ta là những anh hề. Lần hỏi cung thứ ba diễn ra vào lúc hai giờ sáng, trước đây mỗi ngày tôi thường làm việc mười tám tiếng đồng hồ liền. Anh ta bị gọi dậy, vẫn còn ngái ngủ, thế là khai hết. Từ đó trở đi tôi chỉ hỏi cung vào ban đêm. Có một con mụ còn phải đứng trước cửa phòng tôi suốt đêm nữa cơ. Khi được đưa vào thì chân mụ đã không đứng vững nữa, mệt quá, mới hỏi được nửa chừng thì mụ đã lăn ra ngủ. Tôi gọi dậy, mụ ta tiếp tục nói mà không biết mình nói gì nữa. Tôi lại gọi dậy, lần này mụ ta thú nhận tất, thậm chí còn ký biên bản mà không thèm đọc nữa cơ. Chồng của mụ ta giấu hai khẩu súng trường trong đống rơm, lại còn xúi giục nông dân trong làng đốt hết thóc đi vì hắn ta mơ thấy một tên phản chúa. Người phụ nữ này phải đứng suốt đêm ngoài hành lang là do sự cẩu thả của tay trợ lý của tôi, nhưng từ đó trở đi tôi bảo anh ta cứ làm như thế; những thằng ngoan cố còn bị đứng một chỗ bốn mươi tám tiếng đồng hồ liền cơ. Sau đó thì chúng không còn giả câm giả điếc được nữa…”

Hai người chơi cờ ở góc đằng kia xếp lại quân và bắt đầu một ván mới. Người thứ ba đã bỏ ra ngoài. Ivanov chăm chú quan sát Gletkin. Giọng hắn vẫn điềm đạm và vô hồn như mọi khi.

“Các đồng chí khác cũng trải qua những giai đoạn như thế. Đấy là cách duy nhất. Vẫn tuân thủ chỉ dẫn, không có phạm nhân nào bị đánh đập cả. Nhưng đôi khi, có thể nói một cách vô tình, họ được chứng kiến cảnh tử hình những tù nhân khác. Tác động phải nói là cả về thể xác lẫn tinh thần. Một thí dụ khác: để giữ vệ sinh tù nhân phải thường xuyên đi tắm. Mùa đông, hệ thống đun và đường ống nước nóng không phải lúc nào cũng hoạt động tốt, vì lý do kỹ thuật, dĩ nhiên, nhưng lúc nào bị hết nước nóng và hết trong bao lâu thì chỉ người lính áp giải mới biết mà thôi. Mùa hè thì ngược lại, đôi khi hệ thống nước nóng lại làm việc tốt quá, tất cả cũng vẫn phụ thuộc vào người lính áp giải. Đấy đều là các đảng viên lâu năm, không cần phải hướng dẫn quá cụ thể, họ hiểu ra ngay vấn đề…”

“Dĩ nhiên là không cần”, Ivanov nói.

“Anh hỏi tôi lý thuyết thể chất được hình thành như thế nào và tôi đã giải đáp”, Gletkin nói. “Mọi hành động của chúng ta đều xuất phát từ sự cần thiết, làm khác đi, như anh, là ích kỷ. Muộn rồi, tôi phải đi đây.”

Ivanov dốc cạn ly và đặt cái chân giả lên mặt ghế, bệnh thấp khớp lại tiếp tục hành hạ anh. Anh cảm thấy bực mình vì đã trót khơi mào câu chuyện vừa rồi.

Gletkin trả tiền. Khi cô nhân viên căng tin đi khỏi, Gletkin hỏi:

“Sẽ làm thế nào với tay Rubashov đây?”

“Tôi đã nói rồi”, Ivanov đáp. “Hãy để cho anh ta yên.”

Gletkin đứng lên. Tiếng ủng kêu lạo xạo. Anh ta đứng bên cạnh cái ghế mà Ivanov đang gác chân lên.

“Tôi công nhận là anh ta có nhiều cống hiến”, Gletkin nói.

“Nhưng hiện nay anh ta đã trở thành nhân vật phá hoại, y hệt mấy tay nông dân kia, nhưng nguy hiểm hơn.”

Ivanov ngẩng lên và nhìn vào đôi mắt vô cảm của Gletkin.

“Tôi đã nói cho anh ta suy nghĩ hai tuần”, Ivanov nói. “Trong thời gian đó xin đừng động tới anh ta.”

