Phỏng vấn Bốn Nhà văn*

Trần vũ thực hiện

clip_image002

Theo gia đình di cư vào Nam sau hiệp định Genève, Thụy Khuê tên thật là Vũ Thị Tuệ sinh năm 1944 tại làng Doanh Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Bà sang Pháp du học tháng 9-1962 và viết phê bình văn học từ 1985. Thẳng thắn trong nhận định và thận trọng với tài liệu, làm nên ngòi bút của Thụy Khuê.

Tác phẩm đã xuất bản:

Cấu Trúc Thơ (tiểu luận), Sóng Từ Trường (phê bình 3 tập), Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp (phỏng vấn), Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc (khảo luận).

Trần Vũ: Thụy Khuê cho xuất bản Nhân văn Giai phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc năm 2012. Tổng tập nghiên cứu đồ sộ này cho thấy chị rất quan tâm đến chính trị, ít nhất trong văn học. Rồi bất ngờ là công trình Khảo sát Công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long … duyệt lại nhiều quan niệm của sử sách cũ. Thụy Khuê đã đột ngột bước từ Văn học Việt Nam đương đại trong thế kỷ 20 sang lịch sử nhà Nguyễn thế kỷ 18. Chuyện gì đã xảy ra? Có phải chị cũng đã có những mùa Xuân như tướng de Gaulle viết trong Hồi ức Chiến tranh, tập 2 Giải thoát (Le Salut), trang 289: “Khi tuổi tác tràn lấp, thiên nhiên trở nên gần gũi. Mỗi năm, vào bốn mùa, ngần ấy những bài học, minh triết của thiên nhiên lại an ủi. Hát vang, vào mùa Xuân: Với những gì tôi đã có, tôi vẫn đang khởi đầu! Mọi thứ rõ ràng, ngay cả dưới những trận mưa đá; tươi trẻ, bao gộp cả những cây còi cọc; tươi đẹp, ngay cả trên những cánh đồng sỏi đá. Tình yêu làm dâng lên nhựa sống và niềm tin chắc chắn rạng ngời mạnh mẽ, giống như mọi thứ không bao giờ chấm dứt.”

Thụy Khuê: Cảm ơn Trần Vũ đã có ý so sánh một cách rất văn chương việc tôi tạm chuyển từ phê bình văn học sang nghiên cứu lịch sử, với “mùa xuân của tướng de Gaulle”. Thực tình tôi không dám nhận vinh hạnh này: De Gaulle là đại anh hùng của dân tộc Pháp, ông có hai bộ mặt: vừa lãnh đạo phong trào giải phóng dân Pháp khỏi tay Hitler, vừa hoạch định chiến lược Pháp quay lại chiếm Việt Nam. Cho nên, đối với tôi, de Gaulle chỉ là một khuôn mặt thực dân, tư tưởng không có gì đáng chú ý, vì thế, ngoại trừ trường hợp phải nghiên cứu, tôi không nhất thiết tìm đọc ông.

Cám ơn Trần Vũ đã nhắc đến tính cách chính trị trong cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc. Đó là một cách nhìn, nhưng thực tình, khi viết cuốn sách này, tôi chỉ muốn trình bầy sự lầm than của dân tộc mình qua những kiếp người tiêu biểu là giới trí thức văn nghệ sĩ, họ chính là linh hồn của dân tộc. Khi họ đã bị dày xéo, tác phẩm bị tiêu diệt, thì dân tộc như mất đi phần trí não, phần đời sống tinh thần, và đó là lý do sâu xa nhất của sự lụn bại các giá trị, đưa đến một xã hội phi dân chủ, phi đạo đức và nhân cách như ngày nay.

Trong cuốn sách này, tôi chỉ muốn trình bày những chân dung con người, qua hai khía cạnh nhân chứng và tác phẩm. Đối với người đọc trong nước, tôi mong có sự cảm nhận thấy thân phận của chính mình, còn đối với người đọc ngoài nước, tôi mong sự cúi xuống thân phận anh chị em mình.

Nghiệm ra, nền văn học nào mà không có chính trị? Chính trị là một phần đời sống của chúng ta: chính trị dân chủ thì có văn học tự do, chính trị độc tài phát sinh văn chương bồi bút. Người viết ra đời dưới một thể chế chính trị và chịu ảnh hưởng của thể chế chính trị ấy, nhưng chỉ những người bước lên trên sự phong toả của chính trị, mới có thể trở thành nhà văn đích thực. Còn lịch sử ư? Lịch sử thì khác. Lịch sử là quá khứ của một con người, một dân tộc, một nhân loại. Học và tìm hiểu lịch sử là học và tìm hiểu quá khứ của dân tộc mình, để biết, để rút kinh nghiệm cho việc mình làm trong hiện tại và tương lai.

