Văn học Miền Nam 54-75 (577): Nguyễn Mộng Giác (kỳ 11)

Đường một chiều

Chương 4

Tôi cứ tưởng phiên tòa xử vụ án mạng sẽ mở chừng một tuần lễ sau ngày tôi về là cùng. Đã có lệnh của ông tướng, tất nhiên mọi sự phải tiến hành nhanh chóng. Nhưng tôi đã lầm. Tôi nấn ná ở lại với lũ con mất mẹ thêm một tuần lễ nữa, mọi sự vẫn còn dậm chân tại chỗ. Người ta bảo phải hỏi thêm một vài nhân chứng quan trọng khác, rồi mới chuyển hồ sơ lên tòa mặt trận. Trong khi đó, tin tức chiến trường mỗi ngày một thêm sôi động. Tiểu đoàn của tôi liên tiếp đụng lớn. Tôi nóng ruột quá, không biết các sĩ quan của tôi đã điều hành công việc ra sao. Cuối cùng, tôi phải  gửi hết mọi chuyện ở nhà cho Tín và Ly, xin máy bay trở lại đơn vị.

Mãi một tháng sau, Tín mới gửi trát đòi của tòa lên cho tôi. Bây giờ thì tình thế khá hơn, nên tôi xin phép không mấy khó khăn. Tôi về đây hôm qua, vui mừng thấy mọi việc trong nhà được Ly xếp đặt ngay ngắn đâu vào đó. Lũ trẻ ăn mặc tươm tất, sức khỏe tương đối khá. Chỉ có Mi hơi xanh hơn trước, Ly cho tôi biết con bé vừa bị đi tướt, nhưng chú Tín đã đem xe đi rước ông trung úy quân y trên sư đoàn về xem bệnh tại nhà, nhờ thế Mi dứt bệnh hôm kia.
Tối hôm qua, lũ trẻ tíu tít nói chuyện cả đêm, mãi mười một giờ khuya vẫn không có đứa nào chịu ngủ. Tôi phải giảng hòa các cuộc đấu tố gay gắt giữa Ty với Nô, hoặc bằng gương mặt nghiêm, hoặc bằng lời hứa hão. Để buộc chúng đi ngủ, tôi phải nhắc:
– Các con không được thức khuya nữa. Đi ngủ hết. Đứa nào ngủ trước mai ba cho dự phiên tòa.
Nô hỏi:
– Phiên tòa là gì hở ba?
Ty làm ra vẻ đàn chị:
– Là phiên tòa xử mấy người ác đó. Ai ở ác bị phiên tòa xử bắt ở tù, hay cho sa xuống hỏa ngục.
Ly hỏi nhỏ:
– Con có phải đi không ba?
Tôi nghe trong giọng nói của Ly có cái gì e dè lo âu. Tôi bảo:
– Đi chứ! Ly là nhân chứng quan trọng nhất trong vụ này mà. Chỉ có một mình con là người chứng kiến ngay từ lúc đầu.
Giọng của Ly nhỏ hơn như một lời thì thào:
– Thật ra con có biết điều gì nhiều đâu.
Tôi không nói gì, sợ chạm tới vẻ mong manh khó hiểu trong tâm hồn con bé. Tôi lảng sang chuyện khác:
– Con đã ủi sẵn mấy bộ quần áo tang cho lũ nhỏ chưa?
Ly trả lời:
– Thưa ba rồi. Nhưng, nhưng tại sao lại phải  mặc áo tang để ra tòa, thưa ba?
Tôi nói nhát gừng:
– Đấy là ý kiến của chú Tín. Chú ấy muốn làm xúc động ông chánh thẩm.
Ly cắn môi suy nghĩ, nét mặt có vẻ lo lắng băn khoăn. Nét mặt đặc biệt ấy làm cho tôi trằn trọc suốt đêm. Tôi hiểu rõ sức mạnh ý chí của con bé. Đôi mắt sáng, đôi môi thường mím, Ly có khuôn mặt hơi đanh lại, lớn trước tuổi. Từ hơn tháng nay, một mình quán xuyến mọi việc, con bé trở thành một người mẹ nhỏ thật sự. Giọng gắt gỏng đanh thép mỗi lần Ly la rầy con Gái, cái uy quyền đối với các đứa em khác cha ngỗ nghịch tôi đã thấy rõ nghe rõ ở Ly từ chiều hôm qua. Với sức chịu đựng vô biên, gió mưa bão táp chỉ có thể làm ướt mái tóc, nhưng khó lòng làm ánh mắt Ly lo âu. Nỗi sợ hãi ấy do đâu mà có?
Tôi đã làm gì khiến con bé mồ côi lo lắng?
