CHÓE, NHÀ HÍ HỌA BÚT SẮT SỐ MỘT VIỆT NAM

Uyên Thao

Người làm vườn độc thoại – cuộc đời của Chóe (Kì 1)

Cuối tháng 02-2003, từ California, tôi được tin Chóe bất ngờ bị nghẹt thở phải đưa đi bệnh viện. Linh tính như báo trước sẽ có chuyện không lành. Tôi không giấu nổi mối lo này trong buổi tối ngồi với Ðỗ Ngọc Yến và Trần Phong Vũ. Yến bảo tôi lo xa quá và quả quyết Chóe sẽ qua khỏi. Yến nêu bằng cớ là bản thân Yến đã gặp nhiều lúc hiểm nghèo nhưng lúc này Yến vẫn có thể ngồi vời tôi. Yến nhắc tôi khi trở về Virginia cố giúp Chóe tự tin hơn để tạo sức tự đề kháng. Nhưng khi trở về, tôi chỉ có thể tìm lên lầu 10 bệnh viện Fairfax, nhìn Chóe nằm mê man trên giường bệnh với bình dưỡng khí chụp trên miệng và đủ thứ dây nhợ trên người. Mỗi ngày tôi thu xếp để có mặt tại bệnh viện, ngồi kề bên Chóe, lên tiếng với hy vọng sẽ có lúc Chóe nghe được lời nói của tôi. Hơn một lần vợ Chóe nhắc tôi nhìn tay Chóe khẽ nhúc nhích và các cơ bắp trên má Chóe hơi co giật. Rồi những giòng nước mắt lăn dài trên má Chóe trong khi anh vẫn nằm bất động.

Vào tuần lễ cuối tháng 2, tình trạng sức khoẻ của Chóe không bình thường khiến anh đã tới bác sĩ hai lần rồi tới bệnh viện. Ngày 04 tháng 03, Chóe đột ngột bị bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu. Vợ Chóe được các bác sĩ cho biết Chóe bị đứt mạch máu não, không còn phương cứu vãn nữa.

Chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là ngày ngày ngồi bên Chóe chờ phút giây anh trút hơi cuối cùng. Phút giây đó là 3 giờ 50 phút – giờ ET – sáng 12 tháng 3 năm 2003, gần tròn 3 tháng sau khi Chóe đặt chân lên đất Mỹ.

Tôi không còn nhớ lần đầu gặp Chóe như thế nào và do ai giới thiệu, ngoài các chi tiết là anh đến tòa soạn tuần báo Ðời vào lúc tôi vừa từ giã bộ quân phục rời quân trường trở về với những công việc đang dở dang khoảng mùa hè năm 1971 giữa thành phố Sài Gòn chưa hết xôn xao về dư âm cuộc hành quân Lam Sơn 719 vào Hạ Lào. Dường như Chóe nói là Lê Tất Ðiều bảo anh đến tìm tôi rồi Chóe tự giới thiệu có thể vẽ hí hoạ và đã thử công việc này trong năm 1970 bằng cách thỉnh thoảng vẽ cho một tờ báo. Tờ báo mà Chóe cộng tác gần như không có độc giả nên chúng tôi chưa thấy bức họa nào của Chóe, chưa ai biết cái tên Chóe. Do đó, tôi và bạn bè chưa rõ Chóe sẽ đóng góp đưọc gì. Tuần báo Ðời không có trang hí họa, nhưng lúc này tôi đang chuẩn bị cho nhật báo Sóng Thần ra mắt nên chợt nghĩ dành việc vẽ hí họa cho Chóe, nếu anh làm được.

Trong dự tính của mọi người và của riêng tôi, phần việc này đã được kể là phần việc của Tuýt tức Ngọc Dũng, không chỉ vì tương quan bạn bè sẵn có mà vì cho tới lúc đó không một họa sĩ hí họa nào của làng báo Việt Nam vượt nổi Tuýt. Tuy nhiên tôi chưa gặp Tuýt để hỏi xem anh có thể cộng tác thêm với một tờ báo hàng ngày khác không, vì anh đang là nhân viên thường trực của nhật báo Chính Luận. Sự xuất hiện của Chóe khiến tôi thấy tránh được chuyện gây phiền hà cho tờ báo bạn đồng thời còn có triển vọng giới thiệu một gương mặt mới. Dù vậy, do chưa biết khả năng của Chóe ra sao nên tôi chỉ nhắc anh mang lại cho tôi coi vài bức vẽ vào mấy ngày sau.

