Ngôn Ngữ, sao lại phải Ngậm Ngùi?

T.Vấn

clip_image002

Nhà văn Lê Hữu, tác giả “Âm nhạc của một thời“*, vừa cho ra mắt độc giả tác phẩm “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi” trong tủ sách điện tử T.Vấn & Bạn Hữu. Sách dầy 322 trang, khổ giấy thông thường 5.5×8.5, mang đầy đủ quy cách của một quyển sách khi được giao đến nhà in. Cũng như tất cả mọi tác phẩm của tủ sách TV&BH, tác phẩm “”Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi” của Lê Hữu được phổ biến hoàn toàn miễn phí trên trang mạng văn học T.Vấn & Bạn Hữu (www.t-van.net).

Thông minh, tinh tế, khả năng nhìn sự việc đến từng chi tiết nhỏ, thêm một chút uyên bác, thêm một chút hóm hỉnh; cộng với giọng văn trong sáng, rõ ràng, mạch lạc, cách dùng chữ “chuẩn” đến độ gây cảm tưởng khó có thể chuẩn hơn được nữa nơi người đọc, cho thấy sự nghiêm túc của Lê Hữu ở bất cứ đề tài nào được bàn đến trong các tác phẩm của ông. Đó cũng là những đặc tính làm nên cái “rất riêng” của Lê Hữu, khiến người đã từng đọc ông, sẽ nhận ra ngay những đứa con tinh thần khác của Lê Hữu.

Tác phẩm “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi“** mang đầy đủ những thứ làm nên một Lê Hữu rất riêng nói đến ở trên. Thêm nữa, ở tác phẩm này, là sự lựa chọn các đề tài để bàn luận, một thế mạnh khác của Lê Hữu mà không phải ai cũng “dám” có những lựa chọn như ông. Đề tài mà ông chọn, “khó nhai” đã đành, mà còn dễ gây tranh cãi, kể cả ở những người có cùng chung một chí hướng.

Ở “Âm nhạc của một thời“, sự lựa chọn những nhạc sĩ, những bài hát để bàn luận đến, một phần Lê Hữu dựa vào những cảm quan tinh tế, kinh nghiệm sống của mình, phần khác còn là sự dựa vào những kho tài liệu, những công trình sưu khảo khác, mà sau này nhờ Internet nên dễ dàng tìm kiếm để so sánh, phân tích, từ đó đưa ra ý kiến riêng của mình. Trên cái nền an toàn đó, bàn tay tác giả cứ thong dong mà bay trên mặt bàn phím theo cùng với tiếng nhạc réo rắt của một thời.

Ở “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi“, sự lựa chọn đề tài của tác giả, tất nhiên cũng vẫn dựa vào những cảm xúc tinh tế, những quan sát nhạy bén, khả năng nhìn vấn đề nhỏ đến từng sợi tóc. Ngoài những thứ “tài sản trời cho” ấy ra, Lê Hữu chỉ còn biết trông vào một khả năng khác của mình: óc tổng hợp, sau khi đã phân tích tỉ mỉ mỗi con chữ, mỗi ý nghĩa, mỗi bối cảnh (trong, ngoài), mỗi thời (cũ, mới), mỗi quan điểm chính trị (quốc, cộng). Cuối cùng, là sự tự tin vào chính mình, được tác giả biểu lộ một cách hết sức tự nhiên, như thể đó là điều không có gì phải bàn cãi nữa.

Ngay ở tên tác phẩm “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi” đã cho thấy sự tinh tế trong cách chọn chữ, nghĩa. Phải đến khi người đọc đọc xong tác phẩm rồi, gập sách lại (hay đóng màn hình thiết bị đọc sách điện tử) mới cảm thấy quả thật… ngậm ngùi cho số phận con chữ trong một thời đại nhiễu nhương ở mọi ngõ ngách của đời sống, trong đó, ngôn ngữ – phương tiện giao tiếp, biểu đạt ý kiến, tình cảm – là nạn nhân trực tiếp vì nó không thể vắng mặt mỗi khi có từ hai con người trở nên đối diện nhau.

Nhất là khi ngôn ngữ ấy – thứ tiếng Việt đã từng “bốn ngàn năm ròng rã buồn vui”- vốn là tài sản mà người xa xứ mang theo bên mình như một biểu tượng cụ thể của khái niệm quê hương vốn không hình không dáng, mà lại đầy ắp mùi, đầy ắp vị, mỗi khi nghĩ đến lòng người xa quê hương không khỏi xao xuyến.

