Giải thưởng Văn Việt và nội hàm hòa hợp hòa giải dân tộc

Đào Như

image

Lễ trao Giải thưởng Văn Việt lần thứ hai tại Sài Gòn hôm 3-3-2017. Ảnh của nhà văn Ngô Thế Vinh

Văn hóa là bộ phận chủ yếu của Nhà Nước. Những nhà văn hóa gồm mọi giới trí thức của xã hội. Họ là những nhà nghiên cứu chân chính về mọi chủ đề: Văn học nghệ thuật, Xã hội Nhân văn, Lịch sử, Chính Trị, Khoa học, Kinh tế, Công nghệ Kỹ thuật, Tôn giáo và Triết học… Một Chính phủ thật sự tôn trọng tinh thần Tự do, Dân chủ, Công bằng Xã hội, đoàn kết thống nhất thì không thể nào thiếu vắng sự hợp tác rộng rãi của các nhà văn hóa. Ngược lại, những nhà văn hóa thường là nạn nhân của chế độ độc tài, độc đảng, chuyên chính, toàn trị. Vì yếu tố lịch sử, ngoài số những nhà văn hóa hiện ở trong nước, Việt Nam hôm nay còn một số lớn, hơn cả trăm ngàn nhà văn hóa, chuyên viên công nghệ cao, được đào tạo từ các nước ngoài. Họ đang sống trên cùng khắp các châu lục, nhất là ở Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc, và các quốc gia lân bang của Việt Nam. Họ đang nắm giữ những vai trò chủ chốt tại các cơ quan tại các Đại học, các tổ chức Giáo dục Đào tạo, tại các Xí nghiệp Công nghệ, tại các tổ chức Tiền Tệ thế giới (IMF-WB), tại các tổ chức Khoa học ngay cả cơ quan Khoa học Không gian NASA của Mỹ, họ là những quân nhân cao cấp, những nhà Tư pháp, những nhà Hành pháp, những nhà lập pháp, thành viên Quốc hội tại các quốc gia mà họ đang sinh sống.

Cùng với tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc, cách đây 16 năm, ngày 29-8-2005, ông Võ văn Kiệt, cố Thủ tướng Chính phủ Việt Nam (1991-1997) đã lên tiếng kêu gọi Đại Đoàn Kết Dân Tộc. Theo ông đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết từ già đến trẻ, từ trên xuống dưới, từ Bắc chí Nam, từ Quốc gia đến Cộng sản và từ trong nước đến hải ngoại… Những lời kêu gọi của ông vào lúc ấy được các giới báo chí trong nước và quốc tế đăng tải và phân tích. Phần nhiều những nhà tường thuật và phân tích, ngay cả báo chí trong nước như các tờ Tuổi Trẻ và Nhân Dân, đều dành cho ông chân tình và thiện cảm, mặc dầu những điều phát biểu của ông nhằm mục đích chống lại hàng ngũ bảo thủ cực đoan trong Đảng Cộng sản Việt Nam. (Xem Đào Như, Việt Nam mười năm sau lời kêu gọi “đại đoàn kết dân tộc” của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ở đây)

Trong những ngày gần đây cũng có những biểu hiện về tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc. Nhà báo Bùi Tín, nguyên Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Tổng biên tập báo Nhân dân, ngày 31-1-2017 viết bài tường thuật (xem ở đây) về buổi họp mặt lịch sử hôm 9-1-2017 tại Dinh Độc lập Sài Gòn, tức là Hội trường Thống Nhất ngày nay, giữa các cán binh và thân nhân Hoàng Sa – Gạc Ma, thuộc Quân đội Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm ba năm hoạt động của tổ chức Xã hội Dân sự Nhịp Cầu Hoàng Sa, và cũng là cơ hội để thực hiện giấc mộng hòa hợp hòa giải dân tộc. Đây cũng là lúc cần ghi lại dấu ấn lịch sử: Các cán binh Quân đội Việt Nam Cộng hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có một thời đứng chung một chiến hào, cùng chung một chiến tuyến chống lại kẻ thù truyền kiếp của dân tộc – bọn Trung Cộng lấn chiếm Biển Đông… Tích cực tham gia góp sức đáng kể cho Nhịp Cầu Hoàng Sa, ngoài những nhà văn, các nhà Sử học, các nhà kinh doanh ở trong nước, còn có các nhà văn nhà báo của cộng đồng người Việt ở hải ngoại như các ông Đỗ Quý Toàn, Đinh Quang Anh Thái và nghệ sĩ Kiều Chinh.