Chóe trở lại gặp tôi đúng buổi chiều tuần báo Ðời tổ chức hội thảo giữa nhóm Hà Thúc Nhơn cùng các đại diện Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn về tác hại của tệ nạn tham nhũng đối với vận mạng đất nước. Trước giờ khai diễn hội thảo, lực lượng an ninh gồm cảnh sát đặc biệt và cảnh sát dã chiến lập chốt chận hai đầu đường Cống Quỳnh ngăn cản người đến tham dự, đồng thời trưởng ty cảnh sát quận Nhì cùng một số nhân viên kéo lên tòa soạn tuần báo Ðời buộc hủy bỏ cuộc hội thảo.

Giữa không khí rối tung đó, tôi thấy Chóe xuất hiện. Rất nhanh, tôi nghĩ đến cơ hội tìm hiểu khả năng của anh. Tôi từ chối đòi hỏi của người sĩ quan cảnh sát, quay sang nhắc Chóe theo dõi ghi lại quang cảnh buổi hội thảo sẽ khai diễn dù chỉ với không tới mười người đang có mặt. Diễn biến sau đó thực ra chỉ là cuộc cãi vã giữa các viên chức Cảnh Sát với tôi nhưng cũng kéo dài gần hai tiếng đồng hồ cho Chóe vẽ.

Sau khi người tới dự hội thảo và nhân viên Cảnh Sát rời tòa soạn, Chóe đưa cho tôi xấp giấy phác họa các cảnh ghi nhận. Tôi không tìm được điều gì đặc biệt qua các bức vẽ phác, nhưng bị thuyết phục ngay bởi nét vẽ của anh. Tôi không thể diễn tả nét vẽ của Chóe nhưng cảm thấy Chóe khác hẳn mọi họa sĩ hí họa lúc đó với nét vẽ rất mới so với nhiều người, ngay cả với Tuýt. Rồi Chóe đưa tiếp cho tôi mấy bức vẽ về các nhân vật mà anh đã vẽ theo yêu cầu của tôi mấy ngày trước. Chỉ vừa nhìn thấy bức vẽ thủ tướng Trần Văn Hương, tôi đã nghĩ Chóe dứt khoát là họa sĩ hí họa của nhật báo Sóng Thần sẽ ra mắt vào mấy tháng sau đó.

Quyết định của tôi không được bạn bè trong nhóm chủ trương chia sẻ vì hết thẩy đều cho rằng Chóe đang ở bước đầu học nghề trong khi theo dự trù, tòa soạn Sóng Thần có mặt không ít họa sĩ đã thành danh như Vị Ý, Huy Tường, Ðằng Giao hoặc nếu cần có Tuýt tức Ngọc Dũng, Hĩm tức Ðinh Hiển cũng không phải chuyện khó khăn. Anh Chu Tử là người đồng ý ghi tên chung trong ban chủ biên nhật báo Sóng Thần với điều kiện chỉ viết mỗi ngày một bài phiếm chứ không tham gia bất kỳ công việc nào của tờ báo, nhất là việc chọn nhân sự cộng tác, cũng nhắc tôi nên nghĩ lại, vì theo anh, “Chóe còn non quá”.

Quả tình Chóe không chỉ non về tuổi nghề mà non cả về tuổi đời nữa. Năm đó Chóe hai mươi bảy tuổi và bề ngoài hiền lành cùng cách nói năng từ tốn chậm rãi không giành được tin tưởng sẽ đáp ứng nổi yêu cầu của tờ báo. Bộ quân phục với chiếc lon Hạ Sĩ cộng thêm ánh mắt, nụ cười luôn có vẻ dụt dè còn khiến nẩy sinh ý nghĩ chưa chắc Chóe thích hợp với công việc của một cây cọ châm biếm vẫn được hình dung qua tính giễu cợt với cái nhìn tinh quái hoặc lời lẽ hóm hỉnh. Chóe hoàn toàn trái ngược với hình dung quen thuộc đó của mọi người, lúc nào cũng như chiếc bóng lặng lẽ hiện ra rồi lặng lẽ biến mất.

Nhật báo Sóng Thần ra mắt ngày 26-09-1971.

Chỉ một tuần sau, không còn ai đặt vấn đề về việc chọn Chóe làm hoạ sĩ hí họa nữa. Không phải mọi người ngại đối đầu với sự dứt khoát của tôi mà vì Chóe đã tự chứng tỏ hoàn toàn thích hợp với công việc được giao. Những bức họa của Chóe không chỉ lôi cuốn bằng nét vẽ mới lạ mà bằng chính nội dung phản ảnh một cảm quan chính trị sắc bén khởi từ cái nhìn tinh tế trước các vấn đề thời sự vượt xa hẳn trình độ hiểu biết của Chóe. Chóe còn có lối làm việc đem lại thoải mái cho tòa soạn là không cần chờ hội ý để tìm đề tài. Mỗi ngày, anh đều đặn xuất hiện vào buổi trưa hoặc buổi chiều mang theo không chỉ một bức họa mà có khi ba, bốn bức cho tòa soạn chọn lựa. Ðang là nỗi e ngại có thể làm hư việc của tờ báo, Chóe vụt trở thành sự ngạc nhiên thích thú đối với mọi người.

