8x viết trong kiềm toả

(Nhân “Truyện ngắn 8x” – NXB Hội Nhà văn 2006)

(Kỳ 1)

Nhật Tuấn

 

Sau hai năm cởi trói ngắn ngủi từ thời cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, văn học Việt Nam mang trở lại “vòng kim cô” của Đảng, nhà văn như “gà phải cáo”, viết lách nhát sợ, rụt rè, bởi thế suốt mấy thập kỷ, văn chương “mất mùa”, gần như không thấy tác phẩm giá trị.

Các nhà văn già từ thời chống Pháp, chống Mỹ sau thời gian “phản kháng” ngắn ngủi, đại đa số đã quay lại viết theo lối “phải đạo” thời bao cấp, các “mầm non văn nghệ” sớm nhận ra “hiểm nguy đang rình các chú” đua nhau vừa viết “giường chiếu”, vừa tiếp thị, tự đánh bóng qua các “diễn đàn”, hội thảo. Hội nghị Nhà văn trẻ làm xuất hiện hiện tượng chưa hề thấy trong văn học nước nhà: văn học “lứa tuổi” hay còn gọi là văn học 7x, 8x và lác đác đã thấy 9x. Bị ràng buộc bởi những quy phạm ngặt nghèo, thực chất là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, văn học của Đảng, các văn thi sĩ 7x, 8x… tự bảo hiểm tối đa bằng tránh xa những đòi hỏi bức thiết của dân tộc như mở rộng tự do dân chủ, xây dựng xã hội dân sự, đa nguyên tư tưởng… Quay lưng với những chủ đề cốt lõi của văn chương, như những cún con sợ đòn vọt ông chủ, họ rầm rộ rủ nhau đi sâu vào tính dục, quẩn quanh chuyện phòng the, chuyện vặt vãnh của lứa tuổi, coi văn học như một “trò chơi” – chơi chữ, chơi kỹ thuật, viết văn bằng sự thông minh của cái đầu chứ không phải sự thổn thức của con tim.

Dường như biểu dương lực lượng thế hệ 8x, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam cho ra mắt Tập truyện ngắn 8x – do một cây bút 8x tuyển chọn 22 tác phẩm của 20 nhà văn 8x, qua đó phần nào có thể nhận diện chân dung thế hệ cầm bút đương thời.

Trước hết là các “nhà văn ngựa trời” – các 8x đã từng được làm rầm rĩ qua tập thơ Ngựa trời.

Hắn lại vào toilet” của Lynh Bacardi (1981) là một chuỗi những “thị kiến” hoàn toàn bất ngờ và chẳng có liên hệ gì với nhau của “hắn” khi tới trình diện sếp ở văn phòng sau một sáng thức dậy “vợ hắn ngạc nhiên vì không thấy hắn đánh răng, cũng như không nói một lời trước khi ra khỏi nhàhắn chỉ khoác bộ đồ công sở, lau ghèn dính ở khoé mắt và chất ke đọng dính ở hai bên mắt….

Lẽ ra phải trình bày với sếp bản kế hoạch, hắn “đột ngột quay lưng phóng ra khỏi văn phòng để rồi bước vào những giấc mơ đứt đoạn. Trước hết “hắn đi dạo qua những chuồng lợn, những cái chuồng hôi tanh mùi phân và nước thải, cộng thêm mùi thức ăn men vữa…. Hắn nhìn thấy “những nồi cám nóng hổi trên bếp rơm đỏ rực, bây giờ, còn có thêm mấy con lợn nhỏ xíu đang vùng vẫy trong đó, những con mắt xanh đục lồi ra thụt vào của chúng nhìn theo hắn như nguyền rủa…. Hắn bỏ chạy rồi khi lao qua ngang đồi cỏ “hắn liếc thấy hai con chó cái đang nằm rặn đẻ, trong khi nước ối từ trôn chúng chảy ra ồ ạt. Âm thanh rên rỉ từ miệng chúng thoát ra thật hoành tráng…. Hắn lại bỏ chạy và lại gặp “một con dê cái to lớn đang ngồi chễm chệ với đầy đủ vú vê… con dê xông vào, túm lấy tóc hắn bằng hai chân sau rồi dộng liên tục đầu hắn vào cái trôn to bằng bàn tay của nó…”. Rồi hắn thấy mình đang ở trong phòng ngủ và truyện kết thúc ở chỗ “hắn bước vào toilet”.

