Trò chuyện với nhà thơ Trần Tuấn

Giáng Vân thực hiện

Tác giả gửi Văn Việt

IMG_1454

Trần Tuấn đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam, tổ chức tại Đà Nẵng

 Ở những kẻ sáng tạo thì tác phẩm là thế giới do hoàn toàn do cá nhân anh ta tạo nên. Nếu muốn chúng ta nên đi vào đó theo cách lặng lẽ, ngắm nhìm, và thả lỏng tâm trí để các giác quan mình cảm nhận. Ở đó có thể có gì đó rất quen, như là đã có ở mình, ở đó cũng có thể rất lạ, nhưng lại như một tiếng vọng từ tiềm thức, ở đó cũng có thể hoàn toàn lạ lẫm ta chưa hề biết tới. Dù thế nào, trước hết, hãy khoan phán xét, đúng, sai, hay dở, vì cái được gọi là đúng sai, hay dở đều là kinh nghiệm của riêng ra, mà ta thật là bé nhỏ và đầy sự hạn chế.

Tôi muốn nói đôi lời như vậy vì trước đây khi Bách Việt, một giải thơ tư nhân trao cho tập thơ Ma thuật ngón của Trần Tuấn đã gặp phải những búa rìu nặng lời của một vài nhà phê bình. Trong trường hợp có sự khác biệt về tư duy, về mỹ cảm thật khó để tranh luận. Nhưng từ câu chuyện này, cũng như trong nhiều trường hợp khác nữa, tôi nghĩ tới việc cần phải có một thái độ văn hóa đúng và những phương pháp đọc, cũng như tiếp nhận các tác phẩm văn học, nghệ thuật một cách đúng. Ý tưởng này đã được triển khai thành những cuộc trò chuyện với nhiều nhà văn, nhà xã hội học, nhà nghiên cứu văn học, nghệ thuật.

Nhân Văn Việt giới thiệu thơ Trần Tuấn, tôi xin gửi tới nội dung cuộc trò chuyện giữa tôi và nhà thơ Trần Tuấn hồi tháng 5-2013.

1. Việc đọc người khác với anh có khi nào khó khăn không? Hành trình Đọc của anh có gì đáng chú ý không?

Tôi hầu như không khi nào thấy khó khăn khi đọc người khác. Bởi đơn giản tôi luôn tìm những tác phẩm “khó” để đọc, là văn chương, triết học, tư tưởng… Có được những tác phẩm dạng “khó đọc” để đọc luôn là điều may mắn lớn, và theo tôi đó cũng là may mắn chung của giới sáng tạo và đông đảo độc giả khác. Như ở ta, một năm, vài năm, hoặc cả thập kỷ, có được mấy tác phẩm đủ sức làm “khó” độc giả? Ngay trên văn đàn thế giới điều ấy cũng không phải có sẵn.

Hành trình Đọc, vốn có rất nhiều tầng cấp, nhất là với những tác phẩm “khó” đọc. Ít ai chỉ với một, thậm chí vài lần đọc là đã thấu thị toàn bộ tác phẩm. Giữa Cảm và Nhận trong nội một trang sách, một đoạn văn là cả quãng đường dằng dặc, mà nếu anh không chịu buông lỏng tối đa các giác quan, thả ra hết những đau đớn, suy tư thì chẳng khác nhìn vào gỗ đá hoặc bức tường. Nó đòi hỏi ở người đọc không chỉ là để “giải trí”, có “nhu cầu tìm hiểu”, để thoả sự tò mò, hoặc học mót đôi ba kinh nghiệm từ những trang sách ấy. Mà trên hết, khi cầm cuốn sách lên, anh phải cảm thấy nó đang mách thầm với anh, rằng đây là những trang mới tiếp theo sẽ làm thay đổi hành trình sống – tư duy – sáng tạo của chính anh!

Chỉ khi cuộc sống đủ sức xáo trộn người ta, thì họ mới tìm đến những tác phẩm kiểu như Một mùa địa ngục của Athur Rimbaud. Và khi đó mới hoan lạc, bừng tỉnh, đốn ngộ với nó. Như là sự bừng tỉnh vĩ đại của Henry Miller sau khi đến với Athur Rimbaud (*).

Còn nếu cứ trôi chảy bình thường, tôi nghĩ người ta cũng chỉ tìm đến những cuốn sách “dễ chịu” với mình.