Tôi trằn trọc soát xét lại mình, nhẩm lại từng lời viết trong thư từng lời nói hồi chiều. Phải, tôi đã e dè, hết sức e dè mỗi khi giao tiếp với Ly. Tôi có cảm giác chua xót là đã làm khổ Ly, đã cướp Thúy của nó, đã buộc nó gánh vác cả một gánh nặng gia đình. Đáng lý Ly phải được sung sướng hơn, một mình hưởng sự nuông chiều của mẹ. Tất cả là do tôi. Nét mặt buồn khổ, hay nói đúng hơn, một cái nhíu mày của Ly cũng làm cho tôi thắc mắc ray rứt không yên.
Tôi trăn qua trở lại suốt đêm tự hỏi không hiểu ngày mai vụ án sẽ đưa đến đâu. Quá khuya, chắc là vào khoảng ba giờ sáng tôi ngủ được chút ít. Sáu giờ sáng tôi choàng thức dậy. Ly đã dậy trước tôi, không cần thức con Gái, một mình xuống bếp nấu nước pha sữa cho các em. Tôi đoán thế, vì nghe tiếng dép quen thuộc của con bé, lẫn tiếng cái muổng va vào ly thủy tinh lách cách. Tôi lắng tai chú ý xem Ly còn làm gì nữa, nhưng thất vọng, vì sau đó là sự yên lặng hoàn toàn. Tôi nằm ráng một lúc, xem đồng hồ thấy kim chỉ sáu giờ mười lăm. Dậy là vừa. Xuống nhà bếp tôi ngạc nhiên thấy Ly đang ủi mấy cái áo tang. Tôi hỏi:
– Con ủi lại à?
Ly không ngờ bị bắt gặp lúng túng:
– Dạ không. Tại… Tại khi hôm con quên ủi. Lúc ba hỏi, con sợ nói là đã ủi xong. Vì vậy sáng nay phải dậy sớm ủi hết áo của ba và các em.
Ly ngập ngừng một lúc, rồi e dè nói:
– Mình mặc áo thường không được sao ba?
Tôi không biết trả lời thế nào, nói hàng hai:
– Ba không biết. Nhiều khi thủ tục phiên tòa họ buộc thế.
Ly không nói gì thêm, tiếp tục làm việc. Lũ trẻ có lẽ nghe tiếng động, lần lượt thức dậy. Nghe tôi báo cho biết hôm nay đứa nào cũng phải mặc áo tang, cả Ty lẫn Nô đều reo mừng, hí hững.
***
Lúc tám giờ, Tín lái  xe tới. Chúng tôi chờ sẵn đã lâu, nên cả nhà ùa nhau leo lên chiếc Jeep để đến tòa. Chúng tôi đến quá sớm. Phòng xử còn trống trơn. Chỉ có hai người lính quân cảnh đang xếp đặt lại bàn ghế trên khán đài và phủi bụi mấy hàng ghế phía dưới. Tín đến hỏi mấy người lính, rồi dẫn chúng tôi đến ngồi ở mấy cái băng đầu bên phải.
Tôi thắc mắc hỏi Tín:
– Sao phòng này giống cái rạp hát, hay hội trường quá. Nhất là khán đài cao kia, chẳng khác gì cái sân khấu.
Tín cười bảo:
– Chính thị. Tòa quân sự có phòng xử án đẹp và oai nghiêm lắm. Nhưng hơi hẹp. Hơn nữa, hiện nay người ta đang cho sửa lại. Cho nên phải mượn đỡ hội trường này.
Rồi Tín chỉ lên sân khấu:
– Thiếu tá thấy không? Còn y nguyên cái rèm đỏ phía trên, hai cánh gà cho người nhắc tuồng, với mấy cuốn phông ở gần cái xà ngang. Hội trường này của quân đội, nhưng trước đây là nơi trình diễn văn nghệ của tâm lý chiến.
Lũ trẻ chỉ e ngại với cảnh lạ được mười lăm phút, sau đó bắt đầu táy máy, phá phách. Tôi lo sợ hỏi Tín:
– Chú nói phiên tòa xử lúc tám giờ mà.
Tín cải chính:
– Chín giờ chứ, hôm nay có tất cả ba vụ đại hình. Nhưng người ta sợ vụ của chị kéo dài cả buổi không xong, nên hoãn lại hai vụ kia.
