Pháp quyền Mỹ đã xử tội một tác phẩm “dâm ô, bẩn thỉu” như thế nào?

David Perlman

Bản dịch của Hoàng Hưng

unnamed

Ginsberg đọc Hú

Văn Việt: Dư luận đang phản ứng mạnh mẽ việc xử lý tùy tiện, không thuyết phục đối với nhà giáo Nguyễn Thị Bình và thạc sĩ Đỗ Thị Thoan vì một luận văn nói về “thơ dơ, thơ rác” của nhóm Mở miệng. Nghi vấn khó bác bỏ là sự chỉ đạo của Ban Tuyên Giáo trong việc này. Đã đến lúc phải đặt câu hỏi: Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam không tìm được cách xử lý những vấn đề mà họ cho là xấu trong hoạt động văn nghệ, khoa học xã hội nhân văn một cách đàng hoàng, minh bạch, đúng pháp luật hay sao? Điều gì cản trở họ làm việc đó? Đây là một gợi ý: 57 năm trước, “đế quốc Mỹ” cũng từng xử lý một vụ tương tự. Rất đơn giản: đưa ra toà. Đó chính là cách xử lý mọi việc ở một thể chế pháp quyền.

Tóm tắt vụ án

Vào thập kỷ 1950, Allen Ginsberg (sinh 1926) là một cây bút trẻ chưa được biết đến tuy đã có quá trình tìm tòi cách tân nhất định về thơ. Tác phẩm cách tân công phu nhất của ông xuất hiện lần đầu trong buổi đọc thơ ở Six Gallery, San Francisco tối 7 tháng 10 năm 1955. Thính giả đứng cả dậy hoan nghênh giọg thơ mới lạ và rất “khiêu khích”, nhiều nhà thơ nhà văn sau này đã nói về linh cảm trong buổi ấy, một rào chắn của Thơ Mỹ đã bị phá vỡ, một giọng nói và thân thể của con người đã lên chống lại bức tường khe khắt của nước Mỹ (nước Mỹ hồi đó cũng khe khắt lắm chứ bộ, đâu chỉ nước ta!). Ngay sau đó, bài thơ dài được người chủ Hiệu sách City Lights (Đèn thành phố) là nhà thơ Lawrence Ferlinghetti xuất bản trong tập Howl and other Poems ( và những bài thơ khác). Công tố viện địa phương cho rằng bài thơ chứa nhiều yếu tố dâm bẩn, tục tĩu, xúc phạm thuần phong mỹ tục. Thí dụ: nó mô tả những cảnh hút chích, làm tình khác giới và đồng giới. Như câu sau: “[những kẻ] để bọn cưỡi mô tô thánh thiện đụ vào lỗ đít và hét lên vui sướng”… Ngày 25 tháng 3 năm 1957, Hải quan tịch thu 520 bản thơ nhập vào Mỹ từ nhà in bên Anh. Viên quản lý nhà sách bị bắt vì bán tập thơ cho một công an San Francisco giả dạng thường dân. Ferlinghetti bị bắt tiếp. Một phiên toà xử tập thơ được mở. 7 chuyên viên văn học được mời ra trước toà phát biểu. Kết quả, quan toà Clayton Horn tuyên bố không có tội, ngược lại có được “tầm quan trọng về mặt xã hội”. Đến cuối TK 20, được tất cả giới văn chương Mỹ thừa nhận là một trong những tác phẩm văn học lớn của nước Mỹ từ trước đến nay. Năm 2010 một bộ phim truyện kể lại vụ án đã được công chiếu.

Diễn biến vụ xử án được tường thuật trong bài báo sau:

unnamed

Đại uý Hanrahan đã làm cho  thành sách bán chạy như thế nào

(Trích tường thuật phiên toà xử tác phẩm  của Allen Ginsberg trên báo The Reporter, tháng 12 năm 1957)

 … Việc chuẩn bị cho phiên toà gây nhiều quan tâm trong cả hai giới luật gia và văn chương. Đại uý William Hanrahan, trưởng phòng Thanh thiếu niên của Sở Cảnh sát, thông báo: “Chúng tôi sẽ chờ đợi kết quả của vụ xử này trước khi tiến tới với những cuốn sách khác.” Ông không tiết lộ là ông nghĩ đến những cuốn sách nào, nhưng có thể thấy rõ là ông đã có cả một danh sách. Ông cũng tiết lộ rằng người của ông đã đi một vòng xem xét các giá sách tại các hiệu sách trong thành phố (San Francisco) – mà tỷ lệ trung bình tính trên đầu người vượt xa các thành phố không kể New York.

