Lê Học Lãnh Vân
1) Một cựu quan chức vị trí không nhỏ vừa về hưu và có hành vi bị cho là cưỡng bức ấu dâm với một bé gái trong thang máy chung cư. Sự việc được máy thu hình tự động ghi lại.
Mạng xã hội dậy sóng sỉ vả, đề nghị bêu hình ông lâu dài trên mạng, nhà ông bị vẽ chữ bêu xấu, ném đồ dơ…
Rất không chấp nhận hành vi của ông, nhưng lúc này tôi đang nghĩ tới người vợ ở nhà, những đứa con của vị cựu quan chức. Nghĩ tới cha mẹ và những người thân khác… Và chính ông nữa, khi sự việc bị phanh phui, bị xã hội đẩy tới bước đường cùng…
2) Tội ấu dâm là tội nặng theo quan điểm chung của các nước trên thế giới. Pháp luậl nghiêm khắc với tội này, và sau khi chấp hành án phạt, người phạm tội có thể bị cấm tới những nơi hay hoạt động trong những lãnh vực có thể khiến họ dễ tái phạm.
Cho dù có vậy, thì việc công khai tên tuổi người phạm tội và cấm đoán như trên là việc của cơ quan xét xử và cơ quan chấp pháp. Mục tiêu của nó là phòng chống việc tội phạm được lặp lại trong tương lai để bảo vệ sự bình an của xã hội. Người dân bên ngoài không tham gia vào việc “trừng phạt” người phạm tội, không tham gia vào việc “truy diệt” người phạm tội. Họ biết phân biệt quyền lợi, trách nhiệm của ai, giới hạn tới đâu trong từng sự việc. Họ không chen vào việc không thuộc thẩm quyền của mình, có lòng tôn trọng và bao dung người khác để không bêu riếu, mắng chửi ai, có sự hiểu biết và sáng suốt để không biến xã hội sống chung thành môi trường vô tổ chức!
Tôi tự đặt cho mình câu hỏi: phản ứng của xã hội Việt Nam như vậy có vượt qua sự hợp lý không? Có vượt qua sự cho phép của pháp luật và cách ứng xử được thông cảm không? Có còn dấu tích của “tru di tam tộc” không? Có tàn ác không? Có chất chứa lòng phẫn uất và căm hận không? Xã hội đó có dành chỗ cho tính khoan hòa, nhân hậu không? Xã hội đó sáng suốt hay ngu muội?
3) Có thể trong số những người phản ứng như vậy, có những người “theo đóm ăn tàn” vì thù hận cá nhân. Nhưng nếu lùi xa một chút để nhìn tổng quát, người ta dễ thấy rằng xã hội chúng ta sống không khoan hòa, nhân hậu, trái lại các phản ứng của nó chất chứa phẫn hận tới mức lấn sang lãnh vực độc ác. Không chỉ lần này mà các lần trước nữa…
Những người còn yêu xã hội này có đau lòng chăng khi thấy cái ác tràn lan và lặp đi lặp lại; cái ác từ lời nói, hành động tới thói quen, suy nghĩ; cái ác từ giới bình dân tới quan chức công quyền; cái ác từ cá nhân tới tập thể; cái ác từ ngoài xã hội len vào tận chốn tình cảm thiêng liêng: anh em, thầy trò, cha con, vợ chồng… Cái ác trở thành bệnh dịch hoành hành đã quá lâu tới mức nhiều người dân quên rằng xã hội Việt Nam cách nay vài chục năm đã từng nhân bản, tới mức nhiều người dân tin rằng bản chất người Việt là man rợ, xã hội Việt là rừng rú thiếu văn minh!
Một xã hội để cái ác hoành hành và dẫn đường, con người trong xã hội đó sẽ lú lẫn. Họ có thể thông minh, ranh ma trong việc giành ăn, chụp giựt quyền lợi trên đầu cổ đồng bào, nhưng lại lú lẫn trong việc hợp tác xây dựng tương lai cùng nhau phát triển no ấm lâu bền! Xã hội đó sẽ lẩn quẩn mãi trong vòng xoáy mê loạn địch-ta, bạn-thù, thắng-thua…
4) Tuy nhiên, không cần tinh ý người ta cũng dễ thấy các phản ứng đối với vị cựu quan chức nói trên không chỉ vì thiếu lòng nhân ái. Trước vụ này vài tháng, có một vụ tương tự xảy ra, người làm việc đó không phải là quan chức, bị bắt giữ và dân chúng không phản ứng ồn ào. Tại sai hai thái độ phản ứng, một với thường dân và một với quan chức, lại khác nhau tới vậy? Chúng ta cùng nhớ lại đã từng có những bộc lộ vui mừng hả hê khi một quan chức cấp cao qua đời hay bộc lộ căm ghét quá mức khi một quan chức phạm tội. Sự bất đồng chính kiến, việc phê phán một chính sách khác với lòng căm giận và khinh ghét. Người cầm quyền cần phân tích đúng đắn để không thể lầm lẫn hai điều đó.
