Thời gian của Thơ

(trích trường ca)

Đỗ Quyên

DIỄN TỪ NHỜ ĐỌC TẠI LỄ TRAO GIẢI NOBEL THI CA 3015

Hay là

ĐỀ ÁN ỨNG CỬ GIẢI IG NOBEL VĂN CHƯƠNG 2015

Chào các thi hữu của năm 3015!

Sự chờ đợi dài lâu và đón nhận vắng mặt vinh dự có giải thưởng này

mà các bạn dành cho

không đồng nghĩa với việc tại đây

tôi phản đối sự đạo mạo hóa thơ ca và

tập đoàn hóa thơ ca

như hai đứa con hoang của tính vật chất và thói kinh viện,

mà diễn đàn Nobel thời này

vẫn khiển dương suốt già 100 năm qua.

Càng không liên quan đến dư luận về tính phe nhóm văn nghệ cũng như chính kiến

và sự phân biệt xuất xứ ngôn ngữ mà có thể gọi chung là sự phi lý – nếu có –

của diễn đàn lúc này.

Nó chỉ chứng tỏ việc tôi tận dụng khả năng tiên đoán lớn lao người thơ có được từ trời đất

trong đó một phần nhỏ bé, thưa vâng rất bé nhỏ, không hiểu sao rớt xuống đậu lại tôi.

 

Số phận của nhà thơ khác thơ rất nhiều.

Ở chỗ chúng ta không bao giờ được song hành cùng tác phẩm.

Dù chỉ là nửa câu thơ lấp lửng kẽ ngón tay.

Sự vắng mặt vì cái chết thường không thể xem là lỗi.

Đó là luật đời và luật thơ ở thời tôi đang sống

và tôi mong khi diễn từ này được phát ra chúng vẫn còn nghiệm đúng.

Một câu thơ, thậm chí một bài thơ, của một người cũng như một nhánh thơ của một dòng thơ, một khuynh hướng của một nền thi ca nếu vì lý do sinh tử không có trong bộ tuyển tập hay in trong tâm trí bạn đọc đương thời thì thực ra đó chỉ là hình thức.

Đó cũng là lời tạ lỗi của tôi cho việc vắng mặt trên diễn đàn này,

nơi mà tôi và một phần nhân loại thời tôi luôn tin tưởng trong nó có sự coi thường cái sinh tử.

Đây là một điểm khác biệt chính thức với diễn đàn thời tôi lấy sự sống của nhà thơ và sự góp mặt của thơ ca làm tiêu chí vinh danh.

Triết học của thi ca lúc này là sự hiện diện.

Mỹ cảm thi ca lúc này lấy thời gian làm khởi hứng sáng tạo trong thơ

cũng như trong việc trao giải thưởng cho thơ.

Không!

Một ngàn lần không!

 

Cả đến 1000 năm nữa,

Tôi tin,

cũng không!

Tôi vô cùng thoải mái khi văn chương của mình không phải kính thưa

bằng cả ngôn ngữ nói lẫn động tác trước các vị hàn lâm của một quốc gia quân chủ,

dù chỉ là hình thức,

hay chỉ là đạo đức xã hội có tính lịch sử.

Vì tôi tin hình thức, đạo đức ấy không chỉ là kho chứa rất chặt các nội dung

mà còn mở ra các cửa chính cửa phụ cho nội dung lan tỏa về các kho chứa khác.

Tôi và thơ tôi xin phép không chia sẻ

khi một kẻ dẫn dắt thơ của mình đến cúi chào rồi mang về một khối danh dự

cùng một lượng tiền

mà cả hai sẽ là mầm ung thư ngày một ngày lớn chèn ép mạch thơ.

Nếu được dẫn tiến vợ con, cha mẹ hay thày giáo, bạn thân, người tình lý tưởng hay ân nhân, hoặc được trình diện nghề nghiệp kiếm sống, sở trường, thú vui hay mang cả dân tộc, một góc phố tuổi thơ, một món nhậu, v.v…

thì tôi vô cùng sẵn lòng tận hưởng.

Thơ không xa lạ với những người và vật nêu trên

Giản đơn là

thơ không thao tác như vậy.

 

Sự thể hiện theo cách vắng mặt của tôi hôm nay cho thấy diễn đàn Nobel 3015 đã có những ý niệm khác so với tổ tiên mình và quay về với tâm niệm của vị tổ sư Alfred Nobel.

Trong đó có việc thôi dùng tiền bạc nhân đạo và danh dự nhân loại, ngừng phân biệt chính kiến và ngôn ngữ tạo quyền uy thơ ca.

Tức là tẩy đi cái lớp sơn uy quyền giả tạo và nhân tạo mà thi ca phải có trong cả 4000-5000 năm.

Tôi cám ơn các bạn ở sự thu nhận các sáng tác của tôi và quan niệm thi ca của tôi.

Một chữ thơ khác thi pháp có lời cám ơn toàn bài thơ chấp nhận nó

chắc cũng có lòng thành như thế!

 

Hôm nay,

trong ngày vui chậm,

không gì khác,

chủ điểm tôi phải cậy nhờ một khoảng cách thời gian bao la trao gửi tới các bạn

‘Thi ca và Thời gian – Nói với 1000 năm sau’.

*

Thưa các bạn,

Ở thời tôi đang sống,

và hơn cả,

2000 năm trước đây,

Bà mụ Thời gian đã đỡ trên bàn tay

trái phàm tục của mình

những đứa trẻ quái chiêu thoát khỏi cửa mình của người mẹ Văn minh.

Với từng người cha Không gian – mỗi dân tộc chủng tộc cộng đồng – người mẹ Văn minh đã cho những quái con luôn gây hấn, phá phách khuôn viên Tự do trong đó Tự do thi ca là điều tôi muốn đề cập đến cùng các bạn.

Ở nền Văn minh này quái con của bà là Bạo lực.

Trong nền Văn minh khác, đó là Chuyên chế.

Có rất nhiều nơi bà sinh đẻ hơn một đứa con quái chiêu như thế.

Các bậc tiền bối của chúng tôi và chúng tôi

– người là dân định cư, kẻ là du cư của khuôn viên Tự do –

phải đương đầu đọ bút với đám con bầy nhầy cùng mẹ khác cha.

Tôi xin kể tên những anh chị đầu đàn hư hỏng trong nhà chúng nó:

Bạo lực, Chuyên chế, Bất công, Dốt nát, Đói nghèo, Bệnh hoạn, Vô đạo…

Những kẻ trông coi khuôn viên là Văn hóa, Chính trị, Xã hội, Khoa học, Quân sự…

được hưởng lộc trời phước đất nhưng dường như thủ thân sẵn lòng quay mặt làm ngơ

thậm chí a tòng cùng kẻ thù

của Tự do.

 

Bà mẹ Văn minh và bà đỡ Thời gian ở bàn tay phải hiền dịu đã cho chúng tôi biết bao người con khác, ưu tú làm đẹp khuôn viên Tự do; như những người anh hai chị cả Chân, Thiện, Mỹ, như các người em kế tiếp là Dân chủ, Độc lập, Bình đẳng, Bác Ái, Danh dự, Hạnh phúc, rồi Tình ái, Tình bằng hữu, Tình mẫu tử, Lòng ái quốc… mà mấy ngàn năm chúng tôi không ngớt hát ca.