Ivanov nói như ra lệnh. Gletkin là cấp dưới của anh. Gletkin giơ tay lên chào và bước ra khỏi căng tin, đôi ủng mới bóng loáng phát ra những tiếng cót két sau mỗi bước chân.

Ivanov vẫn ngồi. Anh uống thêm ly nữa rồi châm một điếu thuốc. Một lúc sau anh mới đứng dậy và đi cà nhắc đến chỗ hai sĩ quan đang chơi cờ.

3.

Ngay sau buổi thẩm vấn đầu tiên cuộc sống của Rubashov đã được cải thiện một cách rõ rệt. Sáng hôm sau người giám thị già đã mang đến giấy, bút, một bánh xà phòng và cái khăn mặt. Ông ta cũng đưa cho anh tem phiếu của nhà tù, tương đương với số tiền họ thu khi bị bắt và nói rằng từ nay anh có thể đặt mua thuốc lá và thức ăn thêm ở căng tin trại giam.

Rubashov đặt mua thuốc lá và một ít thức ăn. Người giám thị, vẫn ít nói và nhăn nhó như cũ, đã nhanh chóng mang lại những thứ anh dặn. Rubashov đã định cho gọi một viên bác sĩ từ bên ngoài vào, nhưng đúng lúc đó thì lại quên. Cái răng sâu không còn đau nữa, sau khi rửa mặt và ăn sáng anh thấy người dễ chịu hơn. Tuyết trên sân đã được dọn hết, tù nhân đi thành từng nhóm. Mấy ngày trước không thấy chuyện đó, có lẽ là do tuyết phủ dày quá, chỉ có Môi Thỏ và bạn của anh ta là ngày nào cũng đi khoảng mười phút, chắc là theo đơn của bác sĩ. Lần nào cũng vậy, trước khi đi vào hoặc đi ra, bao giờ Môi Thỏ cũng ngẩng lên nhìn vào cửa sổ buồng Rubashov.

Nếu không viết hoặc không đi bách bộ trong phòng thì thế nào Rubashov cũng đứng úp trán vào sát kính cửa sổ để quan sát những người tù đi dạo dưới sân. Nhóm thường gồm mười hai người, từng đôi đi cách nhau đúng mười bước. Ở giữa sân có bốn lính canh, họ có trách nhiệm theo dõi để tù nhân không nói chuyện với nhau. Các cuộc đi dạo như thế kéo dài đúng hai mươi phút. Sau đó tù nhân được đưa vào nhà theo cửa bên phải, trong khi một nhóm khác được dẫn ra theo cửa bên trái.

Mấy ngày đầu Rubashov có ý tìm người quen trong số các tù nhân đi dạo ngoài sân, nhưng không trông thấy người nào. Thế càng tốt, lúc đó anh muốn tránh tất cả những thứ có thể làm anh sao nhãng nhiệm vụ đang làm. Nhiệm vụ của anh lúc này là suy nghĩ cho thật thấu đáo để tìm ra kết luận, để liên kết quá khứ với tương lai, để thấy thái độ của mình đối với người sống và người chết. Ivanov cho anh thời hạn là hai tuần, còn mười ngày nữa mới hết.

Chỉ có viết ra thì ý nghĩ mới được mạch lạc, nhưng viết lại làm anh mệt mỏi đến nỗi anh chỉ có thể ngồi mỗi ngày từ một đến hai tiếng là cùng. Lúc không viết thì anh đi bách bộ và để mặc cho đầu óc muốn nghĩ gì thì nghĩ.

Rubashov luôn luôn tin rằng anh hiểu rõ được con người mình. Không bám vào những thành kiến cố hữu về đạo đức, cũng không có bất kì ảo tưởng nào về hiện tượng gọi là “con người cá nhân”, anh thừa nhận mà không cần bất cứ chứng cứ nào rằng cá nhân mang trong lòng nó những xung năng mà nói chung người đời không muốn công nhận. Bây giờ, khi gục đầu vào cửa sổ hay khi bất thình lình dừng lại trên viên gạch lát nền màu đen anh bỗng phát hiện ra nhiều điều thú vị. Hoá ra những cuộc nói chuyện được gọi một cách sai lầm là độc thoại lại chính là những cuộc đối thoại đặc biệt, trong đó một bên lắng nghe, còn bên kia, trái với tất cả các nguyên tắc ngữ pháp, lại gọi phía bên kia là tôi chứ không phải anh để chiếm đoạt lòng tin và tìm hiểu những dự định của nó, còn bên nghe thì cứ giữ yên lặng, thậm chí không thèm quan sát và không chịu định vị trong không gian và thời gian. Nhưng bây giờ Rubashov lại thấy rằng cái bên vẫn luôn giữ yên lặng đôi khi cũng lên tiếng dù không có lý do chính đáng nào, anh lắng nghe cái giọng là lạ đó và chợt nhận ra rằng môi mình đang mấp máy. Dần dần Rubashov nhận ra rằng đấy không phải là chuyện lạ, đấy chỉ là một tính cách cụ thể, xác định được trong con người cá nhân, cái tính cách bấy lâu vẫn giữ yên lặng nay mới bắt đầu lên tiếng mà thôi.

