Thảo luận “Vấn đề dạy chữ Hán trong nhà trường“ (2)

Học chữ Hán – Sao lại không? (*)

Chu Mộng Long

VỀ DẠY HỌC CHỮ HÁN: Kẻ tiếc của, người lo bò trắng răng!

Không chấp những người mang thói quen hàm hồ quy chụp PGS Đoàn Lê Giang hay bất cứ ai chỉ cần một câu bênh vực Hán hoặc Tàu là “Hán nô”, “Tàu cộng”, ở đây chỉ trao đổi với những ý kiến nghiêm túc mang tính trái chiều về việc có nên hay không nên dạy học chữ Hán ở nhà trường phổ thông.
Xin phép được nói thẳng, không phải luận điểm nào trong bài viết của PGS Đoàn Lê Giang cũng đảm bảo thuyết phục hoặc được hiểu đúng, cho nên có nhiều ý kiến trái chiều là lẽ hiển nhiên. Điều này đã có một số người viết rồi, tôi không cần nhắc lại. Chỉ nói thêm một ý, giá như, về cái việc bỏ học chữ Hán từ khi có kí tự Latin, PGS Đoàn Lê Giang nên nói đó là một điều đáng tiếc thì câu chuyện có vẻ nhẹ nhõm hơn.
Lịch sử không bao giờ chạy ngược. Ngay từ đầu thế kỉ 20, những cụ như Vũ Đình Liên, Tú Xương cũng đã từng tiếc thương, oán thán về cái vốn cổ hay chữ Hán đã dần mất đi: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ” (Vũ Đình Liên – Ông đồ), “Dẫu không bia đá còn bia miệng/ Vứt bút lông đi, giắt bút chì” (Tú Xương – Đổi thi). Rốt cuộc ai có thể cứu vãn cái sẽ mất và phải mất. Lịch sử luôn là sự biến đổi và lựa chọn khôn ngoan (kể cả tàn phá ngu xuẩn). Không học chữ Hán thì học chữ Tây, không học chữ Tây thì học kĩ chữ Ta. Học đến nơi đến chốn một thứ đã là phúc lớn rồi, hơn là cái gì cũng biết mà không biết gì. Chữ nào cũng chỉ để phục vụ giao tiếp và hiểu biết theo nhu cầu của cá nhân và thời đại. Hiểu đúng, viết đúng tiếng Việt không hẳn hoàn toàn phụ thuộc hiểu và viết tốt chữ Hán. Nhân cách cũng không liên quan gì đến cái vốn cổ kia!
Đành rằng cái gì mất thì tiếc, nhưng theo tôi, có oán thán là oán thán cho cái nền giáo dục sáng nắng chiều mưa này. Nhớ cái thời của chúng tôi, mãi đến khi vào đại học mới được học ngoại ngữ. Ban đầu cổ súy tiếng Trung, khi xung đột với Trung Quốc thì buộc nhảy sang học tiếng Nga, khi Liên Xô sụp đổ thì cả nước chạy ào sang tiếng Anh. Hậu quả, gì cũng biết, nhưng cái gì cũng dở dang. Giáo dục mà cứ như con điếm, hết theo thằng này lại chạy theo thằng khác, người học không dưng thành những đứa con cẩu tạp chủng, không oán thán là gì?
Quay lại chuyện nên đưa hay không đưa chữ Hán vào học phổ thông. Trước hết, tôi nhắc lại quan điểm, chữ Hán không là ngoại ngữ mà là tiếng Việt trước thế kỉ 20 gắn liền với nền văn hóa Hán mà cha ông ta đã sử dụng. Có điều kiện học tốt món này là để hiểu biết và bảo tồn di sản cha ông chứ không nô dịch thằng nào cả. Còn lúc này tôi chỉ có thể nói gọn một câu, rằng các lão sư của chúng ta do nuối tiếc quá khứ, tức tiếc của, mà nổi hứng lên đòi đưa vào nhà trường phổ thông, đòi từ tiểu học nữa cơ, chứ sự thật là bất khả!
Bởi vì lẽ đơn giản thế này: ai sẽ đứng ra dạy chữ Hán mà các lão sư muốn sang vậy? Có đến mươi năm đào tạo rồi mà ngành giáo dục còn chưa có đủ lực lượng để dạy tiếng Anh cho có chất lượng thì lấy đâu ra giáo viên dạy Hán – Nôm? Ở trường đại học, chỉ dành cho ngành Ngữ văn thôi mà còn tìm đến mỏi con mắt, huống hồ là phổ thông? Chẳng nhẽ bắt giáo viên dạy tiếng Việt kiêm luôn dạy chữ Hán?
Mà đã thế thì, nhiều người cứ lo xa, rằng đừng bắt các cháu phải gồng gánh thêm cái thứ chữ rắc rối ấy, có phải lo bò trắng răng không? Tôi thách anh Nhạ cứ liều lĩnh đưa chữ Hán vào dạy học ở nhà trường phổ thông đi, xem thử lấy ai đứng ra dạy? Hay là mời người Hán sang dạy cho các cháu?
Thực lòng tôi cũng tiếc của, nhất là đứt từng khúc ruột khi biết những kẻ ngu dốt không chỉ đã từng âm mưu xóa sạch quá khứ bằng cách đập phá chùa chiền mà những gì còn lại cũng đang bị thay thế – chuyển chữ Hán phượng múa rồng bay mang hồn cổ xưa kia thành những kí tự vô hồn. Nhưng biết làm sao được khi người ta đã lỡ đẩy bánh xe lịch sử trượt ra khỏi giới hạn cần thiết để rồi đi từ lệch lạc này đến lệch lạc khác!
————-
Quan điểm của tôi về vấn đề dạy học chữ Hán, cách thức và liều lượng như thế nào, tôi đã nói từ ngày này năm trước, cũng nhân một bài viết tương tự của PGS Đoàn Lê Giang. Các bạn đọc hiểu kĩ rồi hãy ném đá! Và nhắc một câu: ai chụp mũ Hán nô, Tàu cộng thì đi chỗ khác mà đối thoại với những kẻ quen chụp mũ!