Tôi giao cho Ly phận sự giữ gìn không cho hai đứa trẻ chạy nhảy la hét, quay sang nói chuyện với Tín. Tội nghiệp Tín biết rõ tôi đang nghĩ gì, cũng như biết rõ bao nhiêu cảnh vật, nghi thức, lo lắng chung quanh là để làm gì. Nhưng Tín cố ý nói quanh để không chạm nhẹ chút nào đến vết thương của tôi. Chủ ý nhân ái đó làm khó làm dễ Tín không ít. Dù cố tránh thế nào, Tín cũng va nhẹ tôi đôi chút, hoặc nhiều hoặc ít. Mỗi lần như vậy, vẻ mặt của Tín bối rối đến tội nghiệp. Chung quanh chúng tôi, người dự khán kéo đến mỗi lúc một đông. Một số lớn là quân nhân quen biết với tôi trong căn cứ. Họ đến bắt tay chia buồn qua loa rồi xoay quanh tìm chỗ ngồi tốt. Có vài người nặng lời nguyền rủa Ninh, chắc họ nghĩ làm như vậy tôi sẽ bằng lòng. Nhưng thấy nét mặt ơ hờ của tôi, họ khựng lại, nói lảng sang chuyện trời nắng trời mưa một lúc rồi rút lui. Những kẻ không quen biết thì ngồi tránh ở xa, chỉ trỏ mấy cha con tôi rồi thì thào với nhau. Hình như vẻ nhí nhảnh duyên dáng của Ty và nét mặt khôi ngô của Nô góp một phần nào cho thiện cảm pha lẫn thương hại họ dành cho tôi. Còn nét mặt sầu muộn của Ly, theo tôi đoán cũng gợi lên đôi ý kiến xầm xì trái ngược: có thể họ thương hại cho Ly, có thể họ căn cứ vào sự hiện diện của con bé để biện hộ cho những nghi hoặc đầy rẫy ác ý. Người ta đến càng đông, chúng tôi càng thấy nhột nhạt khó chịu. Bộ đồ tang của mấy cha con trở thánh tấm bia của hàng trăm đôi mắt nhìn hun hút, khó hiểu. Cả đến Ty và Nô, bằng trực giác, cũng tự nhận thấy mình bị quan sát, đành đến ngồi ngoan ngoãn bên cạnh Ly, không dám chạy đi chạy lại như trước. Tôi nói nhỏ với Tín:
– Cậu tính sai rồi nhé. Làm xúc động ông chánh thẩm, điều đó không lấy gì làm chắc. Nhưng chắc chắn là lúc này đây mấy bộ đồ tang làm cho thiên hạ đổ vào mình mà nhìn xoi mói. Khó chịu lạ.
Tín bối rối bảo:
– Em quên nghĩ đến điều ấy. Nhưng họ nhìn mặc kệ họ. Thấy kẻ khác chịu cảnh tang tóc, là cái thú của trần gian!
Tôi quay nhìn Tín, tưởng Tín nói đùa. Mà thật vậy, tôi không thể tin được với gương mặt ấy, với đôi mắt trong sáng yêu đời và cái miệng luôn luôn tươi cười, Tín có thể nghĩ đến những điều xấu xa tồi tệ trên đời. Tôi nhận xét thật thà.
– Cậu chưa đến tuổi bi quan đâu.
Tín nói:
– Thiếu tá lầm. Đã đến lâu rồi. Từ ngày thấy bạn bè say mê nghiệp lính một cách khác thường. Rồi gần đây từ lúc thấy hàng xóm láng giềng của thiếu tá cư xử với lũ nhỏ, em càng hoang mang. Không hiểu họ vui hay họ buồn thấy cảnh tang tóc bi thảm trong căn nhà đó. Căn cứ theo cách nói chuyện, cách cười đùa, cách vồ vập huơ tay múa chân, phải nhận là họ vui.
Tôi muốn kiểm chứng nhận xét của Tín, đột ngột quay lại nhìn khắp phòng xử. Tín nói đúng. Cả phòng đang huyên thiên bàn tán, mắt người nào cũng sáng rực cả niềm vui. Vài người ngồi gần ngượng nghịu tránh đi hoặc mím môi lại không nói nữa. Tuy nhiên, tôi biết là khi tôi quay sang hướng khác, họ sẽ được cười hả hê. Còn phần đông những kẻ ngồi xa hơn thì giữ thái độ tỉnh táo như không. Chẳng những thế, họ lại cố ý nhìn thẳng vào mặt tôi mà thách đố nữa.
Có tiếng hô NGHIÊM ở cửa vào và tiếng xô chạm băng ghế để đứng dậy. Lòng tôi hồi hộp, biết ông chánh thẩm và các ông phụ thẩm đã đến. Cả phòng xử đột ngột im lặng. Tôi hoang mang quá, tự nhiên lo âu cái gì thật mơ hồ, đến nỗi không dám quay lại nhìn xem mặt mũi những người cầm cân công lý ra sao. Tôi nghe tiếng giày nện trên nền, biết họ tiến dần đến gần. Họ tiến đến sát tôi. Rồi họ dừng lại. Một giọng Bắc hỏi:
– Gia đình nạn nhân đấy phải không?
