Lê Quang đa tài và kỹ tính

Nông Hồng Diệu

TP – Người đọc biết đến Lê Quang chủ yếu ở phần văn học dịch. Anh là một trong số hiếm hoi dịch giả có uy tín hiện nay ở mảng văn học hiện đại viết bằng tiếng Đức. Ít ai biết rằng, Lê Quang còn có khả năng viết truyện ngắn, làm thơ, đóng kịch, chơi đàn… Một “gã” đa tài, dễ tính trong những thú vui nhưng lại cầu toàn và khó chịu khi sắm vai dịch giả.

Lê Quang đa tài và kỹ tính

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Lê Quang xuất hiện với tư cách dịch giả văn học khi tuổi đã “nhàu”. Còn nhớ khi đó, dịch giả kỳ cựu Quang Chiến đã cổ vũ Lê Quang: “Lê Quang là một dịch giả trẻ, đầy đam mê với nghề… Sự xuất hiện của lớp dịch giả trẻ như anh sẽ là nguồn bổ sung quý cho đội ngũ dịch giả tiếng Đức còn rất mỏng hiện nay”. Quang Chiến phải lên tiếng bởi vì cuốn “Tình ơi là tình” của nữ tác giả người Áo từng đoạt giải Nobel Elfriede  Jelinek, do Lê Quang dịch gây sóng gió với dư luận. Có những bài báo phản ánh: “Tiểu thuyết Tình ơi là tình: Văn chương chuyển ngữ… rợn tóc gáy!”. Bởi “gã” dịch giả đầu trọc như nhà sư, lại có thân hình như chú mèo béo đã tôn trọng nữ nhà văn bằng cách để nguyên si tên gọi của những thứ cần che đậy theo tư duy của người Việt: Ỉa, cứt, nịt vú, liếm đít….  trong tác phẩm dịch. Nhiều người nhao nhao chỉ trích Lê Quang cẩu thả, thô thiển thì “gã” chỉ cười: “Tôi trung thành với nguyên tác”. Quả là một kẻ cứng đầu và rõ ràng đã ở tuổi dám bất chấp thị phi!

Nhưng nói “gã” cẩu thả, thô thiển thì oan cho “gã”. Đó cũng là cái án mà chẳng dịch giả yêu nghề nào chịu nhận. Như dịch giả Dương Tường, khi bản dịch Lolita gây tranh cãi, ông thà nhận “dốt” chứ  không nhận ẩu: “Nếu bản dịch kém thì do trình độ của tôi còn yếu, chứ không phải do dịch bừa, dịch ẩu”.

Dịch là sự thỏa hiệp

“Khi dịch tôi rất nghiêm khắc với bản thân”, Lê Quang chia sẻ. Có học trò thuộc dạng xuất sắc của “gã” dịch một cuốn tiểu thuyết của một tác giả được giải Nobel, khi xem xong bản dịch “gã” có hành động thô bạo:  Xé tan tành bản dịch, bởi chất lượng quá kém. Cũng như nhiều nghề khác, tuổi nghề một vài năm chưa thấm tháp gì so với cuộc đời dịch giả: “Để dịch được một ngôn ngữ về mặt lí thuyết phải giỏi tiếng mẹ đẻ, giỏi ngoại ngữ. Và điều quan trọng nữa là phải có vốn sống”, Lê Quang nói. Soi lại văn học dịch ở ta sẽ thấy, người nọ chê người kia là “thảm họa” nhưng chưa được bao lâu chính kẻ phát hiện “thảm họa” có khi lại tạo ra một “thảm họa” mới. Nguyên do có thể do thiếu “vốn sống” chăng?

Bản thân Lê Quang dù nỗ lực, kỹ tính, cầu toàn nhưng cũng có lúc chịu “bó tay” không tìm ra đáp án hoàn hảo khi chuyển ngữ. Như hai tác phẩm “Người đọc”, “Tình ơi là tình”, tên  tác phẩm khiến tác giả đau đầu, cuối cùng đành lựa chọn đáp án khả dĩ nhất, khi không thể tìm được từ tiếng Việt tương đương chuyển tải trọn vẹn ý của nhà văn. Theo Lê Quang: “dịch luôn luôn là một sự thỏa hiệp”. “Gã” bỏ ngoài tai những cuộc tranh luận dịch thuật. Thế nào là “tín”, “đạt”, “nhã” trong dịch thuật? Sẽ còn là những cuộc đôi co không hồi kết. Thí dụ cuốn sách của Lê Quang dịch cho thiếu nhi (chưa ra mắt) nguyên tác là “Nhà du hành vũ trụ đi ị vào đâu?” thì cách dịch “nhã”  phải phản ánh  đúng tinh thần con trẻ nói, chứ không phải cách nói tránh của người lớn “đi vệ sinh vào đâu”.  Cho nên dịch giả muốn “nhã” đúng nghĩa nhiều khi cũng khổ vì kiểm duyệt. Mà kiểm duyệt có lọt, có khi lại bị độc giả chê “thô thiển” như cuốn “Tình ơi là tình” cũng nên.

