Nhìn nhận nhanh phê bình thơ Việt hậu Đổi mới (kỳ 1)

Đỗ Quyên

THAM LUẬN HỘI THẢO “THẾ HỆ NHÀ VĂN SAU 1975”

Đại học Văn hóa Hà Nội – 28/4/2016

• • •

“Từ thời niên thiếu, tôi đã có ham muốn mãnh liệt hơn hết thảy:

sắp xếp được tất cả những dữ kiện vào các định luật phố quát nào đó.”

(C. Darwin)

*

“Hãy đánh chết nó đi, nhà phê bình văn học – cái thằng khốn!”

(J.W. Goethe)

Mục lục

LỜI MỞ

I. MỘT MỐC “CHUẨN” CHO THỜI KỲ HẬU ĐỔI MỚI?

II. MỘT SỐ QUAN NIỆM VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC, PHÊ BÌNH THƠ

III. MỘT VÀI DANH SÁCH NHÌN NHẬN NHANH PHÊ BÌNH THƠ VIỆT TRONG THỜI HẬU ĐỔI MỚI

III.1. Phân loại theo Thế hệ, Độ tuổi

DANH SÁCH SỐ 1 (theo phân loại Thế hệ – Độ tuổi)

III.2. Phân loại theo Phương pháp, Đối tượng, Thể tài, Ảnh hưởng

DANH SÁCH SỐ 2 (theo phân loại Khuynh hướng – Phương pháp)

DANH SÁCH SỐ 3 (theo phân loại Mục đích – Đối tượng)

DANH SÁCH SỐ 4 (theo phân loại Thể tài)

DANH SÁCH SỐ 5 (theo phân loại Ảnh hưởng – Dấu ấn)

LỜI CUỐI

CHÚ THÍCH – THƯ MỤC – TRÍCH DẪN

• •

LỜI MỞ

Cột mốc “sau 1975” đã, đang và sẽ là cột đỉnh trên đường biên chính trị, xã hội, văn hóa, đời sống Việt Nam chừng nào đất nước mang hình chữ S của chúng ta còn bị lâm trận hoặc bị đe dọa, ám ảnh bởi chiến chinh khiến giang sơn phân đôi.

Thiển ý của chúng tôi, xét trong hơn một thế kỷ vừa qua của thời kỳ văn học Hiện đại bắt đầu từ khoảng những năm đầu tiên của thế kỷ XX

[1], thì mốc lịch sử 1975 – Tổ quốc thống nhất có ý nghĩa toàn diện (nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật, hệ giá trị mĩ học, phục vụ thời cuộc, v.v.) và nhất là phạm vi ảnh hưởng (tính quốc tế) hơn cả, so với bốn mốc còn lại[2]: 1932 – Thơ mới; 1945 – Cách mạng mùa Thu; 1954 – Đất nước chia đôi bởi Hiệp định Genève.

Xét về cả thời gian (lịch đại) lẫn thời cuộc (thời đại), với giai đoạn lớn 40 năm từ sau 1975 đến thời điểm hiện tại, giới nghiên cứu và dư luận đã tương đối nhất quán khi chia nó thành ba[3] giai đoạn nhỏ: 10 năm hậu chiến (1975 – 1986); 10 năm Đổi mới (1986 – giữa những năm 1990); 20 năm hậu Đổi mới[4] (giữa các năm 1990 – hiện nay).

Trôi theo dòng văn hóa đọc ở kỷ nguyên a còng với thủ thuật quét/lướt mạng (scan/surf the web), vài năm nay chúng tôi đang cố gắng đưa ra một cách nhìn-nhận-nhanh văn học Việt hiện đại và đương đại qua-những-danh-sách.

Nội dung Tham luận này[5] thuộc vào giai đoạn nhỏ thứ ba (hậu Đổi mới), tức là thời điểm đương đại 20 năm qua. (Và có thể tiếp diễn chừng mươi năm nữa?)