Rồi tiếng giày tiếp tục bước tới. Tôi ngước lên nhìn, thấy ông chánh thẩm mặc thường phục màu xám đi đầu, dáng người cao lớn vì khổ lưng và vai mập, rộng. Phía sau là bảy người  mặc quân phục. Ông chánh thẩm và bốn sĩ quan đi về phía tay mặt bước lên một bậc cấp xi măng hẹp rồi biến mất đằng sau tấm cánh gà lớn có vẽ hai hình mặt nạ đang khóc và đang cười. Họ làm gì khá lâu đằng sau tấm cánh gà, khiến cả hội trường nhìn lên, nôn nao chờ đợi trong lặng lẽ. Trong khi đó, hai sĩ quan còn lại mang hồ sơ theo bậc cấp bên kia lên ngồi ở hai cái bàn nhỏ kê phía tay phải và tay trái khán đài. Họ đặt cặp lên mặt bàn, dáng điệu nôn nóng như vừa thoát khỏi một hình dịch. Lúc họ nhìn xuống phía dưới, tôi biết viên sĩ quan ngồi phía tay trái là trung úy, người ngồi ở bàn phía phải là thiếu úy. Viên thiếu úy lo lắng xếp đặt lại hồ sơ, còn viên trung úy thì mệt nhọc lật từng tờ giấy trong cái bìa đỏ, vẻ chán chường hiển hiện trong cách chống cằm, cách nghiêng người, cách vuốt lại mái tóc. Người lính đi cuối cùng không bước lên sân khấu, mà dừng lại gần cửa hông bên phải, quay mặt ra hội trường, đứng nghiêm chờ đợi. Trên cổ áo lính thẳng nếp, tôi thấy ông ta mang lon thượng sĩ. Tín nói nhỏ:
– Ông thừa phát lại.
Tôi hỏi:
– Còn hai sĩ quan trên sân khấu?
– Viên trung úy là công tố viên, người bên kia là lục sự.
Cả hội trường lóng ngóng đợi năm phút, rồi mười phút. Thấy lâu quá nhiều người bắt đầu đánh bạo ngồi xuống băng. Rồi những kẻ rụt rè cũng bớt sợ tội bất kính với công lý, lần lượt ngồi xuống theo, dù hai người lính quân cảnh ở cửa hông và người lính quân cảnh đứng gần vành móng ngựa vẫn giữ tư thế nghiêm. Đám lính quân pháp ở hàng ghế đầu và ở cuối hội trường sửa lại thế súng, chuẩn bị sẵn sàng.
Rồi cái gì phải đến đã đến. Cả hội trường nức lên rộn rã, nao nức khi ba hồi chuông reo inh ỏi. Từ tiểu đội lính gác phía sau lưng tôi, ngay chỗ cửa lớn vào hội trường, ai đó dõng dạc hô lớn: nghiêm. Bắt súng chào. Bắt. Mọi người giật mình đứng bật dậy, nín thở hồi hộp. Tiếng những bàn tay mạnh vỗ vào bá súng rập ràng chấm dứt nhanh chóng tiếng lao xao rì rầm và chỉ còn lại tiếng gió reo trên ngọn thông bên kia mái tôn.
Ông chánh thẩm và bốn sĩ quan phụ thẩm xuất hiện trên sân khấu. Ông chánh thẩm đã thay bộ đồ dân sự màu xám nhạt lúc nãy, mặc áo thụng đen ra đứng ở chính giữa. Bên phải ông là một đại úy đầu hói và một trung úy thân hình quá đẫy đà. Bên trái ông chánh thẩm là một thiếu tá vóc nhỏ mang kính cận và một viên trung úy gương mặt hơi xanh xao. Cả năm người trong thành phần xử án đứng thẳng trước ghế mình, mặt lạnh lùng nhìn chếch lên phía mấy cái quạt máy trên trần.
Ông chánh thẩm nói lớn:
– Tòa quân sự mặt trận quân khu khai mạc.
Ông thượng sĩ thừa phát lại kéo chân trái về chỉnh đốn thế nghiêm, cao giọng nhắc lại:
– Tòa khai mạc.
Giọng ông ta nhỏ và khó nghe hơn cả lời truyền của ông chánh thẩm, tạo một biến cố khôi hài đột ngột. Nhưng không ai dám cười chỉ khi ông chánh thẩm và bốn phụ thẩm kéo ghế ngồi xuống, tiếng va chạm lạch cạch mới đủ khiến vài người lấy bạo xì xầm nho nhỏ. Người lính chỉ huy phía cửa lớn lại hô đem súng xuống. Đã quen với thủ tục, mọi người tự động lần lượt ngồi xuống ghế mình.
Trên sân khấu, ông chánh thẩm vẫn giữ nét mặt nghiêm nghị lạnh lẽo. Ông quay sang hỏi nhỏ gì đó viên thiếu tá mang kính. Vừa ngửng lên, ông mỉm cười chào trả một người mặc áo trạng sư xách cặp da từ cửa trước bước lên.
Tôi ngạc nhiên hỏi Tín:
– Luật sư bên đó phải  không? Gia đình bên thằng Ninh có vào không?
Tín nói ỡm ờ:
– Hình như có. Gia đình Ninh vào đây từ một tuần nay.
