Thơ Đào Tấn Phần

Cách nay ít lâu, hộp thư của Ban Thơ Văn Việt nhận được Thư của ông Đào Tấn Phần với hai bài thơ: Gửi những người là bạn của chị Phạm Đoan TrangTrở lại Xóm Cát.

Việc giới thiệu tương đối kỹ về bản thân cũng như việc trình bày Thơ như những tài liệu nghiên cứu của ông khiến chúng tôi có ít nhiều phân vân.

Dù vậy, trân trọng sự nhiệt thành và tình cảm của ông, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc toàn bộ văn bản này.

Văn Việt

GỞI NHỮNG NGƯỜI LÀ BẠN CỦA CHỊ PHẠM ĐOAN TRANG

1. Hình như đã lâu lắm rồi, dưới sự vây bủa của chủ nghĩa toàn trị, chúng ta đã bị buộc phải sống qua những năm, những tháng, những ngày… gần như chỉ toàn là những nỗi buồn và… vô vọng

Một trong những ngày rất buồn ấy, như các cơ quan truyền thông quan phương đã đưa tin, tại Thành phố Hồ Chí Minh – tức Sài Gòn tự do trước đây – vào đêm thứ ba, ngày 6 tháng 10 năm 2020, chị Phạm Thị Đoan Trang – tên thường gọi là Phạm Đoan Trang – một trong những người bạn chân thành và yêu quý nhất của chúng ta hiện nay ở Việt Nam đã bị chính quyền chuyên chính cách mạng, chuyên chính giai cấp, chuyên chính vô sản… dùng bạo lực cách mạng để trấn áp và bắt giam một cách tùy tiện, độc đoán, bạo ngược… mà “không bị một luật pháp nào hạn chế cả”(1)

Và, tin mới nhất, trong các ngày 14, 15, 16 tháng 12 năm 2021, “tòa án giai cấp”(2) của chính quyền chuyên chính giai cấp đã tuyên phạt những bản án rất giai cấp đối với những người đã đấu tranh cho những quyền con người: chị Phạm Đoan Trang 9 năm tù giam; chị Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù giam, 3 năm quản chế; anh Trịnh Bá Phương 10 năm tù giam, 5 năm quản chế; anh Đỗ Nam Trung 10 năm tù giam, 4 năm quản chế.

2. Chị Phạm Đoan Trang là ai?

2. 1. Là người mà trong hơn 10 năm qua đã kiên cường cất lên tiếng nói để tranh đấu cho tự do, dân chủ, cộng hòa, pháp quyền… theo đường lối mà Đức Phật Thích Ca, Đức Chúa Jesus, M. Gandhi, Phan Châu Trinh, M. Luther King, N. Mandela, G. Sharp… đã khởi xướng, phổ biến và theo đuổi: hợp pháp, ôn hòa, bất bạo động, phi bạo lực, chống lại bạo chính, lên án bạo tàn, phản đối bạo ngược, nói không với bạo quyền…

2. 2. Là người đã viết những cuốn sách, bài báo… có tên: “Báo cáo Đồng Tâm – Dong Tam report”, “Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Chính trị bình dân”, “Chúng ta làm báo”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Politics of a Police State”, “Và, quyền lực thứ tư”… và đã được các nhà xuất bản độc lập như Giấy Vụn, Tự Do… in và phát hành.

2. 3. Là một trong những người đã sáng lập và cũng là biên tập viên của Nhà xuất bản Tự Do, Tạp chí mạng luatkhoa.org… là những cơ quan xuất bản, truyền thông độc lập đề cao tri thức, pháp luật… và hướng tới sự thật, lẽ phải…

2. 4. Là người đã viết và gởi lại cho chúng ta một bức thư có tên: “Nếu tôi có đi tù…”

3. Là những người bạn của chị Phạm Đoan Trang và những ai đang tranh đấu cho các quyền con người, chúng ta sẽ phải làm gì trong những năm, những tháng, những ngày… họ thì đang phải ở tù; còn chúng ta thì vẫn tiếp tục bị buộc phải sống trong tình trạng gần như không còn nhân tính và lê lết, mỏi mòn… trong chuyên chính, nô lệ…?