Nói một cách riết róng mà tương đối, tất cả các hình thái “xử lý tác phẩm” như cảm thụ, phán đoán, đánh giá, giải thích, hướng dẫn văn học… cần đến ba loại tác giả: người phê bình/nghiên cứu có chức phận (nghề nghiệp); người bình luận/định giá có bổn phận (cơ duyên); và người giới thiệu/hội luận có thẩm quyền (nhiệm vụ) về đối tượng mà họ quan tâm.

Về thể loại, ở đây chỉ tạm xét đến các lĩnh vực phê bình, bình luận và giới thiệu thi ca. Từ nay gọi chung là “phê bình thơ” hoặc “phê bình”; và cũng chưa đề cập đến lý luận/lý thuyết về thơ.

Về phạm vi và địa lý: Mọi khu vực sinh hoạt văn học liên quan tới phê bình, từ trung tâm, chính thống đến tất cả các ngoại vi, phi chính thống (hải ngoại, lề trái…).

I. MỘT MỐC “CHUẨN” CHO THỜI KỲ HẬU ĐỔI MỚI?

Hậu Đổi mới. Đã có những cố gắng từ các nhà nghiên cứu, lý luận văn học sử đặng tìm ra đường biên cho giai đoạn đương đại này của văn học Việt, tính từ sau mốc lịch sử và mạnh mẽ 1986-1989 của thời kỳ Đổi mới. Song, dường như tới nay chưa có dấu mốc nào chuẩn xác và dễ đồng thuận?[6]

Chúng tôi thử dùng đồng thời 5 kiểu phân kỳ để tạo “khu vực biên giới” giữa hai giai đoạn Đổi mới (1986-1989) và hậu Đổi mới (từ khoảng giữa thập niên 1990 đến nay).

– Phân kỳ kỹ thuật – công nghệ: Cuối năm 1997, Internet đã tới Việt Nam như mang lại đôi hài vạn dặm, đưa đất nước vào xa lộ toàn cầu hóa, giao lưu văn hóa và xã hội quốc tế.

– Phân kỳ chính trị – xã hội: Giữa năm 1995, nước CHXHCN Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) như một biểu hiện bình thường hóa quốc gia khi “muốn làm bạn với tất cả các nước”, “đa dạng hóa quan hệ”, “chủ động hội nhập khu vực và thế giới”…

– Phân kỳ tư tưởng – quan điểm: “[…] vào tháng 7/1990, Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN thông qua chỉ thị ‘Về một số vấn đề trong công tác quản lý văn học, nghệ thuật hiện nay’, đây là văn kiện ấn định toàn bộ đời sống văn học ở CHXHCN Việt Nam. […] Với sự xuất hiện văn kiện này, trong văn học Việt Nam trên thực tế đã kết liễu giai đoạn mà nhà văn nổi tiếng Nguyễn Đình Thi gọi là giai đoạn ‘khủng hoảng’. Bắt đầu chuyển sang thời ‘dân chủ hóa một cách có lãnh đạo’ xã hội Việt Nam.”[7]

– Phân kỳ cơ cấu – tổ chức: Đầu năm 1995, Hội Nhà văn Việt Nam họp Đại hội lần V, bầu ra (và sau bổ sung) Ban Chấp hành gồm 7 người với sự phân công Tổng Thư ký Nguyễn Khoa Điềm, Phó Tổng Thư ký thường trực Hữu Thỉnh. Trong Ban Chấp hành mới, không còn một số vị thường được gọi là “phe Đổi mới”.

– Phân kỳ văn học – văn học sử: Có thể xem các thời điểm khởi phát hậu Đổi mới trùng với quãng thời gian mà đề tài Hậu hiện đại trên thế giới đến được cộng đồng văn chương Việt.

Ở trong nước, ngay từ năm 1991 trên Tạp chí Văn Học đã có bài dịch Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại của A. Blach; năm 1997 có bài dịch Về chủ nghĩa hậu hiện đại (J. Verhaar). Tới năm 2000 Tạp chí Nhà Văn có bài viết Chủ nghĩa hậu hiện đại của Phương Lựu. [Xem: Nguyễn Hưng Quốc[8] và Phan Tuấn Anh[9]].