Hành trình Đọc của tôi, bởi vậy có lẽ cũng khá khác so với nhiều người. Nó quy định rõ ràng cách thức tư duy cũng như trong việc viết lách của tôi. Tôi đọc, cũng chính là viết. Tôi đọc, nhưng đầu óc buông lỏng, để chìm hoàn toàn vào những suy tưởng tiếp theo của chính mình, hòng muốn nối dài thêm trang sách theo cách của mình. Bởi vậy, tôi ít khi đọc được một cách liên tục cả cuốn sách. Mà thường xuyên bị ngắt quãng, dừng lại, bật dậy lấy giấy bút viết ra những suy tư, liên tưởng chợt đến. Những ý nghĩ ấy luôn thoát ra ngoài từ trường của cuốn sách, bởi tôi chủ động chống lại nó. Và bởi tôi không phải làm công việc của nhà phê bình chăm chăm tìm chọn chi tiết để viết về cuốn sách ấy, mà tôi là người sáng tác. Những trang sách Gợi cho tôi cách Chống lại nó để viết ra cái của mình. Tôi biết có những trường hợp nhà thơ viết ra tác phẩm sau đó bị quy kết là “đạo văn”, “đạo tứ” của người khác. Cái sự “đạo” ấy diễn ra một cách vô thức, không cố ý, khi nhà thơ đọc tác phẩm của người khác nhưng lại để “thấm/nhiễm” quá sâu vào mình, do không đủ lực (hoặc mất cảnh giác) chống lại sức hút từ trường rất mạnh của tác phẩm mà anh ta đang đọc.

Vậy nên, một tác phẩm càng khó đọc, càng chứa đựng nhiều những vỉa tầng tư tưởng và ngôn ngữ phức tạp, thì sức “gợi hứng” càng bất tận. Có cuốn sách tôi đọc đi đọc lại suốt cả chục năm, mỗi lúc lại thấy thêm một thứ ánh sáng mới. Đó là cái mới được soi rọi, phát hiện bởi chính nội tâm sáng tạo của tôi. Và cũng có cuốn sách bị gấp lại bỏ dở lưng chừng.

2. Theo anh, có những nguyên nhân nào dẫn đến việc người ta đọc mà không tiếp nhận được?

Tôi nghĩ, việc người ta cầm lên một cuốn sách, chỉ mới đọc được vài trang đã bị “dội ngược”, hoặc cố đọc cho bằng hết nhưng không cảm nhận được gì, cũng là điều bình thường. Trừ lúc thật đói khát kiệt quệ, còn lại với cơ địa con người, mỗi cái lưỡi đều có khẩu vị riêng, mỗi bao tử đều có những món ăn không thích hợp với cơ chế tiêu hoá riêng nó. Có điều, sự việc trở nên bất bình thường khi không ăn được, hoặc không thích ăn, nhưng người ta lại kêu toáng lên rằng món ăn đó “quá dở”, “quá vô vị”, thậm chí còn “quá độc hại”!

Không xuất phát từ nhu cầu tự thân cũng như sự chuẩn bị cần thiết để đến với những tác phẩm cách tân mới lạ, có tư duy, diễn đạt khác thường, nhưng nhiều người đọc lại vẫn muốn tỏ ra “thời thượng”, “cấp tiến” để tham gia bàn luận. Dù bản thân không thể nào “tiêu hoá” được.

Ngoài ra, việc nhiều người đọc mà không tiếp nhận được, tôi cho rằng xuất phát từ một ảo tưởng sai lầm. Đó là quan niệm: Một cuốn sách ra đời là phải luôn dành cho quảng đại quần chúng! Như một bài thơ “hay” là phải được đọc lên khắp hang cùng ngõ hẻm! Không bao giờ có chuyện đó, dù Đọc là một hành trình dân chủ tuyệt đối. Không ai ép buộc được anh phải đọc, phải thích. Ở đây tôi loại trừ những tác phẩm cực đoan chống lại loài người, hoặc cố tình đánh đố một cách tắc tị (**). Còn lại, mỗi cuốn sách đều có những tầng bạn đọc của riêng nó, mà số lượng ít hay nhiều người đọc chưa hẳn là yếu tố quyết định giá trị tác phẩm.

3. Văn học đương đại đã đi một chặng đường khá xa so với văn học các thời kỳ trước đó, từ những vấn đề nó quan tâm, cho đến các hình thức biểu hiện, tính đa nghĩa, nhịp điệu, mỹ cảm… Chính sự khác nhau này đã gây cho nhiều người lúng túng trong việc tiếp nhận. Anh nghĩ sao về việc này? Có vấn đề gì sai sót trong phương pháp tiếp nhận của họ chăng?

