CÙNG KHƠI ĐỈNH TRẦM
TƯỞNG VỌNG ĐẠI THI HÀO NGUYỄN TRÃI
Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
Tôi xin trân trọng giới thiệu với tất cả những ai trân quý và có lòng mong muốn hiểu nhiều hơn nữa về văn hóa và ngôn ngữ của Đại Việt một công trình rất công phu, rất giá trị của bạn tôi: Tiến sĩ Trần Trọng Dương, cuốn Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển.
Ở Việt Nam, đây là lần thứ 3 có một cuốn từ điển riêng về một tác phẩm. Hai từ điển trước là Từ điển Truyện Kiều (của Đào Duy Anh) và Từ điển Lục Vân Tiên (Nhóm Nguyễn Quảng Tuân).
Cuốn từ điển gồm 478 trang, cỡ chữ nhỏ li ti, trong cuốn sách khổ 16 x 24 cm. Sách được Trần Trọng Dương (sinh năm 1980) hoàn thành trong 5 năm (2010 – 2014) bằng tất cả tấm lòng nâng niu trân trọng đối với di cảo của Đại thi hào Nguyễn Trãi và Chữ Nôm – thứ chữ do người Việt Nam sáng tạo dựa trên ký tự chữ Hán để ghi âm tiếng Việt khiến người Trung Hoa không đọc được. 5 năm lầm lụi với các phiếu từ điều, trong hoàn cảnh ốm đau, vợ thất nghiệp và đang bụng mang dạ chửa, khi ngoài kia Thăng Long đã cập đến đại lễ 1.000 năm tuổi với cờ phướn rợp đất, trống phách vang trời, với các gói dự án được chi tiêu bạt mạng và vô lối. Trong niềm đau ấy, Trần Trọng Dương đã đề từ bằng mấy câu thơ cho cuốn sách của mình:
Ta bệnh, vợ thất nghiệp,
Thanh nhàn viết sách chơi.
Tiếng con đạp trong bụng,
Như tiếng gọi cuộc đời.
Cuốn sách này là của bố mẹ tôi, là một phần công sức của Cò, Tép và Pi*.
(Thăng Long, 2010)
*Cò, Tép và Pi: Cách gọi thân yêu của Dương đối với Vợ và các con.
Xem cuốn sách của Trần Trọng Dương, hiện ra mồn một hình ảnh một tay thợ thủ công đang trần trã mồ hôi chảy ròng trên từng trang bản thảo. Chàng giống như một người thợ mộc làng Nủa, hay một người thợ kim hoàn cò cưa ký quéc cả ngày, cần mẫn đổ mồ hôi trên mỗi đường lèo hay nét hoa văn. Ai mà tính đếm được, trên mỗi cái phiếu từ điều được rút ra ấy, là biết bao mồ hôi, công sức, sự lầm lụi, lòng kiên nhẫn, đức hy sinh. Mỗi một mục từ gồm có: chữ Nôm (được cắt từ nguyên bản chữ Nôm Quốc Âm thi tập in mộc bản năm 1868), so sánh âm đọc đó với các phương ngữ Nghệ An, Bình Trị Thiên và với các ngôn ngữ gốc Nam Á như Tiếng Mường, Tiếng Rục, Tiếng Tày, Tiếng Khơ Me… Sau đó là lời giải thích cho mục từ với chú dẫn thật tỷ mỉ về nguồn gốc trong kinh điển, điển cố của cả Tam Giáo Nho – Phật – Đạo. Mỗi điển tích đều có nguyên bản chữ Hán, lời dịch. Sau cùng là các ngữ cảnh trích xuất ra từ Quốc Âm thi tập.
Cùng xem một trang của cuốn Từ điển:
Chao ơi! Công phu biết là nhường nào!
Từ hôm được tác giả tặng sách, cứ đem để ở đầu giường, đêm đêm mở ra đọc một trang, nửa trang để thêm phần kiến văn.
Công phu là thế! Cần mẫn là thế, ai mà ngờ được, cái anh chàng thợ thủ công cù mì cù mài ấy, sau khi làm xong cái công trình của mình, lại đã thảnh thơi thoắt hóa thân thành chàng Kim Trọng dịu dàng khăn áo, nhẹ gót hài văn khơi một đỉnh trầm để tự thưởng thức công phu của mình do giời đày mà hóa nên vưu vật. Ở đời, thợ thì làm ra đồ đẹp mà nhiều khi không biết thưởng thức phẩm bình. Còn bọn phong lưu danh sĩ thì bình giỏi mà không thể gò lưng chuốt một đường lèo, hay kỳ khu chạm lộng một nhành hoa cho bức cửa võng. Nhưng mà Trần Trong Dương thì đây, chiêu một ngụm trà, chàng tự tay viết một bài văn hay ơi là hay để tự thưởng cho công phu của mình, và cũng là để ca ngợi Ức Trai Tiên sinh 600 năm về trước, cùng vẻ đẹp của ngôn ngữ, văn tự đời cổ xưa, mà đời nay chúng ta phải nhờ vào tay chàng mới mong hiểu được nhiều hơn!
