Đỗ Lai Thúy
Người đầu tiên gợi ý tôi nên viết phê bình là anh Nguyễn Đăng Mạnh, một người quen cũ ở khoa Nga Văn Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội năm 1967: Tôi là sinh viên, anh là cán bộ đi học. Lúc nghe gợi ý ấy, tôi còn ở lính, và/ là một triệu phú thời gian. Anh nhờ tôi dịch giúp mấy bài viết của M. Tkachev về Nguyễn Tuân và một cuốn chuyên luận viết về phong cách nhà văn Nga – Xô viết do Hoàng Ngọc Hiến cho mượn (1). Thấy bản thảo tập thơ Lermontov của tôi bị người khác chiếm dụng, còn tập kịch Ostrovski thì mãi không được in, anh bảo: Theo tớ cậu nên quay sang viết phê bình. Phạm Mạnh Hùng dịch đến mấy chục cuốn tiểu thuyết rồi mà có được mấy người biết đến đâu, còn Trần Đình Sử chỉ mới in một bài đầu tiên đã có bao người biết rồi (2). Nhưng lời anh Mạnh với tôi lúc bấy giờ như nước đổ đầu vịt, vì tôi còn mãi rong chơi cho bõ lính. Chỉ đến khi anh Trúc Thông (3) ra tập thơ Chầm chậm tới mình (1985) in chung cùng Đào Cảng, thì cám cảnh một người thơ có thơ đăng liên tục từ 1959 mà 26 năm sau mới được in nửa tập, tôi bèn viết cho anh bài Trúc Thông và hành trình chầm chậm tới mình để tỏ bày sự thông cảm, sự ngưỡng mộ một người dám là mình, dám “tới mình”.
Trúc Thông đưa bạn bè đọc tôi. Bài viết đến tay nhà thơ Tô Hà, anh bèn đăng lên Người Hà Nội. Nhiều người xem xong nói: Thằng này mới vào lính mà đã đeo quân hàm cấp tá. Trúc Thông giục viết tiếp, tôi bèn viết về Khối vuông Rubich của Thanh Thảo, Đò Lèn của Nguyễn Duy, Lại về tỉnh nhỏ của Yến Lan, Chí Phèo của Nam Cao…, thế là thành nhà phê bình, cứ như một duyên nghiệp. Bây giờ thì nghiệp đã thành quả, quả nghiệp, nhiều lúc, tôi nghĩ, mình nên ơn hay nên oán sự chỉ lối đưa đường của Nguyễn Đăng Mạnh và Trúc Thông đây.
Thơ Trúc Thông bấy giờ đi riêng một lối. Lối đi tới mình. Bởi vậy, anh như đi ngoài lề thơ chống Mỹ. Mà, bấy giờ riêng/ một mình/ ngoài lề thì phải chịu nhiều áp lực. Áp lực của thời cuộc, áp lực của bạn bè, áp lực của nghề đài báo, quả thực, không hề nhỏ với anh. Nhưng anh biết cách, hoặc biết một cách vô thức, làm giảm mũi nhọn chĩa vào anh và làm cho “họ” chấp nhận anh-như-là: không tranh giành vật chất, không ham hố chức quyền, ngu ngơ với cuộc đời, như một đứa trẻ, chỉ biết có thơ. Nhưng đằng sau cái thơ ngây ấy là một quan niệm thẩm mỹ vững chắc, một tư duy thơ mới mẻ. Đây, tôi nghĩ, mới đích thực là chỗ dựa bên trong để thơ Trúc Thông có thể đi lẻ, không cần hợp bầy. Đó là một quan niệm khác về ngôn ngữ thơ. Thơ Mới-lãng mạn, thơ chống Mỹ và những thơ quanh Trúc Thông khác, chủ yếu là dòng thơ vị nghĩa, làm thơ theo chiều xuôi: từ ý (tư tưởng thuần túy) đến tứ (tư tưởng nghệ thuật) rồi đến lời (câu thơ, bài thơ). Còn Trúc Thông ít nhiều đã tiếp xúc được với dòng thơ vị chữ của Trần Dần, Lê Đạt lúc này còn ở dạng thơ-ngăn-kéo. Nếu vị nghĩa là thơ Nghĩa => Chữ, thì vị chữ theo chiều ngược lại: Chữ => Nghĩa, có chữ đã, rồi cho chữ ấy quan hệ với các chữ khác trong câu/văn bản mà đẻ ra nghĩa mới (Dần), thậm chí cùng lúc phát nhiều nghĩa (Đạt). Như vậy, ngôn ngữ thơ không phải là công cụ cho/của tư tưởng, mà chính là bản thân thơ. Đúng như Mallarmé (4) nói: Tôi không làm thơ với ý tưởng, tôi làm thơ với chữ. Chầm chậm tới mình là một cố gắng đôi khi đến tuyệt vọng của Trúc Thông nhằm đổi mới ngôn ngữ thơ.