Khi Đại uý Hanrahan được hỏi ông sử dụng những tiêu chuẩn nào để phán xét một cuốn sách, ông trả lời ngắn gọn nhưng mơ hồ: “Khi tôi nói nó dơ bẩn thì không có nghĩa là nó khêu gợi sự tà dâm, mà ý nói những từ ngữ dơ bẩn rất thô tục.” Ông cũng được hỏi liệu ông có hoạch định cho người đi tịch thu Kinh Thánh hay không. Lời phủ nhận của ông thật hăng hái. “Tôi xin nói với các bạn rằng – đại uý nói thêm – điều mà Vua Solomon đã làm với tất cả những người đàn bà ấy sẽ không được khoan dung ở San Francisco!”. [1]

 City Lights Pocket Bookshop (Hiệu sách bỏ túi Đèn Thành phố), nơi người của Đại uý Hanrahan truy quét những ấn phẩm đồi truỵ, không phải một nơi bán sách thông thường. Chủ nhân của nó đồng thời cũng là bị cáo chính của vụ án – Lawrence Ferlinghetti – là một nhà thơ, một họa sĩ, và một công dân khôn ngoan, khá giàu có, sống tại một quận trong thành phố San Francisco – quận North Beach (Bãi biển Bắc), một khu đông người Italy ở gần bờ biển, giữa khu Telegraph (Điện tín) và Russian Hills (Đồi Nga). Hiệu sách của Ferlinghetti ở ngay trung tâm của quận…

 Hiệu sách của Ferlinghetti không bán sách bìa cứng, mà bày bán tất cả các tạp chí ra hàng quý, tất cả các sách bìa mỏng của những nhà xuất bản quan trọng, nhiều ấn phẩm và tạp chí nước ngoài, và hầu như mọi thứ sách bìa mỏng khác, ngoại trừ loại sách có các cô gái phong nhũ ngoài bìa liếc mắt khiêu dâm trên các giá của hiệu thuốc và bến xe bus… Ferlinghetti cũng là một chủ xuất bản. Với thương hiệu City Lights, nhà xuất bản của ông đã cho ra một xê-ri “Nhà thơ bỏ túi” bán lẻ 75 xu một cuốn. Ba tác phẩm đầu tiên là: Những bức hình của Thế giới đã ra đi của chính Ferlinghetti, Ba mươi bài thơ Tây Ban Nha về tình yêu và biệt xứ của Rexroth, Những bài thơ hài hước và phản kháng của Patchen. Cuốn thứ tư là một cuốn sách 44 trang có tên Hú và những bài thơ khác của Allen Ginsberg… Chính bài thơ ấy () đã làm Sở Cảnh sát San Francisco nhảy dựng lên và là bị cáo thực sự trong vụ án “Nhân dân chống lại Ferlinghetti”. Bản thân Ginsberg lúc này đang đi du lịch châu Âu, còn chủ nhân của hiệu sách thì chẳng bao giờ có mặt làm chứng tại toà…

 Phiên toà được đồng ý xét xử không có đoàn bồi thẩm. Thẩm phán là Clayton W. Horn thuộc Toà án Thành phố San Francisco, chức trách khởi đầu của ông này là một trong bốn vị thẩm phán của toà án cảnh sát (police magistrate) thành phố. Thẩm phán Horn, người thường xuyên dạy Kinh Thánh ở một trường học ngày Chủ nhật, đang ở trong tình thế bất lợi lúc ông lên ghế xét xử vụ . Ông vừa mới trở thành nhân vật đuợc báo chí địa phương bàn luận sôi nổi vì đã quyết định phạt năm người đàn bà ăn cắp hàng trong tiệm phải học Mười điều răn [2] và viết bài luận về bài học đạo đức rút ra từ thiên sử thi siêu khổng lồ ấy. Người biện hộ chính là J. W. Ehrlich, người nổi tiếng ở San Francisco từ 30 năm nay với biệt danh “Jake the Master” (Bậc thầy Jake)… Đối thủ của Ehrlich là Ralph McIntosh, một công tố viên phó cấp quận đã cao tuổi… một chuyên gia về những vụ án khiêu dâm. Phim con heo, tạp chí khỏa thân, và sự xuất hiện của Jane Russel trong phim The Outlaw, tất cả đã là mục tiêu của lòng nhiệt thành của ông…

