8x viết trong kiềm toả

(Nhân “Truyện ngắn 8x” – NXB Hội Nhà văn 2006)

(Kỳ cuối)

Nhật Tuấn

 

Mở đầu ngạo mạn thế, tưởng tác giả “vãi” ra những gì ghê gớm, ngờ đâu cũng chỉ là một mớ triết lý “vụn”:

Tôi vẫn có sức hơn người bình thường, vẫn vận động và cho năng suất nhiều hơn họ. Và vẫn luôn thất vọng về mìnhPhải chăng vì chính NÓ? Nó là sự cân bằng này, sự cân bằng tôi đang sở hữu. Sự cân bằng của khao khát với khả năng đáp ứng được của thân xác. Thân xác không còn là gánh nặng. Thân xác là niềm tự hào được xuất bản từ hư vô, tự cháy và đốt cháy hư vô…”.

Và những tưởng tượng theo kiểu phim kinh dị:

Con mèo đi qua tôi như em, như chẳng thấy tôi. Nó đi trên mặt nước. Đột ngột nó lao vào cổ họng tôi. Miệng nó há ra. Những cái răng không thọt chút nào. Và nó liếm tai tôi. Móng vuốt của nó không bị cắt nhưng nó không tự thu chúng lại. Nó âu yếm quàng vào cổ tôi. Em vẫn không ngừng hát. Em chỉ hứng khởi hát theo bầy chó…”.

Cố đọc cho hết cũng chưa thấy được hình hài một truyện ngắn và cũng chẳng thấy một cách tân đưa truyện ngắn lên tầm “hậu hiện đại”.

Lửa hoang của Phạm Vân Anh (1980) gần với thể loại “vụ án viết lại”, viết về cái xấu trong gia đình các quan chức, các con ông cháu cha chơi bời trác táng, ngập ngụa trong căn bệnh AIDS và những đòn độc “âm mưu và tình yêu”, thiếu một sức khái quát vạch mặt “thủ phạm giấu mặt” sau những tội ác tày trời đó.

Câu chuyện tình yêu của Niê Thanh Mai (1980) là một thể hiện vụng về tuần trăng mật và sự chia tay của một đôi vợ chồng mới với sự chứng kiến của… cái giường trong đó có trò chọc gậy bánh xe không rõ ràng của tên bạn chồng.

Trong 18 cây bút 8x, người có “ý thức xã hội” cao nhất trong văn chương phải kể đến Yên Khanh (1982), góp tới hai truyện trong tập sách này. Cô không viết về những mối tình đầu đời lãng mạn, không suy tư những triết lý xa xỉ, cô viết trực tiếp về cuộc sống đang diễn ra với băn khoăn của người có “ý thức sáng tác”.

Trong “Những mùa đông đi qua”, Yên Khanh viết về một xóm nghèo y như xóm “Nhà mẹ Lê” thời xưa của Thạch Lam:

Tháng Mười Một rét như cắt da cắt thịt. Tám chín giờ sáng ngồi trong nhà nhìn ra ngoài đường vẫn chẳng thấy gì ngoài mù mịt sương trắng… Khi ấy cũng là lúc cả xóm chạy vạy từng bát gạo, chẳng nhà nào có lấy một vườn rau cho ra hồn vì gió muối làm cây cối tướp lại, héo quắt queo. Đàn ông đi đi lại lại, đàn bà than vãn thở dài, thỉnh thoảng lại thấy bên nhà hàng xóm vợ chồng con cái mắng chửi nhau và bát đĩa thì quăng ra sân loảng xoảng. Có nhà ban đầu ăn hai bữa một ngày sau đó phải chuyển bữa trưa làm bữa chính còn bữa tối thành bữa phụ qua quít. Trẻ con vì thế mà sáng ra nhìn bụng đứa nào cũng xẹp tới tận xương háng…”.

Không một chút ánh sáng nào “của Đảng”, của nền kinh tế thị trường theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” soi rọi tới cái xóm chuyên nghề bốc mộ này. Dường như họ hoàn toàn bị cách biệt với tất cả những gì đang diễn ra trong xã hội. Họ như một rẻo đất bị bỏ quên trong cái xứ sở đang sôi sùng sục những phân hoá giàu nghèo, những quan tham hốt bạc và những người dân bị cướp đất nổi lên chống lại cường quyền.

Không một tia hồi quang nào của toàn xã hội tới được cái vùng tăm tối này. Trong xóm này có một cặp uyên ương kiểu “Thị Nở, Chí Phèo” – nàng là chị Nhân sứt môi, chàng là anh Biển “đen như củ tam thất, người dài lêu nghêu như con nghiện. Môi thâm xì và hai hàm răng vàng khè. Tôi thề sống chết với đám bạn rằng trên đời này tôi chưa gặp ai lại giống khỉ đến thế. Nói chung là tất tần tật….

Thế rồi do sự ngăn trở của gia đình, “đôi uyên ương” phải chia lìa và chàng trai biến thành một gã điên khùng.

Anh Biển đang hì hụi huơ tay múa chân một mình, miệng lảm nhảm la hét điều gì đó. Chừng lại gần thì trời ơi, hoá ra trên tay anh là cả một xâu chuột lớn bé treo lủng lẳng đang kêu xoe xoé. Còn anh thì cứ nắm đuôi từng con một mà nện chí tử xuống tảng đá cộc ở góc ruộng, mỗi nhát đập lại kèm theo tiếng kêu khoái trá: Chết này, đồ ăn bẩn và bật cười hí hí…”.