Không gian này may mắn có hai, ba, thậm chí nhiều hơn nữa, những người con ngoan giỏi.

Có nơi không may, thậm chí hoàn toàn không may, chẳng có lấy một người con như vậy.

Do tâm lý và mỹ quan của mình và của các thế hệ đi trước, chúng tôi – bằng thơ ca – khi ca tụng cũng như phê phán chỉ nói đến ảnh hưởng của cha mẹ, của Văn minh của Dân tộc, sản sinh những đứa con ngoan-hư đó

mà ít nói một cách trực diện và hệ thống về tác động của bà đỡ Thời gian.

Tôi trộm nghĩ phải chăng đó là điểm son duy nhất thơ tôi

hôm nay

được các bạn vinh danh?

 

Bởi tôi vững tin, sẽ có cặp mắt xanh dù 1000 năm sau nhìn nhận công khai vai trò – chưa tìm được chữ nào chính xác tạm gọi là – trung gian

khi có tính thuần túy kỹ thuật, lúc mang chất linh hồn của Thời gian

đã gây ảnh hưởng vô lường ra sao

và chỉ có Thi ca là phương tiện duy nhất nhìn ra sự vô lường đó.

 

Bởi hơn bất kỳ phương cách khác, Thi ca cần đến Tự do hơn cả. Những đứa trẻ nói trên như Chân, Thiện, Mỹ hay Bạo lực, Chuyên chế ra khỏi bàn tay Thời gian cư xử ra sao với Tự do

sẽ tác động đến Thi ca hơn cả,

thưa các bạn!

 

Thơ ca, bằng sự chân thực và sự tưởng tượng của riêng nó, đã nhìn ra độ tàn khốc và tính thực tiễn, sự lạnh lùng và niềm vô tư, mặt sát hại và hướng tái sinh, tính bất định và độ chính xác

cùng nhiều cặp đối lập khác của Thời gian.

Các nhà khoa học và các chính trị gia, những người làm ruộng và những kẻ ở không

thường chỉ nhìn ra một ít cạnh khía của Thời gian. Họ chăm chăm với cái đích riêng.

Những người anh chị em sinh ba nở bảy cùng Thi ca trong các bọc trứng Nghệ thuật cũng thường bỏ lỡ thiên chức với Thời gian.

Không ít các nhà thơ cũng bỏ lỡ cơ hội khi làm thơ với Thời gian.

Tôi – người nhiều may mắn trong quan hệ tay đôi với Thời gian

trong thơ.

 

Thơ chơi được với Thời gian vì tính vô đích của mình. Nếu thơ ca có mục đích, bất kỳ ở hình thức và nội dung nào, nó sẽ bị phá hủy bởi những đứa con hư của nền Văn minh mà Thời gian từng làm bà đỡ.

 

Thơ chơi được với Thời gian vì tính vô định của mình. Khi thơ ca xác định, câu chữ bo bo câu chữ, ngữ nghĩa không quá tầm ngọn cỏ, sẽ bị Thời gian vượt mặt, làm cho ngập lụt.

 

Thơ chơi được với Thời gian vì tính vô địch của mình. Thơ không có địch thủ. Kể cả với chính nó. Trước là vì thi đàn, tự bản chất, không như một trường đấu. Không câu thơ nào được viết ra để hóa thành võ sĩ. Thơ không biết đầu hàng cũng không biết chiến thắng. Nếu như bị người đời, ở một nơi một lúc nào đó, tranh đấu hóa thì thi ca cũng không có địch thủ. Sự hiện diện của thi ca trên các chiến trường bất khả kháng là một bi kịch tương đối lớn trong thời đại lớn của chúng tôi.

 

Thơ chơi được với Thời gian vì tính bảo toàn của mình. Thi ca không tự sinh ra không tự mất đi, mà chuyển hóa từ dạng này sang thể khác, trong thiên nhiên của Tạo hóa cũng như trong cuộc sống của Con người.

 

Thơ chơi được với Thời gian vì tính quyết định của mình. Thơ rất quyết đoán, hơn cả kinh thánh, hơn cả lời lãnh tụ ý vua chúa. Đời chúng tôi, nhiều khi, các bạn ơi, chỉ cần dẫn dụ một câu thơ thôi là mọi bề ổn thỏa. Khác lời của quyền lực, câu thơ không cưỡng bức chúng tôi cúi đầu, khác lời kinh thánh câu thơ được dẫn ra không để mê hoặc. Mỗi câu thơ làm một cánh cửa mở một thời khắc mới trong tâm tư người đọc lúc đó. Độc giả của chúng tôi có thể không cảm, không thấu câu thơ đó ngay lập tức, vấn đề chưa giải quyết xong nhưng nỗi ám ảnh thì kéo dài, day dứt. Vâng, suốt đời nghĩ đến và theo một câu thơ. Có một nhà thơ trưởng thượng thời chúng tôi nằm trong quan tài với câu thơ treo trên vách con cái đội khăn tang quỳ dưới câu thơ lạy chào khách văn tới viếng.

‘Bản chất của Thời gian là trung tính. Hành trình của loài người (và ngôn ngữ loài người) không bao giờ lăn trên những bánh xe định mệnh. Nó chỉ tiến lên khi con người có những nỗ lực sẵn sàng hợp tác với Chúa: Nếu không có những nỗ lực này, Thời gian, bản thân nó, chỉ là đồng minh cho sự đình trệ của xã hội (chữ nghĩa). Chúa của chúng ta là Nàng Thơ.’

*

Tôi quên nói trước một sự phân biệt sơ khai nhưng kỷ nguyên chúng tôi rất lơ là lầm lẫn: Thơ, Bài thơ và Nhà thơ. Bản thân tôi cũng thường xao lãng sự khác biệt không khó nhận ra này về lý luận, về ngữ nghĩa mà sự trơn bóng của tư duy cùng tính lười nhác của mục đích nhiều lúc đẩy chúng tôi vào trọng tội. Để tránh, và tránh được, tôi đã dùng cái gậy Thời gian dò gõ lại ba khái niệm đó.