Việc tôi tạm dừng viết phê bình trong một thời gian để tìm hiểu lịch sử, ngoài những lý do sâu xa trên đây, cũng còn là chuyện tình cờ nữa: Vũ còn nhớ những lần mình đi chợ sách ở Porte de Brancion chứ? Vũ say mê tìm hiểu chiến tranh, thường mua những hồi ký của các tướng tá, còn tôi tìm sách khác. Khi Vũ đã đi Mỹ rồi, một lần, khoảng tháng 4/2014, ở khu La Tinh, dưới hầm hiệu sách L’Harmattan, tôi tìm được bộ Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823 (Lịch sử giáo xứ ở Nam Hà 1658-1823) bộ sách đồ sộ 4 cuốn, trong đó linh mục Launay sưu tập gần đầy đủ những thư từ của các giáo sĩ đến truyền đạo ở nước ta gửi về cho các lãnh đạo tu viện Macao, chi nhánh của hội thừa sai Pháp, trong hai thế kỷ.

Mảng thư tịch của Bá Đa Lộc và các giáo sĩ viết về thời Gia Long khởi nghiệp giữ một phần rất quan trọng. Tôi đọc qua, thấy vô cùng lôi cuốn, có những điều mình chưa bao giờ biết, hoặc biết sai hết, mới thấy sự i tờ về sử nước mình của chính mình, mặc dù tôi ham mê lịch sử từ nhỏ, khi quyết định viết văn, dù khá trễ, nhưng việc đầu tiên là tôi đọc bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, hai lần, lần nào cũng khóc.

Đọc những thư từ do chính Bá Đa Lộc viết ra, mới thấy ông chẳng có công gì trong sự nghiệp của Gia Long cả, ông đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, ký hiệp ước 1787, nhưng sau vua Louis XVI đổi ý, không viện quân, ông trở về tay không, đến Sài Gòn năm 1789, năm sau, ông đã chán nản muốn bỏ đi, và hai năm sau nữa, 1792, khi Nguyễn Huệ định đem quân đánh xuống miền Nam tiêu diệt Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc và bọn lính Pháp đánh thuê, sợ quá, đều tìm cách bỏ đi.

Tức là huyền thoại Bá Đa Lộc tự xoay tiền mộ quân và mua khí giới giúp Nguyễn Vương mà thế hệ chúng tôi được học, được biết, (Vũ chắc không được học gì về nhà Nguyễn, vì lúc đó miền Nam đã rơi vào chế độ toàn trị rồi), chỉ cần đọc những thư do chính tay Bá Đa Lộc và các giáo sĩ thời ấy viết ra là ta đã thấy hiển lộ một sự thực, khác hẳn.

Cũng lại tình cờ lật mấy cuốn sách do các ngòi bút thực dân viết với các hình ảnh, tôi dừng lại ở trận Đà Nẵng 15/4/1847: hai chiến hạm Pháp tấn công Đà Nẵng, bắn chìm hạm đội 5 thuyền đồng của vua Thiệu Trị. Đọc version của Pháp, mình lấy làm lạ, không hiểu tại sao vua Thiệu Trị lại tự dưng tấn công chiến hạm Pháp, chỉ đến đây “với mục đích hoà bình” “xin giải thoát cho Giám Mục Lefèbvre”.

Tìm đọc kỹ hơn hồ sơ này, thì hoàn toàn không phải vậy, GM Lefèbvre đã được vua Thiệu Trị thả ra từ trước rồi. Pháp mượn cớ đến dò thám cửa biển Đà Nẵng, là nơi hiểm yếu nhất lúc bấy giờ và trong khi triều đình đang bàn cách tiếp đãi và đối phó, nếu phiá Pháp có ý gây sự, thì Lapierre đã ra tay trước, bất ngờ y cho bắn đại bác tiêu diệt 5 thuyền đồng của vua đang đậu trong vịnh, rồi bỏ chạy, sau đó tìm mọi cách đưa tin thất thiệt cho báo chí, vv… Việc này như một trận Trân Châu Cảng nhỏ, khiến vua Thiệu Tri phẫn uất, mấy tháng sau mất. Tôi đã viết bài về trận đánh này, nhưng chưa in. Đó là vào khoảng tháng 5, tháng 6, 2014.

Cuối hè 2014, tôi lại nhận được bộ sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của Nguyễn Quốc Trị, xuất bản 2013 do anh Phạm Phú Minh và báo Người Việt gửi tặng. Nguyễn Quốc Trị điều tra và viết lại lịch sử của ông cố là Nguyễn Văn Tường (ông Tường cùng ông Tôn Thất Thuyết chủ trương chống Pháp rất mạnh), bị Pháp bôi nhọ, và sử VN cứ thế chép theo, kết tội Nguyễn Văn Tường là “tay sai” của Pháp. Nguyễn Quốc Trị tìm được những văn thư của các lãnh đạo cao cấp của chính quyền thuộc địa ở Huế chỉ định Nguyễn Văn Tường là kẻ thù số một.