Vào cuối những năm 60 đầu 70 thế kỷ trước, có hai trung tâm thơ trẻ, góp phần làm nên sức mới (5), là Hà Nội và Hải Phòng. Hà Nội bấy giờ là một vùng lặng gió, đúng hơn quẩn gió, nên ít nhiều khép kín. Nhưng nếu anh chàng nào ngụp lặn ở tầng sâu của nó thì sẽ bắt gặp những luồng sóng ngầm, những quan niệm thơ có tính cách mạng của Trần Dần, Lê Đạt thời hậu Nhân văn. Tôi nghĩ đấy chính là những thúc đẩy cách tân thơ ở những Tường Vân, Trúc Thông và sau chút là Phan Đan, Chu Hoạch… Còn Hải Phòng thì cởi mở hơn. Đó là cảng biển. Dân Hải Phòng, dù phải đứng từ đằng xa, nhưng vẫn được nhìn thấy những con tàu, dù là tàu mang lá cờ xã hội chủ nghĩa, đến từ những chân trời khác. Một chút hơi thở xa lạ này cũng đủ làm nên những Hoàng Hưng, Thi Hoàng, Thanh Tùng… Người nổi lên giữa hai nhóm đó là Hoàng Hưng và Trúc Thông. Họ đều có những tính nết giống nhau là yêu thơ Pháp và yêu hội họa, bạn của nhiều họa sĩ. Thơ Pháp mồi cảm hứng cho họ, còn hội họa giúp họ dễ đổi mới quan niệm về ngôn ngữ thơ. Bài thơ được xây dựng trên vật liệu ngôn ngữ người nên tự thân vật liệu đó đã có nghĩa rồi, còn vật liệu để xây dựng nên bức tranh, như màu sắc, đường nét, mảng khối thì tự thân nó không có nghĩa, mà chỉ có nghĩa khi ở trong bức tranh. Như vậy từ không-tranh đến bức-tranh là từ nghĩa-vật-liệu (mà ở hội họa là nghĩa zéro) đến nghĩa-tác-phẩm. Đem sự phân biệt này ở ngôn ngữ hội họa vào ngôn ngữ thơ, ta cũng sẽ thấy ở một bài thơ có hai lớp nghĩa: 1, nghĩa vật liệu (mà ở thơ là nghĩa từ điển, nghĩa tiêu dùng của từ) và 2, nghĩa tác phẩm, tức nghĩa của một từ do tương quan với các từ khác trong câu, trong đoạn, thậm chí trong văn cảnh, mà phát sinh. Nghĩa thứ hai này mới tạo nên nghệ thuật và/là sáng tạo riêng của nhà thơ. Đây cũng chính là cơ sở để cho ra đời dòng thơ vị chữ, một thay đổi hệ hình thơ.
