Gặp thơ Lê Đạt và gặp Lê Đạt

Hà Nhật

 

Một sáng đầu thu 1956, tôi đến trường, chuẩn bị vào lớp thì thấy ở đầu ngã tư, có rất đông người túm tụm quanh một người bán báo dạọ. Không biết báo gì mà khiến người ta phải chen như thế, điều chưa từng có! Tôi cũng len vào, mua thử một tờ xem sao. Đó là tờ báo Nhân Văn số 1.

Trước hết, đọc ngay trang đầu: một bài thơ rất dài, lại còn có “xem tiếp trang sau”. Quả là chưa từng thấy. Thơ lại viết theo kiểu câu dài câu ngắn không theo luật lệ nào. Xong bài thơ lại còn một khúc “tái bút” khá dài, chưa ai từng làm. Nhan đề của bài thơ đập ngay vào mắt người đọc: Nhân câu chuyện mấy người tự tử. Quả là một cái nhan đề kinh khủng.

Tác giả bài thơ là một nhà thơ quen thuộc: Lê Đạt.

Tôi nhớ rằng, chiều hôm đó, tôi về gặp nhà thơ Nguyễn Bính ở báo Trăm Hoa, kể lại sự việc này, cùng với nỗi ngạc nhiên của mình. Anh Bính buông ngay một câu:

– Thì là tiếng chuông cứu khổ cứu nạn mà!

Thật ra thì trước khi đọc bài thơ này, tôi đã từng đọc một bài thơ tuyệt hay của Lê Đạt, trên một tờ báo Văn Nghệ, bài thơ Cha tôi.

Viết về cha mình, thực ra Lê Đạt muốn viết về một thời đã qua, của mình, cũng là của cuộc đời, của mọi người nói chung, một thời để kiêu hãnh, mà cũng là để đau thương:

Đất quê cha tôi

                   đất quê Đề Thám

Rừng rậm sông sâu

Con gái cũng theo đòi nghề võ

Ngày nhỏ

         cha tôi dẫn đầu

                               lũ trẻ đi chăn trâu

Phất ngọn cờ lau

Vào rừng Na Lương đánh trận

Mơ làm Đề Thám

Đẹp biết bao, những giấc mơ thời trẻ. Ai mà chẳng từng mơ! Nhưng giữa những giấc mơ và cuộc đời là cả một trời xa cách. Nhất là vào những năm tháng ấy. Cái gì đã khiến cho những giấc mơ không thể cất cánh bay lên? Không gì khác. Chính là gánh nặng áo cơm, nhất là chuyện áo cơm cho vợ cho con. Có ai bắt mình đầu hàng, chính là những thứ ấy khiên cho mình phải đầu hàng. Đầu hàng mà đau lắm, nhục lắm:

Cha tôi không dạy tôi làm thơ nữa

Người còn bận đếm tiền

                               ghi sổ

Thỉnh thoảng nhớ những ngày oanh liệt cũ

Một mình uống rượu say

Ngâm mấy câu Kiều

                             ôm mặt khóc

Tỉnh dậy

            lại loay hoay

                                ghi sổ

                                            đếm tiền

Hai vai nhô lên

Đầu lún xuống

Như không mang nổi cuộc đời

Những câu thật xót xa cho kiếp người, nhất là cho kiếp người trí thức thời ấy. Hình như ai cũng nhận ra mình. Rồi bài thơ kết thúc, bằng những câu như trút ra từ tim:

Những mơ ước thời xưa

                                  như con chim gẫy cánh

Rũ đầu chết ngạt trong bùn

Năm tháng mài mòn

                                    bao nhiêu khát vọng

Cha đã dạy con một bài học lớn

Đau thương

                  kiên quyết làm người

Kiên quyết làm người! Nhưng làm người là làm gì bây giờ? Cái khoảng trống nguy hiểm là chỗ đó.