Liền sau đó, hôm 1-2-2017, ông Phạm Chí Dũng nêu lên vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam phải tìm hòa hợp hòa giải về Văn học (xem ở đây) khi Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam ông Nguyễn Hữu Thỉnh đột ngột ra thông báo mời tất cả các nhà văn trong nước và hải ngoại kể cả những người cầm bút đã từng phục vụ cho chế độ Sài Gòn, về tham dự hội nghị hòa hợp hòa giải nhân dịp ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương sắp tới vào ngày 10-3-2017. Sự kiện này là chỉ dấu cho thấy một chủ trương/chiến dịch chiêu dụ người Việt ở hải ngoại do Đảng Cộng sản chỉ đạo thực hiện từ đầu năm 2017. Theo ông Phạm Chí Dũng, có điều khác với tư thế đủng đỉnh của nghị quyết 36 về công tác vận động người Việt ở hải ngoại 13 năm về trước, lần này mọi chuyện có tính cấp bách và có nghĩa sống còn đối với tình trạng đang tan rã, đang suy thoái của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trang mạng Văn Việt hôm 25-1-2017, cũng đăng bài (xem ở đây) cho thấy những cố gắng tổ chức gặp mặt và trao đổi thân tình giữa các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, trong nước và hải ngoại tại Hà Nội, Sài Gòn, Hoa Kỳ (Santa Ana, Virginia, Garland) với sự góp mặt đông đủ các anh em văn nghệ sĩ ở trong nước và hải ngoại gồm có Chủ bút Việt Báo Phan Tấn Hải, nhà thơ Đỗ Quý Toàn, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc, nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Đức Tùng, Nhật Tiến…

Một sự kiện lịch sử cuốn hút sự chú ý của mọi giới cầm bút trong nước cũng nhu hải ngoại: Sáng ngày 3-3-2017, tại quán cà phê Sỏi Đá, một quán cà phê nổi tiếng của Sài Gòn, đã diễn ra lễ trao giải thưởng Văn Việt lần thứ hai cho những tác phẩm được phổ biến trên mạng Văn Việt vào năm 2016. Ngày 3-3-2017 là ngày sanh thứ 31 của Hội Nhà văn Thế giới và cũng là ngày kỷ niệm ba năm thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam. Khác với buổi lễ trao giải Văn Việt lần đầu tiên hôm 3-3-2016, đã phải gặp nhiều khó khăn trắc trở vì bị nhà cầm quyền lúc ấy “chiếu cố” quá nhiều. Nhưng lần thứ hai này theo qui chế hòa hợp hòa giải dân tộc phát động từ phía chính phủ nên nhà cầm quyền cũng phải thông cảm. Nhờ vậy buổi lễ chẳng những được diễn ra công khai mà còn có màn hình chiếu slide, có cả pamphlets giới thiệu các tác phẩm được giải. Khách tham dự buổi lễ lần này có nhiều thành phần và từ nhiều nơi trong nước và hải ngoại, từ Hà Nội, Quảng Bình, Hội An, Vũng Tàu, Sài Gòn, Pháp, Mỹ, Canada… Đến từ Hà Nội có nhà tài trợ chính, ông Nguyễn Quang A (Chuyên viên tư vấn đầu tư), Ông Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội), ông Thái Kế Toại (cựu Giám đốc hãng phim Công An) – hai ông sau là thành viên của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam từ ba năm nay. Riêng ông Phạm Xuân Nguyên còn có chân trong ủy ban chấm giải. Hầu hết các nhà văn nhà thơ, các nhà nghiên cứu, thành viên của văn đoàn độc lập, đều có mặt nhất là hai ông Chủ tịch Nhà văn Nguyên Ngọc và ông ủy viên thường trực nhà thơ Hoàng Hưng. Cũng có mặt một số nhà văn hóa từ hải ngoại về tham dự, nhà phê bình văn học Đặng Tiến từ Pháp, dịch giả Lý Lan từ Mỹ, Nam Dao từ Canada… (xin xem thêm tin trên trang Bauxite Việt Nam, ở đây). Chủ tịch Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu: “Lễ trao giải thưởng Văn Việt lần thứ hai này tiếp tục khẳng định quyền tự do sáng tác và quyền được công bố tác phẩm là quyền tối thiểu. Nhưng lại tối thiêng liêng của mọi nhà văn và người cầm bút Việt Nam ở bất cứ vùng miền nào trên trái đất. Không có quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học của nước nhà với những tác phẩm được nhân loại ghi nhận.”