Bạn đọc mà đa số là các nhà thơ chuyên nghề, đều “chúng khẩu đồng từ” rằng Bờ sông vẫn gió là bài thơ hay nhất của Trúc Thông. Bởi vậy, xin trích dẫn ra đây bài thơ ấy:
Bờ sông vẫn gió
Chị em con kính dâng hương hồn mẹ
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối… một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn đã lại một thời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
Cây cau cũ giại hiên nhà
Còn nghe gió thổi sông xa một lần
Con xin ngắn lại đường gần
Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi…
Nhưng, từ những quan niệm thơ đã nói ở trên, tôi cho rằng bài này chỉ là một thơ hay, nhưng không tiêu biểu cho thơ Trúc Thông. Người ta ai cũng có mẹ, và rồi, với thời gian, ai cũng mất mẹ. Bởi vậy tự thân chất liệu đề tài có/mất này (phương diện nội dung của nội dung) đã mang lại cảm xúc cho người đọc, hơn nữa, chất liệu ấy lại được chuyên chở bằng vật liệu thể thơ lục bát (phương diện hình thức của hình thức) vừa hợp với điệu tâm hồn, tức lỗ tai thẩm mỹ của người Việt. Rồi Trúc Thông, bằng tài năng của mình đã cải biến chất liệu ấy, vật liệu ấy thành nghệ thuật (phương diện hình thức của nội dung và nội dung của hình thức). Bài thơ của ông làm xúc động người đọc bằng sự tổng hợp cả hai phương diện ấy. Nhân đây cũng xin nói rộng ra, nhiều bài thơ chống Mỹ, lúc đương thời đọc thì rất thích, thậm chí rất xúc động, nhưng giờ văn cảnh của nó không còn nữa, đọc thấy dửng dưng. Đó là với tôi, một người đã từng là bộ đội, còn với người chưa từng sống trong văn cảnh đó, không có ký ức gì về nó, hẳn còn dửng dừng dưng hơn. Ấy bởi chỗ tựa của thơ ấy chỉ là chất/vật liệu, tệ hơn một thứ chất/vật liệu gắn liền với thời cuộc. Một bài thơ muốn vượt thời gian, nằm ngoài sự quy định của lịch sử, nhất định phải tựa trên nghệ thuật, mà muốn có nghệ thuật thì không phải nương theo thuộc tính của chất/vật liệu, mà phải khắc chế các thuộc tính của chúng. Đá vốn nặng và lạnh, nhưng một ngôi nhà thờ gô-tích làm bằng đá vẫn cho ta cảm giác như sắp bay vút lên cao.
Thơ tiêu biểu của Trúc Thông chính là thơ khắc chế bản tính cố hữu của chất/vật liệu. Anh khổ công tìm chữ để cho nó phát nghĩa mới. Anh làm thơ tự do để ruồng rẫy vần điệu nhằm hôn phối với nhịp điệu. Câu thơ anh chỉ là sự chắp nối, lắp ghép những từ, đoản ngữ, cắt mạch tư duy liên tục, dùng ẩn dụ, đảo ngữ để tạo ra lối tư duy đứt đoạn, mở không gian (khoảng trống, khoảng trắng) tự do cho người đọc. Bài Người ấy chiều giáp tết mới tiêu biểu cho thơ Trúc Thông:
Người ấy chiều giáp tết
Nguyễn Sáng đang buồn
biết ru ông một điệu gì đây nhỉ?
ru bằng những vai vuông
chân vuông
những người lính nông dân
ông yêu đến khóc ròng
chiến hào Điện Biên Phủ
ru bằng cánh tay hồng thiếu nữ
chống cằm
ru bằng ánh sáng lạ hơn nước
Và sắc màu giàu hơn một đời
Sáng đang đi
má phơi gió bấc
mũ cũ vải mềm
như nhân vật trong tranh Van–gốc
mọi tốc độ đang phóng về chói lọi giao thừa
ông như thể bên lề hạnh phúc
chén rượu nồng trong ngực
nâng màu lên
mà vẽ trần gian...