Tất cả những sự tình cờ trên đây, đã khiến tôi quyết định tạm ngừng việc phê bình một thời gian để nhìn lại lịch sử. Càng đi sâu vào sự tham khảo, tôi càng thấy sự “khẩn cấp” phải điều tra lại “tất cả” những gì mà các nhà nghiên cứu, các sử gia thực dân đã viết về thời Pháp thuộc, từ hơn 100 năm nay, và chúng ta đã chấp nhận, chép lại, không điều tra, không phản bác.

Nhan đề cuốn sách “Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long” nói lên nội dung của nó, đồng thời cũng trực tiếp trả lời những công trình của các sử gia, học giả Pháp, đã xây dựng trong nhiều thập niên, về huyền thoại Bá Đa Lộc và những người lính Pháp, vô học, đào ngũ, mà họ dựng lên là sĩ quan, kỹ sư, kiến trúc sư, và họ coi là “tác giả” những việc: giúp Gia Long thống nhất đất nước, cải cách quân đội, làm tầu chiến, xây dựng những thành trì “Vauban” ở Việt Nam…

Sự “khẩn cấp”mà tôi vừa nói ở trên còn có ý nghiã thực tiễn: Trong bao nhiêu năm, chúng ta không đọc được những bộ sử đồ sộ của triều Nguyễn vì không biết chữ Hán. Ngày nay, những bộ Thực Lục, Liệt Truyện, vv…. đã được dịch sang chữ quốc ngữ rồi, chúng ta mới tham khảo được. Ngược lại, càng ngày, số người biết tiếng Pháp càng ít đi, sự khảo cứu sử trong sách Pháp càng khó khăn thêm.

Sự toàn cầu hoá thông tin đã khiến những biạ đặt như: “Gia Long khôi phục nhà Nguyễn nhờ sự giúp đỡ của nước Pháp”, “Bá Đa Lộc là Richelieu của Nguyễn Ánh”, “Puymanel là tác giả toàn bộ các thành đài “Vauban” ở Việt Nam”, “Dayot là thủy tổ ngành hải quân ở nước ta”… xuất hiện trên Wikipédia tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt, trở thành “lịch sử đích thực” của thế giới. 

Nếu chúng ta cứ tiếp tục lười biếng mãi, thì sẽ không ai viết sử hộ mình cả. Kể cả về cuộc chiến Đông Dương 1945-1954, lẫn cuộc chiến Việt Nam 1954-1975. Khi tài liệu về phiá Việt (cộng sản) chỉ là tuyên truyền, không thể dùng được, Vũ đã đọc nhiều hồi ký chiến tranh Điện Biên Phủ thì biết quá rõ việc này, thì chúng ta lấy gì để đối chiếu với tài liệu Pháp, Mỹ?

Vũ và tôi đều đã sống rất lâu ở Pháp, và có lẽ nhờ sự kiện này mà chúng ta đã gột rửa được mặc cảm thua kém của người dân thuộc địa, có từ thời cha ông chúng ta. Chúng ta cảm thấy bình đẳng với người Pháp, thấy họ không kém mà mà cũng không hơn các dân tộc khác, trong đó có dân Việt. Đứng trên bình diện này, chúng ta mới thấy tất cả sự hách dịch, kém cỏi, thô bạo của những ngòi bút thực dân khi họ mạo nhận lịch sử, cướp công của dân tộc Việt. Và càng thấy, sự độc lập và tự chủ, không chỉ là việc cầm súng đánh ngoại xâm, mà còn phải biết chiến dấu trong mặt trận văn hoá và tinh thần để phục hồi lại sự thực lịch sử và văn hoá của dân tộc đã bị thực dân chiếm đoạt và bôi nhọ.

clip_image004

Nam Dao tên thật là Nguyễn Mạnh Hùng, sinh 1944 tại Nam Định, nguyên giáo sư Kinh tế giảng dạy tại đại học Laval, Québec. Ngoài viết tiểu thuyết, Nam Dao còn là một nhà thơ, vừa viết kịch, ký, tùy bút. Thao thức với lịch sử, truy vấn những giềng mối làm sa sút văn hóa, thường xuyên là đề tài trong các tác phẩm của Nam Dao .

Tác phẩm đã xuất bản:

Gió Lửa, Đất Trời, Bể Dâu (trường thiên tiểu thuyết), Những Con Người, Những Bóng Ma (bút ký), Khoảng Chơi Vơi (truyện và ký), Trăng Thuê Ảo Ảnh, Trong Buốt Pha Lê (tập truyện), Tiếng Cồng, Trăng Nguyên Sơ (tiểu thuyết), Ba Vở Kịch (kịch văn học), Thơ Nam Dao, Dấu Vết Ngậm Ngùi (thi tập), Dịch lại Thơ Đường, Chinh Phụ Ngâm dịch theo nguyên thể Hán văn.