Tự nhiên, tôi đâm lo âu. Không hiểu rõ lo âu cái gì. Đã từ lâu, từ hồi rời mặt trận trở về chịu tang Thúy, tôi vẫn mong ước công lý soi sáng được các uẩn khúc tối tăm của thảm kịch, để cả hình ảnh Thúy lẫn khuôn mặt Ninh vẫn giữ vẹn nét hiền hậu trong sáng cũ. Nhiều hôm một mình nhìn bóng đêm và nghe gió thổi xào xạc vào lá cây, tôi cảm thấy lo sợ vu vơ, mang máng rờn rợn thấy trước một cuộc đổ vỡ nào đó, ít ra cũng xót xa chẳng kém cuộc phân ly sinh tử. Đêm tối bất trắc. Rừng đen tráo trở. Tiếng gió rên siết ma quái. Ám ảnh ấy chờn vờn mỗi khi đêm xuống, suốt cả tháng trời. Rồi đột nhiên, giữa lúc ánh sáng rạng rỡ và trong cảnh uy nghi này, cảm giác bất an lại về. Vì đâu? Vì đâu? Trước mắt tôi, mọi sự nhộn nhạo quay cuồng. Rồ một vật đen thoáng di động, lúc ẩn lúc hiện. Rồi mây mờ tan biến và hình ảnh xác định: viên luật sư đang cúi xuống tìm kiếm gì đó trong cặp da…
Giọng ông chánh thẩm rõ ràng, hơi xẳng và đanh đá:
– Thừa phát lại cho gọi vụ số 14. Bị can Trần văn Ninh.
Ông thượng sĩ giật mình, đứng thẳng theo thế nghiêm một cách vội vã, quay sang phía cửa hông phải gọi lớn:
– Bị can Trần văn Ninh.
Tự nhiên tôi giật thót người. Tim đập liên hồi. Dạ tôi bồn chồn, vì từ ngày lên cao nguyên đến nay, tôi chưa gặp lại Ninh. Ngay khi xảy ra án mạng, có người đề nghị đưa tôi đến gặp Ninh để hỏi cho ra lẽ. Nhưng tôi cương quyết từ chối. Tôi đã hỏi: “Gặp hắn mà làm gì?” Trong thâm tâm, phải  thú nhận là tôi sợ. Sợ điều gì, tôi chưa xác định được. Sợ gương mặt của tráo trở? Sợ gương mặt của tội ác? Sợ gương mặt của nỗi chết? Sợ cả ba khuôn mặt ghê tởm má mọi người đời đều muốn quên, quên hết, quên mất. Cả đến lúc này, tôi vẫn còn sợ gặp, sợ nhìn gương mặt ấy. Sợ thấy rõ dấu vết sát nhân trên khuôn mặt hiền hậu mà tôi vẫn trìu mến bao dung, hoặc sợ dấu vết tiều tụy của hối hận dày vò. Tuy thế, sự tò mò cứ bắt tôi nhìn về phía cửa ấy, nôn nao chờ như mọi người. Rồi cuối cùng, hai người quân cảnh dẫn Ninh vào.
Tôi thất vọng. Ninh không có gì khác thường. Gương mặt hơi hốc hác một chút, nhưng cái áo sơ mi trắng làm cho cả người Ninh có vẻ thư sinh vô tội hơn lúc thường.
Trong phòng xử, có nhiều tiếng xôn xao. Chắc vẻ thư sinh của Ninh làm cho mọi người chưng hửng, đột ngột bị đặt vào một cái thế bất ngờ. Quân cảnh xô lưng đẩy Ninh đến trước vành móng ngựa. Bị bỏ lại một mình trước đám đông, Ninh bối rối đến tội nghiệp. Ninh ngơ ngác nhìn một lượt lên sân khấu, hai tay không biết phải đặt vào đâu. Ninh đứng thẳng theo thế nghiêm một lúc, rồi hình như nhớ ra điều đã dặn, tiến đến gần vành móng ngựa hơn, đặt hai bàn tay lên thành gỗ ngang.
Bên cạnh tôi, Nô nói nhỏ điều gì với Ty. Tôi quay lại định nhờ Ly canh chừng hai đứa bé, thấy Ly đăm đăm nhìn về phía Ninh, nét mặt khắc khoải bần thần khác thường. Tôi gọi con bé:
– Ly, con coi chừng đừng cho Ty với Nô làm ồn.
Ly giật mình, dạ khẽ, rồi ôm chặt Nô vào lòng.
Ông chánh thẩm hỏi lý lịch Ninh xong, truyền cho thừa phát lại gọi các nhân chứng. Tôi không ngờ bị gọi tên ngay từ đầu. Thượng sĩ phải nhắc lại lần nữa:
– Thiếu tá Lê Văn Lộc…
Tôi mới hiểu người ta làm gì. Tôi đứng bật dậy. Có cái gì vương vướng bên tay áo. Tôi quay sang phía phải. Không phải Nô hay Ty. Ly đang nắm chặt lấy cánh tay áo tôi, nét mặt sợ hãi cầu khẩn. Tôi nói nhỏ với Ly:
– Ba lên trình diện rồi về đây nay. Con giữ đừng cho các em làm ồn.
