THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (12): Thoát Trung là một đòi hỏi tất yếu

Đặng Thành Văn

(Thành phố Thái Bình)

Ngày 01 tháng 5 năm 2014 Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển đảo của Việt Nam, xâm phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo của Việt Nam, bị dư luận quốc tế và nhất là Việt Nam phản đối quyết liệt. Trung Quốc đã công khai vứt bỏ “4 tốt” và “16 chữ vàng.” Chiếc mặt nạ đã được vứt xuống. Đối với người Việt Nam chuyện đó không có gì là đáng ngạc nhiên. Từ ngàn đời nay người Việt Nam hiểu quá rõ dã tâm bành trướng bá quyền của các thế hệ vua chúa và những kẻ cầm quyền Trung Quốc. Mọi ràng buộc, “lệ thuộc” lâu nay của Việt Nam vào “4 tốt” và “16 chữ vàng” đã để lại nhiều hậu quả khôn lường, điều đó là người Việt Nam thì ai cũng biết. Vì thế dư luận rộng rãi trong và ngoài nước đang xôn xao bàn việc “thoát Trung”. Người viết bài này cũng muốn tham gia nêu những suy nghĩ của mình cũng là để nói lên bao ý nguyện của những người dân sống quanh mình.

A – Tại sao phải “thoát Trung”?