Phát hiện này làm Rubashov phải suy nghĩ nhiều hơn là những đề nghị của Ivanov. Anh cho rằng vấn đề đã được giải quyết, anh sẽ không chấp nhận ý kiến của Ivanov và sẽ ra khỏi cuộc chơi, nghĩa là anh sẽ chẳng còn được sống thêm bao lâu nữa, mọi ý nghĩ của anh đều dựa trên cái nền tảng ấy.

Anh không quan tâm đến chuyện ám sát Anh Cả, anh chỉ quan tâm đến cá nhân Ivanov mà thôi. Anh ta nói rất đúng rằng họ hoàn toàn có thể thế chỗ cho nhau. Về mặt tinh thần, anh và Ivanov có thể được coi là hai anh em sinh đôi, tuy không cùng một mẹ, nhưng họ cùng được nuôi dưỡng bằng một niềm tin, môi trường khắc nghiệt của Đảng đã rèn giũa và đào luyện nên tính cách của hai người trong những năm có ý nghĩa quyết định nhất. Họ có chung những tiêu chuẩn về đạo đức, có chung các quan điểm về triết học, thậm chí suy nghĩ cũng giống nhau. Ivanov đã nói rất đúng: hai người có thể thế chỗ cho nhau và anh cũng sẽ sử dụng những lý lẽ mà Ivanov đã dùng khi thuyết phục anh. Luật chơi đã được qui định như thế. Khác nhau chỉ là tiểu tiết.

Thói quen đặt mình vào vị trí của người phản biện cứ bám chặt lấy đầu óc Rubashov, anh thấy mình đang ngồi vào chỗ của Ivanov và nhìn mình, trong vai một tội đồ, bằng đôi mắt của Ivanov như anh đã từng nhìn Richard và Levy Còi vậy. Anh nhìn thấy một Rubashov đã bị cách chức, chỉ còn là cái bóng của người đồng đội cũ và anh bỗng hiểu được thái độ vừa dịu dàng vừa coi thường của Ivanov đối với anh. Trong khi nói chuyện anh thường tự hỏi là Ivanov chân thành hay dối trá, liệu anh ta có gài bẫy hay quả thật anh ta muốn chỉ cho anh một con đường thoát. Bây giờ, khi đặt mình vào vị trí của Ivanov thì anh nhận ra rằng thái độ của Ivanov đối với anh cũng chính là thái độ của anh đối với Richard và Levy Còi mà thôi.

Luồng tư tưởng của Rubashov cũng diễn ra dưới dạng độc thoại quen thuộc, một phía vẫn hoàn toàn câm lặng. Mặc dù tất cả các cuộc độc thoại luôn luôn là để nói với nó, nhưng nó lại không bao giờ lên tiếng, nó chỉ tồn tại trong khái niệm ngữ pháp trừu tượng gọi là “đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít mà thôi”. Cả những câu hỏi trực tiếp lẫn những suy tư trừu tượng đều không thể đánh thức được nó, nhưng nhiều khi nó lại lên tiếng mà chẳng thấy có lý do cụ thể nào và thường đi kèm với một cú nhức răng muốn chảy nước mắt. Có vẻ như nó quan tâm đến những lĩnh vực chẳng có liên quan gì với nhau như hai bàn tay khum lại của bức tranh Pietà, những con mèo của Levy Còi, nhạc điệu của bài hát với điệp khúc “Phá sạch tan tành” hay một câu nói của Arlova từng làm anh thích thú. Cách thể hiện của nó cũng kì quặc: thí dụ như buộc phải lau kính vào ống tay áo hay bắt phải chạm tay vào cái khoảng tường sáng mờ trong phòng Ivanov hay mấp máy môi và nói những câu vô nghĩa như “Ta sẽ phải trả giá” hay mụ đi trong những giấc mơ về quá khứ.