Văn học đương đại có “đi xa” so với các dòng văn học trước đó hay không, và đi xa theo chiều hướng nào, hiện vẫn còn nhiều bàn cãi, tôi xin chưa đề cập đến ở đây. Nhưng đúng như chị nói, đó là đã có sự rất “khác” nhau. Chỉ riêng việc quá chênh nhau về quan điểm đánh giá từng tác phẩm cụ thể ngay trong giới phê bình văn học bây giờ cũng cho thấy rõ điều đó. Ý tôi muốn nói đến phái “bảo thủ” và phái “cấp tiến” trong phê bình. Phê bình đương đại không còn là một dàn đồng ca như trước nữa.

Ngay với giới phê bình – những độc giả tinh hoa như ai đó đã nói – mà còn phân tán như vậy, huống gì đối tượng tiếp nhận là những người đọc bình thường?

Tôi loại trừ sự lúng túng trong quá trình tiếp nhận của những người đọc “không hợp khẩu vị” với tác phẩm như đã nói ở phần trên. Chỉ xin bàn một chút về sự lúng túng của chính những người thực sự có nhu cầu, đam mê thưởng thức những cái mới mẻ, lạ lẫm của văn chương mới (cách tân chẳng hạn).

Ở đây theo tôi lại xuất hiện hai khả năng. Thứ nhất: Với đối tượng này, tôi nghĩ sự “lúng túng” không hoàn toàn đồng nghĩa với sự bất cập/bất khả của nhận thức. Mà đó là hành vi/giác cảm/phản ứng mang tính tự nhiên trước cái mới đầy mê dụ và phi thường. Bản thân tôi nhiều khi cũng rơi vào trạng thái bối rối tuyệt vời thật khó lý giải đó. Để tiếp nhận những tác phẩm với chiều kích lớn lao, khác lạ kiểu ấy, người ta chỉ có thể chuẩn bị cho mình một cảm thức, hay nói cách khác là tâm thế, chứ không phải một “phương pháp”. Không hề có phương pháp chung nào cho sự đọc, tôi nghĩ vậy.

Thứ hai, đó là vẫn có một sự lúng túng thật sự trong không ít người đọc, mà lỗi chính lại thuộc về giới… lý luận, phê bình! Cũng một tác phẩm văn chương, người thì khen bốc giời, người lại dập vùi không thương tiếc. Khen thì cứ khen khơi khơi, mà chê cũng chẳng có cơ sở lý luận nào cả. Một nền phê bình còn nặng về “lợi ích nhóm” như vậy, làm sao không khiến cho những độc giả dù bình tâm nhất không lúng túng, hoang mang cho được.

4. Những cuộc tranh luận gần đây về văn chương trên các diễn đàn mạng, những người đối thoại dường như không có cùng hệ quy chiếu, cũng chẳng lắng nghe nhau, ngoại trừ khả năng thóa mạ nhau vì các lí do ngoài văn chương thì họ chẳng làm được gì. Tuy nhiên nhìn kỹ vào hiện tượng này, lại chính là những vấn đề đáng quan ngại về việc đọc. Anh thấy thế nào?

Câu hỏi của chị, chẳng cần dẫn chứng đâu xa, mà nói luôn vào chuyện của chính tôi. Đầu năm 2009, tập thơ Ma thuật ngón của tôi được trao giải Bách Việt lần đầu tiên (2008-2009). Bên cạnh những bài viết có nhận định khá tinh tế, thấu đáo (mà nhiều tác giả mà tôi còn chưa biết mặt), thì có bài của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhan đề “Giải thưởng Bách Việt năm 2008 – “Ma thuật ngón” là thần chú hay thơ?”, gửi đăng trên Blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Trong bài, anh Hảo hùng hồn cho rằng tập thơ Ma thuật ngónkhông nằm trong thể loại thi ca mà chính là lời ma thuật của một thầy pháp, thầy cúng, thầy địa lý chuyên bói toán bắt ma tà, vừa bắt quyết vừa lảm nhảm những lời ma mị bí hiểm mà người trần mắt thịt là chúng tôi không thể nào lãnh hội được”. Rồi thì “Có thể những câu thần chú trong “Ma thuật ngón” rất cao siêu, rất thần bí, rất thiêng liêng như là sự đóng góp lớn của Trần Tuấn cho ma thuật quỷ thuật thánh thuật Việt Nam, cho khoa ma học, quỷ học, thần học, thông thiên học, bùa ngải học, phi nhận thức học… nên nó không dính dáng họ hàng gì với thi ca cả. Có lẽ tác phẩm này của Trần Tuấn viết cho tương lai, khi mà tôn giáo, tâm linh học với thi ca khoa học nhập lại làm một, cỡ một ngàn năm sau nữa chăng?…”; “Ma thuật ngón” của thầy pháp Trần Tuấn do đó không thuộc thể loại thi ca. Nó là thể loại thần chú, bùa ngải xua tà… thì đúng hơn. Chúng tôi ngờ rằng ban chấm giải thưởng thơ Bách Việt đã lầm lẫn thể loại khi trao giải thưởng thơ cho “Ma thuật ngón” chăng? …”.