Hiện nay, trong dịch sách văn học, nổi lên hai quan điểm: Hoặc là dịch cái người ta (tức nhà văn) nói. Hoặc là dịch cái nhà văn định nói. Cả hai quan điểm đều có đông tín đồ, bởi mỗi quan điểm đều có ưu điểm rõ rệt. Cách dịch tôn trọng nguyên tác (dịch điều nhà văn nói) chính là sự tôn trọng độc giả. Độc giả suy luận điều gì từ những thứ đọc được là quyền của họ. Còn phương châm thứ hai, dịch giả giúp độc giả đỡ mệt đầu, bằng cách đọc hộ thông điệp của nhà văn. Nhưng Lê Quang chẳng chịu đi theo quan điểm nào: “Phương châm đầu tôi phản đối, tôn trọng độc giả là sự cần thiết nhưng đừng có xắn từng miếng đưa vào mồm người ta. Phương châm thứ hai cũng có cái dở, bởi không phải lúc nào dịch giả cũng hiểu đúng hoặc hiểu hết ý của tác giả để giảng giải cho độc giả”. Thế nên “gã” chọn phương án đi giữa hai bên: “Có lúc nên để nguyên như thế, nhưng có lúc không thể không giải thích khi phần lớn độc giả không đọc được nguyên tác, khó biết tác giả định nói gì”.

Nhà văn đừng nên dịch sách

Lê Quang có cách nghĩ ít nhiều chạm vào những nhà văn giỏi ngoại ngữ: Đã là nhà văn thì không nên dịch sách văn học. “Gã” lấy ví dụ cụ thể, như tác giả Phạm Thị Hoài, một người khiến dịch giả khâm phục ở ngôn ngữ tiếng Việt “không lẫn vào đâu được”: “Nhưng đọc tác phẩm do Phạm Thị Hoài dịch không cần nhìn tên dịch giả cũng biết ngay là Phạm Thị Hoài. Cái tôi của họ cứ hiện ra ngồn ngộn giữa hai dòng chữ. Chọn người để dịch văn học, tốt nhất người ấy chỉ nên biết chút về văn học, không nên quá giỏi. Người ấy mà sáng tác nữa thì lại không nên, họ sẽ ấn vào miệng tác giả những câu không phải của người ta, bởi họ hiểu theo nghĩa của họ chứ không hiểu theo nghĩa thông thường”. Xét theo tiêu chí này, Lê Quang đạt chuẩn. Xuất thân vốn là “dân” kiến trúc sư, về Việt Nam “gã” thôi nghề. Có điều “gã” hiểu về văn học, đọc văn học nhiều hơn mức cần thiết, khi bản thân tự nhận là “mọt sách”.

Có người nâng vị thế của dịch giả ngang với nhà văn khi coi họ như người đồng sáng tạo một tác phẩm văn học nhưng cha đẻ của “Trăm năm cô đơn” lại thẳng toẹt: Dịch giả là “con khỉ” của nhà văn. Lê Quang ưa vị trí “con khỉ” hơn. Tuy nhiên, “con khỉ” Lê Quang đâu chỉ giỏi bắt chước. Đôi khi “gã” cũng có những sáng tạo gây xúc động với người đọc. Ví dụ, tác phẩm của Karin Kalisa khai thác số phận người Việt tha hương xứ người, tên nguyên tác của cuốn tiểu thuyết  là “Sungs Laden” (“Cửa hiệu của Sung”) nhưng khi đến tay Lê Quang và nhận gợi ý từ ban biên tập lại thành “Con rối tha hương”, gợi cảm hơn hẳn bản gốc. Chắc chắn tác giả của cuốn tiểu thuyết chỉ biết “ồ” một tiếng cảm phục tài của dịch giả.

Nhưng “gã” không mong chờ lời khen, bởi đã quen với âm thầm: “Công việc của một dịch giả quá vất vả. Không dịch thì thôi, ai  dịch có ý thức một chút sẽ thấy bất mãn bởi không được đánh giá đúng công việc của mình. Bây giờ ở Việt Nam càng ngày càng có đông người biết ngoại ngữ, nhưng càng ngày chất lượng dịch càng giảm”. Lý do được Lê Quang mổ xẻ: “Bởi vì người nào học ngoại ngữ đến một mức nào đó bao giờ cũng có một nguyện vọng: Dịch, trước hết để thử sức, sau nữa để chia sẻ những điều mình biết mà người khác có thể chưa biết. Kể cả người làm lâu năm hay người mới vào nghề đều có nguyện vọng đó nhưng nguy hiểm nhất là không ý thức được mình đang ở đâu”.