Ở ngoài nước, Tạp chí Thơ trong hai năm 1997-1998 có hai bài dịch của Phan Tấn Hải là Giới thiệu thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ (P. Hoover) và Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn chương (S. Connor). Còn Tạp chí Việt số đầu năm 2000 có tiểu luận Viết, từ hiện đại đến hậu hiện đại của Hoàng Ngọc-Tuấn. Đặc biệt, như một trong vài người đi đầu quảng bá và giới thiệu, Nguyễn Hưng Quốc từng vài lần nói về chủ nghĩa hậu hiện đại từ năm 1996 trong hai cuốn sách Võ PhiếnThơ, v.v. và v.v., và đáng kể là cuốn tiểu luận Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại in năm 2000.[10]


[1] Về khái niệm thời kỳ văn học Hiện đại, chúng tôi muốn “giao hòa” kết quả từ ba cách phân kỳ khá phổ biến của những nhà nghiên cứu có thẩm quyền trong lĩnh vực lịch sử văn học Việt Nam, đó là: Trần Đình Hượu (x. Phạm Văn Hưng; Trần Đình Hượu với việc phân kì lịch sử văn học và định danh, định tính văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 – 1930, hcmup.edu.vn 25/11/2012), Nguyễn Huệ Chi (Một vài vấn đề phân kỳ lịch sử văn học nhìn từ điểm đầu của thế kỉ XXI, phebinhvanhoc.com.vn 8/7/2013), và Nguyễn Đình Chú (Phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam – Tổng kết và đề xuất, viet-studies.info 12/4/2010).

Nguyễn Huệ Chi đặt vấn đề, “Có hay không một thời kỳ Văn học Cận đại”, vì cho rằng “văn học chúng ta đã bước vào quỹ đạo của văn học thế giới thì hai chữ ‘hiện đại’ dùng cho nó cũng phải dựa trên chuẩn mực của văn học thế giới, chứ không thể nặn ra một thứ chuẩn mực riêng cho văn học Việt Nam”; thế nên “về cách gọi tên, thời kỳ văn học từ đầu thế kỷ XX đến 1945 chúng tôi đều nhất trí gọi là thời Cận đại. Thời kỳ văn học từ 1945 đến nay [2001], Nguyễn Lộc và Trần Đình Hượu gọi là thời Hiện đại, còn tôi [N.H.C.] gọi là thời Hiện đại và Đương đại”; và “Trần Đình Sử chưa nêu lên một ý kiến thật dứt khoát về sự phân định giữa hai thời kỳ Cận đại và Hiện đại.

Trong khi đó, Nguyễn Đình Chú “muốn đề xuất một cách phân kỳ mới như sau: Lịch sử văn học Việt Nam gồm hai phạm trù: phạm trù trung đại (từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX) […] Phạm trù hiện đại (từ đầu thế kỷ XX đến nay) gồm ba giai đoạn: 1) Từ đầu thế kỷ XX đến 1945; 2) Từ 1945 đến 1975; 3) Từ sau 1975 đến nay [2010]”.

[2] Mời xem thêm một ý mới và rất khác của Nguyễn Bá Thành: “[…] thơ Việt Nam 1945-1975 là một nền thơ phát triển rực rỡ nhất, tự do nhất, nhiều thành tựu nhất. Phong trào Thơ mới 1932-1945 xét cả về số lượng cũng như chất lượng nghệ thuật, xét cả ý nghĩa của thơ đối với đời sống tinh thần của xã hội, xét trên phương diện loại hình tác giả, loại hình nhân vật trữ tình và hình tượng trung tâm, cũng như xu hướng hiện đại hóa về ngôn ngữ và biểu tượng thi ca… không thể nào so sánh với thành tựu thơ 1945-1975”.