Các Giải Văn Việt lần thứ hai gồm có:

Giải Đặc biệt được trao cho bác sĩ Ngô Thế Vinh hiện ở Hoa Kỳ cho hai tác phẩm của ông phổ biến trên Văn Việt vào năm 2016 – Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóngMekong dòng sông nghẽn mạch. Vì không có đủ điều kiện về tham dự nên Bác sĩ Ngô Thế Vinh đã ủy quyền cho nhà thơ Lý Đợi của nhà xuất bản Giấy Vụn nhận giải và đọc diễn từ thay ông.

Hai Giải Chính thức về Thơ, một trao cho nhà thơ Ngu Yên hiện đang sống ở Hoa Kỳ, một được trao cho nhà thơ Vũ Thành Sơn, đang sống tại Hà Nội cho những bài thơ của hai ông được phổ biến trên vanviet.info vào năm 2016.

Một giải Chính thức về Nghiên Cứu Phê Bình được trao cho Nhà thơ bác sĩ Nguyễn Đức Tùng hiện đang sanh sống tại Canada.

Hai giải Văn, một trao tặng cho nhà văn quá cố Nguyễn Khắc Phục, quê Nam Định, cho tiểu thuyết Hỗn độn; và một cho nhà văn Nguyễn Viện, hiện sống tại Sài Gòn cho tác phẩm Nhảy múa để chết.

Trừ nhà văn quá cố Nguyễn Khắc Phục, tất cả mọi người được tặng giải đều có diễn từ hay thư cám ơn do chính mình đọc hay nhờ người khác đọc. Trường hợp nhà văn Ngô Thế Vinh, diễn từ của anh được viết trên hai ngôn ngữ Việt và Mỹ và nhờ nhà thơ Lý Đợi đọc giùm phần tiếng Việt.

Vì sự giới hạn của một bài nhận định, tôi xin đặc biệt chú trọng đến Giải đặc biệt trao cho nhà văn Ngô Thế Vinh. Đây là giải lớn của lần này và được nhiều người săm soiphân tích nhiều nhất. Điều này cũng rất phù hợp với nội dung của hai quyển sách của ông: Cửu Long cạn dòng Biển Đông nổi sóng (năm 2000) và Mekong dòng sông nghẽn mạch (năm 2007). Cả hai tác phẩm này đều được nhà xuất bản lề trái Giấy Vụn ở trong nước lần lượt cho ra mắt vào năm 2012, 2014 và phổ biến rất giới hạn trong điều kiện vô cùng khó khăn và nguy hiểm cho nhà xuất bản của các bạn trẻ trong nước yêu nền văn học tự do. Điều quan trọng phía sau hai tác phẩm này, như tác giả Ngô Thế Vinh đã xác định: “Tôi muốn chuyển tải thông điệp mang tính dự báo về ý đồ hiểm độc của Trung Quốc và về những tranh chấp không thể tránh được giữa Trung Quốc và các quốc gia trong lưu vực sông Mekong. Và dự báo ấy với thời gian đang được chứng nghiệm… Cái yếu tố Trung Quốc là căn cơ đang hủy diệt con sông 4800 Km và đe dọa nguồn sống của biết bao nhiêu triệu dân cư trong lưu vực. Yếu tố Trung Quốc đó, cũng còn là nút chặn cả tự do học thuật của Việt Nam…”

