Chủ nghĩa khoái lạc ở dạng dung tục nhất của nó

Vương Trí Nhàn

 

Sau 1991, đờì sống tinh thần của những người Nga hay sau 1976, người Trung Hoa đã thay đổi ra sao? Tôi thường quan tâm tới vấn đề này để hiểu người Việt thời nay, bởi lẽ tuy cái xác cũ vẫn nguyên, nhưng trong lòng mỗi chúng ta mấy chục năm nay đã biết bao đổ vỡ, chẳng khác chi dân mấy nước mà ta từng coi là mẫu. Về người Trung Hoa, có lẽ chỉ cần đọc cuốn “Huynh đệ” của nhà văn Dư Hoa là chúng ta biết hết. Còn về Nga, chưa tìm được cuốn nào tập trung, tôi chỉ mới đọc được những bài báo nhỏ. Sau đây là những ý tưởng của một nhà văn hóa Nga là Sergei Averintsev mà cũng chỉ đi vào một khía cạnh nhỏ:

Những sai lầm của quá khứ, kết quả của những nhà tư tưởng đáng giá hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đã bị truất ngôi cùng với những hệ tư tưởng cực quyền. Việc truy tìm gốc rễ của cái xấu ở thời xa xưa trong lịch sử tư tưởng đang được theo đuổi ráo riết.

Tuy nhiên vẫn còn những lý do để lo âu. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta nhận ra những dấu hiệu của một chủ nghĩa khoái lạc rất phàm tục.

Ở một nước còn rất thiếu hàng hóa như nước Nga, cái chủ nghĩa khoái lạc này càng trở nên dữ dội vì người ta đã bị bỏ khát quá dài và giờ đây đuổi theo khoái lạc bao nhiêu cũng luôn luôn cảm thấy chưa thỏa.

Thứ đến là là sự biến mất tăm của nền văn hóa với đặc trưng là ý thức liêm sỉ hoặc thói quen biết xấu hổ.

Và cuối cùng là sự xuất hiện một chủ nghĩa phi lý hẩu lốn trộn nháo nhào các giá trị tư bản chủ nghĩa và mác xít.

Rồi một thứ nữa không phải là dung hợp càng không phải tổng hòa mà chẳng qua là một sự nhập cục cơ học cả Ford, Freud, lẫn Marx trong cùng một cấp độ trong một thế giới không thượng đế.

Dục năng (libido) đang xâm chiếm đời sống, không phải chỉ là một thứ dục năng nhục thể mà – lạ thay – cứ như là máy móc đang trở nên đầy thèm khát hoặc bản chất con người đang biến dạng để trở nên máy móc vậy.

Ngày nay ở nước Nga thật khó nói đến một ý thức biết xấu hổ.

Kể cũng cần thiết là việc người ta sổ toẹt cả một loạt quy phạm phẩm hạnh giả dối mà trước đây người ta áp đặt cho họ. Nhưng rồi người ta đi tới đâu?

Cũng có thể nói là người ta trở lại với một tình trạng trống trơ của trẻ con, nhưng đó chỉ là bề ngoài, những đứa trẻ con này đã bị làm hỏng để trở nên thối rữa tự bên trong.

Đã đành những quy phạm ứng xử thời Xô viết chỉ là biếm họa của một thứ văn hóa liêm sỉ đích thực. Nhưng từ bỏ nó, không phải là người ta tới được sự cao thượng về tâm hồn. Thay thế vào đó, chỉ là những lệch lạc mới, chẳng hạn thói đạo đức giả và nhất là xu thế chạy theo khoái lạc tầm thường mà người ta tưởng là biểu trưng của tự do.

Trong trường hợp này phải nói bản chất tự nhiên của con người cũng bị đe dọa.

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn

Comments are closed.