Thoát Trung là đúng với truyền thống của dân tộc. Sau nghìn năm đô hộ của giặc phương Bắc, Ngô Vương đã khởi binh giành được độc lập cho nước nhà. Và từ đó ý chí không lệ thuộc vào Trung Quốc luôn là khát vọng ngàn đời của nhân dân và những vương triều Việt Nam. Từ Lê, Lý, Trần, Lê, đến hoàng đế Quang Trung, và gần đây nhất là cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược của quân và dân ta tháng 2 năm 1979 đã chứng minh điều đó.
Nhật Bản là nước thoát Trung sớm nhất, bắt đầu từ thời Minh Trị. Những năm sáu mươi người Hàn Quốc cũng thoát Trung một cách ngoạn mục. Singapore gần như 100% là người Tàu, nhưng họ đâu có lệ thuộc vào Trung Quốc. Tất cả những nước thoát Trung đều phát triển hết sức rực rỡ và hạnh phúc.
Trung Quốc đâu phải là nước “xã hội chủ nghĩa” (mà thực ra “chủ nghĩa xã hội” thì mơ hồ, thiếu khoa học). Thuyết “ mèo trắng mèo đen” của Đặng Tiểu Bình (“Mèo trắng, mèo đen đều là bạn, miễn là bắt được chuột), những kỳ đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây không có treo ảnh Mác-Lê, việc Trung Quốc tuyên bố xây dựng một xã hội “mang màu sắc Trung Quốc”… chứng tỏ điều ấy.
Những người cầm quyền nhà nước Trung Quốc hiện nay đang thi hành chính sách đại Hán, bá quyền, thực hiện giấc mộng từ ngàn đời nay của các hoàng đế Trung Quốc. Họ không bao giờ muốn có một nước Việt Nam lớn mạnh vững bền bên cạnh họ. Vì thế, họ luôn tìm cách phá rối, kìm hãm và thôn tính Việt Nam. Điều đó nói lên bản chất của Đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc.
Ai cũng biết nền văn hoá Trung Quốc là nền văn hoá vĩ đại. Ngoài những mặt tích cực, nền văn hoá ấy cũng nảy nòi bao cái cực đoan khủng khiếp. Không ít những bạo chúa, những thần dân cơ hội, thấp hèn; có kẻ chỉ để lấy lòng Trụ Vương mà y dám giết cả con mình lấy thịt cho Trụ Vương khoái khẩu. Những Tần Thuỷ Hoàng đốt sách chôn học trò, những cải cách văn hoá và đại nhảy vọt thời kỳ Mao Trạch Đông làm 35 triệu người bị chết, vũng máu đầm đìa Thiên An Môn thời Đặng Tiểu Bình còn đó. Thảm hoạ diệt chủng khủng khiếp ở Campuchia làm gần ba triệu người bị chết  (nên nhớ rằng thời điểm những năm ấy (1977, 1978), dân số Campuchia chỉ có khoảng bảy triệu người; mà ai cũng biết Trung Quốc là kẻ đứng đằng sau vụ diệt chủng này. Tháng 5 năm 2014 tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam trên vùng hải phận của Việt Nam rồi bỏ đi không hề có động thái cứu vớt người trên biển; điều đó phải quy vào tội cố ý giết người của Trung Quốc. Phải đưa những kẻ cố ý giết người đó ra toà án Quốc tế. Phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì tội xâm chiếm biển đảo của Việt Nam. Nền văn hoá và “văn minh” ấy nhân loại đâu có cần. Cái mà chúng ta và các nước trên thế giới cần là xây dựng một nhà nước pháp quyền, tự do, dân chủ, mọi người đều bình đẳng và hạnh phúc. Và vì thế thoát Trung là một tất yếu khách quan.
B – Thoát như thế nào?
Thoát chính mình. Hãy đặt quyền lợi của dân tộc và nhân dân lên trên hết. Đặc biệt là những lãnh đạo cao cấp của Đảng và chính quyền. Khi không còn lấn cấn cái “tôi” cá nhân thì mọi khó khăn vướng mắc dù to tát, quan trọng đến đâu cũng được tháo gỡ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Thoát được chính mình mới toàn tâm toàn ý phục vụ cho quyền lợi của dân tộc và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết vấn đề này rất rõ ràng và kiên quyết. Năm 1945 sau khi quân đồng minh giải giáp vũ khí của Nhật, đất nước lúc này có cả quân Tưởng và quân Pháp, Tố Hữu có hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân Pháp và quân Tưởng thì quân nào sợ hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời, kẻ thù đáng sợ nhất là các chú. Thế là rõ, kẻ thù đáng sợ nhất là chính mình.
Khi đã thoát được chính mình, lấy dân tộc và nhân dân làm mục tiêu phục vụ thì chẳng còn lo ràng buộc vào một ý thức hệ chính trị nào cả. Năm 1946 khi cụ Phó Chủ Tịch Huỳnh Thúc Kháng tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp, cụ Huỳnh có hỏi kế sách giữ nước yên dân. Người trả lời: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Hiểu nôm na cái “bất biến” đây chính là dân tộc và nhân dân. Còn “ứng vạn biến” là tuỳ cơ mà xử lý. Có thể nhu, cương, nhưng dù nhu cương hay thế nào thì cũng chỉ để phục vụ cho dân tộc và nhân dân. Ngược dòng thời gian, tại hội nghị Tour, quốc tế cộng sản họp ở Paris, nước Pháp, đại biểu các đảng cộng sản tranh luận với nhau rất nhiều về theo quốc tế một, quốc tế hai hay quốc tế ba. Nguyễn Ái Quốc lúc đó tuyên bố quốc tế nào ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức và thuộc địa thì tôi theo.
Quan điểm dân tộc và nhân dân là nhất quán trong con người Hồ Chí Minh. Khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã nói lên tinh thần đó.
Vì vậy, dứt khoát phải thoát khỏi sự ràng buộc mơ hồ về chủ nghĩa xã hội, về ý thức hệ chính trị với Trung Quốc. Khi Mao Trạch Đông muốn Việt Nam làm cách mạng văn hóa, Hồ C híMinh đã từ chối lấy lý do là Việt Nam đang bận giải phóng miền Nam. Lấy dân tộc và nhân dân làm mục tiêu và kim chỉ nam cho mọi hành động là đúng với quy luật, với xu thế thời đại và là một tất yếu khách quan. Đi hết dân tộc thì sẽ gặp nhân loại. Làm được điều này chúng ta phải xây dựng bằng được một nhà nước pháp quyền thực sự, một nhà nước dân sự mà gần đây nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã đề cập.
Về kinh tế, phải giảm mạnh nhập siêu từ Trung Quốc. Giảm và xem xét lại các gói trúng thầu của các nhà thầu Trung Quốc. Theo bà Phạm Chi Lan, 90% các gói trúng thầu đều rơi vào Trung Quốc.Ta lấy rẻ chứ không lấy chất lượng làm đầu. Trung Quốc bỏ rẻ nhưng cuối cùng khi xong công trình thì lại đắt hơn cả Nhật và Mỹ, mà chất lượng cũng lại kém nhất. Có cái gì uẩn khúc ở đây? Chính là tham nhũng. Trung Quốc rất bạo tay và rất giỏi đi đêm, làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam không có đất để phát triển. Không như những nhà thầu của Nhật, đều do người Nhật phát hiện có vấn đề hối lộ cho các quan chức Việt Nam như tuyến đường Đông Tây Sài Gòn, và gần đây nhất là tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội. Điều đó nói lên những nước làm ăn minh bạch và nghiêm túc khó có thể trúng thầu ở Việt Nam. Đây chính là chủ đề quan trọng bậc nhất mà tôi luôn nói đi nói lại, đó là thoát chính mình. Myanmar đang từng bước thoát Trung rất tốt, hãy theo gương họ. Thoát Trung, thoát chính mình là phép thử phát triển hay không phát triển.
Thoát Trung, thoát được chính mình là thắng lợi của dân tộc và nhân dân Việt Nam. Muốn làm được điều đó chúng ta phải xây dựng được nhà nước pháp quyền, nhà nước dân sự, một nhà nước tự do, dân chủ “tự do như là phát triển”.

19-6-2014

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.