Rồi tiến đến phía vành móng ngựa. Mỗi bước chân tôi là mỗi ngại ngùng. Tôi tiến đến gần, đến gần Ninh hơn nữa. Kẻ sát nhân đây sao? Tên say rượu thô bỉ, kẻ cuồng dâm trâng tráo đây sao? Tôi đến đứng sau lưng Ninh, thấy rõ đuôi tóc hơi bẩn phía sau ót, cái cổ loang lổ lông beng và lưng áo sơ mi dơ của anh ta. Sao hắn không quay lại? Hắn sợ? Hắn bất chấp? Hắn đang nghĩ gì? Những băn khoăn rối rắm ấy làm cho cách trả lời của tôi thiếu hẳn mạch lạc và dĩ nhiên ông chánh thẩm không mấy bằng lòng. Rồi tòa gọi luôn cả Ly. Con bé bối rối, nửa mừng rỡ vì được đến đứng bên cạnh tôi, nửa sợ hãi vì đến gần anh hạ sĩ. Đó là chưa kể sự trì kéo co cưỡng của Ty và Nô. Giải pháp cuối: Tín đành phải dắt cả ba chị em đến đứng bên tôi. Trọn gia đình tang tóc mặc áo sô trắng xếp hàng sau lưng kẻ gây tang tóc.
Trong đám khán giả nổi lên đôi tiếng suýt xoa. Thừa phát lại gọi tiếp các nhân chứng khác ra trình diện. Tôi hơi ngạc nhiên thấy họ phải đứng bên ngoài, và được quân cảnh ở cửa hông trái dẫn vào từng người một. Hai người chứng đầu là hàng xóm của tôi. Tiếp theo là một trung sĩ và một thiếu úy quân cảnh. Ba người lính bộ binh tôi còn nhớ mặt nhưng không biết đã gặp họ tại đơn vị nào. Hai vợ chồng già nói tiếng Quảng nam là cha mẹ của Ninh. Một trung úy bác sĩ… Họ đứng xếp hàng sau lưng chúng tôi, nhưng trừ Ty và Nô tò mò quay lại, không ai dám nhìn ngoái về phía sau.
Khi đã kiểm đủ mặt, ông chánh thẩm bảo:
– Các nhân chứng thuộc gia đình nạn nhân được xem như nguyên cáo, có thể ở lại. Các nhân chứng khác hãy ra ngoài. Khi nào cần, tòa sẽ cho mời.
Người lính quân cảnh bên cửa trái dẫn các nhân chứng sau lưng chúng tôi trở lại phía hiên. Chúng tôi cũng được trở về chỗ cũ. Lúc tôi quay lưng, hình như Ninh cũng định rời vành móng ngựa nhưng người lính quân cảnh nắm vai giữ Ninh lại, đưa đến đứng sát thành gỗ hơn.
Chờ cho các nhân chứng khác ra khỏi hội trường, ông chánh thẩm truyền lục sự đọc cáo trạng. Viên thiếu úy đứng dậy, lớn tiếng đọc rõ:
“Bản cáo trạng do ủy viên chính phủ tòa án quân sự mặt trận quân khu… lập ra.
I. Chỉ rõ về bị can Trần văn Ninh.
Cấp bậc hạ sĩ nhất, số quân 72/4l0003 thuộc… K.B.C 4562 sinh năm 1952 tại Đà nẵng, con ông Trần Viết Tích và bà Nguyễn thị Thỏa, can tội: Toan hiếp dâm và cố sát có dự mưu.
Chiếu trực tố lệnh số…ngày…
Chiếu điều… luật số…ngày…
II. Trần thuật vụ án.
Đêm 17-5 năm 197… tại…, bị can Trần văn Ninh sau khi uống rượu say sưa đã lái xe về nhà chỉ huy trưởng đơn vị của mình là thiếu tá Lê văn Lộc, tự tiện vào phòng vợ thiếu tá Lộc là bà Trần thị Thúy, toan tính hiếp dâm. Nạn nhân kháng cự nên bị can đã bóp cổ bà Trần thị Thúy chết tại chỗ. Bị can bị bắt liền sau đó khi lái chiếc xe Jeep của thiếu tá Lộc toan bỏ trốn.
Tại tiểu đoàn quân cảnh điều tra tư pháp:
Hạ sĩ TRẦN VĂN NINH:
Khai buổi tối 17-5 khoảng chín giờ, bị can có lấy chiếc xe Jeep của thiếu tá Lộc đi chơi quanh phố, vô tình gặp ba người bạn là Lê Trọng Luật, Phan Thành Tiên và Trần Xuân Thành. Ba người bạn mời bị can đi nhậu. Bị can từ chối, nhưng bị ép quá, nên có vào quán uống Coca pha rượu đế. Đến mười giờ, thấy choáng váng muốn mửa, bị can đòi về. Luật và hai người bạn kia đùa giỡn quá trớn, buộc bị can uống thêm một ly đế không pha Coca rồi mới cho về. Bị can uống hết ly đế, rồi lái xe về.
