Cánh Buồm: Cách tổ chức việc tự học tiếng Việt và Văn

NHÀ GIÁO PHẠM TOÀN

(GDVN) – Nhóm Cánh Buồm chỉ thấy một năng lực của học sinh: năng lực biết tự học, từ đó dẫn đến thích tự học, và đúc lại thành chỉ một tiêu chí.

LTS – Nhà giáo Phạm Toàn gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết tiếp theo của ông trong loạt bài về đổi mới giáo dục theo cách làm của nhóm Cánh Buồm, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Thưa bạn đọc,

Vậy là loạt bài giới thiệu quan điểm và cách thực hiện quan điểm Giáo dục (phổ thông) của nhóm Cánh Buồm đã gửi tới bạn đọc 3 bài. 

Không kể bài mở đầu, giới thiệu nhóm Cánh Buồm, đã đăng ngày 1 tháng 1 năm 2017, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tới các bạn ba bài: 

(1) Một bài định nghĩa lại khái niệm Giáo dục; (2) Một bài xác định lại khái niệm Trưởng thành; (3) Một bài xác định lại bản chất việc học của con người là Tự học.

Tiếp theo, bài này giải thích Làm cách nào để tổ chức công việc tự học.
Trong bài này, bạn đọc sẽ gặp Cách làm của nhóm Cánh Buồm để tổ chức việc tự học của học sinh từ lớp 1 đến lớp 9.

Nhóm Cánh Buồm sẽ nói về cách tự học các môn khó nhất trong nhà trường Việt Nam hiện nay: môn Tiếng Việt và môn Văn. 

Qua hai môn học “làm mẫu” đó, bạn đọc sẽ được gợi ý để cùng suy nghĩ sang những môn học khác. 

Mở đề

Nghĩ rằng cho tới nay chúng ta đã dễ dàng chấp nhận khái niệm Học theo một cách nhìn khác trước. 

Giữa hai cách hiểu và làm liên quan đến hoạt động Học, chỗ khác nhau căn bản, khác nhau “không đội giời chung”, như nước với lửa, như đêm vớí ngày…

clip_image002

Nhà giáo Phạm Toàn, ảnh: Xuân Trung / giaoduc.net.vn.

Một đằng tiến hành hoạt động học theo phương thức dạy dỗ và một đằng tiến hành hoạt động học theo phương thức tự học.    

Phương thức học theo lối dạy dỗ coi học sinh mãi mãi là con nít với hai cái tai và đôi con mắt như những cái phễu để rót kiến thức vào con người để nhào nặn nên Con Người.  

Phương thức học theo lối tự học coi học sinh như những thực thể đang trưởng thành dần dần, từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm trước bàn tay vun bón của nhà giáo. 

Với phương thức học theo cách thứ nhất, nghĩ rằng xã hội đã có quá đủ những tài liệu tiêu cực và những lý do tích cực để không chọn con đường đi ấy nữa.

Vấn đề đặt ra là: bỏ cách làm cũ thì đồng ý thôi, nhưng còn cách làm mới sẽ được xây dựng nên như thế nào? 

Có một câu hỏi cụ thể hơn, mang tính “kỹ thuật”, đó là: làm thế nào để tổ chức được việc tự học của học sinh?

Ba cột trụ cho tự học

Đi vào tổ chức hoạt động học của học sinh như là quá trình hoạt động tự học công phu chẳng khác gì xây một dinh cơ. 

Bắt tay vào xây dựng một dinh cơ sẽ thấy ngổn ngang chi tiết. 

Người có trách nhiệm xây dựng dinh cơ Giáo dục mới không cần sa đà vào chi tiết. Nên chú ý trước hết đến bản thiết kế tổng thể xoay quanh việc tổ chức công việc tự học của học sinh.

Ba cột trụ hành dụng của dinh cơ giáo dục tự học (và tự giáo dục) đó là: 

(1) Người học được tổ chức để làm lại cách làm ra sản phẩm của người đi trước tiêu biểu: nhà nghiên cứu khoa học, người nghệ sĩ, và nhà hoạt động xã hội.

(2) Nhà giáo dục tạo ra cơ chế tự học ngay trong chương trình học và nhất là trong sách giáo khoa theo một quy trình học tiếp nối nhau theo một lô gích chặt chẽ.

(3) Mọi người trong xã hội cần thay đổi các thước đo cũ không còn phù hợp với phương thức nhà trường trẻ em biết tự học, tự đánh giá.