 Sự đụng độ quan trọng đầu tiên trong phiên toà xảy ra khi Ehrlich cẩn thận để cho McIntosh chống lại Mark Shorer, nhân chứng chính của bên biện hộ. Shorer là giáo sư Anh ngữ và chủ tịch hội đồng nghiên cứu sau đại học (chairman of graduate studies) của trường Đại học California; ông là một trong số những nhà phê bình văn học hàng đầu của Hoa Kỳ, là cố vấn sách giáo khoa cho Quân đội Mỹ, đã xuất bản 3 cuốn tiểu thuyết và 75 truyện ngắn, và đã được tặng thưởng một học bổng Fulbright và 3 học bổng Guggenheim.

Trong lời biện hộ dài dòng và không nao núng rất đặc trưng của mình, Shorer tuyên bố về nhận xét thẳng thừng của Ehrlich: “Tôi cho rằng , như bất kỳ một tác phẩm văn học nào, có ý định cố gắng đưa ra một bình luận có ý nghĩa về hoặc diễn giải có ý nghĩa cho một trải nghiệm nhân sinh như tác giả biết về nó.”

Ông nói đề tài và cấu trúc “tạo nên ấn tượng một thế giới ác mộng trong đó ‘những trí óc tuyệt vời nhất của thế hệ mình’ đang vất vưởng giống như những linh hồn bị đoạ đày dưới địa ngục.” Phần lớn nội dung, theo Shorer, là “một xê-ri những gì mà ta có thể gọi là những hình ảnh siêu thực.”

Thẩm phán Horn, đã cẩn thận đọc thông luật mở rộng về chủ đề này, phán rằng trong khi Shorer và các chuyên gia khác không thể chứng thực là họ có cho rằng bài thơ là dâm ô (obscene) hay không, họ có thể tuyên bố liệu họ có cho rằng ngôn ngữ gây tranh cãi chứa đựng trong bài thơ là “thích đáng” (relevant) với ý định và đề tài của nhà thơ hay không.

“Ginsberg sử dụng những nhịp điệu của lời nói thông thường và cũng sử dụng từ ngữ của lời nói thông thường”, Shorer nói. “Tôi muốn nói rằng bài thơ sử dụng một cách cần thiết ngôn ngữ của sự thô tục.”

Tiếp đến phần đối chất. Trong suốt một giờ, McIntosh tấn công Shorer dồn dập, và đọc cho Shorer nghe gần như tất cả các dòng có thể chất vấn trong cuốn sách. Công tố viên cũng xỉ vả bài thơ, và đôi khi khó mà phân biệt ông chống lại cái gì nhiều hơn, sự bẩn thỉu hay sự khó hiểu của nó.

“Tôi giả định là ông hiểu toàn bộ bài thơ, đúng vậy không?”, có lúc MacIntosh hỏi Shorer, giọng thách thức.

Shorer mỉm cười. “Tôi hy vọng là thế”, ông nói. “Không phải bao giờ cũng dễ dàng biết rằng mình có hiểu chính xác điều một nhà thơ đương thời nói hay không, nhưng tôi cho là mình hiểu.”

McIntosh vung vẩy cuốn sách một cách đắc thắng. “Thế ông có hiểu”, ông ta hỏi, “cái câu ‘những tay hipster đầu óc thiên thần cháy lòng tìm kiếm sự kết nối siêu phàm xưa với chiếc dynamo tinh tú trong bộ máy đêm’ nghĩa là gì không?”

“Thưa ngài, ngài không thể dịch thơ sang văn xuôi”, Shorer trả lời. “Chính vì thế mà nó là thơ.”