Chu Mộng Long

Nguồn: FB Chu Mộng Long

 

chunomKhông chỉ chữ Hán, mà theo tôi, những ngôn ngữ của những nền văn hóa lớn đều rất cần phải học nếu có điều kiện: như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hindi…

Nhưng vì sao PGS. Đoàn Lê Giang đặt vấn đề phải đưa chữ Hán vào trong chương trình phổ thông? Và vì sao ý kiến này bị phản đối đông hơn là được ủng hộ?

Do bài viết của PGS. Đoàn Lê Giang không nói rõ, chữ Hán như là tiếng Việt được sử dụng cả mấy ngàn năm, trước khi chúng ta sử dụng chữ Latin thay thế, chứ không phải là một ngoại ngữ (tiếng Trung) như có người hiểu nhầm.

Chữ Hán hiện nay không chỉ tồn tại như một công cụ để giao tiếp hàng ngày (giúp người ta dùng đúng một số lượng khổng lồ từ và ngữ Hán – Việt) mà còn là công cụ để hiểu biết toàn bộ di sản văn hóa của cha ông. Nói cách khác, nó cũng là công cụ giao tiếp, nhưng là giao tiếp lớn hơn nhu cầu thực dụng: giao tiếp giữa xưa và nay, giữa con cháu với cha ông.

Một thực tế là số lượng người hiểu biết chữ Hán ngày càng ít đi và các di sản quá khứ ngày càng mai một nếu chỉ còn bảo tồn cái vỏ vật chất. Ngôn ngữ là một công cụ hữu hiệu, chuyển những di sản vật chất thành tinh thần, bởi vì chỉ nhờ nó mới lưu giữ đầy đủ những gì mà các di sản vật chất không thể lưu giữ trường tồn được.

Tôi hiểu những người phản đối PGS. Đoàn Lê Giang là những người mang định kiến ghét Tàu. Họ cực đoan đến mức, những gì có liên quan đến Trung Quốc đều nên tẩy chay. Và vì định kiến, nên tai hại thay là rất nhiều người trên mạng xã hội đã vội vàng chụp mũ PGS. Đoàn Lê Giang là “tay sai của Tàu”, âm mưu “Hán hóa người Việt lần nữa”?! Họ không cần biết PGS. Đoàn Lê Giang là ai, sẵn sàng ném đá cho hả giận để chứng tỏ mình yêu nước, yêu giống nòi!

