Hạt bụi khổng lồ ấy rồi cũng bay

Thơ Nguyễn Thị Thanh Bình

E-RUBINSTEIN-G-G-MARQUEZ-1981

Gabriel Garcia Marquez (1927-2014)

Gabriel Garcia Marquez: bây giờ thì nhà văn Colombia này gần với huyền ảo hơn rồi

kẻ thích pha trộn tài tình giữa biên giới thực và mộng

ông bay là ông bay theo đúng quy trình xuân hạ thu đông

mà rồi cũng chẳng phải vì ai nơi đó ngóng trông

 

nhắm mắt lại tôi thấy ông là hạt bụi vừa đứng sững lại

giữa hư không… hư không

mở mắt ra ông đã vần vũ bay rất hoang dại

liệu chừng ai biết ai hay đương sự đang bay đi đâu cùng chiếc bóng đổ dài

những hạt bụi cứ hoài thai

và hoài thai mãi: nơi đến sau cùng và điều vọng lại

một mình li ti bé nhỏ hay khổng lồ quẫy đạp mù mịt thì cũng là chơ vơ

tôi ngờ rằng với ông, chắc cũng chẳng có chi bất ngờ

biết đâu ông cố ý mời mọc chiếc áo choàng của thần chết phất phơ

quẹt tình tứ ngang người một cú đẹp như vầng sao đêm nay

dấu quệt của tháng tư ngày mười bảy

lại vừa xẹt qua vòm trời không một lẵng mây bay

 

nhìn chung chung

ai cũng trầm trồ ông là hạt bụi không nhỏ như… hạt bụi

tôi coi ông là hạt bụi khổng lồ

trong trò chơi hóa sinh không ngừng hiển lộ

 

ông chết để biết mình đã có mặt đã sống

đã viết đã kể xong

những câu chuyện nghe được, thấy được trong những hồi ức của từng cơn mộng

mỗi cơn mộng là mỗi ngăn kéo chứa đựng mớ ký ức như ngôi nhà huyền dị

kể cả có lần làm tiên tri… giả: “Ký Sự Về Cái Chết Không Được Báo Trước”

Ah, tôi cũng sẽ không mấy cả tin vào những cái chết báo trước

theo thói của những kẻ thích phét lác đoán già đoán non từng đường đi nước bước

rồi bất cử bất động và chỉ ồn ào đưa ra những nhận định khá sai lầm, hỗn xược

đầu óc của ông, của một người như ông lẽ nào lại chịu khó đánh cược

số phận của nhân dân Cuba trong bàn tay thủ lãnh độc tài Fidel Castro

là bạn thân và chủ nhân những cái bánh vẽ rành rành ra đó của chế độ

có thể ông chỉ tỏ ra khôn ngoa(n) hơn chúng ta ở những ngày cuối đời

là chỉ nhớ những điều muốn nhớ

và sẵn sàng quên đi những điều gì

không cần bắt bộ nhớ phải giữ lại chi li.

tôi chắc một người già mắc bệnh Alzheimer

thì lại càng hồn nhiên như một đứa trẻ vừa ghé qua địa cầu

lần đầu và chỉ là lần đầu

mới có thể hồn nhiên như thế, vào một khoảnh khắc chắc cũng không mấy lâu

mà đứa bé mới ra đời thì nên nhớ bà mụ không hề dạy chúng cười liền đâu

Gabriel Garcia Marquez sẽ cười thật tươi và thật sự nơi đó, sau những bể dâu

dù ông đâu biết sao bây giờ mình mới (ngậm) cười

và có thể cũng không hề biết những đường dây trí nhớ đã có lần rách bươi

mộng đi đường mộng và thực đi đường thực

ai lượm được điều gì ở ông thì lượm, kể cả những lần rót mộng uống ừng ực

bộ nhớ thiếu sắp xếp vốn như những ngổn ngang cuộc đời

bị lật tung thành những miếng “puzzle” chưa chịu ráp lại thành những tờ rơi

 

khúc tang ca cho ông vào những ngày tôi cũng đang muốn được tưởng niệm chung

tháng tư đen và đỏ (máu)

của dân tộc mình

và khi Colombia chắc đang cử hành 3 ngày quốc tang thật linh đình

liệu một nước đang thở phập phồng từng ngụm dưỡng khí

chạy vạy từ nước ngoài ban phát mà không chút tự ti

thì có gì “thần kỳ” (chữ người ta thường nói về tiểu thuyết của ông)

để “khóc” một lần với ông không

một người lại rất có cảm tình với loại “Xuống Hàng Chó Ngựa” này

ở Việt Nam, nhà cầm quyền chỉ treo cờ rủ quốc tang

vào những lúc họ cần vay mượn một thứ ánh sáng

đa phần là một khuôn mặt (chính trị, quân sự) khá hèn và chẳng có gì xứng đáng

nhưng tuyệt nhiên không phải là một người đã mang lại vinh quang

về chữ nghĩa văn chương rực rỡ huy hoàng,

những điều họ vốn tối kỵ

và như thế chắc cũng chẳng phải vì những nhỏ nhen cá nhân khinh bỉ

cái tát chân thành mà có lần ở Mexico City

một người bạn Peru là Nobel Văn Học 2010 Marco Varga Llosa đã dành tặng ông thật lâm ly

tôi ngờ rằng một tay cầm bút thứ thiệt như ông vẫn sẵn sàng có hề chi

lãnh nhận những cú đấm khác, ngoài văn chương

à, mà nếu ông nhận ra giùm ở đất nước Việt Nam của tôi, hay ở Cuba, và chỉ còn sót thêm 2 nước XHCN khác trên trái đất khô cằn đã lắm tang thương

chúng tôi có quá lắm những tù nhân chính trị, nhưng điều đáng nói là ai cũng có thể làm tù nhân lương tâm dự bị

đặc biệt những vị chỉ có cây bút bi và bàn phím để đùa dai

thật ra chính họ cũng đâu hiểu được tại sao mình không có quyền viết (mà không lách) và tha hồ vô tư xỏ xiên nghịch dại

thành tích “ân xá” của hôm nay rồi cũng chẳng có gì hứa hẹn với ngày mai

họ “ân xá” năm người nhưng không “ân xá” năm nỗi sợ hãi

nên người ta vẫn bị sợ hãi

và chúng tôi bại hoại thất bại vì chúng tôi chưa tự phóng thích được nỗi sợ hãi

nhà tù vẫn mọc lên và trường lớp vẫn đóng lại không tương lai

tôi đố ông biết cớ sự là vì ai?

“Bác” hù (tránh phạm húy) của chúng tôi luôn có mặt khắp nơi để rình bắt con nít như mẹ mìn hoặc bất cứ ai

 

khóc ông, tôi cũng muốn sẻ bớt một miếng cô đơn (kỳ thú) để nhâm nhi lai rai

“Trăm năm cô đơn” thì kể ra cũng hơi bị nhiều!

dù sao, với 30 triệu bản và 30 ngôn ngữ được dịch ra

chắc ông cảm thấy bớt cô đơn, vì Trăm Năm Cô Đơn ấy cũng đã chia cùng

và đi cùng thế giới bao la

nhất là với những người như chúng tôi thì xem ra cũng chẳng có gì lạ

nếu lúc nào cũng đành phải ru mình với huyền ảo diễm ảo

để có thể sống sót tồn tại lao đao

với một thứ hiện thực

luôn bội thực ê chề và dư thừa dồn nén

tức bực!

 

Nguyễn Thị Thanh Bình

(17/4/2014)

Tác giả gửi Văn Việt

 

Comments are closed.