1. Làm lại cách làm của người đi trước

Đó là cách làm quan trọng đầu tiên cần thiết cho việc học sinh tập tự học để dần dần hình thành phương pháp tự học với thái độ tự học và thói quen tự học. 

Nếu đi theo cách học theo lối dạy dỗ, nhà sư phạm chỉ có việc rót các “kiến thức” vào đầu người học.

clip_image004

Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ

(GDVN) – Chừng nào tư duy này còn ngự trị trong các cơ quan tham mưu và đội ngũ quản lý của Bộ, chừng đó đổi mới căn bản toàn diện giáo dục vẫn là điều xa vời.

Những kiến thức đó có chịu chui vào rồi có chịu ở lại đó hay không, nhà giáo không quan tâm. Đã có các kỳ thi làm quan tòa phán xét ai giỏi, ai dốt, và ai “học tài thi phận”. 

Nếu đi theo cách học theo lối tự học, ta sẽ có một cách làm quán xuyến toàn bộ quá trình giáo dục, có thể gọi được thành tên, làm lại cách làm của người đi trước. 

Trong bài về Trưởng thành về tư duy, đã nói đến tư duy trong ba lĩnh vực, khoa học, nghệ thuật và chính trị-xã hội. Ba lĩnh vực tư duy đó cũng được tạo ra không bằng lý thuyết xuông qua phương thức “dạy dỗ”.

Tư duy đó phải do học sinh tự làm ra – theo cách tự học.  

Con đường làm lại cách làm của người đi trước đỏi hỏi nhà sư phạm tổng kết được những việc làm và cả những thao tác tạo ra sản phẩm của những người đi trước. 

Nhà sư phạm có làm được việc tổng kết đó, thì người học mới có những bước đi mang tính “kỹ thuật”, vừa dễ thực hiện, vừa chắc chắn. 

Có thể ví công việc của nhà sư phạm như việc thiết kế nên cái xe gắn máy, hoặc cái TiVi, sao cho bất cứ ai dắt được cái xe gắn máy thì cũng sử dụng được nó và bắt cứ ai biết bấm nút thì cũng mở được cái TiVi.

Đây là một thí dụ về việc học để biết đọc biết viết tiếng mẹ đẻ ngay từ lớp 1.
Nhà ngôn ngữ học tiêu biểu như Alexandre de Rhodes (và các cộng sự) đã tiến hành những việc làm gì và những thao tác như thế nào để làm ra bộ chữ quốc ngữ ghi ngữ âm tiếng Việt?

Việc làm của các nhà khoa học về ngôn ngữ đó là ghi âm được tiếng Việt. Muốn ghi âm thì phải tiến hành ba thao tác. 

Trước hết là thao tác phát âm: nghe cho rõ người bản địa nói tiếng Việt, và phát âm lại cho đúng để người bản địa hiểu mình nói đúng thứ tiếng Việt mình định ghi lại. 

Thao tác thứ hai là phân tích các âm mình phát ra và mình nghe được. Sau đó là thao tác thứ ba: ghi lại rồi đọc lại để kiểm tra xem mình ghi có đúng không.

Sẽ dễ hiểu khi sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Buồm mở đầu bằng việc cho các em học ba thao tác nghiên cứu ngữ âm (chứ không bắt đầu ngay với việc học các con chữ ghi tiếng). 

Khi các em nhỏ 6 tuổi tập phát âm và phân tích rồi tìm cách tự mình ghi lại các tiếng, đó chính là tập tư học, tự nghiên cứu – một công cuộc tiến hành theo cách làm lại các việc làm và thao tác nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học đi trước. 

Còn đây là một thí dụ về việc học để biết cách làm ra tác phẩm nghệ thuật cũng ngay từ lớp 1.

Người nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, kịch sĩ,…) không bắt đầu với việc cho ra đời những áng văn thơ, những bản nhạc, những bức tranh, những vở diễn … 

Họ bắt đầu bằng việc sống thật sự những tình cảm người.

clip_image006

Trò chuyện cùng nhóm Cánh Buồm: Cải cách nhà cải cách – ưu tiên của mọi ưu tiên

(GDVN) – Khó khăn nhất không phải là thiếu tiền – có nhiều tiền đến độ tiêu không hết vẫn có thể đưa cuộc Cải cách giáo dục vào chỗ bế tắc.

Nguyễn Du không thể viết những Văn tế thập loại chúng sinh, không thể làm bài thơ Long thành Cầm giả ca, càng không thể viết Truyện Kiều nếu không có một tình cảm sâu sắc trước nỗi khổ đau của người đời. 