Xin được chứng minh bằng ví dụ tôi vừa bắt gặp tuần trước… Có một bài thơ chỉ gồm một câu thơ (phải công nhận là hay) – ‘Tôi đứng về phe nước mắt’ – được nhiều người thời này nhắc đến. Chắc tới thời các bạn nó vẫn còn hay và được nhiều người nhắc lại, nếu như nước mắt trắng vẫn còn rơi từ mặt người xuống đất đen. Ấy thế mà, tác giả trong một lần trả lời phỏng vấn đã bị một nhà báo xập xí xập ngầu khi thay ý, thành ‘Nhà thơ đứng về phe nước mắt’; rồi lại ‘Thơ đứng về phe nước mắt’, khi đánh đồng câu thơ để đời đó với một câu nói của một nhà văn khác ‘Văn học không đứng về phía kẻ mạnh’, và với việc một nhà văn khác nữa hay viết về những kẻ bị ruồng bỏ. Có cảm tưởng như nhà thơ – tác giả – vô tình rê qua sự nhầm lẫn ấy với lời đáp cuối cùng nghe qua tưởng như còn chung thủy với câu thơ của mình (‘Họ cũng là những người đứng về phe nước mắt!’). Tôi thì nghĩ, bài thơ một câu đó định vị ở chữ ‘Tôi’ và giá trị thơ của câu thơ nằm ở hai điều: Một, tuyên cáo văn nghệ của nhà thơ (như nhà báo ấy nhìn nhận); Hai, và quyết định, nhờ câu chua bên trên rằng ‘Để ghi trên mộ chí sau này’. Xin đừng! Chữ ‘Tôi’ ở câu thơ đừng nên hiểu là nhà thơ, dù là viết hoa hay viết thường chữ nhà thơ. ‘Tôi’, giản đơn, chính là người-nằm-dưới-mộ-chí, trong lòng đất và dưới câu thơ. Nói rõ hơn: Nằm dưới các giọt nước mắt của những người khóc vật vã trong nghĩa-trang-cuộc-đời. Câu thơ này thực chất nói về tâm linh, quả như lời tác giả nói với nhà báo. ‘Tôi’ mà bị hiểu là nhà thơ ấy – tác giả của câu thơ – thì hỏng: câu thơ bị chột ý và chết thi tính! ‘Tôi’ mà hiểu là Nhà thơ – nhà thơ nói chung – thì tệ: lòa ý và thi tính chết thêm lần nữa. Hai trường hợp này khiến câu thơ nói về tư cách nghệ thuật, về vị thế nhà thơ. Song, đó chỉ là lỗi và lầm khi hiểu khác ý. Cuối cùng – đây mới là tội – ‘Tôi’ được hiểu là Thơ: ‘Thơ đứng về phe nước mắt!’ Lạy Chúa và Mô Phật! Các bạn thơ của 1000 năm sau ơi, các bạn chắc đang cười ồ lên? Vâng, lúc này chúng tôi vẫn lắm kẻ nhởn nhơ trước những câu lòa quáng về thơ như vậy đấy. Cho tôi dông dài bình tiếp bài-thơ-một-câu nổi tiếng, âu cũng làm gọn ghẽ một việc trong bài diễn từ lớn nhất đời tôi… Cách hiểu sau cùng đã xoay câu thơ về ý thức thời thế, về tính chính trị, sự phe phái của thơ ca, của nhà thơ và… của bài thơ! Câu thơ dấn thân hơn, và tưởng chừng nhân tính hơn. Cái tội ở đây là câu thơ sau cùng đã nhầm to về quan niệm thơ ca. (Dưới đây tôi sẽ nói thêm, huỵch toẹt luôn thì rằng, thi ca chẳng đứng chẳng nằm với phe nào cả, dù là phe nước mắt hay phe nước mũi!) Ta chỉ cần dùng chính văn bản, chưa cần lấy cuộc đời tác giả ra để phân tích. Trong câu thơ nguyên thủy – mà cha đẻ của nó nâng niu và chậm rãi gọi là 6 giọt chữ – ‘Tôi đứng về phe nước mắt’, các chữ ‘đứng’, ‘phe’, ‘nước mắt’ chỉ có giá trị từ vựng, chúng dồn thi tính vào chữ ‘Tôi’. Các chữ đó chết cho câu thơ sống. Khi bị chuyển sang hai cách hiểu lầm lỗi, các chữ này sống lại. Tranh giành ngữ nghĩa tu từ với chữ ‘Tôi’. ‘Tôi’ trở nên bình đẳng với tất cả các con chữ khác ở nghĩa tiêu dùng, nghĩa tự vị, kể cả với cái chữ mang phận tốt đen là giới từ ‘về’. Bài thơ còn tồn tại ngắc ngoải nhờ các chữ muôn đời sên sến là ‘nước mắt’. Chữ ‘đứng’ nghênh ngang đứng dậy, làm bài thơ thêm cồng kềnh. Tôi – người đang thưa với các bạn – xin lỗi, phải rủa thầm một lần vì chữ ‘phe’ lúc này trở nên đáng ghét. Nhất là ở ca cuối: ‘Tôi’ bị hiểu thành Thơ, ‘phe’ đã lộ hình chính trị và tranh giành, đảng phái và ăn thua. Thoạt đầu, chữ ‘phe’ làm bài thơ có phần ý nhị và hơi tinh trẻ. Nó làm ‘nước mắt’ trở nên cứng cỏi, linh thiêng hơn. Đi đôi với nhau ở đây, cụm ‘phe nước mắt’ sao mà hồn nhiên, cái hồn nhiên muôn thuở của con chữ thằng nghĩa. Như đám trẻ nhỏ chia quân chơi trò mày là ‘phe tóc bím’, tao ‘phe cởi trần’. Tôi xin nhắc các bạn đừng quên Thời gian ẩn hiện trong các phân tích trên như thế nào.

*

Chỉ có một nhà thơ trong chúng tôi chọn tư thế duy nhất suốt đời thơ thẳng đứng của ổng: thời gian của thơ là một thời gian thẳng đứng.

Nhà thơ chúng tôi sinh chuyện với vấn đề thế hệ trước sau cũ mới trẻ già, về chuyện lót đường đổi gác, tiền vệ hậu môn, đổi mới đổi méo, v.v… Tất cả chỉ là vì chúng tôi đặt để Thi ca thấp hơn Thứ tự và Trật tự. Thơ bị tham số Thời gian làm mất giá trị mà đúng ra cần được bảo toàn trong tất cả các biến đổi của phương trình cân bằng giữa Cuộc đời và Nghệ thuật. Cái mặc cảm thế hệ này đeo ơn thế hệ trước thế hệ sau vác phước thế hệ này sinh ra từ Đạo đức trưởng thành trong Xã hội nhưng để lại tử thi nơi Thi ca. Là công dân, chúng tôi thương phục cha chú, lo chăm cháu con, dằn vặt bản thân. Là thi sĩ, chúng tôi cũng không hơn không kém. Mỗi con chữ cái nghĩa của thời chúng tôi bảo nhau hãy cùng là hàm số rắm rối của Thời đại cướp danh Thời gian.

Chúng tôi gây chuyện với các điều quanh quẩn quan niệm Cái đẹp. Chúng tôi rành mạch lắm cơ, khi phân biệt vẻ đẹp lớn – đại mỹ – với vẻ đẹp be bé, cái đẹp với cái đèm đẹp. Chúng tôi lo cái này sẽ giết cái kia, mà quên béng rằng bằng đủ cách chúng tôi giết thơ của nhau; đôi khi còn nại cớ thơ mà các nhà thơ giết lẫn nhau. Nói chung phần đông chúng tôi thọ hơn các mỹ học của mình.