(Theo Bùi Việt Thắng; Thơ Việt Nam 1945-1975 nhìn từ hai phía, vanvn.net 15/3/2016. Cũng trong bài trên tác giả đã nhận định về cuốn chuyên luận mới của Nguyễn Bá Thành, Toàn cảnh thơ Việt Nam 1945-1975, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016: “Có thể nói lần đầu tiên thơ Việt Nam giai đoạn 1945-1975 được nhìn nhận như một thực thể thơ thống nhất, đa dạng và phức tạp bởi thời tiết chính trị và những biến thiên lịch sử trong thời đại bão táp 30 năm cách mạng và chiến tranh, trong bối cảnh đất nước bị chia cắt dằng dặc 21 năm trời, trong cùng một thời kì mà trên cùng lãnh thổ tồn tại nhiều chính thể khác nhau, loại trừ nhau.”).

[3] Còn có những ý kiến không dễ phản biện; về phân kỳ văn học: “Tuy nhiên, văn học từ 1975 đến nay (2001; 2013 tái bản có xem lại – ĐQ) phải chăng vẫn chỉ là một giai đoạn mà thôi?”; hay về khái niệm chính trị trong văn học: “Hoàng Ngọc Hiến (1991 – ĐQ) muốn gọi giai đoạn mới này của văn học Hiện đại Việt Nam là giai đoạn ‘hậu hiện thực xã hội chủ nghĩa.’” (Nguyễn Huệ Chi; bđd).

[4] Thật ra trong thập niên qua, thuật ngữ hậu Đổi mới thường được hoặc các nhà nghiên cứu – phê bình dùng để phân kỳ văn học (trường hợp này không nhiều và đến nay chưa được chính thức hóa; xem tiếp Chú thích 6), hoặc giới văn chương, báo chí dùng như một khái niệm mới để dễ phân biệt. Trong văn kiện chính trị – văn nghệ chính thức hay trong bài vở, phát ngôn thông thường những khi không cần khu biệt đề tài, thường vẫn chỉ dùng thuật ngữ Đổi mới để chỉ thời gian từ 1986 đến thời điểm đang nói. Vài ví dụ:

“Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng […] nhìn lại 30 năm Đổi mới; […] I. Vững bước trên con đường Đổi mới […] Ba mươi năm Đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước…” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng, nhandan.com.vn 22/1/2016).

– “[…] công cuộc Đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.” (Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ‘dốc ruột’ trước Đại hội, vietnamnet.vn 14/2/2016).

– “Tổng kết 30 năm văn học thời kỳ Đổi mới (1986-2016)” (Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị Văn học năm 2015, vanhocquenha.vn).

– “… khi lướt nhìn lại sự biến động của đội ngũ nhà văn Việt Nam qua 30 năm Đổi mới. […] Từ ngày đất nước bắt đầu Đổi mới…” (Ngô Thảo; Nhà văn Việt Nam qua 30 năm Ðổi mới”, nhandan.com.vn 3/2/2016).

[5] Một phần nhỏ của Tham luận có trong hai bài (Một danh sách nhìn nhận nhanh phê bình thơ Việt Nam 200 tác giả, 8 thế hệ: Phê bình thơ Việt hậu Đổi mới) đã đăng trên vài trang mạng đầu năm 2016 (vanviet.info, vanchuong.org, chimvie3.free.fr) và Tạp chí Sông Hương số 325 – 3/2016, tapchisonghuong.com.vn 15/3/2016.

[6] Tham khảo:

– “Đổi mới trên mặt văn hóa ở Việt Nam thì được biết dưới tên Cởi mở, tương tự như chính sách Glastnost của Nga Xô. Quá trình này bắt đầu cùng với Đổi mới Kinh tế nhưng sau đó dừng lại trong thập niên 1990”. (Bách khoa toàn thư mở, vi.wikipedia.org).

– “[…] chỉ nên gọi ‘văn học Đổi mới’ một đoạn nhất định thôi, ví dụ đoạn 1986-1995; đến 1995 đã thấy mùi ‘hậu Đổi Mới’ rồi. Còn các đoạn văn học sử khác, về sau, xin coi như cái bình thường của đời sống văn học, nó có biến động, thay đổi, nhưng đừng gọi những động thái ấy là Đổi Mới!” (Lại Nguyên Ân; Hội thảo “30 năm văn học Đổi mới” tại báo Văn Nghệ, vanviet.info 8/4/2016).