Ngay người đời xưa sống trong thiếu thốn cũng từng trải qua những tình cảm mãnh liệt khi đi săn kiếm sống cùng nhau thì mới có nổi những bức vẽ trong hang động khiến những họa sĩ thời nay phải ngả mũ bái phục. 

Vì vậy, ngay từ lớp 1, sách Văn Cánh Buồm dắt dẫn trẻ em dùng trò chơi đóng vai để học lòng đồng cảm trước khi học sang những thao tác tạo ra tác phẩm nghệ thuật. 

Đóng vai người gánh nặng, đóng vai người ốm trong bệnh viện, đóng vai người mẹ lạc con và người con lạc mẹ… đóng vai những em nhỏ sống chật chội dưới thuyền, đóng vai đi chăn trâu…;

Đóng cả vai Tom tinh nghịch với Jerry … đóng cả vai người nhà quê đi mua tranh Tết dân gian về treo mừng xuân và hy vọng sống tốt đẹp quanh năm…

Chỉ sau khi đã thực sự sống những tình cảm đẹp ấy, thì người nghệ sĩ mới trút nỗi lòng mình vào tác phẩm. 

Và lúc này, dù hoạt động trên những lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, nhưng họ đều có chung ba thao tác làm ra tác phẩm: tưởng tượng, liên tưởng, sắp xếp (hoặc bố cục) tác phẩm. 

Người học sinh thuộc lớp người đi sau sẽ học lại ở nhà trường theo phương thức nhà trường bằng cách làm lại chính ba thao tác làm ra tác phẩm đó. 

Nhà trường kiểu dạy dỗ sẽ cố sức soạn những “bài văn mẫu” để học sinh học thuộc và viết lại nhằm tranh giành điểm cao và giấy chứng nhận tốt nghiệp. 

Nhà trường hiện đại theo đúng nghĩa sẽ tổ chức cho học sinh hoạt động mà đơn giản là làm lại tiến trình sáng tạo nghệ thuật của người đi trước. 

Cách làm này giản dị, dễ thực hiện, và rất tự nhiên, đặc biệt không tạo ra ở trẻ em thói bắt chước và tính văn hoa dối trá.

Sau đó là phương diện tự học thứ ba: làm lại tư duy và hành động của nhà hoạt động chính trị-xã hội.

Cái tinh thần trung tâm, quan trọng bậc nhất, của nhà hoạt động chính trị-xã hội chân chính, đó là tạo ra ở cộng đồng một năng lực sống đồng thuận. 

Học sinh, ngay từ lớp 1, theo phương thức nhà trường hiện đại, sẽ tập làm lại mà thực sự là tập sống cách sống tạo ra bằng sự đồng thuận. 

Nhà sư phạm có trách nhiệm phải có được định nghĩa đúng nhất – nghĩa là một định nghĩa để con người có thể làm theo thay cho lối định nghĩa không ai làm theo được. 

Nhóm Cánh Buồm định nghĩa đồng thuận là cùng lao động, cùng tôn trọng giá trị tinh thần của nhau, và cùng tháo ngòi xung đột. 

Định nghĩa này được áp dụng với từng người trong từng cộng đồng nhỏ nhất trở đi: một lớp học, một gia đình, một nhà trường, cho tới một vùng, một tộc người, một phường nghề, một địa phương, một quốc gia, thậm chí một thế giới. 

2. Thể hiện cách làm mà học trong sách giáo khoa

Tiếp theo việc tổ chức cách học theo lối tự học như vừa trình bày – cách thức hoặc nguyên tắc được đặt tên là làm mà học (learning by doing, như ta quen gọi) – đó là nguyên tắc định ra cho sách giáo khoa.

Người giáo viên hiện nay chưa được chuẩn bị kỹ và đầy đủ cho việc “dạy” học sinh tự học. Giáo viên không thể tự mình tạo ra việc làm cho học sinh trong mỗi tiết học.

clip_image008

Định nghĩa lại khái niệm giáo dục

(GDVN) – Định nghĩa này quy định cách hành xử của Giáo dục là làm công việc tổ chức sự HỌC của con người, chứ không phải là làm công việc DẠY con người.

Vì thế, sách giáo khoa không thể chỉ là những kiến thức. Phải viết lại sách giáo khoa theo lối soạn sẵn, và cố gắng soạn đầy đủ nhất (rất tỉ mỉ) những việc giao cho học sinh làm trong từng tiết học. 