Thi sĩ lúc này đang còn sinh sự với đủ các lối viết và cách nhìn. Lên voi xuống chó kiểu viết sử thi, tráng ca, viết bằng con tim. Cách viết thị trường, viết bằng thân thể lên bờ xuống ruộng. Lại có khoảng thời gian dài máu nhà thơ được phân ra thành hai: nhóm máu nhìn thế giới mang tính chỉnh thể và nhóm máu có thế giới quan phân mảnh.

Thi nhân thiên niên kỷ chúng tôi tranh đấu cho thơ sạch rất mạnh mẽ mà cũng máu mê chiến đấu vì thơ tục. Thi đàn, từng thời kỳ, hoạt động như Công ty Vệ sinh.

Hơn ba lần thi sĩ chúng tôi nhiễu sự với hai chữ Trách nhiệm và Tải đạo. Chúng tôi ưa tuyên chiến với cụm từ Tương-xứng-tầm-thời-đại. Cá nhân tôi gần đây mới hiểu được rằng trách nhiệm của nhà thơ, sứ mạng của thơ y chang bầu trời trên một con người: nặng về tâm lý, nhẹ về vật lý; nói nôm: là tất cả và không là gì cả – đó là vai trò thi ca.

Nhà thơ đời này chỉ mới được cấp bằng danh dự Kỹ sư Tâm hồn. Chắc ít trăm năm nữa, đó là sẽ các danh hiệu thực thụ, nhà nghề? Đồ rằng tới thế hệ các bạn có các Bác sĩ chuyên khoa Văn chương, hoặc Cử nhân Văn chương chuyên ngành Y Dược – những người sẽ trị liệu các chứng bức bối nội tâm khi sáng tác, cái ngứa nỗi đau lúc xuống bút, rút ruột nhả tơ thơ, cùng các thi bệnh như nòi tình, ăn nằm với chữ nghĩa, cưỡng hiếp một nền văn học, viết hay là chết, v.v… và v.v…

Chúng tôi và tiền bối khóc trong thơ bằng chất lỏng của cơ thể: nước mắt (đại đa số), máu (thời chiến; thời bình ở kẻ độc tài), mồ hôi (quần chúng lao động), nước miếng (phê bình gia), tinh trùng và dâm thủy (trào lưu hậu hiện đại). Tới 1000 năm sau, phiên các bạn, vật lý học chắc sẽ kéo rất dài danh sách các dạng vật chất, ngoài chất rắn, lỏng, khí, plasma… Nhưng cho tôi được vững tin: chừng nào còn Thi ca, cái Thi ca mà chúng ta cùng chia sẻ dù ít dù nhiều, chừng đó chất lỏng vẫn là phương tiện khóc trong thơ.

Khi tôi đang viết bài này, ở không ít nơi, thơ chúng tôi vẫn còn làm bồi bàn cho yến tiệc của các đại gia văn chương. Các nhà thơ khi chưa thành danh họ hay tốt, cách tân bao nhiêu trên bàn văn thì chính họ chứ không ai khác lại trở nên xấu dở, phản thơ bấy nhiêu ở các quán cà phê tuyên ngôn. Các tác phẩm sau nơi họ thật tội nghiệp: chúng chạy tít mù theo các con ngựa tuyên cáo rũ cát bụi đời lên bầu trời văn chương của họ và của thiên hạ.

*

Bây giờ là lúc tôi tiếp lời dang dở ở trên: thực ra thơ không hề thuộc về đâu cả. Thơ nào phải là thằng rơm suốt ngày đêm giơ chữ nghĩa ra đuổi gà chặn quạ cho cánh đồng văn học. Đó là việc của phê bình lý luận! Thơ cũng không là những cánh tay vung lên trên sa trường. Đã có bao chiến sĩ anh hùng! Những người bị bỏ rơi ngoài lề xã hội: các tổ chức nhân đạo luôn cứu giúp họ! Bọn độc tài và lũ sát nhân: sự Tự do và lòng Hòa bình phải hỏi tội chúng! À vâng… Nhà thơ, nói chung, thì có thể; có thể đứng về một phe nào đó. Ví dụ, phe nước mắt, như nhà thơ ở bài thơ đẫm lệ một câu nói trên. Thi gia là kẻ song tịch của hai quốc gia: quốc gia Thi ca và quốc gia Công dân. Trong tư cách thứ hai, người làm thơ – dù muốn dù không – có một chỗ đứng. Nhưng Thơ không như thế được. Một nền thi ca không được phép như vậy! Nếu vì các lý do bất khả kháng, bị Thời đại, Thời điểm, Thời cơ ràng buộc, Thơ phải chịu ngày ra tòa án thi ca mà minh bạch công tội. Một dòng thi ca, thậm chí một bài thơ, một câu thơ, một chữ thơ, cũng không thuộc về phe bè băng phái nào. Phe rỏ nước mắt hay phe uống máu. Kẻ mạnh hay kẻ yếu. Giới chính thống hay đám ngoài lề. Thơ không phân biệt. Nhân tính của thi ca không phải là chạy đến chùi nước mắt cho kẻ đau, hay đi tìm cảnh sát tường trình sự kiện oan trái. Nhân tính Thi ca, đó là theo Thời gian cho tất cả thấy được tất cả, cảm được tất cả. Thấy và cảm tất cả, cái gì? Cái hiện thực hư ảo, qua ngôn ngữ. Cái hư ảo hiện thực, qua chữ nghĩa. Hiện thực đó đến từ cuộc đời hay từ đâu đó; hư ảo đó ra từ đâu đó hay từ cuộc đời.

Tranh giành thơ về phần mình, từ kẻ bạo hành tới người lương thiện, từ bầu trời cao xanh ngời ngợi tới cục phân khô nơi ngục tù, từ nỗi trăm năm cô đơn đeo đẳng một chủng tộc đến sự hào hùng khi giới cần lao phá cung điện vua chúa: Tất cả đều gây nên thảm họa. Nhận vơ thơ về mình – Hãy coi đó là nét vô ý thức thậm tệ nhất của nền văn minh này. Tính bất sở hữu của thi ca phải như vậy. Và sự tự do, gọi bằng nghĩa dở là đàng điếm, ở thơ cũng là thế. Đang phong thánh cho thơ trong lâu đài, quay ra thấy thơ bành háng vỉa hè húp bún riêu chúng tôi quay vào trách móc nhau. Ở chúng tôi, một thời hễ nằm với bần nông thì Nàng Thơ có số đo ba vòng thế vầy, lúc ngồi với địa chủ Nàng mông eo khác. Thưa các bạn 3015, thiệt là một ảo tưởng hết thuốc trị của thơ ca thời cha chú chúng tôi và của cả thơ ca thời chúng tôi ở đoạn đầu và đoạn giữa!

Về tính huyền thoại và chất thực dụng của thơ… Báo cáo với các bạn, chúng tôi có thể ứng dụng ngay đôi ba câu thơ vào việc xẻ dọc sơn hà vì đại sự hoặc mua một món hàng quốc cấm lãng xẹt. Thời chiến đã đưa thép vào thơ rất ngoạn mục, qua thời bình chúng tôi thấy ngay nay ở trong thơ nên có cám nhà thơ cũng phải biết nuôi heo.