Sách được in tại nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa, là một trong hai nhà xuất bản của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Cuốn sách của Trần Trong Dương là cuốn sách cuối cùng đưa tiễn nhà xuất bản này vào cõi tịch mịch. Sau cuốn này, nhà xuất bản đóng cửa. Một cái bìa sách màu đen thẫm như gợi lên khúc nhạc bi ai cho một cuộc đưa đám sang trọng!. Thật vinh dự cho sự ra đi của một nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa!
Ta hãy cùng xem bài tự Tựa của Trần Trong Dương, chàng thi sĩ đóng đẹp cả hai vai: người thợ thủ công kỳ khu cần mẫn và chàng Kim Trọng hào hoa rất mực phong lưu:
Lời tựa
Trần Trọng Dương
Quốc âm thi tập 國音詩集 là tập thơ Nôm được viết vào đầu thế kỷ thứ XV bởi đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi (1380 –1442), nhà tư tưởng, nhà chính trị lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới. Đây là tập thơ Nôm cổ nhất, có giá trị nhất và có bản sắc dân tộc nhất may mắn còn lại cho đến nay qua biết bao biến cố của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian. Với trên 250 bài thơ thuần Việt, trong sáng mà khúc chiết, thâm trầm mà thiết tha, Nguyễn Trãi được coi là “người đặt nền móng ngôn ngữ văn học dân tộc” (chữ dùng của GS Đào Duy Anh). Sự ra đời của Quốc âm thi tập không chỉ là “đại biến cố” của văn học mà còn là một cuộc cách mạng, là sự trưởng thành vượt bậc của tiếng Việt nói riêng cũng như văn hiến Việt Nam nói chung.
Nguyễn Trãi là người mở đường cho sự điêu luyện trác tuyệt của nghệ thuật ngôn từ thơ ca Việt Nam. Ông đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tư tưởng uyên áo của triết học phương Đông với lời ăn tiếng nói, tục ngữ phong dao của tiếng mẹ đẻ. Đó có thể coi là đỉnh cao của mọi thời đại. Chính vì thế, quyển Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển này được viết ra là sự cố gắng phản ánh sự kiện văn hóa quan trọng bậc nhất ấy trong lịch sử của đất nước ngàn năm văn hiến.
Cuốn sách sưu tập toàn bộ các từ ngữ, thành ngữ, điển cố… được Nguyễn Trãi sử dụng. Đọc sách, chúng ta sẽ hiểu được phần nào tiếng mẹ đẻ của chúng ta cách nay quãng 600 năm. Nói một cách hình ảnh, nếu Quốc âm thi tập là “những hiện vật hóa thạch” của tiếng Việt cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, thì cuốn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển này chính là công trình giải mã những hiện vật đó, để dâng tặng cho người đọc hôm nay. Công việc ấy cũng không khác so với việc biên soạn “Từ điển Shakespeare”của các học giả người Anh về tiếng Anh cổ thế kỷ XVI, không khác so với “Từ điển Puskin” của các nhà từ điển Xô Viết về tiếng Nga cổ thế kỷ XIX, hay Thi kinh từ điển của Hướng Hy về tiếng Hán Thượng cổ cách nay 2500 năm… Những “hố khảo cổ ngôn từ” đã đào lên, hiển lộ trước mắt người đọc, và thì thầm với chúng ta biết bao điều.
Người yêu tiếng Việt có thể tìm thấy ở đây những ngôn từ cổ kính như những hồi quang của quá khứ xa xăm nhưng tráng lệ. Người ham chuộng văn chương có thể nhặt được ở đây những phiến lời lấp lánh nhạc điệu và ý tưởng nhân văn. Người thích nghiền ngẫm sẽ được chiêm nghiệm những tuyệt cú danh ngôn. Kẻ phong nhã tài tình sẽ được phiêu lưu trong trường thơ bể ái. Thế cũng thú vị lắm chứ!
Bạn có thể mở bất kỳ một trang nào ra và đắm mình trong những biến ảo ngôn từ mà Nguyễn Trãi đã dày công vun đắp, để hiểu thêm về một nhân cách:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuộn cuộn nước triều đông!
Thăng Long, cuối đông năm Canh Thìn 2010.
Trần Trọng Dương
Nguồn: http://xuandienhannom.blogspot.com/2014/07/cung-khoi-inh-tram-tuong-vong-ai-thi.html