Nguyễn Quang Thân
Cần dạy Sử như một môn độc lập hay theo cách tích hợp, đó là một vấn đề đang gây tranh cãi sôi nổi. Văn Việt đăng bài sau đây của nhà văn Nguyễn Quang Thân và xin mời gọi bạn đọc tham gia thảo luận.
Văn Việt
Cá hồi đẻ trứng ở thượng nguồn sông nước ngọt Siberia hay Bắc Mỹ, trưởng thành trên Đại Tây Dương, Thái Bình Dương. Nhiều năm sau, từ môi trường nước mặn, trước khi đàn cá kết thúc vòng đời, chúng quay lại cửa sông nơi chúng đã ra đi, ngược lên thượng nguồn đẻ trứng và chết. Đàn cá hồi con nở trong môi trường nước ngọt, lại phiêu dạt ra biển và sống trọn vòng đời như bố mẹ chúng.
Tìm lại cội nguồn là nhu cầu bản năng của đàn cá hồi. Người ta phản đối xây đập trên những con sông có đàn cá di cư để bảo tồn chúng. Không được trở về nguồn, đàn cá sẽ bị diệt chủng. Nếu bắt buộc phải làm đập, các nhà thiết kế tạo âu thuyền để tàu bè và đàn cá được trở về nguồn duy trì nòi giống.
Con người không có bản năng tự nhiên trời cho như cá hồi. Nhưng nhu cầu “trở về nguồn” thì vô cùng mãnh liệt. Người trong nước tìm hiểu cội nguồn để biết mình sinh ra từ đâu, mình là ai, cha ông mình đã có những kinh nghiệm hào hùng hay đau buồn như thế nào trong quá trình gìn giữ xã tắc cho muôn đời con cháu. Xa xứ, dù cách núi ngăn sông, buộc phải sống bên này bên kia trái đất, con người vẫn không quên cội nguồn và “nỗi nhớ quê” (nostalgie) khắc khoải, là nỗi đau khôn nguôi của họ, dù họ có cuộc sống giàu sang sung sướng hay hiển hách xứ người. Do không có bản năng như đàn cá hồi, con người phải học hỏi để biết rõ, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu quá khứ, cội nguồn. Có triết gia nhận xét rằng, con người luôn có thói quen quay mặt lại sau và đi thụt lùi tới phía trước.
Tại sao lại phải quay đầu về phía sau để tiến lên phía trước? Để tìm hiểu lịch sử dân tộc, kinh nghiệm sống chết, thành công hay thất bại của cha ông, những bài học luôn phải trả bằng máu và mồ hôi của nhiều thế hệ đi trước. Không có những bài học đó con người phải trả giá cực đắt và có rất ít dân tộc bất hạnh không thể tiếp tục tồn tại là do không học hỏi được kinh nghiệm của cha ông.
Dân tộc ta từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương, trải qua biết bao cay đắng ngọt bùi, có khi mất nước ngàn năm mà vẫn không bị đồng hóa, đến nay vẫn giữ được non sông liền một giải là nhờ hồng phúc cha ông được thể hiện qua những trang sử vẻ vang. Dân ta phải biết sử ta, nếu dân ta không còn biết sử ta thì xã tắc đâu còn đến hôm nay.
Chính vì thế mà chúng ta không thể nào hiểu nổi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm đủ cách, đủ mánh khóe để thủ tiêu môn sử trong nhà trường các cấp. Dù dưới vỏ bọc “tích hợp” hay dồn toa, đóng gói kiểu gì, người ta cũng nhận thấy rất rõ ý đồ không khuyến khích học sinh sinh viên học sử, trước hết là sử dân tộc.
Nếu không biết mình là ai, con cái nhà ai, tổ tiên, cha ông mình như thế nào thì có giỏi kỹ thuật như cha đẻ của Apple cũng chỉ là cái máy tính hay con robot mà thôi. Chẳng nhẽ người ta đang định đào tạo những thế hệ người Việt không còn ký ức và không được như đàn cá hồi sao? Không thể hiểu nổi và không thể chấp nhận nổi, kính thưa các vị!