Trần Vũ: Jorge Luis Borgès viết trong Instants (Khoảnh khắc): “Tôi là một trong những người du hành không đem theo nhiệt kế, không một bát nước nóng, không một chiếc ô và không một cánh dù nào. Nếu có thể sống lại cuộc đời mình, tôi sẽ bắt đầu lại bằng cách đi chân trần ngay trong những chớm Xuân đầu tiên rồi tiếp tục cho đến tàn Thu. Tôi sẽ không nhẩn nha trong những hẻm nhỏ mà chiêm ngưỡng rạng đông nhiều hơn, chơi đùa với các đứa bé nhiều hơn, nếu thượng đế hãy còn cho tôi một kiếp sống trước mặt.” Cuối đời như Borgès, đã về hưu và cũng đã từng rong chơi kết bạn với Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt… Nam Dao sẽ bắt đầu lại như thế nào nếu vay được ân sủng cho một kiếp đời nữa? Rabindranath Tagore từng trải nghiệm: “Tôi cảm thấu hết những vì sao đang phập phồng trong mình. Thế giới phun trào như nước chảy trong thân. Cây cối rộ hoa trên cơ thể. Tất cả cảnh vật mùa Xuân cùng những dòng sông dâng lên như hương trong tim tôi, rồi hơi thở của vạn vật hoan ca trong suy nghĩ của tôi như tiếng sáo.” Nam Dao, anh có mùa Xuân nào trên đất Bắc khó quên?

Nam Dao: Mỗi buổi chuyển mùa, nhất là lúc chớm Xuân, tôi cảm nghiệm được những giây phút huyền nhiệm khi bắt gặp loài hoa crocus. Cuối Đông, crocus nhụy vàng, cánh phơn phớt xanh, trồi ra từ thảm tuyết chưa chịu tan. Thời gian đó trời không còn lạnh lắm, nắng tươi vàng đã rực rỡ bám vào những cành cây còn trơ trụi lá. Sự sống vận hành sau 5,6 tháng Đông buốt giá. Hoa crocus báo tin mầm sống bung ra, mãnh liệt, bất chấp… nhưng chỉ sống được dăm ngày phù du, sau nhường chỗ cho những loài thảo mộc khác đâm chồi nẩy lộc. Mùa Xuân nơi tôi sống là khi tuyết tan, đường phố lầy lội bùn, con người ai nấy mong Xuân qua mau cho Hè tới. Và tôi, nếu được đấng Cao Xanh cho thêm một kiếp người, tôi mong sẽ trải nghiệm sự huyền diệu hòa cả thân lẫn tâm vào ’’thế giới phun trào như nước chảy trong thân. Cây cối rộ hoa trên cơ thể.’’ (Tagore)

Rời đất Bắc ở độ 8, 9 tuổi, tôi di cư vào Nam chưa kịp mang theo nhiều kỷ niệm Tết. Nhưng nhớ nhất, tôi chì còn nhớ những cơn mưa. Mưa bụi, mưa nhẹ hồ không có thực, là những hạt bụi nước chưa kịp đậu lại đã tan biến đi như trong những chuyện hoang sơ cổ tích có Thạch Sanh có Lý Thông. Mưa phùn, rả rích, ngày qua ngày mênh mang, mưa cứ mưa như hành phạt loài người trong thảm kịch Tấm với Cám, loay hoay trong những chiếc áo mưa kết bằng rơm ở thôn quê, hay làm bằng nhựa plát-tích đùng đục những con mắt vô hồn trong thành phố. Thời đó, gia đình tôi ở Hải Phòng, phố Chevassieu, tên phố sặc mùi thuộc địa. Cứ vào đêm Giao Thừa, bọn nít chúng tôi đứa nào đứa nấy sẽ bị một trận đòn Tất Niên, đánh xả sui năm cũ để cả nhà đón “năm mới cái gì cũng mới”. Sợ đòn, tôi lỉnh ra đường, và khi pháo nổ râm ran đường phố thì tôi lấm lét về nhà. Lạ, ông bà bô đón tôi, cười nói hân hoan. Sợ rớt ngày Tân Niên, cả nhà phải vui, và chúc tụng tôi là kẻ xông nhà năm mới. Năm sau thì truyền thống đòn Tất Niên đành phài quên. Những người xông nhà sau dó đều là những người có tuổi, áo quần trịnh trọng, thường thì ôm một cành đào mừng Xuân, và chẳng một ai bị lột quần đánh vào đít như bọn nít.

Sau di cư vào Sài Gòn là những năm dài tha hương, phải trên ba mươi năm sau tôi mới được sáp gần một cái Tết phương Bắc ở ngay thủ đô Hà Nội. Vào độ chuyển mùa năm Thân cách đây 3 con giáp, tôi sắp về Sài Gòn nên có thời gian là tôi la cà với mấy ông anh Nhân Văn Giai Phẩm. Sáng sáng cứ khoàng 5 giờ, tôi đến Hải Thượng Lãn Ông, ới Lê Đạt rủ anh cùng cuốc bộ đúng 6 vòng hồ Hoàn Kiếm. Trưa trưa, tôi đến quán nước chè ngõ Phan Huy Chú, im ắng ngắm Trần Dần, con cọp ngày đang ngồi rình một tứ thơ. Tối tối, tôi la cà quán rượu Hoàng Cầm ở 43 Lý Quốc Sư, con phố kề cạnh Nhà Thờ phố nhà Chung, uống dăm chén rượu mơ, lẳng lặng đắm mình nghe chuyện Quan Đốc Đồng áo đen nẹp đỏ, thả Tượng vàng cưới Chị võng mây trôi… Ấy, cái tật lỉnh đi hoang từ thời thơ dại tôi vẫn không chừa, mặc dầu nay không phải không còn những trận đòn Tất Niên của thế quyền trong cơn còn mê muội. Bạn bè thời nay đều khẩn khoản lưu ý, các anh ấy đều là những người có vấn đề. Tôi mặc, thời bình rồi, cái cần làm là xây dựng lại đất nước từ những đổ vỡ thời chiến. Ôi chao, một thời tàn khốc!