Có thể nói bài thơ đã có một tiếng vang rất lớn vào lòng người đọc, nhất là giới trí thức và văn nghệ sĩ. Lúc này cũng là khoảng thời gian mà tập thơ của một nhà thơ nổi tiếng vừa được xuất bản. Giáo sư Trương Tửu, trong một giờ lên lớp, đã tuyên bố:

– Cả tập thơ… chẳng là gì cả nếu đem nó đặt cạnh bài thơ Cha tôi của Lê Đạt.

Sau này, chắc hẳn từ câu nói này, cùng với những điều mà ông viết trong mấy tập Giai Phẩm mùa thu rồi mùa đông, Giáo sư Trương Tửu đầy sức lôi cuốn, đã phải làm cuộc biệt ly không ngày trở lại với cái ghế trên giảng đường của mình, để trở thành một nhà châm cứu nổi tiếng trong ngôi nhà của ông trên phố Hàng Gà!

Thật ra, bài thơ Cha tôi chỉ là sự khởi đầu, bùng nổ chính là bài Nhân câu chuyện mấy người tự tử. Mọi tai vạ đến với anh cũng từ bài này.

Thật ra thì bài thơ bắt đầu cứ nhẹ như không:

Báo Nhân Dân số 822

Có đăng tin mấy người tự tử

Vì câu chuyện tình duyên dang dở

Trưa mùa hè nóng nung như lửa

Tôi ngồi làm thơ

Vừa giận vừa thương những người xấu số

Chân chưa đi hết đường đời

Đã vội nằm dưới mộ.

Tuy nhiên, từ cái việc nhân câu chuyện ấy mà Lê Đạt muốn đi đến tận cùng:

Chết là hết

Hết đau hết khổ

Nhưng cũng là hết vầng trăng soi sáng trên đầu

Hết những bàn tay e ấp tìm nhau…

Cố gắng tìm tận cùng nguyên nhân, Lê Đạt đã viết những câu thơ thực sự “chết người”:

 … Anh công an nơi ngã tư đường phố

Chỉ đường cho

xe chạy

xe dừng

Rất cần cho luật giao thông

Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người

Bắt tình cảm ngược xuôi

Theo luật lệ đi đường nhà nước

Có thể gây nhiều đau xót

ngoài đời

Không còn gì mà bình luận nữa!

Thật ra thì trong khoảng thời gian này, tôi chưa có quen biết gì anh Lê Đạt, tuy tôi đã bị coi là “thuộc loại bất hảo” vì có bài trong Đất mới tập 2, chưa kip ra thì đã bị thu ngay bản thảo.

Chính Nguyễn Bùi Vợi là người đầu tiên đưa tôi đến gặp Lê Đạt. Lúc này Vợi đã có tập thơ được in ở một nhà xuất bản có cái tên độc đáo: Nhà xuất bản Thép. Tập thơ của Vợi còn được điểm tên trên một tờ báo Nga là tờ Tin tức Mạc tư khoa (bản tiếng Pháp là Les nouvelles de Moscou). Chính Vợi đã kiếm được tờ báo này để đem khoe với hai đứa Phùng Quán và Hà Nhật!

Ngày tôi được Vợi đưa đến nhà Lê Đạt là lúc vợ chồng anh đang ở nhờ (hay thuê) một khoảng nhỏ trong một căn nhà trên phố Mai Hắc Đế, cùng với đứa con gái nhỏ mới sinh mấy tháng, cháu Thiên Nhiên (chống công thức mà!). Tôi hay bế cháu và nhiều lúc để cháu “tè” ra ướt hết. Vợ anh Đạt tên là Thúy, diễn viên kịch nói. Chị Thúy cùng tuổi với tôi, nhưng “vợ Tiên là Trực chị dâu” nên tôi luôn luôn gọi là chị, đến khi về già cũng vậy. Từ phố Mai Hắc Đế, vợ chồng Lê Đạt chuyển đến ở nhờ nhà Trần Dần tại một phố gần ga Hàng Cỏ, sau đó thì không biết nhờ đâu, hai người chuyển đến một ngôi nhà khá rộng rãi trên phố Lãn Ông, gần đối diện với ngôi nhà mà anh chị ở, rồi thêm hai đứa con, cho đến tận sau này.