Giải đặc biệt lần này là để một lần nữa công khai nhấn mạnh giá trị của hai tác phẩm về sông Mekong của nhà văn Ngô Thế Vinh. Nhưng phía sau giá trị của hai tác phẩm này, tôi muốn liếc mắt nhìn qua giá trị của những bài viết của tác giả Ngô Thế Vinh cộng tác với Văn đoàn Độc lập trong gần một năm qua. Những bài viết của anh đăng trên Văn Việt năm 2016, ngoài hai bài về sông Mekong, còn có nhiều bài viết khác chuyên về văn học: Nguyễn Xuân Hoàng và mùa thu Nhật Bản, Tưởng niệm ngày giỗ đầu nhà văn Mặc Đỗ 1917 – 2015 và bài thơ haiku cuối cùng, Bốn mươi năm Dương Nghiễm Mậu và tự truyện Nguyễn Du, nhất là bài viết về Hành trình đến tự do: nhà văn thuyền nhân Mai Thảo. Đây cũng là bài viết tâm huyết của tác giả Ngô Thế Vinh thể hiện cái nhìn của chính ông về những thiếu sót của nền văn học của quê hương Việt Nam trong hiện tại. Trong lời mở đầu ông thiết tha: “Có lẽ ngày nào đó Việt Nam sẽ có tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết hiện chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần hồn. Đã 36 năm từ ngày Mai Thảo trả lời cuộc phỏng vấn của Jane Katz 7-10-1980, hai năm sau ngày anh đặt chân tới Mỹ và cũng đã 18 năm kể từ ngày anh mất, Việt Nam vẫn chưa có tự do và thân xác anh đã vùi nông trên một lục địa mới xa vời với một nơi được gọi là nơi quê nhà.”

Phải chăng Ngô Thế Vinh đang đòi hỏi món nợ hòa hợp hòa giải dân tộc mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cần phải giải quyết dứt khoát bằng cách mở rộng Tự do, Dân chủ, và thể chế Đa nguyên Pháp quyền dựa trên nền tảng Xã hội Dân sự để mở rộng đường cho những nhà văn hóa, những nhà quốc gia yêu nước ở hải ngoại có cơ hội trở về quê hương sinh sống và phục vụ quê cha đất tổ? Trong lịch sử tranh chấp chính trị, tư tưởng giữa Bắc và Nam, nhà cầm quyền cộng sản miền Bắc luôn luôn loại trừ những nhà yêu nước thuộc thành phần Quốc gia, nhất là giới trí thức dinh tê, vượt tuyến hay di cư vào Nam sau hội nghị Genève 1954 như kịch tác gia Vũ Khắc Khoan, luật sư Trần Thanh Hiệp, họa sĩ Tạ Tỵ, nhạc sĩ Phạm Duy, các nhà văn Mặc Đỗ, Doãn Quốc Sĩ, Võ Phiến, Mai Thảo, … Và cả những người trẻ hơn như Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Ngô Nhân Dụng… mà nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam hiện tại đã gọi họ là những nhà văn biệt kích, nhà thơ biệt kích, những nhà văn hóa biệt kích và qui họ là nhân viên của Nha Kỹ Thuật (Strategic Technical Directorate – STD), là nhân viên của Sở Tâm Lý Chiến số 7 đường Hồng Thập Tự Sài Gòn, là nhân viên của Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương (Central Intelligence Office – CIO), số 3 Bạch Đằng Sài Gòn… Nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam hiện tại quyết tâm chối bỏ những công trình văn học nghệ thuật, những cống hiến lớn lao xây dựng văn hóa cho dân tộc của cộng đồng người Việt ở bên này vĩ tuyến 17 trong giai đoạn từ năm 1954 đến 1975. Và nhất là những công trình những cống hiến của cộng đồng người Việt ở hải ngoại sau tháng Tư, 1975. Phải công bình mà nói những cống hiến của cộng đổng người Việt bên này vĩ tuyến thứ 17 và cộng đồng người Việt ở hải ngoai hiện nay, thì quả là đồ sộ hơn nhiều về chất cả lượng so với công trình cống hiến của người Việt sống dưới chế độ chuyên chính vô sản, độc quyền đảng trị của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại.