Cử toạ, trong đó có những nhà văn ở khu North Beach, những người bán sách ở trung tâm thành phố, và một số khán giả quen thuộc của các vụ án hình sự, ồ cả lên. Thẩm phán mỉm cười độ lượng, nhưng McIntosh không chịu buông.

“Nói cách khác”, ông hỏi, “ông không cần phải hiểu các từ ngữ?”

“Ta không hiểu được từng chữ riêng rẽ tách ra khỏi văn cảnh”, Shorer kiên nhẫn giải thích. “Ta không thể dịch nó trở lại tiếng Anh của văn xuôi logic tốt hơn là nó có thể nói lên bằng từ ngữ cái mà một bức tranh siêu thực muốn nói, bởi vì nó không phải là văn xuôi.”

Điều ấy không thoả mãn McIntosh, ông vẫn tiếp tục đọc những dòng đầu của bài thơ và đòi hỏi sự giải thích sát từng chữ. Cuối cùng, Shorer nói: “Tôi không thể dịch lại, và tôi chắc chắn rằng không ai trong phòng này có thể dịch lại phần mở đầu của bài thơ ra văn xuôi dựa trên lý trí.” 

Vì một lý do nào đó, lời chứng trên khiến ông MacIntosh rất thoả mãn. “Đó chính là điều tôi muốn tìm thấy”, ông tuyên bố với vẻ của một người vừa giải quyết xong vụ việc của mình.

Sau khi xác minh được sự không thể giải thích, công tố viên bèn lớn giọng đọc hết dòng nọ đến dòng kia của bài thơ , mỗi dòng với số lượng từ ngữ thô thiển hay hình ảnh tính dục mạnh mẽ của nó, và đòi giải thích nhiều hơn.

Shorer kiên nhẫn khước từ việc ấy, và McIntosh bèn quay sang thưa với thẩm phán Horn: “Thưa ngài, thẳng thắn mà nói thì tôi chỉ có một mớ bằng cấp về luật. Tôi không biết tí gì về văn chương. Nhưng tôi muốn tìm ra tất cả cái này là cái gì. Nó giống như bức tranh hiện đại thời bây giờ, siêu thực hay bất cứ gì như họ gọi, họ cho một con khỉ tới và lấy ngón tay mà vẽ.”

Thẩm phán từ chối yêu cầu người làm chứng làm sáng tỏ nghĩa của bài thơ cho McIntosh, vậy là công tố viên tìm một chiến thuật khác. Ông đọc một số câu còn mạnh mẽ hơn rồi hỏi Shorer: “Bây giờ, ta xem liệu có thể sử dụng từ ngữ theo một cách khác được không? Có cần phải đặt những từ ngữ như thế ở chỗ đó hay không?”

Nhưng thẩm phán Horn không đồng ý câu hỏi và tự mình đưa ra một ý kiến về phê bình văn học: “Tôi cho rằng hiển nhiên là tác giả có thể sử dụng những từ ngữ khác; việc những từ ngữ ấy có phục vụ cùng mục đích hay không là chuyện khác; điều đó tuỳ thuộc tác giả.”

Lần này thì McIntosh đã sắp sửa sẵn sàng buông tha cho Shorer. Nhưng ông quyết định tấn công một lần cuối. Lật sang những bài thơ khác tiếp sau bài  trong cuốn sách, ông yêu cầu Shorer nêu tính cách của chúng.

“Những bài thơ ấy là cái mà người ta gọi là thơ trữ tình”, Shorer giải thích, “và những bài thơ bên trên là thơ cổ vũ (hortatory).”

McIntosh dỏng tai lên.

“Là cái gì kia?”, ông hỏi.

“Cổ vũ, thưa ông McIntosh.”

“Tôi đã hỏi xong”, công tố viên nói và ngồi xuống. Shorer cúi mình duyên dáng về phía McIntosh và lui về chỗ giữa tiếng hoan hô.

Bên biện hộ đưa tất cả chín chuyên gia làm chứng trước toà và với mỗi người trong số họ, McIntosh đều sử dụng cùng chiến thuật: bối rối trước bài thơ, khinh thị chuyên gia làm chứng, khoái trá trích dẫn các từ ngữ tục tĩu.