clip_image002

Chóe không giấu chuyện anh mới học tới lớp Nhì bậc tiểu học và chỉ được học vẽ tại một phòng vẽ quảng cáo ở Mỹ Tho, sau khi bị cán bộ cộng sản hoạt động bí mật lùa lên núi ép buộc trở thành du kích cùng một số thanh thiếu niên khác ở vùng quê anh tại Long Xuyên năm 1960. Thuở đó Chóe chưa tới tuổi mười tám, chẳng biết gì về chính trị. Anh không thích chui lủi trốn tránh, nhất là khó chịu vì bị cưỡng bức phải sống như thế, nên sau vài tháng đã tìm cách lén trở về nhà. Sự việc này khiến anh lâm cảnh bị đe dọa, phải rời Long Xuyên lên Mỹ Tho lánh nạn. Tại đây, anh xin được việc làm tại một phòng vẽ quảng cáo và bắt đầu học vẽ là thứ anh say mê từ nhỏ.

Năm 1964, Chóe thi hành quân dịch trở thành lính thì khả năng vẽ giúp anh được chuyển về phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu vào năm 1965 với nhiệm vụ vẽ bản đồ. Công việc và môi trường mới giúp Chóe có điều kiện gần gũi sanh hoạt văn nghệ báo chí Sài Gòn.

Việc viết và vẽ đến với Chóe như một trò chơi bắt đầu từ năm 1965 và những năm sau đó vẫn tiếp tục là trò chơi kể cả khi theo thời gian đưa anh tới tương quan mật thiết hơn với sinh hoạt văn nghệ báo chí do đã có một số thơ, truyện được chọn đăng và một truyện ngắn đoạt giải thưởng của một tờ báo.

Cuối năm 1969, tuần báo Diễn Ðàn lâm cảnh bối rối vì bộ biên tập quyết định ngưng cộng tác do bất đồng quan điểm với chủ nhiệm Trần Như Thuần vốn là công chức xa lạ với hoạt động báo chí khiến trang hí họa do hoạ sĩ Tuýt phụ trách bị bỏ trống. Chóe tình cờ tương quan với người mới đến nhận làm tờ báo nên được đề nghị vẽ thử. Bút danh Chóe bắt đầu xuất hiện nhưng chìm khuất ngay vì tờ báo chỉ phát hành thêm ít số rồi đình bản do không thu hút nổi độc giả. Tuy nhiên, hí họa đã lôi cuốn Chóe khiến anh tìm đến với nhất báo Báo Ðen. Ảnh hưởng hạn chế của tờ báo và sự xuất hiện chập chờn với tính cách tài tử khiến cái tên Chóe vẫn không được ai lưu ý.

Rồi Chóe được một người quen nhắc nên tìm đến tuần báo Ðời. Tuần báo Ðời không có việc gì dành cho anh nên Chóe phải chờ tới khi nhật báo Sóng Thần ra mắt.

Chỉ hơn 100 ngày sau khi xuất hiện trên nhật báo Sóng Thần, một số hí họa của Chóe đã được những tờ báo ngoại quốc nổi tiếng trích lại giới thiệu với độc giả ở Ðức, Pháp và Mỹ. Chóe vẫn như chiếc bóng, kể cả lúc cùng vài anh em trong toà soạn mở tờ New York Times ngắm trang báo giới thiệu Chóe với bức vẽ Tổng Thống Nixon trong triều phục đại quan Trung Hoa quỳ gối để diễn tả chuyến viếng thăm Hoa Lục của người lãnh đạo Nhà Trắng. Trong cơn sôi động chiến trường mùa hè 1972, nhật báo Sóng Thần vượt lên với mức phát hành kỷ lục trung bình 120 ngàn số mỗi ngày, Chóe trở thành họa sĩ hí họa thèm muốn đối với nhiều tờ báo.

Nhưng thay đổi duy nhất của Chóe chỉ là chiếc lon Hạ Sĩ trên cánh tay biến thành chiếc lon Trung Sĩ. Vẫn với nụ cười hiền hòa đượm vẻ e dè, anh hỏi ý tôi về việc có thể làm thêm cho các báo khác được không. Tôi không thay có gì trở ngại, nhưng nhắc anh không ký tên Chóe ở nơi nào khác. Do đó trên các báo Hòa Bình, Ðại Dân Tộc đã xuất hiện hai họa sĩ hí họa Kít, Cap.

Nguồn: https://tiengquehuong.wordpress.com/2015/03/24/choe-nha-hi-hoa-but-sat-so-mot-viet-nam-41/

Comments are closed.