Vì thế, giữ gìn tiếng Việt (cho các thế hệ mai sau sinh sống ngoài đất nước), giữ gìn sự trong sáng cho tiếng Việt (cho các thế hệ đương thời tuy đó là thứ “tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi” nhưng xa quê hương đã lâu) là những việc phải làm, nên làm.

Bi kịch ngôn ngữ, khiến gây cảm giác “ngậm ngùi” cũng từ đó mà ra.

Do những hoàn cảnh lịch sử đặc trưng từ mối quan hệ giữa người ngoài nước và người trong nước, từ sự áp đặt một nền văn hóa (trong đó có ngôn ngữ) của bên thắng trận (miền Bắc) vào một nước Việt Nam thống nhất (về mặt địa lý), khiến ngày nay ngôn ngữ đã trở thành nạn nhân của thành kiến đến từ cả hai phía.

Ở trong nước, không cần dẫn chứng nhưng ai cũng biết, các hệ thống chính quyền kiểm soát mọi phương tiện truyền thông: sách, báo, đài phát thanh, đài truyền hình đã vô hình trung định hình một thứ tiếng Việt sau 75 mà người trong nước nghe riết rồi quen, hoặc tuy có ý thức phản kháng đó, nhưng do không còn lựa chọn nào khác ngoài phải tập sống với nó, do nhu cầu giao tiếp phải dùng nó (để đối tượng hiểu được), dần dà thành nếp, cứ tự nhiên để thứ tiếng Việt (đã bị chính quyền định hình ấy) bật ra khỏi đầu mỗi khi nói, viết, mà không mảy may ý thức rằng thứ ngôn ngữ mình đang sử dụng gây khó chịu cho đồng bào mình hiện đang sinh sống ngoài đất nước vì nhiều lý do khác nhau.

Thế nên, cũng không có gì lạ, khi ở ngoài đất nước, người Việt tị nạn cương quyết tẩy chay “những từ của Việt cộng”, bất kể chúng được dùng đúng hay sai, bất kể những từ ấy có nguồn gốc từ trước 1975 ở miền Nam nay được trong nước dùng lại thường xuyên nhưng mang một ý nghĩa khác hẳn.

Ngôn ngữ đã bị khoác lên chiếc áo ý thức hệ, may vừa vụng vừa chật, vào người.

Ngôn ngữ đã trở thành nạn nhân, bởi những người yêu nó tha thiết, bởi những người muốn gìn giữ nó làm căn cước xác định nguồn gốc của mình. Từ đó, trở nên dị ứng với những gì không thuộc về, hay ngược lại với ngôn ngữ ‘gốc” của mình, ngôn ngữ “ý thức hệ” của mình. Bởi cả những người xem nó là thứ vũ khí vạn năng, là gươm là súng, đâm thẳng vào kẻ thù (chế độ) không một chút chùn tay. Bởi xem ngôn ngữ là vũ khí, nên họ có thể mài dũa, bẻ cong (như thanh gươm cong), thay hình đổi dạng (để đánh lừa đối phương), miễn đạt được mục đích mình mong muốn.

Do vậy, bởi những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều người đã có lúc quên rằng quốc hay cộng, trong hay ngoài, cũ hay mới thì tiếng Việt cũng vẫn là tiếng Việt, được sử dụng bởi người Việt ở cả hai bên bờ đại dương.

Sau khi nêu bật những dẫn chứng rất sống, rất thực của “bi kịch ngôn ngữ”, Lê Hữu ngậm ngùi:

” Sự chia cách trong ngôn ngữ không giống như những cách ngăn có giới tuyến, mà là những rào cản vô hình, bàng bạc trong đời sống, trong nếp suy nghĩ, trong thái độ, cử chỉ và cung cách đối xử với nhau, khiến con người không cảm thấy “gần” nhau được. Cùng một màu da, cùng chung tiếng nói, cùng một chữ viết, nhưng lại “bất đồng ngôn ngữ”…”

Và cuối cùng, ông ao ước:

“Bao giờ cho đến bao giờ, những con người cùng một màu da, cùng một tiếng nói, cùng một chữ viết không còn nữa những “bất đồng ngôn ngữ”, để cho ngôn ngữ không phải… ngậm ngùi…”.***

Quả thực cụm từ “bất đồng ngôn ngữ”,được Lê Hữu sử dụng trong trường hợp này, chuẩn xác đến muốn chảy nước mắt.

Tác phẩm “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi” của Lê Hữu không phải chỉ có câu chuyện buồn” bất đồng ngôn ngữ” giữa những người cùng một màu da, một tiếng nói, một chữ viết.