Về bài viết ấy, thực ra cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng nhà thơ TMH, cũng là cây bút phê bình thơ sắc sảo, không đến nỗi không “hiểu” đó có phải là… thơ không. Rằng đây chỉ là cách nói bỡn cợt với một loại thơ mà anh thấy không “hạp gu”.

Tuy nhiên, không ngờ khi đăng lên Blog của anh Lập, có tới trên 400 comment bên dưới thi nhau ném đá, công kích “dè bỉu” từ tác giả tập thơ cho tới những người chấm giải, và nhất là miệt thị cả dòng thơ đổi mới, cách tân đương thời. Thậm chí có người còn dựng đứng vu khống rằng có “khuất tất” trong chấm giải?!!

Tôi nghĩ, khi ai đó quan tâm và hay vào đọc Blog của một nhà văn, thì ít nhất họ cũng là những người quan tâm, yêu mến văn chương, tóm lại là những người ít nhiều có đọc và thích đọc. Nhưng đọc hết mấy trăm cái comment dưới bài của anh Hảo, tôi phát hiện ra rằng hầu hết những người đội dưới những cái nick ảo ấy thật ra chưa hề đọc tác phẩm của tôi. Vậy mà ai cũng phán cứ như thật, dù chỉ xoay quanh mấy câu trích dẫn mất đầu cụt đuôi anh Hảo đưa ra, mà không hề dẫn ra được, hoặc đề cập tới một câu thơ nào khác của tôi! Trong khi nhiều trang mạng đã đăng nguyên tập thơ này, chỉ cần nhấn nút là tham khảo được ngay. Số đông “bạn đọc” kiểu này, tôi nghĩ chỉ “đón hướng gió” của chủ trang Blog để “chém” theo mà thôi. Nhưng nó lại khiến không khí sinh hoạt văn chương thêm nhiễu loạn.

Mà thôi, tạm quên lớp độc giả ảo kể trên, để nói đến thực trạng ứng xử với nhau khá buồn của chính những người trong giới văn chương có tên thật tuổi thật hẳn hoi. Như tôi nói ở trên, đọc sách là một hành trình dân chủ tuyệt đối. Nước mình, ai cũng kêu gào đòi dân chủ này nọ. Nhưng rồi ai cũng muốn làm “bố” người ta, ngứa mắt ai đó thì xúm nhau đập hội đồng, còn với cánh hẩu thì bốc nhau lên, mà lôi toàn chuyện phi văn chương để nói. Những nhà độc tài tư tưởng, “độc quyền chân lý”, chỉ thích ban phát tên tuổi kiểu ấy bây giờ không phải ít trong giới văn chương, phê bình.

Về nguyên nhân, như chị nói là do họ hạn chế hoặc có vấn đề trong khâu đọc tác phẩm, theo tôi đó chỉ là yếu tố phụ. Tôi cho rằng họ đọc người khác và hiểu hết đấy, nhưng cái chính là họ không thích chấp nhận nhau, không thừa nhận thành quả của những ai tạo ra được một khí quyển văn chương mới lạ. Cái “tôi” cũng như sức hút quá khứ của mỗi người còn lớn quá.

Cứ than thở rằng bây giờ giới phê bình không có được cặp mắt xanh như Hoài Thanh. Nhưng xin thưa, may mà Thi nhân Việt Nam của cụ Hoài Thanh ra đời từ thời ấy. Chứ giả dụ bây giờ mà xuất hiện một Thi nhân Việt Nam nữa, cho dù cũng với tầm vóc tiên tri, liên tài siêu việt cùng sự chọn lựa khắt khe như vậy, thì tôi e rằng thể nào cũng sẽ bị cho… “lên bờ xuống ruộng”. Vì cái “tội” dám gạch người này, bỏ người khác, coi thường nhau! Còn nhớ mấy năm trước, cái vụ Hợp tuyển thơ thế kỷ 20 nhân dịp Hội nghị dịch thuật văn học Việt Nam ra thế giới, mới chỉ manh nha mà đã “ào ào như sôi”, tranh cãi toé lửa việc chọn ai, bỏ ai, người được mấy bài… Chẳng khác gì cảnh cướp ấn đền Trần. Cuối cùng hợp tuyển ấy chết yểu. Đến nỗi nhà thơ Trần Đăng Khoa khi đó phải thốt lên “Văn chương thế giới vào ta cứ thung thăng như chỗ không người. Còn chúng ta ra thế giới sao mà nhễ nhại thế …”.

