“Những thiếu thời lơ lửng” – cuốn sách đi tìm hình hài tuổi trẻ

Tập truyện ngắn “Những thiếu thời lơ lửng” mang tới một thế giới buồn nhưng trong trẻo, cô đơn.

Nhung_thieu_thoi_lo_lung

Tên sách: Những thiếu thời lơ lửng
Tác giả: Hạnh Nguyên
Nhà xuất bản Văn học phát hành

Sách gồm 11 truyện ngắn và ba mẩu ghi chép nhỏ mà tác giả Hạnh Nguyên gọi bằng cái tên bất kỳ: phiếm truyện, tản mạn. Những thiếu thời lơ lửng – đúng như cái tên của nó – là một thế giới của những con người trẻ tuổi. Nhưng thế giới của họ dường như không nằm ở mặt đất, không ở đâu đó ngoài xã hội xô bồ, đó dường như là một không gian trong suốt và vô hình, vừa đan cài, vừa len lỏi trong những khoảng trống vắng của linh hồn thành phố đồ sộ, nơi có “xa lộ cô đơn”. 

Trong thế giới đó, nhân vật của Hạnh Nguyên cũng đi, đứng, thở, ăn, khóc và yêu. Đó có thể là một cậu trai, một cô nhỏ vừa tốt nghiệp trung học, làm một công việc bán thời gian để kiếm sống, thay vì bước chân vào trường đại học. Cả hai thấy rằng gia đình mình chỉ là “một đám người bất hạnh đang chơi trò gia đình”; công việc họ ưa làm là đi lang bang trên phố, uống cà phê và vào hiệu sách. 

Thế giới ấy có những đứa trẻ bị gom vào một ngôi trường đặc biệt vì nhiều lý do khác nhau, nhưng trên ai hết, chỉ bản thân họ biết họ là những đứa trẻ hết sức bình thường, thành thật đến nghiệt ngã.

Những tình bạn đồng giới, khác giới hay chênh lệch tuổi tác kỳ lạ cũng được thể hiện trong sách. Các nhân vật này đi xuyên qua giữa những không gian trong lòng thành phố, bất chợt nhận ra nhau bằng trực giác mẫn cảm và nhạy bén của những tâm hồn đồng điệu. Họ thực ra chỉ là những đứa trẻ đang dò dẫm đi tìm kiếm yêu thương và học cách yêu thương. 

Dường như các truyện ngắn đều được viết lên nhằm khắc họa tuổi thiếu thời. Hạnh Nguyên viết: “Mười bảy tuổi là một quãng đáng sợ. Nó chông chênh và ngấp nghé trước cái lằn ranh của sự trưởng thành. Trưởng thành là một điều khác biệt. Đôi khi tôi thực sự tin tôi sẽ không sống đến tuổi mười tám. Nhưng lúc này thì tôi rõ là vẫn ở đây. Tôi đã từng tưởng tượng về cái chết của chính mình. Điều buồn cười là, trong cái tưởng tượng của tôi, cửa phòng luôn mở và chưa bao giờ tôi chết hẳn.” (trích Một thế giới).

Xuyên suốt tất cả các câu chuyện là một nhân vật chính: “nỗi cô đơn” với những “con người vô hình” và tuổi trẻ đang đi tìm hình hài của mình. Họ tồn tại trong cùng thành phố, song dường như vô hình với những người khác, thả mình trôi trong thế giới của riêng mình, đắm vào tổn thương và vụn vỡ của tuổi trưởng thành. Họ lang bang xuyên qua những khoảng không trong lòng thành phố, là những đứa trẻ bị thành phố nuốt chửng, bỏ rơi hoặc tự làm cho mình trở nên vô hình, dành cho mình một khoảng trống để đắm mình vào nỗi cô đơn tuyệt đẹp. 

Mỗi câu chuyện của Nguyên đưa người đọc vào một trải nghiệm cảnh huống và cảm xúc hết sức tinh tế. Những cảnh huống giống như những lằn ranh mỏng manh trong mối quan hệ giữa người với người, tình với tình, mình với mình; dù là nghiêng về bên nào cũng khiến bản thân nó bị tan vỡ và chuyển sang dạng tồn tại khác. Và chắc chắn là, một trạng thái hoàn hảo không bao giờ có thể tồn tại lâu bền, đó là một thứ đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi, mong manh. Có thể, chỉ có những tâm hồn rất mực nhạy cảm ở cái tuổi đang căng mọi bề mặt cảm xúc ra mà cảm nhận cuộc đời mới có thể cảm nhận những được chuyển biến ấy. Chạm vào con chữ của Nguyên, giống như đang chạm phải sợi tơ lòng mình. Phải thật khẽ, thật nhẹ, bởi ẩn trong đó là những hình hài trong suốt, mỏng manh, nhạy cảm, một chút thôi cũng có thể làm tan biến, vụn vỡ. Kỳ thực, đó là những tâm hồn thành thật đến nghiệt ngã, trong sáng và dũng cảm vô ngần. 

Hạnh Nguyên là một tác giả còn rất trẻ. Cô 19 tuổi. Và tất cả những truyện ngắn trong tập truyện đầu tay này đều được cô viết trong quãng thời gian từ khi học trung học cho đến trước khi vào đại học. Có những truyện trong Những thiếu thời lơ lửng, Hạnh Nguyên đã bắt đầu viết khi 16 tuổi. 

Đối với cô, việc viết ra những con chữ không chỉ thuần túy là sự phát xuất từ những cảm xúc bồng bột, ham thích nhất thời. Cô ý thức một cách nghiêm túc: “Trở thành một nhà văn là viết ra những áng văn tuyệt đẹp. Đối với tôi, tiêu chuẩn của một nhà văn giỏi là câu cú gọn gàng, đẹp đẽ, đi thẳng vào lòng người và có khả năng phục thiện.” 

Quả thực, lối diễn đạt, dùng từ của Nguyên vừa trực diện, chân xác vừa mượt mà, giàu chất thơ và sức lay động. Nguyên thường nói rằng, cô để nhân vật của mình dẫn dắt mình đi trong câu chuyện với mê cung những xúc cảm tinh tế, những trạng huống mong manh; song thực ra mỗi câu mỗi chữ đều thể hiện sự tiết chế, cân nhắc kỹ lưỡng, như con ong chắt một giọt mật từ muôn loài hoa. Chỉ có thể nói, đó là những gì đẹp đẽ nhất đi ra từ tâm hồn một cô gái 17 tuổi. 

Và bởi thế, đó là những con chữ thuần khiết và sáng trong nhất, bất chấp việc chúng nói về điều gì, dù là cái chết, nỗi cô đơn, nỗi buồn thấu tận đáy hay những lời phũ phàng. Đó là một thứ linh hồn sống, mà chúng ta không thể chỉ ngắm nghía phần xác, phải đi xuyên qua nó để hiểu được cõi lòng của nhân vật. 

Yên San

Comments are closed.