Đến nhà, bị can còn tỉnh táo, sợ làm phiền bà thiếu tá nên gõ cửa gọi nhỏ “Ly, Ly”, để nhờ đứa con gái đầu bà thiếu tá mở giùm cửa. Nhưng khi cửa mở, bị can thấy chính bà Lộc mở cửa cho mình. Bị can thú nhận lúc đó thấy bà Lộc quá đẹp, nhất là xúc động vì lời khuyên trìu mến của bà. Bị can về căn gác nhỏ trên nhà bếp, nơi ông bà thiếu tá dành riêng cho bị can mỗi khi bị can ở lại ngoài trại. Độ mười lăm phút sau, bị can thấy xốn xang nóng nảy, muốn tìm xuống phòng bà Lộc nói chuyện. Lúc bị can vào phòng, bà Lộc đang nằm ở mép giường, phía trong là hai đứa nhỏ tên Ty và Nô. Bà Lộc giật mình thức giấc. Bị can sợ, ú ớ nói chuyện gì đó không nhớ được. Bà Lộc ngồi dậy xô bị can ra khỏi phòng. Bị can nắm hai tay bà Lộc, muốn xin lỗi nhưng chưa kịp nói thì hai đứa nhỏ đã khóc lớn. Trong lúc hốt hoảng, bị can có la lớn cho hai đứa nhỏ sợ, và bụm miệng bà Lộc kéo sang buồng bên cạnh để giải bày. Bà Lộc vùng vẫy, nhiều lần tìm cách thoát khỏi bàn tay bị can để la. Bị can càng hốt hoảng hình như có nắm tóc và bụm miệng bà Lộc chặt hơn. Sau đó, bị can nhớ hình như có thả tóc bà Lộc và giữ chặt cần cổ. Bà Lộc càng ngày càng bình tĩnh, bớt chống cự. Bị can cũng tỉnh táo hơn, tưởng có thể thả bà Lộc ra mà xin lỗi. Nhưng chính lúc đó, bị can mới biết mình đã bóp cổ chết bà Lộc. Bị can thú nhận sợ quá, đặt bà Lộc xuống nền nhà, ra đường lấy xe chạy trốn. Bị can không nhớ mình đã lái  xe như vậy bao lâu. Đến một ngã tư hơi tối, vì vừa muốn mửa, vừa muốn khóc, bị can dừng xe lại. Xe tuần cảnh sau đó đến bắt bị can đưa về.
Nhân chứng Trần Thái, 47 tuổi, làm nghề thầu khoán ở nhà số 51 Phan Đình Phùng khai: Vào khoảng 11 giờ đêm 17 tháng 5, nhân chứng nghe tiếng một đứa con gái ở nhà đối diện bên kia đường kêu cứu một cách hốt hoảng. Nhân chứng khai với quân cảnh tư pháp rằng lúc nghe tiếng hô hoán, mà nhân chứng biết rõ là của đứa con gái đầu lòng bà chủ nhà đối diện, nhân chứng vội mở cửa ra đường.
Biết nhà số 42 có việc cấp cứu, nhân chứng đã tông cửa vào trong, thấy bé gái tên Ly nét mặt thất thần đang kêu la, và thấy nạn nhân đang nằm trên nền nhà. Không biết lý do ra sao, nhân chứng có lay hỏi bé gái, nhưng nó quýnh quá không nói được câu nào. Biết tính mệnh nạn nhân đang lâm nguy nhưng vì trong nhà không có ai, nên nhân chứng trở ra đường đập cửa các nhà lân cận để các bà đến giúp việc cấp cứu. Khi nhiều người vào nhà số 42, xác nhận bà Thúy đã chết, nhân chứng vội nghĩ đến việc báo cho cơ quan an ninh biết. Nhân chứng đã lấy xe gắn máy lên đồn quân cảnh.
Trung sĩ quân cảnh Lê văn Kha khai:
Lúc 11 giờ kém 5, trong lúc đang trực tại đồn, có một người đàn ông tên Trần Thái đến báo cho biết có vụ án mạng vừa xảy ra ở số nhà 42 đường Phan Đình Phùng. Nhân chứng vội tập họp quân cảnh trong đồn đến ngay phạm trường.
Trong hồ sơ cảnh trạng, nhân chứng ghi nhận được các điểm sau đây:
Nạn nhân: tên là Trần thị Thúy. 32 tuổi con ông Trần Đình và bà Từ thị Mẫn, chánh quán…, trú quán…, là vợ của thiếu tá Lê văn Lộc, thuộc KBC… ngụ tại số nhà 42 đường Phan Đình Phùng cùng với 4 con.