Đây là một thí dụ mở đầu sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Buồm: dạy thao tác phát âm. 

Chúng ta quen bảo học sinh “hãy phát âm …”, nhưng chúng ta ít khi tự đặt câu hỏi: liệu trẻ em có biết “phát âm” là gì không?

Thế mà chúng ta lại cần phải giúp học sinh phân biệt được giữa nói ra (một lời, một tiếng, một từ…) và phát âm. 

Cho nên trong sách giáo khoa trước hết hãy cho các em nói ra chẳng hạn như một lời chào, một tên gọi… 

Cách thức nói ra thì tự do, theo cách nói riêng của từng người. Cùng một câu “Cháu chào bà cháu đi học ạ” có em nói nhanh, liến láu, có em nói lí nhí, có em nói nhát gừng, có em nói rề rà… 

Nhưng phát âm cũng câu chào đó thì phải rành rọt từng tiếng, cách “nói” không ai làm như thế trong đời thường ở ngoài nhà trường, chỉ “nói” như thế khi cần nghiên cứu lời nói đó trong tiết học:

clip_image010

 

Theo cách phát âm đó, các em có thể học sang thao tác thứ hai, phân tích lời nói đó (bằng cách vừa phát âm vừa vỗ tay) từ đó có thể ghi lại để biết lời nói đó có mấy tiếng (em nào cũng đếm được 7 lần vỗ tay và ghi lại được 7 ô vuông thay thế) và cả việc phân tích và ghi lại những tiếng nào giống nhau (như hai tiếng “cháu” ở câu đó):

clip_image012

 

Đây là một thí dụ khác: dạy trẻ em tìm ra từ thuần Việt có một âm tiết. Trong sách Tiếng Việt lớp 2 Cánh Buồm, học sinh được làm (chứ không nghe giảng) để thực hiện nhiệm vụ học tập đó.

Ngay cả khi đã học sang các luật chính tả, học sinh lớp 1 cũng được khuyến khích lập ra Sổ tay luật chính tả và tự các em có ý thức viết đúng.

Việc 1: học sinh được bắt chước người đời xưa đi lại lom khom (có hình minh họa) và chỉ có thể lom khom hoặc ngồi khi dùng dụng cụ bằng đá. Tư thế đó không thể tạo ra tiếng nói. 

Cho nên, khi được giao việc tìm cách mời người khác ăn một trái cây ngon, trẻ em sẽ nghĩ ngay đến việc hoặc là nhét miếng ăn ngon vào miệng bạn, hoặc ra hiệu ăn với thái độ vui thích… 

Việc 2: cho học sinh bắt chước người đời xưa hết đi lại lom khom và đứng thẳng vì dùng công cụ khác (có hình minh họa). 

Khi đó, người ta sẽ bật ra thành tiếng, các em còn có thể nghĩ ra cách nói ngọng nghịu nữa: ăn, ăng, ngon, no… chuối, chúi, chối, … cho, xin, … 

Việc làm theo mẫu đó sẽ giúp các em trong phàn luyện tập cùng nhau nghĩ ra thêm nhiều tiếng đơn âm tiết khác theo các chủ đề khác nhau. 

Cũng như học sinh lớp 1 được khuyến khích lập ra Sổ tay luật chính tả, các em học sinh lớp 2 cũng được khuyến khích tự làm Sổ tay từ tiếng Việt để tự các em sưu tập từ ghép, ghép hợp nghĩa, ghép phân nghĩa… cho đến từ Hán Việt… 

Đây là một thí dụ khác nữa trong sách giáo khoa dạy trẻ em tập đồng cảm, hoặc tập các thao tác tưởng tượng hoặc liên tưởng. 

Ở lớp 1, sau khi đóng các vai diễn để tập đồng cảm với một hoàn cảnh đáng thương hoặc đáng yêu, các em tự viết thu hoạch bằng một từ, hoặc một câu, hoặc có khi bằng một hình vẽ nếu thích vẽ hoặc chưa đủ chữ để viết thành “câu văn”. 

Ở lớp 2, sau khi tập thao tác tưởng tượng, các em được làm những bài tập hết sức thú vị như nghĩ ra và viết đối thoại giữa hai nhân vật, viết theo tưởng tượng để kể lại câu chuyện hoặc bài thơ, và rất thú vị là được viết lại một kết luận khác cho câu chuyện. 