Trong ứng xử thơ của chúng tôi, truyền thống và hiện đại là bà già và đứa trẻ mà thơ đang còn phải chầm bập quá đáng. Hai thành viên quan trọng và cần thiết có mặt trong gia đình nghệ thuật trữ tình, nhưng chỉ nên hiện diện tự nhiên và hiển nhiên. Thiếu hai tính từ này, tính truyền thống và chất hiện đại nếu không tàn sát tập thể thi pháp của cả một phong trào thi ca thì cũng xử tử riêng lẻ bút pháp ở từng thi sĩ. Dở tệ ở vụ này khởi từ việc Thời gian vốn là bà đỡ, thế mà chúng tôi cứ tưởng là cha là mẹ của Truyền thống và Hiện đại. Tôi mong được sống lại ở thời các bạn, để làm một bản trường ca đọc lên chỉ thấy hay thấy tốt, không truyền thống chẳng hiện đại, rồi tôi lại chết tiếp.

Bài thơ không bao giờ lầm lỗi. Câu thơ chẳng khi nào phạm tội. Đúng, thảng hoặc, có những nhà thơ của chúng tôi từng là kẻ có lỗi, là tội phạm khi thực hành thơ. Càng đúng hơn, thời chúng tôi và trước chúng tôi 50 năm, 100 năm, và cả 1000 năm, có những lời thơ cùng các ý thơ, có biết bao trang thơ cùng nhiều pho trường ca đã bị tái thiết kế thành đoạn đầu đài hành xử nhà thơ, bị đem đi rèn nấu thành súng gươm bắn chém những người thơ, những con tim thơ. Đó là lỗi tội của những gì ngoài thơ khi sử dụng thơ, hoặc cố tình với ý đồ riêng hoặc vô tình không hiểu thơ.

Tôi kéo dài một tứ thơ ở một bậc đại ca dễ thương trong làng thơ chúng tôi, từ nhà thơ và tướng cướp thành bài thơ và sự cướp bóc. Trong hai cặp này, có cái gì đấy đồng dạng ở thao tác cô đơn, không chia sẻ. Cảm hứng động bút và linh tính phóng dao lao súng, như hai anh em. Nguyên tắc độc lập, luật tự do, nhu cầu cá nhân: tối thượng. Quên tất cả, bất tuân bất phục: cả hai đều coi là đạo lý.

Tôi vẫn tiếc rằng ngay ý niệm tiên khởi của thơ ở hai quan hệ thi ca và tính nhạc, thi ca và tính đạo (nhấn mạnh: tính đạo chứ không phải tôn giáo; cái sau tôi sẽ bàn ở một bài khác) tới thời chúng tôi vẫn chưa được hiểu thấu đáo, dù người ta lưu tâm. Tại sao trên đôi cánh – một thuộc về thi pháp, một thuộc về thi tâm – chưa vững vàng thơ vẫn cứ bay được? Bay suốt ngàn năm. Lớn chuyện đó, các bạn ạ!

Thơ – không điểm tựa, không trọng lượng, không quán tính, không kháng cự. Càng không có tính mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn nội tại. Khi đã dính duyên đụng phận đứng cùng nhau – các chữ trong một câu thơ, các câu thơ trong một bài thơ, các bài thơ trong một dòng thơ, các dòng thơ trong một nền thi ca – từng thành phần thơ có tâm hồn và thể chất riêng. Khái niệm phản-thơ-ca, xét về cả mặt vật lý học (theo kiểu phản-động-lực) cũng như về mặt thi ca học đều không thể tồn tại. Tuy nhiên, đó đây, chúng tôi vẫn từng thích xài chữ này. Các bạn, hãy coi đó như một cách dùng ẩu chấp nhận được trong việc phát triển ngôn ngữ nói chung (mà thời nào cũng phạm, có phải vậy không?)

Dưới thời chúng tôi, các trường phái thơ hào hứng không kém cạnh trong hai việc đẻ thơ (của mình) và chôn thơ (kẻ khác). Những trường phái gia đó – trong khi quá yêu thơ, quá yêu thơ mình, thậm chí quá yêu mình – quên xừ nó mất hoặc chửa thủng được rằng: Thi ca không chấp nhận bất kỳ sự hủy diệt nào, dưới mọi hình thức mọi nội dung. Các khuynh hướng sáng tạo thơ chỉ có một sứ mạng – một và chỉ một! – là làm thơ theo lối cách riêng. Tự thân, trong thơ, cách riêng đó không hề và không thể cản trở hay hủy hoại các cách riêng khác. Tôi nhìn ra… Thời thế nào cũng vậy, các khuynh hướng thơ không thể mang tính cạnh tranh, tỉ dụ như bên các đảng phái chính trị. Mà ngay ở lãnh vực chính trị, không thể có một đảng nào được coi là đúng đắn, về cả đạo lý và pháp lý, nếu như ngay trong tôn chỉ – mục đích đã thòi lộ tham muốn tiêu diệt một đảng khác. Hỡi các nhà thơ của muôn đời, vị nào mong hướng thơ mình đi theo xu thế, trường phái, trào lưu riêng thì hãy làm cho hai việc, mà việc đầu khó hơn việc sau: Quên đi những gì các vị cho là cần thay đổi; Viết ra những gì các vị cho là sáng tạo. Không thể thực hiện nổi đâu cái toan tính viết ra thứ này hòng xóa bỏ đồ kia, trong thi ca! Cả cái gióp Phu mộ thơ đó – cũng như vài gióp khác mà các chính nhà cách tân thơ thường phản đối, như Cai ngục thơ, Canh cổng thơ, Hướng dẫn bảo tàng thơ, Vận động viên chạy tiếp sức thơ, Thợ thơ… – không thể được áp-lai trong thi ca. Nói cho hết nhẽ: Đâu phải chị cứ nhăm nhe đi chôn thơ kẻ khác là thơ chị khôn nhớn? Anh mà chôn nhầm chôn ẩu, chôn cái đang sống, chôn cái cần sống, tệ nhất là chôn cái bất tử, thì anh chết trước là cái chắc; thơ người bị chôn kiểu như thế vẫn có thể trường sinh dưới lòng đất, thơ anh tắc tử ngay trên mặt đất. Cuối cùng, vô duyên hơn cả trong các hành vi thơ là đợi người đời đến chôn thơ mình; làm dáng thơ như vậy thì còn tạm được, chớ có làm thơ như vậy. Cố gắng và cố tình cố ý tạo ra các xác chết thơ – đó là tội, là lỗi mà mấy đời thơ cũng không chuộc nổi!

