Cảm nghĩ nhanh về cuốn tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của nhà văn Trương Văn Dân

Nguyễn Đăng Hưng

Hình ảnh có thể có: văn bản

Sau cuốn “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, nhà văn Trương Văn Dân cho ra đời một cuốn khác “Trò chuyện với thiên thần”, một tác phẩm với thể loại tương tự, tiểu thuyết luận đề mà ông có xu hướng đeo đuổi trong sự nghiệp văn chương mình.

Thiên thần ở đây là một đứa con chưa hề ra đời. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết là những lời thỏ thẻ nhẹ nhàng của người cha dành cho đứa con mình kỳ vọng được sinh ra và được sống hạnh phúc trong thế giới hiện đại, một thế giới đầy cạm bẫy, một xã hội mà chủ đích của sự vận hành là không ngừng tăng trưởng để “tất yếu dần dẫn đến sự hủy diệt vì một sự tăng trưởng vô hạn không thể tương thích với một Trái Đất hữu hạn” (trang 331).

Thành ra thiên thần, đứa con là một nhân vật của cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã hư cấu với một dụng ý đặc biệt!

Tác giả mong những phân trần, cảm nghĩ, suy tư, đúc kết của mình về xã hội loài người, về nền văn minh hiện đại, về những tiến bộ công nghệ, về tham vọng của con người, về những tác hại của các tập đoàn kinh tế được bày tỏ một cách nhẹ nhàng xuôi tai, dễ được chấp nhận.

Tác giả cần một hình thức như vậy vì đây không phải là một cuốn tiểu thuyết thông thường. Đây chính là một “đại luận đạo đức” cho đời sống của con người hôm nay…

Ý thức ngay từ những trang đầu về tính nghiêm túc của thông điệp này, tác giả đã cố gắng làm cho toát lên nét khiêm tốn cần thiết: … “(Tôi) nói về một đưa bé là nói về sự tồn sinh của tương lai nhân loại và có là những chiêm nghiệm về con người…” hay “Tôi chỉ viết với ý muốn được chia sẻ những suy nghĩ về cuộc sống và mong bạn đọc hiểu cho rằng những trang viết của tôi không là vô nghĩa, không giáo điều. Vả lại những điều tôi nói cũng chưa hẳn là mới, mà chủ yếu là những nhận thức chung và ước muốn nhìn thẳng vào sự thật” (trang 71)…

Tác giả chỉ muốn người đời “cảm chia sự trăn trở cùng mình, …., chẳng có sức mạnh nào trong việc định đoạt là một đứa bé tốt hay xấu ngoài việc hy vọng là trong đời nó, cuộc đời của một công dân bớt u ám hơn”.

Nhưng những phân trần ấy không đủ và toàn bộ cuốn sách đã hiện ra là cái nhìn bao quát của tác giả về những nguy cơ, những tác hại đang xảy ra hằng ngày cho môi trường sống, cho thiên nhiên, cho sự trong sáng của lương tri của con người hôm nay.

Sống lâu năm ở Âu Châu, chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ, của cuộc tranh đua tiêu thụ, về Việt Nam chứng kiến những tàn phá của môi trường tự nhiên, của rừng vàng biển bạc…, ông không thể không ngậm ngùi thốt lên những cảm nghĩ đau xót…

Và đứa con đã chắc gì có cơ hội sinh ra?…

Và cả cuốn “đại luận về đạo đức sống” toát lên những nét trầm vô vọng…

“Giá không có lòng tham, chiến tranh, khủng bố và bạo lực! Giá những vũ khí và đạn dược của loài người được đem thiêu hủy hết… Giá nền văn minh của con người có một chiếc la bàn nhân bản thì chúng ta sẽ sống an lành, không ai phải sống trong tủi nhục và chết trong đau đớn”.

Cũng như triết gia bi quan Schopenhauer, cho con người là “một con vật siêu hình (animal métaphysique)”, tôi có cảm tưởng Trương Văn Dân cũng đang rất bi quan, đang lo ngại, xã hội loài người hiện đang là một cỗ xe bất kham, bất định.

Sài Gòn ngày 16/12/2020

Nguồn: FB Nguyễn Đăng Hưng

Comments are closed.