Rubashov cố gắng suy nghĩ thật kỹ về cái tôi mới được phát hiện này trong khi đi bách bộ trong buồng giam, nhưng theo truyền thống của Đảng là không được nói tới con người cá nhân cho nên anh đặt tên cho nó là Người Đối Thoại Không Lời. Rubashov tin rằng mình chẳng sống được bao lâu nữa nên cần phải giải quyết cho xong vấn đề này, cần phải “suy nghĩ để tìm cho ra kết luận hữu lý”. Nhưng Người Đối Thoại Không Lời có vẻ như lại bắt đầu ở chỗ không thể “suy nghĩ để tìm cho ra kết luận hữu lý”. Đấy chính là bản chất của nó, nó là bất khả tư nghị và thường tấn công người ta một cách bất ngờ, thí dụ như những cơn đau răng hay những giấc mơ giữa ban ngày. Rubashov đã trải qua ngày lao tù thứ bảy, tức là ngày thứ ba kể từ buổi lấy cung đầu tiên như thế đấy; những giấc mơ giữa ban ngày đã đưa anh trở về thời quá khứ, nói chính xác là đã nhắc anh nhớ lại quan hệ với cô gái đã bị tử hình tên là Arlova.

Người ta không thể nói được một cách chính xác mình đã ngủ gục khi nào, Rubashov cũng vậy, dù đã quyết tâm, anh cũng không thể nói mình đã lạc vào giấc mơ giữa ban ngày từ lúc nào. Buổi sáng ngày thứ bảy anh bắt đầu ghi chép, sau đó đứng lên cho khỏi tê chân và chỉ đến khi nghe thấy tiếng chìa khoá quay trong ổ anh mới nhận ra rằng lúc đó đã là giữa trưa, nghĩa là anh đã đi đi lại lại suốt bốn tiếng đồng hồ liền.

Cái chăn tù đang quấn trên vai, thế có nghĩa là trước đây mấy tiếng anh đã bị run vì rét và bị đau răng nữa. Anh lơ đãng ăn hết bát thức ăn mấy người lính vừa đưa tới và tiếp tục đi ra đi vào như cũ. Người giám thị làm nhiệm vụ theo dõi anh qua lỗ nhòm thấy chốc chốc anh lại run lên, vai so lại, còn môi thì mấp máy không ngừng.

Rubashov lại như được hít thở cái không khí của Phòng Đại diện Bộ Thương mại ngày xưa với mùi da thịt quen thuộc của Arlova, một người cao to, nhưng cân đối và có phần chậm chạp; anh như lại nhìn thấy cái cổ đang cúi xuống bên cuốn tập mỗi khi anh đọc cho cô ghi tốc ký và đôi mắt to đang nhìn theo khi anh đi đi lại lại trong phòng để tìm ý tứ cho đoạn tiếp theo. Cô cũng mặc những cái áo blu trắng có thêu những bông hoa nhỏ trên cái cổ áo dựng đứng giống như các chị em của Rubashov thường mặc ở nhà và cũng đeo những đôi hoa tai rẻ tiền như các chị em của anh ở trong nước, anh để ý thấy mỗi lần cô cúi xuống thì bao giờ hoa tai cũng lủng lẳng ngay sát hai bên má cô. Quan sát những động tác có phần chậm chạp và thụ động của cô, người ta dễ có cảm giác rằng cô được sinh ta để làm thư ký vậy; hơn nữa, còn có tác dụng an thần mỗi khi Rubashov bị căng thẳng vì phải làm việc quá sức. Anh được cử đứng đầu Phòng Đại diện Bộ Thương mại ở B. ngay sau cái chết của Levy Còi và lập tức vùi đầu vào công việc; anh cũng thầm cảm ơn Ban Chấp hành Trung ương vì đã được thuyên chuyển sang một công việc hành chính như thế. Đây có thể coi là trường hợp ngoại lệ vì các cán bộ cao cấp của Quốc tế ít khi được chuyển sang công tác đối ngoại. Có lẽ Anh Cả đã có những dự định đặc biệt đối với Rubashov vì thường thì cán bộ hai cơ quan này không bao giờ được gặp nhau, thậm chí họ còn thực hiện những chính sách không chỉ khác nhau mà còn đối lập nhau nữa kia. Dĩ nhiên những người xung quanh Anh Cả đã điều phối chính sách của hai cơ quan này: chính sách là do sách lược trong giai đoạn đó quyết định và tất cả cũng chỉ để giải quyết những vấn đề chiến lược mà chỉ cấp trên mới hiểu được mà thôi.