Cũng cần biết một chút, Lê Đạt vốn không phải người chuyên làm thơ. Anh học trường Tây, đỗ tú tài Tây, theo cách mạng, trở thành thư ký cho một vị được kể vào hàng lãnh tụ nước nhà thời kỳ đó. Ai ngờ, đến khi đi theo con đường văn chương, anh lại là người như vậy.

Sau chỉnh huấn, Lê Đạt bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, cùng với những “tên Nhân Văn Giai phẩm” khác như Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm…

Ở nhà, bị “treo bút”, những người ấy đâu có ngừng bút. Một hôm, chính Nguyễn Bùi Vợi chép tay rồi mang lại cho tôi chép vào sổ tay, một bài thơ của Lê Đạt, có cái tên khá lạ: Cửa hàng Lê Đạt.

Không biết theo cách nào, ông Xuân Diệu cũng có một bản như vậy, để rồi sau đó có một bài viết của Xuân Diệu trên báo Văn Nghệ, vùi dập không xót thương!

Rồi Lê Đạt đi “lao động thực tế”, cùng với những Trần Dần, Phùng Quán…

Dạo đó, mỗi lần từ trường học ở Cầu Giấy về, vì gần chỗ tôi trú ngụ, lần nào tôi cũng tạt qua chỗ mẹ con chị Thúy. Thỉnh thoảng cũng ghé thăm chỗ chị vợ anh Trần Dần. Chẳng làm được gì, chỉ đê yên tâm rằng các chị vẫn khỏe, các cháu vẫn yên bình.

Những năm ở Quảng Bình, hầu như năm nào tôi cũng có ra Hà Nội. Rồi vào Sài Gòn, thỉnh thoảng cũng có dịp ra Hà Nội, Mỗi dịp ấy, tôi đều ghé nhà Lê Đạt. Rồi thế nào, sau ngày đó, cháu Uẩn, con út của anh Đạt, cũng đi sang nhà tôi ở Phố Hàng Gà để nói:

– Bố cháu mời chú Hà Nhật sang xơi cơm ạ!

Thời cả nước cực khổ vì cấm vận và bao cấp, hầu như tôi không ra Hà Nội được lần nào. Chỉ có một lần, được trường cử đi họp, tôi đi Hà Nội cùng với anh bạn Tươm Bùi. Nhân một ngày nghỉ, tôi đưa Tươm đến thăm họa sĩ Bùi Xuân Phái rồi từ đó qua nhà Lê Đạt. Ngồi nghe anh Đạt nói chuyện một lúc, đến lúc trên đường về, Tươm khâm phục thốt lên:

  Bị đánh đến thế, vùi dập đến thế, mà vẫn ngang tàng khí phách đến thế, thật đúng sĩ khí Bắc Hà!

Đã kể chuyện về Lê Đạt, tôi không thể không kể thêm về hai người: Trần Dần và Hoàng Cầm.

Nói thật là tôi không thân anh Trần Dần lắm, vì nhà anh khá xa nên cũng ít khi đến. Bởi vậy, lần này, trước khi rời nhà Lê Đạt, cho chắc ăn, tôi phải hỏi lại số nhà và tên phố.

– Cái phố ấy, cái nhà ấy, thì cậu biết rồi. Rồi cứ xem có ông nào đang đứng bán sách.

Hóa ra cái phố ấy, ngôi nhà ấy, tôi nhận ra ngay. Nhưng cái quầy để bán sách đâu? Cuối cùng, hóa ra chỉ có một cái bàn gỗ cũ con con, trên đó chỉ mấy quyển sách trẻ con, chắc là rẻ tiền để bán cho trẻ con. Nhưng nhìn ông già đứng cạnh thì chẳng có vẻ gì là Trần Dần. Tôi định lên tiếng hỏi: Cụ ơi, xin cho hỏi nhà ông Dần đây phải không ạ? Nhưng chưa kịp hỏi thì ông già vừa ngẩng mặt lên. Trần Dần đây rồi chứ ai nữa! Cái sẹo ngay giữa cổ ấy, cái vết sẹo như một dấu ngã hoa mỹ ấy, cái vết sẹo như dấu ấn một thời không thể quên ấy, chỉ là của Trần Dần thôi!