Có lẽ phải đợi các nhà phê bình trẻ như Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thanh Sơn… “giải” những ký hiệu, may ra người đọc mới “lĩnh hội” được hơi hướng “hiện tượng học” của cô “ngựa trời” này, còn người đọc bình thường thì… xéo đi cho nước nó trong nha!

Nữ thi sĩ “ngựa trời” Khương Hà trình diện “Dạ khúc và trò chơi điên khùng giữa khu vườn bí mật”. Cái tên lòng thòng, hù doạ vậy thôi, thực ra câu chuyện chẳng có gì là “điên khùng” với “bí mật cả. Đó là chuyện tình cô nữ nhân viên văn phòng với “ông già trong Sài Gòn” có tên là “Cục Đất”, thời gian qua đi, mối tình phai lạt và kết thúc khi xuất hiện một cô gái khác. Truyện cũng đầy chất chán chường và trống rỗng như bao truyện khác và được tác giả huỵch toẹt: “Tôi mở nhạc suốt ngày đêm, đọc đi đọc lại những cái tên cải biên, cố gắng cải tạo triệt để cái đầu óc vốn ngăn nắp của mình. Để làm gì ư? Tôi cũng không biết, có lẽ là để lấp đầy sự trống rỗng…. Dấu hiệu 8x của cây bút sính làm dáng tiếng Anh này là tràn ngập trong truyện các từ “secret Garden, Piano Ballade, DPReview, Sony DSC F828, random, Ravenheart, Everybody’s Foolcứ loạn xà ngầu hoa cả mắt…

Nàng “ngựa trời” thứ ba ở trong tập, nữ thi sĩ Thanh Xuân (1981) cũng lại đưa ra một câu chuyện tình giữa “tôi” và Đăng với câu nói cửa miệng cầu kỳ, sặc mùi “tập làm văn”: “Anh đủ độ chín để nhìn nhận những mất mát về cuộc đời này. Em cũng nên tập như thế, mọi cảm xúc chỉ có giá trị nhất định trong một khoảng thời gian nào đó mà thôi.

Thì ra các 7x, 8x… đã học rất nhanh ở các bậc cha anh cái bệnh vòng vo, sáo ngữ vốn biểu hiện cho sự rỗng tuếch của tâm hồn. Bố của “tôi” bỏ nhà đi theo “cái con đó”, “chị của tôi” cũng ra đi để rồi quay lại với một đứa “con gái thò lò mũi, nằm ngửa trên tay chị… nó tên Kiều My…”. Rồi “chị tôi lại đi tìm tình yêu, Đăng lại hôn tôi. Ấm ngọt và dẫn dắt. Khi tôi bị ngợp bởi nhiều cảm xúc lẫn lộn, dằng anh ra thì thấy anh đang nhìn tôi. Anh hỏi sao tôi lại mở mắt vào những lúc thế này, tôi lúng túng….

Nhiều năm sau, Kiều My lớn thành cô gái 17, Đăng vẫn nói văn vẻ: “Chúng ta sắp già đi và những biến cố quá ít dao động không làm chúng ta thôi hờ hững. Một ngày không xa, anh sẽ cưới em. Rồi cuộc đời cũng đến lúc phải sang trang anh ạ….

Truyện chỉ có thế thôi, cố tìm hơn những gì đã được kể ra qua những con chữ có chăng đôi chút hờ hững, chán chường và tuyên ngôn “thèm yêu.