Môn thể thao trí tuệ

Lê Quang khoe: “Tôi có quan điểm sống từ rất sớm”. Quan điểm của “gã” đi ngược lại lời dạy của các cụ: Thích làm nhiều nghề thay vì chuyên thú một nghề. Cho nên đừng ai ngạc nhiên khi cái gì gã cũng biết một tí: Đóng kịch, chơi đàn, vẽ tranh, làm thơ, viết truyện… Lê Quang có khá nhiều truyện ngắn nhưng ít dùng bối cảnh Việt Nam. Điều đó cũng không  khó hiểu, bởi 17 tuổi “gã” đã rời Việt Nam, 28 năm sau mới quay về. “Gã” tuyền viết truyện ngắn bằng tiếng Đức, khi cần “gã” mới chuyển sang tiếng Việt. Tiếng Đức giúp Lê Quang đuổi kịp tư duy nhanh hơn tiếng Việt. Một số bạn văn đọc truyện ngắn của Lê Quang đều dành cho “gã” lời khen sau lưng: Truyện ngắn thông minh, dí dỏm. Đọc kỹ truyện Lê Quang thấy “gã” hay gài triết lí tự đúc kết, có lẽ do cầm bút viết truyện ở tuổi muộn mằn chăng: “Cuộc đời là một chuỗi thói quen, giản dị và chán ngắt, song khó bỏ như hơi thở” (“Không bao giờ đến New York”).

Song “gã” khẳng định: Không bao giờ có nhà văn Lê Quang. Bởi nếu như các nhà văn không nên là dịch giả thì dịch giả cũng không nên khoác thêm chiếc áo nhà văn. Tốt nhất anh ta chỉ nên coi đó là cuộc dạo chơi hay môn thể thao trí tuệ. Lê Quang tự tìm đề tài cho mình, bằng cách tra từ điển tìm những định nghĩa không liên quan đến nhau như: Xe đạp, bể bơi, mùa đông… rồi ép mình viết trong 2 tiếng phải xong một truyện ngắn với mấy từ khoá đã chọn đó. Cho nên, truyện ngắn của Lê Quang đôi khi kết thúc hơi vội vàng, khiến người đọc có lúc thòm thèm, có lúc bị “sốc”. “Gã” ít khi viết lại những truyện ngắn đã hoàn thành. Một lần, “gã” đưa truyện ngắn của mình cho một nữ nhà văn người Đức đọc, bằng kỹ thuật, đảo phần kết lên đầu, cô đã giúp Lê Quang có một truyện ngắn hấp dẫn hơn hẳn: “Từ đó, tôi hay nhìn lại truyện ngắn của mình, đã nhìn lại thì lại viết lại, mà viết lại thì… lười lắm”.

Hay dịch tiểu thuyết nhưng Lê Quang không có ý định viết tiểu thuyết, bởi gã nhận mình không có tài: “Nếu có tài cũng không viết”. Lý do muôn thuở: “Tôi lười”. “Gã” ưa thích tự do, ngại công việc chôn chân liên tục nhiều tiếng ở công sở. Nhà “gã” gần sân bay. Mỗi khi oải, “gã” lại khóa cửa lên đường. Có thể sang trời Âu, có thể chỉ  loanh quanh trong nước. Đi đâu cũng được, miễn là thay đổi không khí, để hớn hở trở về, lại lao vào dịch sách. Hình như có lần gã đã “tố”: Nghề dịch sách chiếm 90% thời gian, công sức của gã nhưng chỉ đem lại 10% thu nhập.

“Tôn trọng độc giả là sự cần thiết nhưng đừng có xắn từng miếng đưa vào mồm người ta”

Lê Quang

Dịch giả là “con khỉ” của nhà văn

Có người nâng vị thế của dịch giả ngang với nhà văn khi coi họ như người đồng sáng tạo một tác phẩm văn học nhưng cha đẻ của “Trăm năm cô đơn” lại thẳng toẹt: Dịch giả là “con khỉ” của nhà văn. Lê Quang ưa vị trí “con khỉ” hơn. Tuy nhiên, “con khỉ” Lê Quang đâu chỉ giỏi bắt chước. Đôi khi “gã” cũng có những sáng tạo gây xúc động với người đọc. Ví dụ, tác phẩm của Karin Kalisa khai thác số phận người Việt tha hương xứ người, tên nguyên tác của cuốn tiểu thuyết  là “Sungs Laden” (“Cửa hiệu của Sung”) nhưng khi đến tay Lê Quang và nhận gợi ý từ ban biên tập lại thành “Con rối tha hương”, gợi cảm hơn hẳn bản gốc.

Nguồn: http://www.tienphong.vn/van-nghe/le-quang-da-tai-va-ky-tinh-1151056.tpo

Comments are closed.