Phải một thời gian sau Rubashov mới quen với địa vị mới, thời gian đầu anh cảm thấy tức cười vì từ nay anh đã có hộ chiếu thật, mang tên thật, được tham gia vào những buổi tiếp tân; thấy cảnh sát bồng súng đứng chào và nhất định bao giờ cũng có những người ăn vận khiêm nhường, đội mũ đen đi bên cạnh để bảo vệ anh.

Thời gian đầu không khí trong Phòng Đại diện, Phòng này nằm ngay cạnh Công sứ quán, làm anh hơi lúng túng. Anh hiểu rằng trong thế giới tư bản này người ta phải tỏ ra sang trọng và đóng đúng vai trò của mình, nhưng trên thực tế thì người ta lại vào vai đạt quá đến nỗi chẳng thể phân biệt được đấy là chơi hay là thật nữa. Khi viên Bí thư thứ nhất của Toà Công sứ, người trước Cách mạng từng làm nhiệm vụ kiếm tiền cho Đảng, nhắc nhở Rubashov về việc cần phải thay đổi trang phục và cách sống với thái độ chẳng thể gọi là mang tình đồng chí thì anh cảm thấy như bị xúc phạm và bất mãn.

Rubashov có mười hai nhân viên với chức danh và nhiệm vũ rõ ràng: Phó ban thứ nhất và thứ hai, một kế toán trưởng và trợ lý, các thư ký và trợ lý của thư ký. Rubashov nhận thấy rằng tất cả các nhân viên dưới quyền đều coi anh vừa là anh hùng vừa là một kẻ đầu trộm đuôi cướp. Họ vừa kính trọng vừa có thái độ khoan dung thái quá với mọi hành động của anh. Mỗi khi viên Bí thư Công sứ trình bày một vấn đề gì thì bao giờ anh ta cũng cố gắng nói thật đơn giản, y như người ta nói với bọn vô học hay trẻ con vậy. Chỉ có Arlova, thư ký riêng của anh là không có thái độ như thế mà thôi, anh chỉ không hiểu một chuyện, đấy là tại sao cô lại đi đôi giày cao gót, da thuộc đàng hoàng, nhưng vẫn mặc những bộ áo váy cực kỳ đơn giản như thế.

Phải gần một tháng sau anh mới nói chuyện với cô. Hôm ấy, đã mệt vì đọc và đi đi lại lại, anh bỗng nhận ra sự lặng lẽ trong phòng.

“Đồng chí Arlova, sao chẳng bao giờ nghe thấy đồng chí nói gì cả?”, anh vừa hỏi vừa ngồi lên chiếc ghế cạnh bàn viết.

“Nếu đồng chí muốn”, cô đáp một cách chậm rãi, gần như ngái ngủ, “bao giờ tôi cũng có thể nhắc lại được từ cuối cùng trong mỗi đoạn văn của đồng chí.”

Ngày nào cô cũng ngồi trước bàn làm việc của anh, áo blu thêu, đôi vú nở tì lên cuốn vở, đầu hơi cúi và đôi hoa tai đeo tòng teng ngay hai bên má. Chỉ có đôi giày da cao gót là có vẻ hơi bất thường, nhưng cô không bao giờ bắt chéo chân như đa số phụ nữ mà anh từng gặp. Vì anh thường đi đi lại lại trong khi đọc cho cô ghi nên anh hay nhìn thấy cô từ đằng sau hay hai bên sườn nên hình ảnh còn đọng lại nhiều nhất trong tâm trí anh chính là cái cổ cong của cô. Gáy cô không có nhiều lông tơ nhưng cũng không được cạo nhẵn, da trắng và căng.

Khi còn trẻ Rubashov không quan tâm nhiều đến phụ nữ vì phần lớn những người anh tiếp xúc đều là đồng chí và cái gọi là quan hệ tình cảm chỉ xuất hiện sau những cuộc thảo luận kéo dài đến tận quá nửa đêm, ai cũng vội vàng chạy ngay ra tàu điện thì mới lên kịp chuyến cuối cùng.