Tập thơ đầu Chầm chậm tới mình của Trúc Thông là một cao điểm có một khoảng cách khá lớn so với mặt bằng thơ trước năm 1985. Bởi vậy, anh lập tức hấp dẫn và để lại ảnh hưởng lên các nhà thơ thế hệ sau như Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quyến, Nguyễn Bình Phương. Tuy nhiên ở những tập sau 1986 như Maraton, Một ngọn đèn xanh, Vừa đi vừa ở, Mắt trong veo, thì thơ Trúc Thông không thay đổi, nhưng mặt bằng thơ chung thì đã được đẩy lên cao một bậc. Vì thế, ảnh hưởng của Trúc Thông với một số nhà thơ trẻ lớp sau lớp Dương Kiều Minh không còn ở tự thân thơ nữa, mà chủ yếu ở ứng xử thơ, ở sự tận hiến cho thơ và phong cách sống thi sĩ của anh. Tuy vậy, với một thơ duy mỹ như thế, một lối sống duy mỹ như thế, Trúc Thông đã dần dần dựng lên quanh mình, quanh thơ mình một bức tường vô hình ngăn thơ và cuộc sống có chất thơ của anh, khỏi bụi bặm, ô trọc của đời. Dù mạch đời vẫn đập trong mạch thơ anh bằng sự quan tâm đến những mảnh sống khổ đau, khuất lấp, lam lũ, nghèo đói, nhưng ở anh giữa thơ và đời vẫn còn một khoảng cách.
Ngoài khoảng cách thẩm mỹ giữa thơ và đời, Trúc Thông còn thêm một khoảng cách nữa giữa đời và Đời. Anh vốn mồ côi cha từ nhỏ. Cả mẹ và chị đều ở vậy nuôi anh. Vì thế, có thể nói, anh sống “bao cấp” từ nhỏ (nếu kể cả xã hội nữa, thì sống bao cấp đến hai lần) cho đến khi lấy vợ, thậm chí cả sau khi lấy vợ. Đây là một ân nghĩa rất lớn và anh bị nhiều lệ thuộc vào ân nghĩa này. Chỉ riêng việc, tuy có rất nhiều cô yêu, nhưng đến gần tuổi 50 anh mới lập gia đình riêng, nghĩa là mới thoát khỏi sự bao bọc ấu thời. Sự bao bọc ấy có tính lưỡng trị, một mặt, nó giúp Trúc Thông mãi giữ được tâm hồn của một đứa trẻ, luôn nhìn đời bằng cái nhìn đầu tiên, điều cốt tử của một nhà thơ. Thơ thiếu nhi của Trúc Thông rất hay là vì vậy. Xin dẫn ra đây một bài thiếu nhi của Thông, để thấy anh đã hóa thân thành con trẻ như thế nào, đúng hơn Thông đang chơi trò “bố con” với đứa trẻ ở trong anh (bởi khi viết bài này Thông còn chưa có vợ).
Các con ơi
Vâng, con ơi cha xin làm con bò
chở các con đến chân trời những cuốn sách
bánh xe lọc cọc
lăn trên đường dài
các con ngồi chung với bác Quy-ly-ve
nàng công chúa Tuyết
có cả lâu đài, âm nhạc Bát-đa
râu nghí ngoáy chú mèo hóm tuyệt
và sông và gió cánh rừng xa
xe chúng ta đi bé tẹo dưới trời
lại khổng lồ trước mắt bao đàn kiến
xe đi xuống đi lên
bỗng các con reo
– cha ơi dừng lại
cho chúng con xem cổ tích ngoài trời…
cha hiện thành người
thổi cơm nấu nước
mắc màn rải đệm
thức cùng bác lửa
với những ngôi sao
ru hỡi ru hời
khởi hành cha lại thành con bò
cho các con thấy mắt hiền hết nói
cứ thế chúng ta đi
xe lắc lư
thế giới cùng các con chạm vai
mỉm cười
có khi cả cười lên rúc rích…
Nhưng, mặt khác, sự “bao cấp tình thương” của gia đình cũng đã lấy đi của Trúc Thông sự phát triển toàn vẹn của một người lớn (6). Nhà thơ là một người-lớn-trẻ-con chứ không phải ngược lại. Anh chưa thực sự dấn thân vào cuộc đời, theo cách hòa quang đồng trần, mà chỉ đứng ngoài quan sát. Với anh sen là sen, bùn là bùn, chưa đi đến chỗ bùn là sen, sen cũng là bùn. Bởi thế, càng giữ cho sen xa bùn bao nhiêu thì sắc sen càng hao gầy và nhợt nhạt bấy nhiêu. Điều này thật khác với Hoàng Hưng (7), một người Hà Nội sống ở Hải Phòng, lại có chữ (từ của Nguyễn Đỗ Cung chỉ người biết ngoại ngữ), nghĩa là Hưng có thêm một Hải Phòng nữa. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, đời riêng của Hưng không hề có một biên giới nào với Đời, bởi cái xã hội đã ập vào gia đình Hưng, vào tuổi thanh niên của Hưng khiến sự không khoảng cách đã trở thành một thuộc tính của thơ Hưng.