Cảnh trạng:
Nạn nhân nằm ngửa, quần áo nhầu nhò, hai nút áo trên bị bật tung, đầu hướng về phía cửa sổ phòng khách cách tường độ 1 mét. Mặt nạn nhân hơi áp nghiêng xuống nền nhà, mắt mở, nước bọt trào ra ở miệng. Hai tay và hai chân dang rộng như người đang nằm ngủ. Nạn nhân chết cách đó không lâu, vì lúc 11 giờ 30 tuy thân thể lạnh nhưng chân tay còn mềm (kèm theo ảnh).
Thiếu úy quân cảnh Hồ Châu, 25 tuổi. Số quân… KBC… khai rằng: Lúc 11 giờ 15 được trung sĩ Kha báo có vụ án mạng ở nhà một sĩ quan cấp thiếu tá, nhân chứng vội dùng điện thoại chỉ thị cho các toán tuần cảnh lưu động truy tầm chiếc xe Jeep do quân nhân tình nghi bị can lái bỏ trốn. Lúc bấy giờ, đã đến giờ giới nghiêm nên công việc của các toán tuần cảnh khá dễ dàng. Thiếu úy Châu cũng khai là đích thân lái chiếc xe tuần cảnh có hệ thống liên lạc truyền tin Motorola với hai người lính chạy quanh phố truy tầm hung thủ. Đến ngã tư Lê Thánh Tôn – Huỳnh Thúc Kháng, nhân chứng thấy có một chiếc Jeep đậu bên lề, trong khi các nhà lân cận đều kín cửa. Thấy khả nghi, nhân chứng dừng xe lại. Trong xe không có ai. Nhưng ngay bên lề đường, có một quân nhân ngồi chồm hổm, đầu gục vào bánh sau. Nhân chứng hô cho quân nhân đứng dậy trình giấy tờ. Quân nhân lái xe vâng lời, thẻ căn cước quân nhân đề tên Trần văn Ninh, số quân… KBC… Đưa thẻ căn cước xong, Hạ sĩ Ninh tự động đưa hai cổ tay ra trước chờ còng. Quân cảnh thi hành phận sự. Lúc đưa bị can lên ngồi ở băng sau xe tuần cảnh, bị can muốn mửa, hơi rượu còn nồng.
Các nhân chứng:   
Lê Trọng Luật..
Phan Thành Tiên…
Trần Xuân Thành…
Xác nhận cùng bị can đi nhậu đêm 17-5. Nhưng ba nhân chứng nói trên khai rằng: Cuộc nhậu không có gì lạ, bốn người chỉ hỏi thăm tin tức và công chuyện trong trại. Ngoài ra không có gì để đùa giỡn quá trớn. Lúc ra về, tuy hạ sĩ Ninh có uống một ly đế thật, nhưng ba nhân chứng xác nhận bị can vẫn còn tỉnh táo, bộ đi tự nhiên vững chãi
Nhân chứng Lê văn Lộc, cấp bậc thiếu tá,… khai đã quen biết với bị can từ hai năm nay. Vì thấy bị can hiền hòa, tháo vát, nhất là có học thức, nên vẫn giữ hạ sĩ Ninh làm tài xế cho mình như vị thiếu tá tiểu đoàn trưởng tiền nhiệm. Ngoài tình thân giữa chỉ huy trưởng và thuộc hạ, nhân chứng còn coi bị can như một người em trong gia đình. Cả bà thiếu tá Lộc cũng vậy. Cho nên khi cả tiểu đoàn lên dự trận ở Cao nguyên, nhân chứng đã để bị can nơi hậu cứ giữ việc liên lạc tiếp trợ.
Nhân chứng cương quyết xác nhận bị can không phạm pháp vì tiền. Bị can thuộc gia đình giàu có.
Nhân chứng cũng cương quyết bác bỏ giả thuyết cho rằng bị can giết người vì cách đối xử tàn tệ của gia đình nhân chứng đối với bị can. Ngoài ra, nhân chứng không dám nghĩ đến giả thuyết nào khác để giải thích hành động sát nhân.
Ghi rằng:
Theo y chứng của bác sĩ, nạn nhân bị chết vì ngộp thở. Có nhiều dấu vết cào cấu làm rách da ở vai và ngực, nhất là có nhiều vết bầm ở cổ.
Ngoài ra, không có dấu vết gì chứng tỏ nạn nhân bị hiếp trước khi bị giết.
(Y chứng và tờ khai tử đính kèm)
III. Kết luận:
Xét rằng: Do các hành vi ấy, bị can Trần văn Ninh bị cáo về tội:
Toan hiếp dâm và cố sát có dự mưu bà Trần thị Thúy. Tội phạm ấy dự liệu và trừng phạt do các điều 68, 280, 282 và điều 302 bộ Hoàng Việt Hình Luật.
Làm tại phòng công tố tòa án quân sự mặt trận quân khu… ngày…
TL Ủy viên chính phủ.
Phó Ủy viên chính phủ.
Trung úy Trương Thanh Trì.

Comments are closed.