Biểu đồ ủng hộ và phản đối học chữ Hán (Báo Tuổi trẻ)

Biểu đồ ủng hộ và phản đối học chữ Hán (Báo Tuổi trẻ)

Yêu nước, yêu giống nòi gắn liền với ý thức độc lập, tự chủ là đúng rồi. Nhưng yêu nước, yêu giống nòi lại càng không thể đoạn tuyệt với ngàn năm văn hiến của tổ tiên.

Học một ngôn ngữ khác không đồng nghĩa với bị nô dịch. Thiếu hiểu biết mới đi đến nguy cơ bị nô dịch.

chuhanCá nhân tôi đã từng phản đối sự phục hưng Nho giáo, ở sự lợi dụng, biến tấu một học thuyết toàn trị của quá khứ để phục vụ cho một nhóm người hiện tại có quyền lực (cả trong gia đình lẫn xã hội) lúc nào cũng nhân danh Lễ trị để thống trị kẻ khác. Nhưng tôi cũng không bao giờ phản đối văn hóa Hán (rộng hơn văn hóa Nho giáo) với những tinh hoa mà dân tộc đã từng và buộc phải chịu ảnh hưởng, trong đó có chữ Hán. Cần và nên đưa vào trường học, ngay ở giáo dục phổ thông là đúng. Còn liều lượng thế nào phải bàn thêm.

Chẳng hạn, có thể không nhất thiết học chữ Hán như một môn học riêng (dễ bị hiểu nhầm là ngoại ngữ bắt buộc) mà tích hợp vào trong phần học văn bản ngữ văn trung đại do giáo viên ngữ văn đảm nhiệm. Thay bằng học bản dịch với những nội dung tán sáo tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước… đến nhàm chán như hiện nay là yêu cầu tiếp cận nguyên tác. Có một thực tế là sinh viên ngành ngữ văn có học Hán Nôm với dung lượng không ít, học tốt chứ không hẳn hoàn toàn khó học, nhưng khi ra trường lại không hề sử dụng. Mà ngôn ngữ không được mang ra sử dụng thì, hoặc là ngay tại trường đại học, việc dạy và học hoàn toàn đối phó, khi ra trường vốn chữ từng được học bị rơi rớt dần, cuối cùng là sự lãng phí đáng tiếc trong đào tạo.

Mục đích quan trọng của việc học chữ Hán ở phổ thông là tạo hứng thú cho người học, từ đó tìm kiếm, phát hiện những năng lực nghiên cứu văn hóa cổ để đào tạo chuyên sâu và nâng cao thành chuyên ngành về sau.

Nhân chuyện hiểu nhầm xem chữ Hán là một ngoại ngữ, tại Trường Đại học Quy Nhơn vừa rồi cũng đã từng xảy ra một cuộc tranh cãi tương tự. Đúng ra là một vụ kiện tụng về bằng cấp chuyên ngành của một giảng viên dạy Hán Nôm. Nguyên đơn cho rằng, người này không đảm bảo yêu cầu về bằng cấp chuyên môn để có thể dạy môn học này, vì không có bằng thạc sĩ, hay tiến sĩ Hán Nôm. Tổ thanh tra lại kết luận nội dung tố cáo này là đúng, với lí do xem đó như là một ngoại ngữ! Tôi phải gặp Hiệu trưởng yêu cầu thu hồi ngay lập tức bản kết luận thiếu hiểu biết này. Rằng Hán Nôm được giảng dạy tại Khoa Ngữ văn chỉ là một môn học của ngành Ngữ văn chứ không phải là một chuyên ngành. Nó không là ngoại ngữ mà là chữ viết và văn bản của cha ông trước thế kỉ 20.

May mà Hiệu trưởng nghe ra và cho thu hồi bản kết luận. Tôi nói thêm, nếu kết luận sai trái kia được mang ra thực thi, thì ở Việt Nam không có ai đủ tư cách giảng dạy môn học này. Và chẳng lẽ bỏ hẳn cái môn học đang giúp cho người học hiểu biết về quá khứ của cha ông?

(*) Bài đăng trên blog của tác giả ngày 29/8/2015 (Văn Việt).

Nguồn: https://chumonglong.wordpress.com/2015/08/29/hoc-chu-han-sao-lai-khong/

Comments are closed.