Trúc Thông và Hoàng Hưng là hai nhà thơ có nhiều cách tân trong thời tiền-Đổi mới. Nhưng sau Đổi mới thì Trúc Thông vẫn đi theo con đường mà hoàn cảnh đã lập trình sẵn, còn Hoàng Hưng thì rẽ sang nẻo đường sáng tạo khác. Anh sẵn sàng gạt bỏ những thành công ăn chắc của mình để theo đuổi những sáng tạo hiện đại chủ nghĩa chưa hẳn đã chắc ăn. Nhưng vì thế mà Hưng nhập được vào được lớp nhà thơ trẻ Đổi mới, thậm chí sau Đổi mới. Một sự trẻ hóa, thậm chí trẻ hơn, đáng trân trọng. Còn Trúc Thông thì vẫn đồng hành cùng họ tuy ít nhiều vẫn có khoảng cách với họ, nhưng vẫn được họ tôn trọng, bởi anh là biểu tượng một thời của lòng yêu thơ vô bờ bến, một thái độ thấu hiểu vật vã và ủng hộ những cách tân thơ.
1 Lúc này anh Nguyễn Đăng Mạnh đang chuẩn bị tư liệu để viết Lời giới thiệu cho Tuyển tập Nguyễn Tuân và theo đuổi chuyên đề Nhà văn, tư tưởng và phong cách.
2 Hẳn đó là bài Thời gian nghệ thuật trong truyện Kiều mà Trần Đình Sử viết khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ở Liên Xô về, được đông đảo bạn đọc tán thưởng vì sự mới mẻ của cái nhìn thi pháp học.
3 Trúc Thông (s. 1940) có thơ in liên tục từ năm 1959. Nhưng mãi đến năm 1985 anh mới được in nửa tập, chung với Đào Cảng (quê Hải Phòng). Chả là bấy giờ các phương tiện in ấn, giấy má xuất bản do nhà nước quản lí. Các nhà thơ phấn đấu để được thừa nhận đến một mức nào đó thì được in một phần ba tập, rồi tiến tới nửa tập, ít ai ngay từ đầu đã được đặc cách in ngay một tập. Đến Lưu Quang Vũ, Bằng Việt cũng phải chung nhau Hương cây, Bếp lửa. Trúc Thông như thế là may rồi: [Dù] chầm chậm [thế nào rồi] cũng tới [lượt] mình!
4 Stephane Mallarmé (1842-1898), nhà thơ tượng trưng Pháp, rất chú trọng đến chữ. Thơ ông có ảnh hưởng lớn đến văn học thế kỷ XX.
5 Sức mới tên một tuyển thơ của các nhà thơ trẻ, có triển vọng thời bấy giờ, như Trúc Thông, Trúc Cương, Tạ Vũ, Vũ Quần Phương, Hoàng Hưng, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Trịnh Hoài Giang, Đào Cảng…
6 Một lần, tôi và Thông đến chơi nhà Dương Thu Hương. Khi tiễn chúng tôi ra về, bỗng Hương dịu dàng gõ nhẹ vào đầu Thông, nói: Bao giờ mới thành người lớn đây! Quả thực, bấy giờ tôi chưa hiểu cái đùa ấy!
7) Hoàng Hưng (s. 1942) đã từng rất thành công với lối thơ tiền hiện đại chủ nghĩa, nhưng rồi bỏ đề làm “thơ vụt hiện”. Tác phẩm chính Ngựa biển, Người đi tìm mặt.