Chuyện về các anh ấy tôi đã kể trong tập bút ký Những con người những bóng ma. Trong số các anh, tôi nói rất ít về Đặng Đình Hưng. Không trong nhóm chủ trương Nhân Văn và Giai Phẩm, anh vẫn bị “liên quan’’ vì anh không phủ nhận tình bạn của anh với những người “có vấn đề’’. Anh cũng bị trù dập, cũng phải đi “học’’ và “lao động cải tạo’’ để quán triệt tính giai cấp trong xã hội công nông vào giữa những năm 50.

Anh Hưng ở khu Trung Tự, hơi xa trung tâm Hà Nội nên tôi ít dịp đến anh chơi. Tường trong căn hộ chưa được 50 mét vuông của anh dán những bài thơ anh viết bằng chữ đại tự, và ôi chao, thật bất ngờ, thơ anh lạ lùng. Phải nói, thơ anh khi đó chẳng giống một ai, âm điệu nhạc jazz tràn đầy, chất văn xuôi trí tuệ mà vẫn ăm ắp cảm tính. Anh chép tặng tôi :

Và lạ miệng! tìm bàn chân xào xạo của Têta,

thì ra alfa là con số đợi ở hai vai nở vội

tôi đuổi theo níu lại hai mùa

Rồi anh đèo thêm một vế với ký hiệu = trong Toán học: Thanh Xuân = Hạnh Phúc.

Thời đó, năm 1981, tôi nào biết những câu thơ trên sau nằm trong tập Bến Lạ in sau khi anh lìa trần vào năm 1990. Nhưng tôi biết là thơ anh hay, và thật khác lạ với cái ngân nga vần điệu XHCN khá nhàm. Anh trầm, thường khép kín, và chỉ thi thoảng mới “bốc’’ lên với những người thật thân.

Vào ngày ông Táo lên chầu Trời năm Dậu, anh bỗng không hẹn mà đến tìm tôi một buổi chiều chạng vạng. Anh bảo, chú đi với anh, rồi lôi tôi đến cạnh một chiếc xích lô kiểu xe ba-gác ngày xưa. Sau khi lên ngồi, anh chỉ tay về phía ga Hàng Cỏ. Thời đó, cứ tối trời là Hà Nội mất điện. Trên con phố Trần Hưng Đạo, những người đàn bà luống tuổi bán thuốc lá lẻ đã châm những ngọn đèn Huê-Kỳ le lói chút nửa tối nửa sáng vàng ệnh soi tỏ lề đường. Anh bảo người đạp xe đi về phía Khâm Thiên, và khi đi ngang nơi còn trưng bày một cái xác máy bay Mỹ trong đám lổn nhổn gạch đá, anh thở dài, chép miệng. Gần đê sông Hồng, gió đông thốc cái lạnh buốt đến thấu xương. Anh ngửng mặt, buông thõng “thôi ta về’’. Và anh cười, giọng hào sảng “Cháu Sơn mới qua vòng 3 kỳ thi giải Chopin bên Nga đấy!’’ Bóng ma chiến tranh mới đây chợt biến mất. Chỉ còn anh, với ánh mắt long lanh ánh lửa tương lai trong màn đêm đang ụp xuống vạn vật.

Đó là lần cuối chúng tôi gặp nhau. Tôi vào Sài Gòn chỉ dăm bữa sau, ăn cái Tết năm con Gà, và được Hoàng Cầm báo chớ mang tập Về Kinh Bắc đi, anh đang gặp khó ở Hà Nội! Khi tôi qua đến Paris thì Cầm bị bắt. Tội anh là bán rượu lậu, như tội dưới thời Tây thuộc địa. Nhẩm lại, anh đã bán những cút rượu ngâm mơ từ hàng chục năm nay, kể từ khi anh không còn lòng dạ nào để tiếp tục ngâm Đêm Liên Hoan cơ mà! Mơ ngâm rượu thành thơ là tội, và là tội nặng?