Em Khôi Nguyên, học lớp 2 trường Gateway Hà Nội đã viết lại đoạn kết truyện Tấm Cám như thế này:

“Sau khi Tấm tỉnh dậy, tính nết mẹ con Cám thay đổi. Họ xin lỗi Tấm. Rồi học làm một nữa cơm ăn quay quần. Họ sống với nhau hòa thuận…”

Còn sách giáo khoa Lối sống lớp 1 Cánh Buồm cũng có những việc làm giao cho học sinh thực hiện để các em bắt đầu học cách sống đồng thuận. 

Bài mở đầu đó có tên Em đã lớn. Làm cách gì “dạy” cho các em rằng các em đã lớn, đã học lớp 1 rồi (vĩ đại lắm!), và đã có trách nhiệm …  

Sách cho các em tự tổ chức triển lãm: mỗi tổ được phân công sưu tầm (đem từ nhà đến): tổ nào mang áo từ tã lót đến áo lọt lòng cho tới cái áo phao đang mặc… tổ nào mang quần, từ cái bỉm, đến quần cộc, quần dài, quần bò…;

clip_image014

Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại và sự im lặng khó hiểu của giới chuyên môn

(GDVN) – Giáo sư Đại nhận xét: “Bản chất của giáo dục theo cách cũ là “ngu dân”, phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức…

Tổ nào mang mũ, từ cái mũ che thóp, đến mũ len, mũ lưỡi trai, mũ rộng vành, cho tới mũ bảo hiểm…

Và tất cả đều mang ảnh của mình: từ tấm ảnh mẹ bế ở nhà hộ sinh đến ảnh đang bò lê la, đến ảnh lẫm chẫm đi… cho tới ảnh đi cắm trại theo lớp… 

Các tư liệu đó lại được chính các em giới thiệu, rồi thảo luận, và tự sơ kết với nhau bằng lời, bằng viết câu văn, bằng vẽ, để cùng có tiếng nói chung: em đã lớn, chúng ta đã lớn!    

Học bằng việc làm là như thế. Và sách giáo khoa phải chuẩn bị những việc làm để cô giáo giao việc cho các em. 

3. Thái độ xã hội 

Khi đã tổ chức cách học theo lối tự học, thì công việc tự đánh giá là điều quan trọng, chứ không phải các bài thi, các kỳ thi, cùng điểm số và lời khen là quan trọng.

Trong sách giáo khoa Cánh Buồm, cuối mỗi tiết học bao giờ cũng là việc Tự sơ kết với bài tập mang tinh thần: hôm nay em học được điều gì? Tại sao em biết được điều đó? 

Hình thức tự sơ kết phải thay đổi có khi là làm việc nhóm, có khi làm việc cá nhân. Có khi là những bài tập bằng văn viết, có khi là … làm thơ nữa. 

Tất cả các cô giáo tiểu học đều xác nhận các em học sinh lớp 3 đến lớp 5 rất thích làm thơ. 

Cô giáo Đinh Phương Thảo, trường Gateway cho biết lớp cô dạy nhiều năm nay mỗi em đều có sổ tay thơ, gồm thơ các em làm là chính, ngoài ra cũng có thơ do các em sưu tầm nhưng không nhiều. 

Các cô giáo coi đó là hình thức tự sơ kết cao nhất sau mỗi tiết học Văn theo chương trình Cánh Buồm. 

Nhiều chứng cớ cho thấy có thể tạm kết luận về tự học rằng đó là cách học cho mình sau đó là học cho cộng đồng, học cho cuộc đời mai sau.

Dĩ nhiên, các nhà sư phạm nên “ngó qua” hiện tượng đó khi muốn xây dựng bộ “năng lực” gồm bao nhiêu điều một hai ba bốn cũng được. 

Nhóm Cánh Buồm chỉ thấy một năng lực của học sinh: năng lực biết tự học, từ đó dẫn đến thích tự học, và đúc lại thành chỉ một tiêu chí, biết học cho mình trước khi biết học cho những điều cao quý.

Có tài thì may ra có đức. Bác sĩ giỏi thì biết cứu người, từ đó may ra có cái đức cứu người. Lang băm không cứu nổi ai, khó có thể có đức, cho dù quảng cáo rùm beng đến mây xanh chăng nữa, thì cũng vẫn là lang băm.

Đó là niềm tin trong công việc của nhóm soạn sách giáo khoa Cánh Buồm.

Nhà giáo Phạm Toàn

Comments are closed.