Đã hai tuần trôi qua kể từ cái lần bắt chuyện không thành công ấy. Thời gian đầu Arlova luôn luôn nhắc lại từ cuối cùng của đoạn văn mà Rubashov vừa đọc cho chép; sau này, có thể đã thấy chán, cô không nhắc lại nữa và những lúc anh tạm nghỉ thì căn phòng lại trở nên yên tĩnh như cũ, chỉ còn mùi nước hoa phảng phất. Một buổi chiều, Rubashov bỗng đứng lại ngay đằng sau Arlova rồi khẽ đặt cả hai tay lên vai cô, anh hỏi cô có đồng ý đi ăn tối cùng với anh không. Cô không quay lại, cũng không né tránh mà chỉ khẽ gật đầu. Rubashov không thích tán tỉnh, nhưng đêm đó đã không kìm được, vừa mỉm cười anh vừa bảo:

“Hồi nãy anh tưởng em sẽ chép luôn câu ấy cơ đấy.”

Đôi bầu vú to và săn của cô dường như rất ăn nhập với bóng tối căn phòng, có cảm giác lúc nào cô cũng hiện diện ở đây vậy. Chỉ có đôi bông tai đã nằm yên trên gối mà thôi. Ánh mắt cô vẫn không thay đổi khi cô nói một câu mà anh sẽ nhớ suốt đời như anh từng ghi nhớ đôi bàn tay đang chìa ra trong bức tranh Pietà và mùi rong biển chết trên cái hải cảng ngày nào:

“Anh muốn làm gì em cũng được.”

“Tại sao?”, Rubashov hỏi, anh thấy hơi ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt nữa.

Cô không trả lời. Có lẽ cô đã ngủ. Khi ngủ, hơi thở cô cũng nhẹ y như lúc thức. Rubashov chưa bao giờ nghe thấy cô thở. Anh cũng chưa bao giờ nhìn thấy cô nhắm mắt. Nét mặt cô có vẻ hơi lạ, xinh hơn. Nhưng lạ hơn cả là bóng đen trong hai nách cô và cái cằm gục xuống sát ngực, trông cô giống như một người đàn bà đã chết. Nhưng cái mùi nước hoa nhẹ nhàng thì lại rất quen thuộc, quen thuộc ngay cả khi cô đã ngủ.

Ngày hôm sau và những ngày sau nữa, cô vẫn mặc chiếc áo blu trắng ấy và cũng vẫn ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn viết; đêm sau và những đêm sau nữa hình bóng bộ ngực cô lại thấp thoáng sau cái ri đô phòng ngủ của anh. Thân hình to lớn và điềm đạm của cô gắn bó với anh suốt ngày đêm. Chỉ có thái độ của cô đối với công việc thì vẫn như xưa, giọng nói và ánh mắt cũng không có gì thay đổi, chẳng kèm theo hi vọng hay ảo tưởng nào. Đôi khi, mệt mỏi vì đi lại, Rubashov thường dừng lại ngay sau lưng cô rồi đặt hai bàn tay lên vai cô mà không nói gì, cô cũng không nhúc nhích; sau khi tìm được đúng ý cần thiết anh lại tiếp tục đi quanh phòng và đọc cho cô chép.

Đôi khi anh cũng có những lời nhận xét cay độc về chính những điều đang đọc cho cô chép, khi đó cô ngồi yên và đợi, tay vẫn cầm bút, nhưng cô không bao giờ cười nên Rubashov cũng chẳng hiểu cô nghĩ gì về những nhận xét của anh. Chỉ có một lần, đấy là sau khi nghe anh kể một câu chuyện khôi hài nguy hiểm về thói quen của Anh Cả, cô đã bất ngờ từ tốn nhận xét: “Anh chớ nên nói những chuyện như thế trước mặt người khác, anh phải thận trọng hơn nữa mới được”. Nhưng sau đó, trước mặt cô thỉnh thoảng anh vẫn xả những nỗi bực tức bằng những lời cay độc, đặc biệt là khi đọc những chỉ thị của cấp trên đưa xuống.