Từ Luther Nichols, nhà phê bình sách của tờ Examiner, ông ta học được rằng: “Cuộc sống của Ginsberg là cuộc sống của một gã lang thang; nó được tô điểm bằng nhạc jazz, bằng Đại học Columbia, bằng một sự giáo dục mang tính tự do phóng túng, bằng việc lang thang vất vưởng. Những từ ngữ anh ta sử dụng là có giá trị và cần thiết nếu như anh ta thành thật với mục đích của mình. Tôi nghĩ rằng việc sử dụng các uyển ngữ để miêu tả điều ấy sẽ bị ông Ginsberg coi là không thành thật.”

Walter Van Tilburg Clark, tác giả của cuốn The Ox-Bow Incident, thì tuyên bố: “Dường như đối với tôi tất cả các bài thơ trong cuốn sách là công trình của một nhà thơ hoàn toàn lương thiện, cũng là một nhà kỹ thuật có năng lực cao.”

“Ông tự xếp mình vào loại người phóng túng?”, McIntosh hỏi Clark. Nhưng ông ta đã đi quá xa, thẩm phán Horn chặn ngay câu hỏi vừa được thốt ra.

Chính là từ Kenneth Rexroth – người tự mô tả mình như một “nhà thơ Mỹ được thừa nhận có năng lực được thừa nhận và một nhà phê bình thơ có năng lực được thừa nhận” – mà Ehrlich rút ra được sự phán xét có phẩm chất cao nhất về . “Phẩm chất của bài thơ là cao một cách phi thường,” Rexroth nói. “Có thể nó là bài thơ đáng chú ý nhất của một người trẻ kể từ Thế chiến II.”

McIntosh cố gắng hạ giá bài thơ bằng cách đưa ra hai chuyên gia làm người phản chứng.

Một người là David Kirk, giáo sư phụ tá môn Anh ngữ ở trường Đại học San Francisco, một trường Công giáo. Kirk buộc tội  như một “bài thơ rõ ràng là tặng cho một phong trào đã chết từ lâu tên là Dada. Do vậy, cơ hội cho bất cứ đóng góp có ý nghĩa nào đối với văn học của bài thơ đã qua từ lâu”, và đó là một “sự bắt chước yếu kém một hình thức đã được Walt Whitman sử dụng 80 hay 90 năm trước.”

Người thứ hai là một phụ nữ tóc vàng tên là Gail Potter, cô ta đưa ra những tập sách giới thiệu mỏng thông báo cô mở lớp tư gia dạy cách nói chuyện và viết lách, và cấp hàng đống chứng chỉ với tư cách một chuyên gia. Cô ta nói mình đã viết lại Faust từ 40 bản gốc, đã viết 35 bài báo quan trọng, một hoạt cảnh cho cái mà cô gọi là “một trong các vụ việc lớn ở Florida”, và đã dạy ở một trường cao đẳng thuơng mại dành cho nữ, và trường College of Southern Florida ở Lakeland.

“Ta cảm thấy như mình đang đi qua cống rãnh khi phải đọc cái thứ đó”, cô Potter nói về . Rồi cô rùng mình ghê tởm và nói thêm: “Tôi chẳng nấn ná lâu với nó, tôi cam đoan với quí vị như thế.”

Jake Ehrlich cúi mình chào tiễn cô Pottter mà không hỏi câu nào…

Khi phiên toà đi đến phần kết thúc, các luận điểm tranh cãi đã đi vào đúng hướng. McIntosh la lớn rằng San Francisco đang ở trong hiểm họa nguy kịch:

“Tôi muốn rằng khi xác định những cuốn sách này có dâm ô hay không, ngài thẩm phán hãy tự hỏi chính mình là liệu ngài có muốn thấy loại thơ này được in trên tờ nhật báo địa phương của mình? Hay là muốn được nghe đọc thơ này trên radio như một tiết mục hàng ngày? Nói cách khác, thưa ngài, chúng ta sẽ cho phép sử dụng đến mức nào thứ ngôn ngữ dơ bẩn, tục tĩu, khiêu dâm, và tởm lợm này? Chúng ta sẽ đi xa đến đâu?”.