3. 1. Với tiểu sử và các tác phẩm của K. Marx – F. Engels, G. V. Plekhanov, V. I. Lenin, F. Dzerzhinsky, J. Stalin, Mao Zedong, Hồ Chí Minh, N. Ceaucescu, Pol Pot, Kim Nhật Thành, F. Castro… và cả quyển “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay” do Tiến sĩ Trương Minh Tuấn chủ biên nữa, chúng ta – bằng mọi cách trong điều kiện có thể – phải tìm đọc và phổ biến thật rộng rãi tất cả những gì mà chúng ta đã hiểu về học thuyết cộng sản hiện đại, rằng học thuyết cộng sản hiện đại là một học thuyết chủ trương:

– đấu tranh giai cấp và khẳng định “Giai cấp vô sản không thể yêu cái mà họ không có. Giai cấp vô sản không có tổ quốc”(3),

– “xóa bỏ gia đình”(4) và điều này đã được K. Marx và F. Engels xem như là một trong “Những đề nghị tích cực”(5) của những người cộng sản trước Marx mà “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã ghi nhận và đồng tình,

– và, những người cộng sản sẽ “xóa bỏ tôn giáo một cách kiên quyết và tích cực”(6) bằng cách “chống lại mọi thứ tôn giáo”(7) vì, như Lenin đã từng kết tội Tolstoi rằng, Tolstoi đã “đem một trong những cái nhơ nhớp nhất trên đời ra thuyết giáo, tức là: tôn giáo”(8)…

Tóm lại, học thuyết cộng sản hiện đại là học thuyết của những người vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo… như Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm đã nói trong một bài diễn văn nổi tiếng có tên: “Diễn văn Đồng Cam” (Tuy Hòa (nay thuộc huyện Phú Hòa) – Phú Yên) vào ngày 17 tháng 9 năm 1955.

3. 2. Với những gì mà chị Phạm Đoan Trang đã viết và gởi lại cho chúng ta, chúng ta cũng cố gắng tìm đọc và phổ biến thật rộng rãi về tất cả những gì mà qua đó chúng ta đã hiểu rằng, các quyền tự do, dân chủ dựa trên cơ sở những nguyên tắc chung của luật pháp phổ quát: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do chính kiến, tự do lập hội, tự do biểu tình, tự do bãi công, tự do kết nối thành tập thể, hội đoàn… để kiến nghị, thương lượng, đàm phán trong ôn hòa, hợp pháp và trật tự… như là những quyền hiển nhiên, không biên giới, không thời gian và không ai bị đàn áp, bị tước đoạt… một cách tùy tiện, độc đoán, bạo ngược… theo kiểu “không bị một luật pháp nào hạn chế cả”(1)

3. 3. Và cuối cùng, “Nếu có yêu [mến chị Phạm Đoan] Trang, [chúng ta] hãy làm tiếp những việc [mà chị Phạm Đoan] Trang [đã và đang] làm”(9)

Phú Hòa – Phú Yên, 8/10/2020 – 27/12/2021

Nguồn dẫn:

(1) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 37, tr. 296, 297

(2) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 43, tr. 277

(3) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1981, t. 26, tr. 39

(4) Các Mác – Phri-đrích Ăng-ghen: Tuyển tập, Nxb. Dietz – Berlin và Sự thật – Hà Nội, 1980, t. I, tr. 582

(5) Các Mác – Phri-đrích Ăng-ghen: Tuyển tập, Nxb. Dietz – Berlin và Sự thật – Hà Nội, 1980, t. I, tr. 582

(6) Các Mác – Phri-đrích Ăng-ghen: Tuyển tập, Nxb. Dietz – Berlin và Sự thật – Hà Nội, 1980, t. I, tr. 25

(7) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 54, tr. 275

(8) V. I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1979, t. 17, tr. 253

(9) Trịnh Hữu Long: “Khi “tự do cho Đoan Trang” là không đủ”, tạp chí mạng luatkhoa.org, thứ bảy, ngày 10/10/2020

TRỞ LẠI XÓM CÁT

1. Nào có xa xôi gì đâu

Theo đường chim bay, từ Hòa Thắng đến Hòa Trị, đó là khoảng cách chưa tới một vòng chu vi Trái Đất

Vậy mà không hiểu vì sao mãi đến hơn 30 năm sau ta mới có lần trở lại xóm Cát.

2. 1. Xóm Cát, ngày ta trở lại

Cách đó không xa vẫn là núi Sầm và xa hơn chút nữa là Chóp Chài, Tháp Nhạn, Đá Bia… đã bao đời đứng đó lẻ loi, buồn bã…

Ở phía Đông vẫn là những đám mây trắng cô đơn mãi từ đâu đó ở ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định bay qua Cù Mông, Sông Cầu, Ô Loan, đèo Cả… đến tận Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Và, cả một dải châu thổ vùng hạ lưu các con sông Đà Rằng, Bàn Thạch… vẫn lồng lộng khắp trời những ngọn gió Tuy Hòa chuyên cần và phóng túng(1)

2. 2. Xóm Cát, ngày ta trở lại

Vẫn là những con đường ngày trước

Vẫn là những cánh đồng ngày ấy

Vẫn là những hàng tre ngày nào

Vẫn là những ngôi nhà ngày cũ…

2. 3. Xóm Cát, ngày ta trở lại

Bà ngoại của Nga, Tâm; ba của Khánh, Khanh và nhiều người lớn tuổi khác cũng đã lần lượt ra đi

Cây me già đứng một mình nơi góc vườn ngày xưa cũng không còn nữa…

2. 4. Xóm Cát, ngày ta trở lại

Những bầy sẻ một một thời – đã từng làm tổ và tụ họp nhau để ăn nhậu, ca hát, lý sự… nơi những ngọn dừa, phía những hàng tre, trong tán những cây xoài hay trên mái những ngôi nhà… – giờ sao không thấy chúng đâu cả?