Phiên toà Đại hình thứ hai chống lại phe đối lập đang được chuẩn bị. Không khí trong Công sứ quán đặc biệt căng thẳng. Những bức chân dung treo trên tường đột nhiên biến mất, dù trước đó chẳng mấy người để ý đến chúng, nhưng bây giờ, những khoảng sáng mờ hình chữ nhật trên tường lúc nào cũng như chọc thẳng vào mắt. Các nhân viên chỉ còn nói mỗi chuyện công việc với giọng điệu thận trọng và lịch sự hơn trước rất nhiều. Khi ngồi quanh bàn ăn trong căng tin, nghĩa là lúc buộc phải trao đổi thì bao giờ họ cũng dùng những từ ngữ như trên báo Đảng, những câu nói mà trong môi trường thân mật như thế nghe vừa lố bịch vừa nặng nề, cứ như thể sau khi nhờ nhau đưa cho lọ muối hay lọ tiêu là họ lại động viên nhau bằng những khẩu hiệu của Đại hội Đảng vừa rồi vậy. Cũng thường xảy ra sự kiện là một người nào đó sợ người ta hiểu nhầm ý mình vội kêu những người khác làm chứng: “Tôi không nói thế” hay “Ý tôi thế này cơ”. Chuyện này làm Rubashov vừa ngạc nhiên vừa có cảm giác như đang được xem một vở múa rối, mỗi người đều được điều khiển từ xa và đều phải nhập đúng vai của mình. Chỉ có một mình Arlova, vẫn yên lặng và bình thản như cũ, là không thay đổi mà thôi.

Không chỉ những bức chân dung trên tường bị gỡ mà những cuốn sách trong thư viện cũng biến mất dần. Sách vở được mang đi một cách kín đáo, thường là một ngày sau khi có chỉ thị từ bên trên. Rubashov cũng chế giễu chuyện này trong khi đọc cho Arlova chép, nhưng vẫn như mọi khi, cô không có phản ứng gì. Phần lớn các tác phẩm viết về ngoại thương và tài chính đã bị lấy đi, tác giả của chúng, ông Dân uỷ Tài chính vừa bị bắt, các báo cáo tại các kì Đại hội Đảng về vấn đề này cũng bị thu hồi. Hầu hết các cuốn sách viết về lịch sử cách mạng, về luật học và triết học của những tác giả từng tham gia phong trào cách mạng, các tài liệu về cơ cấu của quân đội nhân dân, các nghiên cứu về công đoàn và quyền đình công trong nhà nước Cộng hoà nhân dân, gần như tất cả các công trình nghiên cứu về cơ cấu chính trị của nhà nước đã biến mất; ngay bộ Bách khoa toàn thư do Viện Hàn lâm Khoa học xuất bản cũng bị thu hồi, người ta hứa sẽ hiệu đính bộ sách này trong một thời gian ngắn.

Những cuốn sách mới đã được gửi tới, các tác phẩm kinh điển về khoa học xã hội được in kèm rất nhiều ghi chú và bình luận, thay chỗ cho những cuốn lịch sử bị lấy đi đã có những cuốn lịch sử mới, những cuốn hồi ký của các nhà cách mạng quá cố bị lấy đi thì lại có những cuốn mới thay thế, cũng là hồi ký, cũng là những nhà cách mạng đã chết từ lâu. Rubashov nói đùa với Arlova rằng chỉ còn việc in lại các số báo cũ nữa là xong.

Cách đây mấy tuần lại có chỉ thị “từ trên” đưa xuống nói rằng phải cử ra một thủ thư, người này phải chịu trách nhiệm chính trị về nội dung các tài liệu trong thư viện của Công sứ quán. Arlova được bổ nhiệm vào chức vụ này. Nghe thấy thế Rubashov lẩm bẩm: “Trò trẻ con” và coi đấy là trò nhảm nhí cho đến khi tại cuộc họp chi bộ hàng tuần ở Công sứ có mấy người đứng lên phê phán Arlova một cách cực kì gay gắt. Ba bốn người, trong đó có Bí thư thứ nhất Công sứ khẳng định rằng trong thư viện không có một số bài diễn văn quan trọng của Anh Cả nhưng lại có rất nhiều sách của phe đối lập, rằng tác phẩm của những tên phản bội, những tên gián điệp ăn lương của nước ngoài cho đến tận thời gian gần đây vẫn nắm đầy trên giá sách, chẳng khác gì một sự khiêu khích cố ý. Các diễn giả đều nói ngắn gọn và mạch lạc, ngôn từ được lựa chọn một cách kỹ lưỡng, chẳng khác gì một vở kịch. Tất cả các diễn giả đều kết luận rằng hiện nay nhiệm vụ chính của Đảng là phải nâng cao tinh thần cảnh giác, phải tố cáo mọi hành động lạm dụng, ai không thực hiện các nhiệm vụ này là đồng loã với bọn phá hoại. Khi được gọi lên phát biểu, Arlova đã nói với một giọng điềm tĩnh vốn có rằng cô không có ý định xấu, rằng cô luôn tuân thủ các chỉ thị của cấp trên, nhưng khác với mọi khi, đây là lần đầu tiên trước mặt những người khác, vừa nói cô vừa nhìn chằm chằm vào mặt Rubashov. Hội nghị đã ra nghị quyết trong đó có câu: “Nghiêm khắc nhắc nhở đồng chí Arlova.”