Chất thơ là một yếu phần duy nhất có thể tham gia cấu thành tất cả, từ vật chất đến phi vật chất. Ở thời điểm 2015 có 9 hay 10 gì đó bộ môn nghệ thuật – từ thơ, hội họa tới nghệ thuật trình diễn, sắp đặt – mà ở cái nào thi tính cũng có mặt. Thiên nhiên tràn ngập thi vị đã đành. Mặt trăng có lẽ là bài thơ dài nhất. Trong sắt thép tìm thi độ không khó lắm, nếu là cặp mắt độc đoán. Cho đến con ruồi bay khỏi cầu tiêu mà người yêu đang yên vị cũng ve ve một nhịp thơ và để nghe ra cần một thi thính sắc lẻm nhất định. Tôi tin, trong bất kỳ điều gì có và không có ở đời này, thơ hiện diện mọi nơi mọi lúc. Vấn đề là chúng ta có biết, có chịu biết đó là thơ hay không. Ngôn ngữ, nhất là chữ viết, chỉ làm phương tiện chính thống cho thơ hiển hiện. Nhưng, các bạn 3015 ạ, có lẽ còn nhiều thập niên nữa để 2015 chúng tôi nháo nhác hậu hiện đại với vài thể loại bàng thống như thơ đồ hoạ, thơ ảnh, thơ thị giác… – đại để là thứ thơ ngoài lời, phi lời – cũng như loại thơ lời không ra lời như thơ xếp chữ, thơ phá chính tả, thơ nói ngọng, thơ nói lắp…

Thi ca không bao giờ mất trinh tiết. Với Địa lý, với Văn hóa, càng với Thế lực… Và tất nhiên, cuối cùng, với cả Thời gian. Đấy là thi niệm đang còn khó chia sẻ trong thi giới hiện hành. Người ta cứ đinh ninh trời Tây đã thơ như thế này thì đất Đông thơ hẳn sẽ khác, tới lúc gặp những cái thơ Đông và Tây na ná thì lại mừng rú ô thế a Đông và Tây gặp nhau rồi nhá! Thiên hạ dùng nỗi sợ tư tưởng nước lớn, chủ nghĩa bá quyền, ấn tượng cũ người mới ta để dò đo các dòng thơ lạ mới tân kỳ. Không! Dân gian bao đời đã có ý dạy rằng chữ đời chơi mãi có mòn được đâu cơ mà. Này bạn, trên đất Việt trước khi tôi ra đời một năm, hai câu thơ hơi bị hay là ‘Em nhảy lên giường / Nhưng lại để màng trinh trên bàn’ đã được một nhà thơ (khi viết xong bài này tôi mới biết tên) cho sinh hạ ở trời Trung Đông.

Còn điều nữa trong thi ca, quan yếu và thời sự. Cứ trong 5 câu so sánh, bình bàn về thơ, thế nào cũng có 2-3 câu dính văn xuôi! Đó là triết lý so sánh của văn chương chúng tôi. Như thể nói đến phụ nữ ắt phải lôi nam giới ra. Tất nhiên, cả hai liên hệ đó có lý riêng. Về phần thơ và văn xuôi, người ta viện cớ chúng cùng phương tiện ngôn ngữ. Thế đấy! Thêm một lấn cấn tư duy văn học, một lúng túng văn hóa thời chúng tôi. Cũng đành… Nhiều chục năm qua, nương theo một số thành tựu của ngôn ngữ học, ngữ âm học, rồi văn bản luận, cấu trúc luận, thậm chí giải cấu trúc luận, các nhà thơ cách tân, mà rầm rộ nhất là các nhà thơ hậu cách tân dùng kỹ thuật hậu hiện đại, đã dựng ngược xoay tròn thơ, đưa ngôn ngữ từng là kẻ bị động trong nghệ thuật tu từ thành đối tượng chủ động. Ở nhà cách tân này trong cuộc động tình Thi ca giữa Ngữ và Nghĩa thì Ngữ ngồi trên nắm tóc Nghĩa nhún nhẩy phăng phăng ngựa phi! Nhà hậu cách tân kia lại ngoáy chữ luồn âm, mút từng khe hở của từ, nhịp. Sự tăng trọng lượng mỗi từ – gần giống như các bà nội trợ nuôi gà công nghiệp – đặng làm cho mỗi từ chứa nỗi mù mờ (thuộc tính của thơ) pha niềm kinh hãi (vì chưa viết được một chữ làm người đời kinh hãi, thi sĩ chết không yên) xảy ra ở nhà cách tân khác. Đương nhiên mần thơ kiểu đó mệt lắm! Và chắc thú lắm thì phải? Cả hai, nhà thơ và ngôn ngữ, cùng thở hồng hộc. Cùng hét lên khi tình thơ tới đỉnh hân khoái. Thi sĩ hét lên trong các tuyên ngôn, tuyên bố, phỏng vấn, đối thoại. Ngôn ngữ hét lên trong bài thơ chưa kịp đến mắt người đọc đang còn trong các máy photocopy, trong các email chờ cú click núm send-all. Tôi khỏi cần vẽ cảnh đối lập. Đại để, tất nhiên, các nhà thơ vần luật chân chính, thậm chí cả thơ tự do chân phương – những người hú hí lặng lẽ cùng thơ trong bóng đêm những túp nhà con tỏa ấm tình trăng ôm nưng cả đời thơ một chữ chưa chỉnh thôi xao khư giữ một ý lớn mang tầm thời đại sau hàng chục năm chưa biết nhét vào đâu – thì la lối, phản đối. Chả sao! Tự do thi luận ở đâu chưa thấy, nhưng nơi thi đàn hôm nay thì có đấy, trong vụ này. Đáng thương nhất: bạn đọc thơ (nhưng họ lại luôn mang giá trị thời gian, vốn rộng lượng). Đáng trách nhất: các nhà phê bình – lý luận thơ. Các nhà này thấy sáng tác vượt khổ lề trang giấy luận lý, gây hại niêu cơm phê bình của mình nên các nhà ấy sợ. Có lương tâm, họ quay lại bảo tàng tác giả, tác phẩm đặng đấm vào các cánh cửa đã mở, hoặc chỉ viết các bài bình luận cúng cụ. Coi rẻ sứ mạng, họ bình bàn theo kiểu toa toa moa moa chợ chữ. Ngự sử thi đàn rặt là các thi sĩ. Ở tuổi tôi, chưa khi nào nhiều đến thế các nhà thơ buông bỏ cặp mắt ngơ ngơ với các vần thơ mình sắp gieo để chạy đi xăm xoi tìm và diệt các vần thơ nơi người khác. Cũng vui! Thi đàn là diễn đàn quán xá, là nơi treo tên mình lên hạ tên người xuống. Thời nào cũng vậy, các nhà thơ – không có bằng cấp phê bình – mà đã bình thơ thì duyên dáng thì trúng tim, còn phê thơ là từ sai đến hỏng. Không nên kéo dài lâu, thôi thì cả đời thơ có 2-3 vụ lấn sân cướp còi cũng làm sôi động chữ nghĩa ngoài trang thơ. Miễn là cụ Quyền lực mải xỉa răng, ông Chính trị bận đánh tổ tôm, bà Tư tưởng lo chăm sóc ba vòng đo… thây kệ đám văn nhân hành sự những gì vô sự.