Phần mình, từ 1982 cho đến 6 năm sau, tôi bị cấm cảnh về quê hương gốc gác mình. Đến năm 1990, năm anh Hưng vĩnh viễn xa đi, tôi về đến Nội Bài thì được thế quyền “mời’’ đi, và đi luôn cho đến gần chục năm sau. Tôi nhớ những ngày chua xót nằm dài ở Thái Lan đợi máy bay để bay trở lại Bắc Mỹ. Nhớ sao là nhớ màu hoa phượng đỏ rừng rực thuở đầu hè. Và nhớ nhất là màu tương lai, như sức trồi loài hoa crocus mỗi năm thuở chớm xuân. Hoa nhụy vàng cánh trắng phơn phớt ánh lân tinh trổ ra xuyên tuyết những mùa đông rồi sẽ bị đẩy lùi trong thuở chuyển mùa của vạn vật.

clip_image006Đỗ Hoàng Diệu sinh năm 1976 tại Thanh Hoá, đỗ cử nhân luật và cử nhân báo chí, định cư tại Ohio. Với tiểu thuyết Hầm Mộ vừa hoàn tất, nhà văn truy giảo một xã hội tạp kịch chìm trong tăm tối của lý trí.

Tác phẩm đã xuất bản:

Bóng đè (tập truyện)

Trần Vũ: Áp Tết Nguyên đán, đọc lại Bóng đè không thể không liên tưởng đến Anaïs Nin với xác quyết: “Khiêu dâm là một trong những nền tảng của sự tự nhận thức, không thể thiếu, như thi ca.” Anaïs Nin, gương mặt hoang dâm Tây phương còn nhận định: “Cội nguồn của gian dối là hình ảnh tự cao thượng hóa về chính mình của con người rồi đem áp đặt lên kẻ khác.” Trong Bóng đè, bên cạnh kết án Trung Hoa chà đạp truyền kiếp dân Việt, chừng như Đỗ Hoàng Diệu đã tin như vậy? Ngược lại, trong tác phẩm thứ nhì Hầm Mộ, qua các chương đã công bố, người đọc không bắt gặp chiếc bóng đè này. Một Đỗ Hoàng Diệu khác, với rất nhiều dằn vặt tinh thần của một xã hội bóng tối. Nguyên nhân thay đổi?

Đỗ Hoàng Diệu: Hơn mười năm là khoảng thời gian không hề ngắn, có thể biến bé gái thành người mẹ và khiến thiếu nữ tác giả Bóng Đè thành bà già. Bà già thường lắm chuyện. Dằn vặt với quá khứ, cáu bẳn với hiện tại và lo sợ đến tương lai. Không hẳn vì đời sống bất hạnh, nếu chẳng muốn nói là đủ đầy, vậy điều gì đã làm cáu bẳn với hiện tại và lo sợ cho tương lai? Cái bóng, vẫn là cái bóng. Anh không thấy cái bóng đen đúa tàn ác của Bóng Đè xuất hiện, nhưng chắc hẳn nhận ra cái bóng tối man rợ bí bách đã ngang nhiên choàng ập, quây kín mỗi trang Hầm Mộ?

Anh nhắc đến Anais Nin, không thể không nghĩ đến “chân lý” của bà được ghi lại trong Nhật ký: “Duy nhất luyến ái làm nên ngây ngất.” Một nhà văn xuất sắc trong nước cũng nhiều lần nói với tôi: suy cho cùng mọi sướng vui hay khổ đau trên cõi đời này đều tùy thuộc vào quan hệ đàn ông đàn bà. Có thể tôi đồng tình với quan điểm đó, nhưng lấy đó làm lẽ sống lẽ viết thì không. Ngay cả thời đôi mươi căng tràn của Bóng Đè, Vu Quy tôi cũng chưa bao giờ nghĩ vậy. Viết một tác phẩm đối với tôi là chuyến đi do bản năng, cảm xúc, cái gì đó thẳm sâu bên trong dẫn dắt. Nếu cái gì đó thôi thúc tôi viết về luyến ái, tôi sẽ. Thôi thúc tôi miêu tả không khí ẩm rít khắm mốc trong hầm mộ, tôi sẽ. Có thể cái gì đó khiến tôi sai đường trong mắt các nhà phê bình và bạn đọc, làm tôi không thể thành người viết chuyên nghiệp. Nhưng tôi đâu có màng. Viết, trước hết, là thỏa mãn bản thân mình.

Nhưng để được thỏa mãn lại chẳng hề dễ dàng, với một người viết trong chế độ toàn trị và xã hội đồng phục. Cây bút hình củ cà rốt to tướng khắc chữ Tự Do lơ lửng ở giữa, cây gậy kiểm duyệt đen sì tung quật xung quanh mình trong bối cảnh phố Khâm Thiên ngột ngạt ngồi gõ Bóng Đè hôm nào. Lúc sực tỉnh, tôi ước mong được chia sẻ cái tự do thỏa mãn của tôi với chín mươi triệu người Việt đang ở bên trong Thiên đường Chủ nghĩa Xã hội. Muốn mong ước thành hiện thực lại phải kìm hãm sự tự do thỏa mãn, phải tự kiểm duyệt. Thế là thành chiếc vòng luẩn quẩn.