Có một qui luật xã hội nói rằng: tư tưởng, tâm lý quần chúng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, được hướng dẫn bởi tư tưởng, tâm lý chính thống (giới cầm quyền)!
Vậy thì…
Khi nói các phản ứng của người dân vượt qua sự hợp lý thì nhà cầm quyền có nên tự xét mình có hợp lý trong nhiều trường hợp khác hay không?
Khi nói các phản ứng của người dân thiếu nhân văn thì nhà cầm quyền có nên tự xét có phải lúc nào bộ máy lãnh đạo và quản lý xã hội cũng hành xử có nhân văn không?
Khi nói các phản ứng của người dân vượt qua sự cho phép của pháp luật thì nhà cầm quyền có nên tự hỏi có phải mình lúc nào cũng làm đúng luật hay không? Hệ thống xét xử của Việt Nam có được người dân cảm nhận là công minh không? Có thành phần và cá nhân nào đứng trên luật pháp hay không?
Nhưng có lẽ điều khiến người dân phản ứng mạnh mẽ nhất là lời nói và việc làm không đi đôi của các vị quan chức. Dân chúng bị yêu cầu phải chịu sự lãnh đạo và ngồi nghe các vị quan không do họ bầu chọn đứng bục cao dạy dỗ về đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, trong khi họ biết các quan đó có bao nhiêu biệt phủ, con cái du học nước nào, thậm chí các quan ăn chơi ở đâu, bao nhiêu nhân tình, các quan chèn người nhà vào vị trí canh hẩu như thế nào… Phận thấp cổ bé miệng, đứng ngoài đường nhìn vào cửa nhà quan sâu như biển, mọi tin tức giấu kín như bưng, dân chúng chỉ thì thào bàn tán, nay nhờ băng ghi hình tự động “bắt tận tay, day tận mặt” mới có chứng cớ không thể chối cãi… Lòng dân nào chịu nổi những sự việc như vậy?
5) Nếu các phản ứng của người dân là theo đúng qui luật về ảnh hưởng của tư tưởng, tâm lý chính thống như nói trên thì chúng ta có cơ sở để tạm yên lòng hơn. Yên lòng vì từ trong bản chất và truyền thống, dân tộc này cũng có lòng nhân ái, trung thực, giúp đỡ nhau. Biết đứng trên nền giá trị truyền thống để thu nhập giá trị Phương Tây tạo nên những một đất nước với các thành phố Hà Nội, Sài Gòn mà nếp sống đạo đức một thời long lanh châu Á.
Chỉ cần chính trị chính thống khẳng định sẽ thật lòng xác lập và xiển dương lại các giá trị dân tộc và văn minh như trung thực, nhân ái, liêm chính, thượng tôn pháp luật, tôn trọng con người, bình đẳng, dân chủ… thì chỉ một thời gian không lâu đất nước sẽ đuổi kịp các quốc gia giàu mạnh lân bang. Chỉ cần đứng vững chân trên những nền tảng đạo đức đó, người Việt sẽ biết cách tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất và hợp lòng dân nhất, từ các vấn đề đang được quan tâm trước mắt như Sách Giáo Khoa, Các Đặc Khu, đường cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành… cho tới những vấn đề căn bản, bao trùm hơn như mối quan hệ giữa Dân Tộc, Quốc Gia với đảng phái, như cách tổ chức và quản trị cao cấp nhất cho quốc gia…
Tôi tin rằng nếu chính thống thực sự muốn như thế, lòng dân sẽ ủng hộ và hợp tác chân thành. Lúc này, cũng như thời Cứu Quốc năm 1945, nhiều thành phần dân tộc sẵn sàng lao mình vào công cuộc chấn hưng tổ quốc rộng lớn, xây dựng Việt Vam thành nơi đáng sống.
Lê Học Lãnh Vân (ngày 06 tháng 4 năm 2019)