Tại một hội thảo quốc tế của các nước sắp phát triển thơ mang tên ‘Vì sao con chữ trong văn lại khác trong thơ?’ có các đối thoại thượng thặng mà tôi xin diễn giải lối bình dân thế này… – Trăm phần trăm cái siêu trong thơ bằng cái cực siêu trong văn xuôi! – Biết rồi. Ăn nhau ở chuyện chữ trong thơ và văn tuy giống nhau về hình thức nhưng khác nhau ở giá trị. Í lộn, hóa trị cơ! – Chữ tiến cử nhà thơ chứ bộ! – Ơ, đích thị làm thơ là làm chữ rồi! – Chứ không à! Văn: ý tại ngôn tại, thơ: ý tại ngôn ngoại! – Tớ là phu chữ. Khổ lắm! – Nói mãi! Chứ bác quên tôi không làm chữ mà làm âm à? – Ờ. Âm bồi đấy phỏng. Chào phu âm. Đằng ấy cứ túc tắc đẩy ngôn ngữ theo chiều năng nghĩa, mặc quân chúng làm việc trên chiều biểu nghĩa. – Hơi rắc rối tơ. Lói thế lày lày thì công-nông-binh mới thủng: một phe thì đẩy xe cút kít thơ chất đầy dòng chữ, phe kia: dòng nghĩa. – Các bác các thím nhà thơ cho nhà em hỏi sao chồng em nó sở hữu nhiều ý hay mà làm thơ lại chẳng hay? – Cái chị này. Chậc. Vâng như đã thưa, con người ta làm thơ không phải bằng ý mà bằng chữ. Đề nghị chủ tọa thơ chuyển micro thơ sang vị khách thơ tiếp theo ạ…

Không tham dự các hội thảo đó, tôi chỉ là khán giả chăm chỉ từ xa. Một phần vì chửa có danh. Mà đận đó nếu có danh – như bữa nay chẳng hạn – tôi sẽ lên tiếng như sau: Tất cả những ai đã làm thơ, đều đúng! Trong thao tác thơ, không có phương hướng, biện pháp nào sai cả! Dù làm chữ hay làm ý. (Của đáng tội, nếu cày hai gióp, cả phu chữ lẫn phu ý thì nhất trần đời rồi. Mấy ai?) Bởi thơ là hình thái mở với bất kỳ biến thể nào của ngôn từ, từ ngữ, ngữ nghĩa, nghĩa lý, lý tình, tình ý, ý tứ… Miễn là người làm thơ – như nói trên – có Đạo Thơ, nói nôm có Hồn thơ. Thiếu Đạo trong các hành vi thơ, thơ chỉ đạt đến Kỹ thuật; có Đạo, thơ mới là Nghệ thuật. Thiếu Đạo, các biến thể nói trên ở mức Thủ pháp; có Đạo: tầm Thi pháp. Nổi lên từ giữa thế kỷ trước lan sang thế kỷ này, lấn cấn trong câu chuyện dài hai thiên niên kỷ về sự giống-khác của thơ-văn là ở chỗ: người ta chỉ mới nhận ra rằng Ngôn ngữ như một Đồ vật sinh ra và phát triển cùng sinh hoạt văn hóa và xã hội loài người. Một Đồ vật trong số các Đồ vật hệ quả của nhân sinh. Về thực chất, khi đã thấy Văn hóa là Siêu Ngôn ngữ, thì Ngôn ngữ là Siêu Đồ vật. Tôi đoán khi đến với thời các bạn, Siêu Đồ vật sẽ mang số nhiều. Ngoài chức vụ phương tiện truyền thông, giao tiếp giữa người với người trong sự xa cách tư tưởng, tình cảm; như cầu phà tàu xe là phương cách nối liền xa cách không gian; như các áng mây tia nắng nối liền khoảng cách thời gian, Ngôn ngữ còn mang thân phận của một Đồ vật có Linh hồn. Trong các biến tướng khi nhẹ nhàng lúc nặng nề dưới bàn tay thi nhân – các phu âm, phu chữ, phu ý – Đồ vật có Linh hồn ấy được thể hiện vô cùng khác nhau như chúng ta đã thấy ở các hình thức, nội dung thơ khác nhau vô cùng. Chính cái Đạo làm thơ, Đạo làm người-thơ đã phả màn sương huyền bí lên các sản phẩm của nhà thơ. Các lối thẩm định thơ, các chữ quan định mệnh trong thơ (hay-dở, cảm xúc-vô hồn, thích-ghét, v.v…) cần phải xuất phát từ ý niệm đó của Ngôn ngữ. Vâng, cách nhìn của riêng tôi về con chữ trong thơ và trong văn xuôi là vậy!

Thách đố của Ngôn ngữ là gì? Là ai cũng có thể nói điều sau đây là đúng: ngôn ngữ phát triển và không phát triển, sinh ra và chết đi theo thời gian, trong và ngoài ý muốn của người. Tôi chưa tin là các bạn 3015 đã chế ngự được nó. Ừ thì các bạn đang sở hữu một tri thức khoa học nhân văn có đẳng cấp khác hẳn (tôi nói là khác, chứ không nói cao thấp) với tri thức 2015 của chúng tôi. Song le, các bạn lại phải xử lý một Ngôn ngữ cũng ở đẳng cấp khác hẳn. Vì, tôi tin lắm: vẫn là Người cùng có 01 trái tim ở bên trái lồng ngực thì thi cảm của hai chúng ta – 2015 và 3015 – có thể đối thoại được. Tôi hình dung xã hội thơ, văn hóa thi ca các bạn đang vất vả lắm? Biết ngay mà! Chúng ta có cùng một đầu ra là Thi ca chung ít nhiều cung bậc nhưng đầu vào khác nhau xa: Ngôn ngữ và Khoa học, Đời sống Xã hội và Công nghệ… Quan trọng bậc nhất, quyết định chất Thời gian của thi tính là các Câu Hỏi Lớn cùng Câu Hỏi Nhỏ, mà thời chúng tôi ưa gọi là Nhân sinh quan, Thế giới quan. Thú thật, bằng sự tưởng tuợng lớn có được của một nhà thơ bé – đừng quên là mãi đến thời các bạn, tôi mới thành nhà thơ lớn – tôi may ra còn có thể liều nói loăng quăng gì đó về Ngôn ngữ 1000 năm sau cùng Học thuật, Kỹ thuật 1000 năm sau. Còn với Câu Hỏi Lớn cùng Câu Hỏi Nhỏ của thời đại các bạn, tôi không thể nói gì được! Tựu trung, chúng tôi chỉ có khả năng tiếp cận thơ của các bạn một phần nào; ngược lại: các bạn cũng có thể chỉ lãnh hội một phần nào di sản thi ca tiền bối là chúng tôi.