Với Jake Ehrlich,  là một bài thơ lương thiện, viết bởi một nhà thơ lương thiện, và chỉ bẩn thỉu đối với những đầu óc bẩn thỉu. Còn như nó có tiềm tàng khả năng khơi dậy những ý nghĩ dâm ô trong độc giả hay không, thì “Bậc thầy” gạt bỏ câu hỏi mấu chốt này trong một câu: “Ta không thể nghĩ những điều dung tục thối tha chỉ vì đọc một cái gì đó trong một cuốn sách, trừ phi mục đích của ta là đọc những điều dung tục thối tha và áp dụng một mục đích dung tục thối tha cho cái mà ta đọc.”

Thẩm phán Horn dành hai tuần lễ để cân nhắc trước khi có một bản án. Ông chịu khó đọc Ulysses và những bản án nổi tiếng, là một phần trong lịch sử xuất bản của tác phẩm này. Ông đọc những tác phẩm khác từng có lần bị tấn công vì coi là dâm ô. Ông đọc các bộ luật thành văn và thông luật.

Ông nhận ra rằng  không dâm ô và Ferlinghetti không có tội. Ý kiến được viết ra của ông, mặc dù là của một thẩm phán bậc thấp nhất trong tiểu bang, giờ đây phải có giá trị như một văn bản soạn thảo luật rất quan trọng cho luật chống khiêu dâm ở California…

Trích phán quyết của Toà án 3/10/1957

Nhân dân [3] bang California chống Lawrence Ferlinghetti

 … Bị cáo bị buộc tội vi phạm điều 311.3 của Bộ Luật hình của bang California. Bị cáo không nhận tội. Lời buộc tội cho rằng bị cáo đã cố ý in, xuất bản và bán những bài viết, tài liệu và sách dâm ô và không đứng đắn, tức cuốn  và những bài thơ khác.

Trừ phi những từ ngữ được sử dụng mang hình thức dơ bẩn vì mục tiêu dơ bẩn và có thể dẫn đến hành vi phạm tội, dù là thực tế hay chứng minh được là sẽ xảy ra, chúng không vi phạm luật định…

Khi xác định một cuốn sách có dâm ô hay không, nó phải được phân tích như một chỉnh thể. Toà đã đồng ý rằng khi xác định điều này, cuốn sách phải được phân tích như một chỉnh thể và cách xem xét ấy phải có chỗ đứng trong việc phân tích các môn nghệ thuật.

Tự do ngôn luận và tự do báo chí là cố hữu tại một quốc gia của những người tự do. Các quyền tự do ấy phải được bảo hộ nếu như chúng ta muốn vẫn được tự do, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách một quốc gia. Sự bảo hộ quyền tự do ấy được thấy trong các Tu chính án 1 và 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, và trong Hiến pháp bang California, Điều I, phần 9 có đoạn như sau:

Mọi công dân có quyền tự do nói, viết, và công bố cảm nghĩ của mình về mọi chủ đề, và chịu trách nhiệm về sự lạm dụng quyền ấy; và không có luật nào được thông qua nhằm ngăn trở hoặc hạn chế quyền tự do ngôn luận và báo chí…”

Tu chính án 14 của Hiến pháp Liên bang cấm bất kỳ bang nào xâm phạm tự do ngôn luận và tự do báo chí trong cùng hạn độ như Điều 1 Tu chính án đã ngăn ngừa Quốc hội Liên bang làm thế.

Những sự đảm bảo ấy chiếm một vị trí được ưa chuộng trong luật pháp của chúng ta đến mức các toà án, khi xem xét liệu pháp chế có xâm phạm chúng hay không, đã vô hiệu hoá sự giả định thường được lạm dụng, nhằm có lợi cho sự hợp hiến…

Các tác giả của Tu chính án 1 biết rằng tiểu thuyết và những ý tưởng trái thông lệ có thể gây khó chịu, nhưng họ chọn cách khuyến khích một sự tự do mà họ tin là thiết yếu nếu như sự khai sáng mạnh mẽ bao giờ cũng phải chiến thắng sự ngu dốt lười biếng.