Đến giờ này, Hầm Mộ vẫn không có giấy phép xuất bản. Ông chủ Nxb Đà Nẵng năm nao in Bóng Đè đã mất, dăm ba vị còn lại rất tiếc rất tiếc thông cảm cho bọn anh sắp Đại hội rồi. Họ sợ hãi. Ừ thì Hầm Mộ là tối tăm là âm hồn là đen đủi. Nhưng họ, những người cầm quyền ấy đang phủ phê trong nhung lụa trong boong-ke tiền bạc và quyền lực kiên cố, cớ gì đi sợ vài bóng ma èo uột! Vài trang chữ nghĩa vớ vẩn âu cũng là dạng thước đo. Đo quyền lực của chế độ, đo sự hãi sợ của quan và nỗi yếm thế của dân.

Một độc giả nói với tôi rằng Hầm Mộ không phản ánh đúng xã hội Việt Nam bây giờ. Tôi tôn trọng ý kiến của bạn bởi tôi không viết về hiện thực đang diễn ra như quan tham nhũng dân bạo lực người mẫu bán dâm công an đánh người. Việc đó để báo chí lo. Tôi thích và thiên về lối viết hiện thực huyền ảo. Một thế giới hư hư thực thực, âu đó cũng là cách tự do hóa bản thân hãy còn nhiều giam hãm. Nhưng tôi hỏi lại độc giả đó rằng quyền lực có tráo đổi danh xưng giữa rắn và người, giữa quỷ và thần không? Người đó cười cười, cái cười làm chuyên gia phân tích tâm lý con người cũng cười cười theo. Cả xã hội cười cười trong bóng tối.

clip_image008

Sinh 1939 tại Nha Trang, từng là thành viên của Hội Họa sĩ Trẻ Miền Nam giai đoạn 1966-1973, Trịnh Cung còn gắn bó với văn chương. Sau thi phẩm Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu, tạm cư tại California Trịnh Cung viết nhiều tiểu luận về mỹ học và hội họa.

Tác phẩm đã xuất bản:

Trịnh Cung, Echo of The Land

Hội họa Việt Nam và những vấn đề xoay quanh (tiểu luận)

Trần Vũ: Marc Lévy viết trong Ngày Đầu tiên (Le Premier Jour): “Có những ngày thắp sáng bằng những khoảnh khắc ân sủng. Một mùi hương làm linh hồn bạn tươi vui, một tia mặt trời lướt qua khung cửa, tiếng động của trận mưa rào khi còn trong chăn gối, những vỉa hè phủ tuyết hay sự xuất hiện của mùa Xuân làm nẩy những nụ mầm.” Tôi muốn biết khoảng khắc thắp sáng của một họa sĩ, là anh, trong thập niên 60 khi anh còn là một họa sĩ trẻ. Bên cạnh ánh sáng thường là những vũng tối, Tết Nguyên đán của tù cải tạo Trịnh Cung ra sao sau 75, anh còn kỷ niệm nào?

Trịnh Cung: Những vẻ đẹp khác nhau tùy theo đường đi của thời gian mà Marc Lévy đã nhận ra bằng ánh sáng của một tâm hồn đang yêu đời và cuộc đời mà ông ấy đang trải qua lúc đó phải rất an lành. Thời hoạ sĩ trẻ của tôi không được như vậy. Thời của thế hệ chúng tôi, cuộc đời những người vừa lớn lên ở bên này sông Thạch Hãn, vĩ tuyến 17, sau hiệp định Genève, ánh sáng và bóng tối thường lẫn lộn, chợt sáng chợt tối. Có những cái chết về giữa cuộc vui nơi thành thị và người lính trẻ cũng thường mang theo cây đàn và chai rượu ra chiến tuyến.

Tuổi trẻ tôi không có nhiều những ngày thắp sáng như Marc Lévy dã có, ông thật may mắn, nhưng chúng tôi cũng có những may mắn từ cái thứ ánh sáng chợt bừng chợt tắt của riêng đất nước tôi. Tôi ra trường mỹ thuật năm 22 tuổi, năm 24 đã mặc áo lính, từ đó đối với tôi ngày và những vẻ đẹp 7 màu của nó đã hoá xám xịt, màu của chiến tranh. Gần như tôi có rất ít những cảm giác của vẻ đẹp thơ mộng, yêu kiều, ngược lại là những bi quan và thất vọng về cuộc sống nên hội hoạ của tôi thường mang vẻ u buồn, ảm đạm từ màu cho đến hình tượng. Các bức tranh tôi được biết đến như Mùa Thu Tuổi Nhỏ (1961), Trên Vùng An Nghỉ (1963), Đứa Trẻ Du Ca (1969) và Cuộc đầu Hàng Của Gia Đình Tôi (1974) là những ví dụ như thế. Không biết tôi đã tự đánh mất những ngày thắp sáng bằng những khoảnh khắc ân sủng hay một mùi hương… hay tôi được sinh ra đã là như thế? Dẫu sao, những gì đã xẩy ra cho tôi đến ngày hôm nay đều là ân sủng. Tôi đã được Thượng Đế casting một vai như thế theo kịch bản của Ngài và đã dẫn dắt tôi làm tròn vai diễn của mình, ít ra là cho đến ngày hôm nay.