Bây giờ cho tôi bình nhanh về Danh và Phận trong việc thơ. (Nó hơi liên quan tới giải thưởng mà tôi đang được hân hưởng). Ở các nhà khác, tôi không lạm bàn; ở nhà thơ cái Danh xâm hại cái Phận nhiều, nhiều lắm. Thi sĩ – kiêu sa hơn bất kỳ các hạng sĩ khác ở chỗ – cần quên đi cái Danh, như thể con người ta thấy đương nhiên được đi trên mặt đất. Thi sĩ – trữ tình hơn bất kỳ các hạng sĩ khác ở chỗ – nên nhớ tới Phận của mình, chứ đừng giống con người ta hầu như không mấy ai biết đang đi dưới bầu trời. Nhà thơ mà lĩnh hội và thực thi được đầy đủ – quá một chút không sao! – danh phận của mình thì sẽ đến được tận cùng thi nghiệp. Danh – Phận, ấy là Sự – Nghiệp. Hàng thi bá thường coi dăm ba cái Sự làm được trong thơ, có được nhờ thơ là chuyện nhỏ, là tư nghiệp. (Với cỡ thi hào, mọi Sự là đồ bỏ). Việc lớn của một người thơ là sống để làm thơ, rủi không làm được thơ nữa thì sống một cách thơ, cho đến hết công nghiệp thơ mà số phận đã vận vào mình. Vậy thôi.

Theo vốn liếng tri thức đương thời và trong không khí tưng bừng kỷ niệm Năm Vật Lý Quốc Tế 2015 nhân tròn 110 năm Thuyết Tương Đối Hẹp ra đời, cho phép tôi được phân loại 3 khu vực Thời gian: một, Thời gian Vật lý – thứ thời gian thông dụng mọi người, dễ xài dễ hiểu nhất, mang tính tập thể, dù tôi cá là không phải bất cứ nhà vật lý nào đời chúng tôi cũng hiểu nổi tính tương đối của Thời gian Vật lý; hai, Thời gian Sinh học – loại thời gian này mang tính cá thể, cho đến nay chưa được ánh sáng khoa học soi rọi nhiều như loại Thời gian Vật lý, và tôi cam đoan: bất cứ một cơ thể bình thường nào, lại là ở nữ giới và thi giới, cũng có thể làm chủ được Thời gian Sinh học của mình; ba, cuối cùng, Thời gian Thi ca – nó lưỡng tính cá thể và tập thể, hầu như chưa được nghiên cứu hệ thống mà bản trường ca bé bỏng Thơ Thời Gian từ đó bài diễn từ này thoát thai những mong làm cú hích.

Cũng sắp tới hồi kết, tôi kể một điều nghiêm túc của làng thơ chúng tôi mà chắc ngàn năm sau khi tới các bạn nó thành hài hước… Khi những dòng này đang được viết, tin báo chí cho biết lý do ngừng một buổi đọc thơ nọ là để giữ bang giao giữa hai quốc gia. Thật tuyệt vời nếu đó không là sự nại cớ! Sự kiện không đứng một mình. Nó mang ý nghĩa kép của cuộc chơi đuổi bắt ú tim xảy ra nhiều ngàn năm qua giữa Ông già Quyền lực và Nàng Thơ. Tôi phải xấu hổ khi tự tố cáo với các bạn, dân thơ thời chúng tôi lắm khi cũng đậm chất đàng điếm không thua cánh chính trị! Chẳng hạn, khi thơ của chúng tôi trào lên trên các quảng trường, đưa đẩy các quốc gia giao hợp thì chúng tôi tự hào xiết bao. Chúng tôi nghĩ và được nghĩ rằng, chính thi ca và thi sĩ làm nên ý thức dân tộc, văn hóa cộng đồng, lịch sử quốc gia… Đến màn khác, thơ bị dồn vào góc ngục, quyền lực vỗ vai văn nhân nghỉ chơi; chúng tôi cảm thấy nhục. May, tôi còn đủ độ tráng ca trong mình lúc này để nằm mơ trên bài diễn từ trữ tình đây về một điều: thi nhân thời các bạn khá hơn chúng tôi bây giờ, chí ít ở chuyện trên.

*

Các thi hữu của 1000 năm sau!

Hình như xa nữa, xa nhiều 1000 năm trước đây, trong các truyền thuyết, các sản phẩm nghệ thuật như lời ca, tranh tượng… ám ảnh về một đối tượng tương đương với Người Trong Vũ Trụ, về Sự Sống Ngoài Trái Đất đã được đặt ra. Tới thế hệ chúng tôi, hào hứng nhất là thập niên giữa thế kỷ 20, điều đó bắt đầu được coi như một nhiệm vụ của khoa học đương thời, trong cái tên Con Người Ngoài Hành Tinh. Và chúng tôi đã tạm thất vọng, ở thành quả hơn zéro một chút với người láng giềng mù mờ Sao Hỏa, với những Đĩa Bay chín hư nửa thực nửa hư hư thực thực. Tạm thất vọng. Tôi ngờ rằng đó không hẳn vì tri thức khoa học và phương tiện kỹ thuật. Các bạn có thể cười, nhưng kỷ nguyên chúng tôi đang tự hào trong tư cách chủ nhân ông của Lý thuyết tương đối với công cụ sắc bén là tốc độ ánh sáng và các con tàu vũ trụ trang bị không xoàng. Tạm thất vọng. Vì lúc này, giữa chúng tôi với nhau, con tim không được ổn. Triết học, ở những thập niên đầu thiên niên kỷ thứ III đây, đang và sẽ bị xuống xề, như chưa từng. Các Câu Hỏi Lớn về xuất xứ không gian và thời gian của Người, của Đời không thấy trên các trang mạng: chúng nằm trong bệnh viện, nếu không nói là ngoài nghĩa địa. Đây là thời kỳ cho các Câu Hỏi Nho Nhỏ và các Câu Hỏi Mới Lớn. Một mặt, loài người ở thời điểm lo gom về một mối ảo trong cái gọi là Toàn cầu hóa; mặt khác Khủng bố – một đàn em của Bạo lực – nhảy ra thay thế Chiến tranh hòng đối thoại với Dân chủ, Tự do. Thôi, chuyện ấy ra ngoài thi ca của chúng ta! Nói nhanh, ý tôi là, bài toán Người Ngoài Hành Tinh của nhân loại khi tới tay các bạn chắc sẽ có vài nghiệm số. Tôi – kẻ may mắn cưỡi trên con tàu trữ tình đến với 1000 năm sau – đang tái sinh trong diễn đàn này để lắng nghe các bạn cùng những Người đó trò chuyện: Hãy trao nhau Thi ca, sẽ biết Người nào ở Thời gian nào?

Vâng! Đúng: Thơ muôn năm!

Melbourne, 5/2005 – Vancouver, 3/2015

Đỗ Quyên

Chú thích:

*) Đây là bản mới nhất so với các bản năm 2005, 2009 cho chương IV của trường ca Thơ Thời gian.

**) Một số ý, tứ, câu, chữ của các tác giả như sau đã được tái hiện trong bài: Trần Dần, P. Valéry, Lê Hồng Lâm, Dương Tường, Phan Phúc Vinh, S. A. Essenin, Lê Đạt, Nguyễn Trọng Tạo, S. J. Perse, Hồ Chí Minh, C. Sureya, Hoàng Hưng, Nguyễn Đức Sơn, Bùi Ngọc Tấn, G. G. Marquez, Nguyễn Quyến, J. M. Coetzee, Tô Đông Pha, Giả Bình Ao, G. Bachelard, M. L. King, v.v… Tôi xin nhận lỗi, nếu như đưa đến các hiểu nhầm nào đó.

Comments are closed.