Tôi đồng ý với lời lẽ của Macaulay [4], người thấy thật là khó tin rằng trong một thế giới đầy ắp những cám dỗ như thế giới này, một người tử tế sẽ có một đời sống đạo đức nếu như anh ta không đọc Aristophanes [5] hay Juvenal [6], và sẽ trở nên tội lỗi khi đọc họ.

Tôi không tin rằng  không có ý nghĩa xã hội có thể gỡ tội cho tác phẩm. Phần 1 của  đưa ra một bức tranh của thế giới ác mộng; phần 2 là một cáo trạng đối với những yếu tố trong xã hội hiện đại phá hủy các phẩm chất tốt đẹp nhất của bản chất con người; những yếu tố đó được nhận dạng nổi bật là chủ nghĩa vật chất, sự theo đuôi, và sự máy móc hoá dẫn đến chiến tranh. Phần 3 đưa ra một bức tranh của một cá nhân là sự thể hiện đặc biệt của cái mà tác giả coi như thân phận chung (của con người).

“Cước chú cho ” dường như là một diễn từ nói rằng mọi thứ trên đời là thánh thiện, bao gồm những bộ phận trong cơ thể được gọi đúng tên. Nó kết thúc bằng lời kêu gọi khẩn thiết hãy sống thánh thiện…

Đề tài của  thể hiện “những ý tưởng phi chính thống và gây tranh cãi”. Ngôn ngữ tục tĩu được sử dụng và những hành vi tính dục được nói ra, nhưng trừ khi cuốn sách hoàn toàn thiếu “ý nghĩa xã hội”, nó không bị coi là dâm ô…

Có một số lượng từ ngữ được sử dụng trong  hiện nay bị coi là tục tĩu trong một số giới của cộng đồng; trong một số giới khác, những từ ngữ ấy được sử dụng hàng ngày. Sẽ là không thực tế khi chối bỏ những sự thật ấy. Tác giả của  đã sử dụng những từ ngữ ấy là bởi ông tin rằng bức chân dung của ông đòi hỏi chúng như những cái thuộc về tính cách. Nhân dân tuyên bố rằng không cần thiết sử dụng những từ ngữ như thế và rằng những từ ngữ khác sẽ dễ được chấp nhận hơn đối với thị hiếu tốt. Câu trả lời là cuộc sống không đóng khung trong một công thức, trong đó mọi người đều hành động giống nhau hay tuân theo một cái mẫu riêng biệt. Không có hai con người nghĩ giống nhau; tất cả chúng ta đều được đúc theo một khuôn nhưng lại theo các mẫu khác nhau. Liệu có tự do báo chí và ngôn luận hay không nếu mỗi người phải quy giản từ vựng của mình thành thứ uyển ngữ nhạt nhẽo vô thưởng vô phạt? Một tác giả cần phải thành thật trong việc xử lý chủ đề của mình và cần phải được phép biểu đạt tư tưởng, ý kiến của mình với những từ ngữ của chính mình…

Trong khi đó việc xuất bản “văn hoá phẩm khiêu dâm” (“smut” or “hard core pornography”) là không có chút ý nghĩa xã hội gì và là dâm ô (obscene) theo những tiêu chuẩn hiện thời, và cần bị trừng phạt vì lợi ích của cộng đồng, bởi vì không có một đường lối thẳng thắn và kiên định để hướng dẫn chuyện này nên sự kiểm duyệt của Chính phủ cần được giữ một cách chặt chẽ. Hành động khác đi là sẽ phá huỷ quyền tự do ngôn luận và báo chí. Ngay cả tôn giáo cũng có thể bị kiểm duyệt thông qua hệ thống thuế. Phương thức kiểm duyệt tốt nhất là kiểm duyệt do người dân với tư cách người tự-bảo-hộ công luận chứ không phải do chính phủ. Như vậy một lần nữa chúng ta trở lại với lời khuyên của Jefferson [7]: con đường hoàn toàn dân chủ để kiểm soát những xuất bản phẩm làm nảy sinh các tư tưởng và tình cảm thấp kém là thông qua sự kiểm duyệt phi chính phủ, qua công luận.

Từ những điều đã nói trên, một số quy tắc có thể được đặt ra, nhưng như đã lưu ý, chúng không cứng nhắc và phụ thuộc vào những điều kiện thay đổi, và trên hết mọi điều, mỗi trường hợp phải được phán xử riêng biệt.