Về vùng bóng tối từ khi tôi đi tù “cải tạo”?

Chỉ 3 năm thôi. Hay chính xác là 2 năm 11 tháng 9 ngày. Đó là bóng tối chung cho những người Miền Nam Tự Do. Như thế là thật ít so với anh em khác, những người đã phải chịu đến 10-15 năm tù đầy ở những nơi rừng thiêng nước độc. Nhưng kỳ lạ thay, dù mùa xuân thật sự đã chết đối với chúng tôi như câu thơ của anh Tạ Ký, một bạn tù ở trại Xuân Lộc đã viết:

Có bầy én về

Không phải để báo tin xuán

Vì anh biết mùa xuân đã chết

Có bầy én về tìm ruồi trên giây thép

Chuổi hạt huyền vỡ tan

Chính cái hoàn cảnh sống không còn mùa xuân như thế, những con người như chúng tôi, không mong đợi một điều gì tốt đẹp ở ngày mai, thời gian là lưỡi hái lơ lửng trên số phận, mùa xuân là đóm lửa trên miệng thuốc lào, mùa xuân là cú ngã úp mặt xuống cạnh bếp lửa buổi sáng tinh sương trước giờ đi vác nứa, vác củi hoặc đi cuốc. Tôi đã không còn hy vọng gặp lại vợ con vì chẳng có bình minh nào ở chân trời lúc này chỉ thấy mây trăng quấn vành khăn tang mỗi buổi mai trên ngọn núi Bà Đen ở Trảng Lớn-Tây Ninh hay mưa sa buồn thảm xuống ngọn Chứa Chan ở Long Khánh vào mùa mưa miền Nam. 

Ở đây thôi ở đây đành

Sáng ra núi ngóng, chiều mênh mông chờ

(Trong Ở Đây Thôi Ở Đây đành, Trịnh Cung)

Suốt thời gian một năm ở Xuân Lộc-Long Khánh, tôi không được thăm nuôi vì vợ tôi không có tiền để đi thăm nuôi, nên tôi được anh em tù cho ăn theo, tôi nhớ Lê Đình Điểu, Nguyễn Mai Chửng, những món quà Tết như cà phê, bánh kẹo, đường, thịt kho ruốc, do các bà vợ mang đến.

Quà 3 ký 

Em cột giây rất kỹ

Như sơi tơ tình 

Em cột chặt đời anh

Em giờ chạy cơm từng bữa

Đâu kịp ngồi tô lại chút son

Ôi má hồng xưa nay đã hóp

Vì chưng lỗi nhịp một cung đàn

(Quà 3 ký, thơ trong tù của Tạ Ký)

Và nếu thật sự có một mùa xuân trong trại tù, một cái xuân khủng khiếp ở Xuân Lộc năm 1977, “xuân” đến không phải vào đêm giao thừa mà vào khoảng 5g chiều bằng những tiếng nổ của đạn pháo, những thằng tù chúng tôi reo lên: “Tới rồi, tới rồi!!!”. Chỉ vài giây sau, cả đám chạy tán loạn, tìm chỗ núp. Tôi ở gần suối, dãy nhà gia binh của sư đoàn 18 bỏ lại, mạnh ai nấy núp, tôi nhặt miếng ván nhỏ cầm che đầu, trên là mái tôn, vách gạch 10 phân. Tôi ngồi giữa 2 bạn tù, anh bạn bên trái tôi trúng một quả 155 ly không nổ, đầu đạn xuyên đứt đùi trái. Nửa giờ sau, trại tôi bỗng trở thành bãi chiến trường, bom bay đạn lạc, tôi không nhớ được bao nhiêu bạn bị thương và chết, chỉ nhớ Liêm. Chiều hôm đó, Liêm đang chơi mạc chược với Lê Đình điểu (bộ cờ này do tôi và Lê Đình Điểu làm từ gỗ thùng đạn để giải trí vào những lúc nghỉ sau cơm chiều hay ngày nghỉ lao động),… thì tới phiên đi nuôi heo, Liêm đứng lên, xách thùng cám heo đi về phía cầu sửa xe, nơi có chuồng heo thì một loạt tiếng nổ xảy ra và sau đó Liêm nằm chết dưới chân cầu sửa xe. 

Và, tôi may mắn sống sót để năm sau được thả về từ trại Hóc Môn vào tháng 5,1978.

Trần Vũ thực hiện áp Tết 2016

Bản giấy in lần đầu trên đặc san Xuân Bính Thân của tuần san Trẻ Dallas

clip_image010

* Tựa đề của Văn Việt. Nguyên tác: Phỏng vấn Xuân Bính Thân 1-2-3-4

Comments are closed.