Bởi vậy, nếu cứ thế này, sẽ chẳng bao giờ có được những tinh tuyển tầm cỡ Thi nhân Việt Nam, mà chỉ thấy nhan nhản những tổng tập, toàn tập mà trong đó điểm mặt hàng ngàn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không sót một ai!

5. Như vậy, đọc chính là thao tác đầu tiên, là cánh cửa mở vào các thế giới. Những cánh cửa này, do vô tình, hay hữu ý, đã bị đóng kín, đã bị chặn lại. và thế giới đã bị thu hẹp lại, đã nghèo đi, đã cỗi cằn, xơ xác. Thủ phạm chính, là lí trí, là các khuôn thước, là những thần tượng, thậm chí, là tri thức mà con người tích lũy cả cuộc đời. Anh có đồng ý không?

Có rất nhiều cánh cửa văn chương, tư tưởng bị chính nhà văn lẫn người đọc tự đóng lại trước mũi mình. Bởi những lý do như chị nói. Và cả những nguyên nhân mà tôi vừa nêu ở trên.

Và cũng không thể không nói đến cái tạm gọi là “cơ chế hội văn nghệ” ở ta hiện nay. Rất nhiều nhà văn nhà thơ, và cả người đọc dường như chỉ quanh quẩn với tư duy “tỉnh nhà”. Không ít nhà văn và tác phẩm của họ vướng oan gia khi bị “tỉnh nhà” dùng kính hiển vi để soi “vi trùng” trong tác phẩm và tư tưởng. Không cần biết đến tư duy nghệ thuật, chỉ cần biết đúng hay sai, lợi hay hại, viết với “ý đồ” gì. Như một loạt “án văn chương” ở Cà Mau, Đồng Nai, Phú Yên…

Tuy nhiên theo tôi, dù ai đó cố cưỡng lại, nhưng những thế hệ văn chương trẻ – mới hiện nay đã có được tầm vóc đáng mừng trong sáng tạo về hình thức nghệ thuật lẫn tư tưởng. Và đi cùng là một thế hệ bạn đọc mới với đầy đủ tri thức và tâm thức mới. Họ âm thầm sáng tạo, không sa đà vào những tranh cãi vô bổ.

Nhưng đó lại là một câu chuyện khác, với những câu trả lời khác…

_____________

(*) Một mùa địa ngục của Athur Rimbaud bị Henry Miller cố tình vứt lăn lóc trên giá sách suốt 6, 7 năm trời mà không ngó ngàng đến, mặc cho cả thế giới đang ầm ào bàn tán. “Gạt chàng ra ngoài, bởi đối với tôi sự sáng tạo của riêng tôi còn quan trọng hơn”, dù Miller linh cảm thấy cuốn sách bị phủ bụi ấy vẫn nói rằng “Một ngày kia mi sẽ phải vật lộn với ta”. Khi ấy đã ngót 40 tuổi đầu, Miller vẫn còn là kẻ vô danh trên văn đàn, tinh thần hoàn toàn tan tác, kiệt quệ, cố gắng viết một vở kịch nhưng cũng không thể vượt qua nổi hồi thứ nhất. Nhưng đến khi đọc Rimbaud, lập tức Miller “tê điếng lặng câm…, từ điểm đó trên đời tôi bắt đầu nở hoa” – (dẫn theo Henry Miller, Thời của kẻ giết người).

(**) Theo tôi, một tác phẩm dù “bí hiểm” đến đâu vẫn phải chứa đựng những hạt nhân hợp lý, tính lôgích của quá trình diễn đạt ngôn ngữ, tư duy, cảm xúc dẫn đến nhận thức được, dù nhận thức ấy nhiều khi hoàn toàn không trùng khớp với điều tác giả muốn hướng đến. Nhưng trên thực tế vẫn có những tác phẩm mà người “sáng tạo” chơi trò cút bắt một cách vô nghĩa, thậm chí ngây ngô với ngôn ngữ. Một kiểu gieo càn nắm hạt ngôn ngữ lộn xộn rồi tưởng tượng ra một “mùa màng” nào đó sẽ đến. Không khó để nhận ra tính vô thức giả tạo trong những tác phẩm ấy. 

Comments are closed.