Ấy vậy mà nhà văn Ngô Thế Vinh vẫn mạnh dạn nhắc đến và ca ngợi ca những tên tuổi coi như bị cấm kỵ dưới chế độ Cộng sản Việt Nam qua các bài viết đăng trên Văn Việt năm 2016. Như chúng ta đã thấy ông đã dành một tấm lòng không phải là nhỏ đối với nhà văn Mai Thảo qua bài: Hành trình đến tự do: nhà văn thuyền nhân Mai Thảo. Sau đó là bài viết Nguyễn Xuân Hoàng và mùa thu Nhật Bản. Qua bài viết này, tác giả Ngô Thế Vinh rất hãnh diện về mối quan hệ văn học với nhà thơ Nguyễn Xuân Hoàng. Trong bài viết Tưởng niệm ngày giỗ đầu nhà văn Mặc Đỗ 1917 – 2015 và bài thơ haiku cuối cùng, tác giả Ngô Thế Vinh đã tôn vinh nhà văn hóa Mặc Đỗ như một gương mặt lớn, một mẫu mực trong nển thơ văn của Việt Nam khi anh nhắc bài thơ Haiku của Mặc Đỗ đọc lại cho con cháu nghe vào phút lâm chung: “Nhớ sống muốn tìm thơ, Khi nào thơ đến bắt đầu sống, Sống cuộc đời như xưa”.

Có điều làm độc giả phải ngạc nhiên và thán phục là diễn đàn Văn Việt đã tiếp ứng các bài viết của tác giả Ngô Thế Vinh nhiệt tình và trọn vẹn, không hề cắt bỏ một hình ảnh nào, hay một câu văn nào có thể gây ‘sốc’ cho các cấp lãnh đạo văn học nghệ thuật của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại.

Vì những lý do ở trên, không ai ngạc nhiên khi thấy nhà văn Ngô Thế Vinh, trong diễn từ nhận giải đặc biệt, đã mạnh dạn phát biểu: “Văn Việt là một diễn đàn mà tôi cộng tác do tinh thần tự do của những nhà văn độc lập như một yếu tố chính của sáng tạo, không chấp nhận là công cụ trong bộ máy chính trị… Văn Việt đang dụng công giới thiệu với độc giả trong nước một giai đoạn sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam 1954-1975 vẫn bị coi là cấm kỵ và cả giới thiệu dòng sinh hoạt văn học ấy ở hải ngoại. Văn Việt đang bắc một nhịp cầu đối thoại và hợp tác giữa các giới văn nghệ sĩ trong nước và hải ngoại với ý nghĩa tôn trọng tự do của người cầm bút hướng tới một Việt Nam dân chủ, tiến bộ và đang trải rộng ra trên toàn cầu…”. Với những cảm nhận sâu sắc trước thái độ và quan điểm của diễn đàn Văn Việt, trong một đoạn trước đó của bài diễn từ, nhà văn Ngô Thế Vinh ghi nhận: “Là người cầm bút ở miền Nam trước đây và hải ngoại sau này, sống sót giữa hai thế kỷ, đã trải nghiệm qua hai chế độ cùng những năm tháng tù đày, tôi không thể không chạnh lòng nghĩ tới những văn nghệ sĩ phải sống thiếu tự do ở quê nhà. Nhưng rồi tôi cũng lạc quan để thấy trong ngọn lửa đỏ thiêu rụi ấy, vẫn có những con phượng hoàng vụt dậy từ tro than, cất cánh bay lên như một Bùi Ngọc Tấn với Chuyện Kể Năm 2000, đem tới cho ta niềm hy vọng…”.

Xuyên qua những sự kiện lịch sử có ý nghĩa về hòa hợp hòa giải dân tộc vừa diễn ra cuối tháng 12-2016 và ba tháng đầu năm 2017, buổi lễ trao giải của Văn Việt hôm 3-3-2017 cũng chỉ là nối tiếp và phát huy tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc, một di sản vô cùng trân quí của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 2005. Những sự kiện lịch sử vô cùng to lớn này, có cho phép chúng ta được lạc quan nghĩ tới từ một quá khứ đen tối đầy mâu thuẫn ý thức hệ, Việt Nam hôm nay vụt đứng lên sáng lòa cùng nhân loại trong tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc. Liệu chúng ta có thể dứt khoát chấm dứt cuộc đấu tranh tư tưởng giữa anh em chúng ta đã kéo dài hơn 42 năm, trong một ngày rất gần đây? ./.

Chicago, 10-3-2017

Comments are closed.