Còn với Hoàng Cầm thì tôi đã gặp lại hơn một năm trước đó, chính tại nhà Lê Đạt. Thời gian đó, bạn bè ai cũng biết nhà thơ vừa sáng tác xong tập thơ mà anh đặt tên là Về Kinh Bắc. Về Kinh Bắc chính là về với quê hương, vùng đất trù phú phía bắc kinh thành Thăng Long xưa, vùng đất của những cô gái đẹp từng như Chính phi Ỷ Lan (tựa gốc cây lan), của những hội hè đình đám, đặc biệt là nơi sản sinh ra một dòng dân ca tuyệt vời: Quan họ Bắc Ninh.

Về Kinh Bắc, Hoàng Cầm có những bài thơ thật sự là thơ hay. Lúc này anh không còn làm những bài thơ dài kiểu như bài Bên kia sông Đuống, mà là những bài ngắn, mỗi bài trọn vẹn môt tứ thơ. Nhân vật trữ tình xuyên suốt cả tập thơ là một cô gái Kinh Bắc xinh đẹp mà nhà thơ yêu như một người tình, nhưng lại cứ gọi là chị, bởi đó là một người chị họ.

Điều đặc biệt là, mỗi khi chép tặng ai, Hoàng Cầm luôn luôn chép tặng hai bài, và chỉ hai bài: Lá diêu bôngCỗ bài tam cúc. Có lẽ bởi đó là hai bài anh thích nhất trong tập thơ. Chữ viết của những bản chép tặng ấy thường là thứ chữ rất đẹp của Hoàng Cầm, tron trịa, rõ ràng, mà vẫn bay. Bài thơ này thì đến nay, chắc nhiều người còn nhớ, bài Lá diêu bông:

Váy Đình Bảng buông trùng cửa võng

Chị thẩn thơ đi tìm

Đồng chiều

Cuống rạ

Chị bảo đứa nào tìm được Lá Diêu bông

Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày em tìm thấy Lá

Chị chau mày đâu phải Lá Diêu bông

Mùa đông sau em tìm thấy Lá

Chị lắc đầu trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới chị em tìm thấy Lá

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con em tìm thấy Lá

Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn

Đúng là một bài thơ tuyệt hay, một thứ lá tuyệt vời! Ôi, Lá Diêu bông là lá gì mà khó tìm đến vậy?

Hơn một năm sau, tôi ra Hà Nội, đến chỗ Lê Đạt rồi định đến thăm Hoàng Cầm. Đó là thời gian mà Hoàng Cầm (cùng với Hoàng Hưng), vừa thoát cảnh “ăn cơm nhà nước ở nhà công, binh lính thay phiên để hộ tòng”. Biết nhà anh ở phố Lý Quốc Sư, nhưng tôi quên mất số nhà, thấy các ngôi nhà na ná nhau, tôi cứ băn khoăn nhìn tới nhìn lui, thì may, thấy có một người từ trong một căn nhà đi ra, tôi liền đến gần rồi hỏi nhỏ: ông làm ơn cho hỏi, ông có biết nhà ông Cầm ở đây là nhà nào không ạ?

May quá, tôi gặp được Hoàng Cầm. Việc này, về sau nhiều người còn nhắc lại, và gọi là vụ… Về Kinh Bắc.

Tôi lại xin ghi lại mấy câu thơ của Menelaos Loudemis:

Tôi sẽ gieo

Những mảnh

Của trái tim tôi tan vỡ

Cho các con tôi

Thấy lại nẻo đường

Có thể là hình ảnh về 2 người và mọi người đang đứng

Ảnh: Hà Nhật và hiền thê

Comments are closed.