Hình như, do lỡ sinh ra phải nơi và thời mà chủ nghĩa toàn trị đã lên ngôi và hoành hành, lại thêm bị giai cấp cầm quyền và các nhóm lợi ích thân hữu lớn tìm cách đàn áp, vây bắt… đem về giam cầm để lấy thành tích hay bắn hạ để đem về làm mồi nhậu, nên chúng đã phải tha hương, phiêu tán, lưu lạc, lao lung… nhiều chục năm rồi!

Trong những năm tháng phiêu tán, lưu lạc, lao lung… đó không biết những bầy sẻ tha hương, khốn khổ… ấy có lần nào được trở về thăm lại nơi quê nhà yêu dấu cũ có tên là xóm Cát thuộc thôn Quy Hậu, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên?

Và, cho đến tận bây giờ, người ta cũng vẫn cứ hỏi mà gần như không có ai trả lời, rằng tất cả những nỗi bất hạnh mà những bầy sẻ “đầu thai lầm thế kỷ”(2) đã và đang phải gánh chịu đó không biết là bởi “Số phận hay do chế độ này?”(3)

2. 5. Xóm Cát, ngày ta trở lại

Không biết Người Xóm Cát đi đâu mà không có ở nhà

Nhà của Người Xóm Cát bây giờ ngõ đóng, cửa khóa, trên sân đầy lá rụng, ngoài vườn đầy các loại hoa trồng chìm trong cỏ dại…

Chị Yến, chị Thủy, bạn Khánh, em Khanh và những người láng giềng bảo rằng, Người Xóm Cát đã đi Thành phố Hồ Chí Minh – tức Sài Gòn tự do trước đây – để giúp Nga giữ cháu và do Thành phố bị phong tỏa bởi dịch Covid-19 nên nẫu chưa zìa

Và, mọi người đều nói rằng, Người Xóm Cát bây giờ cũng vẫn cứ xinh đẹp như những ngày xưa ấy…

2. 6. Xóm Cát, ngày ta trở lại

Chỉ có một con ngõ đã lâu ít có người đi mà xóm Cát trở nên đìu hiu

Chỉ có một ngôi nhà khóa cửa mà xóm Cát trở nên quạnh quẽ

Chỉ có một người đi xa chưa về mà xóm Cát trở nên vắng vẻ

Vắng vẻ đến nao lòng.

3. Mới đó mà đã hơn 30 năm?

Thời gian như nước chảy qua cầu, bóng câu qua cửa…

Ai cà chớn, và kể cả những ai không cà chớn

Ai thấy đời mình sao chỉ toàn là những nỗi buồn, và kể cả những ai đã may mắn thấy rằng đời mình chẳng có gì để buồn

Ai cả đời gắn liền với ly, chai, lon, hũ, ché…, và kể cả những ai cả đời không biết đến ly, chai, lon, hũ, ché… là gì

Ai tin rằng chỉ cần dùng ly uống rượu thôi cộng thêm với một niềm tin duy ý chí, vẫn có thể tát cạn biển Đông và Thái Bình Dương, và kể cả những ai không tin rằng, cho dù có dùng gàu sòng hay gàu dai cộng với tuần nào cũng làm thêm Ngày thứ bảy cộng sản chủ nghĩa thì cũng vẫn không thể tát cạn biển Đông, chứ đừng nói chi đến Thái Bình Dương

Ai đã hứa rằng, sẽ có một xã hội mà ở đó người ta “làm tùy sức lực, hưởng tùy nhu cầu”(4), và kể cả những ai dám cho rằng đó là câu chuyện không tưởng và cũng là lời hứa hão… lớn nhất mọi thời đại…

Tất cả đều sẽ bị thời gian và cách mạng 9.0 (xin đọc là “chín chấm không”) đập chè bè, ghè nát bét… và bỏ rớt lại phía sau một cách không thương tiếc

Đã hơn 30 năm rồi còn gì!

MH, 06/6 – 27/12/2021

Nguồn dẫn:

(1) Thơ của Trần Mai Ninh

(2) Thơ của Vũ Hoàng Chương

(3) Thơ của Tố Hữu

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 10, tr. 424

Comments are closed.