1. Nếu tài liệu có một chút ý nghĩa xã hội thì nó không phải là dâm ô, vì nó được bảo hộ bởi các Tu chính án 1 và 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ và Hiến pháp California.

2. Nếu nó không có chút ý nghĩa xã hội nào thì nó có thể là dâm ô.

3. Chứng cứ dâm ô ở bang California có nghĩa là tài liệu phải có một xu hướng làm hư hỏng, suy đồi người đọc bằng cách kích thích những ý nghĩ dâm đãng hay làm nảy sinh dục vọng dâm dật đến mức nó thể hiện một nguy cơ rõ rệt và hiện diện kích động những hành động chống lại xã hội hay vô luân.

4. Cuốn sách hay tài liệu phải được phán xét trong chỉnh thể của nó về tác động của nó đối với người trưởng thành trung bình trong cộng đồng.

5. Nếu tài liệu bị phản đối chỉ do ngôn ngữ tục tĩu mà không có tính cách gợi dục và kích thích tình dục (erotic or aphrodisiac) thì nó không dâm ô.

6. Sự cố ý phải được chứng minh.

7. Các bài điểm sách có thể được tiếp nhận làm chứng cứ nếu chúng được xác nhận một cách hợp thức.

8. Chứng cứ của chuyên gia trong lĩnh vực văn học ra làm chứng trước toà là hợp thức.

9. Việc so sánh tài liệu với tài liệu tương tự khác đã được luật pháp xét xử trước đó là hợp thức.

10. Người dân có bổn phận đối với chính mình và với nhau trong việc giữ gìn và bảo hộ các quyền tự do hiến định chống lại bất cứ sự xâm phạm nào của chính quyền trừ khi rõ rệt là những sự giới hạn cho phép đối với sự bảo hộ đó bị phá vỡ, và trong trường hợp ấy họ chỉ có những hành động có tác dụng hàn gắn lại chỗ bị phá vỡ.

11. Tôi đồng ý với ông Justice Douglas: tôi có cùng lòng tin vào khả năng của nhân dân chúng ta trong việc vứt bỏ văn chương độc hại vì tôi tin ở khả năng của họ trong việc phân biệt cái thật và cái giả trong thần học, kinh tế học, chính trị học hay bất kỳ lĩnh vực nào khác.

12. Khi xem xét tài liệu bị cáo buộc là dâm ô, tốt nhất là nhớ lại phương châm: “Honi soit quim al y pense.” (Xấu xa thuộc về kẻ có ý nghĩ xấu xa.)

Vì vậy, tôi kết luận rằng cuốn sách  và những bài thơ khác có ý nghĩa xã hội mang tính cứu chuộc, và tôi thấy cuốn sách không dâm ô.

Bị cáo được phán vô tội.

[1] Kinh Thánh của đạo Kitô nói vua Solomon của nước Do Thái cổ đại có rất nhiều phi tần (truyền thuyết nói ông có tới 1000 phi tần) (ND).

[2] Trong Kinh Thánh, tóm tắt luật thánh do Chúa Trời trao cho Moses trên núi Sinai; chiếm địa vị quan trọng hàng đầu trong hệ thống luân lý đạo đức trong các đạo Do Thái, Kitô và Hồi; 10 điều răn được chia cho các bổn phận đối với Chúa, đối với láng giềng và xã hội (ND).

[3] Nhân dân ở đây do Viện Công tố đại diện (ND)

[4] Thomas Babington Macaulay (1800 – 1859), nhà sử học và chính trị gia người Anh,người phát ngôn hùng hồn của các tầng lớp trung lưu có tư tưởng phóng khoáng (ND).

[5] Nhà viết kịch lớn nhất của Hy Lạp cổ đại TK V trước CN (ND).

[6] Nhà văn châm biếm lớn nhất của La Mã cổ đại TK II trước CN (ND).

[7] Thomas Jefferson (1743-1826), Tổng thống Hoa Kỳ, tác giả Tuyên ngôn Độc lập (ND).

Dịch giả gửi Văn Việt

Comments are closed.