Trong “Không ý tưởng”, Yên Khanh bày tỏ nỗi băn khoăn của chính mình khi viết ra những truyện ngắn “không ý tưởng”. Cô phê phán cái kiểu viết của nhiều người trong thế hệ cô:

Anh chộp được ý tưởng từ những cái nhàng nhàng nửa nạc nửa mỡ của một ai đó, biến nó thành của mình. Chỉ cần thêm thủ pháp lạ hoá.

Cô cho rằng:

Nó cũng giống như cái ý tưởng của người khác mà anh bạn tôi bằng những thủ thuật văn chương láu cá đã cuỗm thành của mình lại khiến độc giả tung hô rất thiện ý: lối viết mới, phong cách mới….

Cô muốn viết trung thực với những gì cô nhìn thấy ở xung quanh nhưng “cô lại ngậm ngùi nghĩ đến những điều viết ra không ý tưởng.

Yên Khanh là cây bút có ý thức trách nhiệm rõ nét nhất trong 18 gương mặt 8x trong tập này tuy cũng chỉ dám hé lộ nửa vời không dám đi tới cùng căn nguyên của tình trạng “viết không ý tưởng là từ đâu ra? Từ bản thân sự sợ sệt, khôn ngoan của người viết hay từ sự cấm đoán không thành văn bản của bộ máy siêu kiểm duyệt vô hình.

Mượn điển tích nàng Thị Kính cắt râu chồng, Lan Phương (1984) dựng lại thành truyện ngắn Đôi mắt Thiện Sĩ nhìn vợ hiền ra gái giết chồng, gặp lại vợ cũ vẫn không nhận ra, truyện ngắn mang ý tưởng “đôi mắt” suốt đời nhìn nhận lầm lẫn chỉ đáng mang chọc cho mù.

Quả thực người ta khó mà đọc một mạch cho hết tập truyện vì sự giông giống nhau của cả loạt hơn hai chục truyện ngắn. Cũng may, lần xuất bản này, biên tập Nhà xuất bản đã bỏ đi phần “đề từ” của những cây bút 8x, không thì người đọc còn ác cảm nữa với những gì đã viết ra trong tập truyện này:

Chúng tôi khóc
Chúng tôi cười
Chúng tôi điên loạn
Chúng tôi hiền lành…

Và trạng thái cuối cùng là trống rỗng.
Những đứa chúng tôi cô đơn
Những đứa chúng tôi tìm đến trang viết đôi khi
Như một sự giải toả xa xỉ.
Khi trầm mình lại, thấy mọi điều dường như vô vị.
Và rồi chúng tôi lại khóc, lại cười, lại điên loạn…
Nhưng chúng tôi không nhai lại những đoạn băng cũ rích.
Vì đơn giản chúng tôi thuộc thế hệ trẻ
Thế hệ 8X đầy tự tin và kiêu ngạo
8X.

Sự thực trong 18 gương mặt 8x này có nhiều người không “điên loạn và không kiêu ngạo đến như thế. Như Phạm Hương Giang (1984), tác giả “Cô mình” trong bài “Truyện ngắn 8x – Lời Trần tình của một nạn nhân đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ số 232 đã bày tỏ:

Khi một nhà văn nói với tôi: thấy gì viết nấy thế này thì lớn thế nào được, tôi không tin. Khi một nhà thơ nổi tiếng nói với tôi: thơ em viết bằng mắt, tôi vẫn không tin. Cho dù vẫn biết rằng các vị tiền bối chắc chắn có kinh nghiệm hơn mình. Những câu nói đó mang tính tổng kết cả một đời văn đầy khổ ải.

Nhưng đến khi đọc Truyện ngắn 8X tự nhiên tôi thấy chờn chợn: Hình như những người đi trước đã nói đúng. Tôi và một số người trong thế hệ chúng tôi đã mắc phải căn bệnh mắt hẹp. Đối với việc viết văn, vốn sống vô cùng cần thiết. Và trí tưởng tượng lại càng cần thiết hơn nhiều. Không có trí tưởng tượng, dù người viết có chịu khó quan sát đến mấy thì trang viết vẫn cứ vặt vãnh khô cằn, thiếu sức tưởng tượng, những trang văn sẽ thiếu đi sự thăng hoa lãng mạn vốn rất cần cho mỗi tác phẩm văn chương. Vậy mà hỡi ôi, phần đa các tác giả thế hệ 8x đều rất trẻ, từ bé đến giờ chỉ quẩn quanh với sách vở, với máy tính, vốn sống thực tế hạn hẹp. Có những tác giả chưa bao giờ ra khỏi thành phố, không phân biệt được con trâu với con bò, lúa với mạ… Thế nên mắt hẹp là đương nhiên. Vì vậy khi viết họ chỉ viết về những thứ vụn vặt nhìn thấy xung quanh. Tất nhiên đối với những người có tài thì những điều tai nghe mắt thấy sẽ là những gợi ý tốt cho trí tưởng tượng bay bổng. Còn trong Truyện ngắn 8X, hầu hết các truyện ngắn đều chưa ra truyện. Nghĩa là không đầy đủ cấu tứ, không có sự đào sâu suy nghĩ nên câu chuyện được thả chơi vơi, đầu đuôi không thống nhất được về nội dung và ý nghĩa.

Một “tự đánh giá” khá chính xác của người cầm bút thế hệ 8x tuy vẫn thiếu phần cốt lõi: đó là chừng nào nhà văn chưa có được quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác và tự do xuất bản, chừng đó văn học chưa thoát ra khỏi tình trạng “vặt vãnh, khô cằnthiếu trí tưởng tượng”.

 

Nguồn: http://nhattuan2011.blogspot.com/2014/07/chuyen-xua-nay-moi-noi-ky-17-8x-viet.html

 

Comments are closed.