Trong hơn 20 đề mục của tập sách, chỉ có 5 đề mục đầu và một đề mục cuối cùng được tác giả lấy tên (của đề mục) làm tên chung cho cả tập sách, được dùng để đi trực tiếp vào chủ đề chính của tập sách. 15 đề mục còn lại, mới đọc qua, tưởng chừng như không “ăn nhập” gì với tên chung, là về “ngôn ngữ ngậm ngùi”. Một số đề mục thì nói những “chuyện đâu đâu” như: Giao Thừa Trên Mây, hay dưới đất thì có Chú Hề Buồn Bã, hoặc “gỉa tưởng” như Căn Nhà Cuối Cùng Của Tôi. Số đề mục còn lại tác giả dành viết về tác phẩm của một số người hoạt động nghệ thuật trong các lãnh vực văn, thơ, nhạc, hình.

Tôi cho đây là một dụng ý rất ‘tinh tế” của Lê Hữu. Những trang văn không đả động chút nào đến nỗi ngậm ngùi của ngôn ngữ, mà bằng khả năng sử dụng ngôn ngữ khá nhuần nhuyễn, ông đã làm ngôn ngữ thăng hoa qua những sự kiện, chi tiết rất đời thường trong những mẩu chuyện (thực) ông kể lại, hoặc qua chính những trang phân tích tác phẩm văn, thơ, nhạc, hình của một số tác giả nổi tiếng đương thời.

Ở những trang văn này, Lê Hữu đã gián tiếp cho chúng ta thấy nét đẹp của ngôn ngữ, ngôn ngữ có âm thanh và ngôn ngữ không có âm thanh, không cả chữ viết. Trong thế giới ngôn ngữ của Lê Hữu, thể hiện qua những trang văn đẹp, trang trọng, không có chỗ cho những bất đồng (ngôn ngữ). Bàng bạc trong đó, người đọc nhận ra ý đồ chính của tác giả: ngôn ngữ là phương tiện con người gởi đến nhau tình yêu, sự cảm thông, sự hiểu biết, và sự chia sẻ với nhau niềm vui nỗi buồn. Đó là chức năng chính của ngôn ngữ. Vì lý do ấy mà ngôn ngữ có mặt. Vì lý do ấy mà mỗi dân tộc, mỗi quần thể văn hóa có thứ ngôn ngữ riêng của mình.

Đơn giản chỉ có thế.

Ngậm ngùi thay, đó là sự đơn giản khó đạt được nhất.

Tác phẩm “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi” của Lê Hữu, là một đóng góp khiêm tốn cho nỗ lực đạt đến điều khó đạt ấy.

Trong bối cảnh người muốn đọc sách không có sách để đọc, như nhà văn Nguyễn Viện mới đây phát biểu với BBC về việc ông (cùng với nhà xuất bản Giấy Vụn) cho tái bản 6 tác phẩm của mình qua mạng lưới phát hành Amazon.com:

” Tôi không có một ảo tưởng nào. Tôi rất biết tình trạng đọc sách hiện nay của người Việt. Như bạn biết, sách báo tự do trên nguyên tắc không thể vào Việt Nam qua bưu điện hay bất cứ phương tiện hoặc cửa khẩu nào, ngoài của cơ quan có thẩm quyền nhà nước. Vì thế, người đọc nhiều nhất và có khả năng đọc nhất lại không thể tìm đọc.

Amazon không gửi sách trực tiếp về VN được. Còn người Việt ở nước ngoài, hầu hết vốn chẳng mặn mà gì với văn chương, mà người có thể đọc đa phần lại lớn tuổi, nên họ không có nhu cầu mua sách, nhất là lại phải mua qua internet. Còn người trẻ, hầu hết họ không đọc sách tiếng Việt.. . .” ( http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38170543).

Thế nhưng, qua hình thức sách điện tử như tác phẩm “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi” của Lê Hữu (cùng với các tác phẩm khác của tủ sách T.Vấn & Bạn Hữu) sách sẽ dễ dàng đến với người đọc, nhất là đọc giả cần sách để đọc ở trong nước.

Với tư cách người chủ trương và thực hiện Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu, tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm thứ 15 trong năm 2016 của Tủ Sách, “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi” của Lê Hữu, một tác phẩm mà cả tác giả lẫn độc giả, trong nước và ngoài nước, nên đọc.

___________________________________

Chú thích:

*Âm Nhạc Của Một Thời – Lê Hữu – Giờ Ra Chơi xuất bản – Hoa Kỳ 2011

**Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi – Lê Hữu – Ấn bản điện tử do Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện -Hoa Kỳ 2016. Để đọc tác phẩm này, xin bấm vào đường nối kết: http://t-van.net/?p=29910

***Những chữ in nghiêng (italic) trong bài đều trích từ “Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi” của Lê Hữu.

Comments are closed.