Rubashov đã nắm vững các nguyên tắc mới trong sinh hoạt Đảng, nhưng lần này cũng cảm thấy khó chịu. Anh ngờ rằng Arlova đang gặp nguy hiểm nhưng không thể giúp được gì vì đây là mối đe doạ ẩn danh, không thể biết nó xuất phát từ đâu.

Không khí trong Công sứ quán càng ngày càng căng thẳng hơn. Rubashov không còn đưa ra những lời bình luận trong khi đọc nữa và điều đó làm cho anh cảm thấy như là người có tội. Bề ngoài thì quan hệ giữa anh với Arlova vẫn không có gì thay đổi, nhưng cảm giác tội lỗi vì không còn hứng thú nói những câu khôi hài đã ngăn cản, không cho anh đứng lại đằng sau lưng ghế của cô và đặt hai bàn tay lên vai cô nữa. Một tuần sau thì Arlova không đến phòng anh vào buổi tối nữa, mấy đêm sau cũng vậy. Phải ba ngày sau Rubashov mới dám hỏi lý do. Cô nói rằng bị đau đầu, Rubashov không nói gì thêm. Từ đấy cô không bao giờ đến nữa, trừ một lần duy nhất.

Chuyện đó xảy ra ba tuần sau cuộc họp chi bộ, nghĩa là hai tuần sau khi cô không còn đến phòng anh vào buổi tối nữa. Thái độ của cô vẫn bình thường, nhưng suốt đêm đó Rubashov cứ có cảm giác rằng cô đang chờ anh nói một lời quyết định. Song anh chỉ nói rằng anh vui vì cô đã tới và anh cảm thấy rất mệt; anh đã nói rất đúng. Ban đêm, mấy lần thức giấc anh đều thấy cô nằm im nhưng chưa ngủ, mắt nhìn chằm chằm vào bóng đêm. Anh cảm thấy vô cùng đau khổ vì có lỗi với cô, cái răng sâu đúng lúc đó lại lên cơn đau. Đấy là buổi tối cuối cùng cô đến với anh.

Sáng hôm sau, khi Arlova chưa tới, bằng giọng tin cậy và với những từ ngữ được lựa chọn cẩn thận ông Bí thư thứ nhất đã thông báo cho Rubashov biết rằng anh trai và chị dâu của Arlova đã bị bắt trước đó một tuần. Chị dâu của Arlova là người ngoại quốc, cả hai người bị kết tội có liên hệ với tổ quốc của cô ta nhằm giúp đỡ phe đối lập.

Mấy phút sau Arlova mới tới. Cũng như mọi khi, cô lại ngồi bên cạnh cái bàn viết, đầu hơi cúi về phía trước. Rubashov đi đi lại lại ngay sau lưng cô, anh nhìn thấy cái gáy cong cong với làn da căng mịn, rất ít lông tơ của cô. Anh cứ nhìn như thế mãi và cảm giác khó chịu ngày một tăng dần, tăng dần cho đến khi anh cảm thấy buồn nôn. Ở Bên Nớ tội nhân thường bị bắn vào gáy, cái ý nghĩ ấy cứ bám mãi vào đầu óc anh suốt ngày hôm đó.

Tại cuộc họp chi bộ sau đó, theo đề nghị của đồng chí Bí thư thứ nhất Công sứ quán, Arlova bị cách chức thủ thư vì không đáp ứng các tiêu chuẩn về chính trị. Không có thảo luận cũng không ai có ý kiến gì khác. Rubashov vì đau răng nên đã xin phép vắng mặt. Mấy ngày sau thì Arlova và một nhân viên nữa bị gọi về nước. Tên tuổi của họ không còn được ai nhắc đến nữa. Mấy tháng sau thì chính Rubashov cũng bị triệu hồi, nhưng cái mùi nước hoa dìu dịu từ thân hình to lớn, chậm chạp của cô đã bám vào bức tường căn phòng anh và lúc nào anh cũng có cảm tưởng như còn phảng phất đâu đây.

Comments are closed.