– “[…] trong sự thoái trào của làn sóng Đổi mới và bối cảnh toàn cầu hóa, từ khoảng những năm 1990 đến nay.” (Nhã Thuyên, Đặng Thân, Phạm Xuân Nguyên; Tọa đàm “Những tiếng nói ngầm: thơ Việt Nam Hậu Đổi Mới”, vanchuongviet.org).

– “Phong trào văn học Đổi mới được tính từ năm 1986, đạt tới cao trào vào những năm 1988-1989, cho đến nay không có một kết thúc chính thức. Khái niệm ‘Hậu Đổi mới’ dùng ở đây cho khoảng thời gian từ nửa cuối thập niên 90 đến nay, không thật cụ thể từ năm, tháng nào; mong được cung cấp một chỉ dẫn chính xác từ các nhà quan sát và nghiên cứu lịch sử giai đoạn này. Nếu có một Đổi mới 2, đương nhiên khái niệm đang dùng phải được chuyển thành Hậu Đổi mới 1. Thay vì một định nghĩa, xin đi vào một số vấn đề của Hậu Đổi mới đối với văn học mà theo tôi là đáng lưu ý.” (Phạm Thị Hoài; Nhà văn thời Hậu Đổi Mới, talawas.org 10/2/2004).

“[…] thế hệ thơ có một định phận kì lạ, họ đã thổi làn gió mới vào khí hậu thơ Việt Nam. Nó đã thổi như thế suốt 15 năm… cho đến khi Internet xuất hiện, thì thơ Việt Nam mới dịch chuyển theo hướng khác hẳn! […] Hậu Đổi mới: Chuyển hướng, khi các Website văn chương cấp tập ra đời, cả trong lẫn ngoài nước: Tienve.org (từ đầu năm 2002), Evan (từ năm 2004 đến năm 2005, sau đó chuyển thành báo đưa tin là chính), Vannghesongcuulong.org (từ 2004, năm 2007 đổi tên là Vanchuongviet.org), Damau.org (từ cuối năm 2006)… Tạm lấy mốc: 2001 để vạch một đường biên, dẫu mờ.” (Inrasara; Văn chương TP. Hồ Chí Minh thời hậu Đổi mới, khởi đầu cho một khởi đầu, 4phuong.net).

– “Sự phân kỳ về mốc thời gian có thể khác nhau giữa các nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, cũng như ngay trong lĩnh vực mỹ thuật. Trong bài viết này, thuật ngữ Hậu Đổi mới được xem xét và xác định trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2014.” (Bùi Thị Thanh Mai; Nghiên cứu xác định thời gian và đặc điểm Mỹ thuật hậu Đổi mới ở Việt Nam, vietnamese-arts.com 23/11/2014). Trong bài, tác giả cũng đã phân tích các ý kiến của Phạm Thị Hoài, Inrasara, nhóm Nhã Thuyên và Đỗ Lai Thúy.

[7] A. A. Sokolov; Văn hóa và văn học Việt Nam trong những năm đổi mới (1986-1996), Vân Trang dịch, talawas.org 25/5/2004. Nhận định của Nguyễn Đình Thi là từ bài báo Văn học Việt Nam, trăn trở người trong nghề, được in vào cuối năm 1996 như chú thích trong bài đã dẫn.

[8] Nguyễn Hưng Quốc; Chủ nghĩa h(ậu h)iện đại và văn học Việt Nam, tienve.org.

[9] Phan Tuấn Anh; H/ậu-ại hiện đại trong văn học Việt Nam – công viên những lối đi hai ngã rẽ, Tạp chí Sông Hương số 289-3/2013, tapchisonghuong.com.vn 29/3/2013.

[10] Chú thích 9.

Comments are closed.