Hoá ra các nàng “ngựa trời” phá phách trong thơ dễ dàng hơn trong văn xuôi. Nghệ thuật truyện ngắn vốn đòi hỏi tỉnh táo cần thiết cho việc giãi bày, kể chuyện trong văn xuôi quả thực khó cho người ta quằn quại, phá phách, điên khùng như trong thơ nhiều lắm.

Đọc những truyện ngắn khác của 8x, người ta phải lấy làm lạ tại sao các văn sĩ trẻ thích đưa “người điên” vào truyện? Phải chăng viết về “người điên dễ hay hơn “người tỉnh” chăng?

Cát hoang” của Phạm Ngọc Lương viết một bãi cát giữa sông, bỗng xuất hiện “một con điên”. “Cô điên ngồi trên bãi cát, dùng gậy vạch ngoằn ngoèo trên cát, lẩm nhẩm. Kệ nó, con điên. Họ nháy nhau. Lũ trẻ mò tới. Cô vẫy tay. Lũ trẻ lùi ra. Cô cúi mặt xuống. Lũ trẻ tới gần. Cô vạch xuống đất. A

Thì ra là “một cô giáo điên”. “Lúc trẻ rón rén bịt mắt cô lại, chúng nắm tay nhau xoay tròn quanh cô. “Bịt mắt bắt dê. Hé hé hé…. Cô rú lên cười ằng ặc…

Ngày tháng qua đi, cô điên mang bầu. Vợ bọn đàn ông đay nghiến chồng:

Của tao, của chúng tao thiu hay sao mà phải lấy con điên?

Ôi chà! Thế là cô điên sắp làm mẹ rồi đấy…

Và rồi cô sinh ra những ba đứa con trai và người ta mang đi mất. Còn lại cô điên đi xuống sông.

Nó đâu ?

Sụt xuống cát rồi. Kia, kia kìa, còn vạt áo đấy…

Truyện khoanh lại về một mảnh đời bất hạnh được mô tả bằng sự cố ý kiệm lời, cố ý tạo nên một không gian lắng đọng, căng thẳng chất “thân phận”, tiếc rằng mọi cố gắng đều chưa tới. Đọc xong, có chăng vương lại trong lòng người đọc đôi chút ngậm ngùi .

Cô mình” trong truyện ngắn Phạm Hương Giang (1984) là sinh viên trọ học trong một xóm nghèo ở lẫn lộn người điên, sinh viên và gái điếm. “Cô mình” là tình nhân của một người đàn ông có vợ, mãi trong Nam, gọi bằng Ngài. “Vài tháng một lần cô mình chờ Ngài trong căn phòng trọ 10 mét vuông ẩm thấp và mênh mông sự lạnh lẽo”. Rồi Ngài tặng cho cô mình một con mèo tuyệt đẹp với lời cảnh báo: “Nếu cứ sống như thế này thì hành trang của em khi ra trường chỉ có tấm bằng và một con mèo…”. Rồi khi cô mình chưa kịp ra trường, con mèo đã chết, mặc cho cô mình van nài, Ngài vẫn cáo bận không ra được. Thế rồi trong cái xóm sinh viên ấy, cô điếm bị cảnh sát 113 tới lôi đi, cô bé điên rơi vào vòng tay gã chủ nhà thô lỗ và đến lượt “cô mình” cũng rời khỏi xóm, ra đi, để “một thời gian sau, một người đàn ông tay xách cái lồng đựng một con mèo đứng vơ vẩn trước căn phòng khoá chặt, cánh cửa rêu mốc đầy. Trời đã ấm lên. Con bé điên thấy người lạ, vẫn trần truồng chạy ra, vỗ vỗ tay rồi chạy vào căn nhà bí mật…”.

Cô mình” của Phạm Hương Giang là một truyện ngắn hay hiếm hoi trong cả tập.

 

Nguồn: http://nhattuan2011.blogspot.com/2014/07/chuyen-xua-nay-moi-noi-ky-17-8x-viet.html

Comments are closed.